Tu Sĩ Với Dự Phóng Của Thiên Chúa

Căn tính của đời tu là hoàn toàn hiến thân 
để sống Phúc Âm cách trọn vẹn và triệt để,
hầu có thể bước vào bên trong dự phóng của Thiên Chúa…
Nét Bút Chì, Dòng MTG Bà Rịa

Cuộc đời con người là một hành trình dài với những biến cố lớn nhỏ xảy ra trong đời. Mà mỗi biến cố trong đời là một cuộc “xuất hành”, cuộc “xuất hành” nào cũng để lại trong bản thân người ấy một dấu ấn. Những dấu ấn ấy có thể đẹp, có thể xấu, có thể ghi đậm nét nhưng cũng có thể nhanh chóng phai nhoà. Điều này tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị của bản thân. Cũng như một kiến trúc sư muốn xây một căn nhà thật đẹp, thật lỗng lẫy thì trước tiên anh ta phải hoàn thành bản vẽ cách chu đáo. Cũng vậy để vững bước trong sứ vụ Tông đồ, người tu sĩ cần có dự phóng cho cuộc đời mình, nhất là cần được huấn luyện và tự huấn luyện mình trong dự phóng của Thiên Chúa. Dự phóng của Thiên Chúa không phải là một chân lý hay một ý tưởng mà là con người, con người đó là con của Ngài. Thế nên, dự phóng của những người sống đời thánh hiến cũng cần hướng đến con người: con người mà Tin Mừng hướng đến, đó là những người nghèo, những người bất hạnh, người tội lỗi, những người bị xã hội loại trừ.
Đó cũng là ước muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong Tông huấn gởi những người sống đời thánh hiến: Tôi cũng mong đợi nơi anh chị em điều mà tôi yêu cầu tất cả mọi thành phần của Giáo hội: ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời. “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ”, đó là những lời cuối cùng của Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ và hôm nay vẫn còn ngỏ cho tất cả mỗi người chúng ta (x. Mc 16,15). Cả một nhân loại đang chờ đợi: những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh ...
Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin mừng.[1]
Thực trạng xã hội ở Việt Nam
Trong bức tranh thực trạng xã hội Việt Nam của chúng ta hôm nay có nhiều mãnh đời bất hạnh và những con số đáng cho chúng ta lưu tâm.
Vấn đề trẻ em lang thang dường phố: Theo báo cáo mới nhất của Cục Bảo vệ chăm sóc Trẻ em (BVCSTE)– Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) năm 2013 có 15.062 em lang thang đường phố.[2]
Về vấn đề nghèo đói: Tỷ lệ đói nghèo còn cao, đặc biệt ở các dân tộc thiểu số vốn chiếm 14% dân số cả nước và sống chủ yếu tại các vùng cao xa xôi. Khoảng 90% người nghèo sống ở khu vực nông thôn. Nghèo đói vẫn ảnh hưởng đến gần 15% dân số Việt Nam, trong đó có khoảng 50% người dân tộc thiểu số [3].
