Chúa gọi Samuel, đoạn Kinh thánh Cựu ước áp dụng đồng hành thiêng liêng


Đức Chúa gọi Samuel, cậu thưa: Dạ con đây! 
Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: Dạ con đây thầy gọi con”

 (1Sm 3,4-5).
Giuse Bùi Trung Chánh, Tu đoàn TS Thánh Mẫu
Giuse Bùi Duy Thanh, Tu đoàn TS Thánh Mẫu


Đồng hành thiêng liêng xét về mặt chữ hay nghĩa đen của mặt chữ thì trong Kinh thánh Cựu ước không có từ nào nói về việc đồng hành thiêng liêng, nhưng nếu xét theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, hay theo sự hiểu biết của những người tin, người dấn bước theo Chúa, thì Kinh thánh lại là nền tảng cốt lõi cho việc đồng hành thiêng liêng. Khởi đi từ kinh nghiệm niềm tin của dân Israel trong công trình sáng tạo, từ sự hiện diện của Thiên Chúa trong dòng lịch sử nhân loại. Người tỏ mình ra cho nhân loại biết Người là ai, Người đồng hành với họ trong mọi biến cố của cuộc sống: ở với họ, dẫn dắt họ, nâng đỡ họ và giải thoát họ… cho đến việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cảm thông, sẻ chia phận người với con người và cứu độ con người. Và cuối cùng, khi đã hoàn tất chương trình cứu độ, Ngài lại ban Chúa Thánh Thần, để hướng dẫn và thánh hóa con người. Như vậy, nền tảng Kinh thánh của việc đồng hành đã có đó trong Cựu ước cũng như Tân ước.
Ở đây, xin được phân tích một đoạn sách Samuel nói về đồng hành thiêng liêng (1Sm 3,1-20). Câu chuyện xảy ra vào ban đêm, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì Chúa gọi Samuel, và cậu chạy đến với Thầy mình. Nhờ vào kinh nghiệm trong tương quan với Thiên Chúa, thầy Êli đã giúp Samuel đáp trả tiếng Chúa. Chúng ta cùng nhau phân tích ba hình ảnh là Thiên Chúa, Thầy Êli và Samuel.
1.1. Thiên Chúa tỏ mình ra trong tĩnh lặng
“Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: Samuel! Samuel!” (1Sm 3,10). Thiên Chúa là Đấng thành tín, yêu thương, Thiên Chúa đã đi bước trước đã đến bên cạnh Samuel và gọi chính tên cậu. Thiên Chúa gọi đến ba lần chứng tỏ lời gọi thật tha thiết và Thiên Chúa đã có một chương trình kế hoạch cho Samuel. Thiên Chúa không tỏ lộ hay mặc khải chính mình ngay từ lần đầu nhưng một cách tiệm tiến trong chương trình của Thiên Chúa để chính Samuel có đủ thời gian nhận biết và đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa một cách tốt nhất.
Trong đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa luôn chủ động vì yêu thương con người, cùng sẻ chia và mời gọi con người tham gia vào sứ vụ Thiên Chúa dành cho mỗi người. Thiên Chúa kêu gọi con người qua nhiều phương thế khác nhau, qua nhiều cơ hội khác nhau… để con người nhận ra tiếng Chúa và đáp trả lời mời gọi với nỗ lực của chính mình.
1.2. Thiên Chúa cất tiếng gọi
“Samuel đang ngủ trong Đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Samuel” (1Sm 3,3). Ban đêm lúc mọi người đang ngủ, thì tiếng Đức Chúa đã gọi Samuel nhưng cậu không nhận ra tiếng Đức Chúa. Thật ra, Đức Chúa có thể phán một lời thì Samuel có thể nhận ra tiếng Chúa ngay lập tức nhưng Đức Chúa đã không làm như vậy. Đức Chúa đã gọi Samuel một cách tiệm tiến, không vội vàng.
Trong đời sống đức tin, Thiên Chúa cũng dành cho mỗi người một chương trình riêng và Thiên Chúa đến với con người qua nhiều cách khác nhau. Có những lúc trong bóng tối cuộc đời “lại là những trang in đậm dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa”.[1] Như vậy, điều quan trọng là con người nhận ra được tiếng Chúa mời gọi mình trong từng biến cố cuộc đời. Giữa một thế giới ồn ào với nhiều thứ tiếng mới lạ khác nhau, luôn vang vọng bên tai đó là những lý do ngăn cản con người đáp lại tiếng Chúa.
2.1. Kinh nghiệm của Thầy Êli với Thiên Chúa
“Mắt ông Êli đã mờ và ông không còn thấy nữa” (1Sm 3,2). Mặc dầu mắt thầy Êli đã mờ nhưng tâm hồn ông vẫn còn đủ minh mẫn tỉnh táo để nhận ra tiếng Chúa gọi người học trò của mình. Kinh nghiệm của thầy Êli với Đức Chúa có được là do ông đã sống mối tương quan với Chúa một cách mật thiết hơn. Hai hình ảnh đối lập nhau thật tinh tế: đèn Đức Chúa đang sáng và mắt thầy Êli đã mờ đi, ánh đèn của Đức Chúa cho thầy Êli nhìn thấy rõ hơn. Chính vì thế, thầy Êli đã “nhìn ra” được Thiên Chúa hoạt động nơi Samuel. “Hành trình tâm linh vẫn là nẻo đường riêng tư Thiên Chúa đến với từng người, và từng người phải tìm về với Thiên Chúa”.[2] Cũng giống như Thầy Êli, đã hơn một lần ông không nhận ra tiếng Chúa. Ông chỉ nghĩ rằng cậu học trò của mình ngủ mơ. Chỉ lần thứ ba, ông mới nhận ra ý định của Thiên Chúa nói với cậu học trò của mình.
Vị linh hướng không phải là người thông minh, biết hết mọi sự, kinh nghiệm đủ mặt… vị linh hướng cũng là con người, cũng có những giới hạn. Nhưng tất cả nhờ vào sự soi sáng của Thiên Chúa, vị linh hướng mới nhận ra tiếng của Thiên Chúa. Để vị linh hướng cùng đi và đồng hành với người thụ hướng.
“Bấy giờ ông Êli hiểu là tiếng Đức Chúa gọi cậu bé” (1Sm 3,8). Thầy Êli có kinh nghiệm sâu sắc về sự gặp gỡ với Đức Chúa. Vì thế, ông nhận ra tiếng Chúa gọi Samuel trong đêm khuya. Với những giới hạn về thể lý, nhưng kinh nghiệm thiêng liêng đã giúp ông trở thành điểm tựa vững chắc cho Samuel. Ông đã trở thành người trung gian trợ giúp Samuel phân định và nhận ra tiếng Chúa gọi giữa bao âm thanh quen thuộc khác.
Vị linh hướng trước phải có một đời sống thiêng liêng trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Bởi vì trong cuộc sống với biết bao âm thanh và tiếng gọi khác nhau, nhưng để nhận ra được tiếng Chúa thì cần cả vị linh hướng và người thụ hướng có một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa.
2.2. Thầy Êli giúp Samuel nhận ra và đáp trả tiếng gọi
Sự kiên nhẫn của thầy Êli: “Một ngày kia ông đang ngủ ở chỗ ông” (1Sm 3,2). Đang trong giấc ngủ mà bị người khác làm phiền thì rất dễ bực mình. Bởi vì, giấc ngủ cho ta lấy lại tinh thần. Thế nhưng thầy Êli đã sẵn sàng để cậu bé Samuel đánh thức giữa đêm với một câu hỏi duy nhất: “Dạ, con đây, thầy gọi con” (1Sm 3,5;6;8). Sự quấy rầy đó ông không bực mình hay giận dữ, nhưng ông trả lời một cách nhẹ nhàng: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi” (1Sm 3,5;6). Một thái độ hiền hòa, khiêm nhường, nhân từ và kiên nhẫn của thầy Êli.
Đây chính là đức tính cao quý của vị linh hướng trong việc đồng hành thiêng liêng. Kiên nhẫn lắng nghe với con tim, chấp nhận tất cả, ngay cả những lúc không muốn. Chỉ kiên nhẫn chờ đợi một điều gì mới hơn, thì vị linh hướng mới có thể nhận ra điều gì cần thiết nơi người thụ hướng. Ngược lại thì tất cả sẽ làm cho cả vị linh hướng và người thụ hướng mất niềm tin vào nhau nơi cuộc đồng hành.
 “Con về ngủ đi, hễ có ai gọi con thì con thưa: lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tới Ngài đang lắng tai nghe” (1Sm 3, 9). Sau hai lần Samuel chạy đến hỏi, đến lần thứ ba, thầy Êli mới xác quyết được là Chúa đang gọi cậu học trò của mình. Ông đã giúp cho cậu nhận ra tiếng Chúa gọi và đáp trả. Một thái độ khiêm tốn: “Xin hãy phán vì tôi tới Ngài đang lắng tai nghe” (1Sm 3,9). Ông đã cố gắng hết sức để lắng nghe từ những biến cố trong cuộc sống, để có câu trả lời. Như vậy, thầy Êli là người trung gian nối kết giữa Đức Chúa và Samuel.
Trong đồng hành thiêng liêng vị linh hướng tìm ý Thiên Chúa qua từng câu chuyện, qua từng việc, mà người thụ hướng trải lòng với vị linh hướng. Khi nhận ra tiếng Chúa, vị linh hướng phải giúp người thụ hướng đón nhận tất cả với cả con người mình, để người thụ hướng ra đi và làm một cách tốt hơn. Đây chính là yếu tố quan trọng và đỉnh cao của cuộc đồng hành mà người thụ hướng muốn hướng tới.
3.1. Samuel sống mật thiết với Thiên Chúa
“Cậu bé Samuel phụng sự Đức Chúa, có Thầy Êli trông nom” (1Sm 3,1). Cậu đã chọn một đời sống mật thiết với Đức Chúa bằng cách phụng sự Đức Chúa tại đền thờ. Vì thế, cậu gắn liền với việc thờ phượng Đức Chúa ở đó. Đây chính là cách cậu chọn để thiết lập mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và dễ dàng tìm ra ý định của Thiên Chúa. Bởi vì đền thờ là nơi yên tĩnh, tĩnh mịch xa cách với tiếng ồn bên ngoài. Hơn nữa Samuel còn được sự hướng dẫn của thầy Êli. Chính nhờ sự giúp đỡ của người thầy giàu kinh nghiệm trong tương quan với Thiên Chúa, Samuel đã gặp được Thiên Chúa.
Trong đồng hành thiêng liêng, người thụ hướng cần phải có một đời sống gần gũi và mật thiết với Thiên Chúa, người thụ hướng phải thấy được Thiên Chúa có một ý nghĩ đặc biệt trong đời sống. Nhờ khởi đi từ đời sống đức tin “đương sự có thể tiến những bước xa hơn trên hành trình tâm linh, và như vậy việc đồng hành thiêng liêng mới có thể đạt tới kết quả.”[3]
“Samuel kể lại cho ông mọi điều, không giấu ông điều nào” (1Sm 3, 18). Đây là thái độ của một tâm hồn biết cởi mở, khi nghe được tiếng gọi của Đức Chúa. Samuel lúc này mới là một cậu bé ăn chưa no, lo chưa tới, cậu còn là một đứa trẻ vẫn còn lẫn lộn giữa muôn tiếng gọi quen thuộc của dòng đời. Cậu chưa phân biệt được tiếng Chúa và tiếng người phàm. Nhưng qua sự hướng dẫn của thầy Êli, Samuel đã nhận ra tiếng Chúa. Cậu đã kể tất cả cho Thầy mình nghe với thái độ cởi mở của cả con người cậu. Tinh thần sẵn sàng của Samuel giúp cậu không những gặp được Chúa mà còn trực tiếp nghe được tiếng Chúa gọi.
Mục đích quan trọng của đồng hành thiêng liêng là người thụ hướng gặp được Chúa, thiết lập được mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Muốn nhận ra ý định của Thiên Chúa, người thụ hướng cần phải nỗ lực tự thân, bằng cách mở tâm hồn với Thiên Chúa với vị linh hướng để đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa. Khi nhận ra tiếng gọi, người thụ hướng phải nhanh chóng đón nhận ý định Thiên Chúa dành cho mình.
“Đèn của Thiên Chúa chưa tắt” (1Sm 3, 4). Khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ thật say, giữa đêm khuya mà đèn của Đức Chúa vẫn còn sáng, đó là điều đáng chú ý. Chắc hẳn trước khi đi ngủ Samuel đã không quên nhiệm vụ của mình là châm thêm dầu vào đèn của Đức Chúa. Đây là nỗ lực riêng của cậu. Nhờ nỗ lực này, đèn của Đức Chúa đã giúp đôi mắt của thầy Êli sáng thêm một chút để quan sát xung quanh. Đèn của Đức Chúa cũng có thể hiểu như ngọn lửa tình yêu, lửa lòng mến, mà cậu bé Samuel đã nhận được trong những ngày tháng tại đền thờ với Thầy của mình.
Trong hành trình đời sống đức tin, không phải lúc nào cũng nghe được tiếng Chúa, hay nhờ vị linh hướng trợ giúp. Trước hết, chính bản thân người thụ hướng biết cộng tác, nỗ lực gắn kết với Thiên Chúa trong tình yêu để mối tương quan ngày càng thêm đậm đà thắm thiết hơn.
3.2. Samuel đáp trả tiếng gọi  
Đức Chúa gọi Samuel, cậu thưa: Dạ con đây! Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: Dạ con đây thầy gọi con” (1Sm 3,4-5). Đức Chúa đã gọi Samuel trong giấc ngủ của đêm tối, có lẽ Samuel không ngờ vào thời khắc đó Chúa lại gọi. “Đức Chúa đến, đứng ở đó” (1Sm 3,10), mà Samuel không nhận ra. Tinh thần nhanh nhẹn chạy đến thầy Êli cả lúc đêm khuya của cậu thật đáng khâm phục. Cậu đã tìm hiểu tiếng gọi đó bằng cách chạy đến với thầy mình. Mặc dù người thầy không sáng suốt về thể lý nhưng cậu vẫn tin tưởng vào sự sáng suốt tâm hồn của thầy. Niềm tin tưởng này đã giúp cậu nhận ra tiếng Chúa gọi.
Trong đồng hành thiêng liêng, mỗi biến cố đều có một giá trị hay một ý nghĩa nào đó với người thụ hướng. Tuy nhiên, để khám phá ra ý định của Thiên Chúa là một công việc “phải mày mò, khổ sở và có nguy cơ rơi vào tình trạng sai lầm thê thảm. Chính vì đường hướng của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người”.[4] Bởi vì cuộc sống có quá nhiều tiếng ồn. Vì thế, thật khó để người thụ hướng phân biệt tiếng Chúa và những âm thanh khác. Để nhận ra được tiếng Chúa, người thụ hướng cần sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm tâm linh trong đời sống hằng ngày. Và điều quan trọng hơn là người thụ hướng biết đặt niềm tin tưởng của mình vào sự trợ giúp của vị linh hướng chấp nhận sự đồng hành.
Điệp khúc trên lập lại ba lần giống nhau: “Dạ, con đây, Thầy gọi con” (1Sm 3,5;6;8) nhưng Samuel vẫn không nản chí. Tuổi thơ thì thật vô tư, hồn nhiên, nhưng Samuel vẫn nỗ lực tìm nguồn gốc của lời gọi kia là gì. Và cuối cùng thì Samuel cũng tìm được tiếng Chúa gọi cậu làm ngôn sứ. “Toàn thể Israel, từ Đan tới Bae Seva biết rằng ông Samuel được Đức Chúa tín nhiệm chọn làm ngôn sứ của Người” (1Sm 3, 20). Sau khi gặp Đức Chúa, Samuel đã được biến đổi toàn diện từ một cậu bé giúp việc trong đền thờ trở thành con người tiếng tăm trổi vượt về ân sủng của Thiên Chúa, là một ngôn sứ của Thiên Chúa, đây chính là điều làm nên tất cả của cuộc đồng hành.
Vì vậy nội dung của cuộc đồng hành thiêng là gặp gỡ Thiên Chúa. Người thụ hướng phải kiên nhẫn qua những biến cố, có những lúc thất bại, chán nản… nhưng không bỏ cuộc. Đây chính là hiệu quả lớn nhất mà bất cứ cuộc đồng hành thiêng liêng nào cũng phải đạt tới. Người thụ hướng không phải gặp gỡ nói chuyện xong là hết, người thụ hướng phải biết biến đổi thật sự từ cõi lòng của mình, phải thiết lập được mối tương quan sâu thẳm và thân tình với Thiên Chúa.
Tam kết
Qua câu chuyện trên cho chúng ta nhận thấy rằng, mục đích của cuộc đồng hành thiêng liêng là đạt tới sự hoàn thiện trong Đức Kitô, và sự biến đổi toàn diện. Vì đồng hành thiêng liêng giúp người thụ hướng nhận ra ơn gọi và nghe tiếng Chúa. Đồng hành thiêng liêng giúp người thụ hướng nhận ra chính con người thật của mình, nhận ra những giá trị trong đời sống, nhận ra sự thật và sống theo sự thật, biết sống hòa hợp giữa thân xác - lý trí và tinh thần - với Thiên Chúa và tha nhân, biết áp dụng những nguyên tắc tốt lành để thăng tiến tinh thần sống. Đồng hành thiêng liêng giúp người thụ hướng đi đến những hành động cụ thể như được sai đi loan báo, chứ không dừng lại với việc chiêm ngắm suông, dù có thể đó là những hành động đòi hỏi nhiều khó khăn trong sứ vụ của mình.
Vì vậy, trong cuộc đồng hành thiêng liêng không được phép đốt giai đoạn, nhưng phải tuân theo quy luật tiệm tiến, ứng với từng khả năng lãnh hội, tuỳ tình trạng tâm hồn, tinh thần đạo đức và nhu cầu của người được đồng hành lúc ấy mà có những hướng dẫn cho phù hợp. Đây không phải là việc làm cấp tốc, kết quả thấy trước mắt trong ngày một ngày hai, mà là cả một tiến trình bắt đầu từ khi tâm hồn quyết định rõ ràng theo con đường hoàn thiện Kitô giáo cho tới khi đạt đến đỉnh cao của sự trọn lành đó.
Và mục đích của việc đồng hành thiêng liêng không phải là những báo cáo, cũng không phải là xin một sự chuẩn chước, hay giải quyết một vấn đề. Nhưng mục đích chính yếu là giúp nhau khám phá ra Chúa, tìm ra ý Chúa, sống thân mật với Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa, nhận ra và sống theo kế hoạch của Chúa trong cuộc đời mỗi người chúng ta.


[1] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 112.
[2] Sđd., tr 108.
[3] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 109.
[4] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 113.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn