Phân định thần khí là gì ? Sự cần thiết của phân định trong đồng hành thiêng liêng ?


Anh em đừng có rập theo đời này,
 nhưng hãy cải biến con người anh em 
bằng cách đổi mới tâm thần, 
hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: 
cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.

(Rm 12,2)
Raymunđô M. Nguyễn Viết Quang, CRM
Gioan M. Nguyễn Đức Vương, CRM


Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa.[1] Vì thế, tự nơi thẳm sâu tâm hồn mình, con người luôn hướng về Thiên Chúa, luôn được thôi thúc làm cho hình ảnh của Thiên Chúa hiển lộ rõ nét nơi mình. Điều đó được thể hiện nơi những suy nghĩ, những chọn lựa của con người một cách ý thức và tự do. Vì “tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con người”.[2] Dẫu vậy, hậu quả của nguyên tội làm lý trí con người không còn được sáng suốt như xưa nên trong nhiều trường hợp người ta không dễ nhận ra đâu là ý Chúa, đâu là sự xúi giục của ma quỷ, đâu là ý riêng mình, đâu là điều phải làm để đẹp lòng Chúa, đâu là những gì phải tránh để gạt bỏ ý riêng, xua đi sự xúi giục của ma quỷ; vì thế người ta cần phải học hỏi, rèn luyện khả năng phân định, cầu xin ơn Chúa, lắng nghe người có khả năng phân định thiêng liêng... Vậy, thế nào là phân định thiêng liêng? Phân định thiêng liêng cần thiết thế nào? Cuối cùng là một vài phương thế giúp chúng ta có được sự phân định thiêng liêng theo ý Chúa.
1.1. Khái niệm về phân định
Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học định nghĩa: “Phân định (đt): phân chia ra và xác định rõ. Phân định trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận. Phân định ranh giới”.[3] Nguyên ngữ của phân định: từ Latin “discern-o, is, discre, -vi, discre-tum, ere, 1. Để biệt ra. 2. Phân biệt, phân chia, biệt nhận. 3. Phân xử”.[4]
Trong cuốn tự điển American College Dictionnary, 1966, ta thấy động từ “phân định” được định nghĩa như sau: 1. Nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác, nhận thức bằng trí tuệ… 2. Phân biệt bằng trí tuệ, nhận ra sự khác biệt, coi như tách biệt nhau; tách biệt, phân biệt.[5]
Như vậy, chúng ta có thể hiểu phân định là việc của trí năng, trí năng thu thập những thông tin, những dữ kiện qua các giác quan như mắt, tai rồi phân tích, sắp xếp các dữ kiện để nhận ra sự khác biệt căn cứ vào đặc điểm, tính chất của đối tượng; đây là hành vi nội tại của trí năng, tuy nhiên tiến trình này dường như xảy ra đồng thời nghĩa là ngay khi nhận thức sự việc thì trí năng cũng phân biệt hoặc phán đoán. Khi ta nhìn một quả mít đã nứt mắt, mùi thơm nồng thì ngay tức khác ta đoán chắc quả mít đó đã chín.
Trí năng con người luôn luôn hoạt động nên phân định là việc làm thường xuyên và bao trùm mọi lãnh vực của cuộc sống, vì con người luôn phải đưa ra những nhận định, những phán đoán hướng dẫn cho mọi hành động của mình; trừ những hành vi khi ngủ hay vô thức vì khi đó trí năng thiếu đi dữ kiện cần thiết để phân tích, để đánh giá, để phán đoán. Rõ ràng, từ những gì rất đời thường như người ta phải phân định những loại thực phẩm nào hợp với sức khỏe, an toàn cho gia đình; đến những phân định thuộc các lãnh vực chuyên sâu, chẳng hạn, theo kinh nghiệm, theo kiến thức học hỏi, dựa vào các triệu chứng của con bệnh mà bác sĩ chẩn bệnh và đưa ra phương thức điều trị thích hợp; đến cả trong lãnh vực tâm linh, thuộc đời sống thiêng liêng việc phân định là tối cần vì nó giúp cho người ta đi trong đường nẻo của Thiên Chúa. Một tu sĩ hăng say làm việc là tốt nhưng cũng phải biết dung hòa và chu toàn các nhiệm vụ khác như việc cầu nguyện, kỷ luật của tu viện...
1.2. Mục tiêu của việc phân định
Khi đã nhận ra phân định là công việc của trí năng và nó bao trùm mọi lãnh vực cuộc sống con người, nhờ có sự phân định mà con người phán đoán, chọn lựa và hành động nên hành vi của con người không chỉ là những hành vi nhân sinh, hành vi bản năng như các loài vật mà hơn thế con người còn có những hành vi nhân linh. Con chó hành động theo bản năng mà thôi, khi đói nó tìm ăn, có đồ ăn nó chỉ biết vục đầu vào ăn để thỏa mãn cơn đói, để duy trì sự sống; còn con người thì khác dù khi đang đói và có đồ ăn trước mặt người ta vẫn có thể từ chối có khi vì sức khỏe người ta tránh những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, có khi vì danh dự: miếng ăn là miếng nhục, có khi để chứng minh điều cao cả nào đó người ta tuyệt thực…
Chúng ta thấy rõ, nhờ khả năng phân định mà người ta đưa ra phán đoán, chọn lựa và hành động. Như thế, việc phân định không dừng lại nơi nhận thức, nơi phân biệt, nơi phán đoán mà thôi mà nó còn hướng người ta đến chọn lựa, đến hành động. Xa hơn nữa, phân định là việc rất cần thiết đặc biệt khi phải phân định những vấn đề thuộc luân lý, thuộc đời sống tâm linh, người ta phải phân biệt đâu là đúng đâu là sai, cái gì được làm, cái gì không được làm, phải phân định thế nào để dẫn đến việc chọn lựa điều gì là tốt hơn, đâu là ý Chúa, điều gì đẹp ý Chúa. Chỉ khi phân định đúng thì người ta mới chọn lựa đúng, mới hành động đúng được đặc biệt nơi những người có bổn phận hướng dẫn, đồng hành thì mình phải phân định đúng thì mới hướng dẫn, mới giúp cho người được đồng hành.
Khi đã nhìn nhận mục tiêu của phân định trong đời sống con người nhất là đời sống thiêng liêng, chúng ta chú trọng việc phân định trong đời sống thiêng liêng hơn là việc phân định mang tính tổng quát.
1.3. Phân loại
- Về mặt lý thuyết
Xét về mặt lý thuyết chúng ta có thể chia phân định làm hai loại là phân định cá nhân và phân định cộng đoàn.
Thứ nhất, phân định cá nhân là việc một con người xem xét xem đâu là điều họ phải chọn lựa, phải hành động trong mỗi thời điểm của cuộc đời, đâu là con đường Chúa muốn họ đi và họ sẽ phải thực hiện điều Chúa muốn thế nào, họ phải làm gì để tránh những sai lầm. Để thực hiện điều đó, không phải lúc nào người ta cũng rõ ràng, cũng dễ dàng phân định nhưng nhiều lúc họ cần đến một bậc thầy trong việc phân định giúp đỡ. Một thanh niên quý mến đời sống tu trì, muốn dấn thân trong đời sống tu nhưng không biết phải chọn nơi nào cho phù hợp thì lúc này người đồng hành sẽ giúp người đó phân định xem ước muốn của người đó có thật không, linh đạo của dòng tu nào phù hợp với người đó...
Thứ hai, phân định cộng đoàn là cả một cộng đoàn, một tập thể cùng có sự phân định cùng phân tích, cùng phán đoán cùng quyết định một điều gì đó, chẳng hạn việc cộng đoàn bỏ phiếu cho một tu sĩ khấn hay tổng tu nghị của của một nhà dòng bầu chọn bề trên hay làm một quyết định nào đó cho hội dòng. “Dù là loại phân định nào, mục tiêu cuối cùng cũng là đạt tới một tình yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực”.[6] Tuy nhiên, việc phân định vẫn có thể không đạt được chân lý, chẳng hạn cả đám đông mạnh mẽ kết án Chúa Giêsu dù ngài là người vô tội.[7]
- Về bản chất
Xét về bản chất của chính việc phân định thì phân định vừa là một nghệ thuật và còn là một đặc sủng.
Việc phân định trước hết là một nghệ thuật vì nhờ vào kiến thức người ta học hỏi và kinh nghiệm sống được tích lũy qua thời gian mà người ta có thể phân định tốt. Nếu tôi nắm rõ những giáo lý của Chúa và những giáo huấn của Hội thánh thì tôi có thể nhận ra những điểm không phù hợp với đức tin Công giáo khi tôi nghe một bài giảng của một mục sư, bài thuyết pháp của một đại đức, hay bài giảng của một linh mục.
Tuy nhiên, phân định còn là một đặc sủng. Bên cạnh nỗ lực hay tài khéo của con người việc phân định cũng là một đặc sủng, một ân huệ Thiên Chúa ban cho một số người khẩn nài và sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa. Ở câu truyện của Samuel đi xức dầu cho David[8], rõ ràng phải nhờ Thần khí Chúa giúp ông, ông mới xức dầu cho một cậu bé thay vì các anh của cậu. Với Solomon cũng thế, chính Thiên Chúa đã ban cho ông sự khôn ngoan[9] để ông xét xử và lãnh đạo dân Ngài. “Do vậy, các nhà tu đức khuyên chúng ta nên đến bàn hỏi với những người đồng hành thiêng liêng, hiểu theo nghĩa những vị này được ơn phân định”.[10]

1.4. Định nghĩa
Đến đây, qua khái niệm, mục tiêu, và một vài hình thức phân loại về phân định ta hãy nghe tác giả E. Malatesta, dòng Tên, định nghĩa phân định thiêng liêng hay phân định Thần khí:
Qua từ “phân định Thần khí”, người ta hiểu đó là tiến trình qua đó chúng ta xem xét, dưới ánh sáng của đức tin và trong độ tương hợp của đức ái, bản chất của những tâm trạng thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy nơi chính mình và được người khác cảm nhận. Mục đích của việc xem xét ấy là xác định, trong chừng mực có thể được, đâu là những tâm trạng đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để phục vụ Người và tha nhân trong một sự toàn thiện lớn hơn, và đâu là những tâm trạng đưa đẩy chúng ta đi xa mục đích đó.[11]
Từ định nghĩa về phân định Thần khí trên chúng ta nhận ra rằng trong việc phân định Thần khí thì người phân định cần phải có một đức tin vững mạnh, một đức ái mãnh liệt và một lòng khao khát chân lý, khát mong tìm thánh ý Thiên Chúa trong đời sống của mình mọi lúc, nhờ đó họ mới có thể hướng đến việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu, vô vị lợi và thăng tiến bản thân trong ân sủng của Thiên Chúa.

2.1. Vài nét về việc phân định trong Thánh kinh
Trong bộ Thánh kinh, từ quyển đầu tiên đến các sách Tin mừng, chúng ta không bắt gặp hạn từ phân định Thần khí. Chúng ta chỉ thấy hạn từ đó trong các giáo huấn của các thánh thư. Tuy nhiên, không vì thế mà Cựu ước không có việc phân định Thần khí, rõ ràng chúng ta có thể dễ dàng gặp thấy việc phân định Thần khí của thầy cả Êli khi Chúa gọi Samuel,[12] khi Samuel đi xức dầu cho David,[13] khi Solomon xử kiện[14]… Còn trong các sách Tin mừng, Chúa Giêsu cũng đưa ra nguyên tắc dạy các môn đệ đánh giá người khác qua việc làm: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”.[15]
Hạn từ phân định Thần khí xuất hiện nhiều trong các Thánh thư vì theo tác giả Guillet: “Có thể nói cách nôm na rằng, việc phân định các loại Thần khí, đã được sống trong các sách Tin mừng và đã được tư duy trong các Thánh thư”.[16]
Ở đây chỉ xin trích dẫn một vài giáo huấn về phân định Thần khí của thánh Phaolô. Trong thư Rôma, thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.[17] Với tín hữu Êphêsô, vị tông đồ dân ngoại còn nói mạnh hơn: “Anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần khí”.[18] Còn khi khuyên nhủ các tín hữu Galat, thánh nhân viết: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần khí, còn Thần khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt”.[19] Như thế, từ đây hạn từ phân định Thần khí hay phân định thiêng liêng được sử dụng rộng rãi trong Kitô giáo.
2.2. Việc phân định trong đời sống Giáo hội
Trong đời sống Giáo hội, sự phân định các Thần khí thuộc Huấn Quyền. Khi phân định, Huấn Quyền phải lưu ý ít nhất tới cảm thức của các tín hữu. Chúng ta dừng lại ở một điểm có thể giúp ích trong các cuộc tranh luận liên quan tới một số vấn đề. Chẳng hạn phân định về các dấu chỉ thời đại.
Công Đồng Vatican II đã tuyên bố:
Giáo hội lúc nào cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại, và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm, như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy.[20]
Hiển nhiên Giáo hội phải thăm dò các dấu chỉ thời đại dựa vào Phúc Âm, không phải để áp dụng những phương dược và quy luật muôn đời cho những tình huống và vấn đề mới trong xã hội, nhưng để đưa ra những giải đáp mới “thích ứng với từng thế hệ”, như Công đồng nói. Khó khăn trong công việc này, nói cho nghiêm túc, chính là sợ liên lụy cho Huấn quyền khi chấp nhận những thay đổi trong các quyết định của mình.
Có một tác nhân quan trọng trong việc phân định các dấu chỉ thời đại, đó là Giám Mục Đoàn. Theo Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Giám Mục Đoàn “cùng nhau quyết định về những vấn đề quan trọng đặc biệt, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng”.[21] Để giúp cho sự phân định và cho cách giải quyết các vấn đề, Giám Mục Đoàn cho thấy những tình hình địa phương và những quan điểm khác nhau, những ánh sáng và ân huệ khác nhau nơi mỗi Giáo hội và mỗi giám mục.
Ở đây, ta thấy Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội theo hai cách: đôi khi cách trực tiếp qua đặc sủng, mạc khải và linh hứng tiên tri; phần nhiều bằng cách gián tiếp qua cộng đoàn, qua sự đối chất, hòa giải giữa các bên và các quan điểm khác nhau. Những lời của thánh Phêrô nói ngày Lễ Ngũ Tuần và tại nhà ông Cornêliô rất khác với những lời ngài nói sau đó, để biện minh cho quyết định của mình trước các kỳ mục.[22] Những lời trước thuộc loại đặc sủng, những lời sau thuộc loại đoàn sủng.
2.3. Sự phân định trong đời sống cá nhân
Cũng như đặc sủng áp dụng cho mỗi cá nhân, sự phân định các Thần khí, theo dòng thời gian, đã có sự “tiến hóa” đáng kể. Hồi đầu, như ta thấy, ân huệ phải giúp phân định các linh hứng của những người khác, những người nói tiên tri trong cộng đoàn, sau đó nó đặc biệt giúp phân định các linh hứng riêng tư.
Sự “tiến hóa” này không tùy tiện. Đây cũng chỉ là một ân huệ, nhưng được thực hành trong hai tình huống và hai đối tượng khác nhau. Phần lớn những gì các tác giả tu đức viết về “ơn khuyên nhủ” cũng áp dụng cho đặc sủng phân định. Qua ân huệ, đặc sủng hay khuyên nhủ, Chúa Thánh Thần giúp ta đánh giá các tình huống và định hướng các lựa chọn, không những theo tiêu chuẩn khôn ngoan thận trọng của con người, mà con dưới ánh sáng của những nguyên tắc siêu nhiên thuộc đức tin.
Sự phân định căn bản về các Thần khí là phân biệt Thần khí của Thiên Chúa và Thần khí của thế gian.[23] Thánh Phaolô đưa ra một tiêu chuẩn phân định khách quan, giống như sự phân định của Đức Giêsu: tiêu chuẩn “hoa quả”. Những việc thuộc xác thịt là do ước muốn của con người tội lỗi, còn “hoa quả của Thần khí” cho thấy ước muốn đó là do Thần khí của Thiên Chúa.[24]
Trong bất cứ trường hợp nào, điều kiện để có được sự phân định tốt nhất là sẵn sàng làm theo ý Chúa. Đức Giêsu nói: “Phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”.[25]
Ngoài việc lắng nghe lời Chúa, còn có việc xét mình. Đây là cách thông thường nhất để thực hành sự phân định ở tầm mức cá nhân. Nhưng đừng xét mình chỉ để chuẩn bị xưng tội mà thôi, mà đây phải là hành vi thường xuyên đặt mình trước mặt Chúa, để ánh sáng Chúa dò thấu tâm hồn ta. Vì không biết xét mình hoặc xét mình không tốt, nên không biết xưng tội thế nào, hoặc chỉ nhằm cải thiện đời sống đạo đức. Xét mình chỉ để chuẩn bị xưng tội có thể giúp ta nhìn ra một số tội, nhưng không giúp ta có một tương giao với Chúa. Điều đó dễ trở thành bảng liệt kê các tội được xưng thú, để cảm thấy mình khá hơn, chứ không giúp ta có thái độ thống hối thực sự, là thái độ khiến ta cảm nghiệm được niềm vui có Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất.
3.1. Mầu nhiệm Nhập Thể
“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.[26] Ở lại trong Thiên Chúa chính là hơi thở của đời sống Kitô hữu. Kitô hữu là người ở lại trong Thiên Chúa, là người có Chúa Thánh Thần và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đồng thời, thánh tông đồ Gioan cũng cảnh giác chúng ta “đừng cứ Thần khí nào cũng tin”.[27] Nhưng phải cân nhắc xem Thần khí nào mới xuất phát từ Thiên Chúa. Như vậy, thánh Gioan đã dạy cho chúng ta một nguyên tắc trong cuộc sống thường ngày.
Cân nhắc các Thần khí có nghĩa là chúng ta phải “xem xét” điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta. Đâu là nguyên nhân và gốc rễ của những suy nghĩ và cảm xúc trong chúng ta tại thời điểm này? Chúng đến từ đâu? Cân nhắc các Thần khí chính là xem xét Thần khí nào xuất phát từ Thiên Chúa và thần khí nào không đến từ Người.
Thế gian chính là loại thần khí muốn chúng ta xa lìa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta ở lại trong Thiên Chúa. Vậy đâu là tiêu chuẩn giúp ta phân định những gì đang xảy ra trong tâm hồn? Thánh Tông Đồ Gioan đã đưa ra một tiêu chuẩn duy nhất: Thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn Thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa.[28] Như vậy, mầu nhiệm Nhập Thể chính là tiêu chuẩn. Tôi có thể nghe thấy rất nhiều thứ bên trong tâm hồn, có cả những điều tốt lành, những ý tưởng đẹp. Nhưng nếu những ý tưởng tốt lành, những cảm xúc tươi đẹp không giúp tôi đến gần Chúa - Đấng đã trở nên người phàm - không mang tôi đến bên cạnh người anh em, thì những ý tưởng và cảm xúc ấy không đến từ Thiên Chúa.
3.2. Các việc bác ái
Các việc bác ái là tâm điểm của đức tin. Tại sao? Vì những công việc bác ái chính là sự cụ thể hóa việc chúng ta tuyên xưng Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người: thăm viếng người bệnh, cho kẻ đói ăn, chăm sóc những người bị bỏ rơi… mỗi người chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm là Đức Kitô. Giúp đỡ những anh chị em đang khó khăn thiếu thốn, đang cần một lời khuyên, đang cần một sự động viên an ủi hay đang cần chúng ta lắng nghe là những dấu chỉ cho thấy rằng chúng ta đang bước đi trên con đường của thần lành, và đó cũng chính là con đường của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người.
3.4. Sự hiệp nhất các ân huệ
Chìa khóa để giúp cho việc phân định Thần khí được tốt, theo thánh Phaolô, ngài nhấn mạnh đến tính cách hiệp nhất của các ân huệ. Làm sao để mọi suy nghĩ, hành động phải được khởi đi từ sự hiệp nhất của Thiên Chúa Duy Nhất như các chi thể khác nhau trong một thân thể. Cũng thế, các ân huệ tuy khác nhau nhưng đều nhắm đến ích lợi chung là việc xây dựng sự hiệp nhất cộng đoàn;[29] thánh nhân cũng đưa ra những hoa quả tích cực của Thần khí Thiên Chúa để mưu cầu hạnh phúc chân thật của con người và hoa quả tiêu cực của thần khí xác thịt chỉ đưa con người vào ngõ bí bất hạnh không lối thoát.[30] Còn thánh Gioan Tông Đồ lại thẳng thắn cảnh giác các tín hữu: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ Thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các Thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian”.[31] Và chính Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở các môn đệ phải luôn cẩn trọng trước các ngôn sứ giả, những người không mang trong mình Thần khí Thiên Chúa, nhưng là thần khí của tên Phản-Kitô, nên đừng nghe theo những gì họ nói, nhưng hãy tỉnh táo nhìn hoa quả của các việc họ làm, thì sẽ biết ngay họ là ai và họ thuộc thành phần nào (Xc. Mt 7,15-23).

Để có được sự phân định thiêng liêng, ngoài những chỉ dẫn phân định[32] đã được trình bày trong tác phẩm “Trên Đường Emmaus” của linh mục Giuse Phạm Quốc Văn, OP., xin được góp thêm ba phương thế:
4.1. Theo gương Đức Giêsu
Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận được hồng ân Đức tin. Vì vậy chúng ta phải sống trong tinh thần con thảo của Chúa Cha, tin tưởng vào Chúa Giêsu là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.[33] Trong khi đọc và suy niệm Thánh kinh, chúng ta học cách sống của Chúa Giêsu để khám phá ra Chúa Giêsu là ai, đâu là những việc Người làm và cần phải phân biệt đâu là kẻ thù của Người. Hãy xem những gì trong cốt truyện miêu tả việc ma quỷ chống đối Chúa Giêsu và Người đã chiến thắng ma quỷ thế nào khi Người bị cám dỗ trong hoang địa.[34]
Hãy tiến lại gần Chúa Giêsu và cố gắng để “nhìn thấy” những gì Người có thể giúp chúng ta. Đừng sợ bước qua ngưỡng cửa của chính mình, để trực tiếp hàn huyên với Chúa, diện đối diện như thể khi chúng ta đang nói chuyện với một người bạn.[35] Đừng sợ bước vào “cuộc sống mới” mà Người ban tặng cho chúng ta. Hãy vào học trường của Thầy Chí Thánh để dệt nên cuộc đời chúng ta một “ơn gọi”. Hãy nhớ sứ mạng mà Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta. Quả thật, Chúa Giêsu là một người bạn luôn đòi hỏi, Người chỉ ra một mục tiêu cao và yêu cầu chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ Người. “Ai mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin mừng, thì sẽ được sống”.[36] Chúng ta đừng chậm trễ hướng tới hạnh phúc và ánh sáng! Vì chỉ có nơi Chúa Giêsu chúng ta mới có thể nhận được những câu trả lời không hề gian dối và không hề làm ta thất vọng.
Hãy suy niệm những gì chúng ta đọc, điều đó sẽ dẫn chúng ta đến một sự lựa chọn thích hợp trong khi đối diện với chính mình. Chúng ta sẽ thấy một cuốn sách mới được mở ra: đó là cuốn sách của “sự sống”. Chúng ta sẽ vượt qua những suy nghĩ thực tế. Trong sự khiêm tốn và với một niềm tin vững mạnh, chúng ta sẽ khám phá ra những biến chuyển làm rung động con tim chúng ta và chúng ta có thể phân định từ những rung cảm đó. Cần có sự thật để hướng tới ánh sáng. “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Đó luôn phải là lời cầu nguyện của chúng ta trước mọi tình huống trong cuộc sống.
4.2. Sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm
Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chính những người giúp chúng ta đã có kinh nghiệm gặp Chúa Kitô. Có thể, những người này đã đạt tới một sự trưởng thành thiêng liêng trong cuộc sống riêng của mình, để họ dấn thân phục vụ những người được Thiên Chúa trao phó cho họ chăm sóc. Bởi vì, như lời thánh Phaolô nói: cứ xem hoa trái đem lại thì chúng ta sẽ nhận biết được tinh thần tốt hay xấu.
Tình huynh đệ là động lực thúc đẩy chúng ta chạy đến giúp đỡ người khác. Phân định thiêng liêng là kết quả của sự ngoan hiền, vâng phục Chúa Thánh Thần. Chính Người ban cho các tâm hồn tìm Chúa có cái nhìn thấu suốt phải làm gì.
4.3. Sống phù hợp với những giáo huấn của Giáo hội
Phân định thiêng liêng không thể tách rời sự hiệp thông với Giáo hội, như Chúa Giêsu phán rằng Người sẽ ở với Giáo hội cho đến tận thế và Người đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho Giáo hội. Đây là một số quy tắc áp dụng trong tất cả các trường hợp:
- Không được phép làm điều dữ để đạt tới điều lành.[37]
- Luật vàng: “Bất cứ điều gì ta muốn người khác làm cho mình thì ta hãy làm những điều ấy cho họ”.[38]
Bác ái phải luôn luôn tôn trọng tha nhân và lương tâm tha nhân: “Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô”.[39]Tốt nhất là đừng ăn thịt, uống rượu, và tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã”.[40] Vì vậy, thông thường chúng ta phải phân định trong nội tại con người chúng ta, giữa sức mạnh của Ân Sủng và sức mạnh của tội lỗi.
Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta phân định giữa thử thách, một sự cần thiết cho sự phát triển con người nội tâm[41] để có một “nhân đức luôn được kiểm chứng[42] và sự cám dỗ dẫn đến sự tội hay sự chết.[43] Chúng ta cũng phải phân biệt giữa “bị cám dỗ” và “đồng tình” với cám dỗ.
4.4. Cầu nguyện
Cầu nguyện là điều không thể thiếu trong việc phân định, cần phải cầu nguyện xin ơn Sức Mạnh vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người và Người không ép buộc bất cứ ai. Chúng ta hãy siêng năng tham dự các bí tích, đó là sự trợ giúp huyền nhiệm của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi chúng ta. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin Thiên Chúa đừng để chúng ta đi vào con đường tội lỗi. Chúng ta đang tham gia vào trận chiến “giữa xác thịt và Thần khí”. Lời khẩn cầu này nài xin Thần khí của sự sáng suốt và sức mạnh.
Chúng ta cần phải cầu nguyện để xin ơn Khôn Ngoan như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Hãy xin thì sẽ được”.[44] Nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta có thể biết được “đâu là ý muốn của Thiên Chúa?”[45] và đạt tới “sự kiên trì để hoàn thành ý nguyện đó”.[46] Chúa Giêsu dạy rằng để vào Nước Trời, không phải bằng lời nói suông, nhưng là làm theo ý muốn của Cha Người ở trên trời.[47]
Kết luận
Chúng ta đang sống trong một thế giới có nền kinh tế phát triển. Thế giới đó, con người ngày càng có xu hướng chạy theo sự hưởng thụ, tham lam, ích kỷ,… nên để có được sự phân định chính xác không phải là điều dễ dàng. Ngoài những điều đã được để cập, việc phân định cần phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Trong việc lắng nghe để biết ý Chúa, việc cầu nguyện, bàn hỏi, hồi tâm, khiêm tốn và kiên nhẫn là những việc không thể thiếu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có một tình yêu đặc biệt đối với Thiên Chúa và Mẹ Maria. Tình yêu đó là sức mạnh giúp chúng ta đặt hết tâm tư, tình cảm vào Thiên Chúa để chọn lựa một hướng đi thiêng liêng cho mình. Đối với mọi Kitô hữu đặc biệt là các tu sĩ, Kinh thánh chính là nơi mà chúng ta đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi loài trong đó có con người, ban cho con người có trí khôn và tự do để con người biết tìm kiếm Người ngay ở đời này và cùng hưởng phúc vinh quang với Người ở đời sau. Người biết phân định thiêng liêng là người biết sống theo Tin mừng và làm cho cho Tin mừng được triển nở trong bản thân và tha nhân.


[1] Xc. St 1,26-27.
[2] Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 1731.                                                   
[3] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, tr 990.
[4] M. H. Ravier, Dictionarium Latino – Annamiticum, tr 384.
[5] Trích lại theo Phạm Quốc Văn, OP., Trên đường Emmaus, tr 72.
[6] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 73.
[7] Xc. Ga 19,12-16.
[8] Xc. 1Sm 16,4-13.                                          
[9] Xc. 1V 3,4-12.
[10] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 76.
[11] Phạm Quốc Văn,  Sđd., tr 77.
[12] Xc. 1Sm 3,1-12.                                                                                                                                                                   
[13] Xc. 1Sm 16,4-13.
[14] Xc. 1V 3,16-28.
[15] Mt 7,15-16.
[16] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 74.
[17] Rm 12,2.
[18] Ep 5,17-18.
[19] Gl 5,16-17.
[20] GS, số 4.
[21] LG, số 22.
[22] Xc. Cv 11,4-10; 15,14.
[23] Xc. 1Cr 2,12.
[24] Xc. Gl 5,19-22.
[25] Ga 5,30.
[26] Ga 15,9.
[27] 1Ga 4,1.
[28] Xc. 1Ga 4,2-3.
[29] Xc. 1Cr 12,4.
[30] Xc. Gl 5,16-24.
[31] 1Ga 4,1tt.
[32] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 80-85.
[33] Xc. Ga14,5.
[34] Xc. Mt 4,1-11.
[35] Xc. Xh 33,11.
[36] Mc 8,35.
[37] Xc. Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 1753.
[38] Mt 7,12, Lc 6,31; Tb 4,15.
[39] 1Cr 8,12.
[40] Rm 14,21.
[41] Xc. Lc 8,13-15 ; Cv 14, 22 ; 2Tm 3,12.
[42] Xc. Rm 5,3-5.
[43] Xc. Gc 1,14-15.
[44] Ga 16,24.
[45] Rm 12,2; Ep 5,17.
[46] Dt 10,36.
[47] Mt 7,21.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn