Nguyễn Ninh, OP.
- Anh ơi. Nhờ anh chụp dùm tụi em mấy pô hình nhé. Nãy giờ tụi em chỉ check in được mấy tấm selfie thôi à. Mà cảnh ở đây đẹp quá. Cô gái vừa cười vừa huých tay chàng trai cùng đi.
Tôi cười, gật đầu. Tách... tách... liền tù tì mấy pô. Đúng là khó mà cưỡng lại được sức hút nơi khung cảnh Giáng Sinh đêm nay. Những hang đá Noel không chỉ là vài tấm bạt xanh căng trùm lên, phủ bởi vô số dây điện, như hồi bé tôi thấy ở quê người ta vẫn hay làm; nhưng là những hang đá cách điệu, bài trí theo kiểu truyền thống Pháp với những bức tường bằng gạch đá phủ rêu mờ, bên dưới nền là lớp cỏ non xanh rì.
Một điều làm say mê khách tham quan nữa là những bức ảnh tượng gia đình Nazaret và các kỳ mục, ba vua hay chiên, bò, lừa. Những bức tượng này được chế tác tinh xảo theo phong cách Ả Rập cổ xưa. Dễ hình dung là giống những nhân vật quyền quý trong câu chuyện Alibaba. Đẹp thật! Không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp của ánh sáng đèn điện và không gian rực rỡ. Nó còn gợi cho người ta tưởng tượng được khung cảnh Bêlem thời Chúa Hài nhi sinh ra. Không gian thật hân hoan rộn ràng. Người ta đang rạo rực chờ đợi giây phút Hài nhi Giêsu giáng sinh.
Đang ngây ngất với cái không gian rộn ràng đó thì bỗng có tiếng gọi làm tôi giật mình. Một cậu bé trạc 15 tuổi đến bên tôi khép nép:
- Anh ơi! Mua giúp em mấy tờ vé số.
Tôi cười lắc đầu:
- Không, anh còn không biết dò vé số nữa là.
Nhìn tôi một cách rụt rè, em hỏi tôi đường về Lê Văn Sỹ. Tôi chỉ tay bâng quơ bảo em đi thẳng xuống bùng binh quẹo phía bên trái là đường Lê Văn Sỹ. Em cảm ơn, rồi trông chừng nghĩ ngợi điều gì đó mà không vội bước đi. Nhìn dáng người nhỏ thó, có chút lơ ngơ, tôi gọi giật lại:
- Em về đường Lê Văn Sỹ à, ở khúc nào vậy?
- Em không biết, đến Lê Văn Sỹ rồi em đi tìm tiếp. Em lắc đầu.
Thấy em có ánh mắt đượm buồn, tôi muốn nói chuyện với em một chút.
- Em bán được nhiều chưa, tiếc quá, anh chẳng chơi vé số. Anh mời em ly nước nhé.
Em bẽn lẽn ngại ngần:
- Dạ!...Em cảm ơn anh.
- Em bán đến mấy giờ thì về?
- Mười một giờ anh à, em đi từ từ thì mười một giờ vừa về đến nhà.
- Em ở Lê Văn Sỹ à, em ở đó với ai?
- Em ở với đại lý.
- Ngày trung bình em bán được bao nhiêu vé số?
- Dạ, ngày nào hên thì được 100 tờ, còn xui thì có vài ba chục thôi anh à. Mỗi tờ em được chủ trả cho một nghìn.
Ra vậy, em ở với chủ đại lý vé số rồi đi bán cho người ta luôn. Tôi hỏi em một cách dồn dập như viết thông tin vậy.
- Thế mỗi tháng họ lấy bao nhiêu?
- Dạ, họ lấy em mỗi ngày là 20 nghìn, tính cả tiền ăn cơm nữa.
- Ừ, họ tính vậy là cũng rẻ cho em đấy. À! Quê em ở đâu nhỉ?
- Dạ, em ở ngoài Hà Tĩnh.
- Thế em vô đây làm lâu chưa?
- Em vô gần được một tháng rồi.
- Ở Hà Tĩnh thì xa nhỉ, năm nay em bao nhiêu tuổi rồi, nhà có bao nhiêu anh em?
- Em năm nay 13 tuổi, nhà có 3 anh em với ba thôi. Anh cả thì đi lao động nước ngoài nhưng lâu rồi không về. Còn chị em thì đi lấy chồng rồi.
Tôi trầm tư lắng nghe tâm sự của em. Nhìn cái dáng vẻ ốm tong teo của em pha với sương gió cuộc đời mà em đang nếm trải, tôi cứ nghĩ em là anh cả. Tôi đã nhầm. Em là con út. Là con út, em cũng như tôi, sao tôi nghe lòng thổn thức. Chỉ mới 13, em đã phải một mình len lỏi giữa cái phố Sài Gòn xa lạ, cô đơn, lạnh lẽo tình người này để mưu sinh. Trong khi tôi, vẫn cứ sống một cách bình yên nhàn hạ, lặng lẽ cho riêng tôi và cũng biết bao lần ca thán thất vọng vì những thứ mà tôi không có, những thứ mà đối với em là ước mơ. Ước mơ được đi học. Ước mơ có một mái ấm, được cha mẹ chở che chăm sóc. Ước mơ có bạn bè. Ước mơ có một cuộc sống bình thường, không phải đi bán vé số nhưng được học hành, được vui chơi…
Lúc đầu nghe em kể có anh và chị, tôi tính hỏi em một câu hỏi đồng cảm: “Vậy ra em là út?” Nhưng tôi lại không hỏi. Chẳng hiểu vì sao. Có lẽ vì tôi sợ em mủi lòng với thân phận con út mà phải trải sương trải gió như vậy. Tôi không biết em có buồn không nhưng tôi sợ em buồn. Tự tôi nghĩ vậy. Tôi là con út. Nếu như em, hẳn rằng tôi buồn lắm.
Tôi lại hỏi em:
- Em đi làm mới được tháng thôi, thế bữa giờ có gặp chuyện gì buồn không? Vào đây chắc là nhớ nhà lắm nhỉ?
- Dạ, hôm bữa mới vào em buồn lắm, có mấy hôm em khóc nhiều lắm, nhưng giờ thì đỡ buồn hơn rồi, lâu cũng quen anh à.
- Ừ, em cố gắng làm, tiết kiệm gửi tiền về cho ba, đừng có tiêu xài hay mua sắm nhiều, đừng đi theo đám bạn tụ tập ăn chơi rồi hư.
- Dạ, vâng.
Trầm ngầm một lúc, tôi cười:
- Bữa giờ đi bán có gặp sự cố gì không đó?
- Dạ, không có gì anh à.
Có vẻ đắn đo, em ngại ngần:
- Hôm qua em đi về lúc mười giờ thì gặp một đám chích xì ke. Em thấy tụi nó lấy ống bơm tiêm thẳng vào tay luôn đấy. Mặt em tím xanh luôn. Sợ quá, em nhảy qua hàng rào để chạy về nên bị rách mất cái quần.
Em cười bẽn lẽn. Tôi cũng khuyên em đôi lời như là từng trải vậy:
- Ừ, đi bán như em thì hay gặp chuyện rắc rối lắm. Em phải thật cẩn thận mà tránh. Ban ngày thì đỡ chứ ban đêm thì nguy hiểm lắm, phải để ý hết sức. Em đừng đi đến những khu vực lạ hay ít người qua lại.
Như tìm được chút đồng cảm, em tiếp:
- Còn hôm kia thì xui hơn anh à. Em suýt mất một triệu đồng đấy.
- Làm sao mà suýt mất một triệu, rồi có sao không? Tôi nẩy người lên.
- Em đang đi bán thì có mấy anh thanh niên gọi em lại mua vé số. Họ mua 10 tờ nhưng nói là tiền đang để đầu cốp xe, lại đó anh ấy trả luôn. Em theo lại thì một anh khác đi kế bên lại gần em dằn: “Mày có bao nhiêu tiền thì đưa hết đây”. Nó vừa nói vừa cầm dao lam để trên cổ tay của em. Lúc đó mặt em tái xanh luôn. Em mới bảo là: “Mấy anh bỏ dao lam ra để em lấy em đưa”. Nói vậy chứ em tính nếu mà nó bỏ ra thì em sẽ chạy ngay. Cũng may lúc ấy có anh bảo vệ đến nói là “thằng nhóc này em có quen nên xin mấy anh tha cho”. Thế là em thoát nạn, suýt tí nữa thì mất một triệu, còn 100 nghìn tiền 10 tờ vé số thì để tụi nó lấy luôn, em không dám đòi. Cũng may mà gặp anh bảo vệ, em cảm ơn anh ấy mãi.
Nghe em kể xong, tim tôi đập thình thịch, mắt thì giương lên. Quả là tôi không tưởng tượng nổi cái thân hình ốm yếu nhỏ bé của em lại phải đương đầu với cuộc đời cách hiểm nguy và đau đớn vậy.
Em đi rồi. Cái dáng nhỏ gầy khuất dần trong đám đông. Những thanh âm rộn ràng kéo tôi về với không gian của đêm Noel. Chúng tôi đang háo hức chờ đợi Chúa giáng sinh. Cùng nhau chụp những bức hình thật rạng rỡ, tươi tắn, đăng lên các trang mạng xã hội, như muốn gào lên cho mọi người hay: “Tôi đang ở đây, lúc này, và đang đón chờ Chúa Giáng sinh.” Nào thấy đâu, giữa lung linh nến đèn, giữa một đoàn người nói cười rộn rã, áo quần xúng xính; thì vẫn còn đó bao người giữa cơn lạnh mùa đông, mang bộ áo quần tồi tàn, đang đứng đó buồn bã, lạnh lẽo, cô đơn, rao lên không mệt mỏi mời mọi người mua vé số.
Vang vọng xa xa khúc ca Giáng sinh quen thuộc: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa...
Đăng nhận xét