Một đặc tính của sứ vụ truyền giáo,
đó là lòng “khát khao phần rỗi các linh hồn”,
coi việc mở rộng Nước Chúa là “cái cần thiết duy nhất”
và sẵn sàng bỏ mọi sự vì mục đích ấy.
Ðiều này hoàn toàn phù hợp
với lý tưởng của đời sống tu trì thánh hiến.
đó là lòng “khát khao phần rỗi các linh hồn”,
coi việc mở rộng Nước Chúa là “cái cần thiết duy nhất”
và sẵn sàng bỏ mọi sự vì mục đích ấy.
Ðiều này hoàn toàn phù hợp
với lý tưởng của đời sống tu trì thánh hiến.
Dom. Trí Dũng, OP.
Trong bài giảng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày Chúa nhật Quốc tế Truyền
giáo hôm 20.10.2000, ngài gợi lên ý tưởng quan trọng trong việc truyền giáo:
Sự dấn thân truyền giáo nảy sinh như một ngọn lửa tình
yêu từ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu và sự lôi cuốn của Người. Chỉ các
Kitô hữu đã chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô mới có thể cảm thấy bị mê mẩn
bởi vẻ huy hoàng của Người và làm chứng cho niềm tin của mình vào
Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại. Thật là một hồng ân
lớn lao, đức tin chúng ta nhận được như một món quà từ trên cao, chứ
không phải do bởi công trạng của chính chúng ta. Rồi đến lượt ân huệ
này lại trở thành nguồn trách nhiệm. Chính hồng ân biến chúng ta
trở thành người rao giảng và tông đồ: đó là lý do tại sao tôi đã
nói trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc là “truyền giáo là vấn
đề của đức tin, là dấu chỉ chính xác niềm tin của chúng ta vào Đức
Kitô và vào tình yêu Người dành cho chúng ta”. Và thêm nữa: “Nếu nhà
truyền giáo không phải là một người chiêm niệm thì không thể loan báo
Chúa Kitô cách khả tín được”. [1]
Cách
chung, mọi Kitô hữu đều có bổn phận lo cho công tác truyền giáo vì truyền giáo
chính là bản chất của Giáo Hội[2].
Thế nhưng, vai trò truyền giáo được diễn tả cách phong phú và rõ nét qua chân
dung của những người sống đời thánh hiến. Thật thế, đời sống thánh hiến do được
kêu mời để thi hành sứ mạng quan trọng là giới thiệu Chúa cho mọi người nên đời
sống đó gắn chặt với công việc truyền giáo. Vì vậy, ơn gọi đời sống thánh hiến
thấm đượm tinh thần truyền giáo. Chẳng hạn
như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, thánh Phanxicô Xaviê, thánh Đaminh, thánh
Giaxintô… lấy sứ mệnh mở rộng Nước Chúa làm đối tượng đặc thù cho đời cầu
nguyện của mình. Như thế, đời sống thánh hiến có mối liên hệ chặt chẽ với linh
đạo truyền giáo.
Sứ vụ truyền
giáo của Giáo Hội
Truyền giáo là gì?
Có thể
có những lối định nghĩa khác nhau về truyền giáo tùy theo những nhãn quan khác
nhau:
“Truyền giáo là tiếp tục kế hoạch
của Thiên Chúa”.
Hoạt động
truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là sự biểu lộ kế hoạch của
Thiên Chúa, sự bày tỏ và thực hiện kế hoạch đó trong thế giới và trong lịch sử,
chính trong lịch sử này rõ ràng Thiên Chúa đưa dẫn lịch sử cứu độ đến cùng đích
nhờ việc truyền giáo[3].
“Truyền giáo là loan truyền tình
thương của Thiên Chúa đến với con người”.
Sứ vụ
truyền giáo của Giáo Hội cốt yếu là loan truyền tình yêu, lòng thương xót
và tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc đời, cái chết và
sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó chính là việc loan báo Tin Mừng:
Thiên Chúa yêu chúng ta và muốn mọi dân tộc hiệp nhất trong lòng thương xót yêu
thương của Người.[4]
“Truyền giáo là chia sẻ quà tặng
của Đức Giêsu Kitô mà Giáo Hội nhận được”
Thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định rất hay về sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội
Công Giáo như sau:
Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là
Giáo Hội tin vào Chúa Giêsu Kitô, và Giáo Hội không thể dấu ánh sáng quí báu
đức tin dưới cái thùng (Mt 5,15), bởi Giáo Hội có sứ mạng chia sẻ ánh
sáng đó với mọi người. Giáo Hội muốn dâng tặng đời sống mới Giáo Hội đã gặp được
trong Chúa Giêsu Kitô, cho tất cả các dân tộc tại Á Châu, khi họ tìm kiếm sự
viên mãn của sự sống, để họ có thể hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa
Giêsu Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần.[5]
Giáo Hội cũng như mỗi Kitô hữu trong Giáo Hội không thể cất
giữ hay độc quyền chiếm giữ cho mình sự mới mẻ và phong phú mà họ đã nhận được
do lòng nhân từ Thiên Chúa ban cho, để thông chia cho tất cả mọi người. Do đó sứ
vụ truyền giáo không chỉ phát xuất do lệnh truyền chính thức của Chúa Cứu Thế,
mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Những ai gia nhập
Giáo hội Công giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân, và do đó, họ càng
phải dấn thân làm chứng, bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là việc
phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả cho Thiên Chúa; đồng thời họ
cũng phải nhớ rằng: “Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng,
nhưng do đặc ân của Đức Kitô ; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời
nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm
khắc hơn”.[6]
Truyền giáo hay việc Phúc Âm hóa
Truyền
Giáo
Truyền
giáo thường được hiểu là việc giới thiệu Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, và
đưa họ vào Hội Thánh Chúa qua việc dạy giáo lý, cử hành các Bí Tích gia nhập
Công Giáo, và gia nhập cộng đoàn[7],
như lệnh truyền của Chúa Giêsu. Những người nhờ Giáo Hội được Thiên Chúa ban ơn
để tin vào Chúa Kitô phải được nhận vào lớp dự tòng bằng những lễ nghi phụng vụ.
Lớp dự tòng này không phải chỉ là trình bày tín lý và các giới răn, nhưng là huấn
luyện một đời sống Kitô hữu đầy đủ và là thời gian tập sự được kéo dài thích
đáng, để nhờ đó môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Vậy các dự tòng phải
được khai tâm một cách thích hợp về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm,
và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn, liên tục họ được đưa
vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa. Rồi khi đã chịu các bí
tích gia nhập Kitô giáo, họ được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm, cùng chết,
cùng được an táng và sống lại với Chúa Kitô, họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng
làm cho họ thành nghĩa tử, và cùng với toàn thể dân Chúa họ cử hành lễ kính nhớ
việc Chúa chịu chết và sống lại.
Phúc
Âm Hóa hay Tin Mừng hóa là gì ?
Phúc Âm
hóa là đưa Tin Mừng vào lòng người, vào cách suy nghĩ, cách hành động của con
người, đưa Tin Mừng vào các lãnh vực hoạt động như xã hội, văn hóa, chính trị,
kinh tế …. Nói cách khác là đem các giá trị Phúc Âm thấm nhuần vào trong các thực
tại trần thế như men ở trong bột. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết rất hay về
việc Phúc Âm hóa như sau:
Phúc Âm hóa, đối với Giáo Hội, chính là mang Tin Mừng đến mọi môi
trường nhân loại và, nhờ sự tác động này, làm biến đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại: “Này đây
Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước
tiên không có những con người mới, bằng cái mới của bí tích Thánh Tẩy, và bằng
đời sống theo Tin Mừng. Như vậy mục đích của việc Phúc Âm hóa chính là
sự thay đổi bên trong. Giáo Hội cùng lúc tìm cách hoán cải lương tâm cá
nhân và tập thể của con người, hoán cải những sinh hoạt trong đó con người đang
dấn thân và hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ. Những khu vực nhân
sinh đang được biến đổi, cho nên đối với Giáo Hội, vấn đề không phải chỉ là rao
giảng Tin Mừng nơi những vùng địa dư càng ngày càng mở rộng hoặc cho những nhóm
dân ngày càng đông, nhưng phải ảnh hưởng tới, và nếu cần dùng sức mạnh của Tin
Mừng mà đảo lộn những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị nhân đạo, những bận
tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống
của nhân loại, khi những điều ấy ngược lại với Lời Chúa và chương
trình cứu độ. Cần phải Phúc Âm hóa văn hóa và các nền văn hóa của nhân loại,
không phải theo cách để trang hoàng như một nước sơn bên ngoài, nhưng một cách
sống động ở chiều sâu đến tận gốc rễ, trong ý nghĩa phong phú và rộng rãi mà
các từ này có trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng Gaudium et Spes, chúng bao giờ cũng phát xuất từ chủ thể của
con người và bao giờ cũng trở lại với những tương quan của các chủ thể với nhau
và với Thiên Chúa.[8]
Hiện
nay, nhiều nhà Kinh Thánh có khuynh hướng chuyển từ Phúc Âm thành từ ngữ Tin Mừng
cho đúng với ý nghĩa của từ Evangelium
trong tiếng Latinh. Vì thế, việc Phúc Âm hóa được gọi bằng một danh xưng khác
và đúng hơn là việc Tin Mừng hóa.
Truyền giáo hay việc Tin Mừng
hóa là hai mặt của việc loan báo Tin Mừng. Truyền giáo gợi lên cho ta các hình
thức hoạt động bên ngoài, còn Tin Mừng hóa lại nhấn mạnh đến sức sống bên
trong, cả hai bổ túc cho nhau và cần đến nhau. Quả thế, người ta chỉ có thể gia
nhập Hội Thánh Chúa, lãnh nhận các Bí tích, nếu người ta thấm nhuần men
Tin Mừng; vả lại cho dù cho người ta đã nhận lãnh các Bí Tích nhập đạo thì việc
sống Tin Mừng vẫn là việc cần làm liên lỉ. Do đó, sứ vụ truyền giáo, tức là “mang Chúa Kitô
làm quà tặng, trao tặng anh chị em của mình”, có một tầm quan trọng vì
nó nói lên cả một nền tảng của đức tin, của cả dòng lịch sử Kitô giáo, của niềm
hãnh diện và say mê có giá trị hàng ngàn năm mà Giáo Hội đã, đang và sẽ còn cưu
mang và sống. Sứ vụ truyền giáo chính niềm hạnh phúc tuyệt diệu vì được tiếp
nối bước chân Chúa Kitô và Giáo Hội đã thể hiện Nước Thiên Chúa ngay tại trần
gian. Vì lẽ đó, khi nói loan báo Tin Mừng, một mặt nào đó cũng nói đến việc
truyền giáo; còn khi nói đến truyền giáo thì hiểu đó là một phần của việc loan
báo Tin Mừng.
Sứ vụ truyền giáo
của Giáo Hội
Đức Giêsu trong cuộc đời dương thế của Ngài không ngừng mời
gọi những người tin và những người chưa tin đón nhận Tin Mừng cứu độ. Như Chúa
Cha sai Con của Người thế nào, thì Chúa Con cũng sai các Tông đồ như vậy (x. Ga
20,21) khi Người phán: “Vậy các con hãy
đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ
vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thế”[9]. Lệnh truyền ấy, lệnh
truyền mà Chúa Kitô đã long trọng truyền cho các tông đồ để các ngài rao giảng
chân lý cứu rỗi cho mọi người và mọi thời. Giáo hội Công Giáo đã nhận lãnh lệnh
truyền đó từ các Tông đồ để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa trên toàn cõi
đất (x. Cv 1,8). Giáo Hội xem việc truyền giáo như căn tính của mình vì như
thánh tông đồ Phaolô nói: “ Khốn thân tôi,
nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”[10]. Vì thế Giáo hội không
ngừng gửi sứ giả Phúc âm cho đến khi các Giáo hội trẻ được trưởng thành hoàn
toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Phúc âm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo
hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa... Bằng việc
rao giảng Phúc âm, Giáo hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức
tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thanh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự
lầm lạc, tháp nhập họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi
trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn”.[11]
“Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính
Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của
Thiên Chúa Cha”[12].
Sách Công Vụ Tông Đồ đã chứng minh điều đó, khi cho thấy những bước chân lên
đường không mệt mỏi, không sợ sệt, không đầu hàng nghịch cảnh, bất chấp sự
chống đối của thế gian, sự cô đơn khi phải đối diện với sứ mạng nặng nề của
mình.
Truyền giáo là niềm đam mê của Đức Giêsu và cũng là niềm
đam mê đối với Giáo Hội. Tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu của Đức
Giêsu mở rộng ra để ôm ấp dân Người đã chọn và toàn thể loài người. Ngài còn
muốn dùng những Kitô hữu như khí cụ để lôi kéo dân Ngài và tất cả những ai
thành tâm thiện chí đến để tìm kiếm và gặp gỡ Ngài (x. ibid., 268). Lệnh truyền
của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần”[13] hướng trực
tiếp đến sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Mọi thành viên của Giáo Hội
được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình. Một cách đặc
biệt, những người nam người nữ thánh hiến được mời gọi lắng nghe tiếng nói của
Thánh Thần, Đấng kêu gọi họ đi ra các vùng ngoại biên, đến với những người chưa
được nghe rao giảng Tin Mừng.
Vì thế, sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội đặt tâm điểm nơi Ðức
Kitô, Ðấng đã được Chúa Cha sai đến trong thế gian, và lấy sứ mệnh của Ngài làm
định hướng cho sứ vụ của mình. Thánh Phaolô, nhà truyền giáo cho dân ngoại, đã
từng thốt lên “tôi vui lòng tiêu phí tiền
của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của mình vì các linh hồn...”[14]. Do vậy, rao giảng Tin
Mừng trước tiên là phải sống theo Tin Mừng, có thế nhà truyền giáo mới được
nhìn nhận là hiện thân của Tin Mừng, mới có được sức thu hút người khác đến với
Tin Mừng, đến với Ðức Kitô.
Là chứng nhân của Ðức Kitô, nhà truyền giáo trong Giáo Hội
cần sống linh đạo lấy Ðức Kitô làm trung tâm đời mình, sống kinh nghiệm về Ðức
Kitô. Thật vậy, duy chỉ tình yêu say mê
đối với Ðức Kitô mới có sức thúc giục người yêu mến Ngài gắng công làm cho
người khác yêu mến Ngài; ai không yêu thì cũng không hiểu được tại sao phải làm
cho người khác yêu Ngài. Ai thực sự yêu mến Ðức Giêsu thì sẽ không bị lung lay
trên bước đường truyền giáo. Vì lẽ, trọng tâm của linh đạo truyền giáo là “nhận biết tình thương của Ðức Kitô, là tình
thương vượt quá sự hiểu biết”[15].
Vì vậy, sứ vụ truyền giáo rốt cuộc chỉ là nỗ lực “thông đạt cho người khác kinh
nghiệm của mình về Ðức Kitô”[16]. Thiếu kinh nghiệm ấy,
thì lời giảng của nhà truyền giáo chỉ là thanh la xèng xèng.
Sứ vụ truyền giáo
nơi những người sống đời thánh hiến trong Giáo Hội
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích:
Bởi bản tính, ơn gọi thừa sai phát sinh từ ơn gọi nên thánh. Một thừa
sai chỉ đích thực là thừa sai nếu biết cố gắng tiến bước trên đường thánh
thiện. Thánh thiện là điều kiện tiên quyết, cơ bản và không thay thế được để
thực hiện sứ mạng cứu độ của Giáo hội. Ơn gọi phổ quát để nên thánh có quan hệ
chặt chẽ với ơn gọi thừa sai… Linh đạo truyền giáo của Giáo hội là một đường
lối dẫn đến thánh thiện. Nhiệt huyết truyền giáo cho lương dân đòi hỏi phải có
những thừa sai thánh... Vì thế, cần phải gợi lên giữa các thừa sai và trong
toàn cộng đồng Kitô một lòng hăm hở mới, hăm hở trở nên thánh”.[17]
Quả thật, linh đạo truyền giáo
là con đường tiến đến con đường nên thánh. Tông
huấn Vita Consecrata viết:
Suốt dòng
lịch sử, nhiều người được thánh tẩy đã được mời gọi sống cuộc đời giống hình
ảnh Chúa Kitô. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ một ơn gọi đặc biệt
và nhờ một ân huệ đặc biệt của Thánh Linh triệt để khi bước theo Đức Kitô, sequela Christi, bằng việc thực thi các
lời khuyên Tin Mừng.[18]
Ân huệ này được hiểu là đặc sủng của Thánh Linh ban cho
những người sống thánh hiến trong Giáo Hội để họ có khả năng gắn bó đời mình
cách sâu đậm hơn với Đức Kitô và để họ phục vụ Giáo Hội. Do đó, linh đạo đời
sống thánh hiến là con đường Thánh Linh hướng dẫn để giúp cho những người sống
đời thánh hiến nên thánh dễ dàng hơn.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nối kết
hai linh đạo này lại với nhau trong lời nhận xét rất hay rằng:
Các đặc
sủng trong Giáo hội không phải là một di vật được cất giữ an toàn và được ủy
thác cho một nhóm nhỏ để cất giữ; đúng hơn, chúng là những ân huệ được Thánh
Linh tháp nhập vào thân thể Hội Thánh, được kéo về trung tâm là Đức Kitô và rồi
được truyền vào động lực truyền giáo.[19] Chính Thánh Linh là nguồn
phát sinh đặc sủng đời sống thánh hiến thì chính Ngài cũng lôi kéo những người
sống đời thánh hiến dấn thân vào con đường truyền giáo.
Một đặc tính của sứ vụ truyền giáo, đó là lòng “khát khao
phần rỗi các linh hồn”, coi việc mở rộng Nước Chúa là “cái cần thiết duy nhất”
và sẵn sàng bỏ mọi sự vì mục đích ấy. Ðiều này hoàn toàn phù hợp với lý tưởng
của đời sống tu trì thánh hiến. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết:
Nhiệm vụ
đầu tiên mà ta phải nhiệt tâm đảm nhận là loan báo Đức Kitô cho mọi người.
Nhiệm vụ này phụ thuộc nhất là những người thánh hiến nam nữ đang dấn thân mang
sứ điệp đến cho số đông những người chưa biết Chúa. Sứ vụ này đang chỉ ở bước
đầu, và chúng ta phải tận lực dấn thân để thực hiện.[20]
Thêm nữa, Đức Gioan Phaolô II còn chỉ ra rằng:
Lòng nhiệt
thành truyền giáo được chứng thực qua việc vươn tới cách cam đảm những dân tộc
đang trông chờ được nghe công bố Tin Mừng lần đầu tiên. Có lẽ hơn bao giờ hết,
vào thời buổi mà các hội dòng đang trải qua sự sa sút về số lượng, lại thấy
nhiều cơ sở được thành lập. Trong khi tìm kiếm trong các dấu chỉ của lịch sử
một lời đáp trả cho các mong chờ của nhân loại, vài sáng kiến và liều lĩnh được
Tin Mừng gợi hứng đã thôi thúc các người thánh hiến nam nữ đi đến những nơi khó
khăn, dù có gặp phải rủi ro hay hy sinh mạng sống.[21]
Để nhấn mạnh hơn nữa việc loan truyền Tin Mừng, nghĩa là
loan báo Đức Kitô cho muôn dân, Tông huấn Vita
Consecrata viết:
Khi người ta yêu mến Thiên Chúa, Đấng là Cha của mọi người,
thì người ta không thể không yêu mến đồng loại, nhận ra họ là anh chị em của
mình. Vì vậy, khi thấy nhiều người chưa được biết tình yêu Chúa tỏ bày trọn vẹn
trong Đức Kitô thì người ta không thể ngồi yên. Chính từ chỗ đó mà, vâng lệnh
Đức Kitô, xuất phát phong trào truyền giáo cho dân ngoại- Ad Gentes- mọi Kitô
hữu có ý thức đều chia sẻ với Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Nỗi thao
thức này được nuôi dưỡng đặc biệt nơi các người tận hiến, dù là thành viên tu
hội chiêm niệm hay hoạt động. Thật vậy, các người tận hiến phục vụ sứ mạng làm
cho Đức Kitô khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, cầu nguyện và truyền giáo được
hiện diện ngay cả giữa những người không phải là Kitô hữu. Tuy vẫn trung thành
gắn bó với đoàn sủng riêng, nhưng bởi vì được tận hiến cho Thiên Chúa nên họ có
thể cảm thấy được đặc biệt thúc đẩy cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo
Hội.[22]
Thách đố của sứ
vụ truyền giáo và động lực cho người sống thánh hiến ngày nay
Thách đố của những người sống đời thánh hiến hiện nay
Có thể nói để sống sứ vụ truyền giáo trong đời sống thánh
hiến không phải là điều đơn giản. Người tu sĩ có thể đi đến thái cực khi hoặc
là quá nhấn mạnh đến chiều kích hoạt động mà bỏ quên chiều kích chiêm niệm,
hoặc là quá nhấn mạnh đến chiều kích chiêm niệm mà lờ đi việc loan báo Tin
Mừng. Để có thể cân bằng hai chiều kích này, người sống đời thánh hiến cần đào
sâu hơn căn tính đời tu. Quả thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định:
Chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều
người hoạt động mục vụ, gồm cả những người sống đời thánh hiến, nam cũng như
nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ
coi công việc của họ chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần
thuộc căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng liêng trở nên bị đồng hóa với
một ít việc thực hành tôn giáo có thể đem lại một sự an ủi nào đó chứ không
khuyến khích gặp gỡ người khác, dấn thân vào thế giới hay một niềm say mê Tin
Mừng.[23]
Để giúp người sống đời thánh hiến không rơi vào các thái
cực, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh:
Mặc dầu các hoạt động tông đồ đa dạng của các con có cực kỳ
quan trọng mấy đi nữa, thì hoạt động tông đồ thực sự cơ bản vẫn luôn luôn là
cái mà các con là, căn tính của các con trong Hội Thánh. Mỗi người trong các
con có thể nhắc lại những lời này của thánh Tông đồ: “Quả vậy, anh em đã chết, và sự sống của anh em đã được giấu ẩn với Đức
Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Và đồng thời sự kiện “được giấu ẩn với Đức
Kitô trong Thiên Chúa” cho phép áp dụng vào các con những lời của chính Thầy
chí thánh: “Ánh sáng của anh em phải chói
lọi trước mặt thiên hạ, ngõ hầu họ thấy việc lành anh em làm mà ngợi khen Cha
của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16)”.[24]
Chủ thuyết tục hóa cũng là một thách đố không nhỏ cho việc
loan báo Tin Mừng. Chủ thuyết tục hóa mà con đẻ của nó là sự tầm thường hóa các
giá trị thiêng liêng đang đe dọa đến niềm tin của những ai sống đời thánh hiến.
Thay vì sống theo các giá trị Tin Mừng, nhiều người sống đời thánh hiến đang
dần dần chạy theo những ý thức riêng về chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối
và chủ nghĩa hưởng thụ. Những chủ thuyết này khiến các tu sĩ đóng kín mình
trước những thách đố và đòi hỏi của việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Trong tông
huấn Vita Consecrata, Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã chỉ ra ba thách đố lớn của đời sống thánh hiến: thách đố đầu
tiên đến từ một nền văn hóa hưởng thụ- liên quan mật thiết đến lời khuyên khiết
tịnh; thách đố thứ hai đến từ một chủ thuyết vật chất thèm khát chiếm hữu- liên
quan mật thiết đến lời khuyên khó nghèo; và thách đố thứ ba phát sinh từ những
quan niệm về tự do- liên quan mật thiết đến lời khuyên vâng phục[25]. Thật vậy,
Cách suy nghĩ và lối sống của các tu
sĩ làm việc trong môi trường bị tục hóa, đặc biệt khi tác vụ được hiểu đơn
thuần là một nghề, một công tác hơn là đang thi hành sứ vụ truyền bá Tin Mừng,
đôi khi đã làm lu mờ thực tại thánh hiến và chiều kích siêu nhiên của đời tu,
đến nỗi đời sống huynh đệ cộng đoàn đối với một số người đã trở thành chướng
ngại vật cho hoạt động tông đồ, hoặc chỉ là một công cụ có tính cách chức năng.[26]
Một thách đố lớn nữa cho sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi những
người thánh hiến chính là sự nguội lạnh thiêng liêng. Nhiều tu sĩ quá nhấn mạnh
đến sự tự do bản thân nên coi việc loan báo Tin Mừng như một điều nguy hại cho
tự do cá nhân của mình. Không tìm thấy niềm vui trong việc loan báo Tin Mừng,
nhiều tu sĩ đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng. Đây là một
điều rất nguy hiểm cho đời sống thánh hiến. Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI khi
còn là Hồng Y đã viết rất hay như sau: “Chủ
nghĩa thực dụng màu xám của đời sống hằng ngày của Giáo Hội, trong đó mọi sự có
vẻ diễn tiến bình thường, nhưng trên thực tế đang hao mòn dần và rơi xuống tình
trạng thiển cận”[27].
Sự nguội lạnh thiêng liêng từ từ biến người tu sĩ trở thành những cái vỏ bọc
chứ không còn trở nên chứng nhân cho Tin Mừng cứu độ.
Động lực: Vượt lên thử thách và hướng đến sứ vụ loan báo
Tin Mừng
Tất cả những điều trên là một thách đố lớn cho những người
sống đời thánh hiến trong sứ vụ truyền giáo. Để có thể chu toàn sứ mạng này,
những người sống đời thánh hiến được mời gọi sống các lời khuyên Tin Mừng cách
mãnh liệt hơn, đồng thời sống chứng tá Tin Mừng cách cụ thể qua đời sống huynh
đệ yêu thương nơi cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn là nguồn trợ lực lớn lao cho
việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thật thế, đời sống huynh đệ trong cộng
đoàn và sứ vụ có mối liên hệ khăng khít với nhau:
Đời sống huynh đệ không phải là “bổ túc” cho sứ vụ của cộng
đoàn tu trì, nhưng là một yếu tố nòng cốt. Đời sống huynh đệ cũng quan trọng
như đời sống tông đồ. Vì thế, không thể viện lẽ những nhu cầu của việc phục vụ
tông đồ để chấp nhận hay biện minh cho sự khiếm khuyết đời sống cộng đoàn. Hoạt
động của tu sĩ phải là hoạt động của người sống trong cộng đoàn, và chu toàn
hoạt động đó với tinh thần của cộng đoàn bằng lời nói, hành động và gương sáng.[28]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết:
Một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới đang mở ra dưới ánh
sáng của Đức Kitô. Nhưng không phải mọi người đều thấy được ánh sáng này. Nhiệm
vụ phi thường và cấp bách của chúng ta (những người sống đời thánh hiến) là
“phản chiếu” ánh sáng đó… Đó là một nhiệm vụ dễ làm ta thối chí, nếu chúng ta
băn khoăn về sự yếu kém của con người chúng ta, vốn thường làm cho chúng ta trở
nên mờ đục và tràn ngập bóng tối. Tuy nhiên, chúng ta có thể chu toàn nhiệm vụ
ấy được nếu chúng ta quay về với ánh sáng của Đức Kitô và mở rộng tâm hồn để
đón nhận Ân huệ biến đổi chúng ta thành thụ tạo mới.[29]
Vì vậy, cho dẫu những người tận hiến có gặp phải những
thách đố nào đó trong sứ vụ mang Đức Kitô đến cho mọi người, nhưng nếu họ biết
mở ra cho sức mạnh của Thánh Thần, họ có thể biến Chronos thành Kairos, tức
là biến những thời gian thông thường thể lý này trở thành một thời điểm ân
sủng.
Kết luận
Người truyền giáo đích thực thì say mê Tin Mừng. Thánh
Phaolô nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không
rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Tin Mừng là nguồn mạch niềm vui, sự giải
phóng và cứu độ cho mọi người. Giáo Hội ý thức được hồng ân này, vì thế Giáo Hội
không ngừng công bố cho mọi người “điều
đã có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, và chúng tôi đã tận mắt chứng kiến” (1
Ga 1,1). Sứ mạng của các nhà truyền giáo là giúp cho mọi người, không trừ một
ai, được đi vào mối tương quan mật thiết với Đức Kitô. Trong toàn thể các phạm
vi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, mọi tín hữu được kêu gọi sống trọn vẹn
sự cam kết mà họ đã tuyên xưng trong bí tích Thánh Tẩy, phù hợp với hoàn cảnh
riêng của mỗi người. Thế nhưng, những người sống đời thánh hiến bằng một nếp
sống cầu nguyện và kết hợp sâu xa với Chúa và hy tế cứu độ của Người đáp ứng
lại sứ vụ truyền giáo này cách quảng đại hơn.
Ngày nay, việc truyền giáo của Giáo Hội đang đứng trước
thách thức của việc đáp ứng các nhu cầu của mọi người về nhân phẩm, công bình
và tự do; đồng thời Giáo hội còn có trách nhiệm bảo vệ những giá trị của các
nền văn hoá khác nhau. Những chứng tá của đời sống thánh hiến có chức năng như
men, như muối thấm sâu vào lòng nhân loại để một ngày nào đó làm cho các giá
trị Tin Mừng thể hiện sâu sắc nơi những người tin và những người chưa nhận biết
Chúa. Họ giúp mọi người khám phá mầu nhiệm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và mời
gọi con người đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu, Đấng là ánh sáng và sức mạnh đem
đến sự biến đổi cho toàn diện và tận căn cho con người.
Những người sống đời thánh hiến, nhờ các lời khuyên Tin
Mừng, được chọn theo Đức Kitô để phục vụ mọi người, đặc biệt những người chưa
tin, chưa biết và chưa nghe được nghe Tin Mừng cứu độ, cách vô vị lợi. Bằng
việc sống giống như người nghèo giữa những bất trắc của đời sống hằng ngày và
từ khước mọi đòi hỏi về quyền lực, họ đem lại cho nhân loại ngày nay chứng tá
sống động về niềm vui của Tin Mừng và một dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Lại
nữa, như là những chứng nhân của Đức Kitô và dấu chỉ tình thương của Chúa Cha,
những người sống đời thánh hiến được kêu gọi cổ vũ sự hiện diện của các giáo
dân trong việc phục vụ hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Vì vậy, đời sống
thánh hiến không loại trừ sứ vụ truyền giáo; mà trái lại, qua việc sống yêu
thương huynh đệ hiệp thông, những người sống đời thánh hiến còn thúc đẩy nhiều
hơn nữa công tác truyền giáo của Giáo Hội.
[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giảng ngày Chúa
nhật Quốc tế Truyền giáo hôm 20.10.2000: Con
Người hiến mạng sống làm giá chuộc, số 2.
[2] Vaticanô II, Hiến chế
tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, số
2.
[3] Vatican II, Sắc lệnh về Hoạt
động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad
Gentes, số 9; ĐGH
Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris
Missio, số 41.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giảng ngày Chúa
nhật Quốc tế Truyền giáo hôm 20.10.2000.
[7] Mt 28,16.18-20
[9] Mt 28,19-20
[10] 1 Cr 9,16
[11] Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, số 17.
[12] Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, số 2.
[13] Mt 28,19
[14] 2 Cr 12,15
[15] Ep 3,19
[18] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu
thượng hội đồng giám mục về Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata, số 14.
[19] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 130.
[21] ĐGH Gioan Phaolô II, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, bản tiếng
Anh “Starting afresh from Christ”, số
9.
[22] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu
Thượng Hội đồng Giám mục về Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata, số 77.
[23] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 78.
[25] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu
thượng hội đồng giám mục về Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata, số 88-91.
[26] Bộ các Hội dòng Thánh hiến và Tu đoàn Tông
đồ, văn kiện Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn Congregavit nos in unum Christi amor, số 5c.
[27] J. Ratzinger, The Current Situation of Faith and Theology. Giảng huấn tại Hội nghị
các Chủ tịch các Ủy Ban Giám Mục Châu Mỹ latinh về Giáo Lý Đức Tin,
Guadalajara, Mexico, 1996. Bản dịch tiếng Anh trong L’Osservatore Romano, Ấn bản tiếng Anh, 6.12.1996.
[28] Bộ các Hội dòng Thánh hiến và Tu đoàn Tông
đồ, văn kiện Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn Congregavit nos in unum Christi amor, số 55.
Đăng nhận xét