Việc đồng hành thiêng liêng hay phương pháp linh thao theo thánh Ignatio


Linh thao là tất cả những phương cách chuẩn bị 
và chỉnh đốn linh hồn nhằm loại bỏ 
những quyến luyến lệch lạc, 
và sau đó tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời 
làm sao để mưu ích cho linh hồn mình.

Phêrô Nguyễn Xuân Ái, Dòng Antôn
P. Paula Huỳnh Hoàng Nam, dòng Biển Đức Thiên Hòa


Chúng ta đang sống trong thời kỳ hiện đại, thời của khoa học kỹ thuật, thời của văn minh công nghiệp và trí tuệ. Do đó, sống trong thời buổi này mà đặt ra vấn đề tâm linh phải chăng là lạc hậu? Câu trả lời còn tùy thuộc mỗi người. Nhưng chúng ta biết rằng không phải vô cớ mà vào thập niên cuối của thế kỷ XX, giai đoạn được đánh giá là đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, thì không ít người lại cho rằng thế kỷ XXI là thể kỷ của đời sống tâm linh. Dẫu biết rằng sự đổi mới của thế giới hôm nay đã làm thay đổi cuộc sống, và mang lại cho con người một bộ mặt sáng sủa hơn, đầy triển vọng hơn. Bằng chứng là con người đang chinh phục không gian bằng công nghệ thông tin, bằng kỹ thuật hiện đại. Song giữa xã hội phát triển như thế ta lại thấy có nhiều người nói chung, cách riêng là người Kitô hữu đang muốn trở về cõi tâm linh, càng ngày khao khát một đời sống cầu nguyện sâu xa. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được sự lúng túng của một số người muốn đi xa hơn trong việc cầu nguyện, nhưng không biết phải làm thế nào.
Trước những nhu cầu khẩn cấp ấy, ta có thể tìm lại trong kho tàng kinh nghiệm của Hội thánh những phương thế khác nhau để đáp ứng, và một trong những phương thế mà Đức giáo hoàng Phaolô III ban đoản sắc Pastoralis Officii (ngày 31/7/1548) phê chuẩn và khen ngợi sách linh thao. Linh thao vốn được tuyển chọn từ Kinh thánh và được rút từ kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng. Rồi từ đó, các vị Giáo hoàng kế tiếp không ngừng đề cao và khuyến khích kinh nghiệm thiêng liêng này như một phương pháp vững chắc. Các Giáo hoàng khẩn thiết mời gọi các tín hữu thực tập linh thao, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết với phương pháp linh thao của thánh Ignatio.[1]
1.1. Ý nghĩa
Linh đạo của thánh Ignatio được diễn tả bằng việc thực hành đời sống thiêng liêng, qua cách làm linh thao, do chính thánh nhân viết lại từ hai kinh nghiệm nền tảng: thứ nhất là kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa sau cuộc hoán cải của ngài ở Loyola, khi ngài đọc sách cuộc đời Chúa Giêsu và hạnh các thánh… và thứ hai là kinh nghiệm giúp đỡ các linh hồn khi ngài ở Manresa khoảng 11 tháng.
Vậy linh thao là gì? Theo nguyên ngữ “linh” là thiêng liêng, là tinh thần; “thao” là luyện tập; linh thao là luyện tập cho tinh thần, là tu tập cho đời sống thiêng liêng. Còn theo ngôn ngữ tu đức trong Giáo hội Công giáo thì linh thao là một giữa nhiều phương thế cấm phòng, là phương thức rèn luyện nội tâm trong thinh lặng và qua cầu nguyện. Nếu có thể thao để tập luyện cho thể xác thì cũng cần có linh thao để tập luyện cho linh hồn. Thánh Ignatio đã giải thích rõ:
Hai tiếng linh thao ở đây có nghĩa là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm bằng miệng lưỡi hay bằng tâm trí và các việc thiêng liêng khác. Linh thao là tất cả những phương cách chuẩn bị và chỉnh đốn linh hồn nhằm loại bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau đó tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để mưu ích cho linh hồn mình.[2]
1.2. Mục đích
Linh thao là phương tiện của ân sủng nhằm giúp đổi mới con tim, đổi mới cõi lòng, đổi mới tinh thần, đổi mới con người. Theo thánh Ignatio: linh thao để tự thắng mình và xếp đặt cuộc sống cho có trật tự mà không quyết định vì một tình cảm lệch lạc nào.[3]
Mục đích của linh thao là giúp người cấm phòng nhận định cho ra và thực thi cho trọn thánh ý Thiên Chúa đối với riêng cá nhân mình, tức là kế hoạch độc đáo Ngài đề ra cho đời mình.[4] Linh thao không nhằm cho người ta thêm những kiến thức mới lạ, nhưng nhằm giúp con người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người qua Đức Giêsu Kitô; chỉ khi nào con người hiểu biết thâm sâu và yêu mến Đức Giêsu, con người mới được tự do nội tâm, và quyết định về cuộc đời mình theo ý Chúa. Như vậy, linh thao giúp con người dọn lòng sẵn sàng từ bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau khi từ bỏ thì sẽ tìm kiếm ý Chúa trong cách sử dụng cuộc đời mình. Đồng thời lựa chọn bậc sống hoàn hảo hơn trong bất cứ bậc sống nào mà Thiên Chúa mời gọi. Cuối cùng là dâng hiến mình cùng hết thảy những gì mình có cho Thiên Chúa, để Ngài sử dụng hoàn toàn theo ý Ngài.
2.1. Thời gian
Một cuộc linh thao có thể là 4 ngày, 8 ngày hay 30 ngày. Thời gian này được chia làm bốn giai đoạn tương ứng với bốn tuần lễ bao gồm nhiều đề tài nguyện gẫm, được sắp xếp theo bốn chặng đường suy niệm và chiêm niệm như sau:
Tuần lễ thứ nhất: Suy gẫm về ý nghĩa đời người, về mầu nhiệm tội lỗi và đi đến hoán cải. Thánh Ignatio tin rằng thao viên trưởng thành có sức chịu đựng và đối diện thực tế khắc nghiệt của lịch sử. Với mầu nhiệm tội lỗi ẩn sâu vào lịch sử chính mình, thánh Ignatio mời gọi chúng ta xuống chốn ngục tù chính chúng ta tạo ra một khi quên mất nguyên lý và nền tảng: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”.[5]
Tuần lễ thứ hai: Suy gẫm về cuộc đời Chúa Giêsu giáng sinh - rao giảng Tin mừng. Thao viên được mời gọi nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu đến độ được diễn tả trong lời tâm sự. Trước lời mời gọi, thao viên không còn quan tâm về sự nghèo hèn và những mong manh của mình; ngược lại, thao viên mong ước noi gương Chúa chịu mọi sự sỉ nhục, mọi khinh chê và nghèo khó vật chất cũng như tinh thần, miễn là điều ấy phụng sự và ngợi khen Chúa.[6]
Tuần lễ thứ ba: Suy gẫm về cuộc thương khó của Đức Giêsu. Đồng hành với Đức Giêsu và được Ngài đồng hành với chính mình, thao viên sẽ khám phá ra một cách mới khi đặt mình trong cuộc sống để dần dần tận hưởng và “suy xét Thiên tính ẩn mình như thế nào”.[7] Thao viên sẽ học được thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, không trả thù; chiêm ngắm Chúa Giêsu bị bóc trần để chúng ta thoát ra khỏi lòng yêu chính mình, thèm muốn và ích lợi riêng.
Tuần lễ thứ tư: Suy niệm về sự sống lại và lên trời của Đức Giêsu. Niềm hoan lạc Phục Sinh của linh thao trong cuộc sống có thể biến thành một niềm hoan lạc trưởng thành hơn, và vì lý do đó, kinh nghiệm này trở nên sâu xa, lâu dài hơn. Đây là một giai đoạn để bước qua những mâu thuẫn của mỗi ngày với thái độ chúc phúc, chứ không phải như bao nhiêu lần chúng ta đã từng sống chán nản, thất vọng.
2.2. Cầu nguyện
Người đồng hành dẫn dắt, hướng dẫn để thao viên hiểu và làm quen với cách cầu nguyện trong linh thao: cầu nguyện riêng trong thinh lặng, cầu nguyện liên tục suốt ngày bằng cách nhắc đến đề tài và xin ơn cầu nguyện, như ánh sáng thỉnh thoảng lóe lên soi chiếu tâm hồn, và cuối cùng là xét mình để cả ngày được hiển dung trước mặt Chúa. Dùng ngũ quan thấy, nghe, ngửi, chạm và nếm để làm sống động những đoạn Kinh thánh.
Đặc biệt lưu ý đến việc lắng nghe và tâm sự với Chúa. Lắng nghe là một việc làm không thể thiếu trong mọi mối tương quan. Lắng nghe ở đây không hiểu theo nghĩa tâm lý hay giao tiếp thuần túy mà là lắng nghe bao hàm sư hiểu biết, đón nhận, khám phá ra con người thật, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa.[8] Việc lắng nghe đặt trên mối tương quan liên vị với Thiên Chúa, lắng nghe là công việc của trái tim hơn là của đôi tai, là thái độ của cõi lòng nơi mà những bí ẩn thâm sâu nhất vẫn tồn tại và cần được Thiên Chúa đụng chạm tới.[9] Bởi Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta qua tiếng lương tâm, qua những biến cố xảy ra trong đời, và nhất là qua Lời Chúa trong Kinh thánh.
Ngoài ra, sách linh thao còn đặt bài: “Chiêm niệm để được tình yêu” thường là bài cầu nguyện cuối cùng của linh thao.[10] Bài chiêm niệm sẽ giúp thao viên nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thụ tạo, trong môi trường sống, trong chính cuộc đời của họ, trong chính con người họ, để trong mọi sự họ có thể yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh.[11] Bài cầu nguyện này với bốn điểm:
- Điểm thứ nhất: nhớ lại trong trí những ơn lành đã lãnh nhận: ơn tạo dựng, ơn cứu chuộc và các ơn riêng. Tôi nghiền ngẫm trong lòng, suy xét theo đúng lẽ phải và sự công bằng về điều tôi phải dâng hiến cho Ngài, tôi phải dâng tất cả con người tôi cho Chúa và tôi chỉ xin Chúa duy nhất một điều: làm cho con yêu Chúa, thế là đủ cho con.
- Điểm thứ hai: xem Chúa hiện hữu trong các thụ tạo theo mức độ: nơi đất đá, nơi thực vật, nơi động vật, và một cách rất đặc biệt nơi con người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, là đền thờ của Ngài. Nếu vì yêu tôi, Thiên Chúa đã hiện diện nơi tôi cách đặc biệt như thế, tôi phải dâng gì cho Chúa đây?
- Điểm thứ ba: Thiên Chúa quan phòng gìn giữ các thụ tạo như quà tặng cho tôi, để phục vụ tôi. Như thể, một người vun xới một cây để cho nở hoa, và người đó lấy hoa đó làm quà tặng cho người yêu, thì Thiên Chúa cũng làm tương tự đối với tôi như vậy. Nếu Thiên Chúa đối xử với tôi thế, thì tôi phải làm gì đáp trả lại tình yêu của Ngài đây?
- Điểm thứ tư: nhìn vào chính con người tôi, để nhận ra những nét đẹp nơi tôi, để rồi nhận ra đó là quà tặng Thiên Chúa ban để tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.
Thao viên cũng có thể cầu nguyện theo ba cách sau:
Cách thứ nhất: về mười điều răn, bảy mối tội đầu, ba quan năng của linh hồn và năm giác quan của thể xác. Cách cầu nguyện này nhằm cho một khuôn khổ, một phương pháp và những bài tập giúp linh hồn dọn mình và tiến tới trong các cuộc luyện tập.
Cách thứ hai: suy gẫm ý nghĩa từng lời kinh. Trong cách cầu nguyện thứ hai, thao viên có thể gẫm suy một số kinh quen thuộc, dừng lại trong mỗi lời bao lâu ta còn thấy ý nghĩa… để giúp thao viên tránh đọc kinh cách máy móc, mà được cảm nếm từng lời nguyện sốt sắng hơn.
Cách thứ ba: theo nhịp thở. Cách cầu nguyện thứ ba này, mục đích là hòa nhịp cầu nguyện với hơi thở, ngõ hầu chỉ nói một lời giữa từng hơi thở.
Người đồng hành thiêng liêng giúp thao viên nhận ra các biến động nội tâm, phân biệt được những thôi thúc của thần lành, thần dữ. Đồng thời cũng giúp thao viên nhận ra những nguồn gốc của từng biến động và tìm cách đối xử.
3.1. Nhận ra những biến động nội tâm
Nếu thao viên không gặp biến chuyển thiêng liêng nào trong tâm hồn, không được an ủi hay bị sầu khổ, cũng như không bị lay động bởi các thần khác nhau, thì phải hỏi thao viên thật kỹ về các bài thao luyện, xem họ làm thế nào, có đúng thời gian không? Có tác động bắt nguồn từ chính mình, từ tâm lý, thể lý. Cũng có những tác động từ bên ngoài vào: những biến cố, những cuộc gặp gỡ vui buồn gần đây. Trong khi có tác động từ thần lành hoặc thần dữ. Thần lành muốn kết bạn với Thiên Chúa; thần dữ kéo chúng ta xa lìa Ngài.
3.2. Lần tìm nguyên do, nguồn gốc của từng biến động
Thứ nhất: có thể vì thao viên lạnh nhạt, lười biếng hay chểnh mảng trong các bài thao luyện thiêng liêng, vì lý do đó mà sự an ủi thiêng liêng lìa xa.
Thứ hai: có thể một thử thách Thiên Chúa cho phép xảy ra để xem nếu thiếu an ủi thiêng liêng, thao viên vẫn sẵn sàng phụng sự Thiên Chúa một cách quảng đại và quyết tâm đến mức độ nào.
Thứ ba: có thể là để hiểu ra rằng lòng sốt sắng và mến yêu nồng nàn mà thao viên có không phải tự bản thân mình, nhưng tất cả đều là món quà của Thiên Chúa. Như vậy, thao viên sẽ không tự mãn, tự phụ hay kiêu ngạo mà vẫn giữ được tâm hồn khiêm nhường.
3.3. Cách đương đầu với những biến động nội tâm
Nếu thao viên lạnh nhạt và lười biếng, thao viên nên nhớ lại những cách cầu nguyện để sử dụng các phương pháp cầu nguyện cho đúng hơn.
Nếu là thử thách của Thiên Chúa, thì đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy bền vững và kiên trì trong những ý định và quyết tâm tốt lành có trước khi gặp những sầu khổ này. Tin tưởng vào Thiên Chúa trong thời gian khổ sầu, thao viên cảm thấy thiếu lòng sốt sắng nồng nàn, lòng mến bao la và ân sủng mãnh liệt, nhưng Thần khí vẫn ban cho thao viên đủ ân sủng để bước tiếp. Hãy cố gắng nhẫn nại hết sức và nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa sẽ được an ủi, thao viên nên hết mình chống trả các cơn cám dỗ.
3.4. Quy tắc phân biệt thần loại
Theo thánh Ignatio, các thần lành và thần dữ luôn đối nghịch nhau, làm cho ta rất khó có thể nhận ra một cách chính xác đâu là ý thần lành và đâu là ý thần dữ. Thánh nhân đã giúp ta hiểu biết những điều tối quan trọng và rất cần thiết, để ta có thể chống lại những trạng thái tiêu cực, và cũng để ta nhận thức được chính Thiên Chúa là tác giả mọi biến cố xảy đến cho ta. Nhận thức này sẽ giúp thao viên học được những ảnh hưởng thần lành (tốt) và thần dữ (xấu). Như thế, thao viên có thể phân định được đâu là thánh ý Thiên Chúa trong đời sống.
Trong cuốn linh thao, thánh Ignatio đã đưa ra 14 quy tắc phân biệt thần loại để hiểu biết những biến chuyển nội tâm: nếu tốt thì đón nhận và nếu xấu thì loại bỏ. Đồng thời ngài cũng kể ra 8 quy tắc để phân biệt các thần rõ hơn.[12]
4.1. Đối với người đồng hành
Cần có kinh nghiệm về Thiên Chúa, lúc cầu nguyện hằng ngày cũng như trong cuộc sống. Nên cầu nguyện trước khi đến với thao viên. Nên trải qua kinh nghiệm linh thao của thánh Ignatio. Đặt mình trong vai trò khiêm nhường phục vụ thao viên, tránh đi vai trò điều khiển và lãnh đạo.
Ngoài những nét chính yếu trên, người đồng hành nên vun trồng cởi mở và lắng nghe để hiểu, hấp thụ và chấp nhận thực tế của mỗi thao viên. Cố gắng gạt bỏ mọi thành kiến, tránh phóng chiếu vào những ý tưởng và kinh nghiệm riêng không thích hợp với hoàn cảnh của họ. Đồng thời phải có lòng kiên nhẫn để đồng hành từng bước một, tránh hối thúc hoặc đốt cháy từng giai đoạn. Có khả năng nhận định những gì thao viên chia sẻ và đồng thời cho họ những hướng dẫn khôn ngoan, đề nghị họ những gì cần thiết để bước theo tiến trình này.
4.2. Đối với thao viên
Trước hết phải khao khát nên thánh, bởi không phải ai cũng có thể tham dự linh thao được, có những người chỉ tham dự được tuần thứ nhất của linh thao. Theo thánh Ignatio thì:
Phải đề ra cho mỗi người việc gì có thể giúp họ và làm ích cho họ hơn, tùy theo khả năng của họ dón nhận. Bởi vậy, đối với một người muốn cố gắng học hỏi và thỏa mãn linh hồn tới một mức độ nào đó, thì có thể đề nghị cho họ việc xét mình […] không nên dẫn đưa họ vào việc chọn bậc sống và những việc linh thao khác ngoài khuôn khổ tuần lễ thứ nhất.[13]
Những người chỉ ước ao tiến bộ tới một mức độ nào đó, không thể tham dự trọn vẹn tuần linh thao được, thiết tưởng không nên cho tham dự linh thao vì không chắc thu lượm được kết quả như mình mong muốn. Nếu là cuộc linh thao cho một nhóm người thì những người không có thái độ nội tâm tương ứng này có thể phá hủy bầu khí thiêng liêng và làm ảnh hưởng gây kết quả xấu cho khóa linh thao. Vì vậy, để có thể tham dự trọn vẹn linh thao, thao viên cần phải có thái độ nội tâm cần thiết như: lòng khao khát thuộc trọn về Chúa, ao ước nên trọn lành, và ước mong nên thánh.
Kế đến là lòng quảng đại, lòng quảng đại là thái độ duy nhất cần thiết để chuẩn bị và tham dự linh thao.
Trước hết cần dâng trót con người mình cho Chúa:
Người luyện tập linh thao sẽ được nhiều ích lợi nếu bước vào với lòng quảng đại và hào hiệp với Đấng Tạo Hóa và Chúa mình. Dâng trót cho Ngài cả ý muốn và tự do của mình cho Chúa Chí Tôn, để mặc Ngài sử dụng chính mình, cũng như mọi sự mình có theo ý Ngài.[14]
Thứ đến, quảng đại là thái độ sẵn sàng để Chúa muốn làm bất cứ điều gì về mình. Mình sẵn sàng mở lòng ra trước tác động của Chúa Thánh Thần, để tùy Chúa lôi kéo mình, và mình đáp trả mọi đòi hỏi của Thánh Ý Chúa. Quảng đại hàm chứa tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, để Ngài định đoạt về đời mình, và chắc chắn đó là điều tốt nhất đối với mình. Như vậy, khao khát nên thánh và lòng quảng đại sẵn sàng thực hành mọi điều Chúa muốn về mình, là yếu tố cần thiết của thao viên.
Sau cùng kết quả của linh thao được thể hiện trong cuộc sống. Sau khi linh thao mà thao viên không thấy sống tốt hơn, nên xem người đó đạt được kết quả của linh thao không? Hay người đó có lòng khao khát nên thánh và lòng quảng đại với Chúa Không?
Một người có thể trải qua bốn ngày, tám ngày hoặc ba mươi ngày linh thao nhưng nếu người đó chưa thực sự đạt được kết quả của từng bước linh thao người đó chưa có kinh nghiệm linh thao thực sự. Linh thao được chia làm bốn tuần, và mỗi tuần đều có yêu cầu cần phải đạt. Nếu không đạt được yêu cầu này không nên qua tuần khác. Chính vì vậy, linh thao thưở ban đầu theo thánh Ignatio được giúp riêng cho từng người một, vì tùy theo nhu cầu và sự tiến bộ của mỗi người mà vị hướng dẫn cho những bài linh thao thích hợp.[15]
Linh thao chỉ là khởi đầu của một đời sống quảng đại với Chúa hơn, nếu con người không cố gắng liên tục trong đời sống mỗi ngày, thì con người có thể lạm dụng tự do Thiên Chúa ban để phản bội Ngài. Để nên thánh trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải cố gắng liên tục, phải vượt qua chính mình, phải cầu xin Chúa làm cho mình yêu Chúa, cụ thể là quảng đại với Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Kết luận
Trước tiên, linh thao là phương cách tìm về bên Chúa bằng cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm, cầu nguyện... Với tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn nhằm xa bỏ những quyến luyến lệch lạc, và rồi tìm kiếm ý Thiên Chúa trong cách xếp đặt đời mình để mưu ích cho linh hồn. Người làm linh thao cần phải có lòng khao khát ao ước muốn trở nên tốt hơn, thuộc trọn hoàn toàn về Chúa hơn.
Kế đến, linh thao là dịp để mỗi người chúng ta nhận ra những nét chính yếu mà mỗi người phải phấn đấu để huấn luyện chính mình dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, linh thao là một phương thế tuyệt vời Thiên Chúa huấn luyện thánh Ignatio, và qua linh thao Ngài huấn luyện mỗi thao viên. Để đạt được những tuần linh thao tốt, thao viên phải tập luyện nhằm giúp mình trở nên người như Thiên Chúa muốn: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).



[1] http://linhthao.net/luutru/1930, truy cập ngày 24/10/2017.
[2] Nguyễn Thế Minh, Bước Đường Linh Thao, tr 202.
[3] Thánh I- Nhã Loyola, Linh Thao, tr 39.
[4] Nguyễn Thế Minh, Sđd., tr 202.
[5] I- Nhã Loyola, Sđd., tr 40.
[6] Xc. Sđd., tr 35.
[7] Sđd., tr 58.
[8] Xc. Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 30.
[9] Xc. Sđd., tr 60.
[10] Xc. I- Nhã, Sđd., tr 139.
[11] Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, Ánh Sáng và Bóng Tối - Những bài thuyết trình về đông hành thiêng liêng, tr 85.
[12] Xc. I- Nhã Loyola, Sđd., tr 101-106.
[13] http://www.geocities.ws> liemptl >linhthao2 truy cập ngày 5/10/2017.
[14] http://www.geocities.ws> liemptl >linhthao2 truy cập 5/10/2017.
[15] Sđd.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn