Phân định thần khí trong đời tu


Muốn phân định tốt, phải lấy Chúa làm trung tâm, 
phải ngoan ngùy theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. 
Tác động đó được mặc định qua Lương Tâm chân chính; 
đồng thời cũng phải nhạy bén với các dấu chỉ của thời đại.

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại


Dẫn nhập
Cuộc sống thiên hình vạn trạng, có nhiều thứ đòi ta phải chọn lựa để sinh tồn, và hơn thế nữa, để vượt lên trên những gì là vật chất hiện sinh. Vì thế, nếu ta chọn đúng thì có thể hành động đúng, còn nếu chọn sai thì không thể hành động đúng được! Có những chọn lựa làm cho ta trở nên tốt, nhưng cũng có những lựa chọn làm cho cuộc đời của ta đi xuống. Có những lựa chọn dẫn đến sai sót không đáng kể, nhưng có những lựa chọn đem lại hậu quả xấu khôn lường. Chọn sai một nghề, có thể làm lại. Đi sai đường có thể quay đầu và đi lại. Nhưng chọn một lý tưởng, một quan điểm sai để tiến bước thì có khi cả cuộc đời và đến khi nhắm mắt xuôi tay, hối hận cũng không hết!
Việc chọn lựa trong đời sống tâm linh còn quan trọng hơn gấp bội. Quan trọng vì nó đụng tới tận căn, gốc rễ của của vấn đề. Trong đời tu cũng vậy, việc chọn Chúa làm lý tưởng, làm lẽ sống và cùng đích của chúng ta là điều tối ưu, từ đó phát sinh ra những hệ quả hay lối sống mang tính đặc thù của những người sống đời thánh hiến. Tuy nhiên, trong đời tu, có người cảm thấy hạnh phúc, lại có người cảm thấy bất an? Nguyên nhân tại sao? Tại đâu?  Và tại ai?
Để trả lời cho những câu hỏi này thật không dễ, bởi lẽ nó là những câu hỏi lớn mang tính vĩ mô của một đời người vốn có và tồn tại từ lâu. Vì thế, bài viết này sẽ không có tham vọng tầm nguyên, để rồi đi đến giải thích và đưa ra những kết luận hầu thỏa mãn sự hiếu tri cho câu hỏi “tại sao???” Bài viết này chỉ muốn góp phần tìm hiểu xem động lực ta đi tu là gì? Và đâu là điều khiến cho những người sống đời tu được hạnh phúc hay bất an? Điểm nhấn ở đây chính là vai trò của Thần Khí Thiên Chúa tác động trên cuộc đời của những người sống đời tận hiến. Tuy nhiên, song song với sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa, thì cũng có các dạng thần khí khác hoạt động trên cùng một hữu thể, đó là thần khí của ma quỷ và thần khí của con người. Mỗi thần khí đều có những sức mạnh của riêng mình, và có những cách thức tác động trên đối tượng tiếp nhận cách khác nhau. Và lẽ tất yếu, nếu ta chịu sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa thì kết cục cuộc đời ta sẽ hạnh phúc; còn ta chịu sự tác động của thần khí ma quỷ và thuận theo thần khí của con người thì sẽ dẫn đến bất hạnh và mất luôn ý nghĩ của cuộc đời, sứ vụ và ơn gọi mà ta đang tiếp bước.
1.   Thần khí là gì?
Thần khí là một nguồn lực vô hình, mắt thường không trông thấy, mang tính chất thiêng liêng và vượt lên trên không gian và thời gian; và như một sức mạnh tự thân có tính siêu phàm. Thần khí có thể tác động cả bên trong lẫn bên ngoài. Khi tác động vào nội lực hay ngoại tại của con người, nó có sức mạnh đẩy con người phải làm theo và có thể bị lệ thuộc hoàn toàn.
Thần Khí cũng được dùng để chỉ đặc biệt về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Cựu Ứớc dùng từ Thần Khí để chỉ sự hoạt động của Thiên Chúa (x. St 1,2). Tân Ứớc cũng dùng từ này để chỉ về Chúa Thánh Thần và các hoạt động của Ngài (x. Lc 4, 18)[1]. Ngài là “Spiritus”, “Spiritus Sanctus”. Thần Khí này ám chỉ đến sức mạnh biến đổi, thánh hóa của Chúa Thánh Thần, Ngài là Thần Khí sự thật, sự sống và tình yêu. Những ai được Thần Khí của Thiên Chúa chiếm hữu thì người đó trở nên đền thờ của Người, và sẽ làm được những điều kỳ diệu do Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy.
Tuy nhiên, cũng có những dạng thần khí xấu của ma quỷ hay của con người. Khi hiểu theo nghĩa này thì từ “thần khí” gợi liên tưởng đến một số ý nghĩa không tốt, vì từ này còn có những ý nghĩa khác như: 1) Vẻ mặt, nét mặt; 2) Khoái chí, thoả mãn; 3) Ra vẻ, cao ngạo, vênh vang (ta đây); (4) Nghênh ngang...[2].
Như một hệ lụy, nếu bị thần khí của ma quỷ chiếm hữu, thì người đó bị lệ thuộc vào nó và làm những việc xấu do mãnh lực của nó thúc đẩy. Còn thần khí của con người thì quy chiếu về cái tôi ích kỷ, từ đó làm mọi chuyện theo chủ quan của mình nhằm thỏa mãn mình theo tính xác thịt.
Như vậy, trong cuộc sống, không thiếu những dạng thần khí, và không phải thần khí nào cũng tốt. Vì thế, phải phân định để để thấy được đâu là ý Chúa, đâu là do ma quỷ và đâu là chủ đích của con người.
2.     Phân định là gì? Và phân định như thế nào?
2.1.      Phân định là gì?
Trước khi nói đến phân định theo nghĩa siêu nghiệm, siêu linh..., ta nên nói qua về những phân định trong cuộc sống thường ngày của con người, để thấy được ngay trong đời sống tự nhiên, chúng ta cũng rất cần đến sự phân định, hầu qua đó, chúng ta cảm, thấy và biết những điều đang diễn ra là gì, như thế nào và phải ứng xử với chúng ra sao...
·Phân định trong cuộc sống tự nhiên
Khi nói đến phân định, người ta có thể hiểu một cách rất đơn giản là một sự phân biệt. Nếu hiểu phân định trong đời sống thuần túy tự nhiên thì một người bình thường, ngang qua cuộc sống, họ có thể phân định được những thực tại gắn với những sinh hoạt và diễn tiến ngang qua không gian và thời gian trong hiện tại hoặc viễn cảnh tương lai.
Nếu xét theo góc độ phẩm và lượng thì cần phải phân định: tốt - xấu; thành công - thất bại; thuận - nghịch; thiện - ác...; hay qua trạng thái: vui - buồn; sướng - khổ; hạnh phúc – bất an...; nơi giác quan; cao - thấp; núi - biển; khô – cạn; trái - phải; trắng - đen; vàng - đỏ; xanh - tím...; qua khứu giác và vị giác: thơm - thối; mặn - nhạt; ngọt - bùi; cay – đắng...
Khi nói về sự phân định theo tính cách tự nhiên thì từ điển “American college dictionnary”, định nghĩa như sau: Phân định chính là việc: 1) nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác, nhận thức bằng trí tuệ... ; 2) phân biệt bằng trí tuệ, nhận ra sự khác biệt coi như tách biệt nhau; phân biệt”[3].
·      Phân định trong cuộc sống siêu nhiên
Khi nói đến phân định thiêng liêng, tức là một sự phân định mang tính Siêu Việt, thánh Phaolô chỉ ra sự cẩn trọng và nhắc nhở: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Theo lời răn dạy của thánh nhân, chúng ta hiểu được rằng: nếu muốn để sự phân định của chúng ta được diễn ra trong sự tương hợp của Thánh Ý, tức là để Ý Chúa được nên trọn thì người phân định phải luôn luôn thoát ra khỏi những gì là trần thế và phải thay đổi cách nhìn không theo nhãn quan và tri thức thuần túy của con người.
Những người theo ý chủ quan và phóng chiếu ý mình thay ý Chúa thì thánh Phaolô lại một lần nữa cảnh báo: “Vì thế, anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5,17 - 18).
Để sự phân định được tốt, người phân định cần siêng năng đón nhận ý Chúa nơi đời sống cầu nguyện, nhờ đó, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa chiếu dọi vào trong tâm trí, trái tim và qua hành động của người phân định: “Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn” (Cl 1, 10).
2.2.      Phân định thần khí như thế nào?
Khi nói đến phân định thần khí, cha E. Malatesta, Dòng Tên đã đưa ra định nghĩa:
“Phân định thần khí” là tiến trình, qua đó, chúng ta xem xét dưới ánh sáng của đức tin, trong đó tương hợp của đức ái, bản chất của những tâm trạng thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy nơi chính mình và được người khác cảm nhận. Mục đích của việc xem xét ấy là xác định, trong chừng mực có thể được, đâu là những tâm trạng đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để phục vụ Người và tha nhân trong một sự toàn thiện lớn hơn, và đâu là những tâm trạng đưa đẩy chúng ta đi xa mục đích đó[4].
Chính Đức Giêsu cũng nhắc nhở các môn đệ khi phân định cần phải biết được nguyên nhân căn bản, vì qua đó, nó giúp cho chúng ta biết được cái gốc nảy sinh vấn đề:
Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì họ biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai (Mt 7, 16-20).
Qua bản văn Kinh Thánh trên, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ phải tỉnh táo để không bị mắc lừa qua những lời lẽ văn hoa chữ nghĩa, sáo rỗng. Ngài căn dặn các ông phải cẩn trọng trước mọi vấn đề và buộc phải làm một cuộc trắc nghiệm để sự phân định không bị rơi vào tình trạng hồ đồ, nóng vội.
Còn theo thánh Phaolô, ngài phân biệt đâu là sự tác động của Thần Khí tốt và đâu là thần khí xấu, theo ngài thì: Thần Khí Thiên Chúa sẽ làm tác sinh điều thiện hảo. Thần khí của ma quỷ hay của con người thì tác động và đẩy đưa đến chỗ xấu xa. Thánh nhân cũng đưa ra những đặc tính của Thần Khí Thiên Chúa, cũng như những đặc điểm của thần khí ma quỷ và con người, để dễ nhận diện, hầu giúp cho việc phân định đạt được kết quả tốt, thoát ra khỏi tình trạng mất tự do hoặc bị lệ thuộc, nô lệ, vụ luật, ngài viết:
Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc lề luật nữa. Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. [...]. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê (Gl 5, 16-24).
Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đến tính cách hiệp nhất của các ân huệ. Làm sao để mọi suy nghĩ, hành động phải được khởi đi từ sự hiệp nhất của Thiên Chúa như các chi thể khác nhau trong một thân thể. Cũng thế, các ân huệ tuy khác nhau, nhưng đều nhắm đến ích chung là việc xây dựng sự hiệp nhất cộng đoàn (x. 1Cr 12, 4); thánh nhân cũng đưa ra những hoa quả tích cực của Thần Khí Thiên Chúa để mưu cầu hạnh phúc chân thật cho con người; đồng thời, ngài chỉ ra và cho thấy hậu quả tiêu cực của thần khí xác thịt đẩy con người vào ngõ cụt gây bất hạnh (x. Gl 5,16-24).
Khi nói đến phân định thần khí trong thời đại hôm nay, có lẽ định hướng của Công Đồng Vaticanô II đã, đang và sẽ là điểm tựa tốt giúp cho chúng ta phân định mang tính “thời đại” để hợp với thời cuộc. Thật vậy, khi bàn đến vấn đề phân định, các nghị phụ đã đưa ra những nhận định và nhấn mạnh đến tính cộng đồng, tức là biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, nhạy bén, yêu mến và trung thành với việc lắng nghe tiếng Chúa qua các truyền thống, phong tục, tập quán, các nền văn hóa, cũng như các tôn giáo chân chính… của mọi dân tộc. Đàng khác, Công Đồng xác nhận Lương Tâm của mỗi người cũng chính là nơi Thiên Chúa ngỏ lời với cá nhân mỗi người cách thân tình nhất:
Tiếng nói của Lương Tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia[5].
Như vậy, Công Đồng xác định thêm rằng: nơi những gì tồn tại và phát triển gắn liền với không gian và thời gian nhất định mà hệ quả của chúng không nghịch với đức tin của Giáo Hội, thì hẳn đó là một trong những cơ hội tốt cần khám phá và như một điều kiện thuận lợi góp phần đưa chúng ta đến sự phân định đúng đắn và phong phú, hầu đáp ứng được những nhu cầu, tâm lý và sở thích của con người thời đại mà không sợ xa rời đức tin Công Giáo và làm cho đời sống đức tin của con cái mình được dồi dào, phong phú và đa dạng.
Nói cách khác, muốn phân định tốt, phải lấy Chúa làm trung tâm, phải ngoan ngùy theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tác động đó được mặc định qua Lương Tâm chân chính; đồng thời cũng phải nhạy bén với các dấu chỉ của thời đại. Được vậy, mới hy vọng có những hoa trái và hệ luận tốt.
Mặt khác, người nắm giữ vai trò linh hướng cho cá nhân hay một nhóm người; đảm nhận trách nhiệm đồng hành cho một hoặc nhóm đối tượng cùng lý tưởng; nghề nghiệp... thì cần phải có sự phân định khôn ngoan, sáng suốt để giúp cho chính bản thân và những người ta đang giúp, vượt ra khỏi sự hỗn mang của tư tưởng hay hành vi, hầu đạt tới sự thống nhất xác hồn theo chiều hướng thuận.  
Như vậy, ta có thể hiểu một cách giản lược về việc phân định chính là một hành vi nhận thức, phân biệt, phán đoán khi chính bản thân đối diện với một tình huống đặc thù, thời điểm nhất định, đối tượng cụ thể nào đó và đòi ta phải chọn lựa nên hay không nên; đón nhận hay khước từ; và phải làm thế nào ... Làm được điều đó, chúng ta mới hy vọng có những hoa trái và hệ luận tốt, để tiến tới việc phân định Thần Khí (thần khí) trong đời tu một cách khôn ngoan, hợp với Thiên Ý.
3.     Tại sao cần phải phân định thần khí trong đời tu?
Trong thực tế, có rất nhiều người cảm thấy hạnh phúc và vui tươi trên hành trình dâng hiến của mình; bởi lẽ, khi lựa chọn và sống ơn gọi này, họ bình an, khao khát sự thánh thiện từng ngày và được gần Chúa hơn để mong muốn vươn tới sự trọn lành trong đời tu. Nhưng lại có những người cảm thấy bi đát, bất an và phải nín thở từng ngày để qua cầu rồi lướt ván..., bởi vì, vẫn còn đó những người luôn theo ý chủ quan của mình nhằm hy vọng bước chân vào đời tu với ý định mong được an nhàn, hay như một bước đệm để thỏa mãn ý riêng ngõ hầu đạt được những “mục đích tầm thường”; hay “rẻ tiền...”.
Nếu ai đó đi tu và đã bám rễ nơi những thứ “hạ đẳng”; với quan niệm “ăn sổi ở thì”; hay một kiểu đi tu “tốc độ”, thì cuộc đời và lời loan báo của họ trở thành “tin buồn” thay cho “Tin Mừng” cứu độ mà Thiên Chúa đang muốn họ sống và trở nên chứng nhân, qua đó trả lời cho những câu hỏi về niềm hy vọng của nhân loại. 
Thế nên, khi đứng trước một vấn đề nào đó đòi hỏi đương sự phải tỉnh táo và khôn ngoan để chọn lựa. Người sống đời tu không thể quên trách nhiệm của mình là phải phân định (biện phân). Phân định để biết được điều đó nên hay không nên, được phép làm hay không được phép, nó có phù hợp với ơn gọi và thiên chức của mình hay không. Qua sự lựa chọn đó có làm thăng hoa đời sống thiêng thiêng hay gây gương mù gương xấu cho người khác? Tất cả những điều đó nó luôn theo sát ta, khiến ta phải làm một cuộc cật vấn nghiêm túc, qua đó, Lương Tâm lên tiếng, hầu giúp cho ta phân định sao cho đúng, cho hợp.
Khi trải qua thực nghiệm của chính bản thân và rảo quanh để đưa mắt nhìn những sự phân định của người khác, chúng ta thấy: ngày nay, có nhiều tình huống rất đơn giản, nó chỉ có cách nhau một lằn ranh rất mong manh, nếu ta không có thói quen tốt, tức là sự khôn ngoan và kinh nghiệm trong khả năng phân định, hay không nhạy bén với thực tiễn của xã hội hoặc cảm thức tâm linh thì chúng ta rất dễ ngộ nhận. Chẳng hạn như: nửa ly sữa; chút mẩu bánh mì..., bản chất nó vẫn là sữa và bánh mì, nhưng nếu nửa sự thật thì không phải luôn luôn là sự thật.
Câu chuyện Nguyên Tổ là một điển hình: khi hai ông bà nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, chúng nói rằng: ông bà cứ ăn trái cấm đi, không sao cả, vì khi ăn vào, mắt của ông bà sẽ sáng ra. Ông bà đã thuận theo, và quả thực, khi trái cấm được đưa vào miệng, thì cũng là lúc mắt họ sáng ra và hậu quả là nhận ra mình trần truồng chứ không phải là ngang bằng Thiên Chúa! (x. St 3, 1-7) Một sự ngộ nhận đến xót xa, dẫn đến hậu quả khôn lường!!!
Cũng vậy, nếu không có khả năng phân định tốt, ta sẽ rơi vào tình trạng nhập nhằng, lúng túng và sẽ dễ dẫn đến tình trạng “gió chiều nào che chiều đó”; “ai sao tôi vậy”; “ai làm bậy, tôi cũng làm theo...”. Đây là những hệ quả của người chưa trưởng thành và thiếu lập trường do không có khả năng phân định đúng – sai dựa trên mặc khải hay ý ngay lành. Những người đó, nhiều khi câu chuyện hay tình huống rất đơn giản, nhưng họ lại làm cho sự kiện, công việc trở nên phức tạp, rối ren do nhận thức bị mập mờ, thiếu chuẩn mực, dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan...”. Nhưng đôi khi có những công việc cần đến sự cẩn trọng, thì họ lại cho rằng: “chuyện đó thường thôi, làm gì mà phải ầm ĩ”, nên có thái độ coi thường, khinh dẻ và không cần quan tâm!
Đôi khi vì quá tin tưởng vào khả năng cá nhân, do lối suy nghĩ chủ quan dẫn đến tình trạng: thiên vị, bảo thủ, kiêu ngạo, cố chấp, thiển cận, hay bối rối, lo lắng thái quá, hoặc thờ ơ, nên có những hành động và quyết định sai lầm.
Có những điều tốt, nhưng lại chỉ tốt với một người hay nhóm người, hoặc công việc, môi trường mang tính đặc thù nhất định, chứ không phải là phổ quát cho mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Như vậy, nếu không có sự phân định hoặc phân định sai lạc, chúng ta rất dễ dẫn đến tình trạng “mù mờ” hay “hỗn mang” (x. St 1, 1- 28).
Trong đời tu, việc phân định còn đóng vai trò quan trọng là giúp nhận ra mình có ơn gọi tu trì hay không nữa. Thật vậy, ở độ tuổi vị thành niên, chúng ta hay nói về ước vọng của mình trong tương lai; nhưng khi đến tuổi trưởng thành, dù muốn, dù không, chúng ta phải tìm cho mình một ơn gọi phù hợp với bản thân, sở thích và khả năng của mình.
Rất cần một ý hướng ngay lành trong đời tu. Đó phải là một ước muốn cao thượng, không phải vì “cái bụng”, không phải vì danh vọng, không phải vì muốn làm ông nọ bà kia, không phải vì chức cao quyền trọng, nói chung không phải vì những “mục đích rẻ tiền”.
Kết luận
Trong muôn vàn những khó khăn, thử thách, khiến ta phải phân định, không phải ai cũng dễ dàng để nhận ra và kể cả có nhận ra, với bản năng yếu đuối của con người, chúng ta khó có thể vượt thắng và thường hay bị nhấn chìm bởi điều xấu do thần khí của ma quỷ hay của con người tác động. Có thể nói, chúng ta luôn phải đối diện với một cuộc chiến ngay trong nội tâm của mình.
Satan luôn đeo bám, xác thịt luôn xúi dục, tác động và mang đến cho chúng ta niềm vui, sự hy vọng giả tạo, hay gợi lên cho chúng ta một niềm tin, một chân lý nửa vời. Chính vì vậy, phân định thần khí là chuyện không chút dễ dàng. Chúng ta cần phải nhạy bén với tiếng nói của Thánh Thần trong chính lương tâm, trong Giáo huấn của Giáo hội, trong các dấu chỉ của thời đại... và luôn ngoan ngoãn trước tác động của Thần Khí, bước đi theo sự hướng dẫn của Ngài và hoàn thành vận mạng cuộc đời mình trong ơn gọi đặc thù làm môn đệ của Chúa Kitô.



[1] Xc. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Tiểu ban Từ Vựng, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, hạn từ “Thần Khí”, Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2011, tr. 321.
[2] Xc. Lm. Huỳnh Trụ, hạn từ “Linh Khí-Thần Khí”, đăng trên: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=120&ia=11690; truy cập ngày 16-04-2014.
[3] Phạm Quốc Văn, OP. Trên đường Emmaus – một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng, lưu hành nội bộ, 2012, tr. 62.
[4] Trích lại theo Ibid., tr. 72.
[5] Thánh Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium Et Spes”, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, chuyển ngữ, năm 1972, số 16.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn