Những lời cầu nguyện dựa vào bảy lời sau cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá

Ôi lạy Chúa, Chúa chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa
từ muôn thuở đến muôn đời. Chúa nói những lời này
từ đôi môi khô héo và trái tim thống thiết;
những lời xuất phát từ tận đáy lòng.
Chúa nói với mọi người và với riêng con.
Xin cho những lời ấy thấm nhập vào cõi lòng con,
tới tận nơi thâm sâu nhất của tâm hồn,
để con có thể thấu hiểu, để chẳng thể nào quên,
và để những lời ấy trở nên sức mạnh trong cuộc đời con.

Karl Rahner
- Nguồn tài liệu: Sách PRAYERS FOR A LIFETIME
(nguyên tác: Gebete des Lebens của Karl Rahner).
Nxb The Crossroad Publishing Company, New York, 2000.
Chuyển ngữ tiếng Việt: Joseph Vũ Quang Khải, OFS (2018))


Lạy Chúa Giêsu Kitô, là Cứu chúa và là Đấng chuộc tội con, trước Thánh giá hồng phúc của Chúa, con muốn mở trí mở lòng để suy ngắm những cực hình Chúa phải chịu, nhờ đó trí khôn con có thể hiểu biết thêm và lòng dạ con có thể cảm nghiệm sâu xa hơn việc Chúa đã chịu khổ hình đau đớn dường nào, và vì ai mà Chúa đã cam lòng gánh chịu những đau đớn ấy.
Xin tuôn đổ thánh ân của Ngài để xua tan cõi lòng lạnh lẽo và vô cảm của con, cho con quên đi, ít là trong giờ này, những lo toan trong cuộc sống thường ngày, để con có thể ở bên Chúa với tâm tình yêu mến, cảm thông và biết ơn. Lạy Vua muôn cõi lòng, xin tình yêu chịu đóng đinh của Ngài phủ lấp cõi lòng nghèo hèn, yếu đuối, rã rời và thất vọng của con, và khơi lên trong lòng con sự gắn bó, yêu mến, trung thành và kiên trì suy ngắm những khổ hình và cái chết của Chúa.
Giờ đây, con suy ngắm bảy lời của Chúa trên Thánh giá, những lời sau cùng Chúa đã thốt ra trước khi đi vào sự thinh lặng của cái chết nơi thân xác. Ôi lạy Chúa, Chúa chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa từ muôn thuở đến muôn đời. Chúa nói những lời này từ đôi môi khô héo và trái tim thống thiết; những lời xuất phát từ tận đáy lòng. Chúa nói với mọi người và với riêng con. Xin cho những lời ấy thấm nhập vào cõi lòng con, tới tận nơi thâm sâu nhất của tâm hồn, để con có thể thấu hiểu, để chẳng thể nào quên, và để những lời ấy trở nên sức mạnh trong cuộc đời con.
Lời thứ nhất:Lạy Cha, xin tha cho họ,
                vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Chúa đang treo trên thập giá. Chúa đóng đinh mình vào đó. Chúa sẽ chẳng xuống khỏi cái cột đang treo chính Chúa giữa trời và đất. Thân thể Chúa đau đớn vì nhiều vết thương. Mão gai hành hạ trên đầu, máu chảy xuống làm mờ đôi mắt, tay chân như bị xuyên thủng bởi những đinh sắt nóng rực. Và tâm hồn Chúa như một đại dương sầu muộn, thống khổ và vô vọng.
Kìa những kẻ rắp tâm sắp đặt mọi chuyện này cho Chúa đang đứng đó dưới bóng thập giá. Họ sẽ chẳng chịu bỏ đi để cho Chúa được chết một mình. Họ tụ quanh, cười đùa; họ tin rằng việc Chúa đang chịu như thế này là phải lẽ, là bằng chứng tỏ tường minh xác việc họ làm đây là thuận theo chân lý của Trời. Họ dâng lên Thiên Chúa công việc họ đang tự hào. Và vì thế họ thản nhiên cười đùa, chế giễu và phạm thượng.
Nhìn những cảnh ác độc ấy hẳn Chúa phải cảm thấy ê chề thất vọng, khủng khiếp hơn là những đau đớn nơi thân xác. Người ta có thể làm được những chuyện xấu xa đến thế ư? Liệu Chúa có điều gì tương đồng với những người ấy? Phải chăng ai đó có thể hành hạ người khác đến chết như thế? Hành hạ người ta đến chết bằng những lời xảo trá, ác độc, bội bạc, giả hình, đầy tà tâm, nhưng vẫn tỏ ra là công chính, ra vẻ vô tội, và đã xét xử công minh? Thiên Chúa lại để cho những việc như thế này xảy ra trong thế giới của Người sao? Satan có thể, qua sự cười đùa và chế nhạo, can thiệp vào thế giới của Thiên Chúa một cách vui nhộn và chắc thắng như vậy ư? Ôi lạy Chúa, trước cảnh tượng này lòng con nát tan vì thất vọng não nề. Con chắc sẽ tránh xa quỷ dữ và cả Thiên Chúa nữa. Con sẽ thét lên, sẽ điên cuồng giật tung các đinh sắt để có thể vung cánh tay trong sự giận dữ!
Nhưng Chúa lại nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Ôi, lạy Chúa Giêsu, Ngài thực là một mầu nhiệm. Nơi đâu trong cõi lòng bị tan nát dày vò của mình mà Chúa còn tìm ra một chỗ dành cho những lời như thế? Vâng, Ngài là một mầu nhiệm. Chúa yêu những kẻ thù ghét Ngài. Ngài bênh đỡ họ trước mặt Chúa Cha. Ngài cầu nguyện cho họ. Và ôi lạy Chúa, dám xin là không phạm thượng khi nói Chúa tha thứ cho họ bằng một lý lẽ đáng ngờ vực rằng: họ không biết việc họ làm. Thực ra họ biết tất cả việc mình làm, nhưng họ không muốn biết điều đó! Điều mà người ta không muốn biết, thực ra là cái mà chính họ biết từ nơi ẩn giấu thâm sâu nhất trong lòng, nhưng họ không thích nhìn nhận nó và không muốn phơi bày ra dưới ánh sáng của lương tri. Chúa thì cứ nói: “Họ không biết việc họ làm”. Quả là có một điều họ thực sự không biết, đó là lòng yêu thương của Ngài đối với họ. Chỉ có ai yêu mến Chúa mới có thể hiểu biết tình thương của Chúa dành cho họ. Bởi lẽ chỉ có ai biết cho đi sự yêu thương thì người ấy mới hiểu được ý nghĩa của sự yêu thương mà họ nhận được.
Xin Chúa cũng hãy nói những lời thương xót phát xuất từ tình yêu vô bờ bến của Chúa đối với tội lỗi của con. Xin hãy nói về con với Chúa Cha: “Xin tha cho nó vì nó không biết việc nó làm”. Thực lòng thì con biết, biết tất cả những việc con làm, chỉ có tình yêu của Chúa là con không biết mà thôi.
Khi con đọc kinh Lạy Cha, xin cũng nhắc cho con nhớ đến lời nói đầu tiên của Chúa trên Thánh giá về sự tha thứ cho những ai có điều gì sai lỗi với con. Ôi Đấng đang treo mình trên cây Thánh giá, giả như có ai làm điều gì sai trái với con, chắc gì con sẵn lòng tha thứ cho họ? Và vì thế, con rất cần được ơn Chúa ban để có thể tha thứ với tất cả tấm lòng cho những ai mà, vì lòng kiêu hãnh và ích kỷ, đã bị con coi như kẻ thù.
Lời thứ hai:Tôi bảo thật anh, hôm nay,
                anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43)

Giờ đây Chúa đang phải trải qua cơn thống khổ của sự chết, tâm hồn Chúa đầy ắp những đớn đau phiền muộn, thế mà trái tim Chúa vẫn còn một chỗ để cảm thông với nỗi khổ đau của người khác. Vào lúc mà cái chết đã ở kề ngay bên, Chúa vẫn còn quan tâm đến một tử tội, kẻ đã phải thừa nhận rằng hình phạt phải chết là xứng đáng với lối sống xấu xa của mình. Thấy Mẹ mình đứng đó, nhưng Chúa lại ngỏ lời trước tiên với một đứa con hoang đàng. Lòng dù đang nặng trĩu với cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi, nhưng Chúa lại nói về Thiên Đàng. Mắt Chúa đang tối dần trong bóng đêm tử thần, nhưng vẫn còn nhìn thấy ánh sáng của vĩnh cửu. Thường là trong lúc sinh thì, con người ta chỉ còn quan tâm đến chính mình, bởi lúc đó họ có cảm giác hoàn toàn lẻ loi, chỉ còn bản thân mình; nhưng Chúa vẫn còn quan tâm đến những linh hồn sẽ cùng vào Thiên quốc với Ngài. Ôi lòng Chúa bao dung biết là dường nào! Thật là mạnh mẽ và can đảm biết bao!
Một phạm nhân đáng thương van xin Chúa nhớ đến anh. Và Chúa hứa ban cho anh phúc Thiên Đàng. Mọi sự phải chăng sẽ khác đi sau cái chết của Chúa? Liệu cuộc sống đầy tội lỗi và sự xấu sẽ tức thì được làm cho biến đổi khi Chúa tiến gần đến cái chết? Khi Chúa nói những lời làm biến đổi cuộc sống, phải chăng tội lỗi và những sự xấu xa đáng ghét trong cuộc đời của một phạm nhân sẽ được ơn biến đổi đến nỗi sẽ chẳng còn lại điều gì ngăn cản anh ta đến gần Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện?
Chắc chắn con cũng phải nhìn nhận nơi một kẻ ăn trộm và đồng thời cũng là tử tội như anh này một vài nét thiện chí, nhưng những thói quen xấu và bản năng đồi bại, tính hung ác, thói tục tằn, cùng những việc bần tiện sẽ chẳng thể nào biến mất chỉ vì một chút thiện chí và cảm giác hối tiếc bất chợt nơi ai đó trên giá treo cổ. Những người như vậy, theo lẽ thường tình, sẽ chẳng thể vào Nước Trời nhanh chóng như những người sống đời đền tội và những ai thanh tẩy mình lâu dài, hoặc như các thánh là những người chỉ biết thánh hoá linh hồn và thân xác mà làm cho chúng nên xứng hợp với Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh. Nhưng Chúa đã phán những lời toàn năng, có sức biến đổi lửa hoả ngục của tử thần thành ngọn lửa thanh luyện của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu này làm biến đổi tức khắc tất cả những gì còn lại trong công trình của Chúa Cha, và thiêu huỷ hết mọi tội lỗi đã từng khiến cho Chúa không thâm nhập vào được cõi lòng của anh ta.
Xin Chúa cũng đừng bao giờ để con mất can đảm, nhưng xin cho con luôn được mạnh mẽ cậy trông vào lòng từ bi của Chúa. Can đảm để thốt lên thành lời, cho dù con có là phạm nhân đáng nguyền rủa nhất: “Lạy Chúa, khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến con.” Ôi lạy Chúa, xin đặt Thánh giá Chúa tại nơi con lâm chung, và môi miệng Chúa cũng hãy nói với con: “Ta bảo thật con, hôm nay, con sẽ được ở với Ta trên thiên đàng”. Lời này chắc chắn sẽ giúp con xứng đáng bước vào vương quốc của Thiên Chúa, cho con được hoàn toàn thứ tha và trở nên thánh thiện nhờ quyền năng thanh tẩy của sự chết trong Chúa và với Chúa. 
Lời thứ ba:Thưa Bà, đây là con của Bà” –
                “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27)

Giờ đây, vào giờ chết, là lúc mà Thân Mẫu Chúa lại có mặt ở kề bên Ngài. Không phải là lúc để Mẹ xin Chúa làm một phép lạ, nhưng là thời điểm để chứng kiến Chúa đi vào cõi chết, và vì thế Mẹ cần phải ở đó. Mẹ là người đã từng được Chúa nói rằng: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Đây là lúc giờ đã đến, Mẹ và Con sẽ cùng chia sẻ. Giờ của biệt ly, giờ của sự chết. Này là giờ mà Mẫu Thân, một goá phụ, phải mất đi người Con duy nhất của mình.
Và vì thế một lần nữa cặp mắt của Chúa phải hướng đến Mẹ Ngài. Chúa không tiếc Mẹ điều gì. Ngài không chỉ là niềm vui cho cuộc đời Mẹ, mà còn là nỗi đắng cay và sầu khổ cho cuộc đời Mẹ nữa. Nhưng cả hai đều là ân sủng, đều là tình yêu Chúa dành cho Mẹ. Và bởi lẽ cả khi vui lẫn khi buồn Mẹ đều có mặt ở bên cạnh và phục vụ Chúa, nên Chúa rất quý yêu Mẹ. Thực ra, chẳng phải đến tận giây phút này Mẹ mới thực sự là Mẹ Chúa theo nghĩa trọn vẹn nhất, bởi lẽ chẳng phải là tất cả những ai thi hành thánh ý Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, đều trở thành Mẹ và anh chị em của Chúa đó sao?
Ngay cả ở trong cơn thống khổ này Chúa cũng vẫn nhanh chóng biểu lộ tình yêu của mình bằng sự trìu mến mà mỗi người con ở trần gian này vẫn dành cho mẹ của mình. Những tình cảm êm đềm, quý báu có giá trị xoa dịu cõi lòng và làm đẹp thế giới này, nhờ cái chết của Chúa, sẽ được thánh hiến và thánh hoá. Rồi sẽ có đất mới, vì trong cái chết Chúa vẫn yêu quý nó; khi cam lòng chịu chết để cứu chuộc con Chúa vẫn xúc động vì những giọt lệ tuôn rơi trên gò má Mẹ hiền; và trong khi chấp nhận từ bỏ sự sống của chính mình, Chúa vẫn muốn cho trần gian này được vẹn toàn: một đứa con cho người goá phụ và người mẹ cho một đứa con.                                                         
Nhưng Mẹ không đứng đó dưới chân thập giá để chỉ ôm nỗi sầu lẻ loi của một người mẹ có con đang phải chết, Mẹ còn đứng đó vì con nữa. Mẹ đứng đó trong vai trò là Mẹ của mọi chúng sinh. Vì chúng con, Mẹ đành mất người Con yêu dấu của mình. Vì chúng con Mẹ nói lời “xin vâng” cho cái chết của Chúa. Mẹ là hiện thân của Giáo hội dưới chân Thánh giá, thuộc dòng dõi con cháu Eva, chiến đấu trong cuộc giao tranh giữa rắn và Con của người đàn bà. Và vì thế, khi Chúa trao phó Mẹ cho người môn đệ Chúa yêu, thì cũng có nghĩa là Chúa trao phó Mẹ cho con.
Giờ đây Chúa cũng đang nói với con rằng: “Hỡi con trai, con gái, đây là Mẹ của con”. Ôi lời đã đem lại cho con một gia sản tồn tại đến muôn đời! Vâng lạy Chúa Giêsu, chỉ những ai có Mẹ làm của riêng mình từ giờ phút ấy mới có thể đứng dưới chân Thánh giá như người môn đệ Chúa yêu. Và qua bàn tay thanh sạch của người Mẹ ấy, con xứng đáng lãnh nhận mọi ân sủng phát sinh từ cái chết sinh ơn cứu độ của Chúa. Mỗi khi nhìn đến linh hồn rách nát của con, xin Chúa hãy ngỏ lời với Mẹ rằng: “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ”.
Lời thứ bốn:Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (Mt 27,46)
Cái chết đến gần kề hơn bao giờ hết, nhưng con sẽ chẳng nói đó là sự kết thúc của cuộc đời nơi trần thế, bởi vì cái chết của Chúa là sự bình an và ơn cứu độ. Thực ra, chết là một vực sâu vô tận, vực thẳm không thể tưởng tượng được của phá huỷ và đau đớn. Chết đang đến gần, kéo theo nó là sự trống rỗng, yếu liệt và bị dồn nén trong nỗi cô độc. Trong cái chết mọi sự đều tan rã, đều vuột trôi đi, chỉ còn lại cảm giác bị bỏ rơi, một sự bị bỏ rơi chất đầy những đớn đau khó thể thốt nên lời.
Trong bóng đêm mù mịt của lý trí và cảm xúc, tâm hồn trống rỗng như sa mạc hoang, nhưng linh hồn Chúa vẫn còn cất lên lời cầu nguyện. Con tim bị tan nát vì đau khổ của Chúa phát sinh một tiếng kêu duy nhất lên Thiên Chúa. Ôi lời kinh trong nỗi thống khổ, lời kinh trong mặc cảm bị bỏ rơi, lời kinh từ sự yếu nhược khôn thấu, lời kinh của một Thiên Chúa bị ruồng rẫy, con kính thờ lạy Chúa. Nếu Chúa đã có thể cầu nguyện như thế, ôi lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa đã có thể cầu nguyện trong nỗi đớn đau dường ấy, thì liệu còn vực thẳm cao vời nào khiến con chẳng thể thốt nên lời kêu xin với Chúa Cha? Liệu còn sự thất vọng não nề nào có thể sánh ví với nỗi niềm bị bỏ rơi của Chúa khiến không thể biến thành lời kinh? Liệu còn có nỗi khổ sầu tê tái nào, dù cất lên trong tiếng thì thào, vẫn chẳng mất hy vọng được nghe thấu giữa tiếng vui mừng trên trời cao?
Chúa dùng Thánh Vịnh 22 để diễn tả nỗi thống khổ của mình, để thốt lên lời kinh của người hoàn toàn bị bỏ rơi. Lời Chúa nói: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Đó là câu đầu tiên của khúc ai ca mà chính Thần Khí Chúa xưa kia đã đặt vào lòng và trên môi của một vị thánh nhân thời Cựu ước để diễn tả nỗi thống khổ của mình. Và vì vậy, con dám mạo muội nói rằng, lời kinh duy nhất mà Chúa muốn thốt lên trong nỗi khổ nhục cay đắng tột cùng này chính là lời cầu nguyện đã được dùng đến hàng ngàn năm qua. Theo nghĩa nào đó, lời đó như lời kinh phụng vụ của Hy lễ, ở đó Chúa long trọng dâng chính mình làm của lễ muôn đời. Qua những lời đó, Chúa đã có thể nói lên tất cả mọi điều cần phải nói. Xin hãy dạy con biết dùng lời Giáo hội cầu nguyện như là những lời xuất phát từ chính trái tim của riêng con.
Lời thứ năm:Tôi khát!” (Ga 19,28)
Thánh sử Gioan, người tận tai nghe được lời này, đã kể lại rằng: “Biết là mọi sự đã hoàn tất, và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát!’” (Ga 19,28). Một lần nữa ở đây Chúa đã dùng lời các Thánh Vịnh mà Thần Khí Chúa đã tiên báo về sự đau khổ của Chúa sau này. Thánh Vịnh 22 nói về Chúa rằng: “Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau.” (22,16). Còn Thánh Vịnh 69,22 nói thêm rằng: “Con khát nước lại cho uống dấm chua”.
Ôi người tôi trung của Cha, vâng phục cho đến chết, mà lại là chết trên thập giá. Chúa suy tưởng đến mọi điều đang xảy ra và cả những điều đáng lẽ cũng phải xảy ra cho Chúa; đến mọi việc Chúa làm và cả những việc đáng phải làm; cả những biến cố đang xảy ra và đáng lẽ phải xảy ra. Ngay trong lúc này, giữa nỗi thống khổ vì cái chết, vốn thường làm lu mờ tâm trí khiến khó có thể suy gẫm rành mạch được, thế mà Chúa vẫn còn nặng trĩu mối ưu tư rằng liệu mọi việc trong đời mình đã có phản ảnh trung thực hình ảnh có từ đời đời trong tâm trí Chúa Cha về bản thân mình hay chưa.
Và khi nói những lời này, Chúa chẳng hề quan tâm đến cái khát không thể tả xiết của thân thể Chúa, vốn đang phải chịu vì cạn gần hết máu với đầy thương tích nhức nhối, trần trụi và phơi khô dưới ánh mặt trời phương Đông chói chang giữa ban ngày. Chúa đang ngỏ lời với con, ngay giữa cái chết, với lòng khiêm hạ thật không thể hiểu được, đến độ con phải bái phục. Chúa một mực thực thi thánh ý Chúa Cha: “Vâng, điều môi miệng ngôn sứ đã nói về con rằng ý của Cha phải được thành toàn. Vâng, con thực sự khát.” Ôi Tấm Lòng Cao quý, mặc cho dòng thác lũ đớn đau đang hoành hành trên thân thể Chúa, điều Chúa quan tâm là làm tròn sứ mạng được trên giao phó.
Tiến gần đến đỉnh điểm của nỗi thống khổ kinh khiếp, Chúa vẫn một mực giữ thái độ này. Đó là một sứ mạng, chứ không phải là định mệnh mù quáng; là tôn ý của Cha, chứ không phải là sự yếu đuối của con người; là hành vi cứu độ phát xuất từ tình yêu của Chúa, chứ không phải việc làm của những kẻ tội lỗi. Chúa chịu mất đi để con được cứu; Chúa chết để con được sống; Chúa khát để con tìm được sự giải khát từ nguồn nước sự sống. Chúa bị dày vò vì cơn khát để từ trái tim nơi cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa phát sinh dòng nước ban sự sống. Chúa mời gọi tất cả mọi người đến với trái tim này, khi Chúa lớn tiếng kêu mời trong ngày lễ Lều: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38).
Chúa khát khao con. Chúa còn khát mong cho con được yêu thương và cứu độ; như nai rừng khát suối nước trong, hồn con cũng khát khao Ngài, lạy Chúa.
Lời thứ sáu:Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19,30)
Chúa đã nói lời này: “Thế là đã hoàn tất!” Vâng, lạy Chúa, cái tận cùng rồi cũng đã đến: Sự kết thúc của cuộc đời Chúa. Thanh danh chẳng còn, hy vọng đã hết, chấm dứt mọi đấu tranh và lao nhọc trong kiếp người của Chúa. Mọi sự đã qua. Mọi sự đều đã tan biến hết. Chúa đã đi trọn cuộc đời mình, nhưng hy vọng chẳng có mà quyền lực cũng không, chỉ có cái kết là hoàn thành sứ mạng. Quả thật, chỉ có ai đi đến tận cùng bằng tình yêu và lòng trung tín mới đạt đến mức thành toàn. Cái thất bại chính là sự chiến thắng của Chúa.
Ôi lạy Chúa, đến khi nao con mới dứt khoát hiểu được điều này, là quy luật sống của Chúa và cũng là của chính con? Quy luật của chết chính là sống, đánh mất chính mình là tìm thấy bản thân, nghèo khó ấy chính là giàu sang, chịu đau khổ thực sự là hồng ân và đi đến tận cùng trong chân lý ấy là hoàn tất.
Vâng, Chúa đã đạt đến mức thành toàn. Chu toàn sứ mạng Chúa Cha trao phó. Chén đắng đã được uống cạn chứ không cất đi. Cái chết siết bao hãi hùng đã được cam chịu. Công cuộc cứu chuộc thế gian đã được vẹn toàn. Thần chết đã bị khuất phục. Tội lỗi đã bị xoá tan. Quyền lực của tối tăm đã bị bẻ gẫy. Con đường dẫn đến sự sống đã được mở ra. Tự do cho con cái Chúa đã vẻ vang giành được. Thần Khí ban ân sủng nay có thể nhanh chóng thổi đến bất cứ nơi nào Người muốn. Chân trời thế giới tối tăm đã dần dần ửng hồng khi Tình yêu Chúa như ánh bình minh đang chiếu toả. Và chỉ trong một chốc lát – cái chốc lát mà chúng con gọi là lịch sử thế giới – sẽ bùng lên thành ngọn lửa, lửa sáng soi của Thượng Trí. Và từ đó cả trần gian sẽ chìm ngập trong biển lửa yêu thương của Chúa. Mọi sự đã hoàn tất.
Xin hãy cho con được tràn đầy Thần Khí của Chúa, vì Chúa là Đấng đã đưa cả thế giới này đến mức thập toàn, là Lời của Cha đã trở thành xác phàm và cam chịu khổ đau để làm cho mọi sự nên trọn vẹn.
Phải chăng một mai đây vào lúc xế chiều con cũng có thể cất lên lời: “Thế là hoàn tất, con đã chu toàn sứ mạng Chúa trao cho con”? Khi mà bóng tối sự chết phủ lấp thân con, liệu con có thể mượn lời của Chúa, là vị Thượng Tế tối cao, mà khẩn nguyện rằng: “Lạy Cha, giờ đã đến…Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, xin Cha tôn vinh con bên Cha” (Ga 17,1.5a)? Ôi Giêsu, dẫu rằng sứ mạng Chúa Cha giao cho con có là gì theo ý Người – lớn lao hay bé nhỏ, ngọt ngào hay đắng cay, sống hoặc chết, xin giúp sức cho con để con có thể hoàn thành tựa như Chúa. Chúa đã làm mọi sự nên trọn, kể cả đời con, thì xin cho con cũng có thể làm trọn như vậy.
Lời thứ bảy:Lạy Cha, con xin phó thác hồn con
                 trong tay Cha.” (Lc 23,46)


Ôi Chúa Giêsu, hoàn toàn bị bỏ rơi và đau khổ dày vò, nhưng đã đi đến tận cùng. Cái tận cùng mà ở đó mọi sự bị lấy đi, ngay cả linh hồn và ý chí tự do để nói “có” hoặc “không” và vì thế mà con người chẳng còn là chính mình nữa. Đó là ý nghĩa của sự chết. Ai hay cái gì là tác nhân đã lấy mất này? Chẳng là gì ư? Định mệnh mù quáng ư? Nhẫn tâm ư? Không, đó là Thiên Chúa Cha. Người là tình yêu và sự khôn ngoan. Và vì thế Chúa đã đành để bản thân mình bị tước đoạt hết. Chúa tin tưởng phó thác đời mình vào bàn tay dịu dàng nhưng vô hình ấy. Chúng con đây là những kẻ yếu lòng tin và hay lo lắng cho bản thân mình nên tưởng rằng những bàn tay ấy chỉ là những cảnh ngộ bất chợt, tham lam, tàn nhẫn, ngột ngạt của định mệnh mù quáng hay của sự chết. Còn Chúa thì nhận ra đó là bàn tay của Chúa Cha. Đôi mắt Chúa giờ có bị mờ tối vì sự chết, nhưng vẫn còn nhìn thấy Cha. Hướng về đôi mắt rộng mở, đầy vẻ thanh thản, và thấm đậm tình yêu thương của Người, môi miệng Chúa đã thốt lên lời cuối cùng của cuộc đời mình: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”
Chúa trao trả mọi sự cho Đấng đã trao mọi sự cho Chúa. Chúa đặt mọi sự vào tay Chúa Cha mà không cần có gì bảo đảm và chẳng một chút e dè. Đó là một công việc trọng đại, nhưng đầy gian nan và cay đắng khi thực hiện. Chỉ một mình Chúa phải vác gánh nặng của đời mình: Nào là hết thảy mọi người, cùng với những đớn hèn của họ, nào là sứ mạng kèm với thập giá Chúa phải mang, rồi là thất bại và cái chết. Nhưng giờ đây thời để chịu đựng đã qua, và Chúa có thể đặt mọi sự cùng với chính mình, nghĩa là hết thảy mọi sự, vào tay Chúa Cha. Bàn tay này thật quá ư dịu dàng và chắc chắn, tựa như đôi tay của Mẹ hiền. Đôi tay ấp ủ linh hồn Chúa tựa như người ta thận trọng và âu yếm nâng niu một con chim non. Giờ đây chẳng còn gì là khó khăn nữa, mọi sự đã trở thành dễ dàng, nhẹ nhõm và dễ mến. Tất cả đều được an toàn và chắc chắn trong trái tim Thiên Chúa, nơi mà ai cũng có thể cất giọng kể lể nỗi thống khổ của mình và được Cha âu yếm lau sạch nước mắt trên gò má đứa con thơ.
Ôi lạy Chúa Giêsu, một mai kia xin cũng hãy đặt linh hồn và cuộc đời khốn nạn của con trong tay Chúa Cha. Xin hãy đặt mọi sự, gánh nặng của cuộc đời và gánh nặng của tội lỗi con, không phải trên cái cân công lý, nhưng vào lòng bàn tay của Cha. Con trốn vào đâu, con còn tìm trú ẩn nơi nào, nếu chẳng phải là ở bên Chúa? Chính Chúa đã chịu đớn đau vì tội con, Chúa trở nên người anh của con trong những lúc đắng cay. Chúa hãy xem đây, hôm nay con đến với Chúa, quỳ dưới chân Thánh giá, cung kính hôn bàn chân đã âm thầm, nhẫn nại rong ruổi trên khắp nẻo đường con đi, và đang để lại đàng sau những vết chân đẫm máu.
Con ôm lấy Thánh giá Chúa, ôi Chúa của Tình yêu ngàn đời, Trái tim của mọi trái tim, Trái tim bị đâm thâu, Trái tim hiền lành và khiêm nhường vô ngần, xin thương xót con. Xin lấy tình thương mà đón nhận con. Và khi con tiến đến cuối cuộc đời lữ hành, khi ngày bắt đầu tàn và bóng tối sự chết bao phủ quanh con, vào lúc kết thúc cuộc đời của con, ôi Chúa Giêsu dịu hiền, xin cũng hãy nói lời sau cùng này: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn tôi tớ Cha trong tay Cha”. Amen.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn