Mục đích của việc phân định trong đồng hành thiêng liêng là gì?


Sự phân định là cội nguồn, 
là bảo mẫu của mọi nhân đức; thiếu sự phân định 
thì không có nhân đức nào là hoàn hảo và bền vững”.

(Giáo phụ Cassianô)
Trần Văn Chính, Dòng Đức Maria Mẹ Hy Vọng
Nguyễn Đại Dương, Tu hội Vinh Sơn


Trong đời sống tâm linh nói chung và việc đồng hành thiêng liêng nói riêng, việc phân định rất quan trọng. Tại sao vậy? Thưa, vì phân định đụng tới tận căn, gốc rễ của vấn đề. thật vậy, trong đồng hành thiêng liêng, việc phân định là điều cần thiết cho cả người đồng hành và người thụ hướng. Bởi phân định không chỉ giúp người ta sắp xếp và thấy được yếu tố cần thiết trong đời sống thiêng liêng, mà còn giúp ta sửa đổi và tránh được những lầm lạc để trở về và sống theo Thần khí. Ý thức được sự cần thiết của phân định như thế, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi xin trình bày đôi nét căn bản hầu xác định đâu là mục đích của việc phân định trong đồng hành thiêng liêng.
Trước khi nói đến phân định theo nghĩa siêu nhiên, ta hiểu qua về những phân định trong cuộc sống thường ngày của con người; để thấy được ngay trong đời sống tự nhiên, chúng ta cũng đã rất cần đến sự phân định, nhờ đó, người thực hành sự phân định thấu cảm được những điều đang diễn ra và biết phải ứng xử thế nào...
1.1. Phân định trong cuộc sống tự nhiên
Khi nói đến phân định tự nhiên, người ta có thể hiểu một cách rất đơn giản là một sự phân biệt. Khi phân biệt, người ta phải biết phân tách mọi sự cách rạch ròi.[1]
Phân định chính là việc: “nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác, phân biệt bằng trí tuệ, nhận ra sự khác biệt coi như tách biệt nhau; phân biệt”.[2] Như vậy, nếu hiểu phân định trong đời sống thuần túy tự nhiên thì một người bình thường, ngang qua cuộc sống, họ có thể phân định được một số thực tại gắn với những sinh hoạt và diễn tiến ngang qua không gian và thời gian trong hiện tại hoặc viễn cảnh tương lai như: nếu xét theo góc độ phẩm và lượng thì cần phải phân định giữa: tốt – xấu; thành công – thất bại; thuận – nghịch; thiện – ác… ; hay qua trạng thái giữa: vui – buồn; sướng – khổ; hạnh phúc – bất an… ; hoặc nơi giác quan giữa: cao – thấp; khô – cạn; trái – phải; trắng – đen… Qua khứu giác và vị giác: thơm – thối; ngọt – bùi; cay – đắng… Như những gì đã phân tích, thì ngang qua việc phân định tự nhiên, nó giúp cho ta thấy, cảm, thấu và biết được thực tại của những thứ cần phân định theo nghĩa đen.
Còn khi phân định theo ý nghĩa siêu nhiên, tất nhiên không chỉ dừng lại theo nghĩa thực dụng, hiện sinh, mà đôi lúc, nó vượt ra xa, hay lên trên những thực tại trần thế để biểu cảm hay hướng con người đến một điều gì đó toàn thiện hơn cái đã có, ta gọi nó là phân định thiêng liêng.
1.2. Phân định trong đồng hành thiêng liêng
Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam định nghĩa về phân định thiêng liêng một cách rõ ràng : phân là tách biệt, nhận xét; định là xác quyết. Sự phân định thiêng liêng là việc phán đoán dựa trên đức khôn ngoan và sự hướng dẫn của Thần khí để nhận ra ý Chúa và làm theo sự thúc đẩy của Ngài.[3]
Khi nói đến phân định thiêng liêng, tức là một sự phân định mang tính siêu việt, thì thánh Phaolô chỉ ra sự cẩn trọng và nhắc nhở: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2). Theo lời răn dạy của thánh nhân, chúng ta hiểu được rằng: nếu muốn sự phân định của chúng ta được diễn ra trong sự tương hợp với Thiên Ý, tức là để Ý Chúa được nên trọn thì người phân định phải luôn luôn thoát ra khỏi những gì là trần thế và phải thay đổi cách nhìn, không thể theo nhãn quan và trí tưởng thuần túy của con người.
Như thế, phân định thường bao gồm một trật hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Cũng vậy, trong việc phân định thiêng liêng, cả việc nhận thức và phán đoán đều quan trọng. Mục đích của việc phân định là đạt tới một tình yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực. Tóm lại, công việc “phân định là tiến trình lắng nghe và chọn lựa qua sự an bài của Chúa trong đời sống con người, để tìm kiếm và xác định hoàn cảnh và lời đáp trả đích thực đối với tình yêu của Chúa.[4]

2.1. Nhận định đúng- sai để đưa ra chọn lựa đúng
Trong việc đồng hành thiêng liêng nếu không có khả năng phân định đúng – sai và không dựa trên tiêu chuẩn luân lý Kitô giáo hay do lương tâm thúc đẩy nhiều khi câu chuyện hay tình huống rất đơn giản, nhưng lại làm cho sự kiện, công việc trở nên phức tạp, rối ren do nhận thức bị mập mờ, thiếu chuẩn mực, dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan...”. 
Như vậy, nếu không có sự phân định hoặc phân định sai lạc, chúng ta rất dễ dẫn đến tình trạng “mù mờ” hay “hỗn mang” (x. St 1,1-28). Câu chuyện Nguyên Tổ là một thí dụ: khi hai ông bà nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, chúng chỉ cung cấp cho ông bà một phần nào đó sự thật và nói rằng: ông bà cứ ăn trái cấm đi, không sao cả, vì khi ăn vào, mắt của ông bà sẽ sáng ra. Ông bà đã thuận theo, và quả thực, khi trái cấm được đưa vào miệng, thì cũng là lúc mắt họ sáng ra và hậu quả là nhận thấy mình trần truồng chứ không phải là ngang bằng Thiên Chúa! (x. St 3,1-7). Một sự ngộ nhận xót xa của sự sai lầm, dẫn đến hậu quả khôn lường.
2.2. Hệ quả phân định trong đồng hành thiêng liêng
Về phía người đồng hành
Trách nhiệm đầu tiên của người đồng hành thiêng liêng là có khả năng phân định tốt, người đồng hành phải có cái nhìn thực tế, biết nhìn hoàn cảnh và sự việc như là nó xuất hiện, và họ có khả năng đọc ra các thực tại. Cần có cái nhìn sáng suốt, xuyên thấu vẻ bề ngoài để đào sâu vào căn nguyên và nắm bắt được thực tại một cách sáng suốt.[5]
Nhờ có khả năng phân định như thế, người đồng hành có thể dẫn người thụ hướng đi đúng con đường và hướng về đúng đích mà họ muốn đến. Còn nếu không có khả năng phân định tốt, người đồng hành sẽ rơi vào tình trạng nhập nhằng, lúng túng và sẽ dễ dẫn đến tình trạng sai lệch trong khi nhìn nhận sự việc và dĩ nhiên sẽ dẫn người thụ hướng đi lạc đường và sai mục đích họ muốn tìm kiếm.
Về phía người thụ hướng
Trong đồng hành thiêng liêng, người thụ hướng không phải lúc nào cũng chỉ thụ động để làm theo hướng dẫn của người đồng hành, có những trường hợp và hoàn cảnh bắt buộc họ phải tự giải quyết cho chính mình. Vì thế bước đầu để họ đối diện và giải quyết vấn đề cần phải phân định sự việc và hoàn cảnh đó.
Đối với người thụ hướng thì phân định có thể xem như là chiếc la bàn, giúp họ định hướng được lối đi. Giả như trong lúc túng quẫn, bế tắc và bối rối như đang ở một mình trong khu rừng, mà không có la bàn trong tay thì họ chỉ quanh đi quẩn lại ở đó, chứ không thoát ra được. Việc phân định cũng giúp người thụ hướng có khả năng nhìn thấy rõ những vấn đề, trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố, mặt khác nó cũng giúp chính họ tự biết chính mình; biết mình cần gì, và phải làm gì.
Nếu như mục đích của việc tư vấn tâm lý là tháo gỡ những mắc nối, những rối loạn về mặt tâm lý, giải quyết những khúc mắc, trắc trở, thoả mãn những yêu cầu về mặt tâm lý, xã hội của con người trong cuộc sống đời thường; thì mục đích của việc đồng hành thiêng liêng là giúp cho người ta khả năng hiểu sâu xa về đời sống tâm linh, đặc biệt là có một lương tâm nhạy cảm, biết lắng nghe và nhận ra ý Thiên Chúa trong cuộc đời, giúp họ nhận ra đâu là con đường Thiên Chúa dẫn dắt đời mình đi, để rồi từ đó can đảm sống và thay đổi đời sống sao cho phù hợp với lương tâm, trong đời sống thực tại và cả chính trong mối tương quan nhân vị của họ.
3.1. Phân định giúp người thụ hướng nhận ra ý Chúa
Một khi con người đã khám phá ý muốn của Thiên Chúa, chỉ ý Thiên Chúa mới đưa đến sự giải phóng và tự do đích thực. Chỉ có thể làm được điều đó khi người thụ hướng được vị linh hướng của mình hướng dẫn. Bởi lẽ đó, người linh hướng cần “phải có khả năng phân định ý Chúa giữa muôn vàn ý khác.”[6] Phân định để giúp người thụ hướng biết được đâu là ý con người, đâu là ý của ma quỷ, đâu là thánh ý Thiên Chúa. Hiển nhiên ý con người, ý của ma quỷ luôn thoả mãn nhu cầu của thân xác và luôn luôn trái ngược với thánh ý Thiên Chúa.
Như ta đã biết, đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người; nên tìm ý Chúa, đường lối của Thiên Chúa mà thực hiện là một điều rất khó. Trong cuộc sống mấy ai hiểu được, tìm được ý Chúa một cách rõ ràng. Ý Thiên Chúa thường thanh luyện con người ngang qua kinh nhiệm đau khổ, ví như Thánh Vịnh 119, câu 71, có viết “đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài.” Tìm ý Chúa đã là một điều khó, nhưng đưa ra đường hướng để làm theo ý Thiên Chúa lại là điều khó hơn.
Ta thấy điển hình như ông Samuel: Ông là một người biết lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe với một thái độ biết mình. Trong Kinh thánh 1Sm 8, 1-22, ta thấy được Samuel đã phải kiềm chế chính mình để từ bỏ ý riêng của mình. Ông đón nhận và thực thi ý Chúa, bất chấp mọi khó khăn. Trong khi ý riêng ông thì trái ngược với ý muốn của Thiên Chúa. Trong tình trạng đó, ông đã phân định được đâu là ý Thiên Chúa, đâu là ý riêng của ông. Và khi đã biết đó là ý Thiên Chúa thì ông đã mau mắn để ý Thiên Chúa được thực hiện.
Nói chung, phân định trong đồng hành thiêng liêng cần thiết để người linh hướng, hướng dẫn người thụ hướng đọc ra được ý Chúa qua từng biến cố trong cuộc sống. Qua những lúc thăng trầm, thành công cũng như thất bại, qua thử thách và ngay cả tội lỗi… mà vẫn nhận ra được đó là ý Thiên Chúa đang thực hiện trên cuộc đời của mình (x. 1Tx 5, 18).
3.2. Đưa người thụ hướng 
       đi vào tương quan với Thiên Chúa và nhân vị

Hầu như không một vị linh hướng nào không mong muốn cho người mình đang hướng dẫn trở nên tốt hơn về mặt tâm linh và đời sống của người Kitô hữu. Tuy nhiên, chỉ có thể làm được điều đó khi giúp người thụ hướng có được mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với tha nhân.

Trong tương quan với Thiên Chúa
Khi đã nói đến tương quan với Thiên Chúa thì người linh hướng cần đưa người thụ hướng vào đời sống cầu nguyện. Như các phần trên đã đề cập đến, việc cầu nguyện là rất quan trọng cho cả người linh hướng cũng như người thụ hướng. Trong đời sống cầu nguyện, nói cách chung thì cả hai cần cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Có thể nói, cầu nguyện là phương thế tốt nhất, và là cách thức đưa con người vào mối tương giao với Thiên Chúa.
Nói cách khác, người thụ hướng cần cố gắng đi sâu và cảm nhận được sự có mặt của Thiên Chúa trong chính biến cố mà họ đang gặp phải. Trong mối tương quan với Thiên Chúa, chính người thụ hướng sẽ khám phá về một Thiên Chúa luôn luôn nâng đỡ và hướng dẫn họ, giúp họ tìm ra được con đường mà Thiên Chúa muốn họ bước đi.
Trong tương quan với nhân vị
Theo cái nhìn phổ quát thì con người không dừng lại ở mặt tâm linh mà còn có mối tương quan nhân vị trong đời sống. Tương quan đó có thể là tương quan gia đình, tương quan bạn bè, tương quan dòng tu… Tất cả các mối tương quan đó tạo nên một sợi dây nối kết đời sống của con người lại với nhau. Trong các mối tương quan, tương quan dòng tu, việc những con người cùng giới tính sống với nhau, làm việc với nhau thường gặp nhiều thách đố. Thực ra, tương quan nào cũng thế, là con người với nhau, khó tránh khỏi những va chạm. Vì thế người linh hướng có trách nhiệm giúp người thụ hướng nhận ra và “chấp nhận nhau trong khác biệt”. Công việc của người linh hướng là dẫn đưa người thụ hướng đến với ơn gọi, sống ơn gọi đó cách ý nghĩa và định hướng được đời mình trong tương quan với Đấng Siêu việt.

3.3. Đưa người thụ hướng đi đúng hướng 
        để giải quyết những vấn đề gặp phải

Trong thực tế, cuộc sống luôn có những khúc mắc, những khúc mắc đó có thể là do mình, hay do người khác, hoặc là do tác động của ngoại cảnh. Những tác động đó làm cho con người đôi khi nằm trong bế tắc mà không có hướng giải quyết.
Rất thường khi, người ta cảm thấy thất vọng về một quá khứ không mấy hay ho của mình, một quá khứ được dệt nên bằng những thất bại, đau khổ, tội lỗi…; thế rồi họ buông xuôi, không thiết tha cầu nguyện, không phấn đấu gì nữa.[7]
Thật vậy, trong cuộc sống mấy ai mà tránh được khó khăn. Tuy nhiên, như phần trên đã trình bày, có một điều quan trọng là cần phân định, đâu là đúng, đâu là sai. Điều gì cần giữ, điều gì cần phải bỏ. Thường thì, người thụ hướng ít khi có thể tự giải quyết được, cho nên người linh hướng cần đưa ra những lời phân tích rành mạch, rõ ràng, và đặc biệt là cần theo hướng tích cực.
Để hành động tốt tiến trình thì hẳn nhiên người linh hướng cần phải chấp nhận khởi đi từ kinh nghiệm riêng của mình về cuộc sống để phân định lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc sống của người thụ hướng.[8] Việc phân đinh thôi thúc lương tâm của mỗi người và nó được đặt trên lý trí thực hành. Tuy nhiên, sự phân định là cách thức để đưa con người vào những hành động đúng theo lương tâm của mình và ý muốn của Thiên Chúa.

Tạm kết
Tóm lại, trong cuộc sống có nhiều thứ đòi ta phải chọn lựa để sinh tồn và phát triển. Nếu ta chọn đúng thì có thể ta hành động đúng, còn nếu ta chọn sai thì sẽ dẫn ta đi lệch hướng. Có những chọn lựa làm cho nhân cách và uy tín của ta trở nên tốt; cũng có những lựa chọn làm cho nhân phẩm của ta đi xuống; có những lựa chọn dẫn đến sai sót không đáng kể; nhưng có những lựa chọn đem lại hậu quả xấu khôn lường. Chọn sai một nghề, có thể làm lại. Đi sai đường có thể quay đầu và chuyển hướng đúng... Nhưng chọn một lý tưởng, một quan điểm sai để tiến bước thì có khi cả cuộc đời ta phải hối hận. Như thế, mục đích của việc phân định trong đồng hành thiêng liêng là Tin mừng hoá ước muốn hiệp thông này với Thiên Chúa vốn hiện diện nơi mọi người bởi vì con người có thể sai lầm về hạnh phúc.[9]
Như thế, người linh hướng cần đưa người thụ hướng đến với sự bình an, dẫn dắt họ vào trong hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì “hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa, và đời sống của Chúa Kitô giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi”.[10] Có như thế thì mới xác định được mục đích chính yếu của việc phân định trong đồng hành thiêng liêng là phân định đúng hay sai trong cuộc sống, để có cách lựa chọn.


[1] Xc. Ban Biên Soạn Chuyên Từ Điển, Ngọc-Xuân-Quỳnh, Từ Điển Tiếng Việt, tr 490.
[2] Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus, tr 62.
[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ Điển Công Giáo, tr 671.
[4] Trần Minh Huy, Phương Pháp Linh Hướng, tr 23.
[5] Xc. René Bernard, Đào tạo về sự biện biệt, tr 28.
[6] Phạm Quốc Văn, Tự Đào Tạo Và Đào Tạo Khả Năng Phân Định, tr 3.
[7] Phạm Quốc Văn, OP., Sđd., tr 33.
[8] Sđd., tr 49.
[9] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 68.
[10] Sđd.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn