Lòng Thương Xót, Trái Tim Của Sứ Mạng Tông Đồ

Sứ mạng của lòng thương xót khởi đi 
từ việc chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Đây là phải bước khởi điểm đầu tiên của sứ mạng tông đồ.
Sr. Têrêsa Ngọc Lễ
Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm


Khi mà thế giới ngày hôm nay đang muốn chống lại và gạt bỏ khái niệm về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, thì hình ảnh về lòng thương xót ngay giữa đời thường xem ra như một điều xa xỉ, hoang tưởng, khó thấy. Điều này nó được minh nhiên ở giữa một thế giới gần như bị nhiễm nặng bởi những lối sống vô cảm, bởi sự khắc nghiệt nghèo nàn trong tình yêu nơi trái tim của con người. Vì thế, có một sự đau thương tột cùng của thế giới và con người ngày hôm nay chính là những cơn đói khủng khiếp lòng thương xót giữa con người với nhau, trong những cộng đoàn, trong những mối tương quan, ngay cả trong khi thi hành sứ vụ tông đồ. Đó là một bối cảnh để cần khơi gợi lên một chiều kích khác trong sứ mạng tông đồ, và được xem như trái tim, trọng tâm của sứ mạng: lòng thương xót.
Sứ mạng lòng thương xót khởi đi từ việc chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
Đây là phải bước khởi điểm đầu tiên của sứ mạng tông đồ. Điều này cần phải trở nên nền tảng cho bất cứ ai khi thi hành sứ vụ tông đồ trong đời dâng hiến. Để có được một trái tim, lòng thương xót trong khi thi hành sứ vụ tông đồ, người tu sĩ, trước tiên, cần phải người chiêm niệm Lời, khám phá, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của Thiên Chúa, đặc biệt Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho con người. Chỉ trong chiêm ngưỡng, chúng ta mới nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt vời của Lòng Thương Xót nơi Thiên Chúa qua những gì Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến với con người vì tình yêu, vì lòng thương xót dành cho con người. Nơi Đức Giêsu, những người bị đẩy ra bên ngoài xã hội, những bệnh nhân, những người đau khổ,... đều được Ngài nâng đỡ, ủi an, sẻ chia và giúp đỡ. Những gì Ngài làm không phải là sự chạnh thương, mà chính là Lòng Thương Xót, bài học tuyệt vời để người tu sĩ khám phá và học lấy trong sứ vụ tông đồ của họ. Trong chiêm niệm, cầu nguyện, trước tiên, người tu sĩ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa đầy Lòng Thương Xót trên cuộc đời của chính mình trong từng giai đoạn và biến cố của đời sống. Sự khám phá này ở trong chiều sâu của tĩnh lặng, đối lại với một thế giới ồn ào của công việc, của những bận rộn lôi kéo họ. Chỉ có trong thinh lặng, trong chiêm ngắm, người tu sĩ mới có thể nhận ra được vẻ đẹp của Lòng Thương Xót nơi Thiên Chúa, để rồi họ mới thấm nhuần lòng Thương Xót của Thiên Chúa vào trong trái tim mình, và để cho Lòng Thương Xót ấy trở thành một lối sống riêng.[1] Vì thế, nếu thiếu vắng một đời sống chiêm chiêm ngưỡng, khám phá ra vẻ đẹp Lòng Thương Xót, sứ vụ tông đồ sẽ trở nên trống rỗng và vô nghĩa bởi nó không toát lên được vẻ đẹp của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đang giấu ẩn và hiển hiện trong từng chương trình của sứ vụ tông đồ mà người tu sĩ thực hiện.
Lòng thương xót đẩy tới sự nhạy cảm trong sứ vụ
Khi mà con người của thế giới toàn cầu hóa đang sống trong những lo lắng của bất ổn ở nhiều lãnh vục, lòng thương xót mà người tu sĩ thủ đắc được trong sự chiêm ngắm Thiên Chúa, làm cho trái tim họ mở ra và trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu của thời đại và con người. Sự nhạy cảm này làm cho sứ vụ tông đồ mở ra nhiều kế hoạch tông đồ phù hợp với nhu cầu thời đại, không đóng khung trong những cách thức hoạt động hay chương trình cũ, nhưng là làm cho họ năng động và sáng tạo hơn trong khi hoạch địch và thi hành sứ vụ. Sự nhạy cảm này mở tung cánh cửa của sự khép kín trong một lãnh vực, một khu vực, làm cho người tu sĩ luôn tự hỏi chính mình : Có biết bao người đang đói trong thành phố này? Có biết bao người đang thất nghiệp trong khu vực này? Những ai đang bị bạo hành? Những ai đang cô đơn, bị bỏ rơi? Những ai đang đau khổ vì gia đình tan vỡ? Những anh chị em nào của tôi đang bị cướp đi phẩm giá của họ? Tôi phải làm gì? Những chương trình nào cần hoạch địch để thực thi...? Việc tông đồ không chỉ là đáp ứng vấn đề ăn mặc của anh chị em mình, nhưng đặc biệt hơn nữa, người làm tông đồ sẽ nhạy cảm hơn nhiều trong việc đáp ứng sự đói khát tâm linh, làm cho những người đói khát Thiên Chúa được no thỏa,  khai thông những con đường giúp cho nhiều người gặp được Thiên Chúa trong từng cảnh sống của họ.
Lòng thương xót đẩy sứ vụ tông đồ dấn bước mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ công lý và hòa bình
Thế giới của ngày hôm nay, văn minh tiến bộ, nhưng lại một thế giới đầy dẫy những bất ổn và lo sợ: nhiều quốc gia triền miên bị tàn phá vì những cuộc chiến tranh giành phần lợi nhuận, vì hận thù;  khi mà sự tham ô lan tràn trong mọi tổ chức mang tính quốc tế hay quốc gia; khi mà nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở, liều lĩnh ra đi để tìm đường sống mà không được sự đón nhận; khi mà nạn buôn người đang ngày càng gia tăng và đáng sợ; khi mà những người hiền lành bị lợi dụng để trở thành nạn nhân của buôn bán ma túy; hay những người đang bị tước mất quyền sống,  những quyền căn bản khác của con người... thì lòng thương xót làm cho sứ vụ tông đồ mở ra những hoạt động để lên tiếng bảo vệ công lý và hòa bình ở nhiều góc độ, mang tính toàn cầu hay quốc gia, khu vực. Sự đóng góp để bảo vệ công lý và hòa bình, cũng là một sứ mạng tông đồ để làm cho tất cả mọi người hiểu rằng, chiến tranh đang hủy diệt con người, nhất là những người vô tội, chiến tranh chỉ là phục vụ cho những người chỉ đi tìm hưởng lợi cho quốc gia, nhóm hay cá nhân họ, bất chấp những con người vô tội bị giết chết. Lòng thương xót làm cho sứ vụ tông đồ cất tiếng nói và hành động để mọi người phải hiểu được rằng bất cứ một ai đó cũng đều phải được trao cho cái mà nó đã thuộc về họ. Đó là chương trình, là sứ vụ tông đồ của việc bảo vệ công lý và hòa bình trong ánh sáng của Tin Mừng. Lòng thương xót trong sứ vụ sẽ thúc bách  người tu sĩ làm nên một hành trình không ngơi nghỉ, dấn bước mạnh mẽ, quyết liệt hơn để lăn xả vào những hoạt động bảo vệ công lý và hòa bình mà Thiên Chúa muốn.
Lòng thương xót phá tung những rào cản sợ hãi, đẩy tới cuộc dân thân mới, ra đi đến với người khác bằng một trái tim khắc khoải của sẻ chia, không biết mỏi mệt
Đôi khi chúng ta làm sứ vụ tông đồ trong một trái tim còn nghèo nàn khắc khoải, của cái dậm chân tại chỗ và không muốn làm một cuộc lữ hành mới. Điều này phần nào cũng phản ánh một kiểu bình an tự tại, không muốn thay đổi những phương thức hoạt động hay mở ra những chương trình mới cho sứ vụ. Những sự quan ngại cho một hành trình mới, cho chương trình mới dường như bao giờ cũng là những cám dỗ hàng đầu của sứ vụ. Nó thuộc tâm lý và cũng là một lý giải của sự chùn chân, sợ hãi. Nhiều khi sự lo sợ làm cho chúng ta mất đi sự quả cảm của người làm tông đồ, làm cho chúng ta ù lì và không năng động. Làm sao để đẩy đi tới một cuộc lữ hành mới, ra đi đến với con người thời đại đang đau khổ này? Nếu sứ vụ tông đồ không khởi đi từ lòng thương xót với anh chị em mình, thì cái gì sẽ thúc chúng ta vượt ra khỏi những sợ hãi, đẩy tới một cuộc dấn thân mới, đến với người khác bằng một trái tim luôn khắc khoải và làm việc không biết mỏi mệt trong khi thi hành sứ vụ tông đồ?
Lòng thương xót, phá tan đi những giả tạo của sự háo danh, phô trương
Chúa Giêsu cũng đã từng cảnh tỉnh các môn đệ đừng có háo danh, phô trương, đừng để tay trái biết việc tay phải làm (x.Mt 6,1-4). Thói hư danh, hão danh là cám dỗ thâm căn cố đế trong con người, và ngay trong chính người tu sĩ khi thi hành sứ vụ tông đồ. Nhiều khi sự háo danh này làm cho sứ vụ tông đồ mất đi ý nghĩa của nó, bởi công việc ấy đã chỉ qui chiếu vào việc tìm kiếm tiếng khen của người khác, để đánh bóng bản thân hơn là để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng „ Thói hư danh không chỉ làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa, mà còn làm cho chúng ta trở nên hợm hĩnh“[2]. Nếu lòng thương xót mà người tu sĩ đã chiêm ngắm từ Thiên Chúa, trở thành nguồn sống của mình, họ sẽ thi hành sứ vụ tông đồ trong sự khiêm tốn, yêu thương, trong một trái tim đầy ắp tình yêu chỉ để tìm cho danh Chúa được vinh hiển.
Lòng thương xót thúc chúng ta thi hành sứ vụ tông đồ với mục đích rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa
Đây phải là trọng tâm của việc thi hành sứ vụ tông đồ của người tu sĩ. Mọi chương trình, mọi kế hoạch, mọi thực hiện, mọi hình thức, ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào... thì tất cả sứ mạng tông đồ chỉ qui chiếu vào điểm trọng yếu nhất: giới thiệu tình yêu của Thiên Chúa đến với con người như thánh Gioan diễn tả “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16), và làm cho dung nhan của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được tỏ hiện qua sứ mạng tông đồ mà người tu sĩ đảm nhận. Để qua từng hoạt động tông đồ của người tu sĩ đảm trách, con người ngày nay nhận ra tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đến với từng người trong cảnh đời riêng của họ. Nhờ đó, họ được an ủi, được bình an, có được sức mạnh để đi tiếp cuộc lữ hành và an vui trong tình yêu Thiên Chúa mà họ cảm nhận, nhờ những trái tim đầy lòng thương xót mà người tông đồ thi hành, đem đến cho họ.
Kết luận
Cầu chúc mỗi cộng đoàn dòng tu, khi thực hiện sứ mạng tông đồ, đều trở nên những hình ảnh giới thiệu tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Từ sự chiêm ngưỡng và thủ đắc lòng thương xót của Thiên Chúa, người tu sĩ khi thi hành sứ vụ sẽ trở nên những người tông đồ biết nhạy cảm hơn với những nhu cầu của thế giới và anh chị em mình; dám dấn thân để cất tiếng nói và hoạt động để bảo vệ công lý và hòa bình, phá tung được những rào cản của sợ hãi, sẵn sàng ra đi với một hành trình mới với một trái tim luôn khắc khoải, nhiệt huyết, không biết mỏi mệt vì sứ vụ; thắng vượt được những cám dỗ của thói phô trương, hư danh, để rồi, cuối cùng qui chiếu mọi việc tông đồ, sứ mạng của mình vào một điểm cốt lõi: nói với con người về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.




[1] Xc.  ĐTC Phanxicô, Tông sắc Công bố Năm Thánh Lòng Thương xót,  Misericordiae Vultus (truy cập ngày 8/11/2015), nguồn http://www. Simon hoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LongThuongXot/001TongSac.htm 
[2] Pope Francis@Pontifex (truy cập3/11/2015), nguồn https://twitter. com/Pontifex

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn