Đức Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp


Cuộc nói chuyện của Đức Giêsu đã thực sự 
giải phóng người phụ nữ. 
Chị ngỡ ngàng và hạnh phúc biết bao! Bỏ lại tất cả những gì 
đeo bám cuộc đời: vò nước, những mối tương quan nhập nhằng, 
chị chạy đi loan báo cho người khác biết 
Chúa đến, chữa lành, mời gọi chị đổi đời ra sao!

(xc. Ga 4,28-29).
Đaminh Nguyễn Công Chính, Tu hội Goan Tiền Sứ
Đaminh Nguyễn Chí Công, Tu hội Goan Tiền Sứ


Chúng ta biết rằng đồng hành thiêng liêng là việc làm rất cần thiết cho đời sống tâm linh và đem lại nhiều hoa quả tốt lành cho đời sống chúng ta. Trong việc đồng hành, các mối tương quan giữa người được đồng hành với Thiên Chúa, giữa người đồng hành với người được đồng hành luôn phải được chú tâm.[1] Qua bài viết này, chúng tôi xin trình bày việc đồng hành thiêng liêng của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (xc. Ga 4,4-42). Bao nhiêu có thể, chúng tôi sẽ làm sáng lên vai trò của người đồng hành thiêng liêng là giúp cho người được đồng hành nhận ra được giá trị đích thực cuộc sống của họ, nhận ra được ý Chúa thể hiện qua các biến cố cuộc đời, hầu có thể bước đi trong đường lối của Chúa.
1.1. Cách thức Đức Giêsu đồng hành thiêng liêng
Trước tiên, Đức Giêsu khởi đi từ một công việc tầm thường mỗi ngày, là đến giếng kín nước để thỏa mãn cơn khát thể lý; từ đó Người khơi gợi để chị phụ nữ Samari từ cơn khát thể lý ấy, nhận ra điều chị đang khao khát thực sự, điều chị đang kiếm tìm thực sự, và Chúa Giêsu chính là Đấng chị phải tìm kiếm. Thật vậy, người phụ nữ Samaria mặc dù ngày ngày vẫn đến bên giếng để lấy nước uống, nhưng rồi chị lại khát, vẫn khát. Từ một lối tiếp cận rất tự nhiên, câu chuyện giữa Đức Giêsu và chị đã chuyển sang một hướng khác, khi Đức Giêsu đề cập đến đời sống riêng tư của chị. Hơn ai hết, chị cảm nhận cơn khát yêu thương trong chị dường như chưa bao giờ được đáp ứng thỏa đáng. Mục tiêu của Đức Giêsu không phải là đưa người phụ nữ đến chỗ nhìn vào chính bản thân mình, nhưng là nhìn vào Chúa để nhận biết Người là ai (xc. 7-15). Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ khởi đầu bằng những chuyện rất thực tế đời thường như thế: chuyện ăn uống, chuyện gia đình… rồi chính Đức Giêsu đã khéo léo dẫn dắt và nâng cuộc đối thoại ấy lên chiều kích thánh thiện, thiêng liêng.
Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại và suy niệm để thấy lịch sử và câu chuyện của người phụ nữ tội lỗi này thật giống cuộc đời của từng người chúng ta. Qua cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari, chúng ta nhận ra cả một khoa sư phạm Đức Giêsu đã vận dụng để đưa chị đến đức tin, đời sống thiêng liêng.
1.2. Đức Giêsu đưa người thụ hướng 
         vào trọng tâm của cuộc đồng hành

 Hình ảnh cái vò nước biểu thị đủ thứ công việc lo toan thường ngày bao trùm và đè nặng trên nhịp sống của người phụ nữ. Những lo toan này có thể đẩy Chúa hoàn toàn ra khỏi thời biểu và quan tâm của chị, hay đẩy Người vào một xó xỉnh không xứng đáng, vào thời điểm đầu thừa đuôi thẹo của thời biểu hằng ngày, thời điểm tối thiểu, cho qua lần xong lượt mà thôi.
Chúng ta cũng như con người mọi thời, đều có những lo toan chính đáng (và cả không chính đáng). Tùy theo nhu cầu và trách nhiệm mà mỗi người có những nỗi lo toan khác nhau. Tuổi còn trẻ thì lo chuyện học hành, thi cử. Lớn hơn một chút, con người lo chuyện công ăn việc làm, tìm kiếm người yêu, xây dựng cơ nghiệp. Khi lập gia đình thì lo kinh tế để bảo đảm chuyện ăn mặc học hành cho con cái, lo giữ gìn sức khỏe khỏe, dành dụm tiền bạc cho con cái, phòng khi ốm khi đau… Chúa không cấm những lo toan như thế. Nhưng nguy cơ chú tâm quá nhiều đến những nhu cầu vật chất, khiến lãng quên nhu cầu của đời sống tinh thần, tâm linh là điều hết sức nguy hiểm. Các nhu cầu tự nhiên luôn luôn có đó để ta phải tìm thỏa mãn, nhưng không được để các nhu cầu ấy bóp nghẹt ước vọng sâu xa của tâm linh con người.
Cuộc đối thoại tiến sang một giai đoạn mới nữa, đưa người phụ nữ đi tới một bình diện hiểu biết mới. Đức Giêsu đưa chị vào việc phụng tự chân thật (xc. Ga 4,21-24), Người đã nói thẳng thắn và đơn giản về ý nghĩa của phụng tự trong Thần Khí và sự thật. Đối với Đức Giêsu, điểm chính của vấn đề không chỉ nằm tại việc “thờ phượng”, mà là “thờ phượng Chúa Cha”.
3.1. Khát khao tìm hạnh phúc
Con người hôm nay chờ mong, khát khao rất nhiều điều: khát khao sự thật, chân lý vì cuộc sống nhiều gian dối, giả trá; khát khao tự do vì cuộc sống quá nhiều điều ràng buộc, áp bức; khát khao công bình cuộc sống quá nhiều bất công; khát khao yêu thương và tha thứ vì cuộc sống còn nhiều ghen ghét, thù hận, vô cảm, vô tâm; khát khao hạnh phúc vì cuộc sống còn đó nhiều bất hạnh; khát khao niềm tin vì cảnh đời nhiều nghi ngại; khát khao sự thánh thiện, thênh thang rộng mở của con cái Thiên Chúa giữa cảnh đời trần tục, thấp hèn… Chúa Giêsu thấu hiểu mọi khát khao của chúng ta; Người khơi gợi nỗi khát khao đích thực, khát khao nước hằng sống. Chính Đức Giêsu nhắc nhở chị: hãy tìm cho được thứ nước hằng sống, thứ nước thỏa mãn hoàn toàn mọi khát khao. Thứ nước ấy chỉ có Người mới có thể ban cho chị được. Người chính là mạch nước ấy (xc. Ga 4,14). Điểm suy niệm này mời gọi tôi dừng lại để nhìn xem đâu là chờ đợi, cơn khát của tôi? Tôi từng tìm thỏa mãn những khát khao ấy từ đâu? Từ ai?

3.2. Gặp gỡ Đức Giêsu,  nguồn hạnh phúc đích thực
Người phụ nữ được gặp Đức Giêsu trong công việc rất thường ngày. Thế đó, Chúa đến với con người qua những công việc tưởng chừng nhàm chán, như quét rác bên vệ đường, qua một con người không mời mà đến, như một chú công an ưa hoạnh họe… như câu chuyện trong tù của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với các chú công an canh gác vị tù Hồng y... Thiên Chúa đến với tôi qua những con người. Họ là ai? Ngài đến qua những con người đau khổ tôi bắt gặp trong cuộc sống. Chúa chỉ cho tôi thấy, Người luôn gần gũi với những người khổ đau, đói khát, tù ngục… vì họ là bạn của Chúa, vì Chúa yêu thương và khao khát chữa lành họ. Có thể họ là những người nghèo khó, thiếu thốn (xc. Mt 25,34-45), ngay cả những người tôi thấy khó ưa vì họ chỉ ra cho tôi thấy điểm yếu của tôi. Cần nhạy bén, khiêm tốn đủ để nhận ra tiếng nói và sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính qua những biến cố của đời thường, của những lo toan cuộc sống, mà con người có thể gặp được Thiên Chúa giữa lòng đời với một điều kiện: thái độ chân thành, rộng mở, biết dành những khoảng khắc thinh lặng để lắng nghe tiếng nói của Người. Chính trong những nặng nề nhàm chán của công việc, trách nhiệm thường ngày mà Chúa đến gặp tôi. Trong những tương quan mong manh của phận người, người phụ nữ gặp được Đức Giêsu, Đấng trung tín, sự thật, sự sống.
Hướng đi cứ thay đổi liên tục theo đà đi tới và tiến lên. Người phụ nữ đã nhìn nhận Đức Giêsu là ngôn sứ, và sau đó chị còn linh cảm mạnh mẽ tầm quan trọng của con người Đức Giêsu. Thế là chị đã đủ chín muồi để có thể đón nhận lời công bố long trọng của Đức Giêsu trong tư cách Đấng Messia. Đây là đỉnh cao của cuộc đối thoại. Và Đức Giêsu, chỉ sau tất cả những chặng này, mới tự mạc khải cho chị như là Đấng Messia. Đến cuối cuộc thăm viếng, người Samari đã nhận biết Đức Giêsu như là “Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42); Người đã đến để ban sự sống đời đời (xc. Ga 4,14) và dạy cho họ biết nền phụng tự chân thật (xc Ga 4,23-24).
Là con người, với sức riêng, chúng ta không thể đạt tới Thiên Chúa và nhận biết Người trong thực tại của Người. Chúng ta là “xác thịt”, những hữu thể yếu đuối, mỏng manh, mau chóng qua đi. Đàng khác, Thiên Chúa là “Thần Khí”, đầy sức mạnh ban sự sống vô biên. Tự mình, chúng ta không thể đạt đến bất cứ sự hiểu biết chân thật nào về Thiên Chúa, hoặc một tương quan đúng đắn nào với Người. Chỉ Đức Giêsu mới chỉ cho chúng ta và giúp chúng ta thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn, bởi vì Người ban Thần Khí và Chân Lý cho chúng ta, Người là Đấng Messia, Đấng Cứu độ trần gian (Ga 6,42).
Nơi thờ phượng không thể quan trọng hơn Đấng được tôn thờ. Coi trọng nhà thờ hơn Thiên Chúa là một sự lầm lạc đáng tiếc, là nhốt Thiên Chúa ở một nơi cố định. Và như thế không để Người qua lòng người tín hữu mà đi vào lòng đời được. Thiên Chúa hoàn toàn tự do, chân thật. Thiên Chúa ở những nơi có dấu ấn của tình yêu, sự thật. Và ngược lại.
4.1. Tình trạng người phụ nữ trước khi gặp Đức Giêsu
Trước khi gặp Chúa Giêsu, người phụ nữ Samari này một con người bất toàn, tội lỗi, một đời sống luân lý chẳng ra sao, luôn sống trong mặc cảm và muốn xa lánh mọi người. Chị đã trải qua năm đời chồng, nhưng thực ra, cả năm người đàn ông ấy chẳng ai thực sự là chồng của chị. Một hình ảnh tượng trưng cho một đời sống phóng túng, chìm đắm trong những tương quan chẳng ra sao, ngay cả mối tương quan tưởng chừng bền vững nhất, tương quan vợ chồng. Điều này chỉ sự mong manh, hay thay lòng đổi dạ của con người.
4.2. Người phụ nữ được biến đổi
Người phụ nữ nhận ra được tính chất ngôn sứ của Chúa Giêsu khi Người nói đến thực tại đời sống của chị: năm đời chồng. Đây là một bước đi tới sự thật, nhờ đó người phụ nữ cảm thấy được giải thoát khỏi quá khứ của chị. Sự thật và sự rõ ràng của cuộc gặp gỡ đòi hỏi sự trong suốt này. Bây giờ chị hướng về hiện tại và tương lai một cách mới mẻ, và hậu quả là chị tuyên xưng Đức Giêsu là một ngôn sứ. Ở đây có hai chuyển động đồng thời: một đàng, người phụ nữ xưng thú tình cảnh thực tế của mình; đàng khác, việc xưng thú này giúp chị nhận biết chân tính của Đức Giêsu. Như vậy, chị đã thực sự chuyển sang một bình diện khác và bắt đầu nhìn các sự việc dưới một góc độ mới. Một mẩu đối thoại về nền phụng tự chân thật đã sẵn sàng được mở ra. Chúa Giêsu mời gọi chị chớ lãng quên, hãy sống cho một tương quan luôn trung tín, bền vững đó là tương quan với Thiên Chúa: Đấng muôn đời tín trung, bền vững.
Tự vấn: tôi đang sống với những tương quan nào? bền vững hay tạm bợ? chân thật hay giả dối? có mối tương quan nào để lại đời tôi những thương tổn chưa lành?... Tôi có kinh nghiệm gì về sự thay đổi, mong manh của lòng người, của cuộc đời?
4.3. Qua người phụ nữ, dân Samari gặp gỡ Đức Giêsu
Cuộc nói chuyện của Đức Giêsu đã thực sự giải phóng người phụ nữ. Chị ngỡ ngàng và hạnh phúc biết bao! Bỏ lại tất cả những gì đeo bám cuộc đời: vò nước, những mối tương quan nhập nhằng, chị chạy đi loan báo cho người khác biết Chúa đến, chữa lành, mời gọi chị đổi đời ra sao! (xc. Ga 4,28-29).
Có bao giờ tôi cảm nghiệm thấy niềm tin Kitô giáo của tôi đã giải phóng tôi, ban cho tôi sự tự do đích thực, thái độ sống siêu thoát thênh thang của con cái Thiên Chúa không? Hay tôi chỉ thấy niềm tin chỉ là một mớ những ràng buộc, những luật lệ khô cằn, khó khăn, cứng nhắc?
Đức Giêsu là Đấng có khả năng giúp chúng ta khám phá ra mọi chiều kích và ý nghĩa đích thực của cơn khát đang dày vò lòng trí chúng ta. Người là Đấng duy nhất có thể tố giác những thứ tạm bợ chúng ta vẫn đang sử dụng để đánh lừa cơn khát ấy hoặc thỏa mãn nó cách rẻ tiền. Người sẽ dạy chúng ta biết cách sống và làm cho từ lòng chúng ta trào vọt ra mạch suối ân huệ của Thiên Chúa.
Kết luận
Các môn đệ được Đức Giêsu sai đi, tiếp nối công việc của Người. Họ được thu hoạch hoa trái của công việc mệt nhọc của Đức Giêsu; những gì các môn đệ làm tùy thuộc hoàn toàn vào những gì Đức Giêsu đã làm trước. Đến lượt họ, các môn đệ cũng phải nhiệt tâm gieo rắc, để những người đến sau họ được gặt hoa trái. Kẻ gieo, người gặt. Đó chính là sự hiệp thông liên đới trong sứ mạng chung mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta cho đến tận thế. Khi làm như thế, chúng ta cũng luôn cần ý thức là làm ý muốn của Chúa Cha (xc. Ga 4,31-38).


 [1] Xc. Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 98-99.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn