Bí tích Hòa Giải, hiện thân của lòng Chúa thương xót

Những ai đến lãnh nhận Bí tích Hòa Giải
đều được Thiên Chúa nhân từ
tha thứ những xúc phạm đến Người.
Đồng thời họ được giao hòa cùng Giáo hội
mà tội lỗi họ đã làm tổn thương.
[1]
Trí Dũng, OP.
Trong lời khẳng định trên, chúng ta thấy rõ Công Đồng muốn nhấn mạnh đến chiều kích Hội Thánh khi nối kết giữa việc Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, củng cố bằng ân sủng của Người với việc hối nhân giao hòa với Hội Thánh. Như thế, Công Đồng không chỉ nhấn mạnh đến tính chất xã hội của tội, nhưng còn đến tính chất Hội Thánh, có nghĩa là bất cứ tội nào cũng gây hậu quả xấu đối với Hội Thánh, làm cho Hội Thánh bị thương tích. Thế nên trong Bí tích Thống Hối, không phải chỉ nhắm đến việc giao hòa với Thiên Chúa, mà còn chú ý đến việc giao hòa với Hội Thánh, rồi mới đến cá nhân mà mình xúc phạm.
Vì thế, bài viết xin được trình bày sơ qua về việc mất cảm thức về tội như là nguyên nhân đưa đến sự đổ vỡ nơi chính bản thân con người, phá vỡ các mối tương quan với Chúa, với Giáo Hội và với người khác. Kế đó, bài viết nói đến bí tích Hòa giải như là phương thế Thiên Chúa dùng để con người có thể tái lập lại tương quan với Chúa, với Giáo Hội, với tha nhân và với chính bản thân.
I. Mất cảm thức về tội
Lương tâm là một thực tại cao quý và đặc biệt của con người; bởi vì nhờ lương tâm, con người chọn lựa và quyết định về chính hiện hữu của mình: biết mình để nhận thức về căn tính của mình, thiết lập tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trình bày về lương tâm như sau: “Lương tâm là một phán quyết của lý trí nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay sẽ làm, là tốt hay xấu”[2]. Lương tâm gắn với lý trí nên khi lý trí phán đoán sai lầm thì lương tâm cũng có thể bị sai lầm theo. Với nhiều chủ thuyết thượng tôn lý trí và vật chất, con người dễ dàng đánh mất cảm thức về tiếng nói của Thiên Chúa thể hiện qua tiếng lương tâm. Khi tiếng lương tâm không còn được lắng nghe và được chú ý thì cảm thức về Thiên Chúa cũng bị lu mờ theo. Nếu như điểm quy chiếu có tính chất quyết định là Thiên Chúa bị mất đi, thì cảm thức về tội lỗi chẳng chóng thì chầy cũng sẽ biến mất. Chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nhận định rằng “Tội của thế kỷ chúng ta là mất cảm thức về tội”[3].
Hiện tượng này xảy ra trong thời đại chúng ta phần lớn là do những yếu tố văn hóa tục hóa thời hiện đại. Chúng khiến con người ngày nay đánh mất cảm thức về Thiên Chúa, kéo theo là một sự giảm dần ý thức về tội. Phong tròa tục hóa là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng về lương tâm và mất dần cảm thức về Thiên Chúa.
Phong trào tục hóa là một phong trào tư tưởng và thói tục thiết lập một thuyết nhân bản hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, chỉ tập trung vào hành động và sản xuất, bị lôi cuốn vào sự say mê tiêu thụ và thỏa mãn, không chú tâm vào nguy hiểm “mất linh hồn”. Phong trào này chỉ tập trung đề cao tự do cá nhân của con người và những yêu sách của bản thân mà quên đi hay gạt đi những yếu tố của đời sống tâm linh nơi con người. Vì thế, nó làm suy giảm ý thức của con người về tội. Tội chỉ còn là việc xúc phạm đến con người. Điểm sai lầm nổi bật ở đây là thiếu vắng một tâm điểm để quy chiếu, một chân lý khách quan để soi dẫn. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói:
Con người có thể xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, nhưng rồi thế giới này cuối cùng sẽ quay lại chống chính con người. Trong thực tế, Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích tối thượng của con người và con người mang trong mình một mầm mống thần linh. Chính vì thế, mầu nhiệm Thiên Chúa sẽ khai sáng và chiếu tỏa mầu nhiệm con người. Thực là vô ích khi hy vọng rằng có thể tìm được cảm thức về tội chỉ trong liên hệ với con người và với những giá trị nhân loại, nếu như cảm thức này thiếu đi ý nghĩa xúc phạm đến chính Thiên Chúa, đó mới chính là ý nghĩa đích thực của tội.[4]
Cảm thức về tội cũng biến mất trong xã hội hiện tại vì những điều lập lờ mà con người rơi vào khi đón nhận một số thành quả của khoa học nhân bản. Xuất phát từ vài lý thuyết của khoa tâm lý học một cách thành kiến cho rằng con người không có tự do hoàn toàn trước các sự việc do những yếu tố sinh lý, tâm lý và xã hội gây nên; vì vậy, con người không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tội mà mình đã phạm. Hay như kiểu của khoa xã hội học cho rằng, tội được quy hoàn toàn cho tội của xã hội, còn cá nhân thì hoàn toàn vô tội. Cũng thế, một thứ thuyết nhân bản mang tính văn hóa quá nhấn mạnh đến tác động của môi trường văn hóa bên ngoài khiến con người chỉ làm nô lệ cho lịch sử tính; và như thế, ngăn chặn sự mang trách nhiệmtrên con người, đến độ không nhận rằng con người có khả năng thực hiện những hành động thực sự là nhân linh, và rốt cuộc chối bỏ khả năng phạm tội của con người.
Cảm thức về tội cũng dễ dàng biến mất dưới ảnh hưởng của một thứ thuyết tương đối lịch sử. Đó là một thứ đạo đức muốn tương đối hóa các định chế luân lý, phủ nhận giá trị tuyệt đối và vô điều kiện của những chân lý khách quan, từ đó cũng phủ nhận rằng không thể có những hành động nội tại bất chính, do chủ thể thực hiện hoàn toàn độc lập khỏi các hoàn cảnh. Cuối cùng cảm thức về tội cũng biến mất khi tội bị đồng hóa một cách sai lạc với cảm giác bị cắn rứt của sự lỗi phạm hay với việc đơn thuần vi phạm lề luật và hướng dẫn của lề luật.
Việc đánh mất cảm thức về tội là hậu quả của việc từ chối Thiên Chúa. Nếu hiểu tội là sự cắt đứt liên hệ phụ tử với Thiên Chúa để sống một cuộc đời ra ngoài sự vâng phục mà con người phải có; thì tội không đơn thuần là sự phủ nhận Thiên Chúa mà đúng hơn, tội là sống như không có Thiên Chúa, là loại trừ Người ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Việc làm lu mờ hay giảm thiểu cảm thức về tội bắt đầu từ việc phủ nhận mọi quy chiếu về siêu việt, với chiêu bài đề cao khát vọng sự tự trị cá nhân. Như thế, con người dễ bị lệ thuộc vào những mẫu đạo đức được thiết đặt do dư luận và thái độ chung, tức là nô lệ cho những thể chế xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế. Con người khi chối bỏ Thiên Chúa thì lại trở thành nô lệ cho những ngẫu tượng còn nguy hại hơn gấp bội cho con người.
Ngay cả trong lãnh vực suy tư và đời sống Giáo Hội, cũng có những xu hướng đưa đến việc giảm sút cảm thức về tội. Nhiều người muốn thay thế những thái độ quá đáng của quá khứ về tội bằng những thái độ quá đáng khác mà xét ra còn nguy hại hơn trước nữa.Thay vì nhìn thấy đâu cũng có tội lỗi hiện diện, thì người ta lại không chịu phân biệt chúng; thay vì nhấn mạnh đến việc sợ hình phạt đời đời, người ta rao giảng một tình yêu của Thiên Chúa loại bỏ mọi hình phạt do tội gây ra; thay vì nghiêm khắc trong việc cố gắng sửa chữa những lương tâm sai lệch, người ta lại ca tụng một thứ tôn trọng lương tâm bỏ qua cả việc phải nói sự thật. Đấy là chúng ta chưa nói đến những sự lẫn lộn bị tạo nên trong lương tâm nhiều tín hữu do những ý kiến khác biệt và những giảng dạy trong thần học, trong bài giảng, trong giáo lý, trong linh hướng về những vấn đề quan trọng và tế nhị về luân lý Kitô giáo, tất cả đưa đến việc làm giảm đi, gần như tẩy xóa cảm thức chân thật về tội. Giáo Hội cũng không thể làm thinh trước những sai lạc trong việc thực hành Bí tích Thống Hối: xu hướng thu hẹp chiều kích Giáo Hội về tội và sám hối bằng cách chỉ thu gọn lại trong những thực tế cá nhân; hay ngược lại, xu hướng loại bỏ giá trị cá nhân về cái thiện, cái ác, để chỉ nhìn hoàn toàn trong chiều kích tập thể.Nguy hiểm hơn là thái độ “duy nghi thức” theo một thứ thói quen, làm mất đi ý nghĩa trọn vẹn và hiệu năng giáo hóa trong Bí tích.
Thánh GH Gioan Phaolô II đã đề cập đến sự sai lạc này mỗi khi có dịp tiếp xúc với các tín hữu. Trong cuộc tiếp xúc với hàng Giám mục nước Ý ngày 14.04.1983, ngài đã nói:
Trong số bao nhiêu sự dữ tác hại đến thế giới hiện nay, sự dữ làm cho người ta ưu tư nhất là sự dữ do bởi sự giảm sút khủng khiếp ý thức về sự dữ. Đối với một số người, từ ngữ “Tội” đã trở thành một từ ngữ trống rỗng, đàng sau nó người ta chỉ thấy những cơ chế tâm lý sai lệch, cần điều chỉnh bằng một cuộc trị liệu thích hợp. Đối với những người khác, tội lỗi giới hạn ở bất công xã hội, phát sinh từ những thoái hóa áp bức của “hệ thống” và do đó có thể quy trách cho những kẻ góp phần duy trì hệ thống này. Đối với những người khác nữa, tội lỗi là một thực tại không thể tránh được do bởi những hướng chiều bất khả kháng của bản tính con người, và do đó không thể gán cho đương sự như kẻ có trách nhiệm. Cuối cùng có những người, mặc dù chấp nhận một ý nghĩ tự nhiên về tội, vẫn giải thích một cách tùy tiện luân lý, và bằng cách tự xa rời những chỉ dẫn của quyền giáo huấn trong Hội Thánh, họ hùa theo một cách nô lệ não trạng dễ dãi của lối sống thông thường.
Trong bài giảng tại Huelva, Tây Ban Nha, ngày 14. 06. 1993, ngài nói về kết quả đau buồn khi con người trục xuất Thiên Chúa ra khỏi đời mình; nói cách khác khi mất cảm thức về tội, thì điều gì sẽ xảy ra:
Chắc chắn rằng con người có thể trục xuất Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Nhưng điều đó sẽ không thể nào không mang theo những hậu quả rất trầm trọng đối với bản thân con người và đối với phẩm giá là nhân vị của người ấy. Anh chị em biết rõ điều này: việc xa rời Thiên Chúa kéo theo với nó sự đánh mất những giá trị luân lý tạo nên cơ sở và nền tảng cho việc chung sống giữa con người. Và thiếu vắng điều này sẽ tạo nên một sự trống rỗng mà người ta chủ trương lấp đầy bởi một nền văn hóa – hay đúng hơn những thứ văn hóa giả tạo – đặt trọng tâm trên sự tiêu thụ vô độ, trong nỗi lo lắng muốn sở hữu và hưởng thụ, và không có một lý tưởng nào khác ngoài việc đấu tranh cho những quyền lợi của mình và cho khoái lạc ích kỷ. Lãng quên Thiên Chúa, thiếu vắng những giá trị tinh thần mà chỉ mình Người có thể là nền tảng, cũng là căn nguyên, những hệ thống kinh tế lãng quên phẩm giá con người và luật luân lý, xem lợi nhuận như mục tiêu đầu tiên và tiêu chuẩn độc nhất cảm hứng cho những chương trình của họ. Thực tại cơ bản này không xa lạ đối với những hiện tượng khó khăn kinh tế xã hội ảnh hưởng trên bao nhiêu gia đình, như thảm kịch thất nghiệp – mà nhiều người trong anh chị em đã biết vì đã có kinh nghiệm đau đớn – làm cho nhiều người đàn ông lẫn đàn bà thiếu việc làm lương thiện để thể hiện chính mình phải tuyệt vọng hoặc làm tăng số đoàn người bị đẩy ra bên lề xã hội.
Việc xa rời Thiên Chúa, sự vắng bóng những giá trị nhân bản cũng đã gây nên sự xuống cấp của đời sống gia đình, ngày nay bị xâu xé trầm trọng bởi sự tăng số những cuộc ly thân và ly dị, bởi việc triệt để hạn chế sinh con – dù bằng cách phạm tội ghê tởm là phá thai – bởi việc bỏ rơi ngày càng gia tăng những người lớn tuổi, thường thiếu sự ấm cúng trong gia đình và sự hiệp thông cần thiết giữa các thế hệ. Tất cả mọi hiện tượng làm lu mờ những gía trị luân lý Kitô giáo này tác động một cách nặng nề trên giới trẻ, hiện nay là đối tượng của một sự lèo lái tinh vi và nạn nhân, đối với một số đông, của ma túy, nghiện rượu, dâm thư và những hình thức sa đọa khác của chế độ tiêu thụ, chủ trương vô hiệu, lấp đầy sự trống vắng những gía trị thiêng liêng bằng một lối sống “hướng về sở hữu chứ không phải hiện hữu, và, khi người ta muốn có nhiều hơn, không phải để hiện hữu nhiều, nhưng để tiêu hao cuộc đời trong thụ hưởng là cùng đích cho chính nó.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi nhấn mạnh về việc con người thời nay mất dần cảm thức về tội, thì ngài không có ý để đề cao tội hay hướng con người đến việc sợ tội theo hình thức nô lệ. Đúng hơn, từ việc hiểu rõ mầu nhiệm của tội, ngài muốn con người đi đến việc khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa và nỗ lực xây dựng tương quan đích thực với tha nhân hầu thành toàn con người của mình. Ngài dùng câu chuyện xây tháp Babel, để cho thấy rằng con người muốn xây dựng một xã hội hùng mạnh mà không có Thiên Chúa và muốn chống đối lại Người thì hậu quả gây ra sẽ ra sao. Việc loại bỏ Thiên Chúa, cắt đứt quan hệ với Người, bất tuân những luật lệ của lương tâm sẽ làm cho thăng bằng nội tâm bị chênh lệch, tự đó gây ra mâu thuẫn và xung đột ngay trong tâm hồn con người. Một khi đã bị phá vỡ như thế, con người sẽ gây ra những xung đột trong tương quan với mọi người chung quanh và cả vũ trụ.
Mầu nhiệm tội lỗi bao gồm hai vết thương: tội nhân gây ra cho chính mình và cho tương quan với người khác. Chính vì thế, người ta có thể nói về tội cá nhân và xã hội; một mặt, tội mang tính cá nhân, mặt khác mang tính xã hội, chỉ vì tội mang lại những hậu qủa xã hội”[5].
II.                 Phục hồi phẩm giá con người nhờ bí tích Hòa Giải
“Tội là lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân, vì quyến luyến lệch lạc với thụ tạo”[6]. Vì vậy, tội làm đổ vỡ các tương quan với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với tha nhân và làm mất trật tự nơi nội tâm con người. Do đó, Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Hòa giải để con người có thể hàn gắn lại các mối tương quan thiết yếu này. Qua bí tích Hòa giải, con người được đón nhận lại phẩm giá cao quý của mình là con cái Thiên Chúa, là bạn hữu của Đức Kitô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
1. Hòa giải là sám hối và trở về với Thiên Chúa là
     Đấng thương xót
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dùng dụ ngôn về “người cha nhân hậu” để triển khai lòng thương xót của Thiên Chúa vượt lên trên những tội lỗi và xấu xa của con người. Cách sống hoang đàng của người con thứ “không những phá hoại gia sản mà còn đụng chạm nặng nề và xúc phạm đến người cha”, khiến hắn “mất phẩm giá làm con, nên cha hắn đã không thể dửng dưng được, lại còn phải đau khổ và cảm thấy bị liên lụy”. Điểm quan trọng trong dụ ngôn là Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta về tình xót thương của Chúa Cha. Một người cha không bao giờ bỏ rơi đứa con của mình: ông luôn trung thành với tình thương, cho dù bị chính con mình xúc phạm.
Lòng thương xót – y như Đức Kitô đã trình bày trong dụ ngôn người con hoang đàng – mang hình thái nội tâm của tình thương mà Tân Ước gọi là Agapè. Tình thương này có thể đoái hoài đến từng người con hoang đàng, từng nỗi khốn khổ của con người, và nhất là đền từng nỗi khổ tinh thần, đến tội lỗi”[7].
Sự trở lại là điều cần thiết để sống lại tương quan đã bị đổ vỡ trước kia. Trong dụ ngôn này, trước đó người con thứ đòi quyền tự do, gạt bỏ mọi tương quan để cố ý thực hiện cái tôi của mình. Và khi cái tôi đạt đến tột đỉnh, anh chỉ gặp sự nghèo đói. Trong hoàn cảnh ở tận cùng đau khổ, anh ý thức về những gì mình đã đánh mất, về phẩm giá xuất phát từ tương quan cha con; và anh quyết định trở về. Anh trở về với ý thức đã mất tất cả, không còn một quyền lợi gì sẽ tìm được ở người cha. Thế nhưng anh không ngờ sự vĩ đại của lòng thương xót của người cha. Cũng vậy, sự trở về với Thiên Chúa là cách thức để chúng ta khám phá ra huyền nhiệm của tình yêu còn mạnh mẽ hơn là tội lỗi và sự khuyết điểm của con người:
Việc trở về với Thiên Chúa luôn nằm ở chỗ khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa, một tình thương vừa kiên nhẫn vừa hiền từ: tình thương mà “Thiên Chúa và là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” luôn trung tín với tất cả những hậu quả tột cùng trong lịch sử giao ước với nhân loại, cho đến thập giá, đến cái chết và phục sinh của Chúa Con. Việc quay về với Thiên Chúa luôn là kết quả của sự trở về với Cha giàu lòng thương xót.” Vì thế cuộc lữ hành của con người trần thế phải luôn là hành trình của sám hối, quay về với Cha giàu lòng thương xót. [8]
Chính sự khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa, con người đòi buộc phải quay về với Người. Lòng thương xót của Thiên Chúa thúc bách chúng ta quay về với Người.
2.  Hòa giải là nối lại tương quan với Giáo Hội
và với anh chị em
√ Hòa giải với Giáo Hội qua bí tích Hòa Giải
Trong phần hiệu quả của Bí tích thống hối, sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định rõ ràng việc giao hòa với Hội Thánh:
Bí tích này giao hòa hối nhân với Hội Thánh. Bí tích Giao Hòa tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, mà tội lỗi làm tiêu hao hay cắt đứt. Theo nghĩa này, Bí tích Giao hòa không chỉ chữa lành hối nhân vừa được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh thêm sức sống sau khi đã phải đau khổ vì tội lỗi của các chi thể. Tội nhân được Hội Thánh đón nhận lại vào cộng đoàn chư thánh, được liên kết với Hội Thánh và được củng cố nhờ sự trao đổi gia sản thiêng liêng giữa các chi thể sống động của Thân Thể Chúa Kitô, dù họ còn đang lữ hành nơi trần thế hay đã về Quê Trời: “Việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những sự giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội: khi được tha thứ, hối nhân được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình; được giao hòa với anh em là những người họ đã xúc phạm và gây thương tổn; được giao hòa với Hội Thánh và vạn vật.[9]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Dives in misericordia, viết về trách nhiệm của Giáo Hội đối với sứ mạng của mình và với thế giới như sau:
Trong sự hoàn thành cánh chung, lòng thương xót sẽ tỏ ra là tình thương, khi mà bên trong thời gian, bên trong lịch sử loài người, cũng là một lịch sử của tội lỗi và sự chết, tình thương phải tỏ ra đặc biệt là lòng thương xót, và được thực hiện dưới hình thức này. Chương trình cứu thế của Đức Kitô, chương trình lòng thương xót, trở nên chương trình của dân Người, của Hội Thánh …Thiên Chúa đặc biệt mặc khải lòng thương xót, khi Người kêu gọi con người thi hành “lòng thương xót” đối với chính Con của Người, đối với Đấng bị đóng đinh vào thập giá.[10]
√ Hòa giải với anh chị em qua bí tích Hòa Giải
Lòng thương xót theo Kitô giáo, theo một ý nghĩa nào đó, không hoàn toàn phủ nhận giá trị của đức công bằng, nhưng đúng hơn lòng thương xót là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người. Vì lẽ,sự bình đẳng do công bằng mang lại vẫn còn bị giới hạn vào lãnh vực những của cải khách quan và bên ngoài, trong khi mà tình thương và lòng thương xót khiến người người có thể gặp gỡ nhau được trong giá trị cao quý hơn là chính con người, cùng với phẩm giá riêng của họ. Như thế, lòng thương xót trở thành một yếu tố cần thiết để nắn đúc tương quan giữa người với người, trong một tinh thần rất trân trọng những gì thuộc về con người và tình anh em với nhau. Từ đó con người giúp nhau xây dựng một “thế giới mang tính người hơn”, một nền “văn minh tình thương” trên thế giới này.
Một điều kiện tất yếu để có thể xây dựng một thế giới người hơn, đó là sự tha thứ. Sự tha thứ chứng thực rằng trong thế giới này, tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, sự tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà cả trong tương quan giữa con người với nhau. Chúng ta sẽ vẫn chưa được tha món nợ của mình với Thiên Chúa bao lâu chúng ta còn chưa sống sự tha thứ với anh chị em mình. Chúa Giêsu dạy rằng: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Những xúc phạm, những tổn thương dễ dàng tạo nên trong lòng chúng ta sự oán giận, thù ghét. Những điều này sẽ chỉ nhẹ đi và bị xóa tan khi chúng ta sống tình yêu thương và sự tha thứ.
3.  Hòa giải tạo nên sự thành toàn chính bản thân
Thay vì coi lòng thương xót như là hành động một chiều, từ trên xuống, như thể lòng thương hại của người trên dành cho kẻ dưới, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh một chiều hướng kép của lòng thương xót, nghĩa là lòng thương xót phải được thực thi trong hai chiều:
Thương xót chỉ thực sự là hành động của lòng thương xót, khi chúng ta thực hiện với xác tín sâu xa rằng chúng ta cùng lúc cũng nhận được lòng thương xót từ những kẻ chịu nhận nó từ chúng ta. Nếu khía cạnh hai chiều và tính cách hỗ tương này thiếu đi, thì những hành động của chúng ta chưa phải là những hành động đích thực của lòng thương xót.[11]
Hòa giải thực sự không chỉ đến từ việc chúng ta dám tha thứ cho người khác các lầm lỗi của họ mà còn là việc dám đón nhận sự tha thứ nơi tha nhân. Điều này tưởng chừng dễ thực hiện nhưng trong thực tế có thể là rất khó. Nhưng thành kiến, những đố kị, những hiểu lầm và những thói xấu của người khác luôn là thách đố để chúng ta vượt ra khỏi não trạng thích lên án người khác của chính mình để hướng về nội tâm. Khi chúng ta thực sự hòa giải mình với nội tâm của mình thì khi đó chúng ta mới có khả năng hòagiải với người khác cách thực sự. Sự hòa giải bên trong này đem đến cho chúng ta niềm thanh thản, sáng suốt và tự do, gia tăng nơi chúng ta năng lực yêu thương. Đó còn là cơ hội giảm bớt thói tự mãn kiêu căng của mình vì nhận biết rằng mình cũng là người cần được sự tha thứ. Sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa hàm chứa trong việc hàn gắn lại các mối tương quan với tha nhân, với Thiên Chúa và với chính mình qua việc hòa giải.
Kết luận
Bí tích Hòa Giải là phương thế hữu hiệu và cần thiết để con người có thể tái lập lại sự đổ vỡ đã đánh mất với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với tha nhân và với chính mình. Nhờ bí tích này, con người tìm lại được phẩm giá cao quý của mình là con cái Thiên Chúa. Mối nguy hại ngày nay là con người đánh mất cảm thức về tội và coi nhẹ những hậu quả của tội. Tội chính là rào cản cần phải gỡ bỏ để có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và bí tích Hòa Giải là cách thức Thiên Chúa ban cho con người để có thể đánh bại tội lỗi.
Thiên Chúa mong muốn cho mọi người được ơn cứu độ[12] nhưng Ngài không loại bỏ tự do chọn lựa của con người, ngay cả khi con người chọn lựa lìa xa Chúa. Con người phải hư vong không phải do Thiên Chúa không cứu mà là do con người không muốn cứu mình khi một mực chối từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là lời mà thánh Augustinô đã khẳng định: “Lạy Chúa, Ngài dựng nên con mà không hỏi ý kiến con, nhưng Ngài không thể cứu chuộc con nếu con không muốn”.[13]



[1] CĐ Vat II, Hiến chề Lumen Gentium, số 11b; Xc. GLHTCG, số 1422.
[2] GLHTCG, số 1778.
[3]Đức Giáo Hoàng Piô XII, Sứ điệp dành cho Hội nghị quốc gia về việc dạy Giáo Lý của Hoa Kỳ tổ chức tại Boston, ngày 26.10.1946.
[4]Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn Hòa Giải và Sám hối, số 18.
[5] Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, số 15.
[6] GLHTCG, số 1849.
[7] Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, số 6.
[8] Ibid., số 13.
[9] GLHTCG, số 1469.
[10] Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, số 8.
[11] Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, số 14.
[12] Xc. 1 Tm 2,4.
[13] Xc. Thánh Augustinô, bài giảng Sermon 169,13; hay The Faith of the Early Father, Volume 3, p.29.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn