Nhìn lại
lịch sử đồng hành thiêng liêng trong Hội thánh,
chúng ta cảm nhận một cách thật rõ
việc đồng hành thiêng liêng qua mọi thời
luôn được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Dù có khác biệt về cách thức,
thì nhìn chung, ở mỗi hình thức đồng hành thiêng liêng
đều nhắm đến một mục mục đích chung,
là người đồng hành thiêng liêng giúp người được đồng hành
tìm thấy ý Chúa và nâng đỡ họ chọn lựa theo ý Chúa.
chúng ta cảm nhận một cách thật rõ
việc đồng hành thiêng liêng qua mọi thời
luôn được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Dù có khác biệt về cách thức,
thì nhìn chung, ở mỗi hình thức đồng hành thiêng liêng
đều nhắm đến một mục mục đích chung,
là người đồng hành thiêng liêng giúp người được đồng hành
tìm thấy ý Chúa và nâng đỡ họ chọn lựa theo ý Chúa.
Giuse Lưu Quốc Toàn, Dòng TS Đức Tin
Giuse Maria Lê Xuân Dinh, Dòng TS Đức Tin
Giuse Maria Lê Xuân Dinh, Dòng TS Đức Tin
Trong những tôn giáo
lớn ở Á Châu, những người muốn gia nhập đời sống tu trì thường cần người hướng
dẫn. Trong Ấn giáo, trước khi thành cư sĩ (lập gia đình), thiếu niên phải làm
tập sinh, học đạo lý và kị sắc dục. Để thành tập sinh, cậu đến thụ giáo với
một bậc thầy để được dạy dỗ và hướng dẫn. Đối với người muốn đi tu hẳn, họ lại
càng cần đến sư phụ hơn. Cứ vài chục tu sinh giáo phái Janina, lại có một sư
phụ như thế đêm ngày sống bên họ. Đối với Phật giáo Nhật bản, người đứng đầu
một thiền viện phải là người được coi là đã chứng ngộ rồi, và được hội đồng các
bậc thầy đắc đạo xác nhận cho như thế sau khi đã thẩm sát kỹ.
Trong Kitô giáo, việc đồng hành thiêng liêng đã được hình
thành từ rất sớm ngay từ thời Giáo hội sơ khai. Thật vậy, linh hướng hay còn
gọi là đồng hành thiêng liêng là một việc thực hành từ xa xưa, đã được thử
thách qua thời gian, đem lại biết bao hoa trái trong đường nên thánh và trong
sự dấn thân theo Tin mừng. Xét theo khía cạnh lịch sử, việc đồng hành thiêng
liêng thay đổi khá nhiều qua dòng thời gian. Mỗi thời mỗi hình thức đồng hành
khác nhau phù hợp với tình trạng tâm linh của con người thời đại. Các thánh
giáo phụ, Huấn quyền Giáo hội, đông đảo các tác giả sách thiêng liêng và các
quy tắc hướng dẫn đời sống Giáo hội đều nói tới nhu cầu linh hướng, đặc biệt
đối với những người đang trong thời kỳ đào tạo hay huấn luyện, cũng như đối với
những người đang sống trong một số bậc nào đó của Giáo hội. Có một số thời
điểm trong cuộc đời con người đòi hỏi chúng ta phải phân định cách đặc biệt và
phải có sự đồng hành huynh đệ của ai đó.[1]
Nhìn chung là thế, nhưng thật không dễ trình bày lịch sử
của việc đồng hành thiêng liêng trong Hội thánh một cách cụ thể, bởi lẽ việc
đồng hành thiêng liêng thay đổi theo thời gian. Hạn từ “Đồng hành thiêng liêng” cũng mới được sử dụng gần đây để thay thế
cho hạn từ quen thuộc là “linh hướng”.
Từ “đồng hành” cách nào đó muốn diễn
tả mối tương quan gần gũi, ngang hàng giữa người đồng hành và người được đồng
hành để cùng nhau trao đổi, cùng nhau hướng đến việc lắng nghe tiếng Chúa mời
gọi và trên hết là việc đón nhận sự hướng dẫn của vị thầy đích thực là Chúa
Thánh Thần. Như vậy, khi hiểu việc đồng hành thiêng liêng như là việc giúp nhau
khám phá thánh ý Thiên Chúa, chúng ta không còn giới hạn ở việc phân tích hạn
từ mà phải hiểu đồng hành thiêng liêng là tìm kiếm ý Chúa, hướng đến sự trọn
hảo trong đời sống của người Kitô hữu.
Tiến đến sự trọn lành là lời
mời gọi chung dành cho mọi Kitô hữu; mỗi người có thể đi một nẻo đường khác
nhau, như trong lịch sử linh đạo chúng ta thấy có ơn gọi làm Tông đồ, có con
đường ẩn tu, có nẻo đường tử đạo, có linh đạo Biển Đức, Phan Sinh, Đa Minh, Cát
Minh, Y Nhã, Vinh Sơn, La San, Charles de Foucauld… Tuy nẻo đường có thể khác
nhau, nhưng mục đích đều nhắm đến sự hoàn thiện Kitô giáo, nhắm đến đức ái trọn
hảo. Việc đồng hành thiêng liêng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thăng
tiến đời sống tâm linh của mỗi người. Tùy theo hoàn cảnh, cá tính, ơn gọi… mỗi
người có thể thích hợp với một đoàn sủng riêng, với sự hướng dẫn cụ thể và cá
vị.[2]
Như vậy, để trình bày lịch sử của việc đồng hành thiêng
liêng trong Hội thánh, chúng ta cùng nhìn nhận việc đồng hành thiêng liêng biến
chuyển theo thời gian. Mỗi thời đại khác nhau đều có những lối sống và tình
trạng tâm linh khác nhau, do vậy việc đồng hành thiêng liêng hiểu theo nghĩa
rộng trong mỗi thời cũng có những hình thức khác nhau sao cho phù hợp. Ở đây,
xin được tạm chia những mốc thời gian tương đối, có sự biến chuyển khá rõ nét
về đường hướng tâm linh.
Hội thánh trong thời
sơ khai phải đối diện với nhiều khó khăn do sự chống đối của người Dothái và
bước đầu của việc thiết lập cơ cấu tổ chức. Nhưng có thể nói, các Tông đồ là
những người sống cùng thời với Đức Giêsu, cùng chia sẻ cuộc sống trong hành
trình rao giảng, và đặc biệt chứng kiến cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người,
nên các ngài là những chứng nhân sống động trong việc rao giảng Tin mừng
(Kerygma). Khi hình thành các cộng đoàn, các
Tông đồ, trong tư cách là mục tử, đã đi thăm viếng, viết thư khuyên nhủ các
giáo đoàn.[3] Điều này chúng ta có thể thấy rõ nơi các
thư mục vụ của tông đồ Phaolô. Nội dung các bức thư bao gồm những lời dạy dỗ,
khuyên răn, chỉ dẫn về đời sống thiêng liêng dành cho các giáo đoàn, đôi khi
trực tiếp gửi cho các đồ đệ của mình.
Điểm nổi bật trong việc đồng hành thiêng liêng giai đoạn này có thể nói
đến ơn phân định. “Việc phân định được đề cao
trong mọi tình huống: phân định giữa Thần khí xấu và Thần khí tốt, Thần khí và
xác thịt, chân lý và sai lầm, ý Chúa và ý mình”[4]. Bên cạnh đó, chúng ta có thể
xét đến các giáo huấn (Didakhe) của các Tông đồ theo nghĩa rộng như là những
chỉ dẫn trong việc thực hành đời sống tâm linh của các Kitô hữu tiên khởi:
Nội dung của giáo huấn các
Tông đồ là những lời nói và việc làm của Đức Kitô, nhắc nhớ thân thế và sự
nghiệp của Người. Biến cố cuộc đời Đức Kitô được ôn lại và giải thích theo các
lời ngôn sứ Cựu ước. Đời sống tâm linh của cộng đoàn được nuôi dưỡng bằng việc
suy niệm Lời Chúa, khám phá ra kế hoạch cứu độ và đem áp dụng cho thời buổi
hiện tại.[5]
Có thể
nói, thời các Tông đồ việc đồng hành thiêng liêng mới chỉ là những bước đầu
manh nha, việc đồng hành “chuyên nghiệp” chỉ chính thức bắt đầu với sự phát
triển của đời sống hoang mạc. Sa mạc trở thành chiếc nôi đào tạo ra những nhà
linh hướng giàu kinh nghiệm tâm linh, đời sống và những chỉ dẫn của các vị đã
hình thành nên một lối sống phổ biến và một đường hướng tu đức đặc trưng của
thời đại. Chúng ta tìm hiểu việc đồng hành của thời “hoang mạc” này.[6]
Nếu việc đồng hành thiêng liêng vào thời các Tông đồ mới chỉ ở những bước
đầu manh nha thì công tác ấy được bắt đầu hình thành và phát triển vào thời kỳ
hoang mạc, đó chính là sự phát xuất đời sống tu trì từ các vị ẩn sĩ sa mạc. Đó
chính là những thủy tổ của đường tu tập.[7] Các ngài đã đáp lại lời mời gọi Tin mừng, không phải là để đi loan báo
hay công bố, nhưng là để sống Tin mừng ấy. Các vị đã bỏ hết mọi sự, cách ly với
cuộc sống đời thường, tìm nơi thanh vắng trong sa mạc, trong rừng sâu để tiếp
xúc với Chúa và chiến đấu với Satan. Các vị ẩn sĩ này đã chọn lối sống hoang
mạc như là điều kiện tiên quyết để thực thi lý tưởng trở nên người môn đệ Đức
Kitô. Nổi bật trong đó là thánh Antôn (250-356), từ một thanh niên thuộc gia
đình quý tộc đã từ bỏ tài sản được thừa kế và bước đi theo Chúa khi thánh nhân
sau khi nghe đoạn Tin mừng tường thuật việc Đức Giêsu nói với chàng thanh niên:
“Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy đi bán
tất cả những gì anh có, phân phát cho người nghèo và anh sẽ đạt được kho tàng
trên trời, rồi hãy đến theo Tôi” (Mt 19,21). Có thể nói, thánh Antôn đã khai mạc đời sống
ẩn tu, sống cô tịch, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, hướng dẫn người khác về phần
thiêng liêng.
Lịch sử Hội thánh sau những thế kỷ đầu bị bách hại, bước vào một giai
đoạn mới với thời cơ thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ về cơ cấu tổ chức và
số lượng tín hữu tăng nhanh, nhưng cũng đã kéo theo những hệ lụy của nó:
Đời đan tu xuất hiện như
phản ứng lại tình trạng suy thoái của Hội thánh từ thế kỷ thứ III. Các cơn bách
hại đã chấm dứt; cuộc sống của các tín hữu được thoải mái hơn, và giảm đi lòng
nhiệt thành. Để chặn đứng lại đà xuống dốc đó, một số tín hữu rút lui vào sa
mạc và muốn tiếp tục cuộc sống anh dũng của các vị tử đạo qua việc thực hành
các việc khổ chế tự nguyện. Đời sống khổ tu được ví như “cuộc tử đạo trắng” (không
đổ máu).[8]
Sau những năm dài
chiến đấu khổ hạnh thiêng liêng, các vị đã rút ra được bài học quý báu là những
khí giới cần phải trang bị để chiến thắng ma quỷ, chiến thắng chính bản thân
mình với những đam mê nết xấu, chiến thắng tính ích kỷ và ý riêng… để hoàn toàn
quy phục Thiên Chúa, sống thư thái bình an. Chính nhờ đời sống tâm linh sâu sắc
bên trong, các vị đã thể hiện một đời sống an nhiên tự tại; và với kinh nghiệm
dồi dào về cuộc chiến, các vị đã trở thành sư phụ hướng dẫn người khác:
“Hữu xạ tự nhiên hương”, người ta từ các nơi đổ xô về xin các vị hướng
dẫn. Ngày càng đông đệ tử muốn theo thầy, họ được các sư phụ khai tâm và dìu
dắt vào nếp sống hoang mạc, thực tập những cuộc “leo núi thiêng liêng”. Đệ tử
vừa bắt chước thầy, vừa cởi mở bộc lộ tâm hồn với thầy; và chính nhờ thầy có
kinh nghiệm và đặc sủng phân định, họ được giúp đỡ để tìm ra ý Chúa, biết được
đâu là con đường Chúa dành cho mình, và đâu là trở ngại phải can đảm đối diện
và vượt qua. Nhờ ân sủng Chúa và sự đồng hành thiêng liêng của thầy, các đệ tử
ngày càng trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, và rồi họ lại trở thành
những vị hướng dẫn tâm linh cho người khác.[9]
Cũng từ đây, những bản tu luật ra đời để
hướng dẫn các tu sinh bước vào hành trình tu tập, trong đó có các bản luật của
thánh Pacômiô (288-346), thánh Basiliô (330-397) tổ chức lối sống đan tu thành
cộng đoàn. Chính nhờ đời sống tâm linh sâu sắc, các ẩn sĩ, đan sĩ trở thành
những mẫu mực để hướng dẫn người khác về đời sống thiêng liêng.
Nhìn chung, trong
thời kỳ đầu hình thành, các vị linh hướng chú trọng cách riêng về đức vâng
phục, đây cũng chính là nền tảng của tu đức. Trước hết, cuộc đời của người đi
tu là đi tìm Chúa, vì thế khi thực tập vâng lời, tu sĩ phải sống trước hết với
đức tin. Tu sĩ phải tập nhìn thấy ý Chúa trong chỉ thị, ý muốn của vị phụ
trách. Vì chỉ tìm ý Chúa, nên nếu có gặp gì cản trở, ngay cả khi phải chết, tu
sĩ vẫn phải sẵn sàng vâng phục. Người thụ hướng hay tu sĩ muốn sống hạnh phúc
và an bình phải tập bỏ ý riêng hoàn toàn qua đức vâng phục. Để thực hành ước
nguyện này, người thụ hướng phải đặt tất cả tin tưởng vào vị phụ trách hay vị
linh hướng, có thể tâm sự với ngài tất cả, đồng thời vâng lời chu toàn mọi
nhiệm vụ. [10]
Quả thật, đời sống tâm linh Kitô giáo trở nên phong phú nhờ các tác giả
đời sống đan tu. Người ta thu tập lại các lời khuyên răn của các sư phụ dẫn dắt
tập sinh trên đường huấn đức, những chỉ nam hướng dẫn các đan sinh về đường tu đức, dưới hình thức các bản luật Dòng. Có người đi sâu hơn vào hành trình dẫn tới việc kết hợp với Thiên Chúa.
Những tác phẩm này là kho tàng kinh nghiệm về các chuẩn mực và huyền nhiệm Kitô
giáo và còn tiếp tục ảnh hướng đến các tín hữu cho đến ngày nay.[11]
Thật vậy, từ thế kỷ thứ IV, lối sống đan tu được lan rộng sang Tây Phương
và được thánh Biển Đức chấn chỉnh lại theo cung cách Âu Châu. Các đan sĩ vào
thời thánh Biển Đức thường sống thành cộng đoàn, đón nhận sự hướng dẫn của vị
viện phụ. Viện phụ vừa là cha, vừa là thầy giáo, y sĩ và thẩm phán. Viện phụ
đôi khi không nhất thiết phải là bề trên của một cộng đoàn, nhưng là một đan sĩ
lão luyện, đã đạt đến mức trọn lành và có khả năng phân định thần trí. Vai trò
nổi bật của viện phụ chính là dẫn dắt về đường tâm linh.[12] Tuy nhiên, cả viện phụ lẫn đan sinh đều có nghĩa vụ chung là tuân theo
một quy chuẩn khách quan đó là bản luật. Nói khác đi, cả viện vụ lẫn đan sinh
đều đồng trách nhiệm trong việc thi hành bản luật và việc điều hành cộng đoàn.
Giờ đây hiến pháp và quy luật của tu viện trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời
sống những người thao thức tìm gặp Chúa.
Từ đây, việc đồng hành thiêng liêng cũng có sự thay đổi để phù hợp với
thời đại. Nếu trước đây vị linh hướng hay đồng hành thiêng liêng thường là một
tu sĩ, linh mục hoặc bề trên thì giờ đây được thay thế bằng một bản hiến pháp
hay luật lệ của tu viện.[13] Thánh Biển Đức đã soạn bản tu luật gồm 73 chương quy định toàn bộ đời
sống cộng đoàn đan viện. Luật trở thành “ông thầy” hướng dẫn đời sống tu tập
của các đan sĩ. Người môn sinh lúc này, không còn được lãnh hội trực tiếp những
hướng dẫn bởi các bậc thầy trong những hoàn cảnh cụ thể, do vậy, thiếu đi sự
linh động uyển chuyển cũng như hơi ấm của sự thấu cảm trong từng trường hợp của
người hướng dẫn.
Các tu sinh chỉ việc
sống theo luật, còn bề trên cũng dựa vào hiến luật để lãnh đạo và cai quản cộng
đoàn. Luật đã trở thành “vị thầy”
hướng dẫn tâm linh trong đời sống tu sĩ và thánh Biển Đức đã khuyên các tu sĩ
đừng bao giờ xa rời “vị thầy” ấy.
Lịch sử tu đức ghi lại nhiều gương sáng của các thánh đã coi hiến pháp và luật
dòng như những trân bảo của đời sống tu trì. Thật vậy, luật pháp chính là kết
tinh của cả một chiều sâu và bề dày kinh nghiệm của các vị sáng lập. Luật đã
trở thành người cha tinh thần hướng dẫn các tu sinh và là kim chỉ nam để các bề
trên kiểm soát và cai quản nhà dòng. Hướng dẫn nhường chỗ cho sự quản trị; sự
tùng phục vị linh hướng giàu kinh nghiệm và các đặc sủng phân định đã được thay
thế bằng việc vâng lời bề trên, nhiều khi là một sự vâng lời cơ chế, vâng lời
tối mặt.[14]
Sau thời kỳ các ẩn sĩ
sa mạc, khi đời sống tu trì được phát triển qua hình thức sống thành cộng đoàn,
các tu viện đã giúp cho việc tăng trưởng Giáo hội rất nhiều. Mặt khác, tu
viện cũng là nơi cung cấp cho Giáo hội nhiều vị linh hướng chắc chắn vững
mạnh. Sau đây là một số các vị linh hướng nổi tiếng trong Giáo hội vào thế kỷ
thứ IV và thứ V: giám mục Corentin, giám mục Cornoaille, Brice, giám mục Siege
de Tours, Maurille giám mục của Angers, Victorius giám mục của Mans, Martino
giám mục của Lyon thuộc tu viện Marmontier, ba tổng giám mục Arles, thánh
Honorat, thánh Hilarion, thánh Cesarion, thánh Loup, giám mục thành Troyer,
Maxime, Fauste giám mục Riez…
Ban đầu, việc linh
hướng chỉ thấy xuất hiện nơi các Đan viện bên Đông Phương và Tây Phương. Tuy
nhiên, kể từ thời Trung cổ, linh hướng là một phần nội dung của các trường tu
đức. Đây cũng là thời kỳ phát triển thần học Kinh viện. Đời sống thiêng liêng
của các cộng đoàn tu trì trong thời kỳ này lại có một sự thay đổi, đó là tìm về
với sự hướng dẫn đặc sủng của cả cộng đoàn hay hội dòng.
Sang thế kỷ XIII, sự xuất hiện của các Dòng hành khất trong đó có 4 dòng
đầu tiên được nhìn nhận sau công đồng Lyon II (1274) là: Đa Minh, Phan Sinh,
Cát Minh, Âu Tinh với những đặc trưng chung: khó nghèo tập thể, hoạt động tông
đồ, sống tình huynh đệ[15]. Thánh Phanxicô Assisi tìm về với sự hướng dẫn đặc sủng không phải là
đặc sủng phân định của một bậc thầy mà chú trọng hơn đến đoàn sủng của cả một
hội dòng, chỉ có ơn gọi của mỗi người và đặc sủng riêng biệt trong từng hoàn
cảnh cụ thể của họ. Với Dòng Anh Em Thuyết Giáo, việc đi tìm Chúa không hẳn chỉ
thể hiện qua ý bề trên mà còn là sự đồng tâm nhất trí của tất cả anh em trong
cộng đoàn. Trường phái Cát Minh thì nổi bật với việc cảm nghiệm thần bí, những
vị đồng hành thiêng liêng khôn ngoan và giàu kinh nghiệm[16].
Thời kỳ này cũng xuất
hiện nhiều gương mặt nổi bật về việc đồng hành thiêng liêng vẫn còn được Giáo
hội nhắc đến như: Eckhar, Gioan Tauler, thánh nữ Catarina Siêna… thuộc trường
phái Đa Minh; kế đến là sự nở rộ của trường phái Cát Minh với việc cảm nghiệm
thần bí, nổi bật với những gương mặt sáng ngời về đường tu đức sau này như các
thánh tiến sĩ Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá và Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Những vị
thánh này đều là những vị hướng dẫn thiêng liêng đầy kinh nghiệm và khôn ngoan.
Nhìn chung, thời trung cổ kéo dài trong nhiều thế kỷ và cũng được phân
chia thành nhiều giai đoạn khác nhau theo từng biến chuyển chung. Đây là thời
kỳ hưng thịnh của Hội thánh trong đó có sự đóng góp to lớn của thần học kinh
viện, những suy tư thần học được đào sâu, nghiên cứu và phân tích để tìm lời
giải đáp tối ưu. Nền tảng lý luận được đề cao do vậy cũng đã ít nhiều làm cho ý
niệm thánh thiêng bị xem nhẹ. Do vậy, việc đồng hành thiêng liêng cách nào đó
cũng ảnh hưởng bởi tinh thần kinh viện, bởi sự phân tách đúng sai rạch ròi, bởi
sự can thiệp của Luật và những ràng buộc luân lý mà giảm thiểu khía cạnh tâm lý
và bối cảnh riêng của mỗi người.
Chúng ta vừa trải qua tiến trình hình thành và phát triển việc đồng hành
thiêng liêng thời trung cổ, thời kỳ nở rộ của những nền linh đạo khác nhau
trong vườn hoa thiêng liêng của Giáo hội.
Xã hội bước vào thời kỳ cận đại với những chuyển biến
sâu sắc. Thế giới được đổi mới nhờ việc liên tục khám phá ra các lục địa, và
con người như trở nên gần gũi hơn, các tài nguyên nơi các lục địa mới được khai
thác mạnh mẽ nhằm mang đến những nguồn lợi khổng lồ cho các quốc gia, các quốc
gia cũ trở nên giàu mạnh.[17]
Cũng vào thời đại này, Giáo hội rơi vào những cuộc chia ly đổ vỡ: Luther ly
khai với Giáo hội và lập nên Giáo hội Tin lành, tiếp sau đó là Calvin, vua nước
anh Henri VIII và các phong trào ly khai khác.
Trước tình hình đó, Công đồng Trentô ở thế kỷ XVI (1545-1563) được triệu
tập với 3 đời Đức Giáo hoàng, với 25 phiên họp, đã xác định nhiều điểm tín lý
và thúc bách cải tổ trong mọi lãnh vực mục vụ, đồng thời qua Công đồng, nhiều
văn kiện khác hình thành.[18]
Tinh thần của Công đồng được nhiều vị Giáo hoàng kế nhiệm áp dụng, đặc biệt
là việc nở rộ các dòng tu, các linh đạo sau công đồng. Kể từ thời cải cách của
Công đồng Trentô, vai trò đồng hành thiêng được coi như “tất yếu” trong hành
trình tâm linh, đặc biệt đối với các chủng sinh và tu sĩ. Hiến pháp của nhiều
dòng tu đòi hỏi phải có sự hiện diện của cha linh hướng trong quá trình đào
tạo.[19] Phần lớn các tác giả
tu đức và các đấng sáng lập dòng đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc linh
hướng hay đồng hành thiêng liêng. Tuy nhiên, cũng có những dòng tu, hiến pháp
không buộc phải có cha linh hướng, nhưng trong cung cách thực hành, thì hiến
pháp cũng trù liệu những vị có trách nhiệm hướng dẫn về đời sống tâm linh. Các
vị này giữ vai trò như một vị linh hướng thiêng liêng với những ứng sinh
trong ơn gọi tu trì.
Sang thế kỷ XVI,
trong Giáo hội xuất hiện một trường phái linh đạo mới, đó là trường phái của
dòng Tên do thánh Ignatiô sáng lập. Việc đồng hành thiêng liêng được thực hiện
nghiêm ngặt theo các bước trong tập linh thao do chính thánh nhân viết ra. Linh
thao nghĩa là những thao luyện thiêng liêng gồm cách thức xét mình, suy ngắm,
chiêm niệm, khẩu nguyện, tâm nguyện và những cuộc rèn luyện khác nữa. Thao
luyện tâm linh là những thao tác nhằm chuẩn bị cho linh hồn biết cắt đứt với
những quyến luyến xáo trộn, rồi tiếp đến, đi tìm thánh ý Chúa, dâng hiến cuộc
đời để mưu cầu phần rỗi của mình. Nói chung, đây là những lời chỉ dẫn rút từ kinh
nghiệm bản thân, những chỉ dẫn này dành cho vị hướng dẫn hơn là cho các người
tham dự linh thao.[20]
Cũng vào giai đoạn này có tinh thần của thánh Têrêxa Avila (1515-1582)[21] với đời sống chiêm niệm thần bí. Ngài đã viết “Lâu đài nội tâm” để diễn tả tinh thần cầu nguyện và chiêm niệm
huyền bí của ngài. Cùng với ngài có thánh Gioan Thánh Giá, người đã đưa những
kinh nghiệm thiêng liêng vào lòng Hội thánh.[22]
Việc
linh hướng từ sau thế kỷ XVIII lại mang một sắc thái có vẻ khắt khe và nghiêm
huấn. Vị linh hướng thẩm định rồi ra lệnh cho người thụ hướng phải răm rắp thi
hành. Vai trò của vị linh hướng nhiều khi lấn át cả tự do của người thụ
hướng. Dần dần, Giáo hội cũng nhìn ra sự khác biệt căn bản giữa việc đồng
hành thiêng liêng và việc quản trị. Linh hướng không phải chỉ là việc dành
riêng cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh mà còn cần thiết cho mọi thành phần
dân Chúa. Việc linh hướng phải được cởi mở trong mối tương quan tự do giữa hai
người và trong mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa.[23]
Hội
thánh trải qua nhiều biến cố lịch sử quan trọng với những cung bậc khác nhau.
Thế giới đang dần tục hóa, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng xâm chiếm mọi
thành phần. Vào giữa thập niên 70 của thế kỷ XX, một luồng gió mới đã xuất
hiện, Hội thánh bước vào thời kỳ hiện đại với một tinh thần mới, cao điểm của
tinh thần mới là công đồng Vatican II, do Đức Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập,
được Đức Giáo hoàng Phaolô VI tiếp nối và kết thúc để có 4 văn kiện quan trọng
của Giáo hội được công bố.[24]
Một kỷ nguyên mới của Giáo hội được bắt đầu sau Công đồng. Luồng gió mới
của Công đồng cũng đã giúp cho những định hướng đồng hành thiêng liêng đụng
chạm đến từng cốt lõi con người, đến tự do và đến ân sủng. Tuy Công đồng Vaticanô II
không để lại một văn kiện riêng rẽ nào nói về việc đồng hành thiêng liêng;
nhưng đề tài này lại được đề cập đến nhiều lần và nhiều nơi trong các văn kiện
tại Công đồng cũng như hậu Công đồng, nhất là những văn kiện liên quan đến việc
đào tạo các ơn gọi tu trì trong Giáo hội. Điều đó cho ta thấy tầm mức quan
trọng và mức độ cần thiết của việc đồng hành thiêng liêng trong hành trình tâm
linh của các ứng sinh đời sống tu trì. Đồng hành thiêng liêng đã trở thành một
phần không thể thiếu trong tiến trình đào tạo ơn gọi tu trì, là một phần của
đời sống tu đức.
