Giáo Hội Sơ Khai, Mẫu gương Cho Việc Truyền Giáo Hiện Nay

Truyền giáo là công việc cấp bách của Giáo hội 
trong mọi nơi mọi thời, vì đó là lệnh truyền mà
Giáo hội đã nhận từ Đấng Phục sinh trước khi Ngài về trời:
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
Giuse Bùi Văn Đình, Tu Đoàn TSTM
DẪN NHẬP
Có thể nói, truyền giáo là một trong những sứ mạng quan trọng nhất của Giáo hội, đây là sứ mạng mà Giáo hội đã nhận từ Đức Giêsu để rồi rao truyền cho tất cả mọi người. Giáo hội được sinh bởi cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, bổn phận của Giáo hội là nói cho thế giới biết tình yêu của Thiên Chúa. Như Công đồng Vatican II còn khẳng định: “tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi”[1]. Có nghĩa là, tự bản tính Giáo hội phải truyền giáo. Vì thế, truyền giáo là trách nhiệm hàng đầu của mọi Kitô hữu. Vì vậy, Giáo hội cũng cần làm sao cho mỗi Kitô biết trách nhiệm và giá trị của mình, để làm cho người họ gặp gỡ nhận biết Thiên Chúa.
Việc truyền giáo là công việc cấp bách của Giáo hội trong mọi nơi mọi thời, vì đó là lệnh truyền mà Giáo hội đã nhận từ Đấng Phục sinh trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Các Tông đồ và các tín hữu thời sơ khai luôn trung thành và hăng say thi hành mệnh lệnh của Đức Giêsu. Vì thế, tinh thần truyền của Giáo hội sơ khai luôn là một mẫu gương cho Giáo hội ở mọi nơi, mọi thời.
Để nói lên tinh thần truyền giáo của Giáo hội Sơ khai, người viết xin được trình bày đề tài này qua ba phần chính:
Phần thứ nhất, nói về tinh thần truyền giáo của Đức Giêsu Kitô, Ngài là vị thừa sai đầu tiên, là Đấng được chúa Cha sai đến để mạc khải cho con người biết tình yêu của Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài. Ngài cũng chính là Tin Mừng cho muôn dân, Ngài nói lên tiếng nói và làm chứng cho chân lý và Tin Mừng, Ngài đã thiết lập cộng đoàn để rồi huấn luyện họ. Ngài chấp nhận chết để làm chứng cho sự thật, và trước khi về trời Ngài đã sai môn đồ đi tiếp tục công việc của Ngài.
Phần thứ hai nói về tinh thần truyền giáo của Giáo hội sơ khai qua đặc tính hiệp thông. Trong đó, sự hiệp thông cầu nguyện là yếu tố hàng đầu của việc truyền giáo, vì các Kitô hữu Sơ khai luôn ý thức được sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong cuộc đời họ. Tiếp đến là việc hiệp thông bẻ bánh, họ cùng hiệp thông trong Chúa, cùng nhau sống lý tưởng của Đức Giêsu để làm cho muôn dân nhận biết Chúa. Việc hiệp thông chia sẻ còn trở nên trọn vẹn nơi Giáo hội Sơ khai khi họ để mọi sự làm của chung.
Phần thứ ba là đời sống chứng tá của cộng đoàn sơ khai. Họ sống chứng tá qua tinh thần phục vụ, đó là dấu chỉ cho thấy họ thuộc về Đức Giêsu và làm cho dân ngoại nhận ra Đức Kitô nơi chính cộng đoàn của mình. Họ luôn hăng say rao giảng để làm chứng cho Tin Mừng, nhất là sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho Tin Mừng.
I.       ĐỨC GIÊSU KITÔ, VỊ THỪA SAI ĐẦU TIÊN
Dựa vào các sách Tin Mừng, chúng ta biết được rằng: Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến, vì vậy Ngài chính là vị thừa sai đầu tiên và là nguồn gốc của sứ vụ truyền giáo. Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã nhiệt thành với sứ vụ mà ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha để làm chứng cho chân lý, và Ngài đã làm chứng cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng trên thập giá. Cái chết của Ngài chính là một bằng chứng nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Và để tiếp tục ban ơn cứu độ, Ngài đã chọn một số người mà Ngài gọi là môn đệ, để huấn luyện, rồi sai họ đi truyền giáo.
1.   Đức Giêsu, vị Thừa Sai của Chúa Cha
Tác giả thư Hípri xác định: “Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến, chứ không phải Ngài tự ý đến” (x. Hr 5, 5), chính Chúa Cha cũng đã từng hai lần giới thiệu Đức Giêsu là con của Ngài: lần thứ nhất trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan (x. Mt 3,17); lần thứ hai trong biến cố biến hình (x. Mt 17, 5).
Đức Giêsu đến trần gian mạc khải cho con người biết tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, và Ngài mời gọi họ hãy đón nhận tình yêu đó để được sống trong tình yêu và hành phúc nơi Thiên Chúa. Như lời thánh Gioan nói: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Chính Ngài là lời mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa[2]. Ngài không chỉ là người mang Tin Mừng đến, mà chính Ngài còn là Tin Mừng, vì Ngài là vị “thừa sai” của Chúa Cha, là ánh sáng cho mọi người thế gian (x. Ga 1,9). Việc Chúa Cha sai Đức Giêsu đến trần gian được thực hiện bằng cách cho Đức Giêsu nhập thể trong lòng trinh nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35). Ngài được sinh ra trong nước Dothái, chịu nhiều ảnh hưởng của dân tộc này. Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu hầu như chỉ đi rao giảng Tin Mừng trong vùng Palestine, vì họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn dân để loan truyền những kỳ công của Chúa, họ đã được chuẩn bị tư tưởng và tinh thần để đón nhận Đấng Mêsia.
Tuy nhiên, Tin Mừng của Ngài không chỉ dành riêng cho dân Dothái, mà là Tin  Mừng cho muôn dân, cho tất cả thế giới loài người. Như lời các thiên thần nói với các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2, 10); lời này cho thấy tính phổ quát của ơn cứu độ. Toàn bộ đời sống của Đức Giêsu nhằm cho thấy tình yêu và sự tha thứ mà Thiên Chúa Cha dành cho con người, vì Đức Kitô từng tuyên bố: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9), Ngài là Lời cuối cùng của Chúa Cha, chính Ngài cho biết cụ thể về Chúa Cha, vì không ai có thể đến được với Cha mà không qua Ngài (x. Ga 14, 6). Đức Giêsu làm chứng về những gì Ngài đã thấy, đã nghe từ Chúa Cha (x. Ga 3, 32), chính những công việc của Ngài và những dấu chỉ kèm theo đã làm chứng rằng: Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến (x. Ga 5, 36; 10, 25).
Mục đích của việc Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian được thánh Gioan xác định là để thế gian nhờ Người mà được cứu độ (x. Ga 3,17). Ơn cứu độ mà Ngài ban cho con người bao gồm những khía cạnh khác nhau trong sứ vụ của Ngài; từ mầu nhiệm nhập thể, đến cái chết để làm chứng cho Tin Mừng. Sứ vụ của Ngài là quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (x. Ga 11, 52), vì Ngài được sai đến cốt để làm việc đó (x. Lc 4, 43). Việc Đức Giêsu thực hiện sứ vụ Chúa Cha trao phó đã được ngôn sứ Isaia tiên báo: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61, 1; Lc 4, 18). Vì thế, Đức Giêsu đã không ngần ngài đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 9, 35). Ngài gần gũi với những người nghèo khó, bệnh tật và những người bị xã hội coi khinh. Không những thế, Ngài còn tuyên bố họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc, Ngài giảng dạy một cách đơn sơ và thường dùng những hình ảnh thực tế hàng ngày để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa.[3] Qua những gì Đức Giêsu nói và làm, cho thấy Ngài là hiện thân của Chúa Cha, là cánh tay ôm ấp của Thiên Chúa đang quy tụ mọi người thành một gia đình yêu thương.
