Trong biến cố Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần
như hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên các Tông đồ.
Trong khi thi hành sứ vụ,
một chút thực hành việc đồng hành thiêng liêng
qua việc đồng hành trong các cuộc tĩnh tâm,
với chủ đề:
Lửa Thánh Thần:
thanh luyện, nhiệt thành và hy vọng,
xin được hân hạnh chia sẻ cùng quý độc giả.
như hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên các Tông đồ.
Trong khi thi hành sứ vụ,
một chút thực hành việc đồng hành thiêng liêng
qua việc đồng hành trong các cuộc tĩnh tâm,
với chủ đề:
Lửa Thánh Thần:
thanh luyện, nhiệt thành và hy vọng,
xin được hân hạnh chia sẻ cùng quý độc giả.
Quốc Văn, OP.
Dẫn
nhập
Theo các nhà tu đức, thanh luyện là bước
khởi đầu trong đời sống tâm linh. Với cách phân chia truyền thống, đời sống tâm
linh gồm ba giai đoạn : thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo. Dĩ nhiên, trong thực
tế, không phải lúc nào đời sống tâm linh của chúng ta cũng có thể phân chia
rạch ròi như vậy. Nhiều khi trong bước thanh đạo, chúng ta đã có thể kết hợp
với Chúa rồi.
Thế nhưng, trong hành trình tâm linh thăm
thẳm này, dù sao việc tâm hồn được thanh luyện vẫn là điều cần thiết; không có
việc thanh luyện này, hành giả khó có thể lên đường và tiến được những bước xa
hơn.
Chúng ta bàn về việc thanh luyện khởi đi
từ một lối nhìn về chính bản thân, gỡ cặp kính hồng để có thể nhìn rõ mình hơn;
và một khi cái nhìn về bản thân được thanh tẩy, chúng ta có thể nhìn đúng về
Thiên Chúa, từ đó có thể can đảm đáp lại lời mời gọi của Người, nhất là lời mời
gọi vác thập giá trên hành trình làm môn đệ. Trước tiên, chúng ta hãy mặc lấy
tâm tình của thánh Giám mục Augustinô : “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa,
xin cho con biết con”.
I. Đổi một lối nhìn
1. Những ảo
tưởng về mình
Dù muốn dù không, chúng ta khó có thể
thoát khỏi lối nhìn chủ quan về chính mình, về ơn gọi. Có thể nói, để có được
xác tín mạnh mẽ về việc mình được yêu thương, mời gọi và chọn lựa ngay từ bước
khởi đầu của đời sống tu trì, chúng ta cần phải được thanh luyện chính bản thân
mình. Rất nhiều khi do quan niệm của xã hội, do kỳ vọng của người thân, do sự
ưu đãi của anh chị em giáo dân, do sự hãnh tiến của cái tôi, hay do lối sống
chưa phải của những đàn anh đàn chị đi trước … chúng ta rất dễ có cái nhìn ảo
tưởng về chính mình cũng như về ơn gọi.
Tự vô thức, đời tu
có thể được quan niệm như một môi trường, một cơ hội để thăng tiến bản thân, để
tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội … Mảnh đất tốt cho lối nhìn này được phát triển chính là những lối sống chạy theo thành tích, là sự khéo
léo xoay sở đời mình, là nhu cầu cần khẳng định bản thân, và là lời mời gọi
hưởng thụ theo lối sống thượng tôn vật chất. Với một lối nhìn như thế, vô hình
chung, đời sống cộng đoàn sẽ trở thành một gánh nặng, tu viện sẽ là quán trọ để
sớm tối đi về, sứ vụ sẽ là tấm biểu ngữ đẹp, là tấm bình phong đủ sức che chắn
cho ai đó tự do xoay sở. Lối nhìn này chắc chắn phải được thanh luyện.
Cũng nên biết
rằng, cộng đoàn tu trì không phải là cộng đoàn của những người ưu tuyển và hoàn
toàn thánh thiện, nhưng là cộng đoàn của những người anh em/ những người chị em
được Thiên Chúa mời gọi và quy tụ, cùng nhau sống hoà hợp, nên thánh và cùng
nhau thi hành sứ vụ.
2. Cùng chung chia vận mạng
Một trong những đặc tính nổi bật trong ơn
gọi làm tu sĩ trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ là đời sống cộng đoàn. Trong
lối sống này, chúng ta được mời gọi cùng nhau chung chia vận mạng, nghĩa là đón
nhận lấy vận mạng của nhau, chịu trách nhiệm về cuộc đời của nhau, hiệp thông
trong những ưu và khuyết điểm của nhau. Tất cả những thành đạt hay đổ vỡ của
người anh em/của người chị em, cũng là những thành đạt và đổ vỡ của cộng đoàn.
Không ai được phép đóng cửa “hú hý” với những thành công của mình, và phủi tay
trước những thất bại của kẻ khác.
Sứ vụ của chúng ta mang nặng dấu vết của
cá nhân, nhưng không bao giờ là sứ vụ của ai đó riêng rẽ. Lời giảng hay và hữu
hiệu nhất chính là lời giảng của cộng đoàn, một cộng đoàn huynh đệ.
Với quá khứ của một lối sống tự do xoay
sở, đời sống cộng đoàn thực sự trở thành một thách đố cho anh/chị em chúng ta.
Thách đố này có thể nói được cũng là thách đố chung của thời đại, khi chủ nghĩa
cá nhân đang được đề cao, được tôn sùng. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ nhìn
thách đố như là một thách đố, nhưng chúng ta coi đó như một lời mời gọi, một
động lực nâng đỡ chúng ta trong hành trình trở nên người anh/chị em.
3. Cất bước đăng trình
Chúng ta đã được mời gọi, và hoàn toàn tự
do để đáp trả hay khước từ. Trước khi đọc lời giao kết hôn nhân, đôi nam nữ vẫn
hoàn toàn tự do và không điều gì có thể ràng buộc họ. Thế nhưng một khi sự tự
do phát biểu thành lời cam kết, thì cuộc đời của họ ràng buộc lấy nhau, cùng gánh
vác vận mạng đời nhau. Họ đã đăng trình trong một cuộc phiêu lưu mới.
Cũng vậy, sự tự do làm nên hành vi nhân
linh của chúng ta. Với tất cả ý muốn dấn thân và sự tự do, chúng ta “kết hôn”
với Dòng khi đọc lời tuyên khấn, và chấp nhận đi vào cuộc phiêu lưu. Có thể
nói, trong giai đoạn nhà tập, các tập sinh ở trong thời kỳ “đính hôn” với dòng.
Theo từng bước đi của chúng ta là lời mời gọi sáng tạo; chúng ta được mời gọi
sáng tạo cuộc đời của mình theo linh đạo của Dòng/Tu hội, một linh đạo đã đào
tạo nên những người anh chị em làm chứng tá Phúc âm; làm ngôn sứ của Lời trao
ban sự sống qua chính đời sống theo sát Chúa Kitô. Cất bước đăng trình, chính
là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa qua việc sống ơn gọi chứng tá. Chúng
ta chỉ có thể nói về Thiên Chúa, khi có kinh nghiệm về Người. Thực sự cách nhìn
của chúng ta về Thiên Chúa cũng rất cần được thanh luyện. Thiên Chúa không như
chúng ta tưởng.
II. Thiên Chúa không phải thế
1. Mầu nhiệm của sự chọn lựa
Chúng ta hãy thanh luyện lối nhìn về Thiên Chúa khởi đi từ việc Thiên
Chúa chọn lựa. Không giống như bất cứ việc tuyển chọn nhân sự của một công ty
hay xí nghiệp nào, Thiên Chúa mời gọi và tuyển chọn những ai người muốn,[1]
không dựa theo đức độ, năng khiếu, kinh nghiệm hay bằng cấp.
Tự sâu thẳm, chúng ta cần xác tín việc mình được chọn lựa là một hồng ân
nhưng không, ý thức mình là đầy tớ vô dụng. Trong những dịp khấn dòng, tạ ơn,
chúng ta vẫn thường nghe những bài thánh ca với những ca từ gợi ý suy niệm sâu
sắc : “Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên, vô duyên bất tài …”. Ước
chi những tâm tình ấy chính là tiếng lòng của mỗi chúng ta.
Chúa mời gọi
các môn đệ theo Chúa, và Người đón nhận cả cá tính cùng những nết hư tật xấu
của họ. Chúa mời gọi và chọn lựa chúng ta, nhưng Người không bắt chúng ta “tẩy
não”, không bắt chúng ta chối bỏ cả quá khứ của mình. Dù được mời gọi, nhưng chúng ta vẫn theo Chúa
với con người thật, con người đầy góc cạnh, cá tính, yếu đuối và đầy những
thương tích. Chúng ta không phải là những con người ưu tuyển, là giới thượng
lưu trong một Giáo hội hình kim thự tháp. Do vậy, không lạ gì khi chúng ta vẫn
hằng chứng kiến những chuyện rất con người trong nội bộ Giáo hội, trong nhà tu.
Và một khi đã được chọn lựa với con người thật trần trụi như thế, Chúa muốn
chúng ta tiến xa hơn, Người mời gọi chúng ta từ bỏ. Nhưng sự thật thì, dù chúng
ta là ai và đã làm những gì cho Giáo hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, đôi
khi chúng vẫn còn giữ lại một chút gì đó cho mình, nghĩ về mình, chưa hoàn toàn
từ bỏ như Đức Kitô đã kêu gọi: Hãy từ bỏ mình. Một khi ý thức mình được mời gọi
và chọn lựa, chúng ta hãy tích cực cộng tác với Chúa, như thánh Augustinô đã
dạy chúng ta : “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng sẽ không cứu con
nếu con không cộng tác”.
2. Khám phá dung mạo một Thiên Chúa đích
thực
Thiên Chúa là Thiên
Chúa, cần gì chúng ta phải khám phá nữa ! Kinh thánh nói gì, Giáo hội dạy sao,
chúng ta tin như vậy ! Rất nhiều khi chúng ta bình an với một số kiến thức về
Thiên Chúa, một ý niệm về Thiên Chúa, hay một mớ giáo lý về Thiên Chúa, mà chẳng
bao giờ đụng chạm được tới Người, chẳng thấy Người liên hệ, mắc mứu gì đến mảnh
đời của ta. Thiên Chúa hằng sống, nhưng thế giới của Người tách biệt. Đại văn
hào Nga – Dostojevsky đã không ngần ngại đặt trên môi miệng viên Đại pháp quan
lời miệt thị, tẩy chay Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Dù Thiên Chúa có đó, nhưng
hãy để mặc con người xoay sở, để mặc con người dở khóc dở cười, xin Thiên Chúa
đừng nhúng tay vô. Đó là thảm kịch của thời đại chúng ta; biết đâu thảm kịch đó
cũng đang diễn ra trong đời sống tâm linh của chính bản thân mình.
Một Thiên Chúa “lạnh như tiền” như thế,
chắc hẳn không phải là là Đấng chúng ta đang yêu mến, tôn thờ, và dõi theo
Người làm môn đệ. Có kiến thức về Thiên Chúa thì không khó, nhưng gặp gỡ được
Người thì chính là thách đố và là lời mời gọi mỗi chúng ta.
Tâm tình của thi hào Tagore sau đây, có
thể phần nào chắp cánh cho khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa của người môn đệ:
Như đêm tối đòi hỏi ánh sáng ngay trong
âm u của nó,
tôi
kêu lên từ vực thẳm vô thức của tôi.
Tôi
chỉ muốn một mình Chúa, một mình Chúa thôi,
như
bão tố hướng về yên tĩnh
ngay khi nó
vùng lên phá tan yên tĩnh.
Chính trong
những lúc phản bội,
chống lại tình yêu Chúa, tôi vẫn kêu
lên :
Tôi chỉ muốn
một mình Chúa, một mình Chúa thôi”.[2]
3. Đối diện với sự thinh lặng của Thiên Chúa
Sự khó khăn của chúng ta là dường như phải đối diện với một Thiên Chúa
thinh lặng. Có những lúc chúng ta cảm nhận như thể Người vô tâm trước sự quằn
quại của bao mảnh đời oan nghiệt. Mặc cho con người vùng vẫy, mặc cho con người
khắc khoải, mặc cho con người vật lộn với chính thân phận mình, Thiên Chúa vẫn
lặng thinh. Những lúc gặp thử thách tâm hồn chúng ta chao đảo, tròng trành,
nghiêng ngả như thuyền bị sóng đánh ngược gió. Cái khổ tâm hơn cả là trong
những giờ phút thử thách đau thương đó, ta chạy đến với Chúa, tha thiết kêu xin
Chúa mà hình như Chúa vẫn ngủ quên.
Nhưng rồi chúng ta cũng tự yên ủi: xưa
kia Chúa Giêsu trên thánh giá còn phải thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con”, thì
phương chi chúng ta: “Tôi tớ không trọng hơn chủ”, mà hầu như thử thách là điều
kiện tối cần để nhận ra các tôi trung của Chúa và cũng là dấu chỉ để thấy niềm
tin của chúng ta lớn hay nhỏ.
Trong đời sống tâm linh, không thiếu những lúc chúng ta
phải đối diện với những cơn khủng hoảng như thế; nhất là khi chúng ta gặp phải
những mất mát, rủi ro, đau khổ, yếu đuối, tội lỗi … Trong trường hợp như thế,
chúng ta vẫn được mời gọi tiếp tục lên đường, lắng nghe tiếng Chúa nói với mình
trong từng biến cố của cuộc sống. Nói như thế không có nghĩa là khi đã lên
đường, nỗi đau không còn nữa. Đôi khi nỗi mất mát hay đổ vỡ hằn sâu trong lòng
mình, trở thành một phần của ký ức mà ta mãi phải mang theo.
Bạn đã có kinh nghiệm về đau khổ, tôi cũng thế, đau khổ
như một phần của cuộc đời ta. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối diện.
Vấn đề là ta tích cực đón nhận, và tìm ra nơi nỗi đau khổ ấy một ý nghĩa. Qua
đau khổ, hay có thể nói là qua sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta có cơ hội
nhận ra điều gì là căn cốt nhất của đời mình. Cũng chính qua đau khổ, ta học
được bài học trắc ẩn, cảm thông.
Như thế, đau khổ hẳn không hoàn toàn vô ích, và cũng không
phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa thinh lặng. Chính sự đau khổ hay sự thinh lặng
của Thiên Chúa đang thanh luyện ta, và có sức mạnh cứu độ con người. Làm sao
chúng ta nhận được phúc lành ngay trong nỗi sầu đau mất mát? Làm sao chúng ta
bước trọn cuộc đời với những bước xiêu vẹo, tập tễnh của phận người? Khi kinh
nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa bên đời và thực sự Người đang cùng lầm
lũi với chúng ta, thì chúng ta sẽ cảm nhận được trong nỗi đau có đượm vị ngọt.
Và như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa vẫn lên tiếng, lên tiếng đúng lúc, chứ
không thinh lặng như chúng ta tưởng đâu.
III.
Lời mời gọi vác thập giá
1. Thập giá của
phận người
Có lẽ ai trong chúng ta cũng có kinh
nghiệm được hưởng những giây phút thần tiên. Ngày mới vào nhà Dòng mình thấy ai
cũng tốt, cũng đạo đức, làm bất cứ việc gì cũng thấy dễ chịu, ăn uống kham khổ
cũng vẫn thấy ngon. Các giờ phụng vụ sao mà êm ái thế, sốt sắng thế, tâm hồn
như được bay bổng lên kết hợp với Chúa, ngồi hằng giờ trong nhà nguyện vẫn
không chán.
Tiếc thay, cái cảnh Tabore ấy chỉ là
khoảnh khắc ngắn trong cuộc đời người tu sĩ. Đã đến lúc tu sĩ phải xuống núi
với cuộc sống thường nhật. Thập giá phận người xuất hiện, việc bỏ trốn giờ
kinh, thoái thác trách nhiệm, ngán ngẩm cộng đoàn … trở nên chuyện “thường ngày
ở huyện”. Ấy là chưa kể những lúc cảm nhận sự cô đơn sao xuyến của phận người,
những lúc thấy mình lạc lõng giữa chốn chợ người nhộn nhịp. Khi con thuyền lễ
hội, tặng quà, chúc mừng … đã rời xa bờ, sóng gió bắt đầu nổi lên, gió lo âu và
sợ hãi đã thấm nhập vào phận người làm ta muốn cảm lạnh, chới với.
Nhưng, thưa
anh/chị em,
“Ví
thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Đấy là câu thơ
của Nguyễn Thái Học, tôi vẫn thường đọc lên để khích lệ mình mỗi khi phải đương
đầu với khó khăn, sóng gió. Lúc này lời mời gọi “Hãy vác thập giá theo Thầy”
của Đức Giêsu, trở nên thấm thía, đụng chạm đến từng chọn lựa của mỗi chúng ta.
Mỗi bước chân ta đi, đều in bóng thập giá, đó không chỉ là thập giá của phận
người, mà còn là thập giá của cuộc đời giang dở.
2. Thập giá của cuộc đời
Cuộc đời
ở đây có thể hiểu là chính cộng đoàn chúng ta đang sống, là những anh/chị em
chúng ta gặp gỡ, là môi trường chúng ta làm việc … Thập giá cuộc đời có thể là
bên ngoài và có thể cũng là thập giá bên trong. Thập giá của việc bị Bề trên
hiểu lầm, bị anh/chị em cô lập, kém tài, kém đức, có khi kém sức khỏe, bệnh tật
trường kỳ…
Có lẽ không có thập giá nào nhẹ, nhưng
sao thập giá cộng đoàn có vẻ gai góc, chà chạnh hơn; cái thập giá mà triết gia
hiện sinh Jean Paul Sartre (1905-1980) cho rằng “tha nhân là hoả ngục”. Sống là
sống với, nhất là sống trong một cộng đoàn anh/chị em huynh đệ mà lại không
được anh/chị em chia sẻ, thông cảm, lại còn bị chê cười đàm tiếu thì thật là
“nản chí anh hùng”. Có khi vì vô tình, nhưng cũng có khi vì ác cảm thật sự,
khiến cho cách đối xử với nhau ra tệ hại hơn.
Khi nói về cái chết của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, một tác giả người Anh đã nhận xét : Đức Giáo hoàng
chết là vì thiếu được thông cảm, chăm sóc và ưu ái. Trước khi được bầu chọn,
ngài đã ở trong tình trạng sức khỏe yếu kém, khi lên chức Giáo hoàng, ngài càng
đau yếu thêm. Tác giả kết luận: “Đức Gioan Phaolô I đã chết vì không chịu nổi
cơ chế quan liêu nặng nề quá đáng. Ngài đã chết vì bị miệt thị, bị bỏ rơi bởi
chính các người và các cơ quan được hiện hữu để nâng đỡ ngài”.[3]
Cứ cho rằng những kết luận của tác giả
là quá đáng, nhưng chuyện Chúa Giêsu bị giết là chuyện có thật. Đức Kitô bị
giết do âm mưu ác độc của các thượng tế, những nhà lãnh đạo tôn giáo được tiếng
là đạo đức thời đó.
Chuyện cái chết của Đức Giêsu, dư luận
về cái chết của Đức Gioan Phaolô I, có thể không đụng chạm nhiều đến chúng ta,
nhưng những chuyện thường ngày ở cộng đoàn là điều chúng ta không thể không
quan tâm tới.
Có những thập giá của phận người, có những thập giá của
cuộc đời, nhưng nhất định, thập giá sẽ nở hoa.
3. Thập giá oà vỡ tiếng cười
Trong lúc các môn đệ đang phải vác thập
giá là đêm tối, sóng gió, sợ hãi, Chúa đi trên mặt biển đến với các ông. Người
có lối đi độc đáo riêng, chẳng ai lường được. Thánh Phêrô thấy Chúa, vừa bước
được mấy bước đã run lên sợ hãi: Xin Chúa cứu con với. Thập giá của Phêrô lúc
này là sự sợ hãi, hoảng loạn. Cách Chúa đến với chúng ta khó lòng mà nhận ra,
phải quen Người lắm, bằng không thì chúng ta cũng sẽ hoảng hốt la toáng lên “ma
kìa”. Trong những trường hợp đó hãy vững tâm. Chúa đó, đừng sợ. Cứ can đảm vác
thập giá, và tin rằng có Chúa ở bên và hằng dỡ nâng ta.
Đức Giêsu đã chọn lựa thập giá để cứu độ
con người. Đó cũng là con đường của các Tông đồ, các môn đệ của Đức Giêsu.
Chẳng lạ gì con đường chúng ta đang theo không phải là con đường nào khác, mà
cũng là con đường thập giá.
Đức Giêsu đã biến thập giá thành Thánh
Giá Cứu Độ, biến sự tủi nhục thành dấu chỉ vinh quang; các Tông đồ, các môn đệ
đã chọn thập giá làm lẽ sống, là sự khôn ngoan đích thực, là niềm kiêu hãnh của
người Kitô hữu,[4]là sự tự do đích thực của
người môn đệ.[5]
Như vậy, chắc hẳn thập giá của mỗi mảnh
đời, thập giá của thân phận người, thập giá của cuộc đời, sẽ oà vỡ tiếng cười,
khi những thập giá này hoà nhập với thập giá cứu độ của Đức Kitô. Đi trọn hành
trình thập giá cũng chính là lúc chúng ta được dương cao, lúc tủi nhục nhất, và
cũng chính là lúc vinh quang chói ngời hơn cả.
Thay
lời kết
Chúng
ta đang nói về Lửa thanh luyện. Thay lời kết, xin được trích dẫn đoạn mở đầu
cuốn “La Psychanalyse Du Feu” – “Phân Tâm Học của Lửa”, Gaston Bachelard nhận
xét khái quát về lửa như sau:
Lửa là
một hiện tượng có đặc quyền, có khả năng giải thích tất cả. Nếu tất cả những gì
biến đổi chậm rãi được giải thích bằng đời sống, thì tất cả những gì biến đổi
nhanh chóng được giải thích bằng lửa. Lửa thầm kín trong con người và lửa thuộc
về vũ trụ. Nó sống trong lòng chúng ta. Nó sống trên trời. Từ những nơi sâu
thẳm của vật chất, lửa vươn lên và tự biến mình như một tình yêu. Nó trở xuống
trong vật chất, tự ẩn mình, tiềm tàng, bị dồn nén lại như lòng căm ghét và sự
trả thù. Trong toàn thể các hiện tượng, lửa thật là một hiện tượng duy nhất có
khả năng tiếp nhận hai cách làm tăng giá trị đối lập: điều thiện và điều ác.
Lửa chiếu sáng trên thiên đàng. Lửa cháy trong hỏa ngục. Lửa là sự thân ái và
giằn vặt. Nó là một vị thần hộ mệnh và cũng là một hung thần, thiện và ác. Lửa
có thể tự mâu thuẫn. Vậy lửa là một trong những nguyên lý giải thích vũ trụ.
Xin Lửa
Thánh Linh thiêu đốt và thanh tẩy chúng ta, tách bạch và đốt cháy tất cả những
gì cản trở chúng ta trên hành trình theo Chúa.
[1] Xc. Mc 3,13.
[2] Tagore – Gitanjali 38.
[3] Báo Công An ngày 21/06/1989 có phổ biến tóm tắt
nội dung cuốn sách mới phát hành nói về cái chết của Đức giáo hoàng Gioan
Phaolô I. Cuốn sách đó mang tên là: “Tên trộm trong đêm” do nhà văn Anh
Cadweil viết theo điều tra hình sự về cái chết của Đức giáo hoàng ngày
19/08/1978.
[4] Xc. Gl 6,14-18.
[5] Xc. Cl 2, 12-15.
Đăng nhận xét