Về vấn để nghiện ma tuý và nhiễm HIV: Theo báo cáo của Bộ Công an tình hình nghiện ma túy ở nước ta những năm gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy đã xuất hiện ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn trong cả nước; số người tái nghiện chiếm tỷ lệ tương đối cao... Toàn quốc có tới 10 địa phương là trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS, trong đó địa phương có số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý cao nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Sơn La. (…)Trung tâm do các tổ chức và cá nhân thành lập (49 Trung tâm cai nghiện; 58 Trung tâm vừa cai nghiện và quản lý sau cai; 16 Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy), đang quản lý và cai nghiện cho khoảng 32.200 người (giảm 3.737 người người so với cùng kỳ 2013). Trong 9 tháng đầu năm 2014, các Trung tâm đã tiếp nhận cai nghiện cho gần 4.000 người.[4] Hiện nay, mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 12 ngàn người phát hiện nhiễm HIV, nghĩa là mỗi tháng chúng ta có thêm 1 ngàn ca dương tính với HIV.[5]
Vấn đề nạo phá thai: Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á. Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi này, trong đó đáng lưu ý là nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần. Con số  này cho thấy việc phá thai của giới trẻ, nhất là tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng lên.[6]
Vấn đề mua bán dâm: Hội nghị tổng kết phòng, chống mại dâm năm 2013 của Việt Nam cho thấy: cả nước ước tính có gần 33.000 người bán dâm, phần lớn là nữ; nhưng chỉ có khoảng 9.000 gái bán dâm có hồ sơ quản lý. Độ tuổi bán dâm ngày càng trẻ hóa, từ 16 - 18 tuổi chiếm 15,3%, từ 25 - 35 tuổi chiếm 35% và đông nhất là từ 18 - 25 tuổi chiếm 42%.11 Về học vấn, 17,1% chỉ tốt nghiệp tiểu học, 39,3% đã tốt nghiệp trung học và đáng lưu ý là khoảng 10,3% đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.[7]
Vấn đề bạo lực gia đình: Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và WHO thực hiện cho thấy có tới 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. Đồng thời trên hơn nửa phụ nữ Việt Nam đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời. Trong đó tỷ lệ bị bạo lực đối với phụ nữ đã kết hôn là 9%.[8]
Vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em: Trong những năm gần đây ở Việt Nam, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục.[9]
Đứng trước bức tranh xã hội đầy thương đau, người môn đệ của Đức Kitô được mời gọi lên đường để xoa dịu nổi đau tinh thần cũng như thể xác của người anh chị em đồng loại. Vậy chúng ta phải chuẩn bị hành trang như thế nào để lên đường thực thi sứ mạng?
Biện chứng của Kinh Thánh
Trình thuật thứ nhất: Lc 9, 1-6
Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Trình thuật thứ hai: Lc 10, 1-9
Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! “ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”.
Cả hai trình thuật Chúa Giêsu sai các Tông đồ và các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng thì cả hai lời nhắn nhủ cùng chung một nội dung là hãy trở thành những người nghèo khi đến với người nghèo. Hành trang của người Tông đồ phải gọn gàng. Gọn gàng trong hành lý: đừng mang bao bị, lương thực, tiền đồng. Gọn gàng trong hành động: đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Gọn gàng trong suy nghĩ: đến nhà nào hãy chào chúc bình an, nghĩa là mục đích của người môn đệ là đem bình an của Chúa đến cho những người mà ta gặp gỡ. Nói như thế không phải Đức Giêsu ủng hộ cái nghèo. Cái nghèo cũng không phải là mục đích mà Đức Giêsu hướng đến.
Con người trong mọi thời đại luôn ruồng rẫy cái nghèo, tìm cách loại bỏ cái nghèo. Nhưng đôi lúc ta nhầm lẫn giữa hai vấn đề, để rồi ruồng rẫy và loại bỏ người nghèo. Thế nên lời khuyên của Thầy Chí Thánh thật ý nghĩa, bởi khi ta trở nên người nghèo thì ta dễ đến với người nghèo, dễ cảm thông với họ.
Người nghèo là đối tượng của Tin Mừng và là người đầu tiên sứ điệp Tin Mừng nhắc đến. Khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giê su đã công bố “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn” (Lc 4, 18). Chúa còn chúc phúc cho những người sống nghèo khó “Phúc cho anh em là những người nghèo khó vì Nước Trời là của anh em” (Lc 6,20).
Những người nghèo, những người bé mọn, những người bị quên lãng, những người bị khinh dễ, không thể hồi đáp luôn là đối tượng ưu tiên được Đức Giê su đến gần. (x.Lc 14, 12-14; Lc 16, 19-31).
Giáo Hội cũng được mời gọi bước theo sát dấu chân của Thầy Chí Thánh: phục vụ người nghèo “chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6, 37). Như vậy, có một mối dây thật bền chặt giữa đức tin và người nghèo.[10]
Dù thế giới có phát triển về mọi mặt. Khoa học kỹ thuật đem lại những thành quả tốt đẹp để phục vụ con người nhưng rồi qua mọi thời và trong mọi quốc gia thì người bị bỏ rơi, người bất hạnh, người nghèo vẫn luôn tồn tại “người nghèo thì luôn có bên anh em” (Mc 14, 7). Thế nên chúng ta cần tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô băng bó những vết thương của thế giới bằng sự hiện diện đầy yêu thương, bằng việc đồng hành với họ.
Cuộc Xuất Hành của chúng ta trong thế giới hôm nay
Sống trong bối cảnh mà người ta tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, cho con người đã dần khép kín trái tim trước nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại. Thế nên, người tu sĩ cần đi bước trước bằng việc thực hiện những “cuộc xuất hành mới” để nối lại và nối dài sợi dây yêu thương, tình liên đới với tha nhân. Người tu sĩ cần thực hiện cuộc xuất hành của mình như thế nào? Chúng ta cần nhìn lại những cuộc xuất hành trong lịch sử cứu độ.
Trước khi Môsê thực hiện cuộc xuất hành dẫn dân ra khỏi Aicập thì Thiên Chúa đã gặp gỡ Môsê và như một người bạn thân tình Ngài đã mặc khải cho Môsê biết Danh của Ngài “Ta là Đấng Tự Hữu”(Xh 3,14). Sau khi đã tiếp xúc với Thiên Chúa, Môsê đã đặt niềm tin mãnh liệt nơi Thiên Chúa để rồi ông luôn hành động  dưới sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Thiên Chúa sai ông đến gặp Vua Pharaô để xin dẫn dân Israel ra khỏi Ai cập (x Xh 3, 19). Đây quả là “đức tin có việc làm”. Bởi Môsê đang bị Vua Pharaô lùng bắt, thế mà Thiên Chúa sai ông đến với Vua Pharaô. Ông đã vâng lời. Trước khi dẫn dân xuất hành thì chính Môsê đã thực hiện cuộc xuất hành với chính bản thân mình: ông đã ra khỏi sự sợ hãi, ra khỏi cái tôi của chính mình.
Vâng, chính cuộc xuất hành với chính bản thân mình là cuộc xuất hành vĩ đại nhất. Bởi khi ra khỏi chính mình thì tâm hồn con người mới phẳng lặng để dễ dàng nghe được tiếng Chúa và sống Thánh ý Người. Thế nên, sau khi thực hiện cuộc xuất hành với bản thân mình, Môsê đã thực hiện cuộc xuất hành với dân Israel một cách bình an.
Đức Kitô tự nguyện rời bỏ địa vị giàu sang của Thiên Chúa để trở nên nghèo khó, từ Bêlem đến Núi Sọ, để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Người (2 Cr 8,9). Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc Xuất hành mà nói theo ngôn ngữ của giới trẻ hôm nay là rất “ngoạn mục”. Bởi Ngài là một vị Thiên Chúa, Ngài đã từ bỏ tất để trở nên nghèo, đến với người nghèo. Ngài đã ra khỏi chính mình, không coi cái tôi hiện hữu là của mình nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Cha và nhân loại. Ngài đã trở nên Kenosis: huỷ mình ra không.
Với chủ nghĩa cá nhân: lấy mình làm trung tâm, tôn vinh cái tôi của chính mình thì việc từ bỏ chính mình quả là một thách đố lớn đòi hỏi người môn đệ của Chúa Kitô phải nổ lực mỗi ngày để có thể thực hiện cuộc “Xuất hành” ra khỏi cái tôi của mình “ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình” (Lc 9, 23).
Như vậy, việc từ bỏ chính mình là điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ của Đức Kitô và trở nên nghèo khó đích thực: nghèo khó từ tinh thần đến vật chất. Nhờ đó họ sẵn sàng để đến với anh chị em mình. Bởi khi từ bỏ chính mình thì mọi thứ: của cải, danh vọng, chức quyền… chẳng là gì cả. Có như thế thì những giá trị tinh thần mà ta có đều thuộc về Thiên Chúa và anh chị em đồng loại, giúp ta mạnh mẽ thi hành sứ vụ.
Quả vậy khi từ bỏ cái tôi của mình, dám ra khỏi chính mình là lúc người môn đệ của Chúa Kitô đang thực hiện những cuộc “Xuất hành mới” để cùng anh chị em mình tiến về miền đất hứa của bình an.
Nghèo khó Phúc Âm bằng chứng về đức ái
Sống đời Thánh Hiến là bước theo Đức Kitô, mẫu mực đức Khiết Tịnh - Nghèo khó - Vâng Phục, là cam kết dâng mình cho Đức Kitô để thuộc trọn về người.[11]
Như vậy khi bước theo Đức Kitô, người tu sĩ trở nên một người mới mà Giáo Hội gọi là Alter Christus, nghĩa là trở nên “một Đức Kitô khác”. Nếu người sống đời thánh hiến đã trở nên một Đức Kitô khác mà sống khác  Đức Kitô thì quả là một điều đáng buồn. Thế nên, người sống đời thánh hiến phải sống làm sao để hoạ lại khuôn mặt đích thực của Chúa Kitô: một Thiên Chúa giàu lòng nhân ái, quảng đại và vị tha.
Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng người tu sĩ phải sống lời khấn khó nghèo để rồi họ tự cho mình là người nghèo. Chính lý do này làm cho ta chùn bước, khép kín trái tim và rồi chỉ sống cho mình và chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Như thế, lối sống của chúng ta thật khác Đức Kitô. Bởi Đức Kitô là một người nghèo như Ngài đã khẳng định “chim có tổ, chồn có hang nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Thế nhưng tâm hồn Ngài không nghèo, lối sống của Ngài thoát ra khỏi cái nghèo để rồi đi đến đâu Ngài đều thi ân giáng phúc, Ngài chữa lành và thoa dịu vết thương lòng cho những người mà Ngài gặp gỡ.
Người tu sĩ khi đến với người nghèo có thể “vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh…” (Cv 3,6). Tôi cho anh chính Đức Kitô đang hiện diện trong tôi, tôi cho anh tấm lòng của tôi với trọn vẹn sự cảm thông, với sự hiện diện đầy thương yêu. Linh Mục Phêrô Nguyễn Khảm trong cuốn sách “Người phu quét lá” có kể một mẫu chuyện về sự hiện hiện rất ý nghĩa: Một Linh Mục đang phục vụ trong một trại tỵ nạn ở Hồng Kông. Người ta phỏng vấn: Cha làm gì ở đó? Cha trả lời: vấn đề không phải là Doing mà là Being. Vấn đề không phải là làm gì nhưng là hiện diện. Thế nhưng hiện diện hiểu cho tận cùng ý nghĩa của ngôn từ, thì hàm chứa trong đó là chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ và sức mạnh bắt nguồn từ đó.[12]


Tu sĩ huấn luyện mình trong dự phóng của Thiên Chúa
Như đã nói trên dự phóng của Thiên Chúa không phải là một chân lý hay một ý tưởng mà là con người, con người đó là con của Ngài. Thế nên, người tu sĩ muốn nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô để đem ơn cứu độ của Người đến cho con người, để mọi người được sống xứng nhân phẩm Chúa ban thì không gì khác hơn là phải đặt mình trong dự phóng của Thiên Chúa. Hay nói khác hơn là người sống đời thánh hiến phải bước theo sát dấu chân của Đức Kitô, Đấng đã Nhập Thể và Nhập Thế. Để làm được điều này trước tiên người tu sĩ cần sống mật thiết với Chúa. Bởi khi sống mật thiết với Chúa ta dễ dàng liên đới với tha nhân và có trái tim thương cảm để đến với mọi người, nhất là những người nghèo, người bất hạnh…
Sống mật thiết với Chúa
Ước muốn của Thiên Chúa là con người được nên thánh “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 6, 48). Ước muốn của con người là được vươn đến Đấng Vĩnh Cửu “tâm hốn con luôn khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” (Thánh Augustino). Để thực hiện được ước muốn này chúng ta cần tập trung cái nhìn về Đấng mà chúng ta vươn đến. Nhờ đó lối sống của người tu sĩ trở thành “một ký ức sống động về lối sống  và hành động của Đức Giêsu”.
Nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy các bạn trẻ khi trở thành “fan” hâm mộ của một ca sĩ hay một diễn viên nào thì họ ăn mặc, cắt tóc, sửa dáng đi, giọng nói cho giống với “fan”  hâm mộ của mình. Cũng vậy người tu sĩ chọn Chúa Giêsu là đối tượng duy nhất, là fan hâm mộ của mình, thì cũng phải trở nên giống như Người, nhờ việc sống với Chúa để cảm nghiệm niềm vui Tin Mừng. Từ việc cảm nghiệm đó người tu sĩ hân hoan mang Tin Mừng cứu độ đến cho tất cả mọi người trong niềm vui và nhiệt tâm (x. Ga 1, 3-4).
Các Tông đồ xưa để thi hành sứ vụ Tông đồ cách thành công thì các ngài cũng đã trải qua một quá trình huấn luyện cách tiệm tiến nơi trường học của Thầy Giêsu. Trước tiên Ngài chọn - gọi (x. Lc 6, 12-19)  và cho các ông được ở lại với Ngài, chứng kiến những phép lạ, những việc tốt đẹp Ngài làm rồi được lắng nghe những giáo huấn, những mặc khải của Ngài (x. Lc 6-8). Sau đó, Chúa mới sai các ông đi thi hành sứ vụ Tông đồ (x.Lc 9, 1-6).
Vâng, “người Tông đồ là người ở lại với Chúa để được Chúa sai đi” (Mc 3,14). Bởi khi ở lại với Chúa chúng ta có được kinh nghiệm cá vị về Chúa, chúng ta xác định được vị trí của mình trong trái tim của Chúa. Chính yếu tố này làm cho chúng ta nên giống Chúa mỗi ngày và trở thành chứng nhân đích thực của Chúa cho dù xã hội có thay đổi. Xác định được tầm quan trọng của việc sống mật thiết với Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxico mời gọi: “Tôi mời từng người Kitô hữu, dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, hãy canh tân ngay việc gặp gỡ cá nhân của mình với Đức Giêsu Kitô”[13]
Nếu người sống đời thánh hiến mà thiếu đi yếu tố ở lại với Chúa và sống mật thiết với Người thì lối sống, suy nghĩ và hành động sẽ thiếu yếu tố chứng nhân. Như vậy, để huấn luyện mình trong dự phóng của Thiên Chúa, điều quan trọng và thiết yếu nhất là ở lại với Chúa và sống mật thiết với Người.
Liên đới với tha nhân
Mục đích ở lại với Chúa là để chiêm ngắm Chúa để sức mạnh và hơi ấm từ trái tim yêu thương của Chúa được truyền sang trái tim sơ cứng của chúng ta. Do đó, thật là mâu thuẫn nếu ta nói: ta yêu mến Thiên Chúa mà lại không sống liên đới với tha nhân. Thánh Gioan Tông đồ bảo: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).
Thánh Augustino thật có lý khi nói: “biết cầu nguyện là biết sống”. Bởi khi cầu nguyện chúng ta để cho Chúa đi vào trong ta và ta đi vào trong Chúa. Mà Chúa Giêsu khi đến trần gian Ngài đã đồng hoá mình với những người bất hạnh, những người nghèo khổ (x. Lc 7, 18-23). Thế thì lẽ nào ta đi vào trong Chúa mà ta không mang mối bận tâm của Chúa để cũng có trái tim thương cảm của Chúa? Điều này đã được Công đồng Vaticano II khẳng định:
Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, đặc biệt của những người nghèo và tất cả những ai đau khổ, phải là niềm vui và hy vọng, buồn khổ và âu lo của người môn đệ Đức Kitô. Vì không có gì thật sự là của con người mà không âm hưởng trong lòng người môn đệ Đức Kitô.[14]
Trong thế giới mà con người đang bị cuốn hút theo chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ, thèm khát sở hữu và chỉ nghĩ đến mình để rồi dửng dưng với  những nhu cầu và nỗi thống khổ của anh chị em đồng loại, nhất là những người nghèo, thì việc huấn luyện con người để có trái tim thương cảm quả thật là cần thiết và cấp thiết. Vì vậy người tu sĩ phải là người tiên phong trong vấn đề này. Nói như vậy không phải là phủ định những việc tốt, tình liên đới, việc dấn thân phục vụ của các bậc cha anh xưa nay. Nhưng nhìn vào thực tế, nhiều lúc chúng ta giúp người nghèo trong vị thế là người ban phát chứ chưa thật sự đồng cảm và hiện diện cùng họ. Nhiều khi chúng ta tự đóng khung mình trong các bức tường của tu viện để cho phép mình liên đới với tha nhân bằng lời cầu nguyện mà thiếu tha thiết với hành động bác ái cụ thể. Điều này khác với suy nghĩ và hành động của Đức Giêsu.
Tóm lại
Căn tính của đời tu là hoàn toàn hiến thân để sống Phúc Âm cách trọn vẹn và triệt để, hầu có thể bước vào bên trong dự phóng của Thiên Chúa để: hướng về người nghèo, sống như người nghèo và sống với người nghèo trong thời đại hôm nay. Đây là việc làm thật là ý nghĩa và thiết thực đồng thời làm phát huy tình liên đới giữa người với người và giữa con người với Thiên Chúa.
Bước theo sát dấu chân Đức Kitô là trở nên Alter Chirtus, người sống đời thánh hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại: dâng hiến không chỉ của cải vật chất và những thứ họ có thể sở hữu nhưng còn chia sẻ chính bản thân mình bằng những cuộc “xuất hành mới”, bằng việc ở lại với Chúa, bằng tình liên đới, bằng sự hiện diện đầy cảm thông. Nếu chúng ta thực hiện được những điều này chúng ta sẽ trở thành chuyên viên của sự hiệp thông và là chuyên gia của sự thánh thiện. Đây là con đường để chúng ta dẫn thế giới đi vào vườn địa đàng, nơi mà hoa yêu thương đang nở rộ khung trời.





[1] Xc. https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/14news/14news1136.htm
[2] http://ilssa.org.vn/2015/07/16/thuc-trang-tre-em-lang-thang-o-viet-nam
[3] http://www.un.org.vn/vi/about-viet-nam/overview.html
[4] https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=422&ItemID=14204
[5] http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/199004/moi-thang-viet-nam-co-them-1-000-ca-nhiem-hiv.html
[6] http://www.24h.com.vn/ban-tre-cuoc-song/giat-minh-thong-ke-ve-nan-pha-thai-cua-gioi-tre-viet-c64a682073.html
[7]https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1i_d%C3%A2m_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam
[8] http://www.vietnamplus.vn/hon-mot-nua-phu-nu-viet-nam-la-nan-nhan-cua-bao-luc-gia-dinh/293337.vnp
[9] http://tiengchuong.vn/Trao-doi-gop-y/Tre-em-nam-dang-khong-duoc-bao-ve-truoc-nan-xam-hai-tinh-duc/15047.vgp
[10] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 48.
[11] Hiến chương Dòng MTG, điều 12
[12] Nguyễn Khảm, Người Phu quét lá,  trang 27.
[13] ĐGh Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, số 3.
[14] Gaudium et Spes, số 1

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn