Con đường Yêu Thương và Tôn Trọng - cùng người trẻ hướng đến chiều kích cá nhân với Cộng đồng

 

Cái nhìn của người cha nhân hậu đối với người con, trước hết, là đón nhận người con như là người con.
Ông không nhìn người con theo nhân cách tạm thời của anh ta. Sự đón nhận như người con ấy,
thể hiện cái hiểu biết sâu xa nhất và chân thật nhất
của người cha về phẩm giá con người.

 Bạch Thành, OP.


T
ương quan định hình nên “thế đứng”, làm nên “phong

thái” của đời sống con người. Tuy nhiên để xây dựng được tương quan lành mạnh – yêu và tôn trọng phẩm giá người – thì người ta phải khổ công khởi đi từ một “cuộc vượt qua” ra khỏi chính mình để không bị cái nhìn lệch hướng điều khiển. Thật vậy, khi nhìn nhau, ta thường chỉ thấy những tính cách của nhau hơn là thấy nhau như một con người hay như một tặng phẩm của Thiên Chúa Ba Ngôi, do đó, ta thường dễ rơi vào tình trạng vội vàng “chụp”, “túm” một “mảnh” nào đó của người đối diện và gán luôn cho cuộc đời người ấy, rồi “định nghĩa” người ấy là “mảnh” gì đó mà ta “túm” được. Ví dụ, anh ta là người thông minh; anh ta là thằng ma lanh; cô ấy là người xấu; cô ấy ngu ngốc; nó là thằng nghiện rượu; nó là thằng khùng chẳng biết làm gì… Rõ ràng tất cả những điều ta vừa liệt kê giữa hàng ngàn hàng vạn điều khác ta thường dùng để định nghĩa tha nhân là gì, đều là những thành kiến, phiếm diện và sai lầm, vì tất cả những điều trên không thể định nghĩa tôi hay tha nhân là gì cách trọn vẹn, trong ý hướng của cái nhìn con người là hình ảnh Thiên Chúa.

1. Con người bị giản lược thành ra như “vật tính”

Tùy theo cách ta nhìn bản thân và tha nhân thế nào mà có cách đối xử ra như vậy. Điều này vừa đúng ở mỗi cá nhân vừa đúng nơi các tổ chức xã hội và cả cho một quốc gia dân tộc.

Trước hết, đối với một cá nhân, nếu anh ta thấy người đối diện mình là một người ngu dốt, chắc chắn anh ta sẽ tỏ thái độ khinh chê nào đó cũng đồng thời anh ta tự tôn mình là người giỏi giang. Nếu trước mặt anh ta là một người giỏi giang thì trong đầu anh ta tức khắc kính trọng người đối diện vì họ giỏi và dù người đó có nhiều điều không giỏi nhưng đối với anh ta (chủ thể nhìn) vẫn thường bị cái giỏi nơi người ấy bao phủ, che lấp. Nếu trước mặt anh ta là người mới ra tù, thì trong đầu anh ta người đối diện đó là kẻ phạm tội, có lẽ không nên lại gần.

Tương tự, trong một tổ chức, khi người ta nhìn người khác bằng những chức năng, khả năng thì nguy cơ khinh chê cũng được đẩy lên cao. Trong một tổ chức kinh doanh, kẻ nào bán được nhiều hàng, kẻ đó làm vua, đáng kính trọng, kẻ đó có mọi phẩm giá cao quý và những sai lầm của kẻ đó có nặng đến mấy cũng được cảm thông hết mình. Kẻ càng làm được ít việc càng trở nên mờ nhạt, đáng khinh, đáng đuổi cổ ra khỏi công ty. Hơn thế nữa, nếu một quốc gia dân tộc được đặt nền trên triết lý con người chức năng thì càng nguy hại, bởi vì khi đó người ta chỉ trọng những ai làm được việc cho tổ chức của mình, còn những người chống đối hoặc có ý kiến trái chiều chắc chắn sẽ bị loại trừ và thậm chí bị loại bỏ bằng mọi cách, mọi giá.

Thật vậy, trong một quốc gia như thế, kẻ cô thế cô thân, người nghèo khổ, bé mọn chắc chắn sẽ bị đàn áp chà đạp. Phẩm giá con người sẽ là thứ nhảm nhí, viễn vông, không bao giờ được xem trọng. Một khi chỉ coi trọng những tầng lớp chức năng phục vụ mục đích cho “lợi ích nhóm” của mình, thì chắc chắn sẽ sinh ra một tầng lớp ưu tuyển, chuyên quyền; sáng tạo và tư duy là đồ vất bỏ; “trí thức chỉ là cục phân” (Lênin trong thư gửi Gorky 1919). Con người do đó phải là con công ráng trau chuốt bộ “lông” bộ “cánh” sao cho hợp với những con mắt trong hoàn cảnh của mình. Con người thành ra bị giản lược thành “vật tính” cách rõ rệt nhất nơi những tổ chức và quốc gia như vậy. Nói dễ hiểu, con người được xếp ngang với đồ vật, là một món hàng; nên có thể tự do trao đổi, mua bán, lạm dụng, hưởng thụ... Tóm lại, phẩm giá con người không còn nữa; con người đối xử với nhau mạnh được yếu thua... dẫn đến muôn vàn tệ nạn khác trong xã hội.

2. Cuộc đời quá “phi lý” và đáng “buồn nôn”

Khi nhìn nhau bằng những giản lược vào “vật tính”, người ta cũng bị đánh lừa bởi những ảo tưởng[1] và do đó khi những giản lược ấy theo thời gian nó phải qua đi, thì cuộc đời quả thật thê thảm và đáng nôn mửa. Rõ ràng với dòng lịch sử trôi qua, không ai là trẻ đẹp mãi, không ai là tài giỏi mãi, không ai là dốt mãi, cũng chẳng ai là hiền hậu hoài được. Tất cả đều có lúc này lúc kia “mọi sự chỉ là phù vân”, như ông Côhêlét nói “một thời lượm đá, một thời ném đá; một thời xây cất, một thời phá đổ” (xc. Gv 3). Có biết bao công trình nghiên cứu tưởng chừng như vững chắc vĩnh viễn, nhưng rõ ràng thế hệ sau đã đạp nó xuống để xây cái khác đè lên đó. Con người với tư tưởng sai lầm về sự hữu và vô hữu, do đó đi đến tình trạng “nôn mửa” liên miên là tất yếu. Đó cũng chính là sự “phi lý của cuộc đời” mà Albert Camus cảm thấy. Thật vậy, cuộc sống và lịch sử theo Albert Camus vô lý đến nỗi chỉ có tự sát và nổi loạn làm cách mạng mới có thể giải thoát và đem lại ý nghĩa cho đời sống con người được.[2]

Đời đáng buồn nôn, vì những gì tôi có đều do tha nhân “ban cho” và “gán cho”. Tha nhân chính là thượng đế ban phát nhân phẩm giả tạo mà tôi lại tưởng là thật. Rồi đến lượt mình, tôi cũng ban phát cho tha nhân chính cái hư vô mà tôi tưởng là cái hiện hữu thật. Ai cũng muốn trở thành “bậc đáng kính”. Thế nên, tôi vô tình “hư vô hóa” tha nhân thành ra cái họ không là và không là cái đáng lý ra họ là[3] và do đó đóng khung họ trong ý thức của tôi “Tôi là hữu thể mà nhờ đó mới có hữu thể. Đó là sự vùng trỗi dậy của các vị nhân – nghĩa là ý thức, làm nảy sinh một vũ trụ”[4] (Hữu thể và vô thể - Jean Paul Sartre).

Con người là hữu nhưng bị gán vào cái vô hữu. Con người thường nhìn nhau như người anh nhìn người em trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32). Họ chỉ nhìn nhau “còn nó đã tiêu hết số tiền với bọn đĩ điếm”. Người anh đã giản lược người em như một sự vật – số tiền – và do đó người anh đã tuyệt vọng, không thể nhận ra trước mắt mình là một người anh em hay một thụ tạo huyền nhiệm. Và người anh chính là đại diện cho những người vô thần thực thụ, vì một khi tôi không nhận ra tha nhân là một huyền nhiệm mà chỉ giản lược vào “vật tính”, vô tình tôi đã “ban” cho tha nhân một loại hiện hữu què quoặt. Tôi khi đó là thượng đế của vũ trụ “vũ trụ vị tôi” – “chính khi trở thành ‘vị tôi’ mà vũ trụ nhận được một ý nghĩa và trở nên có thể hiểu được […] Tôi là nguồn tuyệt đối”[5].

Do đó, khi sống trong nhận thức sai lầm về tha nhân, người ta không những “ăn cắp”, “ăn gian” sự hữu đích thực của tha nhân, mà người ta còn “chặn đứng” dự định về một thực thể mà người khác sẽ trở thành.[6] Con người khi đó đóng khung lẫn nhau, do vậy, cuộc đời thật phi lý và đáng nôn mửa. Cuộc sống ra như một sân khấu hài, trong đó, ta toàn gặp những anh hề làm hết trò này đến trò kia, chẳng có thứ nào là thực và cũng chẳng ai thực sự là người như họ là. Tất cả trở nên trống rỗng, vô nghĩa, khốn nạn và vô vị, vì “ta không hiểu được tha nhân cũng như không thể làm cho họ hiểu ta. Do đó mới sinh ra hiểu lầm, những phán đoán bất công mà tất cả chỉ có nguyên nhân độc nhất là vô phúc phải làm tha nhân”[7].

