Bí tích Hòa Giải, bí tích của Lòng Thương Xót

Hạnh phúc thay,
kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung (TV 32,1).
Pet. Võ Tá Đương, OP.
Năm Thánh Lòng Thương Xót cơ hội rất quý báu và thuận tiện, để toàn thể Giáo hội và mỗi chúng ta tái khám phá tình yêu và lòng thương xót bao la mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Tình yêu và lòng thương xót Chúa thể hiện cách rất gần gũi và rõ nét trong lịch sử cứu độ, cũng như lịch sử từng người chúng ta. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho con người là tình yêu nhưng không, là tình yêu hy hiến vì người mình yêu, một tình yêu bao la vượt quá sự mong đợi, quá sức tưởng tượng và hiểu biết của con người. Thật thế, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”[1]
Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh nơi Đức Giêsu.[2] Qua Đức Giêsu, chúng ta được biết bản tính của Thiên Chúa là thương xót. Từ nền tảng lòng thương xót, Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội trên trần gian như là chứng nhân của lòng thương xót. Không những thế, Người đã lập nên các bí tích như là khí cụ chuyển trao tình yêu và lòng thương xót Chúa cho con người. Trong đó, bí tích Hòa giải được gọi là bí tích của lòng thương xót.[3]
Nơi bí tích Hòa giải, tội nhân được gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa trong chính mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, được cứu độ, được tha thứ, được ban cho sự sống mới. Ngang qua bí tích Hòa Giải, Đức Giêsu bày tỏ tình yêu Thiên Chúa đối với con người như tình thương của người cha nhân hậu, từng ngày chờ mong đứa con hoang đàng trở về, để trao ban nụ hôn tha thứ, phục hồi phẩm giá “người con” và mở tiệc ăn mừng…[4]
Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ
Cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho con người, riêng là cho chính bản thân mình, thánh vương Đavít đã vui sướng kêu lên rằng: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung.”[5] Có thể nói, mỗi chúng ta cũng có được cái hạnh phúc đó, khi được Thiên Chúa yêu thương tha thứ những lỗi lầm thiếu sót trong hành trình đức tin của mình.
Là những thụ tạo thấp hèn, con người được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, tuyển chọn và thánh hiến.[6] Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên thọ tạo mới trong Chúa Kitô,[7]  được trở nên con Thiên Chúa và con Hội Thánh, được thừa hưởng kho tàng thiêng liêng vô cùng quý giá là đức tin, hướng tới hạnh phúc nước trời mai sau. Thế nhưng “kho tàng” đó lại chứa đựng trong bình sành mỏng manh, dễ vỡ.[8]
Mặc dầu được tái sinh làm con Thiên Chúa, nhưng vì mang trong mình thân xác yếu hèn và dễ nghiêng chiều về sự xấu trong bản tính đã bị băng hoại vì Tội Nguyên Tổ, con người rất dễ bị sa ngã, đánh mất kho tàng ơn thánh Chúa. Mặc cho con người bao phen yếu đuối, bao lần thay lòng đổi dạ, bất trung bất tín với tình yêu Thiên Chúa, nhưng vì tình yêu và lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội lỗi và sự vong ân bội nghĩa của con người, tình yêu Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi của con người.[9] Vì thế, Người đã ban bí tích Hòa giải để giúp con người nối lại tình thân với Chúa, để nối lại nhịp cầu yêu thương đã bị phá vỡ do tội lỗi con người, để giúp con người được đón nhận ơn tha thứ và sự bình an. Quả thế, “bí tích Hòa giải không những chữa lành hối nhân vừa được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh thêm sức sống sau khi đã phải đau khổ vì tội lỗi của các chi thể.”[10]
Là tội nhân, chúng ta được mời gọi tin tưởng và trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, can đảm và mau mắn đến với bí tích Hòa giải để đón nhận ơn tình yêu, sức sống của Chúa, đón nhận ơn tha thứ và sự bình an của Chúa ngang qua bí tích của lòng thương xót này. Đặc biệt trong hồng ân này, chúng ta được mời gọi hãy sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích Hòa giải, tha thứ cho nhau và làm hoà với nhau, đặt bí tích Hòa giải ở trung tâm đời sống đức tin, để mỗi chúng ta được chạm vào lòng thương xót Chúa.[11]
Vì lẽ đó, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định:
Rất nhiều người đang tìm đến bí tích Hòa giải, trong đó có nhiều người trẻ, nhờ trải nghiệm này, sẽ tìm thấy con đường quay về với Thiên Chúa, để sống những giờ phút cầu nguyện và để tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống. Một lần nữa, chúng ta cần xác tín vững vàng về tầm quan trọng đặc biệt của bí tích Hòa Giải, một bí tích cho phép chúng ta như được chạm tay vào sự cao cả của lòng thương xót. Bí tích này là nguồn suối an bình nội tâm thực sự cho mọi hối nhân.[12]
Chúng ta thật hạnh phúc vì có một vị Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương, luôn yêu thương và đợi chờ chúng ta trở về với Người, một vị Thiên Chúa luôn đồng hành, tha thứ và xóa bỏ hết những tội lỗi cho chúng ta cho dù tội của chúng ta có nặng tới đâu: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.”[13] Trước tình yêu đó, chúng ta cũng được mời gọi sống, loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, trở nên dấu chỉ của lòng thương xót Chúa cho con người thời đại, trong môi trường mình sống, và nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.[14]
 Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội[15]
Mang thân phận phàm nhân yếu đuối, con người chúng ta dễ xuôi chiều bởi các đam mê dục vọng, và những cám dỗ ngọt ngào của thế gian, và đắm chìm trong tội lụy. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân, bởi lẽ, “Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi, chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không”.[16] Hơn ai hết, thánh Tông đồ Phaolô đã cảm nhận rất sâu sắc rằng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”[17]
Lịch sử của loài người là một lịch sử tội lỗi, khởi đi từ sự sa ngã của Ađam - Evà.[18] Từ đó, tội lỗi đã xâm nhập vào trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.[19] Tội lỗi cắt đứt mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, khước từ tình yêu Thiên Chúa, và đánh mất hạnh phúc vĩnh cửu. Vì tội lỗi, con người đã phải xa cách Thiên Chúa ngàn trùng. Thế nhưng, vì tình yêu, Thiên Chúa đã tìm cách xóa đi khoảng cách xa biệt ấy để đến với con người, ở với con người và phục hồi phẩm giá cho con người. Quả thế,
Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa được mặc khải trong lịch sử của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel. Thiên Chúa tỏ lộ Ngài là Đấng giầu lòng thương xót, luôn luôn sẵn sàng chăm sóc Dân Chúa với lòng nhân ái và cảm thông, đặc biệt trong những khoảnh khắc bi thảm khi Dân Chúa bất trung trong việc tuân giữ giao ước, điều cần phải được cũng cố cách vững chắc hơn trong công lý và sự thật.[20]
Ngang qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể, Đức Giêsu đã trải qua thân phận làm người như chúng ta. Người đến vì tình yêu, một tình yêu bao la không giới hạn, một tình yêu thiêng liêng sâu thẳm. Vì tình yêu và lòng thương xót, Đức Giêsu đến để cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu sự yếu đuối, mỏng giòn của con người; để cứu độ, tha thứ và giao hòa con người với Thiên Chúa; để con người được sống và sống dồi dào trong tình yêu và lòng thương xót của Người.[21]
Khi trải nghiệm kiếp sống con người, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương đối với tất cả mọi người, nhất là những người tội lỗi, bởi vì, “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”[22] Thật vậy, Đức Giêsu đến để cứu những gì hư mất và ban lại niềm vui ơn tha thứ và bình an cho con người, giúp con người nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Người không kết án, nhưng là tha thứ, người không hạch tội, nhưng trao ban bình an, và mời gọi con người đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa.[23] Ngang qua Đức Giêsu, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã vượt qua bên kia tội lỗi của con người; tình yêu của Thiên Chúa đã vượt qua bên kia sự phản bội của loài người. Thật thế, “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; qua chức thừa tác của linh mục Thiên Chúa lại ôm chúng ta trong vòng tay, tái sinh chúng ta và cho phép chúng ta đứng dậy và tiếp tục lộ trình.”[24]
Tội lỗi của con người có lớn đến bao nhiêu cũng không sánh bằng tình yêu và lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa. Như lời tâm tình của thánh vương Đavít: “Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.” Trước tình yêu hải hà ấy, chúng ta được mời gọi nhìn nhận những sai lỗi của mình, chân nhận là sự yếu đuối bất toàn của phận người, để tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, và mau mắn  trở về với tình yêu Thiên Chúa, vì Người là “Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.”[25]
Tạm kết
Năm Thánh Lòng Thương Xót là món quà quí giá mà Thiên Chúa trao ban cho Giáo hội qua sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô. Dấu chỉ ân sủng đặc biệt của Năm Thánh Lòng Thương Xót là bí tích Hòa giải, nơi đó Chúa Kitô mời gọi chúng ta nhận biết về tội lỗi của mình và cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa, để kín múc nguồn mạch thánh ân của Thiên Chúa đổ tuôn qua bí tích Hòa giải, để giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân.
Ước mong sao mỗi, chúng ta cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót Chúa qua bí tích Hòa giải, bí tích của lòng thương xót Chúa, để trong hành trình đức tin, cách riêng là trong Năm Thánh Lòng Thương xót này sẽ là cơ hội thuận tiện và tốt đẹp cho tất cả chúng ta tìm về với lòng thương xót của Thiên Chúa, để cùng với thánh vương Đavít, chúng ta cất lên lời kinh ca tụng lòng thương xót Chúa và sự quyết tâm trở về: 
Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
 thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.
Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng,
nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.
Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa,’
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.[26] 
Để qua đó, mỗi chúng ta trở nên những khí cụ đắc lực của tình yêu và Lòng Thương xót Chúa cho con người thời đại.



[1] Ga 3, 16.
[2] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Sắc Miseridordiae Vultus, số 01.
[3] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số1424.
[4] Xc. Lc 15, 11- 31.
[5] Tv 32, 1.
[6] Xc. Cl 3, 12.
[7] Xc. 2Cr 5, 17.
[8] Xc.  2Cr 4, 7.
[9] Xc. 1Pr  4, 8.
[10] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1469.
[11] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2016, số 02.
[12] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Miseridordiae Vultus, số 17.
[13] Is 1, 18.
[14]Xc. ĐTC Phanxicô, Tông sắc Miseridordiae Vultus, số 12, 13 và 14.
[15] Tv 32, 2a.
[16] Tv 53, 2.
[17] Rm 7, 19.
[18] Xc.  St 3, 1-7.
[19] Xc. Rm, 5, 7.
[20] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay năm 2016, số 02.
[21] Xc. Ga 10, 10.
[22] Mt 9, 13.
[23] Xc. Ga 8, 1- 11.
[24] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài huấn dụ về đề tài tha thứ, tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ Tư, ngày 20/11/2013.
[25] Tv 103, 8-10.
[26] Tv 32, 3-5.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn