Fr.
Giuse Phạm Quốc Văn, OP.
DẪN NHẬP
Suốt hai ngàn năm lịch sử, từ khi Đức Giêsu mời gọi các ngư phủ đầu tiên theo Người và tiếp nối là các thế hệ Kitô hữu, các môn đệ của Đức Giêsu đã thể hiện niềm tin của mình qua nhiều cách thế sống, nhiều hình thức diễn tả, cơ cấu tổ chức và mô hình Hội thánh khác nhau. Mỗi mô hình hàm chứa một quan niệm thần học và một đường hướng mục vụ, cũng như cũng đưa ra một mô hình riêng về Hội thánh, đồng thời đó cũng là một cố gắng cụ thể của các tín hữu nhằm thực ơn gọi Kitô hữu trong những bối cảnh văn hoá, chính trị, xã hội, kinh tế phức biệt.
Thật vậy, thoát
thai khỏi Do Thái giáo, Kitô giáo lớn mạnh và lan rộng khắp đế quốc Rôma. Nhờ
Rôma cung cấp nhiều điều kiện thuận lợi như hệ thống giao thông, hành chánh,
tình trạng an ninh yên ổn (Pax romana)… nên việc truyền bá Tin mừng gặp nhiều
thuận lợi. Hội thánh trong giai đoạn đầu được sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại,
vẫn như là Hội thánh kiểu mẫu cho các thời đại.
Nhưng
theo dòng thời gian, Hội thánh xa dần cội nguồn, đi vào một thời kỳ mới trong lịch
sử của mình. Các Hội thánh Kitô giáo gốc Do Thái đã thấy ảnh hưởng của mình bị
giảm sút trước sự bành trướng của Kitô giáo phát xuất từ thánh Phaolô (Kitô
giáo gốc dân ngoại). Từ nay, phần đông các Kitô hữu đến từ ngoại giáo, nhiều
người trở lại khi đã trưởng thành, và trong đó có Giáo phụ Justinô, ông biết
Chúa khi đã là một triết gia ngoại giáo. Những vần đề đức tin phải đương đầu
đang chuyển dần sang những lãnh vực khác.
Kitô giáo ngày càng gặp gỡ rộng rãi với thế giới
Hy-La, một thế giới ý thức về các giá trị của mình, tự hào về một số thành quả
chính trị ("Hòa bình Roma" - Pax romana) và nhất là về văn hóa. Người
cổ thời ý thức mình thừa kế cả một di sản trí thức, nghệ thuật, tôn giáo
(vì ngoại giáo cổ thời là một tôn giáo đa thần), tự hào về khôn ngoan và truyền
thống trí thức của mình.
Đặc biệt, người thời đó đã thành công trong việc
xây dựng nên một nền văn hóa có giá trị toàn cầu. Điều này có thể thấy rất rõ
trong khoảng thời gian đầu Công Nguyên, được đánh dấu bằng việc thống nhất thực
sự về văn hóa trong vùng Địa Trung hải: Tiếng Hy Lạp được dùng khắp nơi, đó là
ngôn ngữ chung (koinè), ngôn ngữ của thương mại, của triết học, của khoa học. Cả
các tôn giáo cũng hòa nhập với nhau, phổ cập hóa. Văn hóa La Tinh của Tây
phương bị văn hóa Hy Lạp thâm nhập (Marc-Aurèle, Hoàng đế Rôma viết cuốn "tư
tưởng" bằng tiếng Hy lạp). Văn hóa Hy Lạp đã phát triển một tinh thần
phổ quát nào đó, dù thành quả của nó còn mang những nhược điểm, nhưng dù sao nó
vẫn là "nền văn hóa" của thời bấy giờ.
Như vậy, khi ra khỏi chiếc nôi ban đầu, Hội thánh
đã gặp gỡ thế giới văn hóa Hy Lạp. Chính nền văn hóa Hy Lạp này đã tạo ra những
chuyển biến mới trong việc suy tư thần học và xây dựng một quan niện về Hội
thánh của giới văn sỹ Kitô giáo, khởi đi từ các Giáo phụ. Theo dòng thời gian,
nhiều quan niệm về Hội thánh được hình thành; cách riêng Công đồng Vatican II
đã tạo ra một bước ngoặt mới khi tiến hành công cuộc canh tân và thích nghi với
một cái nhìn mới về "mầu nhiệm Hội thánh" trong đó quan niệm Hội
thánh như "Dân Thiên Chúa" được đặc biệt đề cao. Trong bài viết này,
người viết xin được chia sẻ một vài suy tư về mầu nhiệm Hội thánh.
I. Nhịp cầu giữa đức tin và văn hoá Hy Lạp
Người ta coi thánh Justinô và Clément như những người đầu
tiên tìm cầu nối giữa đức tin và văn hoá dân ngoại. Có nhiều vấn đề nảy sinh
khi áp dụng nền triết học ngoại giáo này để giải thích các chân lý đức tin Kitô
giáo. Chúng ta không đi vào lý giải những vấn nạn nảy sinh cho bằng tìm về một
xác tín căn bản của các Giáo phụ, đặc biệt là của thánh Justinô, đồng thời tìm
hiểu về nền thần học Logos nổi tiếng của ngài.
1. Triết học Hy Lạp chuẩn bị cho đức tin Kitô giáo
Nếu như chúng ta tin rằng Cựu ước là những
bước khởi đầu chuẩn bị cho Tân ước ; thì cũng
có thể nói triết học Hy Lạp cũng là một thứ “Cựu ước” như thế đối với đức tin
Kitô giáo sau này. Bởi vì trước khi Chúa Giêsu đến, triết học cần thiết cho người
Hy Lạp trong việc dẫn dắt họ tới sự công chính, giờ đây chính nền triết học này
lại là điều hữu ích trong việc dẫn dắt họ tới kính thờ Thiên Chúa. Triết học là
giai đoạn dự bị cho các tâm trí muốn đạt tới đức tin bằng con đường chứng minh
(Nhờ lý trí tự nhiên con người có thể đạt đến được Thiên Chúa).
Chúng ta dựa theo những suy tư của Clément để thêm xác
tín về điều này. Thiên Chúa là nguyên nhân của mọi điều thiện hảo, có những điều
Người là nguyên nhân trực tiếp và vì chính chúng, chẳng hạn như Cựu Ước và Tân
Ước, có những điều chỉ do hệ luận, chẳng hạn như triết học. Có thể ngay cả triết
học cũng đã được ban trực tiếp cho người Hy Lạp như một điều thiện hảo, trước
khi Chúa nới rộng lời kêu gọi của Người tới cả họ nữa : vì triết học giáo dục họ,
y như Lề Luật đối với người Do Thái, để họ đi đến với Đức Kitô. Triết học là
công việc chuẩn bị, mở lối cho kẻ mà sau đó Đức Kitô sẽ làm cho thành toàn.
Tất nhiên chỉ có một con đường chân lý, nhưng con đường
đó như dòng sông cái không hề cạn vơi, nơi mà những dòng nước khác từ muôn
phương đổ về. Từ đó mới có những lời linh hứng thế này : “Hãy nghe, hỡi con Ta
và hãy đón nhận những lời lẽ của Ta để con có thật nhiều con đường dẫn tới sự sống.
Ta dạy con những đường nẻo khôn ngoan để con không thiếu mất các nguồn suối” những
nguồn suối trào vọt từ cùng một lòng đất mẹ. Và không phải chỉ cho một người
công chính duy nhất mà Người nói đến rất nhiều con đường cứu độ ; Người thêm rằng
: có hằng bao nhiêu con đường khác cho bao đám người công chính ; Người nói như
sau : các lối đường của người công chính chiếu tỏa như ánh sáng. Thế thì, những
lời dạy dỗ, giáo huấn dự bị hẳn nhiên là những con đường, những cái làm cho cuộc
đời chúng ta khởi động…
Cũng như chu trình các môn học là điều hữu ích để đạt tới
triết học, thầy của các môn học đó, cũng thế tới phiên triết học cũng góp phần
thủ đắc sự khôn ngoan, nhưng khôn ngoan lại là khoa học về những điều thuộc
Thiên Chúa và thuộc con người cũng như về nguyên nhân của chúng. Vì thế khôn
ngoan là thầy của triết học, cũng như triết học là thầy của nền giáo dục dự bị.
Khởi đi từ một quan niệm phổ biến : "Logos"
phải là thước đo vạn vật, đó là xác tín mà các nhà triết học, khoa học thời đó
không ngừng lập đi lập lại, từ đó đã nảy sinh một trong những bác bẻ nền tảng
nhất mà các nhà trí thức thường xuyên đặt ra đối với thái độ "tin" mà
Do Thái giáo và Kitô giáo đòi hỏi: Theo họ, đức tin là cái đi ngược với lý lẽ,
là sự phủ nhận lý trí. Chúng ta thấy bác bẻ này đã được đưa ra vào thế kỷ II,
dưới ngòi bút của một triết gia chiết trung như Celse, và do cả những bậc thầy
của phái Khắc Kỷ như Epithète, Marc-Aurèle, hay do một y sĩ như Galien, tất cả
đều cho rằng chỉ duy có "lý lẽ" và sự "chứng minh" mới là
những tiêu chuẩn của chân lý. Chắc chắn rằng, lời bác bẻ đó thường phát xuất từ
một tinh thần thực sự là duy lý, tiên thiên gạt bỏ tất cả những gì không thể chứng
minh được theo lý trí. Thế nhưng, trong mức độ đòi hỏi những quyền chính đáng của
lý trí, nó hiển nhiên đặt ra một vấn đề mà người Kitô hữu không thể tránh né.
Quyền chính đáng của lý trí, đó là điều mà các nhà trí thức
Kitô giáo như Justinô vẫn thao thức. Họ thuộc về một thế giới đang đặt ra những
đòi hỏi mới của lý tính so với bối cảnh sơ khai, và họ cảm thấy việc nhìn thẳng
vào những đòi hỏi này là một nhu cầu sinh tử đối với đức tin. Về điểm này, có lẽ
không một Giáo phụ nào đã có những lời lẽ mạnh như Clément d'Alexandrie ở đầu
thế kỷ thứ III: "Nhiều Kitô hữu sợ triết học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp,
sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế… nếu nó sụp
đổ trước sự thuyết phục của lý luận, thì hãy để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó
chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý" (Stromate VI,
10.80.5). Nói khác đi, nếu đức tin không muốn phủ nhận chính mình, thì phải chấp
nhận nhìn thẳng và trả lẽ về mình cho thế giới trong đó mình sống.
Đây cũng chính là xác tín của Justinô, nhà trí thức Kitô giáo đầu tiên có một
lập trường triệt để trước triết học Hy Lạp và nỗ lực của lý trí con người.
2. Thần học về Logos
Trước tiên, chúng ta nên biết rằng tư tưởng của Justinô, tất
nhiên vận hành trong bầu khí triết học đương thời, nhất là trong hai truyền thống
ngự trị thời đó: Truyền thống Platon và truyền thống Khắc Kỷ. Hai truyền thống
này giữ một vị trí lớn trong tư tưởng các Giáo Phụ.
Do ảnh hưởng của Platon, Thiên Chúa được coi như một Đấng
vô thủy, vô chung. Do vậy, về phương diện thần luận, Thiên Chúa được quan niệm
là một thực thể tĩnh, nhưng có khả năng vươn tới mọi sự ; Người là Đấng vô
hình, bất biến, duy nhất, và Logos chính là trung gian của Người.
Đối lại với quan niệm trên, Justinô là một triết gia Kitô
giáo đầu tiên có lập trường triết học rõ rệt về Ngôi Lời. Trong tập Minh giáo
II, ngài phân biệt Ngôi Lời trọn hảo, Lời của Thiên Chúa, khác biệt với vũ trụ
và tiềm ngôn trong mỗi người, nhất là những người thông minh sáng suốt. Tiềm
ngôn đó là lý trí. Nhờ lý trí, con người có thể hiểu biết phần nào Ngôi Lời ;
nhưng để tránh hiểu lầm, Justinô quả quyết : chỉ có ơn mặc khải của Thiên
Chúa, ta mới hiểu được Ngôi Lời cách trọn vẹn và chắc chắn. Ngôi Lời là chính
Chúa Kitô.
Có người cho rằng, do chịu ảnh hưởng của Platon, nên thần
học của Justinô có nhiều sai lầm. Nhưng theo cha Lagranges, thì người ta đã hiểu
lầm về thánh Justinô. Có tác giả còn cho là Justinô hướng về Hạ phục thuyết, dựa
theo câu nói của ngài là : «
Con Thiên Chúa, và chỉ một mình
Người mới chính là Con. Ngôi Lời hiện hữu cùng Thiên Chúa và được sinh ra trước
khi dựng nên vũ trụ, khi mà ngay từ ban đầu, Thiên Chúa dùng Người mà dựng nên
mọi sự. Con Thiên Chúa là Đấng Kitô, vì Người đã được xức dầu và bởi vì Chúa đã
dùng Người mà an bài mọi sự (Apologia 2,6).
Người ta có thể hiểu lầm về thánh nhân, nhưng chắc chắn một
điều là khi nói đến Ngôi Lời, ngài liên tưởng đến Ngôi Lời nhập thể, và ngài đã
quả quyết Ngôi Lời là Thiên Chúa (Dial 58,9).
Justinô là người nói đến tính song đối giữa Evà và Đức
Maria để khẳng định về mầu nhiệm nhập thể cứu độ. Thánh nhân đào sâu thần
học về Ngôi Lời, và cho rằng « hạt giống Lời » đã tiềm tàng nơi các nền
tôn giáo và văn hoá (thánh nhân lấy lại tư tưởng này của phái Stoa nói về mầm
giống của Logos – Logos spermatikos). Thần học về Ngôi Lời là một nền thần học
được xây dựng trên nền tảng tự nhiên để đối thoại với nền văn hoá Hy Lạp. Thần
học Ngôi Lời cũng là những bước bập bẹ đầu tiên về thần học Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mặc dù dựa vào
triết học Hy Lạp để trình bày chân lý mặc khải, nhưng tác giả không ngần ngại
đương đầu với những điểm mà đức tin vượt quá tầm mức của lý trí, chẳng hạn như
việc cứu độ nhân loại qua cái chết của Con Thiên Chúa. Thánh nhân cũng mạnh mẽ
bênh vực sự sống lại của thân xác, một điều chướng tai với triết học đương thời. Cách riêng, thánh Justinô đã làm cho độc giả ngạc nhiên
về tinh thần lạc quan và tinh thần rộng mở của Ngài trong việc đối chiếu đức
tin với lý trí và với triết học Hy Lạp. Nhiệt tình hộ giáo của Justinô dựa trên
niềm xác tín rằng đức tin và lý trí không thể mâu thuẫn nhau, vì chân lý là một,
chân lý chỉ có một nguồn suối độc nhất nơi Thiên Chúa và nơi Logos, Lời (Verbe)
của Người, Lời mà Người đã thông ban cho nhân loại ngay từ ban đầu.
Tương tự như Philon, khi ông đặt ở trọng tâm thần học của mình Logos (Lời)
của Thánh Kinh như mối liên kết giữa Thiên Chúa và thế giới, và tương tự như
Gioan, khi ngài trình bày Đức Kitô như là Lời (Logos), Đấng đã "có từ khởi
thủy" và "đã mặc lấy xác phàm", Justinô giữ lại từ ngữ này, một
từ ngữ mang bao âm hưởng trong tư tưởng Hy Lạp: vừa là lời vừa là lý tính, nhất
là một lý tính thần linh thấm nhập và điều khiển thế giới. Justinô mang lại cho
tư tưởng của Gioan, theo đó Ngôi Lời "soi sáng mọi người", một ngữ điệu
triết lý hơn và hoàn toàn phổ quát : suốt dòng lịch sử và ngay cả trước khi nhập
thể, Logos đang và đã luôn hiện diện nơi mọi người, vì do lý trí của mình, mọi
người đều tham dự vào Logos thần linh, và đều có khả năng "sống theo
Logos". Justinô không ngại quả quyết rằng, những ai sống trước Đức Kitô,
Do Thái hay dân ngoại, và đã trung thành với ánh sáng của Logos có nơi họ, thì
theo một nghĩa nào đó, họ là những "Kitô hữu", nghĩa là đã mở lòng
đón nhận những giá trị tôn giáo và đạo đức, những giá trị tuy xa nhưng đã là một
tiếp cận thực sự với Tin mừng.
Chẳng hạn Socrate, người mà Justinô hết lòng ca ngợi và nhấn mạnh rằng: ông
đã bị coi là "vô thần" và bị bách hại như các Kitô hữu. Người ta thấy
đây là khởi điểm của ý tưởng về một sự "chuẩn bị cho Tin mừng" (kiểu
nói này là tựa đề một tác phẩm của Eusèbe de Césarée) trong thế giới ngoại
giáo, ý tưởng này được lấy lại và nới rộng thêm trong rất nhiều bản văn của
Công Đồng Vatican II, với những tham chiếu các Giáo Phụ thế kỷ II.
II.
Quan niệm Hội thánh là một mầu nhiệm,
từ khóe nhìn của các Giáo phụ
1. Tại
sao
các
Giáo phụ coi Hội thánh là một mầu nhiệm ?
Hội
thánh chỉ là một (đặc tính duy nhất của Hội thánh) nhưng rất phong phú, không một
hình ảnh nào có thể diễn tả trọn vẹn được Hội thánh. Do vậy, Hội thánh được diễn
tả bằng nhều hình ảnh khác nhau : Hội thánh là đoàn chiên có một người mục tử
(Ga 10), là hiền thê tinh tuyền của Con chiên không tỳ ố (Kh 19,7;22,17), là
nhà Thiên Chúa (1Tm 3,15)…
Các
thánh Giáo phụ cũng có cái nhìn rất phong phú về Hội thánh. Thánh Clement thành
Alexandre và thánh Cypriano coi Hội thánh như một người mẹ; Methodio thành
Olympus lại diễn tả Hội thánh như hiền thê của Đức Giêsu, như Eva được khai
sinh từ cạnh sườn của Ađam. Thánh Ambosio thành Milan và thánh Cypriano thành
Carthage cũng diễn tả Hội thánh bằng hình ảnh hiền thê xinh đẹp. Đặc biệt hình ảnh
Hội thánh là thân mình Đức Giesu đã được nhiều Giáo phụ quảng diễn, bởi vì qua
phép rửa tội, tất cả mọi người được trở nên một thân thể duy nhất trong một Thần
Khí (Cr 12,13). Thánh Clement giải thích : theo sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng
nên con người có nam, có nữ (St 1,27), nam đây có thể hiểu là Đức Kitô, và nữ
chính là Hội thánh. Và như vợ chồng nên một với nhau thế nào, thì mầu nhiệm giữa
Đức Kitô và Hội thánh cũng vậy.
Thực
ra, không thể nào hiểu hết được sự phong phú của Hội thánh. Chúng ta được mời gọi
để đón nhận, yêu mến hơn là mong có thể hiểu được trọn vẹn về Hội thánh. Hội
thánh không bao giờ là điểm kết thúc, mà là điểm khởi đầu, là lối mở cho ta tiếp
tục dấn thân, khám phá. Trong lối nhìn này, chúng ta mới hiểu được tại sao các
Giáo phụ lại gọi Hội thánh là một mầu nhiệm, và mầu nhiệm này được sáng tỏ nơi Đức
Kitô.
2. Mầu nhiệm Hội thánh được
tỏ bày nơi Đức Kitô
Có thể
nói, chỉ nơi Đức Kitô, mầu nhiệm Hội thánh mới được tỏ bày trọn vẹn. Không có Đức
Kitô, lời hứa sẽ không được thực hiện và cũng không có Hội thánh. Phần lớn những
hình ảnh dùng để diễn tả Hội thánh đều có liên hệ tới Đức Kitô. Không thể nói đến
hiền thê, nếu không có Đức Kitô là phu quân; không thể nói đến đoàn chiên, nếu
không có Đức Kitô là mục tử; không thể nói đến thân mình, nếu không có Đức Kitô
là đầu… Nói cách khác, chỉ nơi Đức Kitô, và qua Hội thánh của Người, ý định cứu
độ của Thiên Chúa mới được thực hiện trọn vẹn.
Tuy
nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng nơi các Giáo phụ có một điểm độc sáng,
là các ngài không coi Hội thánh như chỉ bắt đầu nơi Đức Kitô khi người gọi và
chọn các Tông đồ, nhưng Hội thánh bắt đầu từ muôn thuở khi tạo dựng đất trời. Hội
thánh chính là sự thể hiện lời hứa từ khởi đầu của thời gian cho đến ngày tận
cùng của nhân loại. Thánh Ignatio giải thích Hội thánh như là việc thông ban sự
viên mãn của Chúa Cha, từ ngàn đời, thánh ý của Người đã muốn thế. Và quả thực,
không ai biết được Chúa Cha mà không qua Đức Giêsu, không qua Hội thánh của Người.
Tóm lại, nơi Đức Kitô mầu nhiệm Hội thánh được tỏ bày trọn vẹn, và Hội thánh đó
mang một tên gọi cụ thể: cộng đoàn yêu thương.
3. Hội
thánh : cộng đoàn yêu thương
Sách
Công Vụ Tông Đồ diễn tả Hội thánh như một cộng đoàn yêu thương, gắn bó, chuyên
cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, năng tham dự thánh lễ
và cầu nguyện không ngừng. Đó cũng là một cộng đoàn mọi người để tất cả của cải
làm của chung … (2,42-47). Người ta có thể nhìn vào cộng đoàn Hội thánh và nhận
ra đó là cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn của những người theo đạo yêu nhau.
Tinh thần yêu thương này có gía trị và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và giáo
huấn của các Giáo phụ. Thánh Âutinh trong tác phẩm “ The way of life of the
Catholic Church”, đã vẽ nên bức tranh sống động về Hội thánh như một cộng đoàn
yêu thương.
Theo
thánh Âutinh, đối với người Kitô hữu chúng ta, không có nguyên tắc sống nào
khác hơn là hãy yêu mến Thiên Chúa hết trái tim, hết tâm hồn, hết sức lực ta,
và yêu thương người thân cận như chính mình (Mt 22, 37-39). Cũng chính vì lẽ sống
này, đường lối mục vụ của Hội thánh cũng không gì khác hơn là phục vụ mọi người
trong tinh thần bác ái. Tất cả mọi công việc, mọi mối tương quan phải được xây
dựng trên nền tảng đức ái này. Chẳng vậy, Hội thánh bao gồm đủ mọi thành phần,
có những người thánh thiện và cũng không thiếu những người tội lỗi; nhưng mọi người
đều được tôn trọng, đối xử bình đẳng và được yêu thương như nhau. Đây là một hướng
mục vụ tuyệt vời được xây dựng trên nền tảng Hội thánh là một cộng đoàn yêu
thương.
Mầu nhiệm
Hội thánh thật khôn do khôn thấu. Chính nhờ các Giáo phụ là những người đã sống
vào thời đầu của Hội thánh, nhờ những kinh nghiệm, suy tư và giáo huấn của các
ngài, Hội thánh trải qua mọi thời vẫn được đón nhận và hiểu biết một cách đúng
đắn. Càng sống xa với Hội thánh thời đầu, chúng ta càng có nguy cơ xa cách nguồn
mạch và hiểu lệch lạc về Hội thánh; do vậy, việc tìm về với giáo huấn của các
Giáo phụ là chúng ta đang trên hành trình về nguồn, hành trình này sẽ giúp
chúng ta hiểu biết và yêu mến Hội thánh nhiều hơn.
Hội thánh là một người mẹ mang trong mình vai trò chứng
tá, loan báo cho mọi người về một Thiên Chúa yêu thương và kế hoạch cứu độ của
Người. Trong thế giới hôm nay, Hội thánh đang phải đối diện với bao điều phức tạp,
nhiều bậc thang trong xã hội bị đảo lộn, của cải vật chất đang lấn át đời sống
tinh thần của con người, và hố ngăn cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng
thăm thẳm. Để nên chứng tá, Hội thánh phải xác định lại căn tính, và chọn lựa một
cách thế hiện hữu cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội hôm nay.
I.
Mô hình Hội
thánh trước và sau Vatican II[1]
1.
Trước
Công đồng Vatican II
Nhìn tổng quát, từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, có hai mô
hình phổ biến về Hội thánh, đó là mô hình “Xã hội hoàn hảo” và
mô hình "kim tự tháp”.
Trong bối cảnh chống lại Phong trào Cải cách và sự can thiệp
thái quá của Chính quyền dân sự vào sinh hoạt nội bộ của Hội thánh, một số nhà
thần học Công giáo thường trình bày Hội thánh như một “Xã hội hoàn hảo”, nghĩa
là một tổ chức đích thực, một chủ thể quyền bính, một pháp nhân, có đầy đủ quyền
tự quyết và tự trị như bất cứ vương quốc trần gian hay xã hội dân sự nào khác.
Với lối nhìn này, người ta đề cao yếu tố pháp lý hơn yếu tố bí tích, nhấn mạnh
đến cơ chế hơn chiều kích mầu nhiệm; do vậy, Hội thánh mất dần đi tính thánh
thiêng và chỉ còn trơ ra bộ khung cơ cấu.
Bên cạnh đó, mô hình "kim tự tháp” thì lại triệt để
tôn vinh vị trí của hàng giáo phẩm. Hồng y Noberto Bellarmino đã viết như sau:
“Hội thánh là một cộng đồng các tín hữu, được kết hợp do việc tuyên xưng niềm
tin Kitô giáo, do việc lãnh nhận các bí tích, dưới quyền lãnh đạo của các mục tử
hợp pháp, và, trên hết, của vị Đại diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian,
Đức Giáo chủ Roma”.[2]
Lối nhìn này đề cao quyền tối thượng tuyệt đối của Đức Thánh Cha, và coi đây
như một lợi khí để chống lại phong trào Cải cách và để canh tân Hội thánh.
Một số tác giả không ngần ngại quả quyết rằng Đức Kitô đã
lập Giáo Hội như một xã hội phẩm trật, hoàn thiện và quân chủ. Lá thư của đức
Leô XIII gởi Tổng Giám mục giáo phận Tours, vào năm 1888, là một dẫn chứng điển
hình cho quan niệm thần học này:
Trên thực tế, ta nhận thấy rõ
ràng và thường xuyên rằng trong Hội thánh đương nhiên có hai giai cấp: chủ chăn
và con chiên, nghĩa là những người lãnh đạo và những người thường dân. Giai cấp
thứ nhất có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản và hướng dẫn cách sống cho mọi người, và
đặt ra lề luật. Giai cấp thứ hai phải phục tùng giai cấp thứ nhất: vâng lời họ,
thi hành lệnh và tôn vinh họ.
Và cho đến tận giữa thế kỷ XX, Đức Piô XII vẫn còn diễn tả
mối tương quan giữa giáo sỹ với giáo dân theo cùng một chiều hướng như thế:
Theo ý muốn của Thiên Chúa, các Kitô hữu được chia
làm hai bậc: giáo sĩ và giáo dân. Cũng do ý muốn của Ngài, trong Hội thánh có
hai loại quyền bính: quyền thánh chức và quyền tài phán. Hơn nữa, do kế hoạch của
Thiên Chúa, con người tiến tới thánh chức – nghĩa là được gia nhập vào phẩm trật
giám mục, linh mục và thừa tác viên – do việc chịu chức thánh. Riêng quyền tài
phán, chiếu theo luật Chúa, được trực tiếp trao phó cho Đức Giáo chủ và, cũng
chiếu theo luật đó, cho cả các giám mục nữa, nhưng phải qua trung gian của vị kế
nhiệm thánh Phêrô.
Hệ luận của mô hình Hội thánh như thế, dẫn đến chỗ vai trò
và sứ vụ của người giáo dân hoàn toàn bị quên lãng. Thật vậy, trong đời sống Hội
thánh, người giáo dân được xem như là Kitô hữu hạng hai, chẳng hề có một vai
trò và vị thế nào cả. Về vấn đề này, Hồng y Gasquet kể một giai thọai dí dỏm
nhưng khá day dứt: Ngày kia, vào giai đoạn tiền Công đồng Vatican II, một người
dự tòng hỏi một linh mục Công giáo về vai trò của giáo dân trong lòng Hội
thánh. Vị linh mục điềm nhiên trả lời: Giáo dân có ba vị thế trong Hội thánh:
thứ nhất, quỳ gối trước bàn thờ; thứ hai, ngồi trên ghế; thứ 3, thưa amen sau
các lời nguyện. Và Hồng y hóm hỉnh nói thêm: người ta đã quên mất một vai trò
quan trọng khác: móc ví lấy tiền... để công đức cho nhà thờ !
2. Sau Công đồng Vatican II
Khi triệu tập Công đồng Vatican II, thánh Gioan XXIII muốn
Hội thánh làm một cuộc lột xác, canh tân đích thực để có khả năng loan báo Tin
mừng một cách hữu hiệu cho con người và thời đại hôm nay. Ngài ước mong Công đồng
sẽ khai mở một mùa xuân mới và mời gọi các Kitô hữu sáng suốt đọc ra “những dấu
chỉ thời đại”, dẫu có khó khăn và thách đố, nhưng đó vẫn là những dấu chỉ của
niềm tin và hy vọng.
Trong bài diễn văn bế mạc khoá I của Công đồng, số 22, Đức
Gioan XXIII diễn tả :
Công đồng sẽ đích thực là
‘lễ Hiện Xuống mới’, làm cho Hội thánh được triển nở trong nguồn năng lực nội tại
và mở rộng ra tất cả mọi lĩnh vực của hoạt động nhân loại. Sẽ là một bước nhảy
vọt của triều đại Đức Kitô trong thế giới, một tái xác quyết (...) có tính thuyết
phục hơn Tin mừng cứu độ, sự loan báo rạng ngời về quyền tối thượng của Thiên
Chúa, về tình huynh đệ nhân loại trong bác ái, về hứa hẹn hoà bình dưới trần thế
cho những người thiện tâm.
Khát mong là thế, tuy nhiên, lược đồ đầu tiên của “Hiến chế
tín lý về Hội thánh”, do tiểu ban chuẩn bị Công đồng soạn thảo, lại chẳng phản ảnh
được thao thức, ước vọng và hướng đi mà đức Gioan XXIII đã vạch ra. Vẫn là bổn
cũ soạn lại, một Hội thánh học theo mô hình cũ kỹ, nhấn mạnh quá đáng đến yếu tố
pháp lý, đầy tính giáo sĩ trị, trong khi đó chiều kích huyền nhiệm và ngôn sứ lại
quá mờ nhạt.
Tạ ơn Chúa, Thánh Thần của Đấng Phục sinh luôn hoạt động,
một lược đồ thứ hai ra đời và đệ trình các nghị phụ vào mùa hè năm 1963. Và cuối
cùng, lược đồ mới của Hiến chế đã phản ánh một quan điểm mới về Hội thánh học,
với nội dung là : I- Mầu nhiệm Hội thánh, II- Dân Thiên Chúa,
III- Hàng Giáo phẩm, IV- Giáo dân, V- Ơn gọi nên thánh, VI- Tu sĩ, VII- Hội
thánh lữ hành, VIII- Đức Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh.
Để hiện diện và loan báo Tin Mừng cho nhân loại, dĩ nhiên Hội thánh cần
những cơ cấu tổ chức hữu hình, nhưng Hội thánh không thể tương đồng với bất cứ
tổ chức xã hội, kinh tế hay chính trị nào khác. Lý do đơn giản là Hội thánh được
hình thành từ ý định muôn đời của Thiên Chúa và được Chúa Thánh Thần đồng sáng
lập với Chúa Kitô.
Do vậy, thay vì những định nghĩa nặng nề tính chất pháp
lý, Công đồng đã trình bày Hội thánh bằng nhiều hình ảnh biểu tượng, hàm chứa
trong Thánh kinh và thánh truyền. Chiều kích mầu nhiệm và vai trò của Chúa
Thánh Linh được đặc biệt đề cao. Do tính độc đáo của nó, quan niệm Hội thánh như Dân Thiên Chúa được đặc
biệt đề cao: Hội thánh là cộng đồng Dân Chúa, bao gồm những người đã gia nhập
vào Thân thể Nhiệm mầu của Đức Kitô qua bí tích Thánh tẩy: “Thực vậy, tất cả những ai tin nơi Đức Kitô đều được tái sinh không phải bởi
mầm có thể huỷ diệt, nhưng do mầm bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống (xc.
1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng do nước và Thánh Thần
(xc. Ga 3,5-6) và trở thành “một giống
nòi được thu phục, mà trước kia chưa phải là một dân, nay là Dân Thiên Chúa”(1Pr
2,9-10).[3]
Tất cả các thành viên của Hội thánh có “chung một phẩm giá vì được tái sinh trong Đức
Kitô, cùng một ân huệ được làm con, một lời mời gọi nên hoàn thiện, một ơn cứu
độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia”. Tất cả đều được tham dự vào chức
vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô. Những khác biệt về thừa tác vụ trong Hội thánh đều
do nhu cầu của cộng đồng Dân Chúa và nhằm mục đích phục vụ cộng đồng mà thôi.
IV. Những suy tư hiện sinh về căn tính của Hội thánh
1. Hội
thánh giàu hay Hội thánh nghèo ?
Tác giả
Jon Sobrino, SJ. Phân tích hai nguyên lý hình thành nên Hội thánh, đó là
“nguyên lý giàu” và “nguyên lý nghèo”. Nếu Hội thánh được hình thành từ nguyên
lý giàu, tự căn bản, Hội thánh đi ngược lại với mầu nhiệm nhập thể của Đức
Giêsu. Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta dung mạo của Đức Giêsu, đầu của Hội
thánh:
Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế (Pl2, 6-7).
Con đường
Đức Giêsu đi là con đường hẹp của Tin mừng, trái với con đường sự dữ khởi đầu bằng
sự giàu sang phú quý. Của cải vất chất dễ làm tha hóa con người, đẩy con người
tới lòng tham vô đáy, tôn sùng của cải như những thần tượng … Chính Đức Giêsu
đã cảnh cáo thái dộ này : “Không ai có thể làm tôi hai chủ được”.
Nếu Hội
thánh được hình thành từ nguyên lý giàu có, thì Hội thánh khó có thể chọn lựa
người nghèo, và như vậy họ sẽ bị loại ra bên lề Hội thánh. Trong khi đó, Kinh
thánh cho thấy người nghèo luôn được Chúa yêu thương : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ
cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ.
Phải, Ta biết các nỗi khổ đau của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người
Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một vùng đất tốt tươi …” (Xh 2, 7-8).
Khi suy
nghĩ về Hội thánh, tôi luôn tự nhủ : Hội thánh của tôi có thực sự là Hội thánh
nghèo khó ? Tinh thần Bát Phúc có thực sự là kim chỉ nam cho Hội thánh tiến bước
hay không ? Và chính bản thân tôi là thành phần của Hội thánh, tôi có thực sự sống
khiêm hạ, nghèo khó, nên chứng tá của Tin mừng ? Nhìn vào đời sống của Hội thánh,
của chính mình, tôi không khỏi bị Tin mừng chất vấn !
2. Căn
tính của Hội thánh
Một
trong những nét đặc trưng của Hội thánh là sự nghèo khó. Con đường của Đức
Giêsu khởi sự là con đường nghèo khó : sinh ra trong cảnh nghèo (Lc 2, 1-20), lớn
lên trong cảnh nghèo, rao giảng về sự khó nghèo (Mt 5,3), giao du với những người
bị khinh dể (Mt 9) …, và chết trần trụi không một tấm áo che thân. Chính Đức
Giêsu ấy đã thiết lập Hội thánh và Hội thánh của Người phải là Hội thánh khiêm
hạ, yêu thương và phục vụ. Hội thánh đó phải là một dân mới của Thiên Chúa, là sự tiếp nối của một dân toàn những
người nghèo của Giavê (Dnl 7,6-11).
Trong một
xã hội đầy những người nghèo khổ, sự hiện diện khiêm hạ của Hội thánh như một sự
đồng cảm, như lời chứng cho một Thiên Chúa
luôn gần gũi, chia sẻ trọn vẹn kiếp người. Trong nghèo khó, mầu nhiệm Nhập thể
của Đức Giêsu được biểu tỏ. Trong nghèo khó mọi sự dối trá đều bị vạch trần, sự
thật được phơi bày dưới ánh sáng. Đó là sự thật một Đức Giêsu, một Hội thánh bị
bách hại; lời đức tổng giám mục Romeo, một người đã chịu bách hại, đã trở nên
nghèo khó đến tận cùng, như một thứ ánh sáng soi dọi cho chúng ta : “Anh em quý mến, tôi
vui mừng khi Hội thánh bị bách hại. Điều ấy cho thấy Hội thánh đã thực sự nhập
thể trong sự nghèo hèn”.
Như vậy,
nghèo hèn đồng nghĩa với sự bách hại; nghèo hèn là chứng tá, là nét nổi bật Hội
thánh phải thể hiện. Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu được Hội thánh, vì
trong thực tế, xét về mặt của cải, có lẽ Hội thánh chưa thực sự là nghèo khó !
Dưới cái nhìn của tác giả Jon Sobrino, SJ, nghèo khó còn được mở ra với một
nhãn quan mới :
3. Hội thánh nghèo là Hội thánh giàu lòng trắc ẩn
Từ khởi
đầu đã có lòng trắc ẩn, và đây là nguyên
lý chi phối cả lịch sử cứu độ của con người. Thiên Chúa cứu con người là do
lòng trắc ẩn của Ngài, và lòng trắc ẩn được thể hiện qua hành động yêu thương của
Thiên Chúa. Những biến cố Thiên Chúa can thiệp và cứu dân trong Cựu ước là một
bằng chứng hùng hồn cho lòng trắc ẩn của Ngài.
Trong Tân ước, Đức Giêsu
còn diễn tả lòng trắc ẩn đậm nét qua dung mạo của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu
lòng xót thương. Tình thương của Chúa Cha được thể hiện cụ thể qua con người của
Đức Giêsu : một người Samaritanô nhân hậu chăm sóc vết thương cho người bị nạn,
một mục tử tốt lành bỏ 99 con chiên nơi đồng vắng để đi tìm con chiên lạc, một
người cha sẵn sàng ra nghênh đón đứa con hoang đàng trở về, và là một Thiên
Chúa sẵn sàng mang thân phận tội nhân chết tất tưởi trên thập giá. Tất cả những
việc làm này của Đức Giêsu đơn giản chỉ là vì yêu thương, là thể hiện lòng trắc
ẩn của Người.
Hội
thánh cũng được mời gọi cùng thi thố một lòng trắc ẩn như thế. Lòng trắc ẩn
chính là nguyên lý và cũng là cùng đích để Hội thánh hướng tới. Thể hiện lòng
trắc ẩn là Hội thánh sống nghèo, chống lại sự giàu sang phú quý; lòng trắc ẩn
giúp Hội thánh đón nhận sự bách hại và chống lại những vinh quang hão huyền của
trần gian; lòng trắc ẩn giúp Hội thánh biết thực sự sống khiêm tốn, thay vì một
thái độ tự mãn, kiêu ngạo; và cuối cùng lòng trắc ẩn sẽ đưa Hội thánh đến mọi nhân
đức.
Tóm lại,
lòng trắc ẩn chính là điểm hội tụ của Tin mừng, Tin mừng đó không chỉ trình bày
một sự thật cứu độ, nhưng còn loan báo tình thương và niềm vui. Lòng trắc ẩn phải
là tên gọi mới của Hội thánh: Hội thánh nghèo chính là Hội thánh giàu lòng trắc
ẩn; và Hội thánh giàu lòng trắc ẩn là Hội thánh nghèo khó đích thực.
4. Suy nghĩ về bốn đặc tính của Hội thánh:
Duy nhất, thánh thiên, công giáo và tông truyền
Khi bàn
về Hội thánh, người ta thường nhìn Hội thánh dưới góc độ cơ cấu, phẩm trật,
và do vậy không ít người ác cảm với chính Hội thánh của mình. Hội thánh là ai
đó chứ không phải là tôi.
Thực ra
Hội thánh không phải chỉ là cơ cấu, nhưng trước tiên Hội thánh là “Mẹ chúng ta”
(Gl 4,26), là “Hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tỳ ố” (Kh 19,7; 22,17), là “Nhà Thiên Chúa” (1Tm 3,15), là “Thành Giêrusalem trên trời” (Kh 12,17) … Hơn nữa Giáo lý
Hội thánh Công giáo còn dạy rằng: “Hội thánh là một
với Đức Kitô” (số 795).
Chúng
ta được mời gọi tham dự làm nên Hội thánh và là chính Hội thánh. Trong lòng Hội
thánh, tôi muốn nhìn Hội thánh như một người Mẹ. Mẹ đã sinh ra tôi, nuôi dưỡng
tôi. Dù Mẹ có già nua, có xấu xí, thì đó vẫn là mẹ tôi, đáng để tôi yêu quý và
trân trọng. Nếu trên mặt Mẹ có những vết nhăn, những tỳ ố, thì tôi phải có trách
nhiệm làm cho khuân mặt Mẹ rạng rỡ hơn.
Bản chất
của Hội thánh là duy nhất (GLHTCG số 813). Hội thánh là dấu chỉ sự hiệp nhất của
nhân loại, là nơi thể hiện sự khát vọng của Đức Giêsu : “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con, và như Con ở trong
Cha”.
Và cũng
tự bản chất, Hội thánh là thánh thiện, vì Hội thánh được phát sinh và nuôi dưỡng
từ chính sự sống của Đức Giêsu; Hội thánh được trang điểm bằng một sự thánh thiện
đích thực, tuy chưa hoàn hảo (GLHTCG số 825).
Hội thánh là Công giáo vì được Đức Kitô sai đến với toàn thể
nhân loại (GLHTCG số 831). Nếu ngày lễ Ngũ Tuần là sinh nhật của Hội thánh, thì
Hội thánh ấy còn trải dài cho tới ngày Chúa quang lâm.
Hiến chế
về Hội thánh Lumen Gientium số 13 quảng
diễn : “Mọi người được mời gọi gia nhập Dân Thiên Chúa. Vì thế, dân mới này, một
dân hiệp nhất và duy nhất có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi
thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của thánh ý Thiên Chúa”.
Cuối
cùng, Hội thánh là tông truyền, vì Hội thánh được xây dựng trên nền tảng các Tông
đồ, được Chúa Thánh Thần trợ giúp và gìn giữ kho tàng các tông đồ truyền lại,
được chính cách tông đồ giảng dạy và thánh hóa qua các vị kế nhiệm các ngài
trong nhiệm vụ mục tử (GLHTCG số 857).
Như vậy Hội thánh được tuyên xưng với bốn đặc tính : duy
nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đó là bản chất của Hội thánh, bản
chất của Mẹ chúng ta. Tuyên xưng như thế để chúng ta can đảm đón nhận những sự
thật chưa hoàn hảo của Hội thánh. Hội thánh vẫn còn mang thân phận lữ hành, còn
cần được thanh luyện. Hội thánh ôm ấp trong lòng cả những con người tội lỗi; và
chính tội lỗi đã gây chia rẽ, đã làm cho sự hiệp nhất của Hội thánh bị tổn
thương, làm cho Hội thánh không hoàn toàn thánh thiện. Tuy nhiên, chúng ta
không bao giờ được quyền thất vọng, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong
lòng Hội thánh, trong lòng mỗi người chúng ta.
Hội thánh vẫn trải dài trong thời gian, và không một thời
điểm nào Hội thánh không bị thử thách. Hội thánh còn phải chiến đấu mỗi ngày,
phải nỗ lực mỗi ngày để thi hành sứ mạng của mình. Hội thánh không ngừng phải
trở nên Bí tích của sự hiệp nhất, vì mục đích đầu tiên của Hội thánh là trở
thành Bí tích của sự kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa (GLHTCG số
775). Hội thánh không ngừng phải trở nên thánh thiện mỗi ngày, nhờ biết canh
thân và hoán cải nội tâm, để Hội thánh trở thành công cụ hữu hiệu đem ơn cứu độ
cho toàn thể nhân loại. Một khi sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp nhất và thánh thiện,
Hội thánh trờ thành ánh sáng soi chiếu mọi người và đặc tính công giáo được hiển
tỏ. Và chính lúc này, giáo lý của các tông đồ cũng được sống động trong lòng Hội
thánh và sinh nhiều hoa thơm trái tốt.
Cuối
cùng, chúng ta nhìn về Hội thánh qua gương mẫu Trinh Nữ Maria. Mẹ chính là
thành phần ưu tuyển, là mẹ Hội thánh và là chính Hội thánh nữa. Mẹ đã trở nên
thánh thiện tuyệt với, không tỳ ố, không nếp nhăn, hoàn toàn chiến thắng mọi tội
lỗi. Đó chính là niềm hy vọng, là đích điểm Hội thánh luôn hướng tới.
5. Đức Maria,
mẫu gương của Hội thánh và là mẹ Hội thánh
Đức
Maria, thân mẫu của Đức Giêsu, đã sinh hạ Đức Giêsu cho trần gian bằng việc
“Xin vâng” để Thánh Thần Chúa hoạt động trong Mẹ. Mẹ có một vị trí đặc biệt
trong đời sống người Kitô hữu và là gương mẫu của Hội thánh.
Đức
Maria là Đấng “đầy ân sủng”. Mẹ đã hoàn toàn mở lòng cho Thánh thần hoạt động.
Mặc dù Mẹ không thể hiểu hết được Thiên Chúa hoạt động nơi Mẹ thế nào, nhưng Mẹ
đã sẵn sàng xin vâng và cưu mang con Thiên Chúa cho thế giới. Như vậy, Mẹ trở
nên gương mẫu để Hội thánh cũng biết mở rộng lòng khiêm tốn để Thiên Chúa hoạt
động, chữa lành, yêu thương và ban tặng Chúa Giêsu cho thế giới.
Qua Đức
Maria, nhân tính và Thiên tính được kết hợp trong Đức Giêsu. Trong Hội thánh,
nhân tính và Thiên Tính cũng được kết hợp khi các phần tử nỗlực trở nên giống Đức
Kitô, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Là mẹ của Đức Giêsu, nên Đức Maria cũng
là mẹ của Hội thánh nữa.
Truyền
thống Công Giáo xác tín rằng vì vai trò duy nhất của Đức Maria giữa lòng nhân
loại, nên sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Mẹ được kết hợp với Thiên Chúa một
cách trọn vẹn, không phải chịu cảnh thối nát của thân xác. Hội thánh ban bố tín
điều Đức Mẹ hồn xác về trời. Bằng cách thức hoàn toàn khác biệt với mọi người,
Đức Maria được chia sẻ trọn vẹn vinh quang Phục Sinh của Đức Giêsu. Mẹ cho
chúng ta niềm hy vọng rằng, một ngày kia, chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang
Phục Sinh ấy.
KẾT LUẬN
Để kết thúc những dòng suy tư này, một lần nữa chúng ta
chiêm ngắm Hội thánh trong tư cách là Mẹ, một người Mẹ đầy yêu thương lân tuất.
Lời của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu như một xác tín về tình yêu tuyệt vời
trong Hội thánh:
Hội thánh có một trái tim và trái tim ấy cháy lửa yêu mến.
Tôi hiểu rằng chỉ có tình thương khiến các chi thể hoạt động, và nếu thiếu tình
thương, các tông đồ sẽ không loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ không chịu
đổ máu mình nữa. Tôi hiểu rằng tình thương cưu mang tất cả ơn gọi, tình thương
là tất cả, tình thương bao trùm mọi thời đại và mọi nơi chốn … Tóm lại, tình
thương là vĩnh cửu.
Đăng nhận xét