Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân



Người trẻ bước vào đời sống Hôn nhân,
ngoài việc cần có thời gian tìm hiểu mục đích,
ý nghĩa và những đòi hỏi của hôn nhân Công giáo,
họ cũng cần có thời gian chuẩn bị để học sự thủy chung,
học tôn trọng và đón nhận nhau,
đồng thời chứng tỏ cho nhau về tình yêu của mình.
Ts. Giuse Nguyễn Văn Giới, OP.
Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” là chủ đề Mục vụ gia đình mà Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ dẫn cho năm Phụng vụ 2016- 2017, trong Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa, ngày 07 tháng 10 năm 2016. Hành trình chuẩn bị cho đời sống hôn nhân thường được hiểu là thời kỳ “đính hôn”. Giữa thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay, các gia đình đang phải đối diện, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định, thì các cộng đoàn Kitô hữu cần giúp các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân chuẩn bị những gì và như thế nào? Tại sao cần sự chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân? Bài viết dưới đây phần nào trả lời cho câu hỏi này. Trước khi trả lời cho những câu hỏi trên, người viết tìm hiểu nghĩa hạn từ “đính hôn”.
1.Tìm hiểu hạn từ
Thời đính hôn là gì? Phải chăng đó chỉ là trao tặng cho nhau một chiếc nhẫn tình yêu? Không hoàn toàn như vậy. Chiếc nhẫn đính hôn là biểu tượng bên ngoài, tượng trưng cho tình yêu kết ước hai người. Nó là dấu chỉ bề ngoài của tình yêu đôi lứa. Việc đính hôn phải hệ tại ở nội tâm, con tim, ý chí, tinh thần và lòng chung thủy của hai người trải dài quá trình gặp gỡ, tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Chúng ta tạm hiểu như vậy.
Theo từ nguyên, “đính hôn” ( 訂婚 ) có nghĩa là định trước việc vợ chồng. (Đính: Giao ước, ký kết. Hôn: cưới vợ, lấy chồng). Lễ Đính hôn giữ một vai trò rất quan trọng, đó là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ.[1] “Đính hôn” được dịch bởi hạn từ “promisse of marriage, engagement” trong tiếng Anh, và “faire une promesse de mariage; se fiancer avec” trong tiếng Pháp. Trong tiếng Việt, hạn từ “Đính hôn” mang nghĩa ước hẹn lấy nhau làm vợ chồng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích tầm quan trọng của hạn từ “Đính hôn” này trong bài giáo lý của Ngài về việc “Đính hôn” được ban hành ngày 27  tháng 5 năm 2015, trong buổi Triều Yết Chung, tại Quảng Trường Thánh Phêrô như sau: 
Việc Đính hôn, chúng ta cảm thấy trong từ này có liên hệ với lòng tin cậy, tin tưởng và đáng tin cậy… Nói cách khác, Đính hôn là thời gian trong đó hai người được mời kêu gọi để làm một công việc tốt đẹp về tình yêu, một công việc tham gia và chia sẻ, đi vào chiều sâu. Hai người dần dần nhận rõ nhau hơn, nghĩa là, người nam ‘hiểu biết’ người nữ qua việc điều tra chính thức về người phụ nữ này, vị hôn thê của mình; và người nữ ‘hiểu biết’ người nam qua việc điều tra chính thức về người đàn ông này, vị hôn phu của mình.
 Theo Giáo lý Hôn nhân và gia đình, “Đính hôn là kết thúc giai đoạn sơ khởi của gặp gỡ, quen biết, để đưa tình yêu lứa đôi lên một mức nghiêm túc hơn và hướng đến một quyết định quan trọng là thành hôn.”[2]
2. Tại sao phải chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân?
Người trẻ bước vào đời sống hôn nhân là một quyết định rất quan trọng, một bước ngoặt thay đổi đời sống liên quan đến hạnh phúc cả một đời, nên cần phải được chuẩn bị chu đáo để sống đời lứa đôi hạnh phúc. Tuy nhiên, đa số người trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân thường chỉ nghĩ đến chuyện tình cảm là chủ yếu, nên họ gặp phải những trục trặc không đáng có sau một thời gian ngắn chung sống. Đời sống hôn nhân không phải thuần túy chỉ là sự kết ước giữa hai người theo kiểu cảm tính giữa người nam và người nữ; không phải hướng tới đích điểm là ngày cưới, và cũng không phải chỉ là một định chế thuần túy của nhân loại, nhưng Hôn nhân là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa và nằm trong chương trình của Người. Hôn nhân đã được Kinh Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu sách Sáng thế.[3] Giáo huấn của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Mục Vụ “Niềm Vui và Hy Vọng”, số 48.1 cho chúng ta thấy: “Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập, và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật, và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng...chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân.”[4]
Không những thế, Hôn nhân công giáo còn là một Bí tích được chính Chúa Giêsu thiết lập:  “...Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”[5] Và, “Hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại.”[6]
Trước những thách đố ngày nay các gia đình đang phải đối diện trong một xã hội diễn biến phức tạp, người trẻ bước vào đời sống hôn nhân cần được chuẩn bị chu đáo bởi vì “Hôn nhân hợp pháp giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất.”[7] Do tính đơn nhất và bất khả phân ly của Hôn nhân, những người đã lãnh nhận bí tích Hôn phối, không thể chán chung sống với nhau thì bỏ nhau.
Người trẻ bước vào đời sống Hôn nhân, ngoài việc cần có thời gian tìm hiểu mục đích, ý nghĩa và những đòi hỏi của hôn nhân Công giáo, họ cũng cần có thời gian chuẩn bị để học sự thủy chung, học tôn trọng và đón nhận nhau, đồng thời chứng tỏ cho nhau về tình yêu của mình, như Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy:“Trong thời gian thử thách này, họ học biết tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. Họ sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho nhau sau ngày thành hôn.”[8]
Như vậy, thời gian chuẩn bị cho các bạn trẻ bước bào đời sống Hôn nhân hay thời kỳ đính hôn ngắn hay dài là tùy ở mức độ hiểu biết của đôi bạn về nhau, về thân nhân của nhau, cũng như về những nền tảng cần thiết chuẩn bị cho đời sống Hôn nhân mai này. Thời gian chuẩn bị này cần phải có và rất cần thiết cho đời sống Hôn nhân hạnh phúc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Chuẩn bị hôn nhân là điều rất quan trọng để lời cam kết của đôi hôn phối trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài.”[9]
3. Cần chuẩn bị những gì và như thế nào?
Việc Đính hôn không phải là một thoả thuận đơn giản về sự quyến rũ hay cảm tình, trong một giây phút, một thời gian ngắn, nhưng phải là hành trình trưởng thành trên một con đường. Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy rằng: “Việc đính hôn là một con đường trong đời sống cần được chín mùi như trái cây, một con đường trưởng thành trong tình yêu, cho đến khi nó trở thành hôn nhân.”[10] Vì là con đường trưởng thành trong tình yêu, cho đến khi nó trở thành hôn nhân, cho nên cần phải được chuẩn bị theo tiến trình đầy đủ và kỹ càng. Theo Tông huấn về Gia đình (Familiaris Consortio) của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năm 1981, số 66: “Việc chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình cần được thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục, bao gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích.”
3.1. Chuẩn bị xa
Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ thời thơ ấu trong gia đình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, số 208, khẳng định rằng: “Thực ra, mỗi người đều chuẩn bị cho cuộc hôn nhân ngay từ lúc sinh ra. […] những người được chuẩn bị kết hôn tốt nhất là những người đã học được từ chính cha mẹ mình thế nào là một hôn nhân Kitô giáo.”
Theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về Gia đình, số 66 thì,:“Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ thời thơ ấu, khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình phải nhằm đưa trẻ em tới chỗ khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý vừa phong phú vừa phức tạp, được phú ban một nhân cách đặc thù, với những sức mạnh cũng như những yếu đuối riêng của mình.”
Nói theo ngôn ngữ của Karen Armstrong,“Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác.” Trong giai đoạn này, gia đình giúp các các em trưởng thành nhân bản trong các tương quan với người khác nơi gia đình, nơi trường lớp, cũng như trong môi trường xã hội chẳng hạn như: sống yêu thương, khiêm tốn thật thà, dũng cảm, biết làm chủ bản thân và tôn trọng người khác phái…
Trong gia đình, theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Những người được chuẩn bị kết hôn tốt nhất là những người đã học được từ chính cha mẹ mình thế nào là một hôn nhân Kitô giáo.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về Gia đình - Familiaris consortio, số 66, dạy rằng:  “Đặc biệt đối với đời sống Kitô hữu, còn phải đào tạo vững chắc đời sống thiêng liêng và giáo lý, để các em từ từ hiểu được rằng: hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực.”
3.2. Chuẩn bị gần
Để chuẩn bị cho cuộc sống Hôn nhân tốt đẹp, “Các khóa dự bị Hôn nhân là một cách diễn tả đặc biệt của việc chuẩn bị này”, (Diễn từ Giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc Đính hôn, ngày 27 tháng 5 năm 2015, trong buổi Triều yết chung, tại Quảng trường thánh Phêrô.) Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định:
Việc chuẩn bị này tập trung vào yếu tố cần thiết là Thánh Kinh, để cùng nhau tái khám phá, một cách có ý thức; trong cầu nguyện, theo chiều kích phụng vụ, nhưng cũng trong ‘kinh nguyện tại gia’, trong đời sống gia đình, các bí tích, đời sống bí tích, bí tích Xưng Tội,... trong đó Chúa đến ngự nơi những người đính hôn và chuẩn bị cho họ thực sự đón nhận nhau ‘với ân sủng của Đức Kitô’ và tình huynh đệ với những người nghèo và những người túng thiếu, khiến cho chúng ta tiết độ và chia sẻ.  Nếu những cặp đính hôn tham gia vào việc này thì cả hai người cùng lớn lên và tất cả những điều ấy dẫn đến việc chuẩn bị một cuộc cử hành Hôn Lễ tuyệt đẹp một cách khác, không theo cách thế gian mà cách Kitô giáo!
Để chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân, Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa, số 5, ban ngày 07 tháng 10 năm 2016, cũng hướng dẫn:“Cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo.” Thư Chung hướng tới những mục tiêu sau:
Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa và theo giáo huấn của Hội Thánh, khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, trách nhiệm xây dựng một gia đình mới.
Dẫn vào bí tích Hôn Phối, giúp đôi bạn đón nhận bí tích cách xứng đáng và có khởi đầu vững chắc cho đời sống gia đình. Bí tích Hôn Phối không chỉ là thời điểm cử hành hôn lễ nhưng là thực tại tác động toàn bộ đời sống hôn nhân. Vì thế, phải giúp họ cử hành bí tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa và trân trọng ý nghĩa của từng lời nói và dấu chỉ trong cử hành bí tích.
Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo luận với nhau: họ mong chờ gì từ hôn nhân và từ người bạn đời; họ hiểu thế nào về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm xây dựng một gia đình.
Giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình.


3.3. Chuẩn bị liền trước
Theo Tông huấn Gia đình, số 66, việc chuẩn bị liền trước cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình, cần được thực hiện như sau:
+ Về thời gian:
Việc chuẩn bị này diễn ra trước lễ hôn phối nhiều tháng, nhất là những tuần cuối. Giáo luật số 1066 -1067 gọi thời gian này là điều tra hôn phối. Việc chuẩn bị này cần thiết cho mọi trường hợp. Điều tra khi nào? Điều tra trước hoặc trong khi rao hôn phối. Điều tra những gì? Tất cả những gì có thể ngăn trở cho cuộc hôn phối bất cứ cách nào như về Phép rửa, về sự tự do, về tuổi theo Giáo luật và các ngăn trở bí tích Hôn phối: họ máu, họ kết bạn, họ thiêng liêng…
+ Đào sâu về mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh
Trong số các yếu tố phải truyền đạt trong tiến trình đức tin này, tựa như ở thời kỳ dự tòng, cũng phải có việc đào sâu về mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Kitô giáo” (Tông huấn về Gia đình - Familiaris Consortio).
+ Chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ Hôn phối
Cũng theo Tông huấn Familiaris consortio, số 66, ngoài việc điều tra hôn phối, đào sâu về mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh, thì thời gian này cần chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối ngang qua việc sống tốt thời kỳ đính hôn: Học hỏi Kinh Thánh, học hỏi về đời sống hôn nhân và gia đình, chuyên cần cầu nguyện, giữ lòng chung thủy và tình yêu chân thành. Sau cùng, đôi bạn cử hành phụng vụ hôn phối cách chu đáo vì Bí tích hôn nhân là dấu chỉ hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Hội thánh.
Để kết
Người viết xin mượn lời của Thánh Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Familiaris consortio, số 66, đề cập tới việc “chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân”:
Trong thời đại chúng ta, việc chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân, dấn thân vào đời sống gia đình là điều cần thiết hơn bao giờ hết. (...) Các thay đổi phát sinh từ hầu hết các xã hội mới đòi hỏi không những gia đình, nhưng cả xã hội và Giáo Hội nỗ lực tham gia vào việc chuẩn bị thích đáng cho các bạn trẻ về các trách nhiệm trước tương lai của chính họ. (…) Kinh nghiệm cho thấy các bạn trẻ chuẩn bị chu đáo đời sống gia đình nói chung dễ thành công hơn những người khác. Điều đó lại càng quan trọng hơn cho hôn nhân công giáo mà tầm ảnh hưởng nới rộng tới việc thánh hóa cả nam lẫn nữ. Vì vậy, Giáo Hội phải cải tiến các chương trình chuẩn bị hôn nhân cho được hoàn hảo và có kết quả, nhằm loại bỏ những khó khăn mà các lứa đôi phải đương đầu, giúp các bạn trẻ thành đạt sung mãn.


[1] Xc. JM. Lam Thy ĐVD, Hành trình chuẩn bị cho đời sống hôn nhân, Legio Mariae, 01/2017, Tr.7.
[2] Hội đồng Giám mục Viêt Nam, Giáo lý Hôn nhân và gia đình, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr. 57.
[3] St 1, 27-28; 2, 18-25.
[4] Vat. II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay - Gaudium et spes, số 48.
[5] Mt 19,3-6.
[6] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình - Familiaris Consortio, số1.
[7] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1638; Giáo Luật, điều 1134.
[8] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2350.
[9] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1632.
[10] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn từ giáo lý về việc “đính hôn”trong buổi Triều yết chung, tại Quảng trường thánh Phêrô, ngày 27. 5.2015.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn