Nguyễn
Ninh, OP
Chiều tà. Ánh nắng chênh chếch xiên qua ô cửa. Cái gắt gỏng của mặt trời xế trưa phả vào không khí ngột ngạt oi bức nơi bệnh viện thật khó chịu. Căn phòng phải buông rèm suốt là vậy. Cô đứng dậy ra kéo rèm lên. Mong tìm một chút không gian thoáng đãng. Cả ngày giam mình trong bốn bức tường ngột ngạt quá. Ngoài sân, những bước chân vội vàng lặng lẽ qua lại. Những bước chân nặng nề rệu rã của kiếp người. Thế mà mắt cô ráo hoảnh. Có khác gì những bóng hình mờ ảo của một bức tranh khung cảnh Đà Lạt chiều mưa đâu. Cái không gian xám xịt đó tất nhiên chẳng có gì hấp dẫn cô. Đã quá nhiều lần cô xem, thậm chí chính cô là nhân vật trong những bức tranh như vậy.
Mà cô lại thổn thức khi ngắm
những chiếc lá bàng úa vàng cứ lặng lẽ lìa cành rơi xuống đất. Ký
ức đâu đó kéo cô về với cái hồi còn mài đũng quần ở nhà trường.
Chiếc lá cuối cùng của ông họa sĩ già cứu mạng cô Johnsy có lẽ
cũng chỉ có trong tiểu thuyết thôi. Ngoài sân, những chiếc lá vàng
cứ lặng lẽ lìa cành. Chỉ một cơn gió thoảng. Mà có khi cũng chẳng
cần gió nữa. Những chiếc lá úa vàng mỏi mệt quá rồi.
Quá khứ như thước phim tua lại
mồn một hồi ức 20 năm về trước. Hai mươi năm trước, một cô gái ngoài
đôi mươi đầy nhiệt huyết của giáo xứ Đức Linh vừa mới tốt nghiệp
ngành nhạc lý trường cao đẳng nghệ thuật thành phố. Sức sống tuôn
trào nơi một cô gái năng động giỏi giang không bởi chỉ vì tương lai
danh lợi đang chờ cô phía trước. Nhưng còn bởi mối tình lãng mạn với
anh. Cô quen anh khi tham gia ca đoàn giáo xứ. Tiếng đàn du dương qua
những ngón tay thon thả, phiêu bồng quyện trong lời ca trầm ấm du dương
đã nâng tình yêu của họ lên tận cõi thiên cung thanh thoát.
Cuộc tình như Ngưu Lang Chức Nữ.
Những tưởng nó cũng có cái kết đẹp như vậy. Đâu hay rằng đó cũng
chỉ là tiểu thuyết văn chương. Anh chia tay cô vào một ngày trời còn
xám xịt hơn hôm nay. Để theo một người khác. Cô gieo mình vào tuyệt
vọng. Tất cả tương lai hứa hẹn phía trước cô vò nát trong khổ đau. Cô
như ngây như dại. Ai thấy mà không khỏi xót xa. Người ta nói thời gian
sẽ chữa lành tất cả, xóa nhòa tất cả. Nhưng với cô, cuộc đời như
nhúng vào một lọ mực. Đen kịt. Cảm giác bị phản bội tóm lấy cô và
không chịu buông tha. Nó kéo lê cô trong nỗi muộn phiền. Chẳng có một
dấu hiệu nào của sự chữa lành.
Thế rồi một sáng, cô lên chùa.
Cạo đầu quy y cửa Phật. Người ta nói cô bị điên vì tình. Nhưng cô
biết rõ chính bản thân mình hơn ai hết. Những ngày tháng thả hồn
phiêu bạt lang thang trên những vùng hoang vắng của chiêm nghiệm khổ
đau, của nhân tình thế thái, cô nghiệm ra đời chỉ là hư vô trống
rỗng. Tình yêu chỉ là những đổi chác thấp hèn dối gian. Chúa à?
Cũng chỉ là hư ảnh. Nếu có Chúa, thì sao Ngài lại để cho cô, một
con chiên ngoan đạo hiền lành chịu trăm bề cay đắng tủi hổ ê chề? Cô
đâm ra hận người, hận đời, rồi hận luôn cả Chúa. Đối tượng căm thù
cuối cùng không còn là kẻ bạc tình mà là chính Chúa. Cô vào chùa,
cạo đầu xuất gia, như một cách để chống lại Chúa, để chạy trốn
chính mình, chạy trốn cuộc đời .
Cứ tưởng đấy
là một phản ứng bộc phát nhất thời. Nhưng sư không về nữa. Cuộc
sống bình an thanh thoát nơi cửa Phật khiến sư ngạc nhiên đến lạ lùng
mỗi khi nghĩ về những tháng ngày đã qua. Vạn hữu sinh diệt. Sắc tức thị
Không. Không tức thị Sắc. Có đó rồi Mất. Mất rồi lại Có. Duyên khởi thì Có.
Duyên tận thì Mất. Tan rã vào cõi hư vô. Những câu triết lý nhà Phật bỗng
hòa hợp làm sao với nỗi chán chê sự đời và khao khát đi tìm một câu
trả lời cho những phi lý nơi kiếp người. Nó như những dòng nước tưới
xuống mảnh đất khô cằn. Sư thấy lòng mình an nhiên lạ thường. Càng
bình an thanh thoát càng sợ cái cuộc đời trước đây.
Mê và Ngộ.
Những lời lời dạy của đức Phật. Càng bám chấp càng khổ đau. Hãy
buông xả. Cứ như lục bình trôi. Cuộc đời vô thường vạn biến. Mọi
chuyện cứ đến rồi đi. Sẽ đến rồi lại đi. Cuộc sống bình lặng, không
gian linh thiêng, trầm tịch cùng những triết lý nhà Phật như nguồn
nước trong lành gội mát và cuốn đi những bẩn đục rác rưởi hận thù
nơi tâm hồn sư.
Rồi sư được trụ trì chùa gửi
ra Huế tu học. Miệt mài tìm quên cuộc đời trong những áng kinh, những
tư tưởng uyên thâm của Phật pháp, của không gian thanh bình, của những
đồng đạo khao khát tìm bình an, ý nghĩa cuộc đời. Thấm thoát vậy
mà đã hai mươi năm. Rồi sư được gửi về lại Sài Gòn lập chùa cho các
ni cô.
Những tưởng cuộc đời sẽ cứ
vậy mà trôi. Bao ngày tháng xa xưa đã qua rất xa rồi. Sư không còn mảy
may giữ một vụn ký ức nào. Có ngờ đâu, như đức Phật dạy, đời là
bể khổ. Dòng đời vẫn đầy những khổ đau vạn biến khôn cùng.
Hai mười năm rồi. Đời là bể
khổ không là câu cửa miệng nhưng nó thấm đẫm qua từng thớ thịt mạch
gân. Nó ám ảnh mãnh liệt đến độ sư không bao giờ nghĩ đến chuyện một
ngày nào đó mình sẽ bước ra khỏi cổng nhà chùa. Nơi ngăn cách cuối
cùng của bình an và khổ đau. Để về lại chốn nhân sinh bụi bặm. Hai
mươi năm rồi. Ngẫm ra biết bao triết lý về sự khổ. Trong kinh kệ nhà
Phật lẫn trong những nếm trải đau thương. Sư đón nhận cái tin mình bị
ung thư phổi với một thái độ điềm tĩnh, an nhiên. Vả lại, nỗi đau
này có thấm gì đâu với nỗi đau bị tình phụ những ngày xa xưa ấy khi
sư vẫn chỉ là một cô ca viên chưa trải đời.
Ấy vậy mà
cái khổ lần này, nó như mạch nước ngầm thấm rỉ qua cánh cổng nhà
chùa và vỡ tung thành một cơn lũ cuốn phăng tất cả. Nằm trên giường
bệnh, những kỷ niềm thơ bé ngày xưa bỗng đâu tràn về. Cô bé ấy ngày
đó, nhỏ nhắn trong chiếc áo bà ba bạc thếch diễn cảnh mục đồng
trong đêm Chúa giáng sinh. Cô bé đó vui đùa với chúng bạn bên những gốc
dừa trong những buổi chiều Chúa nhật học giáo lý. Cả hình ảnh một
ca viên nổi bật thướt tha với tà áo dài màu thiên thanh trong những
ngày lễ hợp xướng long trọng.
Những hình ảnh đó cứ kéo nhau
về trong những giấc mộng chập chờn. Nửa mê nửa tỉnh. Trời ơi. Đã 20
năm rồi sao? Giờ đây, đối diện với cái chết sư bỗng giật mình bàng
hoàng nhận ra cuộc đời đã dẫn dắt mình đi một nẻo lạ lùng. Có ai
ngờ một con chiên ngoan đạo, lại trở thành một người ni cô nhiệt tâm
nơi cửa Phật. Đã 20 năm rồi sao? Cũng 20 năm rồi, chưa bao giờ sư cảm
thấy hoang mang bất an. 20 năm tu tập chánh quả. Cái chết đã cận kề.
Không lẽ ít lâu nữa thôi, cuộc đời sư sẽ chuyển đổi đầu thai vào một
kiếp khác sao? Một con người hay một con vật? Lại tiếp tục trả
nghiệp báo nơi những trầm luân cõi đời sao?
Hai mươi năm tu tập vững vàng,
trở thành một người tín cẩn của sư trụ trì thì hẳn là bậc thông
tuệ. Ấy vậy mà lần này khi cái chết cận kề, sư lại chỉ thấy hoang
mang chấp chới trong lòng. Dù đã cố trấn an thiền định nhưng sư đâu hay
cái nôi đức tin được gieo trồng ngày bé đã bám rễ thẳm sâu trong tâm
hồn. Nỗi khát khao mãnh liệt chạy trốn và an trú nơi cõi Phật càng
mãnh liệt càng cho thấy cái hạt mầm đức tin đó quá lớn. Và giờ đây
như trần trụi với cuộc đời vì cái chết cận kề, tất cả nỗ lực tìm
kiếm sự thanh thoát cõi đời đã như kiệt quệ, cái hạt mầm đức tin
đó càng lộ rõ hơn. Nỗi khát khao hướng về Chúa. Khát khao về một
đấng ủi an che chở, khoác cho phận người trần trụi một tấm áo
choàng chở che như Ngài đã làm trong vườn địa đàng Eden.
Những dòng nước mắt lặng lẽ
trườn ra khỏi đôi mắt từ bi nhẫn nại. Nghẹn ứ thành tiếng. Lạy
Chúa, sao Ngài đối xử với con như vậy, sao Ngài lại để con lưu lạc 20
năm nhưng lại bình tâm và thanh thoát mà không hề vương vấn gì đến Ngài?
Lần đầu tiên sau 20 năm, sau ngày là một cô ca viên trẻ, cô khóc. Như
thánh Âu Tinh đã thốt lên, con yêu Chúa quá muộn màng.
Mấy ngày sau, cô nhờ một sơ
phục vụ trong bệnh viện, xin được gặp linh mục để lãnh Bí tích hòa giải.
Căn bệnh ung thư giai đoạn cuối thật khủng khiếp. Chỉ trong mấy ngày
ngắn ngủi nó đã hành hạ cô đến kiệt quệ. Hai tuần sau cô qua đời.
Các ni cô xin đem xác về chôn trong chùa. Sau đó họ phát hiện trong
túi áo cô có miếng giấy xác nhận mình là người Công giáo và xin
được an táng theo nghi thức Công giáo. Thể theo nguyện vọng của cô,
các ni cô đồng ý để linh mục làm lễ an táng. Còn họ chỉ tiễn ra
đến nghĩa trang.
Đăng nhận xét