Đồng hành thiêng liêng, phục vụ ân sủng bí tích Thánh Tẩy

Đồng hành thiêng liêng cá nhân,
vừa thuộc về trật tự đặc sủng vừa phải rèn luyện,
là một phần của việc đồng hành trong Giáo hội.
Thật vậy, tại những thời điểm nhất định trong cuộc đời chúng ta, khi những quyết định quan trọng được đề ra,
khi chúng ta trải qua những thời kỳ  “đen tối”
hoặc khi chúng ta cảm thấy những đòi hỏi mới,
thì việc đồng hành rất hữu ích, thậm chí không thể thiếu.
Ts. Trần Công Thượng, OP.

Đồng hành trong cuộc sống
Trong cuộc sống, dù ít hay nhiều, việc đồng hành vẫn được thực hiện giữa hai người. Đó là một thái độ liên đới giữa người với người. Một bên trình bày, một bên chăm chú lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn kín đáo. Do đó, hai người cam kết với nhau: một người bày tỏ, người kia lắng nghe; một người mong đợi được nâng đỡ, người kia chấp nhận trao tặng. Điều này được thực hiện trong một môi trường tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Từ cấp độ đầu tiên này, chúng ta nhận ra những dấu hiệu sẽ trở nên thiết yếu cho bất kỳ hình thức đồng hành nào. Đồng hành bắt đầu khi có những cuộc gặp gỡ, để thiết lập mối liên hệ giữa hai người. Tiếp theo là lắng nghe. Để biết cách hiện diện, để cảm nhận những điều nên nói và những điều không nên, hãy đặt những câu hỏi “hữu ích” và can thiệp để thúc đẩy tự do. Cuối cùng, cần giữ khoảng cách “tình cảm” với những gì được nói và thúc đẩy chất lượng của sự hiện diện.
Đồng hành được đức tin chiếu sáng
Ở cấp độ thứ hai, mối liên hệ đồng hành được thiết lập trong đức tin, cách rõ ràng, trong niềm tin tưởng vào ân sủng và hành động của Thiên Chúa. Vì thế, cần xác tín rằng: Chính Thần Khí Thiên Chúa hoàn thành công việc của Người thông qua hoạt động của con người. Người đồng hành không phải là người thay thế vai trò của Thánh Linh, nhưng luôn tùy thuộc vào Thánh Linh là Đấng duy nhất có thể tạo ra hoa trái của tự do và biến đổi. Trong cuộc gặp gỡ, chúng ta nói rõ ràng về việc cầu nguyện, về phương tiện giúp thăng tiến cầu nguyện, về thái độ nội tâm khi cầu nguyện (tôn thờ, dâng mình, tạ ơn, vv). Chúng ta chú tâm vào những điểm nào đó của Lời Chúa, giúp hiện thực hóa Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Nhưng, bên cạnh việc cầu nguyện, “sự phân định” được phát triển ngày càng phong phú: Đó là phân biệt giữa các chuyển động nội tâm đến từ Thiên Chúa và những gì đối lập, giữa những gì là thiêng liêng với những gì phá hủy đời sống thiêng liêng. Nhưng tóm lại, đó là gì? Thưa, đó là giúp một người bước vào con đường thăng tiến tâm linh, để họ làm sinh sôi nảy nở hồng ân Chúa ban, và gia tăng tình con thảo mà họ có từ khi lãnh bí tích Rửa tội.
Đồng hành theo truyền thống khác nhau
Ở cấp độ thứ ba, chúng ta có thể phân biệt trong Giáo hội vài cách thực hành đồng hành thiêng liêng: Kể từ hình thức chia sẻ đời sống giữa một “cụ già lão luyện” nhiều kinh nghiệm và một “người trẻ mới tập tu” bắt đầu tìm cách thăng tiến, cho đến các hình thức khác nhau của đời sống đan viện, nơi ứng viên được mời chia sẻ cuộc sống hàng ngày của một cộng đoàn, và trong ánh sáng này tìm thấy con đường riêng của mình. Thánh Inhaxio đề ra cho việc đồng hành thiêng liêng một mục tiêu rất rõ ràng: để giúp con người tự do phát triển trong đức tin và tình yêu hoặc để giúp một người “tự quyết định mà không cảm thấy quyến luyến.”
Thuật ngữ “đồng hành” đến từ đâu?
Đồng hành với một người nào đó, như từ nguyên chỉ ra, là đi với người ấy, trên cùng một con đường và đi cùng nhau đến một nơi khác, một nơi mới lạ...
- Nguồn gốc nhân loại học và văn hóa
Từ nhiều năm nay, khoa học nhân văn đã nhắc nhở chúng ta những gì mà cha mẹ dần dần khám phá được trong việc học biết tự do của con cái họ. Đứa trẻ muốn bước vào tuổi trưởng thành, nó phải rời bỏ mối liên hệ “mật thiết” với bà mẹ để đi vào cuộc “di cư”, bắt đầu từ tiếng khóc đầu đời và sẽ dẫn dắt nó đi xa hơn nữa. Và ở đó, người cha can thiệp bằng cách đưa ra luật lệ, luật lệ nhắc nhở và giúp nó tiến lên, bởi vì luật lệ khuyến khích nó mạnh dạn đi vào thế giới, trong cuộc phiêu lưu. Trong văn hóa Hy Lạp, chúng ta có một hình tượng biểu tượng, đó là hình tượng nhà sư phạm. Nhà sư phạm là người đi trên đường, dẫn đứa trẻ đến trường, chuyển từ môi trường riêng tư của gia đình đến môi trường văn hóa và xã hội.
- Từ Công đồng Vatican II
Công đồng Vatican II, với các Hiến chế, cách nào đó, đã tiếp bước Chúa Phục Sinh, Đấng đã đến đồng hành với các môn đệ để lắng nghe họ trước, sau đó dùng Kinh Thánh giải thích cho họ những gì đã xảy ra, và để họ nhận ra Người. Thật vậy, công đồng Vatican II mời chúng ta lắng nghe Lời Chúa (Dei Verbum), để tìm thấy chính mình trong Giáo hội (Lumen Gentium), trong nhiều chức năng và thừa tác vụ trên đường  hướng tới Giêrusalem mới, liên đới với niềm vui và hy vọng của con người (Gaudium et Spes).
 Chính trong bối cảnh này, chúng ta đã thấy xuất hiện hai thành tựu quyết định cho sự đổi mới của một thực hành, đồng hành với bệnh nhân vào lúc sắp lâm chung, và tĩnh tâm được hướng dẫn riêng.
- Đồng hành với bệnh nhân lúc lâm chung
Thành ngữ này được sinh ra trong các phái Tin Lành, liên quan tới việc lắng nghe và và đồng hành với người bệnh vào cuối đời. Khi sắp từ giã cõi đời, đối với nhiều người, từ “đồng hành” cho thấy một thái độ nào đó, bao gồm việc trợ giúp kín đáo, với những lời cần giải mã, thường nói ra cách nghịch lý.

- Các cuộc tĩnh tâm được đồng hành riêng
Trong lĩnh vực “trợ giúp thiêng liêng” để tìm kiếm Thiên Chúa khi dự liệu cuộc sống của một người, việc tĩnh tâm được hướng dẫn riêng cũng đóng một vai trò quyết định. Các khóa tĩnh tâm có bài giảng dần dần bị xóa bỏ thay thế bằng các khóa tĩnh tâm riêng với người đồng hành, nhờ đó, trở về với cách thực hành ban đầu. Đồng thời, trong sự trợ giúp thiêng liêng ngoài các cuộc tĩnh tâm, thuật ngữ “đồng hành” đã dần dần xuất hiện. Cha Joseph Doré, thuộc hội Xuân Bích, trong một hội nghị có chủ đề “Những hiểu biết về linh hướng Công giáo”, sau khi nhắc lại những giai đoạn lịch sử lớn về linh hướng, đã nhấn mạnh rằng, vào thế kỷ XVI, linh hướng được tổ chức, chủ yếu nơi các tôn giáo. Và vào thế kỷ 17, linh hướng phổ biến nơi các giáo dân. Trong phần thứ hai, khi suy tư về bản chất của linh hướng, ngài đề cập đến các “cuộc tĩnh tâm” như là “mô hình” linh hướng. Thực tế, khi nói về các điểm chính của phương pháp sư phạm nơi các “cuộc tĩnh tâm”, chúng ta có thể nói tóm tắt: Tĩnh tâm là một kiểu gặp gỡ, nơi con người “được tác động”, rồi phân định, và trao đổi lời, nhưng còn vọng lại một Lời khác, Lời sáng tạo: Lời Thiên Chúa.
Người đồng hành là người đi cùng và giúp một người khám phá ra con đường của chính họ trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải thêm rằng sự trợ giúp thiêng liêng này vừa thuộc về đặc sủng vừa cần học biết.
- Sự tiến triển từ thánh Phanxicô de Sales
Thế kỷ XVII chứng kiến ​​một sự đổi mới đáng kinh ngạc của đời sống tâm linh. Thánh Phanxicô de Sales nói về sự cần thiết của một người dẫn dắt để “bước vào và tiến bộ trong lòng yêu mến”. Ngài viết trong Chương IV lời dẫn nhập này: “Cậu thanh niên Tobia được lệnh đi Ragès. Cậu nói: Con không biết đường đi. Cha cậu trả lời ‘Hãy đi đi và tìm một người nào đó dẫn dắt con’. Tôi cũng nói với chị như vậy, chị Philothea thân mến: Chị muốn biết cách tiến tới lòng thành kính mến yêu? Hãy tìm kiếm một người có thể hướng dẫn và dẫn dắt chị [...] Nhưng ai sẽ tìm thấy người bạn này? Đức Khôn Ngoan trả lời: Những người kính sợ Thiên Chúa; nghĩa là những người khiêm tốn, mong muốn mạnh mẽ trên hành trình tâm linh. [...] Và ngài thêm: “Chị Têrêsa Avila nói rằng, để làm điều đó, bạn chọn một người giữa hàng ngàn người, và tôi nói,  giữa vạn người, bởi vì thật khó để nói ai có khả năng thực hành chức vụ này. Người đó phải đầy lòng bác ái, hiểu biết, thận trọng. Nếu thiếu một trong ba phẩm chất ấy, sẽ có nguy hiểm xảy đến.” Tóm lại, thánh Phanxicô de Sales cho chúng ta biết những điều thiết yếu. Một vài năm trước đó, thánh Têrêsa Avila nói với chị em mình tham khảo những người có đời sống tâm linh, những người hiểu biết hoặc các học giả, và chính chị đã đánh giá rất cao những ơn phân định tâm linh nơi những người tư vấn tâm linh. Nhưng “ai là người xin được trợ giúp thiêng liêng?” Ngày nay chúng ta sẽ nói: Rõ ràng, đó là người có phán đoán tốt và khá vững về tâm lý, người nghe nhiều hơn nói, và đặc biệt là người có “cảm thức tâm linh” đúng đắn, khôn ngoan, được soi sáng nhờ suy tư về nhiều con đường mở ra trước đức tin. Ít là, người này được  đào tạo để gặp gỡ và nắm được các yếu tố “thần học tâm linh”. Cuối cùng, sẽ là khôn ngoan để đảm bảo rằng người này được xem là phù hợp với người đã hoặc sẽ nhận trách nhiệm đồng hành.
Trong thế kỷ ánh sáng, chúng ta biết có “nhà hướng dẫn lương tâm”. Chúng ta thấy hạn từ này không thích hợp, nó có thể là dấu hiệu của một sự khiếm khuyết gây ra bởi người được hướng dẫn và người hướng dẫn. Emmanuel Kant hài hước nhắc lại: “Thật dễ dàng cho một đứa trẻ; nếu tôi có một cuốn sách thay cho lý trí, một người hướng dẫn thay thế lương tâm, một bác sĩ quyết định chế độ ăn uống, thì tôi không phải khổ công. Tôi chẳng cần suy nghĩ, miễn là tôi có thể trả tiền”. Cha Surin, tác giả của cuốn Hướng dẫn tâm linh, nói rằng điều này cũng có thể xuất phát từ người hướng dẫn. “Bạn gọi  những người  hướng dẫn có tâm hồn hẹp hòi và gò bó là gì? Họ là những người xa rời linh hồn, và đặt linh hồn trong một sự tự do thánh thiện, luôn có xu hướng thu hẹp, bớt xén và hạn chế: vì họ không có tâm hồn vĩ đại và lành thánh, hoặc bởi vì họ muốn dẫn mọi người đến một mức độ xác định về sự hy sinh và từ bỏ nào đó.”
 Điều chúng ta phải nhớ ở đây là tầm quan trọng của lương tâm, mà vị trí bất khả xâm phạm được nhấn mạnh bởi làn gió mới của Công đồng Vatican II. Thật vậy, Giáo hội đang phục vụ lương tâm và Lời Chúa. William de Saint-Thierry, thời Trung Cổ, trong tác phẩm Thư vàng của mình, đã nói về ba “nhân vật chính” : Thiên Chúa, lương tâm và cố vấn tâm linh.
 Cuối cùng vào giữa thế kỷ XX, xuất hiện một cuốn sách với tiêu đề biểu tượng: Linh hướng hay đối thoại tâm linh của cha Jean Laplace. Sách này được xuất bản khi Đức Phaolô VI viết Tông huấn Ecclésiam suam. Một Giáo hội đối thoại với những anh em ly khai, với các tín đồ thuộc các tôn giáo lớn và với mọi người thiện chí.
Một người đồng hành thiêng liêng, cách nào đó, là người hướng dẫn hoặc dẫn dắt, như thánh Phanxicô de Sales đã chỉ ra. Và hơn nữa, vào thời điểm khi các điểm nhấn mờ đi, việc tìm kiếm các nhân chứng có thể khích lệ mình trở nên khẩn thiết hơn. Véronique Margron sẽ nói về những người trưởng thành trong đức tin. Đó cũng là người phải lắng nghe và xây dựng tự do. Thật vậy, vấn đề không phải là điều khiển lương tâm, mà là đánh thức, chữa lành, giáo dục lương tâm, bởi vì con người là một sinh vật chưa thành toàn. Tự do luôn có nguy cơ bị tấn công. Cuối cùng, với lối diễn đạt “đối thoại tâm linh”, chúng ta được nhắc nhở về một chức năng thiết yếu khác của việc đồng hành thiêng liêng: Đó là để người khác được sinh ra từ lời là bước đầu tiên; và được sinh từ Lời Chúa là một bước khác.
Tóm lại, trong thời đại quan trọng, thời đại sau Công đồng Vatican II, chúng ta thấy khoa học nhân văn can thiệp vào cách tiếp cận nhân học của “mối liên hệ trợ giúp”. Và thực tế, sự trợ giúp thiêng liêng đã được hưởng lợi từ đó. Bằng cách tập trung lắng nghe người khác và các vấn đề tình cảm của họ, tâm lý học hiện đại làm rõ vai trò và sự tương tác giữa con người. Nó giúp người ta hiểu biết hơn những gì được sống và làm cho sự phân định tinh tế hơn. Nó cũng giúp định danh sát hơn những gì xảy ra trong mối liên hệ này. Đồng thời, chúng ta được khơi lên những tái khám phá khác của các bậc thầy tâm linh trong truyền thống tâm linh khác nhau. Thầy tâm linh vừa là người được trao gửi gia sản và là người bảo đảm tính liên tục về mặt tâm linh. Chỉ khi ngài biết tôn trọng tự do nội tâm của học trò, ngài mới có thể thực sự trở thành người khởi xướng cho một đời sống khác.
Trong bối cảnh của chúng ta, hãy giữ lại điều gì là thiết yếu?
- Trước hết, hãy trở lại với vấn đề nền tảng: 
           lắng nghe Thánh Linh

Để lắng nghe Thánh Linh, đầu tiên là nhận ra Người trong những chuyển động nội tâm, nơi Thánh Linh gặp gỡ mong ước của con người.
Emmanuel Mounier, trong một lá thư, đã có thể nói với một người bạn: “Hiếm khi tôi có cảm giác sống động như thế trong đời, là cảm giác gần như chắc chắn về mặt tâm linh trên định hướng chính yếu của cuộc đời tôi: Lần đầu tiên trong một cuộc tĩnh tâm, khi tôi cảm nhận được trật tự nội tâm khi ngừng uống thuốc và ngừng nghiên cứu triết học. Lần thứ hai trong cuộc hôn nhân của chúng tôi ... và lần thứ ba cho Thánh Linh và nhà của Người. Và chỉ với niềm tin thiêng liêng mạnh mẽ này mà tôi nhận ra quyền can thiệp vào bạn ... Tôi không tin rằng ơn gọi là một kế hoạch hoàn toàn được vạch sẵn trong trí Thiên Chúa [...] Người muốn sáng tạo với chúng ta”.
Lắng nghe công trình của Thánh Linh cũng là đọc các dấu chỉ thời đại, nơi gặp gỡ giữa Thánh Linh với các dòng chảy văn hóa và tinh thần của thời đại chúng ta, cũng chính ở đây, Thánh Linh nói với tâm trí chúng ta.
- Đồng hành từ những bước khởi đầu
Ở đây, vào một thời đại khác, thánh Augustinô đã mở đường cho chúng ta. Đó là về việc rao giảng Tin mừng khát khao hạnh phúc, giảng dạy như các chứng nhân và để cho Đấng Tạo Hóa hành động với thụ tạo của Người. Thật vậy, chúng ta biết cuốn Tự thuật, được viết muộn, khi ngài đã là giám mục, chịu ảnh hưởng quyết định từ cuốn sách của Cicero về hạnh phúc. Việc đọc này khiến ngài đi từ cần đến muốn. Rồi tiếp đó là những câu hỏi lớn, giống như mầu nhiệm sự dữ, đã theo đuổi ngài. Ngài phải được khai tâm theo một cách khác để hiểu và tiếp nhận Sách Thánh, cuối cùng là gặp gỡ các chứng nhân ngày càng đa dạng. Điều này dẫn ngài bước vào cuộc chiến cuối cùng, đó là cuộc chiến về ân sủng và tự do trong một khu vườn nhỏ ở Milan. Lắng nghe công trình của Thánh Linh là bắt đầu từ điểm mà người khác đã bắt đầu, khi tôn trọng thời gian cần để tin với các trung gian cần thiết: đọc Kinh Thánh, đọc lại cuộc đời mình như cuộc đời nhận được từ Thiên Chúa và cuối cùng tìm thấy cánh cửa nội tâm.
- Chú ý đến nguồn gốc nhân loại, 
            thần học và Giáo hội

Mọi người đều được gửi gắm một lời hứa. Để lắng nghe lời hứa này, cần phải để cho những gì người ta nghe vang rền trong thinh lặng. Chính trong không gian ấy, đức tin Kitô giáo sẽ có thể được thể hiện, tỏ bày, cấu trúc. Để đón nhận câu chuyện của một người, thì việc biết đọc lại và định danh là điều không thể thiếu. Khi không khởi đi từ quá khứ, chúng ta sẽ khó đảm nhận hiện tại và nhìn về tương lai. Công việc lâu dài này thường dẫn đến dung hòa. Dung hòa không phải là “làm như” quá khứ không còn đó hoặc đã khác rồi. Dung hòa cũng sẽ vượt qua bởi sự từ bỏ đi đến giấc mơ hão huyền về một hình ảnh tự thành công. Công việc chưa bao giờ hoàn thành.
 Nhận ra mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa là khởi đầu của đời sống tâm linh. Cần nuôi dưỡng mối liên hệ ấy như một nguồn tự do và hạnh phúc. Khám phá này, mặc dù nó có thể xuất hiện cách đơn giản, cũng là hoa trái của một việc tìm tòi lâu dài. Mối liên hệ bắt nguồn từ bí mật của việc cầu nguyện và lắng nghe Lời. Cuối cùng, nó diễn ra nhờ nhân tính của Đấng đến từ Thiên Chúa, Đấng đã phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.” Người là con đường dẫn đến Chúa Cha và từ Chúa Cha đến với chúng ta.
Việc đón nhận nhau vô điều kiện của mỗi người càng cấp bách hơn nữa khi chúng ta thường xuyên lui tới nhiều nơi, trong các mạng lưới không ngừng tiến triển, trong một xã hội được đánh dấu bởi tính đa nguyên. Sứ vụ đầu tiên của Giáo hội là trở thành “một nơi để tái sinh” theo hướng kép: hiệp thông huynh đệ và hiệp thông với Thiên Chúa. Đón nhận nhau vô điều kiện như thế không thể tránh được cô đơn nào đó và đôi khi không vượt qua “sự tan vỡ của trái tim”. Hiến mình cho sự dịu dàng và lòng thương xót của Chúa Cha, nơi tôi dễ bị tổn thương nhất, sẽ giúp tôi yêu mến anh em, không phải vì anh đáng mến, mà bởi vì anh được Thiên Chúa yêu mến. Đó là khám phá của Simon Phêrô. Cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu tại bờ hồ dẫn ông đi theo Người. Và khi đi qua bàn làm việc của một người thu thuế, cùng một Giêsu ấy đã gọi Lêvi. Thực tế, giống như chúng ta, ông đã có thể khám phá ra rằng ông được gọi không phải vì ông đáng mến, nhưng là ông được Thiên Chúa yêu mến.
- Nối kết đồng hành cá nhân và đồng hành nhóm
Đồng hành thiêng liêng cá nhân, vừa thuộc về trật tự đặc sủng vừa phải rèn luyện, là một phần của việc đồng hành trong Giáo hội. Thật vậy, tại những thời điểm nhất định trong cuộc đời chúng ta, khi những quyết định quan trọng được đề ra, khi chúng ta trải qua những thời kỳ  “đen tối” hoặc khi chúng ta cảm thấy những đòi hỏi mới, thì việc đồng hành rất hữu ích, thậm chí không thể thiếu. Một số bước không thể một mình vượt qua. Cần có sự sáng suốt tâm linh, mà điều này chỉ có thể đạt được trong đồng hành cá nhân. Nhưng khởi đầu, đó là ước muốn tiến lên, không dậm chân tại chỗ, nhưng sống phong phú hơn theo Tin mừng, ước muốn kèm theo quyết tâm mạnh mẽ từ bên trong.
Ngày nay, chúng ta còn có một hình thức đồng hành khác bổ sung, đó là đồng hành cộng đoàn. Cả hai cách thức làm phong phú lẫn theo những giai đoạn khác nhau, nhưng luôn luôn phục vụ cá nhân và cộng đoàn. Chính nhờ việc chăm chú đọc Tin Mừng mà nhiều người mong muốn tiến xa hơn để có thể vượt qua nhằm tìm kiếm một nơi lắng nghe mang tính cá nhân. Hoặc ngược lại, trước tiên, người ta được Chúa mời gọi cầu nguyện cá nhân cách thân mật hơn, sau đó sẽ được dẫn đến việc tìm kiếm một nơi chia sẻ và tham gia trong các nhóm và trong xã hội.
Những quan điểm này luôn khắc sâu trong bối cảnh văn hóa, xã hội và tôn giáo. Ví dụ, trong giai đoạn gần đây, dường như Guy Coq đã nhấn mạnh rằng có một ký ức ảm đạm về Giáo hội, chắt lọc điều tiêu cực và che giấu điều tích cực. Ký ức ấy làm mờ đi nhận thức về những gì Giáo hội thực sự là. Tình huống này mời gọi chúng ta chăm chú ý nhận biết điều gì là tốt trong Giáo hội và nhân loại, như cách thánh Phaolô chỉ ra trong thư của ngài. Các lá thư này đã chuyển đến độc giả sự tốt lành của Thiên Chúa. Lời tạ ơn dâng lên Chúa Cha ở đầu các bức thư được kèm theo lời chào nồng ấm dành cho các anh em. Chính tình con thảo làm cho chúng ta thực sự trở thành anh em của nhau. Cảnh quan càng thay đổi, càng nhiều thứ xuất hiện, chúng ta càng cần phải tìm các cột mốc để đánh dấu đường đi. Vì thế, chúng ta phải không ngừng kết hợp hai luồng sáng, luồng sáng phân tích từ dương thế và luồng sáng đến từ trời cao, qua Tin Mừng, qua Truyền thống và các dấu chỉ thời đại. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về thân thể Giáo hội, với những trách nhiệm khác nhau.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn