Lời Khấn Vâng Lời Trong Tương Quan Với Sứ Mạng Tông Đồ Của Những Người Thánh Hiến


Việc sống đời Tuân Phục bày tỏ một nét đẹp đặc biệt:
họa lại cách sinh động con người Đức Kitô
“là Đấng vừa được thánh hiến cho vinh quang của Chúa Cha, vừa được sai đến với thế gian nhằm cứu độ anh chị em mình” (Vita Consecrata, số 72).
Duy Linh, OP.

Theo tinh thần của tông huấn Vita Consecrata, đời sống tu trì tiên vàn là một sứ vụ, bởi lẽ người tận hiến “được sai đi” do chính sự thánh hiến của mình, người ấy làm chứng cho sứ mạng theo lý tưởng của tu hội mình (số 72). Vì thế, không chỉ riêng những tu sĩ thuộc các dòng hoạt động, nhưng cả những đan sĩ gắn bó suốt cả đời mình trong bốn bức tường kín của đan viện, đều phải có trách nhiệm “lên đường”. Sứ mạng làm chứng tá cho Tin mừng Đức Kitô không chỉ hệ tại nơi những công tác tông đồ, nhưng còn nằm ở lối sống của người môn đệ Đức Kitô nữa. Có một câu nói nổi tiếng của Đức Phaolô VI vẫn hay được dùng để nhắn nhủ những người đi làm công tác tông đồ: ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy. Quả thực, lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Do vậy mà nhiều người vẫn chuộng phương pháp trình bày “cái đẹp” hơn là “cái đúng” hoặc “cái cần”. Bài viết này xin được trình bày nét đẹp của lời khấn Vâng lời trong sứ mạng tông đồ của người thánh hiến.
Được thánh hiến để lên đường[1]
Nếp sống tru trì có thể nói được phân thành hai mảng: “chiêm niệm” (đời sống đan tu của các ẩn sĩ và đan sĩ), và “hoạt động” (phụng sự Thiên Chúa qua các hoạt động như phục vụ bệnh nhân, các công tác từ thiện, truyền giáo); vì thế nhiều người sẽ nghĩ rằng sứ mạng tông đồ chỉ dành cho những hình thức tu trì mang tính “hoạt động”.
Công đồng Vaticano II xác định: tất cả các dòng tu đều mang tính cách chiêm niệm và tông đồ (x. Perfectae Caritatis các số 2,5,6), tuy rằng một số dòng dấn thân hoàn toàn vào việc chiêm niệm (x. Perfectae Caritatis, số 7), và một số dòng dấn thân vào công tác tông đồ (x. Perfectae Caritatis, số 8).
“Đời sống tông đồ” (vita apostolica) có nghĩa là đời sống họa theo nếp sống của các thánh tông đồ. Từ ngữ “tông đồ” trong tiếng Hán-Việt nói lên ý tưởng của những người môn đệ của Chúa Kitô: nhóm mười hai được tuyển chọn từ số các môn đệ (Lc 6,13). Tuy nhiên, trong nguyên ngữ Hylạp, danh từ apostolos bao hàm một ý tưởng khác, đó là “sứ giả” (nghĩa là người được phái cử, sai đi).
Khi chuyển sang tiếng Latin, các cụm từ apostolellô, apostolos có khi mang nghĩa chuyên môn được chuyển âm thành apostolus (tông đồ, sứ đồ), ám chỉ những chứng nhân ưu tuyển cho Chúa Phục sinh và lãnh đạo Hội thánh; có khi mang nghĩa chung, và được dịch thành missio, missus (thừa sai, truyền giáo, sứ vụ, sứ mạng).
Vậy có mối liên hệ gì giữa đời sống tu sĩ với những công tác “tông đồ”, “truyền giáo” không ? Nếu hiểu tiếng “tông đồ” theo nghĩa chuyên môn, thì các tu sĩ đã hiểu thuật ngữ “đời sống tông đồ” theo nhiều nghĩa: từ bỏ thế gian để đi theo Chúa (Mt 19,21); từ bỏ tài sản riêng để gia nhập cộng đoàn các môn đệ (Cv 2,44-45); sống đồng tâm nhất trí trong cộng đoàn (Cv 4,32-35); rao giảng Tin mừng trong tư thế siêu thoát (Mc 6,6-13; Mt 10,7; Lc 10,1-16). Nếu hiểu missio theo nghĩa “truyền giáo” thì trong quá khứ ít khi thấy các tu sĩ nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ với ơn gọi của mình. May thay, nhờ những cuộc trở về với nền tảng Kinh Thánh, thần học đã nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa hai ý niệm “thánh hiến và sai đi”: Thiên Chúa tuyển chọn thánh hóa một người nào đó bởi vì Ngài muốn trao cho họ một sứ mạng.
Nói một cách cụ thể hơn, sứ mạng của các tu sĩ là làm chứng tá cho Đức Kitô. Đây chính là trọng tâm của “truyền giáo”. Quả vậy, việc truyền giáo không phải là tuyên truyền cho một ý thức hệ hay một triết thuyết, nhưng rao truyền Đức Kitô. Làm sao để cho người khác tiếp xúc được với Đức Kitô ? Chắc hẳn không chỉ bằng đạo lý, nhưng là bằng gương mẫu sống động. Đây chính là sứ mạng của các tu sĩ: họ càng trở nên giống Chúa Kitô bao nhiêu, thì càng làm cho Chúa hiện diện giữa trần thế bấy nhiêu. Vì vậy, như lời khẳng định của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Vita Consecrata:
Sứ mạng là thiết yếu cho mọi tu hội, không những cho những tu hội hoạt động tông đồ mà còn cho cả những tu hội chiêm niệm nữa. Thật vậy, trước khi được thể hiện bằng những công việc bề ngoài, sứ mạng cốt ở việc làm cho chính Đức Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân. Đó là thách đố, đó là mục đích đầu tiên của đời thánh hiến ! Càng để cho mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, người tận hiến càng làm cho Người hiện diện và hành động trong thế giới, để cứu độ nhân loại (số 72).
Vâng lời để nên giống Đức Kitô
Đối với những người sống đời thánh hiến, việc thực hành ba lời khuyên phúc âm Vâng Phục, Khiết Tịnh, Nghèo Khó được coi như là những yếu tố làm cho đời sống của họ phân biệt với đời sống của người giáo dân. Ba lời khấn dòng được coi như là yếu tố cấu tạo của đời tu trì. Cách đặc biệt, lời khấn vâng lời của người tu sĩ tự nó bày tỏ cho người khác một hình ảnh sống động về Đức Kitô; chính Đức Giêsu khi xuống trần gian thi hành thánh ý Chúa Cha cũng đã sống trọn vẹn phận vị Người Con qua thái độ Vâng Lời: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).
Khi chọn đời sống tu trì, tức là đi theo Đức Kitô, người môn đệ của Đức Kitô đích thực phải là người trở nên giống Thầy mình; đó là một Đức Kitô vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Thư gửi tín hữu Hípri đã quảng diễn lời Thánh vịnh 40 khi Đức Giêsu bước vào trần gian: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,5-7). Chính nhờ sự vâng phục mà Đức Kitô đã nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời (Hr 5,8-9).
Dọc theo các trình thuật Phúc âm, ta có thể thấy cuộc đời của Đức Giêsu là một hành trình vâng phục thánh ý Chúa Cha: từ lúc thiếu thời ở Nazarét, Người đã thao thức với những công việc mà Cha ủy thác (Lc 2,49), rồi đến khi bị ma quỷ cám dỗ trên sa mạc muốn phá đổ kế hoạch của Chúa (Lc 4,8) cho tới lúc bị thử thách trong vườn Cây dầu (Lc 22,42), Đức Kitô luôn lấy thánh ý Chúa Cha làm lẽ sống cho mình (Ga 5,30; 6,38; 12,27-28; 17,4). Thánh Phaolô đã tóm lại tất cả cuộc đời dương thế của Đức Kitô như thế này: “Người đã vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,8).
Từ gương sống đó, ta cũng hiểu được yêu sách mà Đức Kitô đặt ra cho những ai muốn theo Người. Người muốn cho họ không phải chỉ dạ vâng ngoài miệng nhưng thực sự thi hành thánh ý Cha trên trời (Mt 7,21). Và hơn ai hết, người tu sĩ khi tuyên khấn vâng lời bề trên, vị đại diện của Thiên Chúa, là họ đặt lý tưởng đời mình nơi việc đi theo và bắt chước Đức Kitô, họ muốn cố gắng họa sát sự tuân phục mà Người đã sống và đã dạy: vâng phục vì thảo hiếu với Chúa Cha, vâng phục vì phục vụ Nước Trời.
Như vậy có thể nói rằng khi sống trọn vẹn lời khấn Vâng lời, người tu sĩ sẽ nên giống Đức-Kitô-Vâng-Phục-Chúa-Cha trong sứ mạng mang ơn cứu độ cho thế giới. Lời khấn đó không phải chỉ là chuyện riêng của người tu sĩ với bề trên của mình, nhưng sức ảnh hưởng của nó có tầm mức lan rộng, tức là làm chứng cho người khác về một Đức Kitô Cứu Độ.
Lời khấn Vâng lời trong tương quan với công tác tông đồ
Bên cạnh chiều kích hiến tế, tức là khi khấn vâng lời người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất của con người mình: ý chí tự do, quyền định đoạt về đời sống (x. ST, II-II, q.186, a.7); hầu nên giống và thông dự vào sự hiến tế của Đức Kitô: “Cha không nhận lễ toàn thiêu của chiên bò, thì này con đây con xin đến để làm theo ý Cha” (Hr 10,9); Lời khấn vâng phục của người tu sĩ còn bày tỏ một giá trị khác nữa rất liên hệ đến việc thực thi công tác tông đồ của mình, đó là giá trị nhân bản.
Chắc hẳn một tu sĩ đi hoạt động sứ vụ không bao giờ là người ra đi nhân danh mình, nhưng là nhân danh cộng đoàn. Sứ vụ của người tông đồ được nhận lãnh từ cộng đoàn; mà sứ vụ của cộng đoàn được nhận lãnh từ công hội; sứ vụ của công hội lại được khởi phát từ Đấng sáng lập; Đấng sáng lập lại được Giáo hội trao phó; và trên hết Giáo hội lại nhận lãnh sứ mạng từ chính Đức Kitô. Giáo hội luôn là thừa sai, và Giáo hội sinh ra thừa sai. Đức Kitô đã ban cho Giáo Hội lệnh truyền không bao giờ hết hiệu lực : “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Như vậy, theo tương quan hàng dọc, người tu sĩ ra đi làm chứng cho Tin mừng là lệnh truyền từ chính Đức Kitô; lệnh truyền này được thực hiện cách thống nhất qua thái độ Vâng phục mà người tu sĩ tuyên khấn với Bề trên của mình.
Như vậy, đối với những ai muốn thực thi công tác tông đồ trong Hội Thánh, sự vâng lời phải là thái độ tiên quyết; bởi vì các công tác cần được phối trí và ủy thác bởi những nhà cầm quyền Giáo Hội. Không ai được phép tự tiện coi sáng kiến riêng tư của mình như là hoạt động tông đồ nếu thiếu sự thông hiệp với Giáo Hội qua sự tuân phục những người lãnh đạo trong Giáo Hội.
Dù rằng người tu sĩ được mời gọi phải quay về với nội tâm của chính mình để kiếm tìm ý Chúa, vì trong Thiên Chúa mỗi người đều được Chúa dành cho một kế hoạch riêng biệt, không ai giống ai; nhưng trong lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa nhiều lần bày tỏ ý định của Người qua các ngôn sứ, qua cộng đoàn. Vì thế, nhờ sự vâng lời các người thay mặt Chúa trong Hội Thánh mà ta có thể tìm thấy ý của Chúa.
Lịch sử Giáo Hội đã cho ta thấy biết bao mẫu gương về sự tuân phục này: Henri de Lubac, nhà thần học vĩ đại của Vatican II, linh mục Dòng Tên và sau đó là Hồng Y của Giáo Hội; Yves Congar, linh mục Dòng Đa Minh, một trong các thần học gia sáng chói nhất của Công Giáo trong thế kỷ 20; Rosmini, một linh mục, một tư tưởng gia, một triết gia, một nhà chính trị học, một chính khách, một nhà ngoại giao, một văn sĩ, vị ngôn sứ của thế kỷ XIX; và còn nhiều nhân vật lỗi lạc khác nữa trong Giáo Hội. Các vị đã nêu cao chứng tá của lòng khiêm tốn Vâng phục Giáo Hội, dẫu phải chịu biết bao tủi nhục hiểu lầm. Thật đáng cho hậu thế ngưỡng mộ !
Tạm kết
Đối với người sống đời thánh hiến, việc sống đời kết hiệp với Thiên Chúa và ra đi làm công tác tông đồ cho tha nhân, việc học hành nghiên cứu hay giảng dạy thánh khoa, việc thăng tiến đời sống cộng đoàn hay phát triển xã hội con người ... hẳn nhiên không phải là những yếu tố tách rời, nhưng được liên kết mật thiết với nhau. Thánh Tôma Aquinô xác tín về ơn gọi của mình là: contemplari et contemplata aliis tradere (chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của việc chiêm niệm). Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, việc tuân thủ kỷ luật tu trì đều hướng về sứ mạng, chứ không chỉ là việc ở trong nhà. Cách riêng việc sống đời Tuân Phục bày tỏ một nét đẹp đặc biệt: họa lại cách sinh động con người Đức Kitô “là Đấng vừa được thánh hiến cho vinh quang của Chúa Cha, vừa được sai đến với thế gian nhằm cứu độ anh chị em mình” (Vita Consecrata, số 72), đồng thời Vâng Phục cũng đặt người tông đồ trong tương quan mật thiết với toàn thể Hội Thánh. Như vậy, giá trị của đời sống tông đồ không chỉ nằm ở những việc chúng ta làm được, nhưng khi việc hiến dâng của chúng ta cho Thiên Chúa càng đi vào nội tâm, lối sống cộng đoàn của chúng ta càng đậm tình huynh đệ thì đời tu càng có giá trị tông đồ.




[1] Xc. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, tập VI (Những hình thức tu trì Kitô giáo), trang 354-359

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn