Mục
tử
theo
Tông huấn Evangelii Gaudium
Trong mục
vụ truyền giáo,
vai trò của người mục tử rất quan trọng.
Vì vậy, Tông huấn đã phác họa chân dung người mục tử:
tiên phong, tham gia, đồng hành, và sinh hoa trái…
vai trò của người mục tử rất quan trọng.
Vì vậy, Tông huấn đã phác họa chân dung người mục tử:
tiên phong, tham gia, đồng hành, và sinh hoa trái…
Phaolô Nguyễn Hải Đăng, OP.
Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui Tin Mừng của ĐGH Phanxicô là
những định hướng cần thiết về phương diện mục vụ truyền giáo mà Giáo Hội cần
lưu ý. Tông huấn khẳng định hoạt động truyền giáo chính là thế giới của mọi
công trình Giáo Hội (EG, 15) theo gương mẫu của Đức Giêsu Kitô, nhà truyền giáo
và là Mục tử đầu tiên, Đấng vẫn luôn mời gọi chúng ta tiếp bước sứ mạng cứu độ
của Người (EG, 12).
Dù có những khó khăn hiện tại
trong việc truyền giảng Tin Mừng và thách đố hội nhập của từng bối cảnh văn hóa
nhưng Giáo Hội vẫn luôn xác định “nhiệm
vụ truyền giáo là nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội và phải đứng hàng đầu” và
Tông huấn không ngừng thúc bách “chúng ta
không thể ngồi bình thản chờ đợi cách thụ động nơi các nhà thờ của mình nhưng
phải vượt qua một mục vụ chỉ đơn thuần là duy trì đến một mục vụ truyền giáo
thật sự.”[1]
Vậy Tông huấn đã phác họa một chương trình mục vụ truyền giáo trong bối cảnh
hiện nay thế nào? Đâu là vai trò của người mục tử và của mọi thành phần Giáo
Hội trong thực hành mục vụ truyền giáo hiện nay?
I. NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO
THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM
THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM
1. Truyền giáo: bản chất của
người Kitô hữu
Tông huấn khẳng định truyền giáo chính là bản chất của
người Kitô hữu dựa trên lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh
Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy
đã truyền cho anh em” (Mt 18:19-20a) (EG, 19).
Thật vậy, Giáo Hội lữ hành chính là Giáo Hội “đi ra”: đi ra
ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi,
là những người cần ánh sáng của Tin Mừng (20). Và niềm vui của Giáo Hội chính
là niềm vui truyền giáo dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai: “Anh em đừng sợ. Này tôi mang lại cho anh em
một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho tất cả mọi người” (Lc 2:10)
(EG, 23).
2. Đức Giêsu:
nguồn mạch của mọi hoạt động truyền giáo
nguồn mạch của mọi hoạt động truyền giáo
Chỉ qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu,
cuộc gặp gỡ với nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và
một hướng đi quyết định (EG, 7) mới có thể giải thoát chúng ta khỏi tình
trạng cô lập, chỉ nghĩ về mình và tìm thấy nguồn gốc của những hoạt động truyền
giáo. Vì một khi nhận được tình yêu này, là điều đem lại ý nghĩa cuộc đời, làm
sao chúng ta có thể ngồi yên mà không truyền thông cho người khác? (EG, 8).
Chính qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu,
chúng ta sẽ được “biến đổi” và được mời gọi “ra đi” “Tình yêu Ðức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9:16). Tông
huấn cho thấy điều tốt lành luôn luôn có khuynh hướng lan truyền. Mỗi kinh
nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện mỹ là tự nó tìm cách lan rộng (EG, 9).
3. Thách đố thời đại
đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội
đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội
Có thể nói sứ mạng truyền giáo của Giáo
Hội đang phải đối diện với những thách đố của thế giới hiện đại, đó là: nền kinh tế loại trừ và chênh lệch xã hội,
mạnh được yếu thua, hậu quả là một bộ phận con người bị loại trừ (EG, 53); đó
là thái độ vô tâm, không có khả năng
trắc ẩn trước đau khổ của tha nhân (EG, 54); đó là thái độ tôn thờ tiền bạc và coi tiền bạc như một công cụ cai trị (EG,
57-58).
Ngoài ra, Giáo Hội cũng đang phải đối
diện với những thách đố nghiêm trọng về văn hóa và đức tin do xu thế toàn cầu
hóa và chủ nghĩa cá nhân. Dường như có sự thất bại về truyền thụ đức tin Kitô
giáo tại lục địa Âu châu, cũng như tình trạng gãy đổ căn tính truyền thống của
gia đình. Những thách đố này đòi hỏi một chương trình mục vụ truyền giáo thích
hợp, có khả năng hàn gắn và chữa lành những đổ vỡ từ vết thương xã hội. Những
thách đố đó đòi hỏi sự canh tân và hội nhập của mọi thành phần Giáo Hội: người mục tử, cộng đoàn Giáo Hội địa phương,
người giáo dân và nhà truyền giáo trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng hôm
nay.
II. MỤC TỬ THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM
1. Vai trò mục tử
Đi bước trước mà không sợ hãi: Trong mục vụ truyền
giáo, vai trò của người mục tử rất quan trọng. Vì vậy, Tông huấn đã phác họa
chân dung người mục tử: tiên phong, tham
gia, đồng hành, và sinh hoa trái… Người mục tử phải là người đi bước trước mà không sợ hãi, đi ra gặp
gỡ, tìm kiếm những người xa cách, những người bị ruồng bỏ để ban tặng sự thương
xót, là kết quả kinh nghiệm lòng thương xót
Chúa (EG, 24). Hơn nữa, người mục tử phải tham
gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác, chạm đến thân xác đau khổ
của Ðức Kitô trong những người khác, phải có “mùi của con chiên”…phải kiên nhẫn chăm sóc các hạt giống Tin
Mừng, không mất bình an vì những cỏ
lùng và luôn biết ăn mừng trong mỗi
bước tiến trong việc truyền giáo… (EG, 24).
Không ngừng gặp gỡ Thiên Chúa: Người mục tử phải không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày để đón nhận nguồn sống, để học biết
tha thứ, để sống niềm hy vọng. Chúng ta đừng bao giờ chạy trốn Thiên Chúa, đừng
bao giờ bỏ cuộc vì Thiên Chúa luôn đem lại cho chúng ta niềm vui. Tin Mừng luôn
mời gọi chúng ta đến sự vui mừng. Sứ điệp của Người là một nguồn vui (Ga
15,11). Thật vậy, người mục tử phải là người loan báo sự tha thứ và niềm vui
Tin Mừng (EG, 3, 5).
Lời giảng đi đôi với việc làm: Tông huấn
nhắc nhở rằng mọi giáo huấn phải được phản ảnh bằng thái độ của người rao giảng
Tin Mừng, đó là thái độ gần gũi, yêu thương và làm nhân chứng.Lời giảng của người
mục tử phải phản thương xót của Thiên Chúa hơn là những giới luật, luân lý nô lệ
hóa con người (EG, 43). Thật vậy, trong mục vụ truyền giáo, người mục tử cần
lưu ý rằng tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng
thương xót của Chúa. Mọi người đều phải đến với sự an ủi và khích lệ của tình
yêu Thiên Chúa, là điều vượt trên và vượt ra ngoài những lỗi lầm và sa ngã của
họ (EG, 44).
2. Mục tử với Lời Chúa
Bài giảng chính là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân Người: Bài
giảng cũng là một yếu tố cần lưu tâm trong mục vụ truyền giáo. Bài giảng là
tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một mục tử với
dân mình (EG, 135). Bài giảng không phải là một hình thức giải trí hay một bài
dạy giáo lý, bài diễn văn hoặc thuyết trình nhưng là một cuộc đối thoại trong bối
cảnh cử hành phụng vụ. Do đó, phải ngắn gọn, không được chiếm quá nhiều không
gian, để Chúa có thể tỏa sáng nhiều hơn nhà thuyết giảng và phải hướng người
nghe đến sự hiệp thông với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể (EG, 138).
Bài giảng phải biểu lộ niềm vui của Tin Mừng: Vì bài giảng
là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân Người nên nhà giảng thuyết cần thể
hiện sự gần gũi trong cung cách, ấm áp trong giọng nói, dịu dàng trong cách thể
hiện và biểu lộ niềm vui qua những cử chỉ hầu người nghe cảm nhận được niềm vui
Tin Mừng (EG, 140).
Trong bài giảng cần lưu tâm đến yếu tố thiện và mỹ vì một bài giảng
thuần túy về luân lý hoặc về tín lý, hay một bài giảng trở thành một bài thuyêt
trình về chú giải Thánh Kinh, sẽ làm giảm bớt sự truyền thông giữa các tâm hồn
(EG, 142).
Soạn bài giảng cần thời gian để học
hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ: Đó là một yêu cầu khẩn thiết trong hoạt động mục vụ của
mục tử. Lòng tín thác vào Chúa Thánh Thần, Ðấng hoạt động trong bài giảng không
chỉ đơn thuần thụ động, mà tích cực và và sáng tạo. Một mục tử không chuẩn bị
thì không “thuộc về tinh thần”; mục tử ấy bất hảo và vô trách nhiệm đối với
những hồng ân mà mình đã nhận được (EG, 145).
Những lưu ý mục vụ:
a. Tiên quyết, bản văn Kinh Thánh phải là nền tảng của việc giảng dạy (EG,
146); b. Tiếp cận Lời Chúa bằng một thái độ suy phục và cầu nguyện để Lời Chúa
thấm sau và biến đổi nhà giảng thuyết (EG,
149); c. Hiểu đúng ý nghĩa Lời Chúa (EG, 147); d. Cá nhân hóa Lời Chúa, nghĩa
là để bản thân được đánh động bởi Lời Chúa và làm cho Lời ấy nhập thể trong
cuộc sống cụ thể của mình (EG, 150);e. Nhà thuyết giảng cũng phải lắng nghe dân
chúng, để tìm ra những gì mà các tín hữu cần nghe (EG, 154); f. Bài giảng cần
đơn giản, tích cực, rõ ràng, trực tiếp, phù hợp (EG, 158), giàu hình ảnh minh
họa (EG, 157), công bố niềm hy vọng (EG, 159).
3. Mục tử và mục vụ truyền giáo
trong cộng đoàn Giáo xứ
trong cộng đoàn Giáo xứ
“Hội Thánh sống động” và là “cộng đoàn truyền giáo”: Giáo xứ chính là “Hội thánh sống
động”, là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, để lắng nghe Lời Chúa, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác
ái, thờ phượng và cử hành. Xa hơn nữa, giáo xứ phải là nơi khuyến và đào tạo
các thành viên của mình thành những nhà truyền giáo, là chỗ tạm trú của những
người đang khát, là trung tâm nhà truyền giáo liên tục đi ra… (EG, 28).
Giáo xứ là cộng đoàn chữa lành: Giáo xứ là người mẹ với trái tim rộng mở để bất cứ ai
muốn tìm đến không gặp phải sự lạnh lùng của một cánh cửa đóng kín (EG, 47).
Đặc biệt, cánh cửa bí tích, nhất là bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, phải luôn
được rộng mở cho tất cả mọi người. Để giáo xứ trở thành một “cộng đoàn truyền giáo”, Tông huấn mạnh mẽ nhắc nhở :
Chúng ta thường hành xử như những người ban phát ân sủng chứ không như
những người giúp người khác dễ dàng lãnh nhận ân sủng. Nhưng Hội thánh không
phải là một hải quan, mà là ngôi nhà của Chúa Cha, ở đó có chỗ cho tất cả mọi
người, với tất cả những khó khăn trong cuộc sống của họ (EG, 47).
“Mở cửa và ra đi” đến với mọi người, nhất
là người nghèo: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo nên Giáo Hội được
mời gọi hãy ra điđể cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Ðức Giêsu Kitô
không loại trừ một ai: “Tôi muốn có một
Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một
Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám vứu vào sự an toàn riêng của mình”
(EG, 49). Nhưng Giáo Hội cũng cho thấy đối tượng ưu tiên của việc loan báo Tin
Mừng chính là “những người nghèo khổ và
tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và lãng quên”. Hôm nay và mãi
mãi, “người nghèo là những người nhận
được đặc quyền của Tin Mừng” (EG, 48).
4. Mục tử và giáo
dân trong mục vụ truyền giáo
Truyền giáo bằng đời sống chứng tá Tin Mừng: trước những thách đố thời đại: việc buôn bán ma túy và buôn bán người, lạm dụng, bóc lột trẻ em, bỏ
rơi người già cả, bệnh tật, tham nhũng và tội phạm… đời sống chứng tá của
người tín hữu chính là nền tảng cho việc
khôi phục phẩm giá của đời sống con người trong những hoàn cảnh này (EG,
75). Tông huấn mời gọi người tín hữu sống trọn vẹn những gì là con người và tự
giới thiêu mình vào trung tâm của những thách đố như những nắm men nhân chứng,
trong bất cứ nền văn hóa và hòa cảnh nào, làm cho chúng ta thành những Kitô hữu
tốt hơn và sinh hoa kết quả dồi dào hơn (EG, 75).
Cổ võ sự cộng tác mục vụ của người giáo dân: Trong hoạt động mục vụ, Giáo Hội phải
giúp người tín hữu ý thức về căn tính và sứ vụ của mình trong Giáo Hội, đặc biệt
trong các hoạt động bác ái, dạy giáo lý, cử hành đức tin. Bối cảnh hiện nay
càng thúc bách Giáo Hội cổ võ sự cộng tác mục vụ truyền giáo của người giáo dân
trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế (EG, 102).
Nhìn nhận vai trò của người nữ, giới trẻ và những người già trong
Giáo Hội:
Tông huấn đề cao sự cộng tác của người phụ nữ hiện nay trong hoạt động mục vụ,
truyền giáo của Giáo Hội, ngay cả trong lĩnh vực suy tư thần học (EG, 103). Đồng
thời nhắc nhở người mục tử cần quan tâm mục vụ nhiều hơn nữa đối với giới trẻ
và những người gia, những người đánh thức niềm hy vọng và mở lòng Giáo Hội hướng
về tương lai (EG, 108).
Học hỏi Kinh Thánh cần được mở ra cho mọi tín hữu: mục vụ truyền giáo đòi hỏi
chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các
giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm
túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá
nhân và cộng đồng (EG, 175).
5. Mục tử chính là nhà truyền
giáo :
người loan báo niềm vui và hy vọng
người loan báo niềm vui và hy vọng
Thách đố của nhà truyền giáo hôm nay: đó là sự thiếu nhiệt tâm truyền giáo
do mối bận tâm quá đáng về tự do cá nhân (EG, 78), do mặc cảm che dấu căn tính
và những xác tín Kitô giáo (EG, 79), do tham vọng tìm kiếm sự an toàn của tiền
bạc, quyền lực và vinh quang con người thay vì dâng hiến đời mình cho tha nhân
trong việc truyền giáo (EG, 80).
Người loan báo niềm vui và và hy vọng: trước những thách đố đó, Tông huấn
nhấn mạnh “Niềm vui của Tin Mừng là điều
không ai và không gì có thể tước đoạt khỏi tay chúng ta (Ga 16, 22). Chúng ta đừng bao giờ để cho mình bị cướp
mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng” (EG, 83-84). Vì vậy, nhà truyền giáo của thế giới hôm nay phải là người loan báo
niềm vui và hy vọng trước “gam màu tối” của thế giới, xã hội và con người hôm
nay. Nhà truyền giáo phải là người có khả năng đáp ứng đầy đủ cho những ai đang
khao khát Thiên Chúa, có khả năng chữa lành, giải thoát, đem lại sự sống và
bình an (EG, 89).
Chọn lựa phục vụ người nghèo: Tông huấn khẳng định: “Vẻ đẹp của Tin Mừng có một dấu chỉ mà chúng ta không bao giờ được
thiếu: là chọn thương yêu những người bé mọn, những người bị xã hội ruồng bỏ và
loại trừ” (EG, 193). Đức Giêsu được sinh ra trong cảnh nghèo hèn, lớn lên
trong đời sống bình dị. Khi bắt đầu sứ vụ công khai, đám đông theo Người là
những người bệnh tật, nghèo hèn, bị loại trừ… và sứ vụ của Người chính là: “Thánh Thần Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức
dầu cho Tôi và sai Tôi đi để mang Tin Mừng đến cho những người nghèo” (Lc
4:18).
Tông huấn cho thấy sứ vụ trọng
yếu của một nhà truyền giáo hôm nay chính là phục vụ người nghèo.
Không ai
được nghĩ rằng mình được miễn trừ nhiệm vụ quan tâm đến người nghèo và công
bằng xã hội. Việc hoán cải tinh thần, cường độ của tình yêu đối với Thiên Chúa
và tha nhân, lòng nhiệt thành với công lý và hòa bình, ý nghĩa Tin Mừng của
người nghèo và sự nghèo đói là điều đòi buộc tất cả mọi người (EG, 201).
Người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần: nghĩa là những nhà truyền giáo vừa cầu nguyện vừa làm
việc. Đức Giêsu muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng
không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết, bằng một cuộc sống được Thiên Chúa biến
đổi qua đời sống cầu nguyện.Không có cầu nguyện, mọi hoạt động truyền giáo có
nguy cơ trở thành trống rỗng và cuối cùng lời rao giảng của nhà truyền giáo
cũng trở nên không có hồn (EG, 259, 262).
Nhà truyền giáo là một nhà chiêm niệm: Một nhà truyền giáo thực sự, là người không bao giờ ngừng
là một môn đệ, biết rằng Đức Giêsu đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm
việc với mình. Gặp gỡ Đức Giêsu phải là trung tâm của mọi hoạt động truyền
giáo. Nếu nhà truyền giáo không thật sự là một nhà chiêm niệm, họ sẽ sớm mất
nhiệt tình, thiếu nghị lực và lòng say mê và không còn chắc chắn về điều mình
thông truyền. Một khi chúng ta không được thuyết phục, không có nhiệt tình,
không đáng tin cậy, không được yêu, thì làm sao chúng ta làm chứng về niềm vui
Tin Mừng cho người khác được.
Nếu chúng
ta muốn lớn lên trong đời sống tinh thần, chúng ta không thể ngưng là những nhà
truyền giáo. Dấn thân truyền giáo mở ra cho chúng ta những chân trời tâm linh,
giúp chúng ta nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần, đưa chúng ta ra khỏi những
mô thức tâm linh hạn hẹp… (EG, 266).
Những lời nhắc nhở của Tông huấn như một lời tạm kết. Dù có
những thách đố nghiêm trọng về xã hội, văn hóa và đức tin trong bối cảnh hiện
nay, Giáo Hội vẫn luôn xác định “nhiệm vụ truyền giáo là nhiệm vụ đầu tiên
của Giáo Hội và phải đứng hàng đầu” và vai trò truyền giáo là trách nhiệm
của mọi thành phần trong Giáo Hội. Mục tử phải là người tiên phong trong việc
truyền thông lòng thương xót của Thiên Chúa cho những ai chưa nhận biết Tin
Mừng. Người giáo dân được mời gọi dấn thân truyền giáo bằng đời sống chứng tá
Tin Mừng. Nhà truyền giáo được thúc đẩy loan báo niềm vui và hy vọng như một
chứng từ đức tin cho thế giới, xã hội và con người hôm nay. Nhưng cuối cùng,
mọi hoạt động mục vụ truyền giáo của chúng ta phải quy chiếu về Đức Giêsu như
nguồn mạch và gương mẫu và biểu lộ một niềm tin mãnh liệt vào hoạt động của
Chúa Thánh Thần.
Đăng nhận xét