Hiến chế Tín lý về
Giáo hội nêu lên tâm quan trọng của sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên
mỗi cá nhân, và tự do cá nhân được thể hiện rõ hơn qua tiếng lương tâm – là
tiếng nói trong tương quan của cá nhân với Thiên Chúa:
Những người được Thánh Thần
Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong
tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập
giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều
theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau,
cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước
bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ
đức ái.[25]
Sắc lệnh về Đào Tạo
Linh Mục (Optatam Totius) đòi
buộc rằng: “Các chủng sinh phải được
chuẩn bị bước theo Đức Kitô Cứu Chuộc với tinh thần quảng đại và tâm hồn trong
trắng, nhờ một nền giáo dục tôn giáo đặc biệt, nhất là sự linh hướng thích
hợp.” Và “việc huấn luyện tu đức phải
liên kết chặt chẽ với việc trau dồi học vấn và huấn luyện mục vụ, nhất là phải
được thực hiện nhờ sự trợ giúp của cha linh hướng.”
Bộ Giáo Luật cũng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể cho việc
linh hướng. Đối với các chủng viện đào tạo, Giáo luật số 239 nói rõ phải có ít
nhất một vị linh hướng để hướng dẫn đời sống tâm linh cho các ứng sinh của ơn
gọi linh mục. Giáo luật phân biệt rõ ràng chức năng linh hướng và bề trên nhằm
bảo vệ tự do lương tâm của mỗi người. Điều 240 của Bộ Giáo Luật dạy rằng, khi
chấp nhận cho các ứng sinh tiến chức hoặc thải hồi khỏi chủng viện thì không
được hỏi ý kiến của vị linh hướng hay các linh mục giải tội. Đối với các dòng
tu, Giáo Luật điều 630 yêu cầu các bề trên phải nhìn nhận quyền tự do chính
đáng của các thành viên trong những gì liên quan đến linh hướng. Giáo luật cũng
cấm các bề trên dùng bất kỳ cách nào bắt các thành viên phải bày tỏ lương tâm
với mình.
Tông huấn về việc Đào
Tạo Linh Mục (Pastores Dabo Vobis)
cũng nhấn mạnh đến vai trò của linh hướng và xem đây là một truyền thống cao
đẹp cần phải tái khám phá vì công việc ấy mang lại nhiều hoa trái quý giá trong
đời sống Giáo hội. Tông huấn này cũng cho phép những bổ khuyết và trợ lực từ
tâm lý chứ không được thay thế bởi chúng. Theo Tông huấn, vị linh hướng cần
phải giúp cho các chủng sinh đạt tới một quyết định chín muồi và tự do xây dựng
trên lòng quý chuộng với tình bạn của linh mục và đối với kỷ luật bản thân.
Trong Văn kiện “Linh
Mục – Thừa tác viên của Lòng Thương Xót”, Bộ Giáo Sĩ đã dành trọn phần
II của Văn kiện để suy tư và đưa ra những chỉ dẫn về việc đồng hành thiêng
liêng. Bộ Giáo Sĩ cũng đã tham chiếu và đưa ra nhiều trích dẫn trong các văn
kiện của Giáo hội có liên quan đến những chỉ dẫn về việc thực hành linh
hướng.
Nhìn chung, cho tới thời Hiện đại, khi so sánh những biến chuyển của việc
đồng hành thiêng liêng, ta thấy vai trò của vị đồng hành có nhiều quan niệm
khác nhau và có thể hiểu việc đồng hành thiêng liêng theo hai nghĩa khác biệt:
Theo
nghĩa chặt: kể từ thế kỷ XVI, vị linh hướng được quan niệm như một bậc thầy
theo dõi việc đào tạo tâm linh. Vị này thường là do một linh mục khôn ngoan,
từng trải về đạo lý cũng như kinh nghiệm thực hành. Việc linh hướng thường được
đặt ra cho những người tìm hiểu hay quyết định ơn gọi tu trì, hoặc khi họ gặp
khủng hoảng tinh thần.
Tuy nhiên, việc đồng hành thiêng liêng không chỉ giới hạn
trong những trường hợp đặc biệt, nhưng có thể thường xuyên hơn. Vị linh hướng
trở thành nhà giáo dục về cầu nguyện, việc thực hành nhân đức, việc khử trừ tật
xấu… Việc linh hướng có thể gắn liền hoặc tách biệt khỏi bí tích Hoà Giải.
Theo
nghĩa rộng: Thánh Linh tiếp tục ban cho cộng đoàn những đoàn sủng để hướng dẫn
các tín hữu tiến bước trên đường nhân đức. Vị linh hướng không nhất thiết phải
là linh mục, nhưng có thể là một giáo lý viên, ông trùm, bà quản… Họ là những
người giúp chúng ta nhận ra, và biết cách thực thi ý Chúa trong cuộc sống hằng
ngày. [26]
Kết luận
Chúng ta
có thể điểm lại những nét tiêu biểu của việc đồng hành thiêng liêng nổi bật của
các thời kỳ như sau:
Thời các tông đồ: Nhờ sức mạnh
được gợi mở từ Đấng Phục sinh, các tông đồ đã có một nguồn sống mãnh liệt để
hân hoan ra đi rao giảng về Đức Kitô. Vì đối diện với nhiều trường phái khác
nhau nên ý hướng phân định là quan trọng nhất trong thời kỳ này. Qua các thư
luân lưu, các tông đồ đã giúp giáo hữu phân định và giải quyết những vấn nạn
đức tin.
Thời các ẩn sĩ: đây là một
thời kỳ của những bậc thầy, sống ẩn tu ẩn dật trong rừng núi với động lực và
tinh thần tu trì mãnh liệt. Việc đồng hành thiêng liêng được thực hiện theo
từng trường hợp riêng với những vấn đề rất riêng. Hạn từ đồng hành thiêng liêng
xuất hiện đúng nghĩa trong thời kỳ này với hình ảnh: thầy hướng dẫn trò.
Thời Trung cổ: đi xa hơn thời
ẩn sĩ, do nhu cầu ngày càng đông những người muốn sống đời tu trì, đã xuất hiện
lối sống đan tu và cộng đoàn. Thời kỳ này việc đồng hành thiêng liêng được gom
tóm trong bản luật, luật hướng dẫn tất cả, luật thay cho thầy hướng dẫn trò.
Thời Cận đại: đây là thời kỳ
nổi bật nhiều tinh thần cải cách sinh động cùng với đời sống kết hiệp nhiệm
hiệp với Thiên Chúa. Việc đồng hành thiêng liêng chú trọng nhiều đến phương
pháp, nhằm giúp người được đồng hành có những phương thế cụ thể để phân định.
Thời Hiện đại: thời kỳ của
việc tìm lại và trở về nguồn. Qua những chỉ dẫn của Giáo hội, qua nguồn gió mới
từ Công đồng Vatican II, đồng hành thiêng liêng giúp mỗi cá nhân đi vào tương
quan với Thiên Chúa, và tiếng lương tâm mỗi người được đề cao và tôn trọng.
Nhìn lại lịch sử đồng hành thiêng liêng trong
Hội thánh, chúng ta cảm nhận một cách thật rõ việc đồng hành thiêng liêng qua
mọi thời luôn được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Dù có khác biệt
về cách thức, thì nhìn chung, ở mỗi hình thức đồng hành thiêng liêng đều nhắm
đến một mục mục đích chung, là người đồng hành thiêng liêng giúp người được
đồng hành tìm thấy ý Chúa và nâng đỡ họ chọn lựa theo ý Chúa. Với mỗi thời điểm
khác nhau trong lịch sử Giáo hội, nội dung và cách thức của đồng hành thiêng
liêng có khác nhau, và sự khác nhau đó là nhằm để phù hợp với bối cảnh của từng
thời đại.
[1] Xc. Vaticanô II, Sắc Lệnh về đào tạo linh mục, số 64.
[2] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr.17-18.
[3] Hoành Sơn, Thần
học thiêng liêng, tập
II, tr. 662.
[4] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr. 91.
[5] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập II, tr 32.
[6] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 91.
[7] Hoành Sơn, Ibid., tr. 662.
[8] Phan Tấn Thành, Sđd. tr 99.
[9] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 92.
[10] Nguyễn Hữu Tấn và Các tác giả, Lịch sử linh đạo, tr. 40.
[11]Xc. Phan Tấn Thành, Sđd., tr 98.
[12] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập II (Rôma, 2002), tr. 134.
[13] Hoành Sơn, Thần học thiêng liêng, tập II, tr. 664.
[14] Phạm Quốc Văn, Ibid., tr. 100.
[15] Xc. Phan Tấn Thành, Sđd., tr 198.
[16] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 94.
[18] Xc. Đào Trung Hiệu, Cuộc lữ hành đức tin – Hội thánh Phục hưng
và Hiện đại, tr 25.
[20] Xc.
Phan Tấn Thành, Bí tích Hoà Giải,
tr. 274.
[21] Người nữ đầu tiên trong Hội
thánh được Đức Giáo hoàng Phaolô VI phong thánh với tước hiệu cao quý: Tiến sĩ
Hội thánh năm 1970.
[23] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd. tr 95.
[24] Xc. Đào Trung Hiệu, Sđd., tr 134-137.
[25] Xc. LG, số 41.
[26] Xc. Phạm Quốc Văn. Sđd., tr 96.
Đăng nhận xét