Những người tận hiến
sẽ trở thành những nhà truyền giáo trước tiên bằng việc thường xuyên ý thức sâu
xa rằng
họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa,
nên phải quy hướng và dâng hiến cho Người
toàn thể cuộc đời của họ và tất cả những gì họ có,
bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại
làm trì trệ việc đáp trả trọn vẹn trong tình yêu.
(Vita consecrata,số 25).
họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa,
nên phải quy hướng và dâng hiến cho Người
toàn thể cuộc đời của họ và tất cả những gì họ có,
bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại
làm trì trệ việc đáp trả trọn vẹn trong tình yêu.
(Vita consecrata,số 25).
Pet. Võ Tá Đương, OP.
Chúng
ta đang sống những tháng cuối của năm Đời sống Thánh hiến, những ngày đầu trong
Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót Chúa, của Giáo hội hoàn vũ, và là những
tháng đầu tiên trong năm Phúc- Âm- hóa xã hội của Giáo hội Việt Nam. Đây quả là
một thời điểm rất đặc biệt đối với Giáo hội, với cộng đoàn và với từng người
chúng ta. Khoảnh khắc được gọi là “giao thời” này như là một cơ hội thuận tiện
để mỗi tu sĩ chúng ta “dừng chân”, nhìn về quá khứ với niềm tri ân để say mê sống
hiện tại và nhắm đến tương lai với niềm hy vọng.[1]
Thời điểm này rất thuận tiện để chúng ta suy niệm đề tài “Đời sống
Thánh hiến với sứ mạng tông đồ”. Để rồi qua đó, chúng ta tự vấn lương tâm mình
xem, chúng ta đã, đang và sẽ sống ơn gọi Thánh hiến như thế nào, thực hành linh
đạo và thi hành sứ vụ của Hội dòng mình ra sao? Tự vấn như thế để ta hâm nóng lại
tình yêu và nhiệt huyết ban đầu khi nhận ra và đáp lại tiếng gọi yêu thương của
Thiên Chúa, để tiếp bước cha anh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần, và
trong sự bảo trợ của các Đấng sáng lập dòng trong hành trình sống đời Thánh hiến
tu trì. “Tiếp bước cha anh”, chúng ta không bao giờ quên rằng, mình được tham dự
vào cuộc hành trình của tập thể đông đảo các vị tiền bối đã hiện diện, đã sống
và loan báo Tin Mừng trên quê hương Đất Việt này.[2]
Như thế, sứ mạng tông đồ của những người sống đời Thánh hiến là gì nếu không phải
là sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng, rao truyền lòng thương xót Chúa cho
con người thời đại, trong môi trường xã hội.
Tu sĩ
với những giá trị Tin Mừng
Chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại với sự phát triển không
ngừng của khoa học kỹ thuật, nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ
thông tin. Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, nhờ sự nối kết
internet, thế giới dường như được gói gọn lại trong một “ngôi làng”; chỉ cần một
cái click chuột trên bàn phím máy tính, điện thoại, là cả một thế giới hiện ra
trước mắt chúng ta… Những phương tiện đa năng phục vụ cho những nhu cầu cần thiết
của con người. Đời sống văn hóa của con người cũng nâng cao. Không phủ nhận những
tiện ích của phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay mang lại, nhưng chúng
ta cũng đã “mắt thấy, tai nghe” những hệ lụy của nó gây ra. Các giá trị đạo đức
và luân lý bị đảo ngược. Dường như xã hội hiện đại tạo nên một nền “văn minh”
ngờ vực; con người mất tin tưởng nhau, thế giới thiếu vắng tình yêu… Nhân loại
đang phải đối đầu với nền “văn minh của sự chết.”[3]
Trước bối cảnh xã hội như thế, người Kitô hữu nói chung, cách giới
tu sĩ chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho niềm tin Kitô giáo với những
giá trị cao quý của Tin Mừng. “Chính anh
em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. ánh sáng của anh em
phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em
làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”[4]
Đứng trước thực trạng của một xã hội mà con người muốn phủ nhận
Thiên Chúa và chạy theo những giá trị vật chất mau qua chóng tàn, chúng ta được
mời gọi “lội ngược dòng” để dấn thân xây dựng nền “văn minh sự sống và tình
thương” dựa trên những giá trị Tin Mừng, hầu trở nên chứng nhân cho toàn thể thế
giới về Nước trời, về tình yêu của và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho
con người qua mọi thời đại.[5]
Đời sống Thánh hiến của người theo Chúa Kitô là một lời chứng hùng hồn nhất cho
thế giới hôm nay về niềm vui đích thực, về hạnh phúc trọn vẹn và viên mãn. Bởi
vì “Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui.” Thật thế, chúng ta được kêu gọi để cảm
nghiệm và tỏ ra rằng, Thiên Chúa có thể làm tràn đầy con tim của chúng ta và
làm cho chúng ta hạnh phúc, mà không cần tới việc đi tìm nơi khác, hạnh phúc của
chúng ta, là tình huynh đệ đích thực được sống trong các cộng đoàn của chúng
ta, nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta.[6]
Niềm vui, niềm hạnh phúc và lý tưởng cao đẹp của các tu sĩ được kết
thành bởi việc tuyên khấn và tuân giữ những lời khuyên Tin Mừng, hiến thân phụng
sự Chúa và phục vụ tha nhân. Chính việc sống những lời khuyên Tin Mừng giúp
chúng ta dấn thân triệt để, tự nguyện bước theo Đức Kitô một cách mạnh mẽ, và kết
hợp với Thiên Chúa một cách sâu xa hơn trong đời sống Thánh hiến. Điều này,
Công đồng Vaticanô II đã khẳng định khi nói:
Đời sống tu trì giúp các tu sĩ bước theo Chúa Kitô và kết hợp với
Thiên Chúa qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, do đó, phải luôn nhớ rằng,
những thích nghi hoàn chỉnh với các nhu cầu hiện đại chỉ có thể tạo nên hiệu quả
khi tiếp nhận sinh khí từ việc canh tân đời sống thiêng liêng, đây là yếu tố phải
luôn được quan tâm trước nhất ngay cả khi phải gia tăng các hoạt động bên
ngoài.[7]
Việc thích nghi và sống đời tu trì trong bối cảnh xã hội hiện nay
quả thực là một thách đố lớn với các tu sĩ; sống các lời khuyên Tin Mừng, không
đơn giản chỉ là việc tuyên khấn công khai, nhưng là cả một hành trình để tiến
sâu hơn trong từng lời khuyên. Nhờ sống triệt để các lời Tuyên khấn, các tu sĩ góp phần điểm tô khuôn mặt rạng ngời thánh
thiện của Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không
vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.[8] Thật thế,
“nhờ việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm
trong Giáo Hội, các tu sĩ muốn thoát ly khỏi những ngăn trở có thể làm họ không
nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo; và họ tận hiến để phụng
sự Thiên Chúa cách thân tình hơn.”[9]
Nhờ triệt để sống và tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, các tu sĩ trở nên “nên đồng hình đồng dạng với Chúa
Kitô” trong ân sủng và tình yêu của Người.[10] Và, một
khi “Càng để cho mình nên đồng hình đồng
dạng với Chúa Kitô, người tận hiến càng làm cho Người hiện diện và hành động
trong thế giới để cứu độ nhân loại.”[11]
Quả thế, các lời khuyên Tin Mừng như là cột trụ nâng đỡ đời tu,
giúp các tu sĩ luôn khám phá được suối nguồn của niềm vui không hề vơi cạn và
luôn luôn mới. Đó là “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất
cả những ai gặp Chúa Giêsu.”[12]
Nhờ đó, các tu sĩ hân hoan ra đi loan báo Tin Mừng, thực thi sứ vụ tông đồ giữa
lòng thế giới.
Tu sĩ
với sứ vụ loan báo Tin Mừng
Chúa Kitô đã thiết lập Giáo hội với sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”[13]
Đây là sứ vụ lớn lao, cao cả mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho toàn thể Giáo hội. Hơn
hai ngàn năm nay, Giáo hội đã, đang và sẽ cố gắng trung thành thực thi sứ vụ
này dưới sự soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Khởi đi từ sứ vụ và lệnh truyền của Chúa Kitô, Công đồng Vatincan
II khẳng định rằng: “Tự bản tính, Giáo hội
lữ hành là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng cho muôn dân”[14]
Chính vì thế, loan báo Tin Mừng là mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội, và cũng
là bổn phận, là trách nhiệm của các Kitô hữu mọi nơi và mọi thời, không phân biệt
giới tính, bậc sống, tuổi tác hay hoàn cảnh xã hội. Điều này thánh Công đồng đã
xác định rõ ràng rằng, “Sứ vụ truyền giáo
đòi hỏi tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội đều được kêu gọi quy tụ vào một
đoàn duy nhất, và như thế họ có thể đồng lòng làm chứng về Chúa Kitô, Chúa của
họ, trước mặt muôn dân.”[15]
Ý thức được như thế, chúng ta cũng có thể thốt lên như thánh
Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao
giảng Tin Mừng.”[16] Sứ vụ này lại
càng khẩn thiết khi xã hội và con người đang lao xuống dốc với vận tốc quá
nhanh, khiến cho nhiều người mất phương hướng khi không biết hay không thể dừng
chân để suy nghĩ lại niềm hy vọng hay mục đích tối hậu của cuộc đời mình. Đức
thánh Cha Phanxicô khẳng định, Giáo hội
là “đi ra”. Đi ra tìm kiếm những người sa ngã, đến ngã ba đường và đón
chào những người sa ngã. Mở rộng vòng tay để ôm chầm lấy cuộc sống của nhân loại,
đụng chạm nơi những thân xác khổ đau của Chúa Kitô nơi người khác. Hay mang lấy
“mùi của chiên”.[17]
Công đồng Vatican II mời gọi tu sĩ mở ra với thế giới, chia sẻ với con người của
thời đại mọi niềm vui và nỗi buồn của họ, tham gia vào những hoạt động nhằm mưu ích cho người khác cách cụ thể và thực tiễn.
Các tu sĩ trở thành những con người dấn thân phục vụ tha nhân dưới mọi hình thức
và trong mọi lãnh vực. Tích cực góp phần xoa dịu những nỗi đau của đồng loại,
xây dựng một thế giới công bình và tốt đẹp hơn.[18]
Hơn nữa, những người sống đời thánh hiến tu trì càng cần ý thức về
sứ vụ tối hậu của mình để không dừng lại ở những kết quả của công việc, nhưng
tích cực tìm mọi phương thế để đem Chúa đến cho tha nhân và công bố Tin Mừng của
Chúa cho họ. Bằng việc đi đến với người khác, gặp gỡ, đối thoại, giúp đỡ và làm
việc với họ, các tu sĩ ý thức sứ vụ làm cho người ta có thể nhận ra được nơi
mình hình ảnh của một vị Thiên Chúa trắc ẩn, một Thiên Chúa quảng đại yêu thương,
một Thiên Chúa tha thứ và công bình, một Thiên Chúa của tất cả mọi người nhưng
đặc biệt đứng về phía những người nghèo và đau khổ, để đem đến cho họ chứng tá
về niềm vui của Tin Mừng và một dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa.[19]
Trong bối cảnh Việt Nam chúng ta hiện nay, các tu sĩ với đặc tính và linh đạo riêng của mỗi Hội dòng,
đã và đang dấn thân vào sứ vụ loan báo Tin Mừng trong hầu hết tất cả các lĩnh vực của xã hội như: mục vụ, văn hoá,
giáo dục, y tế, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, báo chí, truyền thông báo chí,
công tác xã hội, bác ái…và đã đạt được những thành quả nhất định theo mỗi thời,
mỗi giai đoạn và mỗi hoàn cảnh khác nhau. Khi dấn thân vào trong các lĩnh vực
khác nhau như thế, các tu sĩ, được mời gọi khôn khéo trong việc “hội nhập văn
hóa” để phù hợp từng lĩnh vực mà mình đang dấn thân, hầu có thể trở nên “mọi sự cho mọi người”, để niềm
vui Tin Mừng được lan tỏa tới mọi người.[20]
Như thế, loan báo Tin Mừng không nhất thiết phải rao giảng, nhưng
bằng cách sống Phúc Âm, làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình,
trong cộng đoàn, tại gia đình, trong giáo xứ, ngoài xã hội, bằng chính cuộc sống
thường ngày với lòng yêu mến và trong tình bác ái yêu thương. Nói khác đi, loan
Báo Tin Mừng chính là thực thi đức bác ái. Điều này càng gần gũi và thích hợp với
lý tưởng đời tu hơn, bởi lẽ, sống đời tu chính là “theo đuổi đức ái hoàn hảo” để
phục vụ nước Chúa và trở thành dấu chỉ rạng ngời, báo trước vinh quang thiên quốc.[21]
Đức ái không phải là một nhãn hiệu hay lời nói suông, nhưng phải được thể hiện
bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta. Đó
cũng là cách thế thích hợp để tu sĩ loan truyền lòng thương xót Chúa cho thế giới
hôm nay.
Tu sĩ
với sứ vụ rao truyền lòng Chúa thương xót
Chúa Kitô, hiện thân của tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa đối
với con người. Người đến trần gian để cho muôn người được nhận biết tình yêu cứu
độ của Thiên Chúa, ban ơn tha tội cho những ai tin vào Người, và làm cho muôn
người được sống và sống dồi dào trong ân tình của Người.[22]
Trước khi trở về bên Chúa Cha, Chúa Kitô đã ủy thách sứ vụ rao truyền lòng
thương xót Chúa cho Giáo hội, cho mọi thành phần Dân Chúa. Vì thế, trong Tự sắc
mở Năm Thánh Misericordiae Vultus
(Dung mạo Lòng Thương xót), Đức Thánh Cha
Phanxicô khẳng định rằng, Giáo hội được uỷ thác sứ mạng công bố lòng thương xót
của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, lòng thương xót ấy phải tìm
cách đi vào trái tim và tâm trí của mỗi con người. Đức Thánh Cha còn nói thêm rằng
ngôn từ và cử chỉ của Giáo hội phải mang theo lòng thương xót để chạm đến trái
tim của con người và thúc đẩy họ tìm lại con đường trở về với Chúa Cha.[23]
Trong lá thư ngày 01 tháng 9 năm 2015 gởi cho Đức Tổng Giám Mục
Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tái Truyền Giảng Phúc Âm, Đức
Thánh Cha mong muốn Năm Thánh là một cơ hội cho mọi Kitô hữu có được một cuộc gặp
gỡ đích thực với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và có một trải nghiệm
sống động trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Cha. Là những tu sĩ
trong Giáo hội, chúng ta được mời gọi kín múc nguồn mạch ân sủng và tình yêu
tuôn trào từ suối nguồn lòng thương xót Chúa, sống lòng thương xót trong cuộc sống
thường ngày; để rồi thực thi và rao truyền lòng thương xót Chúa cho con người
thời đại, bằng chính chứng từ cuộc sống của mình.
Như chúng ta biết, Năm Thánh Lòng Thương xót Chúa của Giáo hội
hoàn vũ trùng hợp với năm Phúc- Âm- hóa đời sống xã hội của Giáo hội Việt Nam
mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Sự trùng hợp này giúp ta hiểu và sống cách cụ thể
định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam. Tân Phúc- Âm- hóa đời sống xã hội
chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời
sống xã hội. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô
cảm, bất công, ma tuý, bạo lực, phá thai, tự tử..., mỗi người Công giáo, cách
riêng mỗi tu sĩ chúng ta phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền
văn minh tình thương và văn hóa sự sống.[24]
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy những bất công, xảo
trá, gian tà. Con người sống trong xã hội này đang còn phải đối diện với nhiều
bất công xã hội, thiếu công lý và hòa bình, thiếu tình thương và sự thật; họ phải
gánh chịu nhiều bất hạnh, khổ đau và đói khát. Đói khát lớn nhất là đói tình
thương. Thay vì phàn nàn, phê bình chỉ trích, giới tu sĩ chúng ta được mời gọi
đem tinh thần Tin Mừng thấm nhập mọi môi trường cuộc sống.[25]
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng, nếu không có những chứng nhân của lòng
thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống.[26]
Mỗi chúng ta, dù ở vai trò gì, địa vị nào, cũng được mời gọi trở
thành một ngọn nến nhỏ, mong thắp sáng cuộc đời tăm tối này. Nhiều ngọn nến nhỏ
sẽ làm thành vầng sáng lớn, nhiều cánh én sẽ làm nên mùa xuân, nhiều người thiện
chí sẽ làm cho cuộc đời bớt đi ảm đạm của tội lỗi và như thế, tình yêu thương sẽ
thắp sáng cuộc đời. Khi cố gắng nỗ lực thực thi những điều đó, là chúng ta thực
thi sứ mạng truyền giáo của người môn đệ Chúa Kitô, là chúng ta rao truyền lòng
Chúa thương xót cho con người thời đại.[27]
Là tu sĩ, chúng ta được mời gọi dấn thân vào sứ mạng rao truyền
lòng thương xót Chúa bằng những việc làm cụ thể, sống đúng chuẩn mực đạo đức của
con người, biết đồng cảm với mọi người: “Vui
cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc”[28];
nhạy bén với những nhu cầu thực tế của con
người, để quảng đại trao ban những gì chúng ta có cho họ, yêu thương, đỡ
nâng, an ủi và đồng hành người bị xã hội gạt ra bên lề, những người đang “vất vả,
mang gánh nặng nề” của cuộc sống, những người đang đối diện với thử thách, khổ
đau thể xác, tinh thần, những người lầm lỡ… hầu để phần nào xoa dịu vết thương
lòng của họ. Với ánh mắt và cái nhìn “chạnh lòng” như Chúa Kitô năm xưa,[29]
chúng ta cũng được mời gọi sống và thực thi lòng thương xót Chúa đi từ những
giá tri Tin Mừng trong môi trường xã hội hôm nay.
Như thế, ta thấy phẩm chất sứ vụ loan báo Tin Mừng, rao truyền
lòng thương xót Chúa của các Kitô hữu, cách riêng của những người nam và nữ tu
sĩ, là đáp lời mời gọi theo sát Chúa Kitô hơn trong việc thực thi đức ái trọn hảo,
rập khuôn những cử chỉ phục vụ yêu thương của Người, bắt chước sự dâng hiến và
hy sinh sự sống mình của Chúa Kitô, để tìm lại được sự sống.[30]
Tạm kết
Để kết thúc, người viết xin được trích lại lời của thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II nói về sứ mạng của những người sống đời Thánh hiến như sau:
Những người tận hiến sẽ trở thành những nhà truyền giáo trước tiên
bằng việc thường xuyên ý thức sâu xa rằng họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn
lựa, nên phải quy hướng và dâng hiến cho Người toàn thể cuộc đời của họ và tất
cả những gì họ có, bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại làm trì trệ việc
đáp trả trọn vẹn trong tình yêu. Như thế họ sẽ trở thành một dấu chỉ trung thực
về Đức Ki-tô trong thế giới. Lối sống của họ phải phản ánh lý tưởng họ tuyên
xưng, khi xuất hiện như là những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những
nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù họ thường im hơi lặng tiếng.[31]
Ước mong sao, mỗi tu sĩ chúng ta luôn biết ‘tái khám phá niềm vui
bước theo Chúa Kitô” và hân hoan phục vụ tha nhân, để đời sống thánh hiến trở
nên “chứng tá của Chúa Kitô cho thế giới”, “đánh thức thế giới” bằng căn tính
và chứng từ cuộc sống của mình, qua việc Phúc- Âm- hóa bản thân cũng như cộng
đoàn và môi trường xã hội. Để qua đời sống chúng ta, niềm vui Tin Mừng và lòng
thương xót Chúa được lan tỏa tới mọi người; hầu có thể đáp lại kỳ vọng mà Giáo
hội và thế giới đang mong đợi nơi mỗi tu sĩ chúng ta.
[1]
Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Thư Gửi Tất Cả Các Người Tận Hiến, Nhân
Dịp Năm Ðời Sống Thánh Hiến, các số 02,03,03.
[2] Xc. Lm. Px. Đào Trung Hiệu, Bài giảng lễ Khai mạc Tỉnh Hội Đa Minh 2011.
[3]
Xc. Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, số 92.
[4]
Mt 5, 13- 16.
[5]
Xc. Đức Thanh Cha Phanxicô, Tông Thư Gửi
Tất Cả Các Người Tận Hiến, Nhân Dịp Năm Ðời Sống Thánh Hiến, Lời dẫn nhập.
[6]
Xc. Đức Thanh Cha Phanxicô, Tông Thư Gửi
Tất Cả Các Người Tận Hiến, Nhân Dịp Năm Ðời Sống Thánh Hiến, Phần II, số
01.
[7] Vat. II, Sắc Lệnh Perfectae
Caritatis, số 02.
[8] Xc. Ep 5, 25- 27.
[9] Vat. II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội - Lumen Gentium, số 44.
[10] Xc. Pl 3, 8- 10.
[11] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông
Huấn Vita Consecrata, số 72.
[12] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 01
[13]
Mc 16, 15.
[14]
Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số
02.
[15]
Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số
06.
[16]
1 Cr 9,16.
[17]
Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn
Evangelii Gaudium, số 24.
[18]
Xc. Vantican II, Hiến Chế Gaudium Et Spes,
số 01.
[19]
Xc. . Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp
Truyền giáo 2015, số 06.
[20] Xc. 1Cr 9, 22.
[21]
Xc. Giáo Luật, điều 573 §1.
[22]
Xc. Ga 10, 10.
[23]
Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Trọng sắc mở
Năm Thánh Lòng Thương xót, Misericordiae Vultus, số 12.
[24]
Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ
năm 2015, số 03.
[25]
Xc. Thánh Phanxicô Assisi, Kinh Hòa Bình.
[26]
Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Trọng sắc mở
Năm Thánh Lòng Thương xót, số 10.
[27]
Xc. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Bài giảng
lễ Truyền giáo năm 2015, tại nhà thờ Chính tòa Giáo Phận Hải Phòng, ngày
18/10/2015.
[28]
Rm 12,14.
[29]
Xc. Mt 9,35 -36.
[30]
Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp Truyền
giáo 2015, số 01.
[31]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông
huấn Vita consecrata,số 25.
Đăng nhận xét