3. Bước hụt chân xuống hố

Con người muốn giành quyền làm chủ “Các ngươi chỉ được phục sinh kể từ khi vị Thiên Chúa ấy nghỉ yên trong mồ. Chỉ lúc này đây mới ló rạng buổi đại Ngọ Thiên, chỉ lúc này đây con người thượng đẳng mới trở thành chủ nhân[8] để định đoạt tất cả mọi thứ cho mình bằng sức riêng của mình, nhưng họ càng nỗ lực bao nhiêu, càng thất bại bấy nhiêu; càng nghĩ mình tiến tới bao nhiêu, thực tế càng gần với hố sâu bấy nhiêu. Bởi vì, tự bản chất con người không phải là Tạo Hóa, họ không thể tự mình “xoay vần” mọi thứ được.

Một sự “lỳ lợm” trong lối sống quyết biến mọi người thành những con Công phục vụ cho lợi ích của mình hóa ra lại tạo ra một xã hội theo kiểu “dog-eat-dog”. Theo từ điển Cambridge, cụm từ này dùng để diễn tả một hoàn cảnh mà con người ta làm mọi cách để thành công, ngay cả khi gây hại cho người khác. Trong trường hợp này, tha nhận là ai? Hẳn nhiên, tha nhân không phải là một huyền nhiệm, mà họ chính là vật cản, là vật không được quan tâm chú ý, nếu không muốn nói như Jean Paul Sartre “tha nhân là địa ngục cho tôi”. Đây không phải là vấn đề đâu đâu xa xôi, mà ngay chính trong đời sống chúng ta, ngay trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Ví dụ như vụ Nước Mắm hoá chất. Rõ ràng hiện nay nước mắm truyền thống bị coi là vật cản của nước mắm hoá chất, nếu không muốn nói những người làm nước mắm hoá chất coi nước mắm truyền thống như kẻ thù vì gây trở ngại cho sự thành công của họ. Đây chính là bối cảnh Dog-eat-dog (người ta cắn xé, chà đạp lên nhau để mưu toan thành công cho mình). Thực tế chứng minh rằng nếu việc tìm kiếm thành công, danh vọng, hay chân lý, nếu không được đặt trong tương quan liên đới, liên luỵ với tha nhân, thì người ta không thể đạt được. Một xã hội mà nơi đó đời sống chỉ là “dog-eat-dog” thì nơi đó chỉ có thể là đau khổ, bất công, tham tàn, triệt hữu, lạc hậu, đói nghèo...

Một xã hội như thế cũng tìm cách loại bỏ tôn giáo, trong khi đó, đời sống tâm linh luôn là thứ gì đó như “máu thịt” gắn liền với đời sống xã hội loài người, nên nó lại sinh ra một dạng “tâm linh quái thai” khác. Đó là mê tín dị đoan. Quả thật, Tổng Giám mục Fulton J. Sheen từng khẳng định:

Một thời đại vắng bóng đức tin là một thời đại của mê tín dị đoan. Niềm tin tôn giáo quá khẩn thiết đối với lòng người đến nỗi một khi nó bị gạt bỏ sang một bên, thì một số hình thức lệch lạc sẽ được người ta nại đến để khỏa lấp chỗ trống. Mỗi kỷ nguyên duy vật thường kéo theo một kỷ nguyên mê tín dị đoan, ở đó, tâm trí con người tin vào mọi thứ. Người ta nên như những kẻ cuồng tín. Họ biến những “thầy” lang trở nên như những vị thần thánh để cúng bái và tôn thờ[9].

Chỉ có một “mệnh lệnh tất yếu” đối với con người và buộc họ phải biết và thực hành đó là “con người chỉ hiện hữu khi tự coi mình là để cho tha nhân và có tương quan với tha nhân” (Marcel). Và tương quan đó chỉ có thể có ý nghĩa và được dưỡng nuôi khi người ta sống tôn trọng, tìm lợi ích cho nhau, cùng nhau lớn lên và thành toàn trong cõi nhân sinh. Mà điều này chỉ có thể thực hiện được khi người ta sống có niềm tin tôn giáo chân chính, bởi lẽ chỉ trong thứ tôn giáo ấy, người ta mới được cho biết con người đích thực là ai: Tôi là ai? Tha nhân là ai? Khi đó người ta sẽ ý thức đến đời sống với ai, thay vì sống thế nào vì cái gì.

4. Tình trạng bị “quăng-ném” vào trong “cõi người ta”

Thật vậy, bao lâu chưa nhận biết đích thực về nguồn gốc của mình, chưa hiểu được ơn gọi của mình, thì mỗi người còn phải quay cuồng trong “cõi người ta”. Điều này dẫn đến “Hiện thể xét như là ngã-khả-hữu trung thực nhất đã luôn rơi khỏi chính mình và sa đọa nơi thế giới”[10] và mất hút vào trong thế giới đó “Không-còn-là-chính-mình xây dựng một khả thể tích cực của hiện vật mà chính yếu khi bận tâm chìm đắm trong một thế giới”[11]. Như thế, người đó luôn cảm thấy cô đơn, vì tự trong lòng luôn có một nỗi sợ trống không, một sự trống rỗng từ cảm giác không thuộc về ai, không là gì cả. Những gì cá nhân mong đợi là một sự “cắt nghĩa”, “định nghĩa” từ phía thế giới. Điều này có nghĩa là phẩm giá cá nhân được định đoạt bởi “người ta” chứ không phải tự bản thân nó có. Những sai lầm trong suy nghĩ về chính mình cũng như thế giới xung quanh đã đẩy đưa cá nhân vào tình trạng vong thân, rơi vào bế tắc về ý nghĩa làm người. Tuy nhiên, anh ta lại bình tâm trong sai lầm đó. Sự bình tâm này không phải là chấm hết và yên lặng, nhưng “xô đẩy vào sự lu bù của ‘công việc’”[12]. Điều này cho thấy sự bình tâm kia chỉ là giải pháp “lấp liếm” tạm thời và có thể nói là bình tâm bất an, bởi vì con người chưa am hiểu được cách chuẩn xác nhất về chính mình. Một khi chưa “định nghĩa” được cách đúng đắn về chính mình, con người vẫn cứ phải loay hoay quay cuồng với lối sống vong thân và tự giam hãm nơi chính mình trong sự thiếu nền tảng và hư ảo.

Tình trạng bị vây hãm trong một bầu khí mà nơi đó đa số con người bị rơi vào tình trạng quay cuồng trong đời sống vong thân, khiến người ta càng vất vả hơn nữa trong việc đi tìm tôi-là-cái-tôi-là. Tuy nhiên, lời mời gọi đi tìm ý nghĩa về sự hiện hữu của mình đã được “cài đặt” sẵn trong tâm hồn con người, do đó họ luôn khát khao đi tìm nó để hoàn thành sứ mạng cuộc đời. Bởi vì, con người có trốn chạy, có quay lưng đi lại – không đặt mình trước mặt chính mình – thì lại càng phải “đối đầu” với chính nó. Do vậy, sự “giằng co” này dẫn đến tình trạng sợ hãi và xao xuyến lẫn lộn luôn luôn ở trong tâm hồn con người.

Sự xao xuyến là bước cần thiết để khai mở một cái nhìn sâu hơn về chính mình và tích cực hơn trong tương quan với thế giới chung quanh “Sự xao xuyến khai lộ cách căn nguyên và trực tiếp thế giới như là thế giới”[13]. Sự xao xuyến như là một nhịp cầu đưa con người trở lại với chính nó, tách khỏi “thế giới người ta”, nghĩa là cá nhân có cơ may để có được sự tự do chọn lựa và lĩnh hội chính mình “xao xuyến kéo hiện thể ra khỏi chìm đắm sa đọa của nó nơi thế giới”[14]. Như thế, con người nhờ xao xuyến mà có thể bước vào một “phong thái” hiện hữu đích thực hơn với chính mình. Nhiều thứ thuộc “cõi người ta” trở nên xa lạ và làm cho cá nhân trở nên cô đơn, nhưng sự cô đơn cần thiết để đảm đương cuộc sống của chính mình. Mối bận tâm của cá nhân lúc này cũng khác với trước đây khi còn bị vây bủa bởi mối bận tâm của công chúng. Mối bận tâm trước hết là bận tâm về thân phận của mình trong tương quan với bên trong và bên ngoài.

5. Vượt qua những ảo tưởng

Thật vậy, con người tự bản tính không phải là “Đấng Làm Chủ”, bởi vì họ được dựng nên từ hư vô. Như thế, một cách thẳng thắn, con người không có khả năng làm chủ, nhưng luôn phải sống dựa vào một ‘thế lực’ cao siêu hơn mình để được tự do và được sống dồi dào. ‘Thế lực’ cao siêu đó là Thượng Đế, Đấng Tự Hữu từ muôn đời, đã tác tạo nên mọi sự, sắp đặt mọi thứ, là ông chủ đích thực điều khiển muôn loài. Quả thật, bất cứ khi nào con người muốn tự mình làm chủ, nghĩa là, muốn tự mình ban phát ân sủng cho mình, muốn tự mình tạo ra ân sủng, lúc đó thế giới của con người đầy đảo lộn, đau khổ, bạo lực, chiến tranh và chết chóc. Con người không thể không phụ thuộc vào lòng nhân từ hay ân sủng từ bên ngoài mình, nói cách khác đó là sự trợ giúp của Thượng Đế và chính sự sống của Thượng Đế mới có thể làm cho con người ra NGƯỜI và mới có cơ may nên thần thánh mà thôi.

Thật vậy, "Con người là tạo vật duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa sáng tạo vì chính họ; con người chỉ có thể tìm gặp chính mình nhờ thành thật hiến dâng" (MV 24). Sự dâng hiến chính mình cũng không phải con người tự ý thức nhưng phải được soi dẫn bởi ánh sáng của lời Thiên Chúa. Đó là ánh sáng của sự thật. Chính khi đón nhận ánh sáng của sự thật, con người mới được giải thoát khỏi mọi mê lầm và tội lỗi, đồng thời những gì tốt đẹp nơi họ được tỏa sáng. Quả thật, nơi nào ánh sáng của tình yêu và sự thật soi chiếu, thì bóng tối của lý trí bị xua tan; tình yêu nhìn thấy, tình yêu là ánh mắt và kinh nghiệm cho chúng ta nhiều hơn là sự suy tư.

Hơn thế nữa, khi gặp ánh sáng của sự thật, người ta nhận ra rằng đó là ánh sáng cho tất cả mọi người; những cuộc tranh cãi biến mất và thay vào đó người ta có thể hiểu nhau, hoặc chí ít là nói chuyện với nhau, để đến gần nhau hơn:

Cách thức duy nhất để mọi cá nhân, gia đình và xã hội có thể phát triển, để cuộc sống con người thăng tiến, đó là qua nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa trong đó mọi người đều có điều gì đó tốt lành để trao tặng, và có thể nhận lại điều tốt lành. Người khác luôn có điều gì đó trao cho ta, nếu chúng ta biết cách đến gần họ trong tinh thần cởi mở và không thành kiến.[15]

Con đường đối thoại chắc chắn bao gồm tương quan gần gũi với Thiên Chúa trong Đức Kitô, trong cuộc gặp gỡ sâu sắc với Người, trong kinh nghiệm về sự thật mở đường cho người ta tới ánh sáng và giúp họ mở lòng ra với tha nhân. Hơn nữa, bằng ánh sáng của sự thật, ánh sáng của tình yêu, người ta có thể lần mò theo con đường kinh nghiệm, kinh nghiệm khiêm nhường về đức tin, để mỗi ngày tới gần với tha nhân hầu có thể chấp nhận và yêu thương nhau hơn. Nhờ đó, dần dần trái tim của họ được mở rộng đồng thời soi sáng cho lý trí để nó nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi mọi loài thọ tạo. Điều này không phải là những thứ cao siêu trong tư tưởng, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho những ai có trái tim biết thổn thức, dễ xúc động và hay rung động trước tha nhân. Có lẽ cách nào đó khi quan sát đời sống của bà mẹ quê trong tương quan với người con của mình, người ta dễ dàng nhận ra ý muốn của Thiên Chúa đối với con người – đón nhận nhau, trước hết, như những công trình độc đáo và duy nhất của Thiên Chúa.

Từ quan sát cuộc sống, ta có thể kể tên ra đây một con đường khác, mộc mạc, dung dị:

6. Con đường của Bà Mẹ Quê

Đối với bà mẹ quê, dù thằng con của bà có hư đốn xấu xa thế nào đi nữa thì bà vẫn yêu thương nó, bà vẫn tha thiết tìm cách để vực dậy cuộc đời của nó, vì nó là con của bà.

Bà đau khổ vì những sai lầm của người con, nhưng bà không ngừng yêu thương cũng như đặt niềm hy vọng vào đứa con của mình.

Đối với người đời, đứa con của bà có thể không thể nào hoàn lương được, nhưng đối với trái tim bà thì khác, bà vẫn tin tưởng vào đứa con của mình. Bà không giản lược đứa con của mình vào một tật xấu hay thói quen tồi. Bà là người hiểu nó nhất, bà tin rằng nó có nhiều phẩm chất tốt và bà cũng tin vào điều tốt, vào những hạt mầm thiện đã được gieo vào lòng nó. Niềm tin vào việc loại bỏ điều xấu và theo đuổi điều thiện lành không phải là nhân tố quyết định việc đón nhận người con như chính nó là. Do đó, dù có phải sống cuộc đời mưu sinh “buôn thúng bán bưng” - chạy ăn từng bữa - lao đao, vất vả, bấp bênh, nhưng bà vẫn dồn hết tâm lực, yêu thương lo lắng cho con mình có được cuộc sống tốt nhất có thể. Thời gian trôi qua bào mòn thân hình bà; gánh cơm, gánh cháo nặng trĩu trên thân hình gầy gò yếu ớt không làm vơi đi nhưng lại làm cho trào ra tràn đầy tình người, tình mẫu tử.

Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32) cũng chính là nói lên tấm lòng của bà mẹ quê. Người cha nhân hậu không chờ người con trở về với thành công, mà cũng không loại bỏ người con vì nó thất bại. Người cha chờ đợi và đón nhận người con vì đó là người con của ông. Những phẩm cách của người con có thể bị sai lạc, nhưng phẩm giá con người là một thứ gì cao trọng hơn hết. Hành động “mặc áo đẹp, đeo nhẫn, xỏ giày”(x.22-23) thể hiện sự trân trọng và niềm hy vọng về một con người. Con người khi thành hình trong dạ mẹ thì đã là người một trăm phần trăm, nhưng mệnh lệnh tuyệt đối thôi thúc họ phải triển nở mình, làm cho mình “vinh quang sáng chói” mà nói theo Kinh Thánh, đó là làm cho mình nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Con người đã là người hoàn thiện, nhưng chưa hoàn thành. Họ phải hoàn thành mình trong dòng lịch sử đời thường. Trong dòng lịch sử ấy – lịch sử cứu độ - họ không đơn côi, nhưng là bước đi cùng với tha nhân – những người biết đón nhận và với Đấng Siêu Việt. Con người buộc phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhưng không là kết thúc nơi mình mà kết thúc nơi Đấng Siêu Việt, hay nói đúng hơn chính Đấng ấy sẽ hoàn tất những gì còn thiếu sót nơi họ.

Cái nhìn của người cha nhân hậu đối với người con, trước hết, là đón nhận người con như là người con. Ông không nhìn người con theo nhân cách tạm thời của anh ta. Sự đón nhận như người con ấy, thể hiện cái hiểu biết sâu xa nhất và chân thật nhất của người cha về phẩm giá con người. Tất cả những gì méo mó trong nhân cách thật đáng buồn và là những chuyện rất cần phải sửa dạy về sau, nhưng không phải vì chuyện đó mà ông giản lược người con thành “kẻ nuốt hết của cải với bọn điếm”, “kẻ sống với bầy heo” hay “kẻ ăn đậu muồng heo”.

Hình ảnh người cha nhân hậu hay người mẹ quê cho thấy sự khôn ngoan đích thực của việc làm người. Trước tiên, công việc phải làm đó là một quá trình dấn thân làm phúc liên lỉ để cho cái phúc được hiện thể trào tràn ra nơi chính mình, nhờ đó, tha nhân được sống trong ân phúc mà kiện toàn cuộc đời của họ. Đón nhận nhau chính là sống ân phúc làm người - món quà đã được tặng ban nhưng không. Môi trường ân phúc ấy kiện toàn con người trở nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”. Thiên-Chúa-làm-người đã “xong” cái giá cứu chuộc “phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ” (Hr 7,27) cho nhân loại, nhưng cũng chưa xong, vì cuộc đời vẫn cứ còn đó, nên giá máu cứu chuộc ấy vẫn phải cứ đồng hành, nâng đỡ, tha thứ, yêu thương, bao dung, bao bọc con người mãi, vẫn cứ phải loay hoay dàn bày phơi mở cho đến kỳ cùng kiếp nhân sinh và cho đến tận cùng mút thời gian.

Hành động thiện, hành vi tốt lành không phải là nhân phẩm con người, nhưng làm cho nhân phẩm con người được trào tràn phơi mở ra trong dòng lịch sử. Nhờ hành động mà “vinh quang” là người của con người được tỏ lộ cách rõ nét. Và nhờ một chuỗi liên miên các hành động thiện hay hướng thiện trong cuộc đời mà con người ngày càng “chói lọi như bầu trời rực rỡ” và “chiếu sáng muôn đời như những vì sao”.

7. Con đường gãy khúc

Những gì nhà tư tưởng suy tư và trình bày một cách mạch lạc và hệ thống về điều chân thiện phải làm, hay mệnh lệnh phải thực hành để thực sự thành người, thì không khác và cũng không hơn những gì bà mẹ quê đã nghĩ, đã làm và đã sống. Công lớn của nhà tư tưởng là làm cho mọi sự trong đời sống được sáng tỏ qua việc trình bày ra những tư tưởng và hoạt động của con người.

Triết gia phân biệt nhân cách và nhân vị. Thật vậy, nhân cách là tính cách con người, là những gì con người thể hiện ra qua hành động trong cuộc sống đời thường của mình. Trong khi đó, nhân vị (person) tức là nói đến chủ thể người, nói đến ngôi vị, nói đến một ai là gì. Sự hiện hữu của con người bao gồm toàn thể mọi chiều kích nơi anh ta trong tương quan với Siêu việt và với tha nhân “Con người chỉ hiện hữu khi tự coi mình là để cho tha nhân, và có tương quan với tha nhân”[16]. Theo Jacque Maritaine, con người “là một hữu thể toàn bộ thống nhất, theo cách hiểu này thì là một cá vị (cá nhân riêng biệt) và theo cách khác thì là một nhân vị. Tôi hoàn toàn là một cá thể, vì lý do về những thứ tôi nhận từ vật chất, hoàn toàn là một ngôi vị, vì những gì tôi đón nhận từ tinh thần”[17]. Theo đó, ta cũng không thể nói hành động của tôi thì không phải là tôi hay tôi tách biệt với hành vi của tôi, mà thật ra“mỗi một hành động của tôi là một hành động của chính-cá-nhân-tôi và là một hành động của chính-nhân-vị-tôi”[18].

Giống như “Người cha nhân hậu”, điều mà bà mẹ quê cảm thức và trực giác về người con của mình là một sự tin tưởng nơi bản tính có khả năng hướng thiện của nó như một mệnh lệnh: con người phải trở nên điều nó là. Bà tin rằng chỉ có tình yêu đón nhận mới có khả năng làm nảy nở bản tính tốt đẹp của người con. Hành động của bà thể hiện ra “cái tôi quảng đại” đón nhận người con dù y phạm nhiều lỗi lầm, đáng trách. Điều này giúp cho người con không chú tâm vào “cái tôi đáng ghét” nơi y, nhưng là nhận thấy một chân trời tốt đẹp đang mở ra phía trước. Với “cái tôi quảng đại”, bà đã cảm hóa và giáo dục người con theo lối sống vị tha của các vị thánh và cho người con nhận biết rằng “Con người sẽ thật sự là người, chỉ khi đời sống tinh thần và tự do ý chí kiểm soát được đời sống đam mê và các cảm xúc nơi y”[19].

Hành động đón nhận người con của bà mẹ quê như muốn phát đi thông điệp: chính tha nhân khai mở một điều gì đó thật sự mới mẻ về tôi “tôi khám phá ra tôi nhờ trung gian của tha nhân”[20] và hơn thế nữa “tôi là một thực thể tự do, tôi không hiện hữu bởi chính tôi, vì trong tự do, tôi trở thành tặng vật cho chính tôi”[21]; ở chiều ngược lại, khi đón nhận tha nhân với lòng cảm mến, trân trọng, tôi cũng có thể là “chìa khóa” để tha nhân nhận biết giá trị đích thực của họ và ý nghĩa sâu xa của đời sống. Do đó, bà chọn sự cảm thông, tôn trọng và tin tưởng hơn là sự trách mắng, ruồng rẫy. Thật vậy, sự cảm thông do đó rất quan trọng trong đời sống làm người, vì “tôi chỉ sống khi sống với người khác. Một mình tôi không là gì cả”[22]. Sự cảm thông này vượt lên khỏi mọi bàn luận, suy tư của lý trí hay cảm nhận của tinh thần tới bình diện “Hiện sinh với Hiện sinh […] ở đây cả thái độ biện hộ cho nhau, cả thái độ tấn công nhau đều không phải để chinh phục, chiến thắng nhau mà là để gần gũi nhau”[23]. Nó không phải là một bước lùi lại “an nghỉ” hay “tự ru ngủ” trong sự bình an giả tạo, nhưng là một bước tiến vượt lên phía trước để cải hóa, để thay đổi, hay nói đúng hơn là để tháp vào công cuộc “sáng tạo” lịch sử cứu độ nơi mỗi người, do vậy “Chỉ trong thông cảm như thế mới chắc chắn sống thật sự; chỉ trong thông cảm mọi chân lý khác mới được thể hiện và ở đây tôi mới thực sự là tôi, vì tôi không còn sống hời hợt mà là sống trọn ý nghĩa cuộc đời”[24]. Cảm thông, do đó, như con đường lai hồi vừa mang tính chất soi chiếu cho tha nhân vừa quay về hướng dẫn tôi trước lời mời gọi dàn bày phơi mở tâm hồn mình ra trước mệnh lệnh thay đổi.

Câu chuyện đơn giản của bà mẹ quê hóa ra lại là chủ đề suy tư “một mất một còn” của các nhà tư tưởng bao đời nay. Triết học và thần học gắng công đi tìm và lý giải cho ra cái ý nghĩa thật sự về Hữu thể, Hiện hữu, Yếu tính, Tính thể, Hiện sinh, Bao dung thể… và đã nhiều khi thấy “phi lý” và “buồn nôn” bế tắc đến nỗi Karl Jaspers phải thốt lên “suy tư triết học là con đường gãy khúc không thể sửa thẳng được”[25]. Quả thật, đối với bà mẹ “con đường gãy khúc” ấy chính là sự kinh ngạc và chấp nhận về một thực tế nơi người con của bà (con người mỏng dòn yếu đuối, dễ tan vào hư vô cũng như dễ bị những gì thuộc hư vô lôi cuốn) để bằng trực giác và với “cái tôi quảng đại” bà đã chớp lấy cơ hội làm lộ ra con đường “phục sinh” nhân phẩm, lấy lại sự hữu dưới ánh sáng của tình yêu. Hành động của bà biểu lộ sự khôn ngoan đích thực khi “nắm chắc được thực tại tự tại”[26] trong hoàn cảnh lịch sử riêng biệt của mình. Do đó, sự hiện hữu của người con là niềm vui sống của bà mẹ quê. Bà cho thấy rằng con người dù có bị “quăng ném” vào trong thế giới đi nữa, thì thực sự nó vẫn làm chủ được cái “quăng ném” đó bằng chính đời sống ý nghĩa của nó – trao tặng chính mình – cho cuộc đời. Hành động trao tặng cuộc đời ấy phát xuất trước hết từ lòng biết ơn vì được hiện hữu là người.

Kết luận

Cuộc sống vốn đã là một phép màu và hành động của bà mẹ quê lại còn phức tạp và huyền nhiệm hơn nữa trong suy tưởng của triết gia về cái tôi và tha nhân, về cái có và cái là. Đâu là nguồn suối cho mọi hoạt động và suy tưởng? Phải chẳng đó là lời - logos - nền tảng của mọi sự hữu? Thật vậy, lời của Đấng Siêu Việt thật đơn giản, dễ hiểu đối với người hèn kén, thấp cổ bé miệng; nhưng cũng khó khăn thách thức khôn cùng đối với bậc khôn ngoan thông thái. Con người càng đi vào cái lời lẽ, lý lẽ của Thượng Đế càng thấy bao la, xa vời, múc mãi không hết. Thế nhưng cũng có những kẻ ngơ ngơ dại khờ đã "đụng chạm", đã "túm" được cái ý nghĩa ấy của nó khi sống đến kỳ cùng ý nghĩa làm người hay khi hy sinh tính mạng làm chứng cho Sự Thật. Thực tế, lý lẽ của Thượng Đế thật gần gũi mà cũng rất xa vời, thật đơn sơ mà cũng quá phức tạp, nhưng chưa bao giờ là ẩn mình hay từ chối lộ diện trong hành động chân thiện của con người.

Cuối cùng, sống trong một xã hội mà ai cũng cố ngoi lên để cho người ta thấy “mình cũng rất chi là này nọ” (nói theo ngôn ngữ teen) hay để ai cũng thấy mình là “bậc đáng kính”, thì còn đó con đường của Giêsu cứ như trêu ngươi thiên hạ.

“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;

và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’”
(Pl 2,6-11).

Đức Giêsu đã là Chúa, nhưng điều đó trở nên cao trọng hơn nữa khi trong dòng lịch sử Người đã làm cho chính mình trống rỗng để “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân”. Chúa không phải là một ý niệm xa vời mà Người rất gần gũi và tỏ lộ ngay trong thân phận con người, một con người tầm thường nhất “thân nô lệ”. Hơn thế nữa, qua dòng lịch sử mà người ta nhận ra Người “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Hành động đón nhận đời sống tầm thường nhất cũng như đón nhận những thân phận yếu đuối, tội lỗi và nhỏ bé nhất của Đức Giêsu đã làm cho căn tính Thiên Chúa được dàn bày phơi mở, được trào tràn ra trên vạn vật. Để rồi cuối cùng, vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”. Hiện hữu là người đích thực, như Đức Giêsu thể hiện, là một quá trình “lao tâm khổ tứ” – “mặc lấy thân nô lệ […] vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” trong dòng thời gian, để cho sự hữu là người và ý nghĩa cuộc sống được trào tràn ra, được phơi bày ra cho những ai cần đến, chạy đến thì được hưởng ân phúc. Đức Giêsu hóa giải mọi tuyệt vọng, day dứt, đau khổ và tàn nhẫn mà con người cảm thấy trong thân phận làm người của mình bằng việc trao tặng cuộc đời của Người một cách tuyệt đối, liên mãi và dứt khoát.

 



[1] X. Michael D. Moga, Những Câu Hỏi Khôn Cùng, Lm Lê Đình Trị dg, (Đồng Nai: Đông Phương, 2018), 53.

[2] X. P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, Thụ Nhân dg, (Sài Gòn: Thế Sự, 1968), 79.

[3] X. Sđd., 111.

[4] Trích lại trong P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, 100.

[5] P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, 99.

[6] X. Sđd., 103.

[7] P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, 106.

[8] F. Nietzsche. Dg. Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Khiêm dg, 531.

[9] Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen (The World’s First Love): “An age without faith is an age of superstition. Religious belief is so essential to the heart of man that once it is cast aside, some false form is called in to fill the void. Every epoch of materialism has been followed by an era of superstition in which minds believe everything as fanatics and quacks become shrines of worship and objects of adoration.”

[10] Martin Heidegger, Hữu Thể và Thời Gian, dg Trần Công Tiến, (Sài Gòn: Quê Hương, 1973), 268.

[11] Sđd., 269.

[12] Sđd., 271.

[13] Martin Heidegger, Hữu Thể và Thời Gian, dg Trần Công Tiến, 287.

[14] Sđd., 288.

[15] 365 ngày với Đức Phanxicô, (HVĐM 2013), 17.

[16] G. Marcel, Être et Avoir, trích lại trong P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, Thụ Nhân dg, (Sài Gòn: Thế Sự, 1968), 147.

[17] Jeacques Maritaine, The Education of Man, (New York: Doubleday & Company, INC Garden City), 182.

[18] Sđd.

[19] Sđd.

[20] P. Foulquie, Chủ Nghĩa Hiện Sinh, 147.

[21] Karl Jaspers, Triết Học Nhập Môn, Lê Tôn Nghiêm dg, (Hà Nội: Thuận Hóa, 2004), 98.

[22] Sđd., 72.

[23] Sđd.

[24] Sđd.

[25] Karl Jaspers, Triết Học Nhập Môn, Lê Tôn Nghiêm dg, 85.

[26] Sđd., 101.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn