Thánh thi này diễn tả một “kịch bản cứu
độ”,
liên quan đến những gì Đức Giêsu thực hiện và cách thức
Người thực hiện thế nào, và phản ứng của Thiên Chúa ra sao. Mặc dù thánh Phaolô
đưa thánh thi này
vào thư gửi tín hữu Philípphê vì lý do mục vụ,
để giải quyết các vấn đề trong cộng đoàn Giáo hội
Philípphê mà ngài đã đề cập, nhưng tư tưởng của thánh thi này
vượt xa hơn thế khi đưa ra một định nghĩa đích thực
về thân phận của Đức Kitô
- Đấng đã bị treo trên thập giá vì tội lỗi nhân loại.
Thành Duy, OP.
DẪN NHẬP
Những bài thánh thi chép tay đầu tiên của các Kitô hữu về Đức Giêsu
Nazarét, Đấng Kitô, là những bài tán dương, chúc tụng được đính kèm vào trong
các sách Tin Mừng. Những bài thánh thi chúc tụng này ban đầu được sáng tác cách
ngẫu hứng dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần và được hát hoặc ngâm nga trong
các buổi cử hành phụng vụ chung. Nội dung của những thánh thi này là tán dương
những hoạt động cứu độ của Đức Giêsu Kitô “Khi
anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy, người thì nói lời
mặc khải, người thì nói tiếng lạ, người thì giải nghĩa” (1Cr 14,26). Nền
tảng cho các bài thánh thi Đức Kitô thuở ban đầu, trước hết, là các sự kiện nơi
cuộc đời của Đức Giêsu, đặc biệt cuộc khổ nạn, và thứ hai, là Thánh Kinh của
Người Do Thái, cách cụ thể là các Thánh vịnh và văn chương Khôn ngoan.[1]
Một số bản văn Tin Mừng thường được các học giả hiện đại xem là các thánh thi
hoặc các trích đoạn (fragments) thánh thi Đức Kitô là Pl 2, 6-11; Cl 1,15-20;
Ga 1,1-14; Hr 1,3; 1Pr 2, 21-25.
Thánh thi
Philípphê 2, 6-11 là một trong những thánh thi phổ biến nhất được lấy từ kho
tàng các thánh thi Kitô giáo thời kỳ sơ khởi. Thực tế, vẫn còn nhiều tranh cãi
về nguồn gốc của thánh thi này. Có một số học giả cho rằng thánh thi này là do
thánh Phaolô viết ra; trong khi đó, một số học giả khác lại cho rằng thánh thi
này đã có sẵn trong truyền thống Kitô giáo và thánh nhân chỉ sửa lại cho phù
hợp.[2]
Ngoài ra, trong các bản văn Cựu Ước, người ta cũng có thể tìm thấy ý tưởng
tương tự nơi các bài Thánh vịnh (Is 45,23; 52,13-53,12); đặc biệt, Thánh vịnh
110 là nơi tìm thấy nhiều ý tưởng tương đồng với Philípphê 2,6-11. Ví dụ: đoạn
Pl 2,9-11 có ý tương tự như trong Tv 110,1-2. Trong cả hai đoạn này, Thiên Chúa
đều minh xét cho kẻ chịu đau khổ; hoặc ngay cả vấn đề tiền hữu (Pl 2,6) có thể
tìm thấy trong Tv 110,3:[3]
Đức Chúa phán bảo rằng:
“Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,
vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.
Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,
tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con”.
Thánh thi này
diễn tả một “kịch bản cứu độ”, liên quan đến những gì Đức Giêsu thực hiện và
cách thức Người thực hiện thế nào, và phản ứng của Thiên Chúa ra sao. Mặc dù
thánh Phaolô đưa thánh thi này vào thư gửi tín hữu Philípphê vì lý do mục vụ,
để giải quyết các vấn đề trong cộng đoàn Giáo hội Philípphê mà ngài đã đề cập,
nhưng tư tưởng của thánh thi này vượt xa hơn thế khi đưa ra một định nghĩa đích
thực về thân phận của Đức Kitô - Đấng đã bị treo trên thập giá vì tội lỗi nhân
loại. Do vậy, xét theo mạch văn của thư, thánh Phaolô khuyên các tín hữu trong
cộng đoàn Philípphê giữ vững và thực hành đức tin bằng cách luôn sống hiệp nhất
với nhau, theo gương Đức Giêsu đã hạ mình vâng phục thánh ý của Thiên Chúa. Tuy
nhiên, thánh thi này tự nó là câu trả lời cho các vấn nạn về tương quan giữa
Ađam và Đức Kitô, về sự tiền hữu của Đức Kitô, về kế hoạch lạ lùng cũng như sự
khôn ngoan của Thiên Chúa mà không ai có thể hiểu thấu được.[4]
1. Cấu
trúc
A. Vốn dĩ là Thiên Chúa (câu 6)
B.
Mặc
lấy thân phận nô lệ (7)
C.
Bằng
lòng chịu chết (8)
D.
Chết
trên cây thập giá (8c)
C’. Thiên Chúa siêu tôn (9)
B’. Tặng ban danh hiệu trổi vượt (9b)
A’. Đức Giêsu Kitô là
Chúa (10 -11)
Nhìn vào cấu
trúc, ta dễ dàng nhận thấy có một “con đường” ngược đời với mọi lối tưởng tượng
của con người, ngược với mọi suy tưởng khôn ngoan của các bậc vĩ nhân. Đó là
con đường cứu độ bằng cách từ bỏ, bằng sự đầu hàng, bằng việc chết đi để bước
vào mà ôm lấy mớ hỗn độn khốn cùng của thọ tạo. Để từ cái nền móng chông chênh
và bấp bênh của sự khốn cùng đó, Đức Giêsu Kitô “lật ngược” hay đảo ngược “thế
cờ” bằng sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa.
a. Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa
Đấng hiện hữu trong hình dạng Thiên
Chúa không màng đến việc giữ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; bản dịch của cha
Nguyễn Thế Thuấn: Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không
nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.
Đức Giêsu Kitô
đã là Thiên Chúa (ὃς ἐν
μορφῇ θεοῦ - Đấng trong hình dạng là Thiên Chúa). Từ “μορφῇ” được sử dụng 3 lần
trong Tân Ước, hai lần trong thánh thi Philípphê (2,6-7) và một lần trong Tin
Mừng Máccô (16,12)[5].
Trước hết, từ “μορφῇ”
là một thuật ngữ triết học được Aristotle sử dụng để diễn tả một Hữu Thể đích
thật, một thực tại không bao giờ thay đổi.[6]
Trong bản văn này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thánh Phaolô dùng từ “μορφῇ” để nhấn mạnh ý nghĩa
rằng tự bản tính Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, chứ không phải là giống Thiên
Chúa như trong tường thuật Sáng Thế (1, 26-27: καt’ εἰκόνα θεοῦ - giống hình ảnh Thiên Chúa).[7]
Rõ ràng, “giống hình ảnh Thiên
Chúa” không thể hiện một sự ngang bằng với Thiên Chúa, mặc dù việc trở nên
“giống Thiên Chúa” theo truyền thống Do Thái đó là trở nên “được trường tồn bất
diệt” (Kn 2,23). Vì thế, dù Đức Giêsu Kitô có trong hình dạng nào đi nữa, Người
vẫn luôn là Thiên Chúa, luôn có bản tính Thiên Chúa, hay nói cách khác Người là
Thiên Chúa tự bản tính.[8]
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng từ “μορφῇ” ở đây không chỉ nói đến bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu
mà còn nhằm suy tôn vinh quang (doxa) và vẻ rạng ngời (splendor) của Thiên
Chúa, điều mà đã được tỏ lộ ra cho con người.[9]
“Hình dạng Thiên Chúa - the divine form” mà Đức Giêsu Kitô có trước khi nhập
thể làm người không gì ngoài vinh quang Thiên Chúa.[10]
Điều này cũng được chính Đức Giêsu tỏ lộ trong Gioan chương 17 “Xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được
hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Ngoài ra, ta cũng có thể dễ
dàng tìm thấy từ “μορφῇ”
được sử dụng trong cựu ước qua bản dịch LXX như trong Is 44,13[11]
diễn tả một thứ được làm ra hình dạng con người, có vẻ đẹp của con người.
“không
nghĩ đến việc chiếm giữ”[12]
Từ “ἁρπαγμὸν”
thường được dùng để miêu tả một thứ gì đó bị chiếm giữ, bị cướp mất - nếu xét ở
thể chủ động thì có nghĩa là chiếm lấy, cướp lấy, giữ chặt. Theo mạch văn, nó
có nghĩa là Đức Giêsu không cần phải giữ lấy vị thế ngang hàng với Thiên Chúa,
như thể giữ khư khư cách ghen tức cho riêng mình, nhưng sẵn lòng cho đi tất cả,
vì bản tính Thiên Chúa là trao ban tất cả. Hơn nữa, điều này nhằm minh chứng
bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu.[13]
Cụm từ này cũng liên hệ đến câu 3 và 4 ở trên “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh…Mỗi người đừng tìm lợi ích cho
riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”. Đức Giêsu chính là động
lực và là hình mẫu cho nếp nghĩ này. Từ thuở đời đời, Đức Kitô đã hiện hữu
trong hình dạng Thiên Chúa “μορφῇ
θεοῦ”, nên không màng đến việc chiếm giữ bất cứ thứ gì cho lợi ích riêng
để nhắm đến việc duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.[14]
b.
… đã trút bỏ vinh quang
“Nhưng đã hủy mình ra không, đón lấy thân phận nô lệ, trở
nên giống con người, xuất hiện dưới hình dạng như một con người.”
Động
từ “ἐκένωσεν” là từ khóa diễn tả sự lựa chọn của Đức Giêsu về sự từ bỏ vị thế
của mình. Trong tiếng Hy Lạp, động từ
“κενόω” nghĩa là: làm trống rỗng, đổ ra, trút ra cho đến khi không còn gì nữa.
Thánh Phaolô dùng từ này để diễn tả biến
cố nhập thể của Đức Kitô. Khi đang giữ địa vị ngang hàng trong Thiên Chúa, Đức
Giêsu Kitô đã “hủy mình ra không”, bỏ hết vinh quang, để đón nhận thân phận nô
lệ, trở nên như người trần. Từ Đấng vô hình, Đức Kitô trở thành một phàm
nhân, Người không chỉ là giống người trần, mà còn là con người thật, một con
người cụ thể, cá vị.[15] Động từ này còn diễn tả sự
dứt khoát. Người chọn làm điều này cho chính mình; Người vừa là chủ thể vừa là
đối tượng của hành động đó.[16]
Khi
từ bỏ hoàn toàn tất cả danh dự, vinh quang, tước hiệu, Đức Kitô đã tự trở thành
một nô lệ thật sự, người không còn chút uy quyền nào. Trong cụm từ “μορφὴν
δούλου λαβών - đón lấy thân phận nô lệ”, tác giả lặp lại từ “μορφὴν - thân
phận” ở câu 6 - khẳng định bản tính và vinh quang Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô
- thì trong câu 7 này, tác giả cũng khẳng định Đức Giêsu Kitô là một nô lệ thật
sự. Người không có quyền hành, luôn phải tuân theo ý chủ, sống phụ thuộc vào ý
muốn của ông chủ (Cl 3,22; 4,1; Ep 6, 5-9)[17].
Như thế, thánh Phaolô dùng từ “μορφὴν” ở câu 6 và câu 7 để diển tả một sự đối
lập lớn giữa bản tính Thiên Chúa >< bản tính nô lệ. Đức Giêsu đã tự “hủy
mình ra không” đối với những gì Người có, Người đã tự bỏ qua – không phải là
bản tính Thiên Chúa nhưng là vinh quang phát xuất từ bản tính đó – xét trong vị
thế Thiên Chúa để đảm nhận lấy bản tính nơi thân phận nô lệ. Chính Người đã
chọn để trở nên nô lệ thật sự, chứ không phải là nhập vai.[18]
Ngoài
ra, ý của vế này còn gợi cho độc giả tới lời nhắc nhở của thánh Phaolô trong
chương 2 câu 3-4. Ngài mời gọi mọi người trong cộng đoàn đừng sống ích kỷ, chỉ
biết mưu cầu tư lợi, nhưng hãy biết nghĩ cho người khác, sống vì người khác như
Đức Giêsu Kitô đã làm. Thật vậy, Đức Giêsu đã hạ mình sống dưới Lề Luật để giải
thoát những ai sống dưới Lề Luật và cho họ làm con của Người (Gl 4, 1-11;
21-31; Rm 8,15).
Trở nên giống phàm
nhân, sống như người trần thế
Thánh
Phaolô diễn tả Đức Giêsu Kitô từ căn tính “μορφῇ” là Thiên Chúa trở nên
“ὁμοιώματι” – giống – nghĩa là ngoại hình được làm nên để trông giống. Hơn nữa,
từ “σχήματι - tình trạng/ ngoại hình” đối lại với “μορφῇ - căn tính” nhấn mạnh
đến cách hành xử ra bên ngoài theo kiểu con người. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là
Đấng hằng hữu đã nhận lấy một thân thể có thể bị hư hoại để nên giống người
phàm mà cứu chuộc họ. Điều này không dễ dàng để hiểu theo sự nhận thức của con
người. Thật vậy, Đức Kitô tự đặt mình vào vị trí mà chỉ mình Người mới hiểu và
theo cách thức mà chỉ Chúa Cha hiểu Người.[19]
Từ “εὑρεθεὶς – được nhận thấy” đề cập đến việc không những Đức Kitô tự tỏ mình
ra giống với con người mà Người còn được người trần thế xác nhận là con người
thật sự. Do đó, cụm từ “σχήματι εὑρεθεὶς - được nhận thấy như người trần mắt
thịt” ý muốn nói đến Đức Giêsu xuất hiện trong tư thế vừa là Thiên Chúa vừa là
con người.[20]
c. Xuống tận cùng sự khốn khổ của kiếp người
“Người
tự hạ mình trở nên vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự.”
- Người tự hạ mình
Đức
Kitô hạ mình không có nghĩa là buộc phải đảm nhận thân phận tôi tớ trong tương
quan với lệnh truyền của chủ, nhưng Người sẵn
sàng nhận lấy thân phận này trong địa vị là người Con vâng lời ý Cha, không
phải ở địa vị hàng tôi tớ. Đức Kitô bày tỏ lòng kính trọng Chúa Cha trên
hết mọi sự; và không ai có lòng tôn kính Chúa Cha bằng Chúa Con và Người đã bày
tỏ điều này qua việc hạ mình.[21]
- vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá
Đức
Giêsu “vâng lời cho đến chết” không phải
là một sự ngẫu nhiên mà là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, như sách
Isaia[22] đã nói (Is 53, 8.12). Quả
thật, khi mang lấy thân phận nô lệ, Đức Kitô không những đón nhận lấy tất cả những giới hạn nơi xác phàm và cả
cái chết, nhưng Người đón nhận cái chết để có thể kết liễu cái chết nơi xác
phàm “He went to his death so that by death he might put death
to death”.[23]
Người không những đã chủ động chọn con đường có thể dẫn đến cái chết, mà ngay
cả sẵn sàng đón lấy cái chết nhục nhã và kinh khiếp trên thập giá. Thập giá là
hình phạt dành cho những kẻ phạm tội nguy hiểm và chỉ có những người không
thuộc công dân Rôma mới bị hành hình cho đến chết theo cách này. Hình phạt đóng
đinh vào thập giá là hình phạt tệ hại nhất trong xã hội và thường chỉ dành cho
những kẻ nô lệ,[24]
hoặc dành cho những người đã bị tước mất quyền dân sự khiến phẩm giá con người
của họ bị chà đạp.[25]
Điều
đặc biệt và tuyệt vời nhất nơi cuộc đời Đức Giêsu là hạ mình, vâng lời, và sự
từ bỏ chính mình. Người không muốn thống trị con người nhưng chỉ muốn phục vụ
họ; Người không muốn theo ý riêng của mình nhưng là theo ý Thiên Chúa; Người
không muốn tỏ lộ vinh quang của mình nhưng muốn bỏ đi tất cả vì con người. Tuy
nhiên, Người càng từ bỏ, càng hạ mình, càng vâng phục Chúa Cha, thì Người lại
càng được tôn vinh.[26] Bên cạnh đó, trong tư tưởng
của những người Do Thái, sự hạ mình xuống thường được dùng để chỉ về con người
phải hạ mình trước Đức Chúa (Gv 3,8)[27],
(1 Pr 5,6)[28], nhưng họ hầu như không bao
giờ đề cập đến một Thiên Chúa tự hạ mình xuống trước con người.
d. Để khi lực bất tòng tâm
“Chính
vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban cho Người danh hiệu trổi vượt
mọi danh hiệu”.
Từ
câu 8 sang câu 9, ta thấy có một sự thay đổi nơi chủ từ. Thật vậy, nếu từ câu
6-8 thánh Phaolô diễn tả Đức Kitô hoàn toàn làm chủ trong các hành động của
mình, thì bắt đầu từ câu 9 tác giả lại cho thấy Chúa Cha sẽ là người làm chủ
hành động (Cv 2,36)[29]. Cụm từ “vì thế” đặc biệt
nhấn mạnh sự thay đổi cấu trúc và nhịp điệu của Thánh Thi này. Nếu như ở câu 6,
tác giả đề cập đến bản tính của Thiên Chúa cách chung chung khi khẳng định Đức
Giêsu là Thiên Chúa, thì ở câu 9, tác giả dùng mạo từ “ὁ” trước “θεὸς” để khẳng
định chính Thiên Chúa của dân Israel, Thiên Chúa mà Đức Giêsu mời gọi các môn
đệ gọi là “Abba - Cha ơi” sẽ thực hiện việc siêu tôn Đức Giêsu.[30] Từ “ὑπερύψωσεν”, chỉ được sử dụng một lần duy nhất
trong Kinh Thánh,[31]
được ghép bởi hai từ “ὑπέρ”
- “xa hơn, nhiều hơn” và “ὑψοῦν” - “đưa lên”. Trong khi thánh Gioan nhấn mạnh
đến sự chủ động của Đức Giêsu Kitô trong việc người có quyền hiến mạng sống và
lấy lại nó (Ga 10,17)[32],
thì thánh Phaolô lại làm nổi bật vai trò của Chúa Cha: sự phục sinh của Đức
Giêsu như là do hoa trái của hành động của Thiên Chúa cứu độ con người khỏi tội
lỗi và sự chết (1Cr 15,20-22). Trong Tân Ước, các tác giả Tin Mừng cũng nhiều lần nói đến việc chỉ
những ai hạ mình xuống mới được tôn lên (Mt 23,12; Lc 14,11; 18,14).
Thiên
Chúa tặng ban danh hiệu. Động
từ “χαρίζομαι” (tặng
ban) có nghĩa gốc là “χαρίζ
- ân sủng, ân ban”. Thiên Chúa rất hài lòng về Đức Giêsu và đổ tràn ân
huệ xuống trên Người bằng cách siêu tôn và tặng ban danh hiệu. Động từ này cũng
được sử dụng trong chương 1 câu 29 đề cập đến việc Thiên Chúa ban phúc lành cho
cộng đoàn Philípphê không chỉ nhờ lòng tin vào Đức Kitô mà còn nhờ vào việc
chịu đau khổ với Người.[33]
Ngoài ra, để tặng một danh hiệu, Người trao tặng phải có thẩm quyền, sự ưu ái
và uy quyền. Trong khi đó, vị đón nhận danh hiệu “Chúa” là đón lấy một dấu chỉ
cho một giai đoạn mới của đời sống.[34]
Hành
động từ bỏ chính mình của Đức Kitô được đáp lại bằng hành động “siêu tôn -
highly exalted” của Thiên Chúa dành cho Người. Thánh thi này không đề cập đến
sự phục sinh, nhưng đưa ra những phạm trù đối lập nhau: hạ mình/ siêu tôn, nô
lệ/ quyền thế. Hành động từ bỏ chính mình và chủ động chọn lấy thân phận tôi tớ
của Đức Kitô được Thiên Chúa đáp lại bằng cách ban cho ân huệ mà loài người
không thể vươn tới: danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu - Kyrios -
Chúa.[35]
Danh
hiệu - τὸ ὄνομα - một từ quan trọng nhất trong câu này. Rõ ràng trong câu này,
thánh Phaolô không nói rõ ràng danh hiệu cụ thể là gì. Danh hiệu có thể là:
Giêsu, Kitô, Con, Thiên Chúa, Chúa. Chắc hẳn danh hiệu “Chúa- Lord” là phù hợp
nhất, vì chữ “Lord, Kyrios” là từ được nhấn mạnh trong câu 11 (2,11) “Mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa - Kyrios”. Thứ đến, dường như có một sự liên hệ nào đó giữa
Thánh Thi Đức Kitô (Pl 2,9-11) và Isaia chương 45 về việc nói đến việc tôn thờ
Một Thiên Chúa: “Há chẳng phải Ta, chẳng
phải Đức Chúa? Ngoài Ta ra, không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu
độ, ngoại trừ Ta. Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi
sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác” (Is
45,21-22). Danh hiệu mà Thiên Chúa ban cho Đức Giêsu trổi vượt đến nỗi khi vừa
nghe danh ấy “cả trên trời dưới đất và
trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ”. Việc siêu tôn của Đức Kitô và
danh hiệu mà Người nhận được “danh hiệu
vượt trên muôn danh hiệu”. Đây là lời đáp trả của Chúa Cha với lời khẩn cầu
của Đức Giêsu trong Gioan 17,5. Việc suy tôn này đề cập đến việc phục sinh, lên
trời, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (Cv 2,33; Hr 1,3). Danh hiệu này không đơn
thuần là một tước hiệu, nhưng còn là ngôi vị của Người, địa vị của phẩm giá và
sự tôn kính của Người.[36]
e. Mọi vinh quang và danh dự
được ban cho Người
“Chính
vì thế trước danh hiệu của Đức Giêsu mọi đầu gối trên trời và dưới đất và nơi
âm phủ phải bái lạy.”
Từ “ἵνα - chính vì thế” nhấn mạnh đến mục đích của việc siêu tôn nơi Đức Giêsu. Một
số học giả cho rằng “danh hiệu” quan trọng ở đây là “Giêsu”, bao hàm ý nghĩa
của việc cứu độ, hơn là danh hiệu “Chúa- Lord” xuất hiện ở câu tiếp theo. Tuy
nhiên, cụm từ “ἐν τῷ ὀνόματι Ἰησοῦ - in the name of Jesus” không phải là “danh
hiệu Giêsu” mà “danh hiệu thuộc về Giêsu” như chúng ta đã tìm hiểu ở trên. Danh
hiệu mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Đức Giêsu Kitô, đó là Chúa. Cấu trúc của cụm
này là giới từ “ἐν” + dative diễn tả tư tưởng của bối cảnh một hành động. Tuyên
xưng danh của Đức Giêsu cũng có nghĩa là phục tùng Người. Tuy nhiên, cụm từ “ἐν
τῷ ὀνόματι Ἰησοῦ” ở đây không phải là một công thức khẩn cầu mà nó có sức mạnh
rất rộng lớn, bao trùm cả vũ trụ khiến “mọi
đầu gối trên trời dưới đất phải bái lạy”.[37]
Hơn nữa, cử chỉ quỳ gối của con người thể hiện nhận thức rằng một ai đó trổi
vượt về quyền uy và địa vị, như trong Tin Mừng Matthêu (15,25)[38]. Đó
là cử chỉ thể hiện sự hạ mình và tôn kính. Thật vậy, chỉ có danh của Giêsu mới
làm cho Kitô hữu bái lạy (Mt 2,11).[39] Danh hiệu của Giêsu, do đó,
cai trị cả toàn thể vũ trụ “trên trời,
dưới đất và trong nơi âm phủ”. Điều này có nghĩa là không có tạo vật nào có
thể đứng ngoài phạm vi cai quản của Đức Giêsu. Tất cả mọi tạo vật sẽ cùng nhau
bái thờ Đức Giêsu.
“Và
mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô - Chúa - hướng tới vinh
quang của Thiên Chúa Cha.”
Cụm từ “πᾶσα γλῶσσα – mọi miệng lưỡi” chỉ đến con người
cách cụ thể hoặc một nhóm người, vì “πᾶσα γλῶσσα – mọi miệng lưỡi” cũng có
nghĩa là mọi ngôn ngữ. Do đó, từ này có thể được hiểu là mọi dân, mọi nước (Is
66,18; Đn 3,4.7; Kh5, 9). Mỗi một con người cụ thể đều nói một ngôn ngữ đã đi
đến đồng nhất trong việc “tuyên xưng - ἐξομολογήσηται” Đức
Giêsu là Chúa.
Đức
Giêsu là Chúa: cao điểm của Thánh Thi này kết thúc ở câu tuyên xưng “Đức Giêsu
là Chúa”. Đó là lời tuyên xưng của các Kitô hữu ngay từ thuở ban đầu. Trước
hết, Đức Giêsu được tuyên xưng là Đấng Mêsia. Sau đó, từ kyrios được dùng để
dịch chữ adonai từ tiếng Hipri và chữ mar trong tiếng Aram (1Cr 16,22). Trong
bản LXX, từ kyrios được dùng để dịch cả từ adonai lẫn YHWH. Trong Tân Ước,
thuật ngữ này được dùng 717 lần, đặc biệt được dùng nhiều trong các bản văn của
Luca và Phaolô. Vì các ngài sống vào thời văn hóa Hy Lạp đang thịnh vượng và
danh hiệu “kyrios” rất phổ biến vào thời đó và được dùng để gọi các Hoàng đế
Rôma.[40] Tuy nhiên, khi dùng danh
hiệu này cho Đức Giêsu, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh rằng Đức Giêsu là Ông Chủ,
là Chúa Tể muôn loài, là Vua các vua. Người là Chúa theo cách mà các thần ngoại
và ngẫu tượng không bao giờ có thể được như vậy; Người chính là Thiên Chúa.
- hướng tới vinh quang của Thiên Chúa - Cha
Khi tuyên xưng rằng Chúa Con là Chúa nghĩa là vinh quang
danh dự đó được dành cho Chúa Cha, Đấng mà Chúa Con đã vâng lời và cũng chính
là Đấng đã đáp lại sự vâng lời đó bằng cách siêu tôn Người Con. Như thế Đức Giêsu Kitô được Chúa Cha
cất nhắc lên ngang hàng với Người về mọi phương diện, nhưng Đức Giêsu Kitô
không bao giờ thay thế hay cạnh tranh địa vị với Chúa Cha “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng
sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có
toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28) hoặc trong thư Rôma “Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và
một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi
mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức
Kitô Giêsu” (Rm 6, 10-11). Do đó, mục đích tối hậu là quy tụ mọi loài thọ
tạo dưới vinh quang và quyền bính của Thiên Chúa.[41]
Câu
11 là một trong những câu quan trọng nhất trong Tân Ước. Ở câu này, chúng ta
đọc thấy mục tiêu của Thiên Chúa, là sẽ đến một ngày muôn dân nước (πᾶσα
γλῶσσα) sẽ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa - YHWH. Một ngày nào đó tất cả mọi
loài có lý trí từ ba “thế giới”/ “cõi” phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên
Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Ba từ “κύριος Ἰησοῦς Χριστὸς” là bản tuyên xưng/
là kinh tin kính đầu tiên của Giáo hội Kitô giáo. Thật vậy, để trở thành Kitô
hữu, người ta chỉ cần tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên
Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm
10,9). Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, Đức Giêsu không tìm vinh quang cho
riêng mình nhưng cho Chúa Cha.[42]
Như
vậy, khởi đi từ địa vị là Thiên Chúa, Đức Kitô từ bỏ vinh quang xuống thế làm
người, mang lấy thân phận nô lệ, vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá,
kết quả là Người được tôn kính và siêu tôn. Chúa Giêsu sẽ được mọi loài trên
trời (nơi địa vị của Người ngang hàng với Thiên Chúa: 2,6), mọi vật dưới đất
(nơi Người trở thành con người: 2,7) và trong nơi âm phủ (nơi của những người
chết: 2,8) phải bái quỳ và tuyên xưng là Chúa. Quả thật, Đức Giêsu được tôn
vinh không phải vì thập giá, nhưng vì Người đã vâng lời Chúa Cha và dám tin
rằng thực hiện theo kế hoạch là cách thức tốt nhất làm vui lòng Chúa Cha.[43] Do đó, Đức Kitô là hình mẫu
cho sự vâng phục Thiên Chúa, cho tình bằng hữu với tha nhân, và sự khiêm tốn
chân thành cũng như loại trừ tính kiêu căng tự phụ, vị kỷ và ganh tị. Đức Kitô
là một gương mẫu sống động mà thánh Phaolô đã khuyên răn các tín hữu noi theo “Hãy đồng
tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn.
Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những
điều mọi người cho là tốt” (Rm 12, 16-17).
2.
Thập
giá trong đời sống Kitô hữu
Khi
tìm hiểu và suy tư về thánh thi Philípphê hay còn gọi là thánh thi về mầu nhiệm
tự hủy, ta thấy Thiên Chúa hành động hoàn toàn khác lối suy nghĩ của con người.
Thay vì cứ theo sự thường khi muốn thâu tóm quyền lực, vinh quang, danh vọng,
người ta phải tìm cách đi lên bằng con đường tiền bạc hoặc thể hiện tài năng,
khôn ngoan để cho mọi người kính phục mà ủng hộ; Thiên Chúa lại chọn con đường
“đi xuống” đến tận cùng của kiếp nghèo, tận đáy của xã hội “làm thân nô lệ”,
chịu để cho người đời xỉ vả, rồi ôm lấy cái khổ đau, yêu lấy cái chết thảm hại
trên thập giá. Thay vì ôm vào người cho đủ thứ vinh quang, Người lại trút bỏ
cho đến cùng “hóa ra không” tất cả những gì thuộc về vinh quang. Cuối cùng, khi
chịu chết trên cây thập giá, Đức Giêsu đã làm cho cây thập giá – biểu tượng cho
sự tối tăm, ô nhục, thất bại – thành con đường ánh sáng cứu độ trần gian.
Do
vậy, Giáo hội Công Giáo, trong việc suy tôn thập giá Đức Kitô, không bao giờ có
ý tôn vinh bao lực, không phải là thể hiện sự ham thích khổ đau, nhưng qua việc
suy tôn đó, Giáo Hội muốn nhấn mạnh đến mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô Giêsu qua
con đường Thập giá hy sinh. Thập giá Chúa Kitô, do đó, là bảo chứng niềm tin,
niềm hy vọng, vinh quang của người tín hữu, và chính nơi đó mà Kitô hữu nhận
biết được khuôn mặt đích thực của một Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Theo
Phụng Vụ, thập giá Đức Kitô được tôn vinh trong Giáo Hội Đông và Tây Phương.
Lòng mến mộ và tôn kính thánh giá không phải mới có từ thời sau này, nhưng thực
ra đã có từ những thời kì đầu trong Kitô Giáo. Thật vậy, khi nói đến thánh giá,
nhiều chuyên gia về giáo sử, đặc biệt như Giáo Phụ Tertuliano, đều cho biết: “Bất kỳ làm một việc gì có ý nghĩa, người
Kitô hữu đều làm dấu thánh giá.” Thậm chí người Kitô hữu có thói quen làm
dấu thánh giá trên người và vật như dấu chỉ sự chúc lành. Tuy nhiên, ngày lễ
tôn vinh thánh giá thực sự bắt đầu vào thế kỷ thứ 4.
a. Thập giá Đức Kitô
là niềm hy vọng và là nguồn sống
Quả
thật, việc suy tôn thánh giá không mang ý nghĩa gợi nên một cuộc trình diễn bi
kịch cảm động về cuộc thương khó của Đức Giêsu, nhưng thực ra đây là cách thức
trình bày mầu nhiệm Đức Tin về Đức Giêsu đã chết và sống lại để cứu độ nhân
loại. Qua việc đi vào mầu nhiệm thập giá này, người tín hữu được mời gọi suy
gẫm về việc mình được cứu khỏi một vực thẳm đầy tội lỗi và gian tà như thế nào “Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo
lời Kinh Thánh” (1Cr
15,3) và họ cũng được mời
gọi cùng với Người bước xuống vực thẳm đó “nhờ
phép rửa tội, con người được sát nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô:
cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại” (Rm 6,4). Do đó, việc cử hành nghi thức
suy tôn thánh giá cho người tín hữu thấy tầm mức nghiêm trọng của sự dữ và sự
tội; và nhận ra giá trị tuyệt vời của việc Chúa cứu chuộc:
Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục
sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng… Sự cứu độ hoạt động trong khung thời
gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy
Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là “sự nếm trước” và Vương quốc
của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta”.[44]
Việc
suy tôn thập giá Đức Kitô cũng là dịp thuận tiện để cho người tín hữu giục lòng
thống hối, hoán cải tâm hồn qua việc chay tịnh, hãm mình hy sinh và đền tội.
Hơn hết, “chính nhờ thập giá mà chúng ta
biết được khôn mặt đích thực của Thiên Chúa”[45]. Một Thiên Chúa
giàu lòng xót thương luôn ngỏ lời yêu thương với nhân trần.
Khi
Đức Giêsu chịu chết trên cây thập giá, thì nó đã được mang một ý nghĩa mới và
một niềm hy vọng của ơn cứu độ “Khi Ta
được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga
12, 32).
Thập giá đó đã trở nên nguồn sinh lực cho biết bao tâm hồn và trở nên máng
chuyển mọi ơn lành của sự tha thứ và hòa giải “Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài
dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19).
Thánh giá là dấu chỉ của người tin vào Chúa Kitô đã chết và đã phục sinh. Vì lý
do đó, thánh giá không còn là nơi thể hiện sự khinh khi nhạo cười hay là biểu
tượng của bạo lực mà trở nên “nơi thi thố
tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người, và hòa giải giữa loài
người với nhau”[46].
Việc
suy tôn thánh giá cho thấy đây không phải là một biến cố kết liễu cuộc đời nơi
Đức Giêsu, nhưng nó mang một giá trị vĩnh cửu và trở thành nguồn ơn cứu độ cho
những ai bước theo Người. Quả vậy, Tân Ước không những chỉ nói tới thập giá của
Đức Kitô mà còn nói tới thập giá của những ai muốn đi theo Người: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy,
thì không xứng với Thầy”(Ga
10, 38). Do đó, qua việc suy
tôn thánh giá, người tín hữu cũng nhắc nhở mình về hành trình bước theo Đức
Kitô. Đó là phải chấp nhận thập giá của mình trong cuộc đời “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn
ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 38). Quả thực, vác thập giá mình là
vác những khổ đau cả về thân xác lẫn tinh thần mà theo Đức Giêsu. Đã gọi là
chấp nhận thập giá thì người ta đồng thời cũng phải có sức chịu đựng, nhẫn nại
và can đảm. “Việc vác Thánh Giá là điều
kiện cần thiết để ‘đi theo Đức Giêsu’; nó đòi hỏi phải từ bỏ mình, từ bỏ những
mối liên hệ gia đình và đưa tới sự mất mạng sống…Thánh Giá không còn được hiểu
theo nghĩa đen của một khổ hình nữa, nhưng đã được đồng hóa với chính bản thân
Đức Giêsu”[47].
Xưa khi vác thập giá, Đức Giêsu đã bị ngã ba lần, nhưng Người vẫn gượng dậy vác
tiếp cho tới đỉnh đồi Canvê chứ không hề bỏ cuộc. Nếu muốn trở thành môn đệ
trung thành của Đức Giêsu, người môn đệ không thể đi theo con đường nào
khác: “Rồi Đức Giêsu nói với các môn
đệ: ‘Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Ga
16, 24). Thánh Phaolô diễn
tả điều này một cách sâu sắc “Tôi cùng
chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là
tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 19 – 20).
b. Thập giá
là biểu tượng của chiến thắng và sự tự do
Thiên
Chúa đã định cho con mình phải chết để cứu độ nhân loại, nhưng không phải là
bất cứ cái chết nào mà là cái chết trên thập giá “Đức Kitô đã hòa giải con người với Chúa Cha bằng Thập Giá”[48].
Nói khác đi, thập giá là phương thế kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa đã chọn để biểu
lộ tình yêu của Người và chỉ nhờ vào đó mà
con người mới được cứu và có được tự do đích thực “Chúa Giêsu đã hoàn tất việc mặc khải khi chu toàn công cuộc cứu chuộc
trên Thánh Giá, nhờ đó Người đem lại cho con người ơn cứu rỗi, và sự tự do đích
thực”[49].
Thập
giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình
yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự ác “Chúa Kitô đã chịu giương cao trên Thập Giá
để lôi kéo mọi người đến với mình”[50], để “lôi cuốn hết thảy cùng hiệp nhất với nhau”[51].
Thập giá Đức Kitô là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến
thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống
mình sẽ tìm gặp lại sự sống “Ai muốn theo
tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu
mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin
Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 34- 35).
Điều này được minh chứng qua gương đức tin của Mẹ Maria. “Khi chứng kiến Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá, Đức Tin của Mẹ không
bao giờ dao động vì Mẹ tin rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất lời hứa của Ngài cứu
chuộc nhân loại”[52].
Suy
tôn thánh giá là suy tôn sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, vì "Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn
ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài
người" (1Cr 1, 24 -25). Do đó, qua việc suy tôn thánh giá, người Kitô
hữu cũng được mời gọi có ước muốn “Ước
chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl
6,14). Thập giá đã in sâu và gắn chặt với Đức Giêsu Kitô, vì ngay cả sau khi
Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn
không bị xóa nhòa “Đức Kitô đã hoán cải
cái chết, từ chỗ là hoa quả của thù hận và tội lỗi để trở nên ngọn lửa của yêu
thương…Đức Kitô đã lãnh lấy cái chết trên mình và vật ngã nó nhờ sự sống lại;
hay nói cách khác, Ngài đã tiêu diệt cái chết”[53]. Thập giá Chúa Kitô
xuyên qua thời gian và hiện diện với mọi người khắp mọi thời. Nước Thiên Chúa
được thiết lập từ cây thập giá khổ đau “Chính
nhờ cây Thánh Giá của Chúa Kitô mà Nước Thiên Chúa được thiết lập cách dứt
khoát […] Thiên Chúa đã cai trị từ trên cây gỗ này”[54].
Qua
việc suy tôn thập giá Đức Kitô, con người cũng đụng chạm đến ý nghĩa của sự đau
khổ. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng “Thập
Giá không phải là một học thuyết giải thích hay biện minh cho đau khổ của con
người”[55].
Quả thật, thập giá cho thấy một điều là “Thiên
Chúa đã đến gặp gỡ sự đau khổ, với thái độ tự do của Ngài. Điều đó vạch ra hai
bộ mặt của đau khổ: nó vừa kinh tởm vừa xinh đẹp”[56]. Kinh tởm vì đóng
đinh kẻ công chính; xinh đẹp vì “cách
thức mà Đức Giêsu đã chấp nhận và biến đổi nó. Người đã đón nhận nó và cách âu
yếm và hoán cải nó thành dụng cụ yêu thương”[57]. Như thế, qua khuôn
mặt của sự đau khổ, thánh giá cho thấy một ý nghĩa sâu xa hơn đó là “sự cao trọng và sống động của cây Thánh
Giá”[58].
KẾT LUẬN
Trong
xã hội chú trọng đến tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, con đường thập giá Đức
Kitô ngày càng trở nên xa lạ và xa xỉ đối với con người và đặc biệt là đối với
người trẻ, vì quyền lực, tiền của, danh vọng và lạc thú đang được tung hô là
mốt, là đích đến, là khôn ngoan đích thực. Do đó, tư tưởng tự hủy nơi thánh thi
Philípphê dường như là sự điên rồ, hoang tưởng, phi thực tế.
Chính
Thiên Chúa đã đi bước trước để đến với con người ngang qua cây thập giá để thực
hiện ban vinh quang bằng cách từ bỏ vinh quang; ban sự sống bằng cách hy sinh
mạng sống; làm cho vinh thắng bằng cách chịu thua cách nhục nhã. Đó là con
đường chiến thắng của Thiên Chúa, nhưng lại là sự điên rồ đối với con người.
Thật vây, khi mà thế giới đang mắc kẹt trong nhiều vấn đề nan giải của mình như
bạo lực, chiến tranh, khủng bố, đau khổ, đàn áp, thì chính việc suy tôn thánh
giá lại “cho thấy rằng trong những nỗi
khó khăn hiện tại Thiên Chúa muốn dạy chúng ta cách thấm thía hơn về giá trị,
tầm quan trọng và trung tâm của Thánh Giá Đức Kitô”[59]. Thật vậy, qua việc
chiêm ngắm mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô trên thập giá, người Kitô hữu muốn đặt
mình trên nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo. Thập giá Đức Kitô chính là niềm
hy vọng, là nguồn sống, sự giải thoát cho người tín hữu, đồng thời ở chính nơi
đó, khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa được tỏ lộ - một Thiên Chúa nhân từ,
giàu lòng xót thương.
[1] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan (Sacra Pagina), Philippians & Philemon, 78.
[2] X.
Wilfrid Harrington, OP., Các Thư Thánh
Phaolô, (không rõ dịch giả), Phúc – Loan, 2016-2018, 98.
[3] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan (Sacra Pagina), sđd., 87.
[4] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan, sđd., 79.
[5] “Μετὰ
δὲ ταῦτα δυσὶν ἐξ αὐτῶν περιπατοῦσιν ἐφανερώθη ἐν ἑτέρᾳ μορφῇ, πορευομένοις εἰς ἀγρόν - Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm
các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.”
[6] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan (Sacra Pagina), Philippians & Philemon, 81.
[7] John
F. Walvoord, The Bible Knowledge
Commentary An Exposition of the Scriptures, 654.
[8] X.
Raymond E. Brown, The New Jerome Biblical
Commentary, “The Letter to the Philippians”, 794.
[9] X. Michael
F. Bird, The New Cambridge Bible
Commentary University Printing House: Philippians, 77.
[10] X.
R.P.Martin, Philippians (II, 5-11) in
Regent Interpretation and in The Setting Of Early Christian Worship, 104.
[11]
“ἐποίησεν αὐτὸ ὡς μορφὴν ἀνδρὸς καὶ
ὡς ὡραιότητα ἀνθρώπου στῆσαι αὐτὸ ἐν οἴκῳ - Anh làm cho nó ra hình dạng người, có vẻ đẹp của con người, để nó ngự trong nhà.”
[12] “who,
existing in the form of God, not
something to be exploited did he consider being equal to God.”
[13] X. William Barclay, The
Daily Study Bible, The letters to the Philippians, 36.
[14] X.
John Paul Heil, Let Us Rejoice in Being
Conformed to Christ: Philippians, 87.
[15] X.
John Paul Heil, sđd., 88.
[16] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan (Sacra Pagina), Philippians & Philemon, 82.
[17] “Kẻ làm nô lệ hãy vâng lời những người chủ ở
đời này trong mọi sự. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người
ta, nhưng với lòng đơn sơ, vì kính sợ Chúa” (Cl 3,22).
[18] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan, sđd., 82.
[19] X.
Michael F. Bird, The New Cambridge Bible
Commentary University Printing House: Philippians, 81.
[20] X.
Raymond E. Brown, The New Jerome Biblical
Commentary, 795.
[21] X.
Mark J. Edward, Ancient Christian
Commentary On Scripture New Testament VIII: Galatians, Ephesians, Philippians, 254.
[22] “Người đã bị ức hiếp, buộc tội,
rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi
cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó
muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được
chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội
nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ
tội lỗi” (Is 53, 8.12).
[23] X.
Mark J. Edward, sđd., 255.
[24] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan, sđd., 83.
[25] X.
Raymond E. Brown, 795.
[26] X. William Barclay, The
Daily Study Bible, The letters to the Philippians, 38.
[27] “Càng hạ mình, con càng trở nên
cao trọng, và con sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa.”
[28] “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay
uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.”
[29] “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá,
Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.”
[30]
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan, sđd., 84.
[31] X. H.
W. Hoehner; P. W. Comfort & P. H. Davids, Ephesians, Philippians, Colossians, 1&2 Thessalonians, Philemon,
170.
[32] “tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại”.
[33] X.
Michael F. Bird, Sđd., 85.
[34] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan, sđd., 84.
[35] X.
Raymond E. Brown, The New Jerome Biblical
Commentary, 795.
[36] John
F. Walvoord, The Bible Knowledge
Commentary An Exposition of the Scriptures, 654.
[37] X.
R.P.Martin, Philippians (II, 5-11) in
Regent Interpretation and in The Setting Of Early Christian Worship, 263.
[38] Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy
Ngài, xin cứu giúp tôi!”
[39] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan, sđd., 84.
[40] X.
Bonnie B. Thurston and Judith M. Ryan, sđd., 85.
[41] X.
Raymond E. Brown, The New Jerome Biblical
Commentary, 796.
[42] X. William Barclay, The
Daily Study Bible, The letters to the Philippians, 40.
[43] X.
John Paul Heil, sđd., 93.
[44] Giáo
Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1168.
[45] Phan
Tấn Thành, Thần Học về Thập Giá Theo Kinh
Thánh, Thánh Phaolô và Lịch Sử, Thời Sự Thần Học số 1, HVĐM 2008, tr 76.
[46] Phan
Tấn Thành, Thần Học về Thập Giá Theo Kinh
Thánh, Thánh Phaolô và Lịch Sử, Thời Sự Thần Học số 1, HVĐM 2008, tr 80.
[47] Phan
Tấn Thành, Thần Học về Thập Giá Theo Kinh
Thánh, Thánh Phaolô và Lịch Sử, Thời Sự Thần Học số 1, HVĐM 2008, tr 81.
[48] Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong
Thế Giới Ngày Nay, số 78.
[49]
Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn
Giáo, số 11.
[50] Giáo
Lý Hội Thánh Công Giáo, số 160.
[51] Sđd
số 542.
[52]
GLHTCG, số149.
[53] Phan
Tấn Thành, Thần Học về Thập Giá Theo Kinh
Thánh, Thánh Phaolô và Lịch Sử, Thời Sự Thần Học số 1, HVĐM 2008, tr 88.
[54] GLHTCG, số 550.
[55] Phan
Tấn Thành, Thần Học về Thập Giá Theo Kinh
Thánh, Thánh Phaolô và Lịch Sử, Thời Sự Thần Học số 1, HVĐM 2008, 88.
[56] Phan
Tấn Thành, sđd.
[57] Phan
Tấn Thành, sđd.
[58] Fr. Joseph Nguyễn Văn Hiển, op. Dẫn Vào Phụng Vụ Của Giáo Hội, Phần II: Mầu Nhiệm Cử hành, 99.
[59] Phan
Tấn Thành, “Thần Học về Thập Giá Theo Kinh
Thánh, Thánh Phaolô và Lịch Sử”, Thời Sự Thần Học, số 1,
HVĐM 2008, tr 89.
Đăng nhận xét