ĐGH Gioan Phaolô Ii Và Công Việc Của Thiên Chúa, Ấn Tượng Và Suy Tư

 

Với nhiệm vụ mang Lời của Đức Chúa,
Đức Gioan Phaolô II - sứ giả của Tin Mừng
– tiếp tục dùng Lời của Người để cảnh báo, hướng dẫn
và quy tụ Dân Thiên Chúa
bước đi trong đường lối ngay chính.

 

Bạch Minh Đức, OP.



Thế giới trải qua nhiều biến động và khủng hoảng từ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai rồi đến chủ nghĩa quốc gia cực đoan, phát xít và cộng sản. Những điều này đã làm đảo lộn trật tự thế giới và làm cho lòng người vốn dĩ đã hoang mang nay còn rơi vào tình trạng tệ hại hơn - kinh hoàng, mất phương hướng, hoảng loạn và bế tắc. Thế giới như rơi vào tình trạng “hỗn mang, hỗn độn” từ thuở hồng hoang. Thật vậy, với nhiệm vụ mang Lời của Đức Chúa, Đức Gioan Phaolô II - sứ giả của Tin Mừng – tiếp tục dùng Lời của Người để cảnh báo, hướng dẫn và quy tụ Dân Thiên Chúa bước đi trong đường lối ngay chính. Nếu như khi xưa Đức Chúa đã dùng lời của Người mà “kéo” mọi thứ từ thế giới của hỗn độn, hỗn mang - của sự hủy diệt và chết chóc - sang thế giới của trật tự, ánh sáng - của sự sống và vinh quang, thì giờ đây, Đức Gioan Phaolô II cũng trong ý nghĩa đó phải làm cho trật tự đó được sáng lên trong lòng người dưới ánh sáng của Lời. Trật tự vốn dĩ đã bị tội lỗi làm cho đảo lộn và hỗn loạn nay càng hỗn loạn hơn bởi con người muốn loại trừ lời Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình.

1. Thiên Chúa
               
đã tạo dựng một nơi đáng sống cho con người

Hành động tạo dựng thế giới của Thiên Chúa được người dân Hípri ví như hành động xây tổ của loài chim. Quả thật, Từ “tạo dựng” (קנה) có gốc là chữ קן (qen) nghĩa là “tổ chim”. Từ qen được ghép bởi hai hình ảnh  . Hình  tượng trưng cho mặt trời ở chân trời nơi đó ánh sáng quy tụ. Chữ này gợi lên ý nghĩa “quy tụ lại”. Chữ tượng hình thứ hai  là hình ảnh về một hạt giống. Kết nối hai chữ này lại ta có nghĩa “quy tụ lại/ gom lại vì (cho) những hạt giống”. Trong tự nhiên, trước khi đẻ trứng loài chim thường chọn nơi chốn an toàn và xây tổ trước. Chúng đi tìm nhặt các nguyên vật liệu về để “quây” lại thành một nơi chốn an toàn hòng chuẩn bị cho việc đẻ và ấp trứng rồi nuôi dưỡng chim con. Chữ qen, trong ý nghĩa ấy, nhằm ám chỉ một ai đó cất công tìm kiếm hoặc làm ra các nguyên vật liệu cần thiết để dựng lên một nơi chốn an toàn - “tổ ấm” - cho chính mình hoặc cho gia đình mình. “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Tối Cao, Đấng tạo dựng trời đất”, nghĩa là, Thiên Chúa sắp xếp các vật thuộc tầng trời và những thứ thuộc dưới đất lại thành như một cái “tổ” an toàn và tốt đẹp cho con dân của Người. Người làm cho nơi đó đi vào một trật tự và thật tốt đẹp để có thể dưỡng dục“Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa” và chăm lo cho con người “Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình” (Đnl 32, 10b-11). Cũng chính trong cái “tổ” an toàn này, Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn con người trong đường lối sự thật và công chính bằng cách ràng buộc họ với chính Người qua các giao ước.

2. Con người - mối bận tâm duy nhất của Thiên Chúa

Đời sống con người luôn là mối bận tâm lớn nhất của Thiên Chúa, vì “con người là tạo vật duy nhất mà Thiên Chúa muốn dựng lên để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài”[1] và do đó cũng phải là mối bận tâm số một của những ai tiếp bước theo Người, vì con người là con đường của Giáo hội[2], cho nên “Đạo bất viễn nhân” (Lão Tử). Điều này quan trọng đến nỗi mà chỉ cần một chút lơ là về sứ mệnh tối thượng (quan tâm đến đời sống con người), lập tức Giáo hội rơi vào những thời khắc đen tối nhất của lịch sử. Một trong những điều quan trọng nhất Giáo hội phải thi hành đó là nhắc nhở con người về một Thiên Chúa yêu thương hằng săn sóc họ ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Tình yêu ấy thể hiện trước hết nơi các quy luật tự nhiên, điều đã được khắc ghi trong lòng mọi người.

Bởi vậy, hỡi linh hồn đẹp xinh, hãy nhận biết chính mình ngươi: ngươi là hình ảnh của Thiên Chúa. Hỡi con người, hãy nhận biết chính mình ngươi: ngươi là vinh quang của Thiên Chúa (1Cr 11, 7). Hãy lắng nghe cho biết ngươi là vinh quang của Ngài như thế nào. Đây là lời của ngôn sứ: Sự khôn ngoan của ngươi đã nên kỳ diệu bởi vì nó phát xuất từ nơi Ta (Tv 138, 6), nghĩa là, trong các công trình của Ta, vẻ huy hoàng của ngươi là kỳ diệu nhất, sự khôn ngoan của ngươi được tán dương trong tâm tưởng con người. Trong khi Ta nhìn ngắm chính mình và trong khi ngươi dò thấy những tư tưởng thầm kín và những tình cảm thẳm sâu của Ta. Ta nhận ra những mầu nhiệm của trí tri ngươi. Vì vậy, hỡi con người, hãy nhận biết chính mình ngươi rồi ngươi sẽ khám phá ra rằng ngươi cao cả biết mấy, hãy chú tâm đến ngươi.

 (Thánh Ambrôsiô).[3]

Thật vậy, Thiên Chúa hướng dẫn con người trước hết qua luật tự nhiên (mạc khải đệ nhất). Điều này có nghĩa là tự bản tính, con người biết phân biệt điều lành điều dữ (x. St 2,17). Do vậy, luật tự nhiên là sự tham phần của tạo vật có lý trí vào trong luật vĩnh cửu (Tôma Aquinô) hay nói cách khác đó là “ánh sáng phát xuất từ trí tuệ được Thiên Chúa phú bẩm trong chúng ta. Nhờ ánh sáng ấy chúng ta biết được điều gì chúng ta phải làm và điều gì phải tránh. Ánh sáng ấy hay là luật ấy được Thiên Chúa ban tặng trong công trình tạo dựng”[4]. Như thế, luật tự nhiên là con đường sự sống và dẫn đến sự sống. Điều này đã được chính Đức Giêsu xác nhận trong cuộc đối thoại với anh thanh niên khi anh này hỏi Người “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19,16). Điều đầu tiên Đức Giêsu nói với anh ta không phải là những mớ lý thuyết cao siêu nhưng là những điều căn bản nhất, đó là những điều luật mà ai cũng nhận thấy bị đòi buộc trong tâm thức của mình: không được giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian; phải thờ cha kính mẹ và yêu đồng loại như chính mình (x. Mt 19, 18-19). Đó là những mệnh lệnh tối thượng vang vọng liên hồi trong lòng người nhằm thôi thúc và đòi buộc họ bảo vệ sự sống và duy trì sự hiệp thông liên vị trong đời sống con người. Hơn nữa, lương tâm cũng không ngừng thôi thúc con người vươn lên hơn nữa trong việc đạt tới điều thiện hảo, chứ không chỉ dừng lại ở những đòi buộc căn bản, vì khi yêu người ta luôn chực chờ để sống những đòi buộc cao xa nhất, trong đó, các giới răn là đại lộ rộng mở cho một cuộc hành trình luân lý và thiêng liêng tiến tới sự trọn hảo, mà trung tâm là tình yêu.[5]

3. Con người làm chủ chính mình

“Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết’” (St 2, 16-17). Con người được thông phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong vai trò làm chủ sự vật cũng như làm chủ chính mình “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và hãy làm bá chủ trái đất” (St 1, 28). Tuy nhiên, con người trong tương quan với Thiên Chúa luôn phải phục tùng Người trong tất cả mọi hành động của mình, vì Người là “Đấng duy nhất tốt lành”. Dù vậy, điều này không làm mất đi sự tự do của con người mà “khi làm chủ thế giới con người đã dùng trí khôn và ý chí của mình mà tạo hình dạng cho thế giới như thế nào thì khi thực hành những hành vi tốt xét về mặt luân lý, con người cũng đã xác quyết, phát huy và củng cố sự tương đồng của mình với Thiên Chúa như thế ấy”[6].

Như thế, đời sống luân lý “là nguồn mạch và là nguyên nhân của mọi hành vi có suy tính”[7]. Hành vi có suy tính ấy trước hết được hướng dẫn và kín múc từ những nguyên tắc mà con người được sở hữu nơi chính họ. Hơn nữa, “sự tự lập của lý trí không hề ám chỉ rằng lý trí tự nó có thể sáng tạo những giá trị và lập ra những chuẩn mực luân lý”[8], dù rằng Thiên Chúa đã “để con người tự bàn hỏi chính mình” (Hc 15, 14). Sự tự do của con người và lề luật của Thiên Chúa không hề đối chọi nhau mà thực sự là một. Mệnh lệnh phải luôn sống tự do cũng chính là lề luật đầu tiên Thiên Chúa ban cho con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28).

Quả thật, phẩm giá con người đòi buộc con người hành động theo một lựa chọn có ý thức và tự do, vì tất cả những giá trị nơi con người (phẩm giá) đều tự nó nói lên ý nghĩa chứ không phải do sự bù đắp nào từ bên ngoài. Phẩm giá con người càng được tỏ lộ ra bên ngoài, càng trở nên đầy tràn và sung mãn khi con người làm chủ được chính mình - không làm nô lệ cho dục vọng, nhưng là tự do quyết định và bước đi trên con đường chân thiện (x. MV, 17). Hơn nữa, trong kế hoạch yêu thương và khôn ngoan dành cho vũ trụ để cứu độ chúng, Thiên Chúa đã “cài đặt” “lý lẽ do sự khôn ngoan thần thiêng vốn là động cơ giúp mọi sự chuyển động đến cùng đích mà chúng phải đạt tới”[9]. Đó chính là cách thức Thiên Chúa thể hiện yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho vạn vật. Đặc biệt hơn đối với con người, Thiên Chúa không chỉ hướng dẫn con người bằng những định luật bên ngoài thiên nhiên, nhưng Người còn dẫn dắt họ bên trong bằng cách ban cho họ lý trí nhận thức được luật vĩnh cửu nhờ ánh sáng tự nhiên. Nhờ ánh sáng này, con người có thể phân định điều đúng - sai trong hành động của mình “Trong số toàn bộ các hữu thể, tạo vật có lý trí được đặt dưới sự quan phòng của Thiên Chúa một cách tuyệt hảo hơn, do bởi tạo vật này dự phần vào sự quan phòng ấy bằng cách tự mình cung ứng cho nhu cầu của mình và của tha nhân.[10] Nhờ được tham phần vào lý trí vĩnh cửu, thụ tạo có lý trí luôn có thiên hướng đi tìm cùng đích của đời mình - sự sống vĩnh cửu.

4. Con người và văn hóa sự sống

Một trong những nỗi đau lớn nhất mà con người đang phải đối mặt đó là giết người một cách bình thường, thản nhiên qua việc phá thai. Thật vậy, mỗi năm có đến hơn 50 triệu ca nạo phá thai trên thế giới. Nguyên nhân dẫn đến điều khủng khiếp này đó là “chúng ta đang đối đầu với một thực tại rộng lớn hơn mà người ta có thể coi như là một cơ cấu thực thụ của tội lỗi, đặc trưng bởi ưu thế của một nền văn hoá trái nghịch với tình liên đới, nền văn hoá này tự biểu lộ trong nhiều trường hợp như một ‘nền văn hoá thực thụ của sự chết’”[11].

“Nền văn hóa sự chết” này được hình thành từ những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị cổ võ cho lối sống thực dụng. Thực tế, sự sống là điều cao quý nhất, mang ý nghĩa nhất, cho nên con người đáng lẽ phải bảo vệ, trân trọng và chăm sóc nó bằng mọi giá, thế nhưng thực tế sự sống lại “bị xem là vô tích sự hoặc bị coi như một gánh nặng không kham nổi”[12]. Đây là hậu quả của “việc thực hành ngừa thai và phá thai đang đâm rễ sâu vào tâm lý hưởng thụ khoái lạc và sự vô trách nhiệm trong vấn đề tính dục”[13].

Thật vậy, ngay từ thuở khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã luôn muốn sự sống phải được lưu truyền và bảo vệ. Thiên Chúa ra lệnh cho con người “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28). Hơn nữa, cũng chính vì sự sống mà Thiên Chúa đã làm người để cho con người được sống (thánh Irênê). Thế nhưng, con người đang dần đánh mất đi ý thức về điều ý nghĩa nhất và cao quý nhất trong đời sống của mình. Mệnh lệnh “hãy thống trị mặt đất” cũng phải nằm trong kế hoạch bảo vệ sự sống của con người, nhưng thực tế “Ngay cả các kỹ thuật truyền sinh nhân tạo khác nhau là những kỹ thuật duờng như phục vụ sự sống và là những thực hành nhắm đến mục tiêu này, thực tế cũng đang mở ra những cách thức mới chống lại sự sống”[14]. Con người đang sử dụng mọi phương tiện mà đáng lẽ được Thiên Chúa ban để làm thăng tiến đời sống, sự sống nơi mình, thì họ lại dùng nó để phá hủy và chống lại chính sự sống.

Thiên Chúa là chủ của sự sống, trong khi đó, con người là thụ tạo được cộng tác vào chương trình của Người để làm cho sự sống được lan tràn trên mặt đất. Thực tế, con người lại tự cho mình có quyền sinh sát, định đoạt sự sống. Đây là một ảo tưởng “con người có thái độ của thần Promêthê tin có thể tự phong mình là chủ của sự sống và sự chết, bởi vì con người định đoạt chúng, trong khi thực tế con người bị thua và bị đè bẹp do một cái chết đóng lại mọi viễn tưởng về ý nghĩa và hy vọng một cách không thể đảo ngược được”.[15] Sự ảo tưởng này kéo theo hệ lụy khôn lường, đó là con người dễ rơi vào nguy cơ tùy tiện cho mình có quyền tuyển chọn giống nòi, hay nói khác đi, nguy cơ tự cho mình tạo ra một lớp người “thượng đẳng- siêu nhân” qua việc chọn lọc và loại bỏ những người bị coi là cản trở cho việc phát triển, là gánh nặng của xã hội “người ta dự kiến loại bỏ các trẻ sơ sinh dị dạng, các người tàn tật nặng hoặc không có khả năng, các người già, nhất là nếu họ không có tự do, và các bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối”[16]. Tuy nhiên, nếu thực hiện điều này, con người rõ ràng đang phá hủy chính mình. Một trong những lý do biện minh cho vấn đề này nữa là tự do. Sự đề cao sự tự do cá nhân quá khích cực đoan trong thời đại này đã khiến con người mất dần ý thức về tính liên đới, ý thức về sự phục vụ tha nhân. Sự tự do cá nhân chủ nghĩa này “rốt cuộc là sự tự do của “những kẻ mạnh” chống lại những kẻ yếu sắp ngã gục”.

Câu trả lời vô trách nhiệm của Cain khi đối diện với Thiên Chúa cũng chính là câu biện minh của con người với nhau “Abel, em ngươi ở đâu?” – “Tôi không biết. Tôi đâu phải là người bảo vệ em tôi?” (St 4,9). Sự tự do được ban cho con người do không phải là để họ tự do sống một mình, nhưng là tự do để sống trong liên đới, vì chính  trong mối  tương quan liên vị ấy  mà người ta định nghĩa được về  mình, hay nói đúng hơn, chính mối tương quan đó định hình nên “thế đứng thẳng lưng” cho con người trước mặt Thiên Chúa và trên muôn loài. Do vậy, một khi chủ nghĩa cá nhân được tuyệt đối hóa thì chính con người cũng đang tạo ra các gọng kìm và dây xích trói buộc chính mình với sự hư vô, rồi chính ơn gọi và phẩm giá của con người cũng bị chối bỏ cách thảm hại “Nếu việc hoàn chỉnh cái “tôi” được hiểu bằng những từ “tự trị tuyệt đối”, thì người ta sẽ không thể tránh được việc chối bỏ tha nhân, coi họ như một kẻ thù mà mình phải tự vệ”[17].

5. Con người biết xấu hổ

Nguyên nhân sâu xa khiến con người muốn loại trừ lẫn nhau, giẫm đạp lên nhau và hệ quả là phá hủy chính mình, đó là sự phớt lờ hay đánh mất ý thức về một thực tại siêu việt – Thiên Chúa. Khi đánh mất hoặc chối bỏ Thiên Chúa thì đồng thời con người cũng chối bỏ hoặc mất dần ý thức về chính mình “không có Tạo hóa, mọi thụ tạo đều tan biến […] lãng quên mất Thiên Chúa, mọi thụ tạo đều trở nên mờ tối”[18]. Bởi vì, chỉ khi nhận biết Thiên Chúa, con người mới có thể định nghĩa được chính mình “bỏ mất ý thức về Thiên Chúa, người ta lao tới chỗ đánh mất cả ý thức về con người, về phẩm giá và sự sống của con người”[19]. Do đó, điều cấp thiết nhất đối với con người vẫn là cần luôn ý thức đúng đắn về chính mình để cốt làm sao không bị tiêu tan hay bị xóa nhòa trong thế giới vật chất.

Dù muốn dù không, tiếng của Thiên Chúa luôn thôi thúc trong lòng phàm nhân khiến họ phải trăn trở về tính cách “siêu việt” của mình trong cuộc sống sinh tồn với tư cách là người. Ở bất kỳ thời đại nào, lương tâm con người nói chung vẫn cứ lên tiếng trước những hành động sai trái của họ trên sự sống. Thật vậy, bất cứ khi nào làm điều xấu xa, con người đều tỏ ra xấu hổ “Xấu hổ là loại hình nổi giận hướng vào bên trong, nếu như cả một dân tộc biết xấu hổ thì nó sẽ mang sức mạnh của con sư tử thu mình lại để chuẩn bị phóng tới” (Marx). Khi con người đầu tiên – Ađam – phạm tội làm trái lệnh Đức Chúa, ông đã xấu hổ và sợ hãi "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn" (St 3,10). Xấu hổ chính là dấu chỉ cho thấy lương tâm con người đánh động họ về một điều gì đó, vì “lương tâm là nơi tận cùng sâu kín nhất, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người”[20]. Tuy nhiên, không phải lúc nào lương tâm cũng có những phán đoán đúng đắn, vì sống trong một môi trường “xã hội nuôi dưỡng cái “văn hoá sự chết”, đi tới chỗ phát minh và củng cố nhiều “cơ chế tội lỗi” thực sự chống lại sự sống”[21] lương tâm con người có thể dễ dàng bị lèo lái bởi những tư tưởng sai lạc.

Dù sao đi nữa, con đường duy nhất vẫn là khởi đi từ chốn sâu thâm sâu trong cung lòng con người. Thiên Chúa không bao giờ ngưng nghỉ lên tiếng trong lòng họ. Điều này có nghĩa là mọi thứ tác động bên ngoài dù lớn đến mấy cũng không bao giờ dập tắt được tiếng Chúa hằng vang vọng trong lương tâm con người “vì bao giờ thì cũng là từ thánh cung sâu thẳm của lương tâm mà người ta trở lại được con đường của tình thương, của đón nhận và phục vụ sự sống con người”[22]. Cho dù khi làm điều gian ác đến mức độ đến nỗi người ta muốn chạy khỏi thế gian, muốn lánh đi khỏi những tiếng đòi buộc của sự thiện “Tôi sẽ phải lánh đi khỏi nhan Ngài” (St 4,14), thì con người vẫn không thể nào làm dập tắt được tiếng nói trong tâm hồn họ. Con người phải luôn chọn lựa giữa sự sống và sự chết, giữa ánh sáng và bóng tối, vì điều đó đã được Thiên Chúa “cài đặt” trong trái tim họ: “Này đây hôm nay ta đặt trước mặt ngươi sự sống và hạnh phúc, sự chết và đau khổ… Ta đặt trước mặt ngươi sự sống hoặc sự chết, sự chúc lành hoặc chúc dữ. Vậy hãy chọn sự sống, để ngươi và miêu duệ ngươi được sống” (Đnl 30,15-19).

Đời sống con người suy cho cùng chính là một hành trình liên lỉ thực hiện một cuộc vượt qua những gì là thấp hèn để đứng lên làm người thực sự. Con người tự trong thâm sâu luôn vang vọng một mệnh lệnh đòi hỏi phải là chính mình - không lai tạp; không được trở thành một thứ vật đầy lai tạp - vừa là mình mà vừa không phải là mình mà phải là một thụ tạo với tính nguyên vẹn của nó nghĩa là trở nên con người độc lập với tính độc đáo của ngôi vị. Trong thực tế, con người đối mặt với sự căng thẳng giữa khát vọng tự do và khát vọng bày tỏ chính mình. Một mặt, lòng khao khát vươn lên vượt ra khỏi những gì thuộc thế giới vật chất gò bó làm cho con người cảm nhận được ý nghĩa đích thực của kiếp người; mặt khác, khát vọng bày tỏ chính mình qua phái tính và tính dục lại có nguy cơ kéo con người xuống đời sống cảm xúc của thú vật. Muốn duy trì được trật tự của Thiên Chúa, con người, trước hết cần nhìn nhận những giới hạn giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa. Những giới hạn này được xác định bởi giao ước (cây biết điều lành điều dữ). Phá vỡ giao ước chính là đón nhận sự hỗn mang, hư vô và phá hủy.

 

Kết luận

Từ trong lặng thinh khôn cùng, Thiên Chúa đã cho vinh quang của Ngài trào tràn ra mà dựng xây thế giới. Một sự khởi đầu là cần thiết như “lúc khởi đầu”, đó là sự khởi đầu trong lòng người với sự chứng giám của Thiên Chúa, với Thần Khí “bay là là trên mặt đất, với Ngôi Lời vĩnh cửu đang ngóng chờ để được Cha “thốt ra” - “hãy có”. Quả vậy, “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1). Cũng tựa như thời khắc sáng tạo trời đất, lòng người cũng cần luôn phải được “tái tạo” để Thiên Chúa sắp đặt lại mọi thứ. Một bên là hỗn độn - tức là sự xáo trộn của tội lỗi nơi trần thế làm con người mất phương hướng, một bên là “bàn tay” đưa ra đỡ lấy con người và kéo họ vào trong ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa.

Sự sáng tạo hay công trình sáng tạo không phải là khởi đi từ hư không, nhưng là từ sự thinh lặng trào tràn ra. Dấu hiệu cho những sự đầu tiên là thinh lặng. Sự câm nín và hờ hững nơi vũ trụ làm cho con người sợ hãi. Con người khao khát lắng nghe tiếng “Big Bang” phát ra, nhưng không phải là một tiếng “Big Bang” mơ hồ vô nghĩa nhưng là “tiếng tạo thành”. Quả vậy, Vụ nổ Big Bang có thể được hiểu như là tiếng khởi đầu để phát sinh ra vũ trụ. Tiếng đó vang vọng liên miên để không ngừng nghỉ xếp sắp mọi thứ trong vũ trụ đi vào một trật tự nào đó.

Thật vậy, con người khao khát được nghe một tiếng có ý nghĩa hơn là những tiếng ồn ào, náo động hay rầm rì bên tai. Tiếng nổ, hay tiếng mang ý nghĩa “hãy có” đã lôi kéo vũ trụ cách dứt khoát từ bên kia thế giới của sự chết - hỗn mang, hỗn độn, xáo trộn - vào trong một thế giới tràn ngập ánh sáng và vinh quang của sự sống. Tiếng “hãy có” chính là lời yêu thương được thốt lên từ miệng Thiên Chúa để cho sự vật được hình thành và hiện hữu.

Sự thật là tình yêu không để cho mọi thứ ở trong khoảng không mơ hồ hư ảo, nhưng là khởi sự, tác động và gieo vãi hạt giống tốt để làm cho những điều thiện hảo trào tràn ra nơi những sự vật cụ thể. Như thế, tình yêu là trao hiến, sáng tạo, làm mới và làm cho sống động. Vũ trụ được tạo nên nhờ LỜI bởi tình yêu thần thánh và nó cũng được bảo toàn và làm cho nên thánh thiêng theo cùng một cách thức như vậy. Từ thuở đời đời Thinh Lặng Thánh đã hiện diện và luôn luôn còn đó sự Thinh Lặng Thánh khởi đầu và kết thúc mọi thứ trong vũ trụ.

Về phần mình, chúng ta “là dân của sự sống và vì sự sống bởi lẽ, trong tình yêu nhưng không của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho ta Tin Mừng về sự sống và bởi lẽ Tin Mừng này đã biến đổi và cứu chuộc chúng ta”, do vậy, chúng ta được sai đi để thực thi nhiệm vụ đã được trao cho mình, đó là phục vụ sự sống, loan báo Tin Mừng về sự sống, loan báo về Một Thiên Chúa hằng sống, gần gũi và yêu thương con người. Nhờ đó “sự sống tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu được tiếp nhận và được trao ban: chính ở tầm mức này mà giới tính và việc truyền sinh của con người đạt tới chân tính của chúng; trong tình yêu này, đau khổ và sự chết cũng có một ý nghĩa”.[23]

 



[1] Đức Gioan Phalô II, Thông điệp Splendor Veritatis, 13.

[2] X. Tông huấn Bách Chu Niên, 53-62.

[3] Trích lại trong Đức Gioan Phaolô II, Splendor Veritatis, 10.

[4] Đức Gioan Phaolô II, sđd., 12.

[5] X. Đức Gioan Phaolô II, sđd., 15

[6] Đức Gioan Phaolô II, Splendor Veritatis, 39.

[7] Đức Gioan Phaolô II, sđd., 40.

[8] Đức Gioan Phaolô II, sđd.

[9] Thánh Tôma, Tổng luận thần học, I-II, q. 93, a. 1.

[10] Ibid., q. 91, a.2.

[11] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 12.

[12] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 12.

[13] Ibid., 13.

[14] Ibid., 14.

[15] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 15.

[16] Ibid., 15.

[17] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 20.

[18] Vat. II, Gaudium et Spes, 36.

[19] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 21.

[20] Vat. II, Gaudium et Spes, 16.

[21] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 24.

[22] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 24.

[23] Đức Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 81.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn