Pet. Võ Tá Đương, OP
Ôi thập tự chỉ ngươi
là xứng đáng
Giá chuộc đời đem cất
giữ trong tim!
Biển trần gian, tàu
cờ hiệu Máu Chiên
Ngươi rước kẻ đắm
chìm cho cập bến.
Cung trầm bỗng dệt
bài ca cầu nguyện,
Xin cúi đầu thượng
tiến Chúa Ba Ngôi
Đã đổ hồng ân cứu
chuộc loài người
Muôn muôn thuở, xin
dâng lời vinh chúc.[1]
Cùng với Giáo hội, cách
riêng là với chị em các Hội dòng Mến Thánh giá, năm nay (năm 2020) chúng ta hân
hoan và long trọng cử hành một biến cố rất lớn lao, cao cả và rất đáng ghi nhớ:
kỷ niệm 350 năm ngày khai sinh Dòng Mến Thánh giá trên đất Việt.
Đây không chỉ là niềm hân hoan và niềm hãnh diện của chị em Mến Thánh giá,
mà còn cho cả Giáo hội Việt Nam của chúng ta. Bởi lẽ, trang sử 350 năm Dòng Mến
Thánh giá hiện diện trên dải đất mang hình chữ S thân yêu này, đánh dấu một bước
ngoặt, một cột mốc, một chặng đường đầy ân sủng và tình yêu mà Thiên Chúa
trao ban cho Giáo hội, cho Hội dòng và cho mỗi chúng ta qua thập giá Chúa Kitô.
Đây cũng là “trạm dừng chân” rất ý nghĩa của chị em Mến Thánh giá và cả
chúng ta, để cảm tạ hồng ân Chúa vì những hoa trái dồi dào mà “thập giá”
Chúa Kitô mang lại cho Giáo hội, cho Hội dòng và cho tất cả chúng ta; để
qua đó, chúng ta cùng với chị em Mến Thánh giá nhớ về cội nguồn yêu
thương, tưởng nhớ và tri ân các vị tiền bối, đặc biệt là Đức Cha Pierre Lambert
de la Motte, vị Thừa sai thánh đức, vị Đại diện Tông Tòa tiên khởi Miền
Truyền giáo Đàng Trong, Giám Quản Tông Tòa Miền Truyền giáo Đàng Ngoài, Đấng
Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Người đã không quản ngại khó khăn vất vả để khai
đường, mở lối cho một lý tưởng tuyệt vời, đáng trân trọng và ghi nhớ. Lý tưởng
đó chính là “Linh đạo Mến Thánh Giá”.
Tưởng
nhớ và tri ân Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Vị thừa sai thánh thiện, vị Tổ
phụ Mến Thánh Giá Việt Nam
Đức Cha Pierre Lambert de la Motte là một
trong ba vị Giám mục Thừa sai người Pháp tiên khởi trong chức vụ Đại diện Tông
Tòa được gửi sang truyền giáo tại miền Đông Nam Á vào thế kỷ VII. Ngoài việc truyền chức cho các linh mục bản
xứ Việt Nam và việc thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, ngài còn có công sáng
lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một dòng nữ đầu tiên được thành lập tại
Việt Nam, dành cho người Việt Nam và để phục vụ cho dân tộc Việt Nam. Sát cánh
với các vị thừa sai khác, ngài đã gieo vào lòng Giáo hội Công giáo Việt Nam một
nền linh đạo tập trung vào “Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh”, để chính nền linh đạo
này đã trở nên động lực vững chắc thúc đẩy hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam mạnh
dạn tuyên xưng đức tin trong suốt gần 300 năm cấm đạo.[2]
Với tâm tình tri ân cảm
mến chúng ta cùng điểm qua đôi nét về tiểu sử của người.
Lambert sinh 28/01/1624
tại Lisieux, nước Pháp.
Song thân của người là Ông Cố Pierre Lambert de la Motte (1575-1635), và Bà Cố Catherine Heudey de
Pommainville et de Bocquencey (1583-1640).
Sống trong gia đình đạo
đức, cậu Pierre Lambert thường hay tiếp xúc với nông dân và chia sẻ của cải vật
chất cho người nghèo. Cậu thích tản bộ trong rừng vắng để cầu nguyện. Đặc biệt
cậu say mê đọc và suy niệm sách “Gương Phúc”, một tác phẩm tu đức đã ảnh
hưởng sâu sắc trên đời sống Giáo hội từ hai thế kỷ trước.
Sớm mồ côi cha mẹ, và là
trưởng nam trong gia đình gồm bảy anh chị em, cậu Pierre Lambert phải gánh vác
việc nhà, nên không hề nghĩ tới ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, trong thời gian
theo học chương trình phổ thông tại trường các tu sĩ Dòng Tên tại Collège
de Mont, cậu Pierre Lambert được Cha Hayneuve khai tâm về đời sống cầu nguyện,
và được Cha Hallé, Dòng Bé Mọn hướng dẫn vào đời sống khổ hạnh. Nhờ vậy, cậu
Pierre Lambert tập được thói quen tốt lành là rước lễ hằng ngày, nguyện ngắm
mỗi ngày hai giờ và ăn chay nhiều ngày trong tuần.
Sau khi tốt nghiệp trung
học, sinh viên Pierre Lambert học luật, rồi làm luật sư lúc mới 23 tuổi
(năm 1646), theo đúng truyền thống một gia đình thẩm phán, quý phái.
Sau đó, luật sư Pierre Lambert làm việc tại Nghị viện Paris, Tòa án Thuế vụ
và Trung tâm Xã hội Rouen. Trong khi thi hành chức nghiệp, luật sư Pierre
Lambert tích cực tham gia các sinh hoạt đạo đức, tông đồ và xã hội của
Giáo hội vùng Normandie và tại đây, người đã tìm được hướng đi
cho đời mình.
Sau cuộc hành hương và
tĩnh tâm dịp cuối năm 1654 Pierre Lambert đã đi đến những quyết định: Gia nhập
chương trình truyền giáo Canađa; Chọn đời sống giáo sĩ, nên đã bỏ nghề luật sư
tại Tòa án Thuế vụ và xin vào Chủng viện.
Sau khi hoàn thành
chương trình học tại Chủng viện, tháng 9 năm 1655, tại Collège de Mont, thầy
Pierre Lambert chịu phép cắt tóc và các chức nhỏ do Đức Cha Địa phận Bayeux
trao ban. Sau cuộc tĩnh tâm bốn mươi ngày, thầy Pierre Lambert lãnh tác vụ Linh
mục ngày 27/12/1655.
Sau khi thụ phong Linh mục,
cha Pierre Lambert được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Trung tâm Xã hội Rouen,
nơi mà cha tham gia các hoạt động tại đó khi còn là sinh viên và luật sư. Đây
là một tổ chức đạo đời để tiếp đón và giúp đỡ dân nghèo, đặc biệt là giới nữ.
Năm 1657, ngài tham gia
vận động cho công cuộc truyền giáo Viễn Đông. Ngày 29/07/1658 Đức Giáo
hoàng Alexandre VII chọn cha Pierre Lambert làm Giám mục hiệu tòa Béryte.
Ngày 09/09/1659, Tòa Thánh lại bổ nhiệm Đức tân Giám mục Pierre Lambert làm Đại
diện Tông tòa đi truyền giáo tại vùng Viễn Đông, cùng với Đức Cha Francois
Pallu.
Ngày 11/06/1660, Đức Cha
Pierre Lambert được Đức cha Bouthillier, Tổng Giám mục Tours tấn phong Giám mục,
tại nguyện đường Dòng Thăm Viếng, Paris.
Cuối năm 1664, Đức cha
Pierre Lambert cùng với Đức cha Francois Pallu tổ chức Công đồng địa phương, gọi
là Công đồng Juthia. Công đồng đã quyết định ba việc quan trọng: Soạn thảo “Huấn
Thị gởi các thừa sai”; Xây dựng một Chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông; Lập
Hội Tông Đồ.
Tháng 01/1670, người
phong chức linh mục cho bảy thầy giảng Đàng Ngoài, cùng với mười thầy lãnh các
chức nhỏ và hai mươi thầy lãnh phép cắt tóc, trên chiếc thuyền được coi như
“Nhà Thờ Chính Tòa” đầu tiên của Việt Nam.[3]
Ngày 14/02/1670, người
triệu tập và chủ tọa Công đồng Phố Hiến với sự hiện diện của ba linh mục thừa
sai Pháp và chín linh mục Việt Nam.
Ngày 19/02/1670, Đức cha
Pierre Lambert đích thân nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula tại
Phố Hiến.[4]
Đó chính là ngày khai sinh Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam. Tòa Thánh gián tiếp
công nhận hai bản luật của Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại Thế và Tu hội nữ Mến
Thánh Giá, qua Nghị định ngày 28/8/1678 của Thánh Bộ Truyền Giáo, ban ơn đại xá
và tiểu xá cho các thành viên của hai tổ chức này.
Theo chứng từ của chính
Đức Cha Pierre Lambert, việc thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá nằm trong một dự định
lớn, phát sinh từ kinh nghiệm thiêng liêng của người về cuộc gặp gỡ ân tình với
“Chúa Cứu Thế Chịu Đóng Đinh”.
Dù gặp khó khăn và chống
đối, Đức Cha Lambert vẫn quyết định đi kinh lý Giáo hội Đàng Trong. Sau hơn một
tháng vượt biển đầy gian nguy do bão tố và hải tặc, đoàn thừa sai đã cập bến
Nha Trang ngày 01/9/1671. Trong lần kinh lý này, ngoài những việc mục vụ khác,
người đã Lập Dòng nữ Mến Thánh giá tại An Chỉ vào dịp lễ Giáng sinh năm 1671,
và Khai mạc Công đồng Hội An ngày 15/01/1672 do người chủ tọa, trước sự hiện diện
của các giáo sĩ thừa sai, các linh mục bản quốc và khoảng ba mươi thầy giảng.[5]
Cuối tháng 3/1672, Đức
Cha Lambert trở về Thái Lan và đã thực hiện một số việc quan trọng. Một trong
những việc quan trọng đó là Thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá Thái Lan, tại
Juthia với những thiếu nữ gốc Đàng Trong Việt Nam, trao cho họ Bản luật giống
như ở Đàng Ngoài và Đàng Trong Việt Nam.
Từ tháng 05/1676, sức
khoẻ Đức Cha Pierre Lambert kém dần. Chứng bệnh đường ruột và sạn thận làm cho
Đức Cha Pierre Lambert đau đớn nhiều, khiến người cảm thấy cần được yên
tĩnh để cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với “Chúa Giêsu-Kitô - Chịu-Đóng-Đinh”.
Ngày 15/6/1679, lúc 4 giờ
sáng, Đức Cha Pierre Lambert de
la Motte, vị Đại diện Tông Tòa tiên khởi Miền Truyền giáo Đàng Trong,
Giám Quản Tông Tòa Miền Truyền giáo Đàng Ngoài, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh
Giá, đã trút hơi thở cuối cùng và an nghỉ trong Chúa tại Juthia, Thái
Lan.[6]
Người ra đi, để lại cho Giáo hội nhiều kho tàng với những
di sản quý giá. Một trong những di sản đó chính là đặc sủng và linh đạo Mến
Thánh giá với châm ngôn thật tuyệt vời của chị em Mến Thánh giá: “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng
duy nhất của lòng trí con.” Qua đó,
chị em mang trong mình nỗi đau của Đức Kitô trên thập giá, để hoàn tất nơi thân
xác những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân của Chúa Kitô phải chịu cho
thân mình Người là Hội Thánh.
Cùng với Giáo hội, cách riêng là Giáo hội Việt Nam và Thái
Lan, đặc biệt là với chị em Mến Thánh giá, chúng ta hiệp lòng cảm tạ Thiên Chúa
đã ban cho Giáo hội, cho chúng ta vị mục tử thánh đức, tri ân Đức Cha Lambert
de la Motte vì người đã không quản ngại hy sinh vất vả để gieo trồng, chăm sóc
hạt giống tốt Tin Mừng trên vùng Viễn Đông, cùng với công phúc, bao hoa trái
thiêng liêng tốt lành và bao di sản quý giá ngài đã để lại cho Giáo hội Việt
Nam, cho các nữ tu Mến Thánh giá và cho mỗi chúng ta. Nơi tòa cao vinh hiển,
xin Đức Cha Lambert de la Motte tiếp tục nâng đỡ, đồng hành và nguyện thay cầu
giúp cho Giáo hội Việt Nam, cho chị em Mến Thánh Giá và cho mỗi chúng con.
Dòng Mến Thánh Giá, Ân Phúc Chúa Ban Cho
Giáo Hội
Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh từ lòng đất mẹ Việt Nam,
trong chiếc thuyền trên dòng sông Hồng tại bến nước Phố Hiến ở xứ sở Đàng
Ngoài, khi Đức
Cha Pierre Lambert de la
Motte, vị Đại diện Tông Tòa tiên khởi Miền Truyền giáo Đàng Trong, Giám
Quản Tông Tòa Miền Truyền giáo Đàng Ngoài, long trọng đón nhận lời Tuyên khấn của hai trinh nữ đầu
tiên là chị Anê và Paula, vào thứ Tư Lễ Tro, ngày 19/02/1670; đồng thời
trao cho các chị bản luật tiên khởi gồm mười bốn điều khoản mà chính Đức Cha đã
dày công biên soạn, và xác định rõ tên gọi “một
tu hội đặc biệt mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô”.[7]
Chính biến cố này đã đánh dấu ngày hồng ân thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại
Việt Nam. “Đây là Dòng nữ đầu tiên mang bản
sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn
theo một bản luật, trực thuộc Đấng Bản Quyền sở tại và hướng về việc truyền
giáo cho lương dân.”[8]
Trải qua 350 năm hình thành và phát triển, qua bao thăng
trầm lịch sử, lắm phen phải đánh đổi bằng giá máu và mạng sống, chị em Mến
Thánh Giá vẫn một lòng son sắt, trung kiên với đặc sủng và linh đạo mà Chúa
Thánh Thần đã khởi hứng qua Đấng sáng lập, Đức Cha Lambert de la Motte. Nhờ
đó, sau
350 năm kể từ ngày hồng ân khai sinh, đến nay đã có ba mươi Hội Dòng Mến
Thánh Giá hoạt đồng gần như khắp các châu lục trên thế giới. Riêng tại dải đất
hình chữ S Việt Nam đến nay đã có hai mươi bốn Hội Dòng Mến Thánh Giá; tại
mảnh đất Chùa Vàng - Thái Lan đã có ba Hội Dòng Mến Thánh Giá, tại đất nước
Hoa Kỳ vĩ đại cũng đã có một Hội Dòng Mến Thánh Giá; tại Lào có một Hội
Dòng Mến Thánh giá và tại Campuchia cũng đã có một Hội Dòng mang tên Mến Thánh
Giá. Theo thống kê năm 2019,
Dòng Mến Thánh Giá hiện có 8.961 nữ tu hoạt động trên khắp thế giới, với
1.094 Tập sinh và Tiền tập sinh, cùng với đông đảo các thiếu nữ dự tu dòng Mến
Thánh Giá, và hơn 14.000 hội viên Mến Thánh Giá tại thế. Ơn gọi Mến Thánh Giá vẫn
đang ngày càng gia tăng trong Hội dòng Mến Thánh Giá trên mọi miền đất nước và
cả hải ngoại.
Trong một bài viết về Hội dòng Mến Thánh Giá, linh mục
Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ., thật có lý để nhận định rằng, “Dòng Mến Thánh Giá là một hạt giống nhỏ bé như hạt cải, Chúa đã gieo
xuống đất Mẹ Việt Nam, và đã mọc lên thành một cây, nhánh vươn vươn dài, không
chỉ “tới đại dương” như lời thánh vịnh 79,10; mà qua đại dương, tới châu Âu,
châu Mỹ, châu Úc”.[9] Quả thật, đó là một trong những minh chứng
hùng hồn, một phép lạ hiển nhiên mà Chúa đã thực hiện nhờ công phúc của Đức Cha
Lambert de la Motte đáng kính.
Giáo hội Việt Nam chúng ta, từ những giai đoạn đầu tiên đã
được tô điểm bằng những “bông hoa trinh nữ” tươi tắn trong màu áo của Hội dòng
nữ Mến Thánh Giá. Đây là một Hội dòng có lịch sử gắn bó chặt chẽ với Giáo hội
Việt Nam và có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Giáo hội non trẻ,
sự trưởng thành của hàng Giáo phẩm và sự kiên vững trong đức tin của từng giáo
hữu Việt Nam.[10]
“350 năm
hiện diện và tồn tại trên quê hương đất Việt là một hành trình đầy thách đố của
niềm tin, của hy sinh và dâng hiến, để người nữ tu Mến Thánh Giá có thể minh chứng
tình yêu phi thường dành cho Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh”.[11]
Ơn
gọi và sứ vụ của nữ tu Mến Thánh Giá giữa lòng Giáo hội
Cũng như tất cả các ơn gọi
khác, chị em Mến Thánh Giá trước hết và trên hết là được mời gọi sống đời thánh
hiến, phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân theo mẫu gương của Thầy chí Thánh
Giêsu, Đấng đã thánh hiến chính mình, để tất cả chúng ta được thánh hiến trong
Người.[12]
Đặc biệt chị em Mến Thánh Giá quy hướng hoàn toàn vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng
Đinh và Thánh Giá cứu độ của Người, tổng hợp kinh nghiệm thiêng liêng của Đức
Cha Lambert de la Motte, qua câu châm ngôn mà chị em Mến Thánh Giá khắc cốt ghi
tâm: “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối
tượng duy nhất của lòng trí con.” Câu châm ngôn đó trở nên một lý tưởng
sống của các nữ tu Mến Thánh Giá.
Ơn gọi căn bản Dòng Mến Thánh Giá là sống mầu
nhiệm tình yêu, hàm chứa sứ mạng tông đồ, vì Chúa Kitô mà người nữ tu Mến Thánh
Giá chuyên chú tìm hiểu, yêu mến và bắt chước, là vị tông đồ hoàn hảo của Chúa
Cha. Vậy người nữ tu Mến Thánh Giá phải trở nên tông đồ của Chúa Kitô và thông
dự vào hành động cứu thế của Người, nghĩa là cứu thế bằng hy sinh và bằng tinh
thần trung gia”.[13]
Quả thế, người nữ tu Mến
Thánh Giá được mời gọi hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa qua sứ mạng của mình:
tham dự vào tinh thần trung gian của Đức Kitô và tiếp nối sứ mạng cứu độ của
Người bằng việc chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống. Bằng đời sống
cầu nguyện: chị em tha thiết xin ơn hoán cải cho lương dân và các tín hữu sống
xa lìa Thiên Chúa, cùng xin Người tuôn đổ phúc lành xuống trên Giáo hội và xã hội.
Bằng đời sống chứng tá: chị em hăng say dấn thân phục vụ ưu tiên giới nữ, giới
trẻ trong các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, y tế, luân lí và đức tin.
Trong cuốn Hiến Chương Bảy
Hội dòng Mến Thánh Giá Tổng Giáo phận Sài Gòn, phần Quy tắc, điều 71 xác định:
- Chị em tìm hiểu đời sống
văn hoá xã hội địa phương và ý nghĩa các dấu chỉ thời đại, lượng định tất cả dưới
ánh sáng Phúc Âm và giáo huấn của Giáo hội để dấn thân cách sáng suốt và can đảm
cho công cuộc loan báo Tin mừng.
- Giáo dục giới trẻ: về
văn hoá và đức tin.
- Văn hoá: làm việc
trong các tổ chức của xã hội hoặc sáng kiến của cộng đoàn địa phương, quan tâm
trẻ em nghèo, thất học.
- Đức tin: mục vụ giáo xứ,
Giáo phận.
- Phục vụ bệnh nhân:
trong các tổ chức xã hội, y tế và y học dân tộc.
- Bảo vệ trẻ thơ: rửa tội,
gây ý thức cho mọi người, đặc biệt các phụ nữ biết tôn trọng sự sống và bảo vệ
quyền lợi trẻ thơ.
- Thăng tiến nữ giới bằng
hướng nghiệp, hướng dẫn đời sống phụ nữ trong gia đình và xã hội.
- Tổ chức tông đồ cần
theo sát đường hướng mục vụ chung của Giáo hội địa phương.
- Bổ túc cho sứ vụ hàng
giáo sĩ trong những công việc phù hợp với đặc tính của người nữ tu, phát huy những
nét độc đáo riêng của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiến dâng để sống
Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
Theo tinh thần của Hiến
Chương, cũng như linh đạo và đặc sủng của Dòng Mến Thánh Giá, người nữ tu Mến
Thánh Giá xác tín rằng, Chúa Kitô đã làm tông đồ cho tình yêu cứu độ của Chúa
Cha và góp phần vào công cuộc ấy bằng cái chết tự nguyện trên thập giá. Noi
gương Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mình,
người nữ tu Mến Thánh Giá không còn sống cho chính mình, mà chỉ sống cho Đấng
đã chết và sống lại vì mình, tự nguyện đặt mình dưới sự thôi thúc của tình yêu
Chúa Kitô, lệ thuộc hoàn toàn vào Người, và chỉ sống bằng giáo huấn, gương sáng
và sự sống của Người: “Tôi sống nhưng
không còn phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tô.” (Gl 2, 20). Noi gương Chúa
Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh
là đối tượng duy nhất của lòng trí mình, người nữ tu Mến Thánh Giá cũng đón nhận
và thể hiện tinh thần trung gian của Chúa Kitô qua những công việc bác ái cụ thể,
bằng cách tham gia vào công cuộc tái tạo trong việc xoa dịu những nỗi khổ đau
tinh thần và thể xác của những thành phần đau khổ của Nhiệm Thể Chúa Kitô, đặc
biệt là giới nữ và trẻ em.
Từ lúc thành lập, các nữ tu Mến Thánh Giá sống
giản dị như người bình dân Việt Nam, giữa giới nông dân tay lấm chân bùn. Các
chị nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, làm thuốc nam… rồi len lỏi mang các sản phẩm tự
tay mình sản xuất đi từ làng nọ qua làng kia, vào những nơi hẻo lánh, với mục
đích đem Phúc Âm Chúa Kitô đến cho mọi người và rửa tội cho các trẻ em hấp hối.
Các chị em là những người nhiệt thành dạy giáo lý cho người nghèo, thăm viếng
người già cả, bệnh tật. Trong thời điểm cấm đạo, các chị em Mến Thánh giá đi
thăm viếng, mang Mình Thánh Chúa, và lương thực cho các cha, các bổn đạo bị
giam cầm. Các chị phục vụ ưu tiên cho nữ giới và trẻ em, hướng dẫn thiếu nữ
cách sống trong gia đình và ngoài xã hội: nuôi dạy trẻ mồ côi, phục vụ bệnh
nhân, và nhất là nâng đỡ, giúp các phụ nữ sa chân lỡ bước trở về đường lương
thiện.
Trải qua nhiều biến động về xã hội, dù cuộc sống
còn nhiều khó khăn về nhiều mặt nhưng hiện tại, các chị em Mến Thánh Giá vẫn có
mặt trong nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau trong Giáo hội
cũng như ngoài xã hội. Trong Giáo hội, chị em dạy Giáo lý Thiếu nhi, cũng như
người lớn, và các lớp Giáo lý Dự tòng, Hôn nhân; điều khiển các hội đoàn trong
các Giáo xứ, mục vụ Giáo xứ theo khả năng và sứ vụ của mỗi chị em… Bên cạnh đó,
chị em còn mở các trường Mầm non, các lớp học tình thương phổ cập giáo dục cho
những em có hoàn cảnh khó khăn; mở ký túc xá cho các học sinh, sinh viên lưu
trú; phục vụ tại các cô nhi viện, nhà dưỡng lão, trạm y tế, các trung tâm phục
hồi nhân phẩm phụ nữ, chăm sóc bệnh nhân AIDS, và tham gia hoạt động trong các
công tác xã hội khác.[14]
Ở đâu, các chị em Mến Thánh Giá cũng nêu cao một tinh thần khiêm tốn, hy sinh
âm thầm và sẵn sàng đón nhận Thập giá của chính mình và của mọi người để được
tháp nhập vào Thập Giá của Chúa Kitô, khuôn mẫu mà các chị em luôn hướng tới.
Thế đó, các nữ tu Mến Thánh Giá đã thích nghi
nhanh chóng với mọi hoàn cảnh của thời đại, mọi thành phần xã hội, đặc biệt là
các chị em phụ nữ và trẻ nhỏ. Dù có khó khăn, đau khổ hay bị bách hại, các chị
vẫn đón nhận trong khiêm tốn, vui vẻ và coi đó là cơ hội giúp mình càng nên giống
Đấng Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá để hướng mọi người đến với ơn cứu độ.
Trải qua bao biến cố thăng trầm, chị em Mến
Thánh Giá vẫn trung thành bảo toàn ơn gọi và thi hành sứ mạng đặc biệt của Dòng
với sự sáng tạo, thích nghi cần thiết, tuỳ hoàn cảnh địa phương và khả năng của
mình. Mọi sáng tạo thích ứng đó luôn trung thành với con người và thời đại, Đức
Kitô và Phúc Âm của Người, Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới, đời
sống tu trì và đặc sủng của Dòng.”[15]
Đời sống chứng tá của các nữ tu Mến Thánh Giá để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp
trong lòng Giáo hội Việt Nam và trong lòng nhiều người con của đất Việt.
Thay
lời kết
Kỷ niệm 350 năm ngày khai sinh Hội Dòng Mến
Thánh Giá là một thời điểm thuận tiện để chúng ta tạ ơn Chúa, tri ân Đấng sáng
lập Dòng Mến Thánh Giá, cảm ơn chị em Mến Thánh Giá đã hết mình vì Giáo hội và
vì ơn cứu độ các linh hồn. Đây cũng là “chặng dừng chất” rất quý giá và thuận
tiện, không phải chỉ để tự hào và hãnh diện vì một dòng tu có bề dày trong lịch
sử Giáo hội với những thành quả đạt được, nhưng để mỗi chị em Mến Thánh
Giá “trở về nguồn” với “tình yêu thuở ban đầu” giúp chị em sống đúng với linh đạo
và đặc sủng Mến Thánh Giá mà Chúa Thánh Thần đã gợi lên nơi Đấng Tổ Phụ Mến
Thánh Giá; ngõ hầu tiếp bước các bậc tiền nhân hân hoan viết tiếp trang sử mới,
và nhờ Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, trổ
sinh trái thiêng liêng dồi dào và tốt lành cho Giáo hội và cho thế giới.
Xin
được chung lời tạ ơn với chị em Mến Thánh Giá và chúc mừng quý chị em trong dịp
hồng phúc này. Ước mong sao, với thời điểm được sống trong 350 năm hồng phúc
này, tất cả chị em đang sống theo linh đạo Mến Thánh Giá luôn được “trung kiên thực thi sứ mạng chuyển cầu mà Đức
Cha Lambert đã nêu gương và chỉ dạy, để khi kết hiệp với hy tế Thập Giá của Đức
Ki-tô, qua đời sống cầu nguyện, khổ chế, hiến dâng và phục vụ của chúng con,
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục sứ mạng cứu độ cho đến tận thế, hầu cho nhiều người được
hoán cải và lương dân được đón nhận Tin Mừng.”[16]
Để nhờ ơn tình yêu và sức mạnh từ thập giá Chúa Kitô, dẫu có gặp phong ba bão
táp giữa biển đời, chị em vẫn hân hoan ca lên “bản trường ca bất diệt” mà người
nữ tu Mến Thánh Giá đã ca vang suốt 350 năm lịch sử.
[1] Thánh Thi Kinh Sáng, Lễ suy
tôn Thánh giá.
[2] Xc. Ủy Ban Văn hóa, Hội đồng
Giám mục Việt Nam, Dấu ấn 350 năm Giáo hội
Công giáo Việt Nam, NXB. Phương Đông, 2010, trang 330.
[3] Xc. Lm. Đào Trung Hiệu, OP., Hành trình ân phúc (Hội Thánh Công giáo VN 480 năm
đón nhận Tin Mừng, 1533-2013), Lưu hành nội bộ, tr. 84.
[4]
Xc. Ibid., 85.
[5] Xc. Báo Hiệp Thông, Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 116 (tháng
01 & 02 năm 2020), trang 29 - 30.
[6] Xc. Lm. Đào Trung Hiệu, OP., Hành trình ân phúc, trang 87.
[7] Xc. Ủy Ban Văn hóa, Hội đồng
Giám mục Việt Nam, Dấu ấn 350 năm Giáo hội
Công giáo Việt Nam, NXB. Phương Đông, 2010, trang 18-19.
[8] Hiến chương Dòng Mến
Thánh Giá, Điều
01.
[9] Xc.
https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=286.
[10] Xc. Học viện Đa Minh, Một dòng sông chảy ra bao nhánh – Tìm hiểuLinh
đạo các dòng tu, Lưu hành nội bộ, trang
253.
[11] Xc.
https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/350-nam-dong-men-thanh-gia-cuoc-doi-duc-cha-pierre-lambert-de-la-motte-60272.
[12] Xc. Ga 17, 19.
[13]
Báo Hiệp Thông, Bản tin của Hội
đồng Giám mục Việt Nam, số 116 (tháng 01 & 02 năm 2020), trang 134.
[14] Xc. Báo Hiệp Thông, Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 116 (tháng
01 & 02 năm 2020), trang 147 -149.
[15] Xc. Báo Hiệp Thông, Bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 116 (tháng
01 & 02 năm 2020), trang 142.
[16] Kinh Năm Thánh Mừng Kỷ Niệm 350 Năm Thành Lập Dòng MTG
Đăng nhận xét