Tôi mời
gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng
việc đồng hành với những người đính hôn
trong hành trình tình yêu của họ
là một việc thiện ích cho chính họ.
việc đồng hành với những người đính hôn
trong hành trình tình yêu của họ
là một việc thiện ích cho chính họ.
(ĐTC Phanxicô, Amoris
Laetitia, số 207)
Nt. Mary Nguyễn Hòa, MTG Qui
Nhơn
Cuộc sống gia đình lý tưởng là tổ ấm yêu
thương, là bến bờ hạnh phúc, là nơi nâng đỡ và chỗ dựa tinh thần hữu hiệu nhất
cho mỗi thành viên. Đây là nơi con người cảm nhận được bao điều linh thiêng kèm
theo tâm tình: hạnh phúc, bình yên, vui tươi… Bởi đó, khát mong có được một gia
đình hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau, con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ,
trên thuận dưới hòa là điều ai cũng mong đợi và hy vọng vươn tới.
Tuy
nhiên, ngày nay trên các diễn đàn, trang mạng và báo chí, chúng ta không khỏi
đau lòng khi nhận ra có quá nhiều thảm cảnh đau xót từ gia đình, khiến nhiều
người cảm thấy ái ngại và lo lắng cho hạnh phúc gia đình. Nhiều cuộc tình “chóng vánh” và nhiều cuộc hôn nhân phải đi
vào ngõ cụt, không lối thoát, phần lớn cũng là vì các đôi bạn không được chuẩn
bị đầy đủ.
Người
Nga có câu: “Trước khi ra trận, hãy cầu
nguyện một lần; trước khi xuống tàu, hãy cầu nguyện hai lần; trước khi kết hôn,
hãy cầu nguyện ba lần”. Điều đó cho thấy hôn nhân gia đình quan trọng biết
chừng nào, cần phải được chuẩn bị hết sức chu đáo và cẩn thận, chi tiết, đúng
cách và cần có thời gian. Thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến
việc tổ chức lễ cưới thật to mà không chịu trau dồi, học biết đầy đủ bổn phận
và trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Họ chỉ lo kiếm tiền, mua xe, mua nhà,
nhưng lại ít quan tâm tới việc học hỏi và hiểu biết ý nghĩa, khám phá ơn gọi
hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa, nắm bắt nguyên nhân gây rạn nứt và
đổ vỡ trong đời sống hôn nhân gia đình, cũng không trau dồi kỹ năng sống và gìn
giữ hạnh phúc gia đình. Vì thế, đó cũng là nguyên nhân không nhỏ gây ra bao câu
chuyện phảng phất nỗi chua cay, buồn tủi và xót xa của biết bao gia đình đang
trên đường rạn nứt hoặc tan vỡ.
Đứng
trước thảm trạng và thách đố của thời đại như thế, liệu bản thân các bạn trẻ có
biết tự trang bị hành trang gì cho mình để bước vào đời, họ sẽ có phương án
giải quyết thế nào khi đối diện với các “mảng tối” của đời sống gia đình nếu
không có sự chuẩn bị chu đáo. Đồng thời, trong vai trò là những nhà đồng hành
và thừa tác viên mục vụ hôn nhân gia đình như các linh mục và tu sĩ, việc hiểu
tường tận ý nghĩa cao quý, mục đích của hôn nhân Kitô giáo, biết tận căn các nguyên
nhân và có phương án giải quyết là việc cấp thiết để chuẩn bị và nâng đỡ các
bạn trẻ, giúp họ bước vào đời sống Hôn nhân gia đình trong sự tin tưởng, bình
an và hạnh phúc là điều không dư thừa chút nào. Chắc hẳn đây không phải là một
công việc có thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng là tiến trình tiệm tiến và
đòi hỏi nhiều nỗ lực cố gắng của mọi người.
Hy vọng có thể giảm thiểu những hệ lụy không đáng xảy ra trong đời sống
gia đình và có thể tăng trưởng hạnh phúc cho gia đình ngày càng nhiều hơn.
I. Giới trẻ trong bức tranh chuyển mình
“tối - sáng”
1. Giới trẻ là ai?
Nhìn
vào bức tranh của thế giới hiện tại, chúng ta phải công nhận rằng, nó sống động
và đang từng ngày chuyển mình liên tục. Những gam màu sáng phát ra tín hiệu của
niềm vui, hạnh phúc, thành đạt của không ít những gia đình gương mẫu, hạnh
phúc, bình yên đáng cho chúng ta noi gương và tự hào; nhưng cũng thật đáng buồn vì những gam màu tối, khiến nhiều
người cảm thấy chán nản và tuyệt vọng vì những rạn nứt, đổ vỡ của không ít gia
đình.
Đứng
trước cơn lốc của sự phát triển và hưởng thụ đang tác động mạnh mẽ đến mọi khía
cạnh của đời sống người trẻ, ít nhiều khiến
chúng ta cảm thấy “choáng” và “sốc”. Cũng như biết bao người trên thế
giới, ở đâu và thời nào, người trẻ cũng luôn được xem là tương lai của quốc
gia, là rường cột xây dựng và bảo vệ xã hội. Họ cũng chính là sức sống, làm
phát sinh và sáng tạo những thành tựu của khoa học kỹ thuật, là những tác nhân
chính nâng đỡ đời sống gia đình, sinh sản và hướng dẫn con cái, tạo tiền đồ
tương lai cho sự thành đạt và tiến bộ của nhân loại. Thế nhưng, người trẻ cũng
đang trở thành tâm điểm của những thách đố và vô vàn vấn đề khủng hoảng của xã
hội, họ phải gồng mình lên để đối diện với bao vấn nạn đang tấn công cuộc đời
họ. Họ thật sự đang ngày đêm quay cuồng và chống chọi trong vòng xoáy của sự
phát triển đó. Họ là ai?
Họ
là những người nam và người nữ đã đến tuổi trưởng thành và đã định hướng cho
mình một con đường: hoặc con đường tu trì, hoặc con đường hôn nhân gia đình và
cố gắng chăm chỉ học tập, trau dồi các kỹ năng, kinh nghiệm để công việc, nghề
nghiệp mình chọn được khởi sắc và thành công mỹ mãn.
Họ là những người muốn khẳng định mình, muốn đóng
góp cho đời khả năng của mình nhưng cũng rất nông nổi nhất thời, chưa chín chắn
trong suy nghĩ và hành động. Họ là những người trẻ, mang trong mình sức sống
dồi dào, nhiệt huyết và năng động trong mọi việc, mọi vấn đề của cuộc sống kể
cả tình yêu.
Họ
là những người bén nhạy với sự cảm thụ cái hay cái đẹp của cuộc đời, nhưng cũng
dễ nông nỗi và cạn cợt trong chừng mực cần thiết.
Họ
là những con người được sinh ra từ hôn nhân của những người cha và người mẹ,
được lớn lên thành những thanh niên trong một xã hội với biết bao đổi thay từ
vật chất đến tinh thần, từ đạo lý luân thường đến các giá trị đạo đức, khái
niệm sống, mục đích và ý nghĩa cuộc sống.
Họ
là những nạn nhân ở tuổi vị thành niên của biết bao vấn đề thuộc về giới tính,
tính dục đang ngang nhiên được đăng tải cách tự do trên các phương tiện truyền
thông, tin tức, quảng cáo cách vô tội vạ và thiếu lành mạnh.
Họ
là những người khi chập chững bước vào đời đã tiếp thu không biết bao “luồng
gió độc” bởi các tư tưởng, quan niệm lệch lạc về “tình yêu tốc độ” khi bắt
chước lối sống tự do và dễ dãi của nhiều bạn trẻ Phương Tây.
Họ
là những người khi chưa bước vào đời sống hôn nhân gia đình đã sống thử cuộc
sống xác thịt của đời vợ chồng, mà người ta quen gọi là tình trạng “góp gạo
thổi chung” hay “sống thử” trước hôn nhân đang diễn ra không ít ở giới sinh
viên và công nhân.
Họ
là những người đề cao chủ nghĩa duy thế tục và hưởng thụ, đến độ không coi
trọng giá trị cao quý của tình yêu mà chỉ xem như một phong trào; Thậm chí, họ
đem tình yêu, danh vọng, sắc đẹp ra làm vật đổi chác, trao đổi, kinh doanh như
một món hàng.
Họ là những người đặt nặng giá trị vật chất, nên
chỉ lo đến việc mưu sinh cơm, áo, gạo, tiền; mà không một chút mảy may quan tâm
chuẩn bị chu đáo cho đời sống hôn nhân mình sắp bước vào, vì chưa ý thức gia
đình có ý nghĩa thiêng liêng cao quý như thế nào đối với gia đình mình và nhân
loại.
Họ
là những người lơ là, thờ ơ với việc chuyên chăm học Giáo lý, Huấn quyền, dần
dần đi đến chỗ chai lì, mất cảm thức về tội; cho nên khi bước vào đời sống hôn
nhân, họ lại tiếp tục sống với những đam mê, dục vọng thấp hèn. Thế nên không
bao giờ họ cảm thấy thỏa mãn với chính người bạn đời mà mình đã chọn, nên đã
dẫn đến nhiều tình trạng ngoại tình, ly thân, ly dị xảy ra từng ngày.
Họ
chính là những người mà cả xã hội và Giáo hội đang đặt kỳ vọng vào, có thể mang
lại cho nhân loại nguồn hạnh phúc, niềm vui và an bình. Nhưng nói đi rồi cũng
phải nói lại, vốn là phận người mỏng giòn yếu đuối, lại được đặt trong thế giới
vàng thau lẫn lộn, tranh tối tranh sáng đan xen không biết đâu mà lường, ngoài
những tia sáng của sự thành công và thành tựu đạt được, cũng không thiếu những
bóng tối đang khiến cho giới trẻ bước đi loạng choạng, có thể đi vào ngõ cụt,
nhất là trong đời sống hôn nhân gia đình.
2. Những
bóng tối trong đời sống hôn nhân gia đình
Tình yêu thương mà con người dành cho nhau, trước
hết cũng bắt nguồn từ gia đình, đó là tình yêu cha mẹ dành cho con cái và con
cái dành cho cha mẹ, anh chị em dành cho nhau. Tình yêu quê hương, làng xóm;
tình yêu đôi lứa, kết duyên sống chung thủy với nhau, sinh con đẻ cái, xây dựng
một tổ ấm hạnh phúc trọn đời. Chính gia đình không chỉ là nơi đầu tiên dạy con
người biết luân thường đạo lý, tôn ti trật tự, biết kính trên nhường dưới, biết
hiếu thảo với ông bà và cha mẹ mà còn là nơi đào tạo cho xã hội, cho Giáo hội
những con người có phẩm chất tốt đẹp cả về trí thức lẫn đạo đức.
Khi
mà đất nước và con người Việt Nam đang biến đổi từng ngày theo xu hướng hội
nhập và phát triển, hôn nhân và gia đình trở thành một vấn đề khá nhức nhối, và
phức tạp, cần được quan tâm. Các giá trị về sự thủy chung, tính bền vững trong
hôn nhân đang đối đầu với những quan niệm của xã hội và chủ nghĩa cá nhân.
Những quan niệm mới về hôn nhân đang nảy sinh và bộc phát mãnh liệt. Trong
những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển như vũ bão của đời sống xã hội,
số lượng các vụ ly hôn ở Việt Nam theo đó cũng tăng nhanh. Điều đáng báo động
là tình trạng ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ đang có dấu hiệu gia tăng, số vụ ly
hôn năm sau cao hơn năm trước.
Theo thống kê của Tòa án, nếu trong năm 2000, cả
nước chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì đến năm 2005, có số này đã tăng lên 65.929 vụ,
và năm 2010 lên tới 126.325 vụ. [1]
Theo
kết quả nghiên cứu khoa học mới công bố về tình trạng ly hôn của gia đình trẻ
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Tài (Trung tâm
tư vấn giáo dục tâm lý thể chất Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay cứ bình quân
2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao
và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Cũng theo khảo sát này, 43,4% cảm thấy cuộc
sống của mình thoải mái, tự do hơn sau khi ly hôn. Theo một kết quả được nghiên
cứu năm 2010 của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, (Đại học Khoa học xã hội Nhân văn
Thành phố Hồ Chí Minh), tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng nhanh và chiếm 31% - 40%,
nghĩa là cứ ba cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn.[2]
Thực
tế cho thấy nhiều cặp vợ chồng do kết hôn vội vàng, thậm chí có rất nhiều bạn
trẻ đã chung sống như vợ chồng trước hôn nhân, trót mang thai nên gia đình hai
bên phải “cưới gấp”. Vì thế, họ chưa được chuẩn bị về tâm sinh lý, thiếu kỹ
năng sống, kỹ năng làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng trong gia đình. Có nhiều
cặp vợ chồng kết hôn ở độ tuổi còn quá trẻ, khi chưa có nghề nghiệp ổn định,
khiến cuộc sống kinh tế gặp không ít khó khăn. Từ đó, nhiều bữa “cơm không
lành, canh không ngọt” xảy ra. Chắc chắn có những mối nguy làm “xuất huyết” đời
sống Hôn nhân gia đình hiện nay, chúng như những bóng tối đè nặng đời sống Hôn
nhân gia đình.
2.1. Mối nguy xuất phát từ bên ngoài
Đa
thê, đa phu
Tình
yêu hôn nhân chỉ thật sự mang lại hạnh phúc cho những người trong cuộc khi nó
là tình yêu trọn vẹn giữa một vợ và một chồng: nhất phu, nhất phụ. Muốn gia
đình hạnh phúc, hai người bạn tình phải có tình yêu đích thực, chân thành,
không vì tư lợi nhưng dựa trên nền tảng đạo đức mà Thiên Chúa đã dạy là một vợ,
một chồng: “Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà khắng khít với vợ
và cả hai chỉ còn là một thân xác” (Mt 19,5). Nếu cứ theo tiến trình như thế,
họ không phải có quá nhiều điều, nhiều việc để lo lắng và bận tâm mà chỉ chú
tâm làm việc và vun đắp cho gia đình của mình được trọn vẹn. Chia năm xẻ bảy
tình cảm cho nhiều người đã gây ra nhiều điều rắc rối và phức tạp, làm cho
người ta ngại dấn bước vào con đường hôn nhân.
Sống
thử trước hôn nhân
Ngày
nay, nhiều bạn trẻ đua nhau với các trào lưu “sống thử, yêu ồ ạt, sống hết mình
với tình dục”, nó đã trở thành “cơn lốc” lôi cuốn nhiều bạn trẻ lao vào. Họ
sống thử vì không được sự đồng ý của cha mẹ, kinh tế khó khăn, khác biệt văn
hóa hay tôn giáo, sống xa gia đình; họ đơn giản hóa tình yêu đến độ quan niệm
sống thử để thấy hợp thì tiếp tục sống, không hợp thì chia tay, chẳng mất mát
gì, lại không phải mất công, chẳng tốn tiền cho việc ra tòa ly dị. Mặt khác,
hôn nhân giữa hai người đã Rửa tội là biểu tượng thực sự cho việc kết hợp giữa
Đức Kitô và Hội Thánh, một sự kết hợp không thể nào có tính cách tạm bợ hay “để
thử” nhưng là trung tín đời đời; như thế, giữa hai người đã rửa tội, chỉ có thể
có một hôn nhân bất khả phân ly. Đi ngược lại thì ắt sẽ sinh ra bao hệ lụy.
Ly hôn, ly dị
Thiên
Chúa kết hợp người nam và người nữ là giao ước tình yêu với hiệu quả của giao ước
là “hai người trở nên một”. Lúc khởi
đầu công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi
đó, người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ trở nên một
huyết nhục. Vậy, “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người
không được phân ly” (Mt
19,6). Đó phải là một ràng buộc đòi hỏi
con người nghiêm túc thực hiện theo ý định và chương trình của Thiên Chúa. Đối
với Thiên Chúa, bỏ nhau bất cứ vì lý do gì hay ly dị là bất trung với hôn ước,
bất trung với thánh ý của Thiên Chúa. Sở dĩ Chúa Giêsu muốn
bảo vệ hôn nhân là để gia đình được sống hạnh phúc với nhau, để con cái được
giáo dục trong môi trường gia đình có đầy đủ cha và mẹ, tránh việc con cái bị cảnh
mồ côi cha hoặc mẹ, phải lang thang đầu đường xó chợ, đi bụi đời, vướng vào
vòng lao lý…
Tình
yêu hôn nhân phải mang đặc tính bền vững. Thế nhưng đời sống hôn nhân xem ra
thật mong manh vì nạn ly hôn và ly dị khá phổ biến, đặc biệt tại Việt Nam cũng
đang ngày gia tăng. Con người thường “đứng núi này trông núi nọ”, không khi nào
hài lòng với người bạn đời của mình; thay vì thấu hiểu, cảm thông và tha thứ
với những giới hạn cũng như thiếu sót của người vợ hoặc chồng, thì họ sẵn sàng
lên án, chỉ trích và không đón nhận nhau. Chỉ một vài mâu thuẫn hay bất đồng
nho nhỏ cũng có nguy cơ dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình. Một khi ly dị xảy ra
thì kéo theo nhiều hệ lụy thật đáng buồn không những chỉ riêng cho hai người
phối ngẫu mà cho con cái của họ nữa. Các
nhà xã hội học cho rằng, trẻ em hôm nay đang sống trong một thế giới đầy bất
an. Những nỗi lo sợ chồng chất từ gia đình đến xã hội là nguyên nhân gây nên
những chứng bệnh trầm cảm, biến chứng trong cách cư xử của các em cũng như rối
loạn tinh thần. Các em lo sợ cha mẹ mình ly dị thì cuộc sống của mình cũng
không được chăm sóc cách tốt nhất.
2.2. Mối nguy
xuất phát từ bên trong
Tính ích kỷ
Tự bản chất, tình yêu vợ chồng là tình yêu trao hiến
và tình yêu đích thực là tình yêu luôn tôn trọng người khác, mong muốn điều tốt
nhất đến với người mình yêu. Thế nhưng vẫn không thiếu những người ích kỷ, chỉ
nghĩ tới mình và tìm cách thỏa mãn tính dục bất chấp lợi ích của người bạn đời
hay con cái. Một khí tính ích kỷ của con người đã đi đến đỉnh điểm lại được cộng
hưởng bởi nền văn hóa đề cao lối sống hưởng thụ, chỉ muốn tiêu xài và thụ hưởng
chứ không muốn nhận trách nhiệm, thì nền văn hóa này biến quan hệ tình dục
thành món hàng mua vui, nhìn người khác như dụng cụ và phương tiện cho mình thỏa
mãn, chứ không phải chủ thể để tôn trọng và yêu thương. Đó cũng là nền văn hóa
chủ trương sống nhanh, sống gấp; do đó, người ta chỉ muốn những quan hệ mau qua
mà không muốn cam kết lâu dài.[3]
Quan
niệm phóng túng về đời sống tính dục
Con
người mang hình ảnh Thiên Chúa và tình yêu hôn nhân là tình yêu cao cả giữa hai
người nam và nữ trong ý định ngàn đời của Ngài khi tạo dựng con người cho nhau.
Tình yêu vợ chồng vừa có tính cách nhân sinh vừa có tính cách linh thiêng. Tình
yêu này xuất phát giữa hai người, họ cam kết thi hành bổn phận và trách nhiệm
với nhau. Bởi đó, một quan niệm quá phóng túng và vô trách nhiệm về tính dục sẽ
đưa con người tới chỗ sống bừa bãi, bất chấp mọi lễ giáo và ràng buộc xã hội.
Nhiều thanh niên đã không ý thức giá trị cao quý của Hôn nhân và không trân
trọng người bạn đời của họ, đòi hỏi để thỏa mãn đam mê thấp hèn của mình, khi
mọi sự đã rồi thì không dám can đảm đứng ra nhận trách nhiệm mà “quất ngựa truy
phong”. Các chị em thì không sợ gia đình bị tai tiếng, sợ ảnh hưởng đến hạnh
phúc tương lai…, đã nhẫn tâm giết hại thai nhi vừa mới hình thành trong dạ mẹ.
Có
thể nói rằng khi có quan niệm phóng túng về đời sống tình dục, những lối giao
thiệp quá thân mật giữa nam và nữ thường làm cho thanh nam thiếu nữ không còn
nguyên vẹn khi bước vào hôn nhân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia
đình của các đương sự sau này.
Lối sống bất hợp lý và có mâu thuẫn nội tại
Thế giới hôm nay đang cố gắng hạn chế sinh sản để
tránh gia tăng dân số. Muốn được như thế, lẽ ra phải tìm cách thế nào để giảm bớt
phần nào lòng ham muốn tức là tiết dục. Thế nhưng, ở nhiều nơi, người ta dùng đủ
mọi phương cách, mọi thứ thuốc men, hình ảnh khiêu dâm… để kích thích tình dục.
Nhiều ổ mại dâm, kinh doanh trên thân xác phụ nữ, nhiều dịch vụ kinh doanh giải
trí trá hình ngang nhiên tồn tại, đánh mất thuần phong mỹ tục và các giá trị đạo
đức, luân lý.
II. Đồng
hành với giới trẻ giai đoạn tiền hôn nhân
1. Lý do và mục tiêu phải đồng hành
Đứng trước những
biến động và thay đổi của xã hội, những suy thoái đạo đức và các giá trị luân
lý, có quá nhiều xáo trộn trong xã hội, khiến cho người trẻ mất phương hướng,
không phân biệt cái đúng cái sai, cái có giá trị bền vững và cái chỉ có giá trị
nhất thời, nhiều chuẩn mực đạo đức và luân lý không được giới trẻ ngày nay đón
nhận và đánh giá cao như trước nữa, đặc biệt không có khả năng giải quyết mọi
vấn đề khó khăn xảy ra trong đời sống gia đình. Trong bối cảnh đó, đồng hành
với họ là vấn đề cấp thiết và cần thiết, đồng hành là cùng đi với họ để nâng đỡ
và hỗ trợ họ. Giáo hội là người mẹ đã nhận thấy điều đó, chính Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II cho thấy:
Những
thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không ngừng chỉ
gia đình mà cả xã hội và Hội Thánh đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương
xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai. Nhiều
hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình mà ngày nay người ta than phiền, đã
xuất phát từ những sự kiện, đó là những hoàn cảnh mới, các bạn trẻ không còn
nhận ra được phẩm trật đúng đắn của các giá trị và vì không còn những tiêu
chuẩn chắc chắn để xử thế, họ không còn biết làm sao để đương đầu và giải quyết
các khó khăn mới.[4]
Hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi cần được đảm nhận trong đức tin bằng một
tiến trình chuẩn bị thích đáng, một sự phân định trưởng thành. Trong số 66 của
Tông huấn Familiaris Consortio, Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề cập: “Kinh
nghiệm cho thấy được rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia
đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn trẻ khác.”[5]
Nắm bắt nhu cầu mục vụ,
trên cương vị là những Vị Cha Chung của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và
các Nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám mục khuyến nghị các cộng đoàn Kitô hữu, đặc
biệt tại các Giáo xứ, Giáo phận phải có kế hoạch và đường hướng đồng hành thiết
thực và hiệu quả vì tương lai và hạnh phúc của các gia đình trẻ: “Thực tại xã hội phức tạp và những thách đố
mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện đòi hỏi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu
dấn thân hơn nữa trong công việc chuẩn bị cho các đôi bạn sắp kết hôn.”[6] “Tôi
mời gọi các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những
người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính
họ.”[7]
2. Đồng hành bằng sự chuẩn bị liên tục và
lâu dài
Kết hôn là một bước ngoặt lớn và có ý
nghĩa quan trọng trong đời người. Tương lai của gia đình cũng chính là tương
lai, vận mệnh của đất nước và xã hội. Gia đình có hòa thuận, ấm êm và hạnh phúc
thì đất nước và xã hội mới mong bình yên và phát triển. Bởi đó, hạnh phúc tương
lai không ở đâu xa nhưng trong bàn tay của các bạn trẻ chuẩn bị dấn thân vào đời
sống hôn nhân gia đình, họ phải là những người vận dụng hết mọi khả năng để lèo
lái cuộc đời mình. Muốn được như thế cần có sự chuẩn bị, từ chuẩn bị xa đến chuẩn
bị gần, chuẩn bị liền ngay trước khi cử hành Bí tích Hôn nhân.
2.1. Chuẩn bị xa
Để chuẩn bị cho
con người bước vào đời sống hôn nhân không phải chỉ đến lúc kết hôn mới chuẩn
bị nhưng chúng ta phải chuẩn bị từ khi đứa trẻ còn nhỏ và môi trường chính là
gia đình. Đó chính là gia đình nơi những người trẻ đính hôn lớn lên và môi
trường sinh hoạt mục vụ của Giáo xứ, nơi đây cho họ một sự chuẩn bị xa để giúp
tình yêu của họ được lớn lên và trưởng thành. Gia đình cần giúp trẻ từ từ khám
phá ra rằng nó có một tâm sinh lý vừa phong phú lại vừa phức tạp, là một người
có nhân cách riêng với những điểm mạnh và điểm yếu. Đây cũng là giai đoạn cần
ghi sâu vào tâm hồn đứa trẻ những giá trị được người đời đánh giá cao như việc
rèn luyện tính tình, sự tự chủ, việc sử dụng đúng đắn những khả năng và ưu điểm
của mình, cách nhận xét về người khác phái cũng như cách tiếp xúc, gặp gỡ họ.
Ngoài ra, gia đình Kitô giáo còn có bổn phận tạo điều kiện cho con cái có được
nền giáo dục vững chắc về giáo lý cũng như về đời sống thiêng liêng.
Chúng ta bắt gặp
điểm nhấn mới mẻ trong Tông huấn Amoris
Laetitia - Niềm vui của Tình yêu:
Với
mọi cặp đính hôn, việc chuẩn bị phải bắt đầu từ lúc mới sinh. Điều họ nhận lãnh
được từ gia đình nên chuẩn bị để họ tự biết họ và biết dấn thân cách trọn vẹn
và dứt khoát. Những ai được chuẩn bị kỹ càng nhất để kết hôn có lẽ là những
người được cha mẹ họ dạy cho biết bản chất Hôn nhân Kitô giáo là gì; vì các
ngài đã chọn nhau một cách vô điều kiện và mỗi ngày canh tân quyết định này.
Theo chiều hướng này, các sáng kiến mục vụ nhằm giúp các cặp vợ chồng lớn lên
trong lòng yêu thương và trong Tin Mừng gia đình cũng sẽ giúp con cái họ, bằng
cách chuẩn bị chúng cho cuộc sống hôn nhân tương lai của chúng.[8]
2.2. Chuẩn bị gần
Đây là thời gian
sắp bước vào hôn nhân, thời gian khá quan trọng và cần được chuẩn bị đặc biệt.
Theo định hướng mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, thừa tác viên trước tiên để
giúp cho các bạn trẻ bước vào Hôn nhân phải nói là các các vị mục tử. Giáo luật
điều 1063 cũng nêu lên:
Các vị chủ chăn là những người có bổn phận lo liệu sao để
giúp các bạn trẻ sắp bước vào Hôn nhân ngày thăng tiến hơn trên đường trọn
lành, được thực hiện bằng việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho các
đối tượng ở vị thành niên, thanh niên và người lớn, kể cả việc sử dụng các
phương tiện truyền thông xã hội, ngõ hầu các tín hữu được giáo dục về ý nghĩa
của Hôn nhân Kitô giáo và nghĩa vụ của vợ chồng và của cha mẹ Công giáo.
Các thừa tác viên
mục vụ gia đình trước tiên khi hướng dẫn bạn trẻ trong thời kỳ đính hôn là chỉ
cho họ thấy những nét đẹp thường nhật và cá biệt nơi chính gia đình của ông bà
hay họ hàng của họ, nhất là tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với những gia đình
công giáo và gương mẫu. Nhất là cần đón nhận họ nơi môi trường cộng đoàn giáo
xứ như gia đình đức tin; nơi đây họ có thể chia sẻ, trao đổi và thảo luận với
người hữu trách về các vấn đề gia đình mà họ sẽ dấn thân vào. Đây là lúc các
thừa tác viên cùng giúp họ đón nhận cả hai mặt trái và phải của đời sống Hôn
nhân, để cùng nhau sánh bước “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh
hoạn cũng như lúc mạnh khỏe.”
Các linh mục cần
lên chương trình mục vụ cụ thể theo nhu cầu địa phương của mình, đặc biệt điều
chỉnh chương trình học hỏi về giáo lý hôn nhân thế nào cho phù hợp với trình
độ, thời gian, công việc để đôi bạn trẻ có thể tham gia được. Thời gian này là
lúc giúp người trẻ hiểu biết giới tính, và cần được trang bị những kiến thức
căn bản về đời sống tâm sinh lý, biết quản trị tài chính, biết lãnh đạo gia
đình cách tài tình, khôn ngoan… Cũng không quên chuẩn bị cho người trẻ biết
truyền giảng Tin mừng và dạy giáo lý bên trong gia đình, biết làm việc tông đồ
trong gia đình, trong giáo xứ, biết cộng tác với các gia đình khác, tham gia
trong các phong trào, đoàn thể nhằm giúp thăng tiến và lợi ích của gia đình
trong mọi mặt.
Các thừa tác viên
mục vụ hôn nhân gia đình luôn cập nhật cho mình những kiến thức về tâm lý học,
xã hội học, trị liệu và huấn đạo hôn nhân để có điều kiện tốt nhất hỗ trợ các
đôi bạn trẻ, đồng thời cũng cần sự cộng tác giúp đỡ của các chuyên viên như các
nhà tâm lý giáo dục, bác sĩ gia đình, bác sĩ cộng đồng, nhân viên xã hội, luật
sư cho trẻ em và gia đình, các nhà tham vấn. [9]
Đức Thánh Cha
Phanxicô cũng mời gọi những ai có trách nhiệm đồng hành với đôi bạn trẻ cần
giúp các đôi bạn với mục tiêu: giúp khám phá ra phẩm giá và vẻ đẹp của Hôn
nhân, nhận ra sự hấp dẫn của việc kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nâng cao và
hoàn thiện chiều kích xã hội của sự sống, đem lại cho giới tính ý nghĩa sâu xa
nhất của nó và đem lại lợi ích cho con cái bằng cách cho chúng bối cảnh tốt
nhất để lớn lên và phát triển,[10]
giúp đôi bạn học cho biết yêu thương chính con người thật ấy mà họ đang có kế
hoạch chia sẻ toàn bộ cuộc sống.[11]
Đồng thời có khả năng cắt đứt mối quan hệ yêu đương mà thấy trước nguy cơ hôn
nhân thất bại. Ngoài ra, “đôi bạn cần
được khuyến khích và giúp đỡ để có thể bày tỏ những gì mỗi người mong đợi nơi
cuộc hôn nhân sắp tới, hiểu thế nào về tình yêu và sự cam kết, mong muốn gì ở
nhau, muốn cùng nhau xây dựng một lối sống chung như
thế nào…”[12]
Đã là con người thì “nhân vô thập toàn”, không
ai mà không có khuyết điểm, nhưng trong thời gian này các bạn tìm hiểu để biết
nhau với những ưu điểm cũng như giới hạn, giúp
bạn của mình phát triển điểm tốt để cân bằng với những khuyết điểm với
mục đích thăng tiến con người. Biết nhau để cảm thông và sẵn sàng hy sinh cho
nhau, thậm chí đương đầu với gian nan nữa. Đừng để những điều đáng tiếc xảy ra
là nhiều bạn đến ngày thành hôn rồi mà vẫn chưa biết nhau. Họ chỉ vui chơi với
nhau, đã có kinh nghiệm với nhau nhưng chưa đối đầu trước thách đố thể hiện
chính mình và học biết người kia thực sự là ai.[13]
2.3. Chuẩn bị liền ngay trước lúc cử hành
Bí tích Hôn nhân
Việc chuẩn bị này này sẽ kéo dài trong một thời
gian có thể trong nhiều tháng, nhất là trong những tuần cuối trước ngày cưới.
Việc chuẩn bị này rất cần thiết đối với những người ít hiểu biết về giáo lý và
lơ là trong việc sống đạo.
Đây phải là thời
kỳ giúp đôi bạn đào sâu và hiểu rõ ý nghĩa của từng cử chỉ để họ có thể sống
việc cử hành phụng vụ cách sâu xa nhất. Cần đào sâu về Mầu Nhiệm Chúa Kitô và
Hội Thánh. Cần nhấn mạnh ý nghĩa Đức tin cũng như ân sủng. Đây cũng là thời
gian làm rõ nét trách nhiệm của người chồng và người vợ tương lai trong Hôn
nhân Kitô giáo. Đồng thời có một điều quan trọng là: đám cưới không được xem
như điểm kết thúc, điểm đến cuối cùng của một con đường nhưng là sự bắt đầu của
“một ơn gọi suốt đời đặt căn bản trên một quyết định vững chắc và thực tiễn sẽ
cùng nhau đương đầu với mọi thử thách và thời điểm khó khăn.” Theo đó, ta cần
giúp cho đôi bạn biết chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân sủng, chuẩn bị cho việc
cử hành bí tích Hôn nhân là quan trọng hơn cả những chuẩn bị bên ngoài.[14]
3. Tu sĩ với công tác mục vụ hôn nhân gia
đình
Nam
nữ tu sĩ và những người tận hiến nói chung tùy theo linh đạo và đặc sủng của
Dòng hay tu hội mình có thể góp phần vào công tác tông đồ gia đình. Bằng chính
việc dấn thân trong ơn gọi tận hiến của mình làm cho họ trở nên nhân chứng của
đức ái phổ quát qua đức khiết tịnh vì Nước Trời, sẵn sàng hiến thân phục vụ cho
Thiên Chúa và công cuộc tông đồ. Như thế, các người tận hiến với linh đạo và
đặc sủng của Tu hội mình đều có khả năng phục vụ lợi ích cho các gia đình, quan
tâm đến các trẻ em bị bỏ rơi, những người mồ côi, nghèo khó hay tàn tật, những
thai nhi bị loại trừ, đến và giúp đỡ, tư vấn, an ủi, nối kết nững gia đình đang
thiếu vắng tình yêu, gia đình gặp khó khăn hay phân tán, trình bày giáo huấn và
đưa ra những lời khuyên để chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân có tâm
hồn gặp gỡ Chúa và sống trong sự hiện diện của Ngài, giúp cho họ có cảm thức về
tội, sống tình bác ái huynh đệ giữa các thành phần trong đại gia đình.
Riêng,
với người nữ tu Mến Thánh Giá, việc đồng hành và giúp cho nữ giới cũng đã nằm
trong Luật tiên khởi Dòng Mến Thánh Giá mà Đức Cha Lambert de la Motte đã khơi
mào:
Dạy cho các thiếu nữ, giáo cũng
như lương, những điều nữ giới cần biết. Nếu vì tình huống hiện tại xảy đến cho
đạo thánh không thể làm được, chị em phải nhớ rằng, khi hoàn cảnh cho phép, thì
đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình… Dùng mọi cách kêu gọi những phụ
nữ và thiếu nữ trụy lạc trở về nếp sống lương thiện.[15]
Ngày
nay, cũng trung thành với đặc sủng của Đấng Sáng lập, tuy phương thức phục vụ
có khác đôi chút cho phù hợp với hoàn cảnh của thời cuộc nhưng chị em Dòng Mến
Thánh Giá vẫn không ngừng đồng hành và giúp mục vụ cho hôn nhân gia đình, ngoài
việc giúp dạy trong các lớp Giáo lý hôn nhân, chị em vẫn tiếp tục phục vụ con
người bằng việc thăng tiến nữ giới trong các chương trình hướng nghiệp, hướng
dẫn đời sống phụ nữ trong gia đình và xã hội, giáo dục lương tâm luân lý và
phục hồi phẩm giá cho những phụ nữ lỡ bước.[16]
Hy vọng rằng, với chút đóng góp nhỏ bé của mình, chị em cũng phần nào xóa bớt
đi bao nỗi bất an, bất bình và bất hòa trong gia đình, tạo nền tảng vững vàng
cho nhiều bạn trẻ đang trong giai đoạn tìm hiểu bắt đầu bước vào đời sống Hôn
nhân thêm tự tin, vui vẻ và hạnh phúc.
Lời kết
Gia đình là Hội thánh tại gia, là tế bào căn bản của đời sống xã hội,
là nơi các bạn trẻ nam và nữ được mời gọi trao hiến cho nhau trong tình yêu và
trong việc truyền thông nét phong nhiêu sự sống mà cao điểm là hôn nhân Kitô
giáo. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như Hội đồng Giám mục Việt Nam cho chúng ta
thấy tầm quan trọng của hôn nhân và cần chuẩn bị kỹ để giúp họ sống tốt ơn gọi ấy,
bởi lẽ kết hôn là quyết định quan trọng, vấn đề sinh tử của đời người nên rất cần
được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Một cuộc chuẩn bị không chỉ là vài ngày
hay vài tháng nhưng là cả một hành trình đức tin. Bởi đó, không thể thoái thác trách nhiệm cho những Giáo lý viên các
lớp Giáo lý hôn nhân hay nơi một ai khác, nhưng là trách nhiệm của tất cả mọi
người, từ chính bản thân các đôi bạn, đến gia đình các đôi bạn, đến các vị chủ
chăn, các thừa tác viên mục vụ hôn nhân gia đình, các tu sĩ và những người có
trách nhiệm giảng dạy, tư vấn, giúp đỡ…, để giúp cho bạn trẻ có định hướng đúng
đắn với chọn lựa của mình, nỗ lực hết mình để học hỏi và trang bị cho những kiến
thức và các kỹ năng cần thiết cho một bước quyết định đầy thách thức mở ra cho
mình khi dấn bước vào đời sống hôn nhân.
[1]
http://congannghean.vn/gia-dinh-xa-hoi/201505/gia-tang-ly-hon-o-cac-cap-vo-chong-tre-nhieu-he-luy-xau-610392
[2] http://new.titocovn.com/node/14516
[3]
HĐGM Việt Nam, Thư gởi các gia đình
công giáo năm 2016, số 05.
[4]
ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn
Familiaris Consortio, số 66.
[5]
Ibid.
[6]
ĐTC Phanxicô, TH Amoris Laetitia- Niềm
vui của Tình yêu, số 206.
[7]
Ibid., số 207.
[8]
ĐTC, Tông huấn Amoris Laetitia-
Niềm vui của Tình yêu, số 208.
[9]
Xc. ĐTC Phanxicô, TH Amoris Laetitia- Niềm vui của Tình yêu,
số 204
[10]
Ibid., số 205.
[11]
Ibid., số 208.
[12]
Ibid., số 209.
[13]
ĐTC Phanxicô, TH Amoris Laetitia- Niềm vui của Tình yêu,
số 210.
[14]
Xc. ĐTC Phanxicô, TH Amoris Laetitia- Niềm vui của Tình yêu, số
210.
[15] Luật
tiên khởi Dòng Nữ Mến Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, ch. 3 câu 2 & 5.
[16]
Hiến chương Hội Dòng Mến Thánh Giá
Qui Nhơn, điều 73, triệt 4.
Đăng nhận xét