2.      Đức Giêsu hy sinh tính mạng để làm chứng cho Tin Mừng
Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu luôn ý thức mình là Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian để làm chứng cho Tin Mừng. Những cử chỉ và lời nói của Đức Giêsu là những mạc khải về Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và nhân hậu: việc Ngài không kết án người phụ nữ ngoại tình là một trong những minh chứng rõ nhất (x. Ga 8,11). Qua các dấu lạ, Đức Giêsu đã bộc lộ quyền năng của Ngài trên tội lỗi, bệnh tật và cả ma quỷ (x. Mt 8, 28- 34; Mc 5, 1-20; Lc 8, 26-39). Chính vì thế, Ngài không ngừng ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Nội dung của lời rao giảng là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng; hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến (x. Mc 1, 14-17). Chủ đề sám hối rất quan trọng trong cho việc đón nhận Tin Mừng, vì Tin Mừng không thể đến được với những tâm hồn không sẵn sàng đón nhận. Còn ai tin vào Tin Mừng chính là tin vào Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, Đấng lấy việc rao giảng làm lẽ sống. Tuy nhiên Đức Giêsu đã không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về Nước Trời, mà chỉ vén mở mầu nhiệm Nước Trời qua một vài dụ ngôn và quả quyết rằng Nước Trời đã đến gần.[4]
Vương Quốc mà Đức Giêsu rao giảng khác với vương quốc mà dân Israel mong đợi. Bởi vì đa số người Dothái trong thời Chúa Giêsu rao giảng, không còn có quan niệm về một vương quốc của Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã loan báo, mà họ mong đợi một Đấng Mêsia theo nghĩa trần tục, một anh hùng đến cứu dân Israel thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma để lập ra vương quốc Israel hùng mạnh như đã từng xảy ra trong lịch sử thời Đavít và Salômôn.
Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu bị rất nhiều người chống đối. Lúc thì bị các luật sĩ và kinh sư và người Pharisiêu chống đối (x. Mc 2, 16; 7, 5), lúc thì bị nhóm Pharisiêu và phe Hêrôđê tìm cách hãm hại (x. Mc 3, 6). Tuy nhiên Đức Giêsu không hề nao núng, trái lại Ngài không ngừng làm chứng về sự thật, về Tin Mừng, nói lên tiếng nói để bênh vực kẻ thấp cổ bé họng và giới phụ nữ. Không những thế, Đức Giêsu còn mạnh mẽ lên án vạch trần bộ mặt giả hình của các kinh sư và người Pharisiêu (x. Mt 23, 1-7). Ngoài ra, Đức Giêsu còn có những hành động và cử chỉ dường như đi ngược lại với luật ngày Sabát (x. Lc 6, 6-11; 14, 1-6), Ngài không ngần ngại tiếp xúc với người thu thuế và tội lỗi (x. Lc 5, 29-32), nhằm cho thấy tình yêu của Thiên Chúa vượt qua mọi hình thức của lề luật. Qua đó, Ngài cho thấy tôn giáo đích thực không hệ tại ở những nghi thức và tính chất truyền thống, mà là thể hiện sự công bình, lòng nhân từ và thương xót đối với tha nhân. Tuy nhiên, Ngài lại bị một số những người biệt phái và kinh sư coi là người làm nhơ nhuốc tôn giáo tinh tuyền vì ngài dám tiếp xúc với người Samari, với những người bị coi là tội lỗi, là không biết lề luật.[5]
Những lời nói và việc làm của Đức Giêsu làm chướng tai gai mắt các biệt phái, luật sĩ, và thượng tế. Và họ tìm cách giết Ngài, vì họ cho rằng Ngài là một tên phạm thượng, dám tự xưmg mình là Con Thiên Chúa (x. Lc 22, 70), nhưng họ không có thẩm quyền giết Ngài, nên đã nại đến thẩm quyền Rôma. Họ vu cáo Đức Giêsu trước mặt tổng trấn Philatô về tội chính trị là: xách động dân chúng, ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Rôma và dám tự xưng mình là vua (x. Lc 23, 2). Ngài đã bị kết án, và chết trên thập giá, một cái chết ô nhục đối với người Dothái, nhưng đó lại là cái chết tự nguyện của Đức Giêsu, là một bằng chứng về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Cái chết ấy có giá trị cứu chuộc con người, đưa con người trở về với Thiên Chúa, về với tình trạng ban đầu khi con người mới được dựng nên, vì Ngài là Con Thiên Chúa, là vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Nói như nhà thần học Karl Rahner “Ngài làm người để con người làm chúa và Ngài chết để con người được sống”. Ngài đón nhận sự đau khổ và cái chết để cứu con người, cái chết của Ngài không phải là hết, mà là một cuộc Vượt Qua để đi vào cõi sống vĩnh hằng. Sau ba ngày chôn trong lòng đất, Ngài đã Phục sinh vinh hiển. Chính sự Phục sinh này đã trở thành Tin Mừng vĩ đại, để rồi tất cả những ai tin và sống theo lời dạy của Tin Mừng này đều được sống đời đời.
3.  Đức Giêsu thành lập nhóm môn đệ và sai họ đi truyền giáo
Đức Giêsu Kitô là Đấng được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng Nước Trời, nhằm mang ơn cứu độ cho muôn dân. Nhưng để Tin Mừng này được loan đi khắp cùng trái đất, Ngài đã gọi và chọn một số người mà Ngài gọi là môn đệ, trong đó Ngài đã chọn riêng nhóm “Mười Hai” để Ngài huấn luyện và sai họ ra đi loan báo Tin Mừng, các ông được gọi là “Tông đồ”. Từ này phát xuất từ Hylạp là “apóstolos” hoặc từ “missonnarius” trong tiếng Latin có nghĩa là: “người được sai đi”, vì thế toàn bộ sứ vụ của Giáo hội được tóm gọn ở trong việc được sai đi và không ngừng được sai đi.[6] Trong Tân ước thánh Luca còn cho thấy từ Tông đồ có nghĩa là “chứng nhân”, còn thánh Phaolô thì quan niệm Tông đồ là “Thừa sai”.[7]
Trước khi sai các Tông đồ đi, Đức Giêsu đã trực tiếp huấn luyện để các ông trở thành những nhà truyền giáo thực thụ. Nhóm “Mười hai” luôn sống cận kề bên Ngài, họ được chứng kiến những dấu lạ, những lời nói uy quyền của Ngài trên sóng gió, ma quỷ và bệnh tật (x. Mc 1, 21-45). Họ được Ngài chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về hành trình truyền giáo, và được Ngài sai đi thực tập truyền giáo (x. Mt 10, 1-16; Lc 9,1-6). Sứ điệp mà Đức Giêsu và các Tông đồ rao giảng là: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17), sứ điệp đó là một tin vui cho nhân loại, là Tin Mừng cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu, là sự bình an cho nhân loại. Chính Đức Giêsu đã căn dặn các Tông đồ rằng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói; Bình an cho nhà này” (Lc 10, 5). Tuy nhiên, Đức Giêsu biết trước rằng; trong hành trình truyền giáo, các ông cũng sẽ gặp không ít phiền toái, những thử thách và những chống đối, nên đã căn dặn: “Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Ngoài ra Đức Giêsu cũng ban cho các Tông đồ quyền trên các thần ô uế và bệnh tật, vì vậy các ông rất hớn hở về điều này, nhưng Ngài cho các ông thấy niềm vui lớn lao hơn là: tên của họ được ghi ở trên trời (x. Lc 10, 20).
Khi Đức Giêsu sai các Tông đồ ra đi truyền giáo, Ngài cũng ban Chúa Thánh Thần cho họ, vì chính Chúa Thánh Thần là hồn sống của việc truyền giáo.[8] Ngài làm cho Giáo hội được tăng trưởng (x. Ga 15, 26-27; 16, 6, 14), biến cố ngày lễ Ngũ Tuần đã cho thấy điều đó (x. Cv 2). Và khi trao phó cho họ sứ vụ truyền giáo, Đức Giêsu cũng ban cho họ được tham dự quyền bính của Ngài: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10, 16). Vai trò của các Tông đồ là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, cùng với đó là vai trò thánh hóa và điều khiển cộng đoàn nhân danh Chúa Ba Ngôi và cho họ thấy Chúa luôn đồng hành và dẫn dắt họ (x. Mt 28, 16-20; Mc 16, 15; Ga 20, 21-23). Như thế sứ mệnh truyền giáo bắt nguồn từ tình yêu muôn thuở của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần theo dự tính của Chúa Cha.[9]
Vì thế, mục đích tối hậu của việc truyền giáo không gì khác ngoài việc làm cho mọi người được dự phần vào sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Một điều cần thiết đối với hành trình truyền giáo là phải biết sống thanh thoát, vì Đức Giêsu đã từng dạy các Tông đồ: khi đi truyền giáo, họ không được mang theo bao bị, tiền bạc (x. Mc 6, 8). Điều này cho thấy việc khẩn cấp của việc truyền giáo, và nói lên tinh thần phó thác của người Tông đồ vào Thiên Chúa trong khi thi hành  sứ vụ này, để họ không bám cấp vào của cải trần thế, đây cũng chính là tinh thần của Đức Giêsu, Ngài đến trần gian trong thân phận của một người nghèo, Ngài phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha khi nói: “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tự đầu” (Mt 8,20; Lc 9,58).
Trong hành trình truyền giáo, Đức Giêsu sai các Tông đồ đến với dân Israel trước (x. Mt 10, 5-6). Có thể nói, đây cũng là tiến trình mạc khải về Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn bộc lộ dần dần, vì những ý tưởng về Tin Mừng xem ra còn xa lạ với những người dân ngoại. Hơn nữa, ơn cứu độ cần phải bắt đầu từ dân Israel, một dân được Chúa chọn. Để từ đó, ơn cứu độ sẽ được chuyển dần đến các dân tộc khác (x. Rm 1, 16). Vì chỉ sau khi sống lại, Ngài mới truyền cho các Tông đồ: anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (x. Mc 16, 15; Mt 28, 18-20). Vì thế lúc đầu các Tông đồ chỉ rao giảng trong môi trường Dothái, nhưng trớ trêu thay, phần đông dân Dothái không chịu đón nhận mà còn bách hại các ngài. Và khi bị bách hại, cộng đồng Giêrusalem đã  buộc phải tản mác ra ngoài (x. Cv 8). Sau đó, Tin Mừng đã được lan rộng đến đảo Síp và Antiôkia (x. Cv 11, 12-19). Và Antiôkia đã trở thành trung tâm truyền giáo đầu tiên, từ đó Tin Mừng được lan truyền sang Âu châu và Aicập.[10]
Lời rao giảng của các Tông đồ chủ yếu tập trung vào Đức Giêsu và Nước Thiên Chúa. Ở xứ Samari, ông Philípphê loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và danh Đức Giêsu Kitô (x. Cv 8, 12). Ở Rôma, thánh Phaolô rao giảng Nước Thiên Chúa và giảng dạy những điều liên quan tới Đức Giêsu Kitô (x. Cv 28, 31); cả các Kitô hữu đầu tiên cũng rao giảng về Nước Thiên Chúa (x. Ep 5, 5).[11] Đối tượng của lời rao giảng là làm chứng rằng Đức Giêsu đã sống lại (x. Cv 2, 24; 3, 15; 4, 10), các ông đã thực sự cam kết với lời chứng đó, vì họ đã thực sự sống, chứng kiến và cảm nghiệm về Đức Giêsu. Thánh Phaolô cho thấy, làm chứng về Đức Giêsu Phục sinh là một trong những điều kiện để làm Tông đồ.[12]
Tuy nhiên, sứ mạng truyền giáo không chỉ là loan báo Tin Mừng, nhưng còn bao gồm việc thánh hóa và cử hành các bí tích, dạy người ta tuân giữ điều Chúa dạy (x. Mt 28, 18-20). Và phép rửa cũng được khai nguồn từ Đức Kitô (x. Mt 28, 18). Thánh Phaolô giải thích, đó là nghi thức biến đổi tội nhân thành con cái Chúa (x. Rm 6, 1-11). Thánh Gioan gọi đó là sự tái sinh bởi nước và Thần Khí (Ga 3, 5), và Đức Giêsu còn trao cho các Tông đồ nhiệm vụ cử hành Thánh thể (x. Lc 22, 19; 1Cr 11, 24), để cung ứng lương thực thiêng liêng cho con người, và Ngài còn ban quyền tha tội cho họ.[13] Đó là những đặc ân mà Đức Giêsu trao phó cho các Tông đồ để các ông tiếp tục thi hành và quản trị Giáo hội trong cuộc lữ hành dương thế này. Đặc biệt, việc truyền giáo được thực hành cách thực tế qua đời sống hiệp thông của các Kitô hữu.
II. GIÁO HỘI SƠ KHAI TRUYỀN GIÁO
     QUA ĐẶC TÍNH HIỆP THÔNG
Biến cố Ngũ Tuần là khởi điểm cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, với ơn sức mạnh mà các Tông đồ nhận được từ Chúa Thánh Thần (Cv 2, 1-13). Các tin hữu Sơ khai chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy. Họ sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Họ đều hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Nhờ đó, Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (x. Cv 2, 42-47). Việc truyền giáo trong Giáo hội Sơ khai được bộc lộc qua đời sống cầu nguyện, hiệp thông bẻ bánh và để mọi sự làm của chung.
1.  Giáo hội Sơ khai hiệp thông cầu nguyện
Việc hiệp thông cầu nguyện là yếu tố cần thiết cho sứ mệnh truyền giáo, vì việc truyền giáo không phải là do sức con người, nhưng là do sự tác động của Thiên Chúa qua sự cộng tác của con người, như lời Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38).
Trong cộng đoàn Giáo hội Sơ khai, tinh thần hiệp thông trong cầu nguyện được bộc lộ khá rõ ràng. Lúc đầu, họ thường cầu nguyện với những nghi thức Dothái giáo, vì hầu hết họ là những tín hữu gốc Dothái. Chính các Tông đồ cũng là những người gốc Dothái, nên những nghi thức phụng vụ thường gắn liền với những nghi thức truyền thống Dothái, và họ còn tuân giữ một số lề luật Dothái như: chịu phép cắt bì, tẩy uế, việc nghỉ ngày Sabát. Đặc biệt họ thường lên đền thờ cầu nguyện (x. Cv 2, 46), Phêrô và Gioan cũng thường lên đền thờ cầu nguyện vào lúc rạng đông và giờ thứ chín (x. Cv 3, 1; 5, 21). Trước mắt dân tộc, họ là những người Dothái mộ đạo và được phúc lành của Thiên Chúa phù hộ, nhưng họ vẫn ý thức về vai trò của chính mình là một cộng đồng riêng biệt được Thiên Chúa chọn giữa muôn dân để làm chứng cho Ngài bằng sự hiệp thông cầu nguyện.[14]
Sự hiệp thông cầu nguyện bắt nguồn từ Đức Giêsu, Ngài là vị Thừa Sai đầu tiên và lý tưởng của người Tông đồ, Ngài thường xuyên cầu nguyện cùng Chúa Cha, nhất là trong những biến cố trọng đại như: khi chịu phép rửa; khi tuyển chọn các Tông đồ và nhất là cầu nguyện cho các Tông đồ khỏi sa chước cám dỗ (x. Lc 3, 21; 6, 12-13; 22, 32-46), Ngài nhắc môn đệ hãy cầu nguyện với một tâm tình đơn sơ và phó thác; tránh kiểu hình thức và phô trương như những người Pharisiêu và bọn đạo đức giả thường làm. Mà hãy cầu nguyện bằng một kinh nguyện thật đơn sơ nhưng chứa đầy sự hiệp nhất (x. Mt 6, 5-13).
Sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ, các môn đệ, cùng với Đức Maria, một số những người anh em bà con và những người đã từng theo Đức Giêsu khi Ngài rao giảng, thường tụ họp với nhau để cầu nguyện (x. Cv 1, 13-14). Và biến cố Ngũ Tuần đã cho thấy sức mạnh và sự cần thiết của việc cầu nguyện (x. Cv 2, 13-14). Sau biến cố Ngũ Tuần, các Tông đồ đã mạnh dạn nói về Đức Giêsu cho những người Dothái, là những người trước đó đã từng lên án đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá. Chính nhờ hiệu lực của lời cầu nguyện và với ân sủng của Thiên Chúa ban, thánh Phêrô đã mạnh dạn nói cho người Dothái biết Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã tiên báo. Chính nhờ lời giảng của Phêrô và sự tác động của Chúa Thánh Thần mà đã có rất nhiều người tin và chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2, 14-41). Có thể nói, Nước Thiên Chúa được lan rộng là do ân sủng của Chúa, nhưng cũng phải kể đến sự cộng tác bằng lời cầu nguyện, việc rao giảng của các Tông đồ, các môn đệ và các Kitô hữu tiên khởi mà Nước Chúa lan rộng một cách mạnh mẽ, họ được nuôi dưỡng bởi nguồn suối ân sủng của Thiên Chúa thông qua các buổi họ quy tụ lại với nhau, cùng nhau cầu nguyện và dâng lên Thiên Chúa công việc hàng ngày.[15]
Cộng đoàn Giáo hội Sơ khai là một cộng đoàn lý tưởng vì họ biết gắn bó với nhau trong lời cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện, họ xin Chúa soi sáng để đón nhận những người lo việc cộng đoàn: “Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đã đặt tay trên các ông” (Cv 6, 6); họ cầu nguyện để nhận ra Chúa chọn ai làm Tông đồ thay thế Giuđa (x. Cv 1, 24). Nhờ việc họ họp nhau cầu nguyện mà Chúa đã xuống ơn, làm cho họ mạnh dạn nói Lời Chúa (x. Cv 4,31); các Tông đồ cũng cầu nguyện và đặt tay trên dân Samari để họ nhận được Thánh Thần (x. Cv 8, 14-17). Có thể nói, tinh thần cầu nguyện của Giáo hội Sơ khai nói lên sự phó thác vào Thiên Chúa, họ ý thức được sự yếu đuối của con người; những khi con người bất lực, chỉ còn cách chạy đến với Chúa: đang khi Phêrô bị giam, Hội thánh không ngừng cầu nguyện cho ông (x. Cv 12, 5). Người Tông đồ không chỉ cầu nguyện để có sức truyền bá Tin Mừng, nhưng còn cầu nguyện khi họ bị giam cầm. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại việc ông Phaolô và Xila cầu nguyện và hát thánh vịnh trong khi bị xiềng xích, gông cùm, khiến nhà tù rung chuyển. Qua sự kiện này, viên cai ngục liền chạy đến với Phaolô và Xila nói: tôi phải làm gì để được ơn cứu độ, Phaolô và Xila cho biết; cần tin vào Đức Giêsu, thì ông và cả nhà được cứu độ, ông này cùng với gia đình đã tin và xin lãnh nhận phép rửa (x. Cv 16, 25-34).
Ngoài ra, việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn Giáo hội Sơ khai còn có mục đích nối kết các thành viên trong cộng đoàn, và giúp họ ý thức đến trách nhiệm mà Đức Kitô đã trao phó là: đem Tin Mừng đến cho muôn dân. Trong khi cầu nguyện, họ ý thức mình thuộc về Đức Kitô, cần đến sự trợ lực của Ngài và của Thánh Thần để có năng lực truyền giáo. Họ cầu nguyện để vượt qua những khó khăn như: xích mích trong nội bộ do việc chuyển nhượng tài sản, phân phát lương thực và cả những khác biệt về quan điểm truyền giáo. Để rồi, cùng với sự nâng đỡ của Thánh Thần, cộng đoàn vẫn tồn tại và phát triển.[16]
Trong bối cảnh bị cấm cách và bắt bớ rất khó khăn trong việc truyền giáo, nhưng Giáo hội không ngừng phát triển, đó là nhờ sự trung thành, nhiệt tâm truyền giáo của các Tông đồ và các tín hữu, nên con số tín hữu không những không bị giảm mà còn tiếp tục gia tăng. Có thể nói, nhờ yếu tố hiệp thông giữa các Tông đồ và các tín hữu nên Giáo hội Sơ khai đã vượt qua mọi biến cố. Ngoài ra, việc cầu nguyện còn là thái độ tự nhiên đi liền với niềm tin[17], họ tôn vinh và tạ ơn Chúa trong tình hiệp thông với nhau, và điều đó còn được thể hiện cách thực tế qua việc cùng nhau bẻ bánh.
2.  Giáo hội Sơ khai hiệp thông bẻ bánh
Việc bẻ bánh gợi lên một ý tưởng đã thoáng thấy trong Thánh Kinh Cựu ước. Việc bẻ bánh đó được đặt trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua của người Dothái, nó nói lên một nghi thức phụng vụ, được cử hành tại mỗi tư gia để tưởng niệm biến cố Thiên Chúa viếng thăm và giải phóng dân Dothái (x. Xh 12).[18] Trong bữa tiệc này, người chủ tọa đọc lời chúc tụng, rồi bẻ bánh, chia cho những người đồng bàn (x. Gr 16, 7; Ac 4, 4).[19] Có thể nói, việc bẻ bánh này mang tính phụng vụ, bởi vì nó thể hiện tình huynh đệ và chia sẻ.
Trong Giáo hội Sơ khai, việc bẻ bánh có một ý nghĩa rất quan trọng trong hành trình sống đạo và cho việc loan báo Tin Mừng. Trước tiên, bữa tiệc này gợi nhớ lại bữa Tiệc Ly mà chính Đức Giêsu và các môn đệ đã cử hành trước khi Ngài chịu khổ hình. Trong bữa tiệc đó, Đức Giêsu đã dạy cho họ nhiều bài học giá trị về tinh thần phục vụ như: khi Ngài rửa chân cho các môn đệ, về đời sống tương quan, về cách thức lãnh đạo cần phải có của người mục tử như: sự đại lượng, bao dung và tinh thần phục vụ (x. Ga 14, 1-20). Vì thế khi các tín hữu thời Giáo hội Sơ khai cử hành nghi thức bẻ bánh, là lúc họ thể hiện sự hiệp thông huynh đệ, ý thức đến việc chia sẻ đời sống tương quan cho nhau trong đời sống hiệp nhất. Như vậy, việc bẻ bánh không chỉ mang ý nghĩa là chia sẻ tình bạn, mà còn có nghĩa là chia sẻ sự sống của Đức Kitô, Ngài muốn cho thấy rằng, trót cả cuộc đời của mình là cuộc trao ban, ngõ hầu mang Nước Thiên Chúa đến cho tha nhân.[20] Chính việc chia sẻ này là một tấm gương sáng chiếu soi nơi những người ngoại giáo để họ nhận biết Thiên Chúa và trở về với Ngài.
Ý thức về tầm quan trọng của việc bẻ bánh như thế, nên các Kitô hữu thời Sơ khai thường cử hành nghi lễ này tại Đền thờ hay tại tư gia mỗi ngày và nhất là vào ngày Chúa Nhật để tưởng niệm việc Chúa Kitô chết và Sống lại, đó cũng chính là điểm khác biệt so với nghi lễ của người Do thái cử hành vào ngày Sabát. Có thể nói, việc cử hành lễ bẻ bánh vào Chúa Nhật có một ý nghĩa rất lớn cho việc truyền bá Tin Mừng, vì những người Dothái nhìn vào sự mới lạ của nghi thức này; một nghi thức cảm thấy rất quen, nhưng cũng có những điểm rất mới lạ. Và nhất là cách những Kitô hữu đối xử với nhau trong và ngoài nghi lễ, từ đó người Dothái càng dễ nhận biết Đức Giêsu Kitô.
Nghi lễ bẻ bánh hiểu theo nghĩa chuyên môn là “cử hành Thánh thể”, nhưng nghi lễ này lại không giới hạn vào một nghi lễ phụng vụ, mà còn được lồng vào khung cảnh của bữa ăn huynh đệ, vừa nuôi dưỡng thân xác, vừa được sống vui vầy bên nhau, và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục sinh.[21] Nghi lễ này nói lên tình hiệp thông trong việc chia sẻ Thánh thể Chúa Kitô, thể hiện sự hiệp thông và chia sẻ niềm tin của Giáo hội Sơ khai, vì chỉ những người tin vào Đức Giêsu mới tham dự nghi lễ này.[22] Nghi thức bẻ bánh như là nguyên nhân và biểu tượng đặc thù của mối hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo hội, nghi thức này nói lên bản sắc cá biệt của các Kitô hữu gốc Do thái sống giữa đồng bào mình hằng lên làm việc tại Giêrusalem (x. Cv 2, 42- 47).
Thánh Phaolô thấy được ý nghĩa thần học của việc bẻ bánh này chính là tham dự vào Thánh thể Đức Kitô, vì khi ta cùng nhau bẻ bánh, là chúng ta dự phần vào thân thể Đức Kitô, và nhờ đó họ trở nên một thân thể trong Đức Kitô (x. 1Cr 10, 16-17). Chính Thánh thể liên kết các tín hữu với Đức Kitô và liên kết họ với nhau để làm gia tăng đức ái trong Giáo hội.[23] Nghi thức bẻ bánh còn gợi lên việc Chúa hiện diện giữa cộng đoàn, đó cũng là dấu chỉ nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục sinh như hai người môn đệ trên đường Emmaus nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh (x. Lc 24, 30- 31). Như vậy, việc tham dự lễ bẻ bánh nói lên tính truyền giáo của Giáo hội Sơ khai, là cách thức họ giới thiệu Đức Giêsu là Thiên Chúa đến trần gian cứu độ con người. Việc bẻ bánh còn là cách thức để họ diễn tả một cộng đoàn tâm đầu ý hợp phụng thờ Thiên Chúa, nhờ đó họ mới có thể sống đúng phẩm giá của những Kitô hữu đích thực. Vì mỗi lần họ cùng nhau tham dự lễ bẻ bánh là họ thể hiện tâm tình hiệp thông với nhau, đó chính là dấu chỉ cho thấy sự hạnh phúc của những người tin vào Chúa, một sự hạnh phúc mà những người dân ngoại không thể có và cũng không thể cảm nghiệm được. Nhờ đó, những người ngoại giáo mới biết Thiên Chúa và đến với Ngài để được cứu độ.
Việc hiệp thông bẻ bánh còn nói lên tính cách phụng vụ và ca tụng Thiên Chúa; nhờ đó Chúa Thánh Thần đến dẫn dắt Giáo hội trên đường truyền giáo, như lời Đức Giêsu nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Như vậy, bánh còn được so sánh với Lời Chúa, bánh biểu tượng Lời của Thiên Chúa mà nhờ đó người ta được sống mỗi ngày[24]. Việc bẻ bánh còn là cách thức diễn tả dấu chỉ việc Lời Chúa luôn ở bên con người, giúp con người thắng mọi âm mưu ma quỷ, giải thoát con người khỏi ách thống trị ma quỷ, khỏi cơn đói khát về mặt thể chất, và nhất là được nuôi dưỡng về mặt thiêng liêng. Qua các phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14, 19-21; Mc 6, 41-44), Đức Giêsu cho thấy việc phân chia của ăn có sức thuyết phục con người đón nhận Tin Mừng. Qua các bằng chứng chia sẻ của ăn cho người khác, cộng đoàn Giáo hội Sơ khai đã thể hiện một tinh thần yêu thương, diễn tả lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với những người nghèo, và tinh thần truyền giáo còn thể hiện một cách rõ nét hơn nữa trong việc để tài sản làm của chung.
3.      Giáo hội Sơ khai hiệp thông chia sẻ
Sách Công vụ Tông Đồ cho thấy, các Kitô hữu Sơ khai đã để mội sự làm của chung, với một tinh thần tự nguyện và rộng rãi. Họ làm như thế vì tình yêu thương người khác; ông Banaba là một trong số đó: “Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông đồ” (Cv 4, 37). Có thể nói, giải thích việc mọi người để mọi sự làm của chung là một điều khó, vì có người cho đây là việc đặt ra một quỹ chung để đài thọ cho những người nghèo, theo tục lệ có sẵn ở cộng đoàn Dothái, và việc phục vụ các quả phụ đã ám chỉ điều này (x. Cv 6, 1). Nhưng xem ra tác giả Công vụ muốn nói về việc để của chung thực sự.[25]
Việc đặt mọi sự làm của chung trong cộng đoàn Giáo hội Sơ khai nói lên tư cách của những cộng đoàn có sự hiện diện của Chúa. Hơn nữa đây cũng chính là cách sống của Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian với một tinh thần siêu thoát, không bám víu vào của cải trần thế, đó là một tinh thần luôn quy hướng về Chúa. Nhờ thế giá và lời giảng dạy của các Tông đồ, cộng đoàn Sơ khai đã đón nhận Lời Chúa một cách mãnh liệt, họ bỏ tất cả để theo Chúa. Họ bán của cải đem đặt dưới chân các Tông đồ làm của chung để các ngài phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu (x. Cv 4, 35, 37).  Qua việc đặt mọi sự làm của chung, chúng ta khám phá ra cộng đoàn Giáo hội Sơ khai là nơi gặp gỡ, yêu thương, cảm thông, tương trợ vật chất cũng như tinh thần giữa người với người (x. Cv 2, 44), ngõ hầu họ thể hiện một bản chất sâu xa về mặt tinh thần của những người con cái Chúa.
Chính lời Đức Giêsu nói với người thanh niên giàu có: “Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21) đã thực sự thấm sâu vào lòng các tín hữu thời Sơ khai. Họ không chỉ hiệp nhất với nhau trong tinh thần mà còn cả trong việc làm cụ thể, họ dám từ bỏ tất cả những gì mình có vì nhu cầu của người khác. Chính những cử chỉ sống tình yêu này nói lên sự khát vọng của con người nhận biết chân lý, và trong chân lý đã giải thoát họ khỏi những sự bám chấp vào của cải trần thế, để thực thi sứ mệnh của Thiên Chúa là biết sống cho người khác và vì người khác. Đó chính là tâm trạng của những con người đang sống trong tình yêu đích thực là trong Đức Giêsu Kitô. Một tình yêu đích thực là cho đi mà không tính toán. Những Kitô hữu Sơ khi đã nghiệm được lời Chúa Giêsu đã dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35).
Tâm tình chia sẻ của cải này nói lên tính cách tâm tình truyền giáo của Giáo hội Sơ khai, chính tình yêu thôi thúc họ giới thiệu Chúa cho người khác để họ cũng được hưởng sự bình an và hạnh phúc với mọi người. Việc đặt mọi sự làm của chung còn nói lên một tinh thần siêu thoát trong đời sống kết hiệp với Chúa, họ không còn bị của cải hay vật chất đời thường chi phối đời sống nữa. Việc phân chia tài sản như thế thể hiện rằng, họ cùng chung một niềm tin và hy vọng.[26] Sự hiệp thông trong tình bác ái chính là tư cách và mẫu gương của người môn đệ Đức Kitô, lan tỏa qua các Kitô hữu, nhờ đó Tin Mừng được loan truyền cách nhanh chóng.
Lối sống của các tín hữu Sơ khai thật là đặc biệt, không một ai coi bất cứ cái gì là của riêng (x. Cv 4, 32). Mặc dù họ vẫn có quyền sở hữu hợp pháp những gì họ có, nhưng họ đặt chúng dưới quyền điều hành của các Tông đồ. Thực ra họ có quyền bán hay không bán, họ cũng có quyền nộp tất cả hay chỉ một phần mà thôi.[27] Việc góp của riêng thành của chung không phải do sự áp đặt, nhưng là do tự nguyện (x. Cv 5, 4). Đó là tinh thần sống tự nguyện thanh thoát vì Tin Mừng. Để từ nay, người Kitô hữu không còn phải lo lắng về vật chất, mà chỉ ý thức đến vai trò của mình là phục vụ mọi người với một tinh thần rộng mở, và điểm nhắm tới là sống hòa thuận yêu thương nhau, thể hiện tình yêu của Thiên Chúa qua tình yêu thương mọi người. Lời Đức Giêsu dạy: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12, 33), đã thực sự thấm nhuần vào đời sống của họ, và họ không còn để lòng mình bán chấp những của cải trần thế, mà chỉ biết sống một đời sống chứng tá trong tinh thần phục vụ và hy sinh vì Tin Mừng.

III.     GIÁO HỘI SƠ KHAI
         TRUYỀN GIÁO BẰNG ĐỜI SỐNG CHỨNG TÁ
Đức Giêsu sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng với một yêu cầu là làm chứng cho Ngài: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Các Tông đồ nhận thấy trong sư điệp đó mang một ý nghĩa sống chứng tá trong hành trình truyền giáo. Việc sống chứng tá được thể hiện qua tinh thần sống phục vụ, một tinh thần nói lên sự quảng đại của những con người được cứu chuộc, và từ đó họ có thể hăng say rao giảng Tin Mừng, và dám dấn thân một cách tích cực trong việc rao giảng Tin Mừng theo gương Đức Kitô.
1.  Giáo hội Sơ khai
    truyền giáo bằng đời sống phục vụ
Sống tinh thần phục vụ là sống tinh thần của Đức Kitô, vì cũng như Ngài đến không phải để cho người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ (x. Mt 20, 20). Mẫu gương Ngài rửa chân cho các Tông đồ trong bữa Tiệc Ly đã nói lên điều đó (x. Ga 13, 3-15). Cộng đoàn Giáo hội Sơ khai luôn ý thức tinh thần này, chính tinh thần phục vụ là một cách thế làm cho mọi người nhận biết đạo Chúa. Có thể nói, đây là một trong những cách thức truyền đạo hiệu quả nhất, dù họ không trực tiếp rao giảng, nhưng cách sống của họ có một sức hút kỳ lạ. Giữa một môi trường tôn giáo và xã hội phức tạp như thế mà họ lại được toàn dân quý mến. Cách sống của họ làm cho người khác phải đặt câu hỏi, và khi tìm được câu trả lời họ cũng muốn trở thành Kitô hữu, thành chứng tá cho Tin Mừng. Nói theo ngôn ngữ thời nay: cộng đoàn tín hữu Sơ khai đã truyền giáo bằng đời sống chứng tá hơn là lời rao giảng. Chính vì vậy, lịch sử đã nhìn nhận rằng: “Hầu hết tân tòng xin gia nhập đạo vì chứng kiến gương bác ái, tình huynh đệ cộng đoàn, hoặc sự can đảm của các tử đạo”.[28]
Trách nhiệm hàng đầu của người Tông đồ là phải dồn tất cả mọi nghị lực và tâm trí để thi hành sứ vụ rao giảng Nước Trời trong tinh thần phục vụ người khác. Lời Đức Giêsu nói với họ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35), luôn là yếu tố hàng đầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tinh thần phục vụ đó nói lên tính cách của người Tông đồ, theo gương Đức Giêsu để phục vụ ngõ hầu đưa nhân loại về với Chúa, tinh thần đó được bộc lộ bằng một tình yêu và lòng vị tha vô vị lợi. Có thể nói, chính tình yêu này là một trong những “tác nhân”, một chất “xúc tác” quan trọng giúp người khác nhận ra “Chân Lý”, khi nhìn vào một con người hăng say phục vụ, người ta dể dàng mến phục, và muốn theo cách sống của người ấy, họ sẽ tìm hiểu lý tưởng sống của người ấy. Tinh thần phục vụ của các tín hữu nơi Giáo hội Sơ khai có sức thuyết phục người ta nhận biết Đạo Chúa Kitô.
Truyền giáo là một sự cao cả, đối điện với sứ vụ này, tất cả mọi giá trị, mọi nhu cầu yêu sách và quyền lợi khác, dù có chính đáng đến đâu cũng vẫn bị coi là thứ yếu. Ngay cả việc chôn cất cha mẹ là nghĩa vụ thiêng liêng của con cái, cũng vẫn bị coi là thứ yếu so với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thánh Luca thuật lại, khi Đức Giêsu kêu gọi anh thanh niên đi theo Ngài, nhưng anh ta xin phép Ngài để về chon cất cha mẹ anh trước đã và Ngài đã không do dự mà nói rằng: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9, 60). Như vậy, việc truyền giáo đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việc truyền giáo này trức hết được thể hiện khi con người biết yêu thương nhau, biết tha thứ và phục vụ lẫn nhau.
Chính Đức Giêsu khi giải thích điều răn trọng nhất cho những người thông luật Ngài cũng chốt lại hai điều căn bản là: mến Chúa yêu người (x. Mt 22, 34-40; Lc 10, 25-28). Tình yêu của Đức Giêsu đối với thế gian được diễn tả cách hoàn hảo trong việc Ngài hiến tặng sự sống của mình cho nhân loại, cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian.[29] Có thể nói, Giáo hội Sơ khai đã phục vụ Nước Thiên Chúa cách hữu hiệu khi kêu gọi con người sám hối để đón nhận chân lý, nói cho họ biết tình yêu của Thiên Chúa.
Tinh thần phục vụ này còn được bộc lộ qua việc thiết lập các cộng đoàn, hướng dẫn các dự tòng để họ có được một đời sống đức tin vững mạnh, biết nâng đỡ những người yếu đuối chưa có đức tin. Sự phục vụ của người môn đệ Chúa như nguồn ánh sáng chân lý đến với muôn dân. Đức Giêsu nói: anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian, và ánh sáng đó phải được chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (x. Mt 5, 13-16). Lời Đức Giêsu đã được bộc lộ một cách rất rõ ràng qua tinh thần phục vụ của các Tông đồ, qua những con người phục vụ hăng say đó người ta nhận ra Thiên Chúa đang hiện hữu trong cộng đoàn. Và khi số tín hữu gia tăng, nhu cầu phục vụ tăng lên, các Tông đồ đã có sáng kiến “lập nhóm Bảy người” (Cv 6) để không làm mất đi tinh thần phục vụ và sự dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.


2.  Giáo hội Sơ khai truyền giáo bằng việc dấn thân
Khởi đầu cuộc rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu đã kêu gọi các Tông đồ theo Ngài, và các ngài đã hưởng ứng tích cực. Các Tông đồ là những người tiên phong trong việc loan báo Tin Mừng, họ là những người đã lắng nghe tiếng Chúa, làm theo lời Chúa dạy là đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Khi thành lập nhóm “Mười Hai”, Đức Giêsu đã chọn thánh Phêrô làm thủ lãnh, vì vậy Thánh nhân luôn ý thức và trách nhiệm về sứ vụ mà ngài đã nhận từ nơi Thầy mình là chăm sóc và củng cố đức tin cho anh em mình, bắt đầu bằng việc rao giảng cho người Do thái tại Giêrusalem trước, rồi đến Samari và cuối cùng là đi khắp thế giới (x. Cv 1, 8). Vì thế sau khi Đức Giêsu lên trời, thánh Phêrô đã khẩn trương tập họp các Tông đồ và một số môn đệ để chọn người thế chỗ Giuđa, và các ông đã chọn Mathia: ông được kể thêm vào số mười một tông đồ nhằm thực hiện sứ vụ mà Chúa Giêsu đã truyền dạy (x. Cv 1, 15-26). Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô loan báo Tin Mừng ngay và thành lập cộng đoàn đầu tiên (x. Cv 3), ngài làm chứng về Đức Giêsu trước tòa Dothái (x. Cv 4, 19-20).
Có thể nói, việc truyền giáo ở giai đoạn ban đầu khá thành công, vì đã có nhiều người gia nhập cộng đoàn, con số tăng lên liên tục: từ 120 người lên 3000 người, rồi lên 5000 người (x. Cv 1, 15; 2, 37; 4, 4). Với lòng hăng say nhiệt thành trong việc loan báo Tin Mừng, các Tông đồ đã làm cho nhiều người tin theo Chúa. Trong khi đó các Tông đồ còn phải đương đầu với môi trường ngoại giáo Hy-La ở lãnh thổ Palestine, đó là những thành phố nằm dọc địa Trung Hải. Sách Công vụ cho biết, việc truyền giáo cho người Hy hóa cũng lan tới miền này, Philípphê làm phép rửa cho viên thái giám người Êthióp (x. Cv 8, 27). Từ miền Duyên Hải này, các Tông đồ tiếp tục việc truyền giáo cho những vùng dân ngoại. Thực vậy, với tâm trạng của các Tông đồ vốn là những người Dothái, họ vẫn không tránh khỏi tâm thức của người Dothái, nên không muốn tiếp xúc với người ngoài Dothái, nhưng Thánh Phêrô đã tuyên bố không thể từ chối phép rửa tội cho họ.[30] Bởi chính Phêrô đã được Chúa cho dấu lạ từ Trời để mở cửa Giáo hội cho các dân tộc ngoài Dothái (x. Cv 10, 34-48), đó là dấu chỉ cho thấy tính phổ quát của ơn cứu độ của Đức Giêsu.
Thánh Gioan nói lên sứ mạng của người Tông đồ là: “Chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy” (Ga 3, 11). Đối tượng mà các Tông đồ rao giảng là Đức Giêsu Kitô, Ngài là Thiên Chúa nhập thể làm người, đã chịu chết và Phục sinh để cứu độ nhận loại. Các Tông đồ ngoài việc rao giảng bằng lời, các Ngài còn thực hiện những việc kỳ diệu là những phép lạ giữa dân chúng như lời Đức Giêsu đã truyền cho các ông. Sách Công vụ kể việc Thánh Phêrô chữa một người què bẩn sinh (x. Cv 3, 2-8). Điều đó cho thấy dấu chỉ Chúa ghé thăm dân Ngài, vì những việc đó được thực hiện nhân danh Đức Giêsu chứ không phải nhân danh ai khác (x. Cv 3, 16). Nhờ đó, các Tông đồ có một sức mạnh mang tính linh thánh, để làm cho người ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.[31]
Công cuộc trở lại của các tín hữu thời Sơ khai có một bề dày chiều sâu đức tin, không phải họ tin một cách mù quáng, vu vơ. Nhưng họ đón nhận Lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, vì ngày ngày họ tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không. Vậy nhiều người trong nhóm họ đã tin theo; về phía người Hy lạp, cũng có nhiều phụ nữ thượng lưu và nhiều đàn ông cũng tin theo (x. Cv 17, 11-12). Điều ấy cho thấy đời sống đức tin của các Kitô hữu thời Sơ khai có sức lôi cuốn mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định rằng: việc dân chúng trở lại, công việc cốt lõi của Chúa, còn con người chỉ là cộng tác mà thôi. Vì chính Ngài mới là Đấng làm cho cộng đoàn ngày càng có thêm người được cứu độ (x. Cv 6, 7). Nhờ đó, Giáo Hội được vững chắc và sống trong sự kính sợ Thiên Chúa nhờ sự nâng đỡ của Thánh Thần và có bàn tay Thiên Chúa ở với họ (x. Cv 11, 21).
Trong công cuộc truyền giáo của Giáo hội Sơ khai, chúng ta nhận ra mỗi cộng đoàn có những cách thức truyền giáo riêng: họ biết hội nhập văn hóa trong việc rao giảng Tin Mừng. Trong các bài “Keryma” được nói tới trong môi trường Dothái, Phêrô cho thấy Đức Giêsu là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ. Những tín hữu này vẫn thường giữ đạo Đức Kitô với những tâm tình của người Dothái. Hằng ngày, họ vẫn lên đền thờ cầu nguyện, bẻ bánh với nhau, cùng nhau chia sẻ tình thân hữu. Nhưng khi Giáo hội tại Giêrusalem bị bách hại, các tông đồ và các Kitô hữu tản đi nhiều miền khác nhau, và chính biến cố bắt bớ này làm cho Giáo hội ngày càng thêm đông ở nhiều vùng miền khác nhau, nhất là Giáo hội ở Antiôkia. Ngay từ lúc mới thành lập, cộng đoàn Antiôkia xem ra nhốn nháo, vì họ muốn độc lập khỏi Dothái giáo, khỏi luật cắt bì. Chính sự kiện này được đưa ra bàn cãi, và đã tìm được sự dung hòa ở Công Đồng Giêrusalem năm 49, khi Công Đồng này cho phép những người ngoại gia nhập Hội thánh, không phải chịu cắt bì theo nghi thức của Do thái giáo (x. Cv 15). Điều quan trọng là Giáo hội tại Antiôkia đã sớm ý thức về ơn gọi truyền giáo của mình. Chính họ đã cử ông Banaba và ông Phaolô đi truyền giáo (x. Cv 13, 2-3).[32]
Thánh Phaolô là một con người hăng say rao giảng Tin Mừng, dù Ngài không thuộc nhóm “Mười Hai”, nhưng Ngài được chính Đức Giêsu chọn và sai đi rao giảng, vì Ngài đã được gặp Đấng Phục sinh (x. 1Cr 15,8). Trong các thư,  ngài đã xác nhận mình chính là Tông, ngài cũng nhiều lần làm phép lạ để củng cố lời rao giảng của mình (x. Rm 15, 9; 2Cr 12, 2).[33] Thánh Phaolô có những tâm tình yêu mến Đức Kitô, đến nỗi cuộc sống của ngài là hoàn toàn sống cho Đức Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20); ngài yêu mến các tín hữu, và không muốn trở thành gánh nặng cho họ (x. 2Tx 3, 8; Cv 18, 3). Ngài luôn nhiệt tâm trong các hoạt động truyền giáo, mong ước có nhiều người nhận biết Chúa, chính sự nhiệt tâm đã nung nấu tâm can, đến mức thánh nhân phải thốt lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
Cộng đoàn Giáo hội Sơ khai phát triển mạnh mẽ nhờ các vị Tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng, nhất là đối với những người nghèo và nô lệ, nhờ Tin Mừng và đời sống chứng tá của các ngài mà những người nghèo, người nô lệ, nam hay nữ có được sự bình an vì họ đều được bình đẳng trước mặt Chúa (x. Gl 3, 28). Nhưng cũng chính vì Tin Mừng ấy mà các ngài đã phải chấp nhận nhiều nghịch cảnh, bị bắt bớ và cuối cùng là hy sinh mạng sống để là chứng.

3.   Giáo hội Sơ khai truyền giáo bằng việc hy sinh
Với sự nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, các tín hữu Sơ khai luôn chịu nhiều khó khăn, nhất là sự thù ghét của những người Dothái vốn thù ghét với Đức Giêsu. Họ không chấp nhận lời rao giảng của các Tông đồ mà tìm cách bách hại các ngài. Sự nhiệt tâm truyền giáo đã làm cho các Tông đồ phải chấp nhận những gông cùm thử thách và phải đón nhận cả cái chết vì Tin Mừng.
Một gương mặt điển hình, và cũng là tấm gương cho các tín hữu Sơ khai chính là Stêphanô. Trước mặt các thủ lãnh Dothái, Stêphanô đã đưa ra bài diễn từ rất uyên bác để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Mêssia, Đấng mà Thiên Chúa đã hứa với cha ông họ, nhưng lời rao giảng của ông đã không được mọi người đón nhận, họ đã nhất quyết xông vào và ném đá ông, khiến ông phải chết (x. Cv 7, 1-60). Và ông đã trở thành vị tử tạo đầu tiên vào năm 36, chính Saolô đã tiếp tay trong vụ xử tử này (x. Cv 8, 1).[34] Sau cái chết của Stêphanô, những người Do thái tiếp tục bách hại Giáo hội Chúa Kitô.
Gương mặt đáng sợ nhất trong thời đó lại là Saolô, ông là người biệt phái nhiệt thành với truyền thống Dothái giáo, ông không chấp nhận một tôn giáo mới trên lãnh thổ Dothái, và nhất là những người gốc Dothái theo Kitô giáo thì ông lại càng không chấp nhận, nên ông đã tìm mọi cách để triệt hạ Giáo hội, ông đến từng nhà lôi cả đàn bà, đàn ông đi tống ngục vì “tội” theo Kitô giáo. Không chỉ những người gần nhà, ông còn đến gặp thượng tế để xin thư giới thệu cho ông đi tới Đamas để bắt các Kitô hữu giải về Giêrusalem, và chính trên con đường này, Đức Giêsu đã hiện ra kêu gọi ông, và ông đã trở thành chứng nhận cho Ngài. (x. Cv 3, 8; 9, 1-19). Sự bắt bớ các Kitô hữu Sơ khai, đã làm cho họ tản mác khắp nơi. Tuy vậy, các tín hữu Sơ khai không hề nao núng, đi tới đâu họ lại tiếp tục rao giảng Tin Mừng tại đó, nhờ vậy mà con số tín hữu mỗi ngày một gia tăng.
Và “Thiên Chúa đã vẽ đường thẳng trên những nét cong của con người”. Từ một người bắt đạo, sau khi được Đức Giêsu kêu gọi làm chứng nhân cho Ngài trên đường Đamas, Phaolô đã hăng say, can trường đi gieo hạt gống Tin Mừng tại nhiểu thành phố ở Tiểu Á và Hylạp qua ba cuộc “hành trình” cam go vào những năm (46-49; 50-53; 54-58). Quả thực, trong những năm đầu của hành trình truyền giáo, các Tông đồ đã gặp đủ thứ trở ngại, nhưng trở ngại đầu tiên là những người Kitô hữu gốc Dothái; họ còn gắn bó với phép cắt bì, và bắt buộc các Kitô hữu gốc dân ngoại phải giữ luật cắt bì, họ chỉ trích Phêrô đã vào nhà của những người dân ngoại và ăn uống với họ (Cv 11, 2-3). Và vấn đề chỉ được giải quyết ở Công Đồng Giêrusalem năm 49. Mặt khác, các Tông đồ còn phải chịu nhiều khó khăn bởi các tư tế và nhóm Xa Đốc, họ ghen tức vì những ảnh hưởng của các Tông đồ trên dân chúng, với những nghi kị tôn giáo, họ bắt hai Tông đồ Phêrô và Gioan giải ra trước tòa hội đồng để ngăm đe và sau đó thả hai ông ra (x. Cv 4, 2-23).
Lần khác, các Tông đồ lại bị các quan coi đền thờ bắt theo lệnh của các thầy cả thượng tế (x. Cv 5, 18, 26), nhưng sau đó các ông cũng được tha, điều đó cho thấy mối căm ghét của các thầy tư tế và phía Xa đốc đối với các Kitô hữu Sơ khai thật là mãnh liệt, và trong cuộc họp thứ hai của thượng hội đồng đã cho thấy mối bất bình của phái Pharisiêu và phái Xa đốc.[35] Và ông Gamaliel đã biện hộ cho các Tông đồ, ông nói: cứ để mặc những người này, cứ cho họ về, vì nếu là ý định hay công việc của người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu là công việc của Thiên Chúa, thì không thể phá hủy được, và họ đã tán thành ý kiến của ông. Họ đánh đòn các Tông đồ rồi thả ra, còn các Tông đồ thì vui mừng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu và sau đó họ lại tiếp tục loan báo Tin Mừng (x. Cv 5, 38-42).
Có thể nói, sự chống đối và bách hại là chuyện không thể tránh né với các Tông đồ, vì họ là môn sinh của Đức Kitô, mà Đức Giêsu đã từng nói: “Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ” (Mt 10, 24). Vậy nếu Đức Giêsu là Thầy mà họ đã bắt bớ, thì họ cũng sẽ bắt bớ môn đệ là chuyện không tránh khỏi. Hơn nữa chính Đức Giêsu cũng đã từng căn dặn các Tông đồ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10, 17-18). Vì thế khi bị tra khảo về việc rao giảng Tin Mừng, thánh Phêrô đã nhất quyết với Tin Mừng mà mình đã lãnh nhận khi nói với người Dothái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 30). Sứ điệp mà các ông rao giảng là: Đức Giêsu đã bị các ông giết chết bằng cách treo Ngài lên thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho Người chỗi dậy, đặt Ngài làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ để đem lại ơn sám hối và tha tội cho dân Israel (x. Cv 5, 31).
Khi nói đến sự bách hại các tín hữu Sơ khai, chúng ta không thể không nhớ tới vụ hỏa hoạn xảy ra vào rạng ngày 18 tháng 7 năm 64. Lý do đám cháy là vì Nero muốn thiêu hủy tất cả khu phố cũ của Rôma để xây dựng một đế đô mới, và khi đám cháy đang bùng phát dữ dội, vì sợ dư luận, ông đã đổ tội đốt thành cho các Kitô hữu. Vì thế, người Kitô hữu đã bị lùng bắt và giết một cách không thương tiếc để làm thỏa cơn giận của dân chúng. Trong khi đánh lừa được dư luận và dân chúng, Nero cũng bày ra nhiều trò hung dữ để tra tấn, hỏa thiêu, chém đầu, đóng đinh, làm mồi cho thú dữ cắn xé và ăn thịt. Và một thú vui khủng khiếp mà Nero bày ra là tẩm dầu vào các tín hữu làm đuốc đốt cho Nero chạy xe hoặc ăn uống ban đêm[36]. Vào thời đó, ai cũng có quyền tố cáo các Kitô hữu trước nhà cầm quyền Rôma. Bởi vì trước pháp luật, người Kitô hữu không có quyền sinh sống và hoạt động trong đế quốc Rôma. Do đó, có tới hàng triệu tín hữu bi giết hại.[37]
Nhìn chung, cộng đoàn Giáo hội Sơ khai luôn nhiệt thành với sứ mệnh được Đức Giêsu trao phó, và họ không ngần ngại đem Tin Mừng đến cho mọi nơi, dù phải chịu bắt bớ, gươm giáo và chấp nhận cái chết để làm chứng cho Tin Mừng. Chính Đức tin dũng cảm của các tín hữu chịu bách hại và chết vì đạo đã gây kinh ngạc cho nhiều người, và họ muốn tìm hiểu những động lực nào đã thúc đẩy các Kitô đón nhận đau khổ một cách thanh thản như thế.[38]
KẾT LUẬN
Nhìn vào Giáo hội Sơ khai, chúng ta khám phá ra nơi đó sức sống vô biên, lòng nhiệt thành của các Tông đồ và những người đã dấn thân trong bước chân đầu tiên của hành trình truyền giáo. Quả thực, đây là những con người luôn nhiệt thành với sứ vụ mà Đức Giêsu đã trao phó. Vì họ là những người đã từng sống và cảm nghiệm về Đức Giêsu, được Ngài dẫn dắt và họ đã khám phá ra chính Ngài là vị Thừa Sai của Chúa Cha, Ngài đến trần gian để cứu độ con người, và ước mong của Ngài là làm sao cho mọi người được cứu độ.
Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài mạc khải cho con người biết về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Qua cái chết và Phục sinh, Ngài đã giao hòa con người với Thiên Chúa, phục hồi bản tính con người sa ngã, cho họ được tham dự vào bản tính của Ngài. Ơn cứu độ của Ngài mang tính phổ quát, là Tin Mừng cho tất cả loài người. Và để tiếp tục chương trình cứu độ mà Ngài đã thực hiện, Ngài đã kêu gọi một số người để quy tụ và huấn luyện rồi sai họ đi truyền giáo.
Cộng đoàn Giáo hội Sơ khai đã thực hiện lời mời gọi của Đức Giêsu một cách triệt để bằng những cách thức khác nhau như: sự hiệp thông cầu nguyện, cùng nhau bẻ bánh và chia sẻ của cải cho nhau. Đó là những cách thực mà họ đã bộc lộ cho nhân loại thấy Thiên Chúa thực sự hiện diện giữa cộng đoàn, nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, để nhờ đó nhiều người nhận biết danh Thiên Chúa. Qua việc sống hiệp thông với nhau, họ cho thấy Đức Giêsu thực sự hiện diện giữa cộng đoàn, và chính Ngài đã dùng Thánh Thần mà thôi thúc họ đi rao giảng Tin Mừng.
Trong Giáo hội Sơ khai, các tín hữu thể hiện đời sống chứng tá vì Tin Mừng, họ hăng say phục vụ Tin Mừng, họ nhiệt thành phục vụ và đã phục vụ cho đến khi đổ máu đào để làm chứng cho chân lý. Đời sống chứng tá của cộng đoàn Giáo hội Sơ khai là một mẫu gương sống động cho Giáo hội tới ngày nay, đó là một Giáo hội lữ hành. Một Giáo hội Công giáo, thánh thiện và Tông truyền, nhưng vẫn còn có những phần tử tội lỗi, nên Giáo hội vẫn luôn cần biết thanh tẩy và nhìn lại cách sống của mình. Cũng như các Tông đồ đã từng được Đức Giêsu kêu gọi, huấn luyện nên những chứng nhân trung thành, nhưng các ngài vẫn tưởng mình sẽ bám chấp lấy những chức vụ sau khi Chúa khôi phục nước Israel, mong làm người lớn nhất trong Nước Trời (x. Mt 18, 1).
Bài học học mà Đức Giêsu thực hiện trong bữa Tiệc Ly cho thấy ý nghĩa sống động của đời sống chứng tá. Lời nhắc của Đức Giêsu sau khi rửa chân cho các môn đệ làm cho các ông không thể quên được tinh thần phục vụ của người môn đệ Đức Kitô: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Sứ vụ Đức Giêsu trao ban cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15) cũng luôn là lời mời gọi mỗi Kitô hữu trong mọi thời, đặc biệt là lời mời gọi đối với người tu sĩ  ngày nay. Mỗi Kitô hữu nói chung, và mỗi tu sĩ nói riêng, hãy nhiệt tâm trong việc truyền giáo; hãy biết thao thức với những thao thức của Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài, để cho Tin Mừng Phục sinh ngày một lan rộng khắp nơi; để cho tiếng gọi “hãy đi” của Đức Giêsu được hiện diện trong mọi hoàn cảnh và thách đố luôn mới mẻ nơi sứ vụ truyền giáo của Giáo hội; tất cả chúng ta được mời gọi “xuất hành”; tất cả chúng ta đều được mời gọi ra khỏi sự riêng tư để đến nơi cần ánh sáng của Tin Mừng.[39]





[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.
[2] Xc. ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, số 5.
[3] Xc. ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclêsia in Asia, số 11, tr.40.
[4] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, tr. 45.
[5] Xc. Felipe Gomez, Kitô học (Antôn & Đuốc sáng, Manila, 2002), tr. 186.
[6] Xc. Felipe Gomez, Truyền giáo học (Antôn & Đuốc sáng, Manila, 2003), tr. 18.
[7] Xc. Felipe Gomez, Truyền giáo học, tr. 283.
[8] Xc. ĐGH. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 75.
[9] Xc. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.
[10] Xc. Felipe Gomez, Truyền giáo học, tr. 35.
[11] Xc. ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 16.
[12] Xc. Jean Daníelou, Nouvelle histoire de L’eglise, Phạm Phúc Khánh & tgk dịch, Bộ tân lịch sử Giáo hội, Cuốn 1A, tr. 54-55.
[13] X. Felipe, Giáo hội học, tr. 263.
[14] Xc. Jean Daníelou, Nouvelle histoire de L’eglise, Phạm Phúc Khánh & tgk dịch, Bộ tân lịch sử Giáo hội, cuốn 1 A, tr. 65.
[15] Xc. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh (Roma, 2002), tập 2, tr. 33.
[16] Xc. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, (Rôma, 2002), tập 2, tr.33.
[17] Xc. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội, (California USA, 2009), tr. 59.
[18] Xc. Phan Tấn Thành, Về Nguồn (Rôma, 1997), tập 1, tr. 140.
[19] Xc. Sđd., tr. 230.
[20] Xc. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, (Rôma 1997), tập 1, tr. 142-143.
[21] Xc. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh (Rôma 2002), tập 2, tr. 33.
[22] Xc. Felipe Gomez, Giáo hội (Antôn & Đuốc sáng, HL 2002), tr. 106.
[23] Xc. Sđd., tr. 124.
[24] Xc. Chữ “Bánh”, Từ điển Thần học Thánh Kinh (Phân khoa Thần học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt- Việt Nam), tập 1, tr. 122.
[25] Xc. Jean Daníelou, Nouvelle histoire de L’eglise, Phạm Phúc Khánh & tgk dịch, Bộ tân lịch sử Giáo hội, Cuốn 1A, tr. 69.
[26] Xc. Nguyền Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, tr. 99.
[27] Xc. Ibid., tr. 95.
[28] Đào Trung Hiệu, Cuộc Lữ Hành Đức Tin, tập 1, tr. 21.
[29] Xc. ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, số 15.
[30] Xc. Jean Daníelou, Nouvelle histoire de L’eglise, Phạm Phúc Khánh & tgk dịch, Bộ tân lịch sử Giáo hội, Cuốn 1 A, tr. 78-79.
[31] Xc.Ibid., tr. 55.
[32] Xc. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh (Rôma, 2002), tập 2, tr. 35.
[33] Xc. Felipe Gomez, Giáo hội, tr. 266-267.
[33] Xc. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 7; Hiến chế Lumen Gentium, số 17.
[34] Xc. Paul Christophê, Giữa lòng nhân loại, Lịch sử Giáo hội từ khai nguyên đến thế kỷ XV, (Droguet & Ardant, 2001), tập 1, tr 15.
[35] Xc. Jean Daníelou, Nouvelle histoire de L’eglise, Phạm Phúc Khánh & tgk dịch, Bộ Tân Lịch sử Giáo hội, Cuốn 1 A, tr. 57-58.

[36] Xc. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo tr. 70-71.
[37] Nguyễn Tri Ân, Thánh Phaolô trên đường tuẫn giáo (Chân lý, 1959), tr. 192.
[38] Phan Tấn Thành, Về Nguồn, (Chân Lý, 1998), tập 2, tr. 79.
[39] Xc. ĐGH. Phancicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 20.http://baochiaselts.blogspot.com/2016/09/so-80-oi-song-thanh-hien-su-mang-tong-o.html

1 Nhận xét

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn