Khó Nghèo Trong Đời Sống Tu Trì

Ngay từ đầu,
Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ bước theo Người
là đưa họ vào nếp sống khó nghèo,
tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa,
chia sẻ của cải với tha nhân
và phục vụ những người nghèo khổ
bằng một tinh thần dấn thân.

Giuse Trần Quang Chinh, SVD


DẪN NHẬP
Trong thế giới ngày nay, nhân loại đang tiến đến một nền kinh tế toàn cầu hóa, một nền kinh tế luôn thôi thúc và đẩy đưa con người chạy theo những lợi nhuận của quy luật: mạnh được yếu thua; tính liên đới trong truyền thống các gia đình ít được trân trọng và bảo tồn. Thay vào đó là mẫu gia đình hạt nhân, mạnh ai nấy sống. Từ đó nảy sinh tình trạng phân biệt đối xử ngày càng tăng, phân chia giai cấp ngày càng rõ rệt, nhân phẩm, nhân vị con người ngày càng bị hạ thấp, thước đo của nhân loại lúc này là: tiền tài, danh vọng, lạc thú và chức quyền. Xã hội dường như một phần nào đó khuyến khích, ủng hộ cho những xu hướng làm sao có nhiều của cải vật chất, tiện nghi để hưởng thụ. “Những kẻ muốn làm giàu, thì sa vào cám dỗ, với cạm bẫy, và lắm đam mê ngông cuồng tai hại, mà trầm luân diệt vong, hư khốn. Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ lạc xa đức tin và bị bao nỗi đau đớn xâu xé.”[1] Nhưng trong bối cảnh đó cũng còn nhiều người trẻ đã dấn thân trong đời sống thật có ý nghĩa nhất là trong đời sống tu trì.
Qua đó chúng ta thấy một đường con người ta đang sa đà vào những trào lưu hưởng thụ, đường khác con người cũng nhận thấy đi vào con đường đó sẽ đưa đến những hậu quả nào. Nên con người hôm nay vẫn tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề trên. Lời thánh Phaolô thật đúng cho mỗi người chúng ta: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, tôi lại cứ làm.”[2] Trước thực trạng đó của xã hội, là tu sĩ, chúng ta lựa chọn người nghèo để làm nỗi bật lên sứ mạng phục vụ bắt nguồn từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Và, chính khi phục vụ người nghèo, người bệnh, người kém may mắn…, tâm hồn người tận hiến được lớn lên trong tình yêu mến Chúa.[3] Chúng ta không thể bình chân như vại trước những diễn biến và trào lưu của một nền luân lý suy thoái, một nền văn hóa sự chết với một lương tâm chai lì và mù quáng của thực trạng xã hội được coi là tự do hiện nay. Vì thế, đời tu phải là những phản ánh rõ nét nhất về các giá trị Siêu Việt, nhằm đem lại cho nhân loại một giá trị đích thực, giá trị của Tin Mừng.
   Trong phạm vi bài viết này, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa đích thực của đức khó nghèo theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, khám phá lại tầm quan trọng của nhân đức này trong đời sống tu trì trong hoàn cảnh của thời đại. Những suy tư hướng về một tình yêu chân thật trong sự tăng trưởng, hòa điệu và tươi đẹp về nhân cách, mở ngỏ hướng về tha nhân trong sự trao hiến chính bản thân mình.
1. Cựu ước
Những cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh trình bày sự nghèo khó như một tai họa, vì vậy người ta luôn tìm mọi cách để giải quyết vấn đề nghèo khó. Một cách giải quyết vấn đề nghèo khó trong Israel, đó là năm toàn xá. Những ai vì túng thiếu, vì nợ nần chồng chất phải đi ở đợ... thì năm toàn xá họ được tha hết và được trở về đời sống xã hội, được hưởng thành quả do tay mình làm ra, người nghèo lấy lại được đất đai gia sản của mình. trong sách Xuất Hành người ta đã đặt luật cho vấn đề người nghèo “Người không được làm thiệt hại đến quyền lợi của người nghèo cậy nhờ ngươi, khi họ có việc kiện tụng.” (Xh 23, 6). Do đó phải bênh vực người nghèo trước tòa án, và giải phóng người nghèo là nói lên tình liên đới chung trong xã hội.
Các tiên tri là những người luôn quan tâm và bảo vệ những người nghèo, vì họ là đối tượng khai thác của những người giàu. Trong Khi đời sống xã hội đã được tổ chức trong một cơ cấu, đời sống kinh tế đã được định cư trên một vùng đất, thì các tiên tri xuất hiện để cảnh giác sự giàu có là một mối nguy, người ta có thể lãng quên Thiên Chúa. “Vì chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày” (Am 2, 6). Các tiên tri đã chiến đấu với việc lạm dụng quyền lực và sự xúc phạm đến công bình của xã hội, đó là tội lỗi. Nếu xúc phạm đến bất kỳ người nghèo nào trong dân Chúa là xúc phạm chính Chúa. Khi bảo vệ những người nghèo như thế, các tiên tri đã bắt đầu chú ý đến chiều kích thiêng liêng của sự nghèo khó. Sự nghèo khó đã có sự biến chuyển từ hiện tượng xã hội sang sự nghèo khó mang chiều kích thiêng liêng và ngày càng đề cao nơi những người đạo đức.[4]
Trong các Thánh Vịnh, sự nghèo khó cũng được đề cập đến sự giàu có như là phần thưởng Chúa dành cho những người công chính. Nhưng bên cạnh đó cũng có một lối nhìn về sự nghèo khó và có sự chiêm ngắm khuôn mặt của những người nghèo: những con người nghèo khó trong nỗi đau khổ của mình đã đặt sự tín thác nơi Thiên Chúa, bất chấp những cô độc thử thách. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn là một lời cầu nguyện của người nghèo: “Lạy Chúa, Ngài nỡ ruồng bỏ con sao?”[5] Một sự nghèo khó làm cho người ta tin tưởng phó thác, đem lại cho người ta một sự thanh thản bình an trong tâm hồn. “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhậm lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.”[6] Trước mặt Thiên Chúa, nghèo hèn không còn là một tủi nhục, nhưng là một niềm vui, người ta tán dương Thiên Chúa.
2. Tân ước
Cựu Ước cho thấy sự tiến triển từ sự nghèo khó xã hội sang sự nghèo khó tâm linh. Bước sang Tân Ước, khuôn mặt của người nghèo trở nên đáng chú ý. Trước hết, Chúa Giêsu của các trang Tin Mừng là một Chúa Giêsu nghèo hèn, những trình thuật về cuộc đời thơ ấu của Ngài cho thấy sự lựa chọn của Chúa Giêsu đối với sự nghèo khó.[7]
2.1. Khó nghèo của Chúa Giêsu
Khó nghèo Tin Mừng được khởi đi theo khuôn mẫu của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã mặc lấy thân phận con người sinh ra tại một làng quê nghèo Nazarét. Chính ngài đã chọn số phận mình ở trần gian và bắt đầu cuộc sống trong một cảnh tuyện đối cùng cực trơ trụi. Ngài đã phải sống như một kẻ lưu đày ở Ai Cập, và sau đó Ngài cũng phải vất vả lao động làm việc kiếm ăn.[8]
Khuôn mặt của người nghèo trở nên đáng chú ý. Trước hết, Chúa Giêsu của các trang Tin Mừng là một Chúa Giêsu nghèo hèn, những trình thuật về cuộc đời thơ ấu của Ngài cho thấy sự lựa chọn của Chúa Giêsu đối với sự nghèo khó. Trong các giáo huấn của Ngài, Ngài cho thấy sự nghèo khó đồng nghĩa với tự do. Trong Mt 8, 20: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có nơi tựa đầu.” Con người của Đức Giêsu trở thành con người của sự tự do, hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
   Suốt cuộc đời Đức Giêsu Nazarét cho thấy Người sống quảng đại và từ bỏ, cũng như nghèo khó vì chúng ta. “Quả thật, anh em biết ân đức của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô: Người vốn giàu có, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để nhờ cái nghèo của Người anh em được trở nên giàu có” (2Cr 8, 9). Người đã mặc lấy thân phận tội lỗi của chúng ta qua việc nhập thể và sự tự hạ mình thành tôi tớ của Thiên Chúa. Qua sự vâng phục và bằng lòng chịu chết trên thập  giá. “Đức Giêsu Kitô bản thân vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang mặc lấy thân tôi đòi, trở nên giống phàm nhân. Người đã tự hạ mình xuống vâng lời cho đến nỗi phải chết, mà chết trên thập tự.”[9]
   Qua cảnh túng nghèo Chúa Giêsu đã tỏ rõ hạnh phúc đích thực và sung mãn của mình. Người là Thiên Chúa, vẫn luôn luôn chiếm hữu và vui hưởng chính mình, Người không cần vật gì và không cần đến ai cả. Nhưng Ngài đã tình nguyện sống khó nghèo, vì Người không muốn vướng mắc và lệ thuộc vào gì cả.[10] Từ đó cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã sống cái nghèo của mình đến tận cùng như sự tự hủy. Ngài đã trở nên nghèo khó để chúng ta được trở nên giàu có. Đó là lời thánh Phaolô gởi cho hết mọi người chúng ta. Sống nghèo khó là để thăng tiến đời sống của con người trong chiều kích tâm linh, giúp con người ý thức mình nghèo khó trước mặt Thiên Chúa và được trở nên giàu có nhờ tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu sống nghèo vì Ngài muốn liên kết chúng ta là những con người mà Ngài muốn loan bào ơn cứu độ. Ngài không lên án, không khai thác những người nghèo. Ngài đến để chia sẻ nỗi băn khoăn lo lắng của con người, công bố cho chúng ta biết là những con người hạnh phúc.
   Cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự cổ vũ cho sự nghèo khó, giúp cho những người sống đời thánh hiến ngày càng kết hợp với sự nghèo khó hơn. “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”[11] Sự lựa chọn của Đức Giêsu trong cuộc sống khó nghèo, cho thấy Ngài chính là Đấng Cứu Thế. Vì khuôn mặt của Đấng Cứu Thế đã được loan báo là khuôn mặt của người nghèo khó. Chính cuộc sống của Đức Giêsu đã hoàn tất những lời tiên tri, hoàn tất ý định của Thiên Chúa.
2.2. Khó nghèo của Đức Maria
Đối với chúng ta, Đức Maria là gương mẫu sự khó nghèo Tin Mừng. Tiên vàn Mẹ là người nghèo của Giavê. Chúng ta chiêm ngắm sự khó nghèo của Đức Maria như một trong những đặc tính căn bản giúp Mẹ đón nhận và thuộc về Nước Thiên Chúa.[12] Đức Maria được đưa vào Tin Mừng như một người phụ nữ làng quê đơn sơ khiêm hạ, là chia sẽ hoàn cảnh và thân phận người phụ nữ thời của Mẹ. Mẹ không thuộc tầng lớp có địa vị cao trong xã hội. Mẹ sống trong một thị trấn nhỏ bé Nazarét tầm thường, như người ta vẫn nói: “Từ Nazarét, làm sao có cái gì hay được?”[13] Nhưng Nước Thiên Chúa là Tin Mừng cho người nghèo, bắt đầu với người phụ nữ, Đức Maria là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng.[14]
Chúa Giêsu đã tuyên bố trong bài giảng, quen được gọi là bài giảng trên núi, khởi đầu cho công tác rao truyền Tin Mừng của Ngài cho nhân loại. “Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó”. Trong kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”, Đức Maria đã nói về địa vị cao trọng của những người nghèo như sau: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.”[15] Trong suốt cuộc đời Mẹ Maria đã sống khiêm nhường khó nghèo để luôn được Thiên Chúa chúc phúc, và hơn nữa để cho chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, chương trình đảo lộn trật tự: “Kẻ sau hết sẽ nên trước hết” được thể hiện.
Hãy theo dõi bước chân Đức Maria trong cuộc hành trình mỏi mệt trên con đường đi về Bêlem với phương tiện di chuyển của những người nghèo trong lúc bụng mang dạ chửa. Hãy lắng tai nghe những lời của các chủ quán trọ tại Bêlem khước từ và có lẽ cả những lời xua đuổi đôi vợ chồng trẻ nghèo nàn, mà người vợ lại đến ngày sinh. Hãy cảm thông với tâm tính của một người mẹ phải sinh con trong hang bò lừa và phải đặt con trong máng cỏ. Tất cả đều do nguyên nhân nghèo. Rồi khi dâng của lễ chỉ gồm có đôi chim bồ câu trong nghi thức dâng con trong đền thánh. Nghèo trong cuộc đời di cư trốn sang Ai Cập tị nạn, nghèo trong cuộc sống gia đình làm nghề thợ mộc, nghèo trong những bước đi nặng nề theo chân con đang vác thánh giá lên đồi Canvê, để chịu chết treo như tên phản trắc xưng vương nổi loạn.
Theo trình thuật truyền tin trong Tin Mừng Luca, Đức Maria được loan báo về sự kiện triều đại Thiên Chúa đến cùng với Mẹ thụ thai người con, Người Con ấy sẽ trở nên cao cả, và là Con của Đấng Tối Cao: Ngài sẽ nhận được ngai vàng của Đavít, tổ phụ Ngài, và sẽ cai trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại ấy sẽ vô cùng vô tận (Lc 1, 32-33).[16] Theo Thánh Luca, Đức Maria thuộc hạng người khiêm nhường mà Thiên Chúa đã ca tụng: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Này từ đây mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.”[17] Khi dùng từ “phận mọn hèn” và “phận nữ tỳ” nghĩa là nữ nô lệ, để chỉ Đức Maria, thánh Luca nối kết Mẹ với ký ức của nhóm người nghèo vốn gợi lên những thời kỳ đen tối của người Do Thái thời đó. Đức Maria chúc tụng Thiên Chúa về những ân huệ đã nhận được. Qua đó nói lên tình thương đặc biệt Thiên Chúa dành cho những ai kính sợ Người, cho những kẻ khiêm nhường và nghèo đói.[18]
Công đồng Vaticanô II đã diễn tả về Đức Maria như sau: “Ngài trỗi vượt trong số các kẻ khiêm nhu và người nghèo của Chúa, những người trông đợi và lãnh nhận ơn cứu độ từ nơi Chúa trong niềm tin tưởng tín thác” (LG 55). Vì lẽ Mẹ là người nghèo, nên khi sứ thần Gabriel loan báo Thiên Chúa đem cho Mẹ tin vui: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!” Mẹ là người đầu tiên trong số những người nghèo đã đón nhận tin vui, Tin Mừng.[19]
Trong Tin Mừng Mátthêu và Luca trình bày Đức Maria như người phụ nữ, trinh nữ và người mẹ. Nơi Mẹ thụ tạo mới của Thiên Chúa, Triều đại Thiên Chúa thời cánh chung được khai mạc nhờ Vương Quyền Đấng Cứu Thế của Con Ngài. Mặc dù không đề cập cách rõ ràng, Đức Maria vẫn được hiểu như Evà mới: bởi quyền năng Thánh Thần, lòng dạ mẹ đã sinh ra nhân loại mới. Triều đại Thiên Chúa khởi đi từ  dáng vẻ của người phận nhỏ, người nghèo và người khiêm nhường. Đó là Vương Quốc được loan báo và được khởi đầu trong nghèo khó và khiêm nhường, cho người nghèo và người khiêm nhường. Hình ảnh Đức Maria hoàn toàn phù hợp với bối cảnh này. Mẹ là “nữ tỳ hèn mọn”, là người nghèo khó trinh khiết.[20]

2.3. Khó nghèo của thánh Giuse và các Tông đồ

Thánh Giuse sống khó nghèo

Nhìn vào cuộc sống của gia đình Nazarét, chúng ta thấy thánh Giuse đã sống một cuộc sống khó nghèo về vật chất và tinh thần cùng với Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Thực vậy, Chúa Giêsu không chọn cho mình một người cha giàu có, nhưng Ngài đã chọn thánh Giuse một người thợ mộc nghèo, dân dã. Cảnh nghèo này được thánh Luca mô tả qua trình thuật Giáng Sinh. Ở Bêlem thánh Giuse không có đủ tiền để thuê phòng trọ cho Đức Maria, khi Mẹ đến giờ mãn nguyệt khai hoa. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải sinh ra ở một nơi nào đó, bên vệ đường, nơi máng cỏ, trong gió sương vào mùa đông năm ấy. Và có lẽ những năm tháng nơi ngôi làng Nazarét, gia đình Thánh Gia đã sống một cuộc sống thanh bần và lam lũ như bao người dân bình dân khác. Ơ đó, thánh Giuse phải hy sinh lao nhọc để đủ lương thực cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Là một người công chính, chắc ngài cùng với Mẹ Maria cũng đã chia sẻ một cách quãng đại cho những người nghèo khổ hơn mình. Điều mà sau này Chúa Giêsu nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Một cuộc sống thành bần “đói cho sạch, rách cho thơn” này đã ăn sâu vào trong lối sống của Đức Giêsu: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng con người không có chỗ gối đầu.”[21]
Nhưng điều đáng bàn hơn vẫn là cuộc sống khó nghèo tinh thần của thánh Giuse. Ngài đã chấp nhận từ bỏ tất cả những kế hoạch riêng tư của cuộc đời, để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, hiến thân phục vụ chương trình cứu độ của Ngài. Giá trị của khó nghèo nơi cuộc đời thánh Giuse là vâng Ý Chúa, sẵn sàng quên mình vì Chúa và người khác qua sự sẻ chia cuộc sống, những ưu tư, những vui buồn với Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Nhờ thế, Ngài trở nên người giàu có về niềm vui, niềm hạnh phúc. Đời sống khó nghèo của thánh Giuse thể hiện một đời sống khó nghèo triệt để của Tin Mừng mà Chúa Giêsu sẽ rao giảng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ.”[22]
   Sư khó nghèo tuyệt thánh mà thánh Giuse đã sống được thể hiện nơi lối sống của Đức Kitô từ hơn hai nghìn năm trước, nay lại được đông đảo Kitô hữu bắt chước và noi theo. Điều đó thể hiện rõ trong giáo huấn của Công đồng Vaticanô II: “Nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là tài sản duy nhất và chân thật của con người. Được sống theo gương Đức Kitô, Đấng vốn “giàu sang phú quý đã tự trở nên nghèo khó” (2Cr 8,9), lời khấn thanh bần trở thành biểu tượng của sự trao ban bản thân trọn vẹn mà Ba Ngôi đã trao ban cho nhau.”[23]
Đời sống khó nghèo của thánh Giuse được thể hiện qua Giáo Huấn và cuộc đời của Chúa Giêsu và đến lượt những giá trị này trở thành gương mẫu cho người tu sĩ hôm nay. Đó là tiêu chuẩn giúp chúng ta có được đời sống nghèo khó thanh thoát và vui tươi, thoát ra khỏi những ràng buộc về tiền bạc vật chất, nhưng biết quãng đại sẻ chia cho người nghèo khổ. Hơn nữa, sống nghèo trong xã hội hôm nay là biết sống trung thực với những giá trị Tin Mừng và can đảm đi ngược dòng với những tiêu chuẩn, những mức thang giá trị của xã hội tiêu thụ.[24]

Các Tông đồ sống khó nghèo

Thời Giáo Hội sơ khai chúng ta thấy các tín hữu sống một cuộc sống siêu thoát. Mặc dầu các tín hữu rất đông đảo, nhưng chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì là của riêng mình, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung.[25] Các tín hữu một lòng một ý với nhau, tự ý chia sẻ của cải vật chất cho những anh chị em túng thiếu đang có nhu cầu. Thanh bần bảo đảm cho lời giảng của thánh Phêrô khi Ngài nói với người què: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” (Cv 3, 6) Thánh Phaolô đã tự lực cánh sinh và không làm phiền đến ai. “Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi loan báo Tin Mừng, tôi loan báo công không, chẳng tận dụng quyền Tin Mừng dành cho tôi.”[26] Vì đối với các Tông Đồ sống khó nghèo là phương cách giúp các ngài dấn thân loan báo Tin Mừng và thánh hóa bản thân.[27]
Trong Tin Mừng Máccô một lần nọ ông Phêrô lên tiếng thay cho các bạn đồng hành nói với Đức Giêsu rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.”[28] Nhưng Đức Giêsu đã giải thích bỏ mọi sự mà theo Thầy là vì Thầy và vì Tin Mừng. Những ai đi theo Đức Giêsu thì họ không còn tài sản riêng cho mình. Họ hoàn toàn chia sẻ hoàn cảnh của Đức Giêsu, Đấng mà họ theo và ở với Ngài. Nhưng sự nghèo khó ấy chỉ là bề nổi của việc từ bỏ mọi sự, bởi vì qua đó họ được kho báu trên trời.
Lời mời gọi bỏ mọi thứ lại đằng sau, cũng đòi hỏi chúng ta phải tin cậy, không sợ hãi. Nghĩa là chúng ta phải từ bỏ mọi sự an toàn và mọi lợi lộc trần gian. Với những ai được gọi và đáp lời, Chúa Cha sẽ ban cho họ Vương Quốc, ban cho gấp trăm lần. Theo nghĩa này, Đức Giêsu cho thấy lối sống của chính Ngài trong trần gian. Họ sẽ được ban cho gia đình mới, nhà cửa và gia sản mới trên trần gian này, cùng với những sự ngược đãi. Đức khó nghèo chỉ có thể tồn tại trong lãnh vực niềm tin và hy vọng.

II. Khó nghèo như là đặc sủng và trách nhiệm

Trong cuộc sống thường ngày sự nghèo khó không phải là một nhân đức cũng chẳng phải là một đặc sủng, nhưng đó là sự mất đi những gì không thuộc sở hữu của mình và giới hạn. Trái lại khó nghèo thực sự trở thành nhân đức khi chúng ta có lòng quảng đại đặt nhu cầu của người khác lên nhu cầu của mình.[29] Vì khó nghèo là một tinh thần chứ không phải là sự túng nghèo, những ai đã tình nguyện sống khó nghèo thì phải trung thực với ý chí tình nguyện của mình, nghĩa là phải coi trọng chính sự túng nghèo thực sự đúng mức, vì nó là một trợ lực rất hiệu nghiệm để chinh phục tinh thần khó nghèo.[30] Như vậy, điều cần thiết để nghiêm chỉnh đi tới hoàn thiện để đạt được hoàn thiện, là ly thoát khỏi mọi lưu luyến những gì không phải là Thiên Chúa mà đời sống tu trì phải cố gắng tiến đến.

1. Khó nghèo Tin mừng như một hồng ân

Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta rằng:
Tất cả các tín hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và theo đuổi sự trọn lành của bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tình cảm cho đúng đắn, đừng để cho việc của cải trần gian và sự dính bén với tiền tài nghịch lại tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, cản trở trong việc tìm kiếm tình yêu hoàn hảo, nhờ vào lời khuyên của thánh Tông Đồ: những ai đang hưởng dụng thế gian này, đừng dừng lại ở đó, vì bộ mặt thế gian đang qua đi.[31]
Nhưng nhạy cảm trước cái nghèo cũng chưa đủ, yêu thương người nghèo cách riêng chưa đủ, mà cần phải sẵn sàng sống nghèo giữa họ, chia sẻ mọi thứ của chúng ta và dùng hết khả năng của mình và cùng làm việc với họ. Vì chính Đức Giêsu Kitô đã làm như vậy khi Người chia sẻ thân thận con người, là Đấng giàu có, Ngài đã trở nên khó nghèo vì con người. “Người vốn dĩ giàu có, nhưng đã trở nên khó nghèo vì anh em, để nhờ cái khó nghèo của Người anh em được trở nên giàu có.”[32] Chúa không hạ giá hoặc loại trừ ai, nhưng Người vẫn ưu tiên chọn lựa người nghèo. Ai không có tinh thần nghèo khó thực sự, có thể biến cái nghèo thành cái giàu có cho mình.[33] Như vậy đi theo lối sống khó nghèo Tin Mừng là một hồng ân từ Thiên Chúa, một đặc sủng đích thực của Thần Khí. Hồng ân này phải được đón nhận với một tinh thần trách nhiệm và tự do.[34]
Những tu sĩ bước được mời gọi bước theo hay họa lại đời sống của Đức Giêsu. Ngay từ đầu Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ bước theo người là đưa họ vào nếp sống khó nghèo, hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chia sẻ của cải với tha nhân và phục vụ những người nghèo khổ bằng một tinh thần dấn thân. Điều này đã được diễn tả tuyệt vời trong đoạn Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu mời gọi người thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh mà cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi.”[35] Đức Giêsu cho rằng người thanh niên giàu có phải triệt để thay đổi đời mình bằng cách bán hết tài sản mình có chia cho người nghèo. Nhưng người thanh niên đã khước từ trước lời mời gọi của Đức Giêsu.[36]
Những người không theo lời Chúa Giêsu khuyên, thì dầu có sống một cuộc sống tốt lành đi nữa, cũng vẫn còn duy trì hoàn toàn quyền hưởng thụ của cải vật chất, đôi khi còn khao khát được nhiều của cải vật chất thêm nữa. Như vậy, họ không tự nguyện sống khó nghèo hiến dâng cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nêu rõ mục đích là theo sát bên Ngài và như vậy sẽ đạt tới hoàn thiện và hiến thân cho lợi ích Nước Thiên Chúa. Đây là khía cạnh tích cực của việc tận hiến cho Thiên Chúa trong tương quan với lời khấn khó nghèo.[37] Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng sống khó nghèo Tin Mừng là khả thi đối với những ai được Thiên Chúa ban ơn: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.” (Mt 19, 26).
Trong thư thứ hai gởi giáo đoàn Côrintô thánh Phaolô nói rằng: ân sủng, hồng ân hay đặc sủng của Chúa nhằm hổ trợ chúng ta, thì ở nơi Đức Giêsu, “vốn giàu có, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta” (2Cr 8, 9). Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng Ngài đã tự hủy mình ra không, trở nên giống chúng ta. Việc tự hủy này khởi đi từ chính Thiên Chúa. Vì Người yêu mến chúng ta nên Ngài đã phó mình cho ta. Khó nghèo mà Đức Giêsu đề nghị chính là một hồng ân Thần Khí ban cho những ai mà Ngài muốn ban cho khi nào hay ở đâu tùy ý Ngài. Do đó, kiểu khó nghèo này không nảy sinh từ ý muốn hay khát vọng của con người, mà là kết quả của một khởi hứng, một ân sủng mà ít người hiểu. “Người  Pharisiêu vốn ham mê tiền bạc, nên nghe tất cả những điều ấy thì cười nhạo Đức Giêsu.”[38]
Công Đồng Vaticanô II cũng nhắc đến mục đích của lời khấn khó nghèo như sau:
Tự nguyện sống khó nghèo để bước theo Chúa Kitô là dấu chỉ được quý trọng đặc biệt trong xã hội ngày nay, vì thế, các tu sĩ hãy chú tâm thực hành và biểu lộ đức khó nghèo bằng những hình thức mới, hợp theo hoàn cảnh sống. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng tuy giàu có, đã trở nên bần khổ vì chúng ta, để chúng ta được dư dật nhờ sự khó nghèo của Người (x. 2Cr 8, 9; Mt 8, 20). Nếp sống khó nghèo trong đời tu không chỉ hạn hẹp trong việc lệ thuộc bề trên khi sử dụng của cải, nhưng phải nghèo khó trong thực tế cũng như trong tinh thần để chỉ lo thu tích kho tàng trên trời (x. Mt 6, 20).[39]
Khó nghèo Đức Giêsu đề nghị cho các môn đệ Người trong Tin Mừng và là điều mà đời tu coi là nét riêng biệt, chính là một đặc sủng được ban trong thời kỳ Nước Thiên Chúa, thời của Giao Ước mới, khi người ta không còn thu tích của cải vật chất nhằm chạy theo những gì chóng qua. Thần tiền bạc không còn tương lai, nó đã bị kết án. Vậy để sống khó nghèo Tin Mừng thì những ai đến với Đức Giêsu và được Người quyến rũ thì sẽ nhận được hồng ân. Qua những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đối đầu nơi hoang địa đã được thuật lại cách mẫu mực. Qua đó tên cám dỗ thử xem Đức Giêsu có yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức không. Nhưng Đức Giêsu đã từ khước chúng và mọi quyền lực của ma quỷ. Người tuyên bố rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8). Như vậy, Đức Giêsu cho thấy Người yêu mến Thiên Chúa hết sức lực. Khó nghèo Tin Mừng xét như một đặc sủng chính là một hạt giống đang lớn dần lên và luôn được biểu lộ qua đời sống của chúng ta.[40]

2.  Khó nghèo Tin mừng như một lời đáp trả

Khi một tu sĩ tuyên khấn trước cộng đoàn, tôi tuyên khấn sống khó nghèo, người đó đã mang lại một dáng vẻ cho lời khấn duy nhất là yêu thương, giao ước và sứ vụ. Người này đã đáp trả một lời hứa sống từ bỏ, xem của cải vật chất như những phương tiện và trung gian cho tình yêu.[41] Như vậy mọi tu sĩ đều được kêu mời có bổn phận nên thánh và nên trọn lành trong bậc sống của mình. Do đó phải lưu ý trong việc sử dụng của cải vật chất và lòng quyến luyến giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo. “Phúc  cho những kẻ có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5, 3).[42]
Sự nghèo khó được diễn tả dưới sự từ bỏ, từ bỏ tất cả những gì là thế gian, sự giàu sang phú quý và những cám dỗ của nó. Từ bỏ như trong tinh thần của Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Đó là sự từ bỏ để rồi lãnh nhận từ Thiên Chúa sự ân cần lo lắng cho cuộc sống hằng ngày. Sự giàu có người môn đệ cần theo đuổi là sự khôn ngoan của Tin Mừng, nó khác với sự khôn ngoan của con người, nó được diễn tả trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Khi Thập Giá đối với dân ngoại là sự điên rồ, thì đối với Thiên Chúa đó là sự khôn ngoan, giàu sang phú quý, sự sung mãn của Thiên Chúa được biểu lộ.
Đời tu coi chọn lựa người nghèo là một trong những đòi hỏi cấp bách nhất của thời đại chúng ta. Đây cũng là lòng yêu thương của Giáo Hội dành cho người nghèo. Qua cách lựa chọn này, người tu sĩ đánh thức lương tâm của những người hữu nhiệm, phải chấm dứt tình trạng bất công đày đọa trong các mặt xã hội, nhất là kinh tế, văn hóa.[43] Tuy nhiên lựa chọn người nghèo không hề là chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi ta phải sống một nếp sống đối nghịch triệt để với đời sống hưởng thụ và trưởng giả.
Tinh thần nghèo khó của Phúc Âm là một đặc sủng, một hồng ân của Thần Khí, đây là một đặc sủng có sức đồng hoá người tu sĩ với tấm lòng của Thiên Chúa, ân huệ đó đã đưa chúng ta đến với những người nhỏ bé, hèn mọn… Chính ở điểm này người tu sĩ trở thành dấu chỉ và một dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, một Nước Thiên Chúa không hệ tại sự nghèo khổ nhưng hệ tại tình yêu luôn liên đới với người nghèo và cộng tác với họ để đi đến một nền luân lý dựa trên tình yêu và tự do đích thực.[44]
Hồng ân nghèo khó Tin Mừng là một trong những hồng ân đòi hỏi. Nhưng nó lại có giá trị vì hiệu quả giải phóng đóng góp cho việc ngự đến của Nước Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Vì vậy, một khi dấn thân nghiêm túc cho hồng ân khó nghèo Tin Mừng được diễn trong trong câu: “Tôi tuyên khấn cùng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là sẽ sống khó nghèo.” Như vậy người tu sĩ khi tuyên khấn là đặt để tương lai mình trong bàn tay Thiên Chúa là Cha, và cam kết làm cho điều không thể đối với người khác lại trở thành có thể.[45]

3. Khó nghèo trong tự do, bình an, sự thật

Chúa Giêsu là gương mẫu về đức khó nghèo. Người đã xuất hiện như Đấng Mêssia của những người nghèo, Đấng được xức dầu thánh hiến để mang Tin Mừng đến cho họ.[46] Hơn nữa, chính Đấng Mêssia của người nghèo cũng là một người nghèo. Bêlem, Nagiarét, đời sống công khai, thập giá, bao nhiêu hình thức khó nghèo đó, Chúa Giêsu đã nhận lấy và thánh hiến đến độ hoàn hảo trần trụi. [47]
Từ chính cuộc đời Chúa Giêsu và những lời Người giảng dạy, chúng ta có thể xác định rằng cái nghèo mà người tu sĩ nguyện sống theo không phải chỉ là cái nghèo trong sở hữu mà còn phải là cái nghèo trong chính hiện hữu; không phải chỉ là cái nghèo vật chất mà còn phải là cái nghèo tinh thần, nghèo tình cảm nữa; không phải chỉ là cái nghèo vì lợi ích cá nhân, mà còn phải là cái nghèo vì lợi ích cộng đoàn, vì mục đích tông đồ. Cái nghèo hiểu một cách toàn thể như thế chính là cái nghèo trong hiện hữu, trong thể tính. Cái nghèo đích thực này sinh ra nhiều hoa trái tốt đẹp.
Trong thế giới hiện đại, lời khấn khó nghèo của người tu sĩ không chỉ giới hạn trong việc có hay không có của cải vật chất hoặc được sử dụng của cải đó với phép của bề trên hay không, mà còn bao gồm lãnh vực tinh thần, đạo đức. Ngày nay lời khấn khó nghèo mời gọi người tu sĩ chia sẻ chính bản thân, thời giờ, năng lực, kỷ năng và tài năng của mình. Ở mức độ sâu sắc nhất, lời khấn này mời gọi chúng ta phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa dành cho chúng ta hơn là trong sự an toàn của cải của hội dòng, về những giá trị ngân phiếu hay tài sản của hội dòng. Một đức khó nghèo đích thực sẽ dẫn chúng ta đến cuộc sống tự do hoàn toàn và bình an thật sự đưa đến đời sống công chính hơn và tin tưởng hơn.[48]
   Nhờ đời sống thân hữu và huynh đệ giữa các tu sĩ  với nhau và với những người khác, cho nên các tu sĩ hay linh mục có thể biết cách phân định  và vun trồng những giá trị nhân bản và quý mến các tạo vật tốt lành như những ân ban của Thiên Chúa. Tuy sống giữa thế gian nhưng chúng ta phải luôn biết rằng mình không thuộc về thế gian, như lời Chúa Giêsu đã phán dạy. “Con đã ban Lời của Cha cho họ, và thế gian đã thù ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17, 14). Các tu sĩ được tự do, sự tự do giải thoát chúng ta khỏi mọi lo lắng hỗn loạn và làm cho ta ngoan ngoãn nghe theo tiếng Chúa trong đời sống hằng ngày. Từ sự tự do và ngoan ngoãn đó sẽ cho chúng ta có khả năng phân biệt thiêng liêng để nhờ đó tìm ra thái độ đứng đắn đối với thế gian và của cải trần thế.[49]
Khi chúng ta khám phá ra những khuyết điểm, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của mình thì mỗi người cũng chẳng ngạc nhiên mà cũng chẳng ngã lòng, bởi vì mình là như thế, chúng ta không có ảo tưởng tốt đẹp về con người. Chúng ta khiêm tốn sống thật con người mình trong sự phó thác vào ân sủng Chúa. Một khi đã ý thức rõ về con người của mình với tất cả những yếu kém của nó, chúng ta sẽ thành thật, không giả hình, không gian dối, không tìm cách khiến người ta hiểu tốt cách không đúng về mình. Cái nghèo hiện hữu là điều kiện quyết định để hình thành đức khó nghèo đích thực theo tinh thần Phúc âm.
Phải có cái nghèo hiện hữu trước thì mới có thể có cái nghèo vật chất và cái nghèo tinh thần. Đối tượng của cái nghèo vật chất là tiền bạc, của cải, tiện nghi, lợi lộc… Đối tượng của cái nghèo tinh thần là những giá trị tinh thần như quyền lực, địa vị, uy tín, ảnh hưởng… Rất nhiều người, kể cả những người không thực sự nghèo về vật chất, vẫn ao ước sự giàu có vật chất hay luôn cố gắng làm sao cho có được nhiều của cải, nhất là của cải tinh thần. Đó là một khuynh hướng, một cám dỗ thường xuyên của con người. Cần phải có cái nghèo hiện hữu làm nền tảng vững chắc cho cái nghèo vật chất. Nếu không con người sẽ bực bội, khổ sở trong cảnh thiếu thốn, khó khăn hay người ta chỉ làm bộ tỏ ra nghèo túng như vậy để tăng thêm uy tín cho mình. Và chỉ khi nào người ta vui lòng chọn lấy cái nghèo hiện hữu trước, thì sau đó người ta mới có thể có được cái nghèo tinh thần, nghĩa là không còn ao ước giàu sang, quyền lợi, danh vị…
Như vậy, những người nghèo khó tự nguyện, những ai mà số phận bắt buộc phải chấp nhận sự nghèo khó thực sự do hoàn cảnh hay do sự bách hại cũng được hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa, nếu họ kiên nhẫn chịu đựng cảnh khó nghèo, biết quảng đại trong túng thiếu, và biết chấp nhận số phận mình để được một kho tàng tốt đẹp và bền bỉ hơn trong Nước Thiên Chúa.[50]
Đức Giêsu ngồi đối diện thùng tiền. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một đồng xu. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người bỏ tiền vào thùng. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền du bạc thừa của họ mà bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.”[51]
Ngay từ bây giờ dù sống khó nghèo vật chất nhưng các tu sĩ tuyên khần họ vẫn giàu có, vì biết trung thành trong thử thách. Trong sách Khải Huyền thánh Luca đã nói rõ những phần bù đắp kỳ diệu mà Thiên Chúa dành cho họ ở đời sau. “Ta biết nỗi gian truân và cảnh nghèo khó của ngươi, nhưng thật ra ngươi giàu có.”[52]

III. Những chiều kích khó nghèo Tin mừng

   Ngay từ thời kỳ cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi hiểu rằng yêu mến Thiên Chúa hết sức lực đã được đưa vào đời sống cộng đoàn huynh đệ, hướng về việc để mọi sự làm của chung và chia sẻ mọi của cải. “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”[53] Điều này có nghĩa là trong việc yêu thương mọi người, trong việc kiến tạo nên một cộng đoàn mà mọi sự là của chung.[54]
Khó nghèo Tin Mừng không chỉ là vấn đề từ bỏ của cải vật chất, nhưng ở đây muốn nói lên tình yêu thương, đặt mọi thứ ta có để phục vụ người khác. Người ta tìm thấy trong sự nghèo khó một sự cổ vũ cho hòa bình, chia sẻ, phục vụ, cho nên các Giáo Huấn sau Công Đồng mời gọi các cộng đồng tu sĩ hoạt động và làm việc nhiều hơn, không chỉ để bảo đảm cho đời sống của mình mà còn để giúp đỡ người khác. Sống nghèo không phải để người ta thấy mình nghèo nhưng là để làm chứng cho ơn gọi của chúng ta. Ngay từ đầu, đời tu được chú trọng đến khía cạnh này và cố gắng thực việc chia sẻ của cải. Người tu sĩ phải thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa hết sức lực trong những chiều kích khác nhau.[55]

1. Khó nghèo mang tính sứ vụ

   Luật mến Chúa yêu người đưa chúng ta đến cho yêu thương mọi người như anh chị em của mình. Qua đó đưa chúng ta đến với những người mà không được ai yêu thương và những ai cần đến tình yêu. Đó là những người nghèo, những người sống bên lề xã hội, những người vô gia cư. Tất cả họ là những người cần được đón nhận đến sứ vụ của các tu sĩ. Điều này đòi hỏi chúng ta diễn tả giao ước yêu thương, yêu cho đến cùng. Những người đã tuyên khấn khó nghèo đòi hỏi phải hiệp thông của cải với người nghèo là một hành vi cao đẹp làm vui thỏa lòng Chúa.[56] Trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, Thánh Gioan Phaolô II lưu ý đến hình thức sống chứng tá như sau:
Theo hình ảnh Đức Giêsu, Con yêu dấu "mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian" (Ga 10,36), những người Thiên Chúa gọi theo Người, cũng được thánh hiến và sai đến thế gian để bắt chước gương Người và tiếp tục sứ mạng của Người. Điều này được áp dụng cho mọi môn đệ nói chung. Tuy nhiên, nó được áp dụng cách riêng cho những ai được mời gọi theo Chúa Kitô "sát hơn" trong hình thức đặc thù là đời thánh hiến và lấy Người làm "tất cả" của đời mình. Như vậy, lời mời gọi, đối với họ, bao hàm cam kết dâng hiến toàn thân cho sứ mạng ; hơn nữa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi ơn gọi và mọi đoàn sủng, chính đời thánh hiến trở thành một sứ mạng, như cả cuộc đời Đức Giêsu đã là một sứ mạng. Nhìn từ góc độ đó, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, giúp cho con người hoàn toàn tự do để phục vụ Tin Mừng.[57]
Hơn nữa Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trong công việc phục vụ khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Điều này đã hé mở cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương con người, chính Thiên Chúa đã muốn phục vụ nhân loại. Người đã mạc khải ý nghĩa cho những người Kitô hữu cách riêng cho những người tu sĩ tuyên khấn Phúc Âm đó phải là một đời sống yêu thương trao hiến. Những người tuyên khấn theo Đức Kitô có nghĩa là muốn theo Người, Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ (Mt 20, 28). Do đó những người tu sĩ phải biết phục vụ người khác nhất là đối với những người nghèo khổ và thiếu thốn. Vì Chính Chúa Giêsu đã hạ mình để phục vụ loài người. Ngày hôm nay những người theo Đức Giêsu trên con đường các lời khuyên Phúc Âm cũng muốn đi đến nơi Người đã đi và làm điều mà Ngài đã làm là phục vụ trong yêu thương.[58]
Khó nghèo Tin Mừng là một đặc sủng, một hồng ân của Thần Khí. Đó là một đặc sủng có sức đống hóa người tu sĩ với tấm lòng của Thiên Chúa. Đặc sủng này đưa chúng ta đến với những người nghèo khó, những người chẳng đáng kể là gì và những người bị áp bức trong xã hội. Trong bài Magnificat Đức Maria đã nói lên tình thương của Thiên Chúa dành cho những ai kính sợ Người, cho những người khiêm nhường và nghèo đói. “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1, 53). Qua đó giúp cho những người thánh hiến nhận ra rằng họ chỉ là những người tôi tớ.[59]
Muốn theo Đức Giêsu và bắt chước theo Người thì đòi hỏi người chúng ta phải từ bỏ mọi phương tiện mà thần tiền bạc dâng tặng cho ta, khoe khoang quyền lực và sự hấp dẫn của tiền bạc. Để làm chứng cho Đức Kitô đòi hỏi những tu sĩ phải tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, như Đức Giêsu, chúng ta từ bỏ mọi việc sở hữu hang chồn và tổ ấm con người. Nghĩa là là gia đình và nhà cửa chúng ta. Là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi bỏ mọi sự lại đằng sau để đi theo Người, ta sẽ có được một kho tàng ở trên trời và thậm chí còn được gấp trăm ở đời này.[60] Sự lựa người nghèo nằm trong chính bản chất của tình yêu sống theo Chúa Kitô. Tất cả các môn đệ Đức Kitô phải theo sự lựa chọn này, nhưng những ai muốn theo Chúa Kitô sát hơn bằng cách bắt chước cách sống của Người, lại càng không thể không cảm thấy bị lôi cuốn vào sự lựa chọn đó. Như vậy phục vụ người nghèo là biểu hiện lòng chúng ta yêu mến Đức Giêsu, và khi thi hành sứ vụ giúp đỡ họ là chúng ta giúp đỡ chính Chúa, trong lúc chờ đợi Ngài trở lại trong vinh quang.


2. Khó nghèo trong đời sống cộng đoàn
Ngay từ khởi đầu trong cộng đoàn Kitô hữu tại Giêsusalem, được trình bày như một cộng đoàn tiêu biểu, tình yêu huynh đệ trọn hảo được thể hiện qua việc chia sẻ của cải. Đời sống đan tu hay các cộng đoàn tu trì luôn mong ước được sống theo cộng đoàn kiểu mẫu này. Khó nghèo Tin Mừng là điều kiện để cho chúng ta từ bỏ những của cải cá nhân cũng như tinh thần làm thành của cải chung cho cộng đoàn, là phương tiện phúc cho các tu sĩ gần gũi, gặp gỡ với các anh chị em trong cộng đoàn. Vì thế, mỗi cá nhân không được sở hữu điều gì cho riêng mình, nếu như mình sở hữu riêng làm ngăn trở tình yêu của mình dành cho cộng đoàn. Khi vắng bóng tình yêu và hiệp thông trong tinh thần sẽ nãy sinh ra tình cảnh nô lệ của cải.[61] Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đau đớn xâu xé. “Mặt trời mọc lên tỏa sức nóng làm cho cỏ héo khô, hoa tàn rụng, vẻ đẹp tiêu tan. Kẻ giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc nó làm.”[62]
Các tu hội, tùy hoàn cảnh địa phương, phải cố gắng làm chứng cho đức ái và đức nghèo khó cách tập thể và phải đóng góp tài sản mình để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội cũng như việc cứu trợ những người nghèo, tùy phương tiện của mình.[63]
Thánh Basile de Cesaree là người đầu tiên viết luật dòng một cách khoa học, ngài nhấn mạnh đến sự nghèo khó trong lời khấn là: Góp của riêng làm của chung, mỗi tu sĩ bằng lòng với phần cần thiết mà dòng cấp phát cho. Cộng đoàn không để cho thành viên của mình phải thiếu những như cầu cần thiết. Như sách Công Vụ Tông Đồ đã viết: “Không ai trong các tín hữu phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, đem số tiền thu được đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.”[64]
Khó nghèo tập thể ngoài những việc tu sĩ phải chu toàn bác ái yêu thương, nghĩa là phải quan tâm đến nhau và chịu đựng lẫn nhau, người yếu đuối đôi khi phải dùng nhiều hơn kẻ không cần cũng không lên án họ. Nhưng phải tránh mọi hành vi thiên vị, thương riêng một vài cá nhân nào đó trong cộng đoàn... điều đó dễ tạo nên sự đoàn kết trong cộng đoàn.
Trong các cộng đoàn của thánh Pacômê cũng như thánh Augustine, khó nghèo tu trì đươc thực hành không phải là vì từ bỏ của cải vật chất hay khổ chê, nhưng là để tạo nên tình yêu hiệp thông giữa các thành viên trong cộng đoàn. Sở hữu tài sản riêng sẽ tạo nên một trở ngại cho sự hiệp thông. Vì nếu tạo nên một sự giàu có của một ai đó, xét trong tương quan với nghèo khó của người khác, là dấu chỉ cho thấy vắng bóng tình yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn.[65]
Người Kitô hữu hay bất cứ ai, thường có xu hướng coi của chung là thứ ít quan tâm “mặc kệ nó”, vì thế cha chung không ai khóc, việc đó có bề trên lo, việc đó người có trách nhiệm lo còn tôi thì vô can. Mặt khác cái gì mình bảo quan thì chăm lo tích cực hơn, trao dồi hơn, nâng niu nó.... Theo nghĩa rộng điều đó không có gì xấu, nhưng, nếu đi quá thì không còn ý nghĩa. Điều đó không ổn về lời khấn khó nghèo, vì chúng không khác gì những hành vi của những người buôn bán nơi phố chợ.
Đời sống huynh đệ trong lời khấn khó nghèo là một cách sống thể hiện tình yêu thương của điều răn mới, của tình yêu hỗ tương vô điều kiện. Vì họ xem tất cả mọi sự là của chung, từ của cải vật chất đến đời sống tinh thần, tài năng và khởi hứng. trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến nhấn mạnh đến việc chia sẻ của cải ở mọi cấp độ. Trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa phục sinh (x. Mt 18,20). Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được thanh luyện nhờ bí tích Hoà Giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng với lòng vâng phục. Chính Thánh Thần là Đấng dẫn đưa tâm hồn vào trong sự hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Chúa Cha là Đức Giêsu Kitô (x. 1 Ga 1,3), sự hiệp thông này là nguồn mạch của đời sống huynh đệ.[66]
Tuy nhiên cũng cần lưu ý một điều là người tu sĩ phải sống cái nghèo hiện hữu một cách thực tế, một cách "nhập thể" chứ không phải là một cái nghèo trừu tượng, hoàn toàn không liên đới với những người nghèo chung quanh. Chúng ta phải lao động thực sự, phải có óc sáng tạo, phải chia sẻ sự quan tâm lo lắng về kinh tế, tài chánh với cộng đoàn, với những người nghèo chung quanh trong tinh thần phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Và nhất là, đừng bao giờ tuyệt đối hóa những của cải tự nhiên đến nỗi coi chúng là nền tảng của cuộc sống, của hạnh phúc, của uy thế mình trước mặt người khác. Chiến thắng khuynh hướng bẩm sinh này, chúng ta mới đạt đến cái nghèo thực sự của lời khấn khó nghèo.
Là một tu sĩ nghèo khó thực sự và tự do, điều này phải được biểu lộ chính xác bằng việc cử hành, khi mà mình cảm nghiệm được sự nghèo khó. Trong những hoàn cảnh như vậy, phản ứng bình thường là khó chịu hay chán nãn. Nhưng vui mừng lại là một hồng ân Thần Khí ban cho những ai đi tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài như mục tiêu chính yếu, và tin vào sự an bài của Thiên Chúa là Cha.[67]

3. Khó nghèo trong tinh thần

Tu sĩ là người chọn sống cuộc đời nghèo, làm một người nghèo. Điều này cần được nhắc nhở cho họ. Dù đã khấn sống khó nghèo, tu sĩ vẫn không dễ gì mà sống khó nghèo đâu, thật khó mà nghèo. Bản tính con người bao giờ cũng tìm cho có nhiều hơn và sống khá hơn, đầy đủ hơn, sung túc hơn. Như vậy, muốn sống khó nghèo phải thực sự phấn đấu thường xuyên để có tinh thần nghèo khó. Không có một tinh thần nghèo khó cá nhân thực sự, thì rất khó sống khía cạnh xã hội và cộng động của đức khó nghèo.[68]
Tin Mừng nhấn mạnh khía cạnh thiêng liêng của sự khó nghèo. Sự khó nghèo vật chật này rất tốt khi khởi hứng từ lòng tin tưởng hiếu thảo vào Thiên Chúa, từ niềm ao ước theo Đức Giêsu, từ tâm hồn quảng đại với anh chị em. Nó cho chúng ta tự do hơn để tiếp đón ân huệ của Thiên Chúa, hiến mình hoàn toàn hơn vào việc phục vụ Vương Quốc Ngài. Đó là lý do mà thánh Luca nhắc đi nhắc lại. “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Anh em hãy bán tài sản mình đi mà bố thí.”[69] Từ các ngôn sứ đến Đức Giêsu. Thánh Kinh nói nhiều đến đau khổ của người nghèo. Sự khó nghèo thiêng liêng và hạnh phúc sẽ là cửa mở dẫn tới ân huệ của Thiên Chúa trong niềm tin tưởng phó thác và lòng kiên trì. Để thực thi khó nghèo trong tinh thần, đòi hỏi sự khó nghèo thực sự là một phương thế đặc thù.[70]
Tấm gương của Đức Maria mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Mẹ liên kết với những con người khiêm tốn, và đặt mình vào những con người khiêm hạ và nghèo khổ. Chia sẻ khó nghèo của Đức Maria, chúng ta sẽ được Tin Mừng hóa. Tấm gương của Mẹ mời gọi chúng ta chìm sâu trong truyền thống thiêng liêng cao cả người nghèo của Giavê, chia sẻ sự kiên nhẫn của họ, cũng như sống tín thác vào Thiên Chúa, chia sẻ khó nghèo tinh thần của họ. Lời kinh Magnificat là tấm gương soi của linh hồn chúng ta. Chúng ta phải tỏ mình là không quyền lực, như Đức Maria đã làm, đặt hết niềm tin tưởng nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa là Cha.[71]
Khó nghèo trong Thần Khí đòi hỏi mỗi người chúng ta tín thác vào Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng đòi chúng ta trở thành những khí cụ để Thiên Chúa quan phòng cho người khác, biết an ủi hơn là biết nhận ủi an, phục vụ hơn là được phục vụ, cho đi hơn là được nhận lãnh. Như vậy, khó nghèo Tin Mừng trong Thần Khí không chỉ là tin tương tuyệt đối nơi Thiên Chúa và hết lo âu, nhưng là tin tưởng tuyệt đối nơi Đấng ân thưởng những nỗ lực, Đấng ban cho những ai cầu xin, và củng cố tất cả những ai đem cả đời mình mà phục vụ tha nhân.[72]
Sự nghèo khó trong tinh thần có nghĩa là tìm kiếm, hay ít là tự ý vui vẻ chấp nhận sự thiếu thốn thật sự. Chính Thần Khí thúc đẩy chúng ta chọn sự khó nghèo thực sự để phục vụ Nước Chúa. Tin vào Chúa Giêsu Kitô và sự hiện diện của Thần Khí của Ngài thúc đẩy những người nghèo thật sự yêu mến thân phận của họ như là một hạnh phúc thật, vì sự nghèo khó đó đã làm cho chúng ta trở thành những thành viên Nước Chúa.[73]
Đức Thượng Phụ giáo chủ Athenagoras nói với Olivier Clement rằng:
Những kẻ nghèo khó trong lòng, là những người không còn nhìn thấy trung tâm của thế giới trong cái ‘ngã’ của mình, dù cái ‘ngã’ ấy là cái ‘ngã’ cá thể hay cái ‘ngã’ tập thể, để nhìn thấy nó trong Chúa và trong tha nhân. Họ tự tước bỏ tất cả, cả bản thân của họ, đến mức cuối cùng. Và họ tiếp nhận những giây phút hiện hữu của họ từ Thiên Chúa, như một ân huệ.[74]
KẾT LUẬN
Khi nói về lời khấn khó nghèo Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự nguyện sống khó nghèo để bước theo Chúa Kitô là dấu chỉ được quý trọng đặc biệt trong xã hội ngày nay, vì thế các tu sĩ hãy chú tâm thực hành và biểu lộ đức khó nghèo bằng những hình thức mới, hợp theo hoàn cảnh sống.”[75] Có thể nói rằng, đối với các tu sĩ, khó nghèo có nghĩa là yêu thương bằng cách đem chia sẻ mọi sự, thậm chí để cho mình bị tước đoạt mọi sự. Tự nền tảng, khó nghèo Tin Mừng không phải là một lời khấn từ bỏ, nhưng là lời khấn yêu thương với tất cả những gì chúng ta có. Đó là một thái độ không e dè trước lời cam kết và sứ vụ. Thái độ chia sẻ không e dè như vậy được Tân Ước trình bày như một đặc sủng, một hồng ân từ Thiên Chúa.[76]
Trải qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ tự nguyện chọn lựa cho mình một đời sống bước theo Đức Giêsu, hoạ lại nếp sống của Ngài, lấy Ngài làm tâm điểm cho mọi hoạt động của mình. Những lựa chọn này chính là đáp trả lại lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, người tu sĩ ý thức rằng, cuộc đời thánh hiến là một hồng ân, nhưng cũng là một trách nhiệm. Nếu hồng ân đến từ Thiên Chúa, thì trách nhiệm của người tu sĩ là phải đến với thế giới. Qua đời sống dâng hiến, người tu sĩ bước theo Đức Giêsu trên con đường chân phúc để đến với muôn dân trong vai trò sứ vụ của mình, nhằm làm toát lên thực tại Nước Trời ngay trong cuộc sống qua những giá trị chọn lựa của mình vì thực tại cánh chung.



[1] ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, 1991, số 407.
[2] Rm 7, 17.
[3] Đức Phaolô VI, Huấn Từ Hội Nghị Quốc Tế Bề Trên Cả Dòng Nữ, Rôma, ngày 02/04.1967, số 12.
[4] X. Nguyễn Văn Võ, Lời Khấn Khó Nghèo, truy cập ngày15/03/2013; www.mancoichihoavn.com/html.
[5] Tv 22, 2.
[6] Tv 34, 7.
[7] X. Nguyễn Văn Võ, Lời Khấn Khó Nghèo, truy cập ngày15/03/2013; www.mancoichihoavn.com/html.
[8] Xc. Paolo Provera, Thánh Hiến Cuộc Đời, Phạm Duy Lễ chuyển ngữ, tr. 128.
[9] Pl 2, 6-8.
[10] Xc. Nguyễn Văn Liêm, Dạ Con Đây, Giải Thích Ba Lời Khuyên Phúc Âm, 1999, tr. 38.
[11] Mt 5, 3.
[12] Đức Khó Nghèo Vì Nước Trời, http://www.daminhvn.net/tai-lieu/5420. truy cập ngày 15/10/1012;
[13] Ga 1, 46.
[14] Xc. Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ, 2007. tr. 124.
[15] Lc 1, 52-53.
[16] Xc. Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 125.
[17] Lc 1, 48.
[18] Xc. Lc 1, 50-53.
[19] Xc. Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 126.
[20] Ibid., tr. 126.
[21] Lc 9, 58.
[22] Mt 5, 3.
[23] Xc. Vat. II, Sắc Lệnh Về Việc Canh Tân Đời Sống Tu Trì, số 13.
[24] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, tr. 181.
[25] Xc. Cv 4, 32-34.
[26] 1Cr 9, 18.
[27] Xc. Nguyễn Văn Liêm, Dạ Con Đây, Giải Thích Ba Lời Khuyên Phúc Âm, 1999, tr. 39.
[28] Mc 10, 28.
[29] Xc. Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 110.
[30] Xc. Nguyễn Văn Liêm, Dạ Con Đây, 1999, tr. 42.
[31] Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 42.
[32] 2Cr 8, 9.
[33] Nguyễn Hồng Giáo, Chúa Gọi Tôi Đi Theo Người, Phương Đông, 2009, tr. 236.
[34] Xc. Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 111.
[35] Mt 19, 21.
[36] Xc. Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 111.
[37] Xc. Paolo Provera, Thánh Hiến Cuộc Đời, Phạm Duy Lễ chuyển ngữ, tr. 130.
[38] Lc 16, 14.
[39] Vat. II, Sắc Lệnh Về Việc Canh Tân Đời Sống Tu Trì, số 13.
[40] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ, 2007. tr. 113.
[41] Ibid. tr. 114.
[42]Xc. Fx. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, 1991, số 411.
[43]Xc. Eliô Gambari, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vaticanô II Và Giáo Luật, quyển 1, Ngọc Đính chuyển ngữ, 2000, tr. 373.
[44]Xc. Jéroome Hamer, Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn Luyện Trong Các Hội Dòng, ban hành ngày 02-02-1990, số 14.
[45] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 116.
[46]Xc. Lc 4, 18; Mt 11, 5.
[47] Xc. Lc 2, 7; Mt 13, 55; Mt 8, 20; Mt 27, 35.
[48] Catherine M. Harmer, Đời Tu Trong Thế Kỷ XXI, tr 133.
[49] Vat. II, Sắc Lệnh Về Tác Vụ Và Đời Sống Các Linh Mục, số 17.
[50] Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt, 1974,   tr. 119. 
[51] Mc 12, 41-44.
[52] Kh 2, 9.
[53] Cv 4, 32.
[54] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 128.
[55] Ibid., tr. 128.
[56] Ibid., tr. 129.
[57] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 72.
[58] Ibid., số 75.
[59] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 136.
[60] Xc. Mt 19, 27-30.
[61] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 139.
[62] Gc 1, 11.
[63] Bộ Giáo Luật 1983, Điều 640.
[64] Cv 4, 34-35.
[65] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 140.
[66] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 42.
[67] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 142.
[68] Nguyễn Hồng Giáo, Chúa Gọi Tôi Đi Theo Người, tr. 227.
[69] Lc 12, 32-33.
[70] Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, tr. 120. 
[71] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 152.
[72] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 154.
[73] Th. Rey Mermet, Tin, Quyển 1 Tập 2, Phạm Minh Thiên dịch, 1992, tr. 281.
[74] Ibid., tr. 283.
[75] Vat. II, Sắc Lệnh Về Việc Canh Tân Đời Sống Tu Trì, số 13.
[76] Jose’ Crisiorey, Đời Tu Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 156.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn