Phân định Thần khí theo thánh Ignatio


Thánh Ignatio đề nghị ba bài tập sử dụng trí tưởng tượng:
1. Thứ nhất, tôi sẽ khuyên bảo người khác điều gì 
nếu người ấy ở trong một hoàn cảnh
 tương tự như hoàn cảnh của tôi?

2. Thứ hai, tự hình dung mình đang trên giường chết 
và tự hỏi lúc bấy giờ tôi sẽ lựa chọn điều gì;

3. Cuối cùng, nhìn xem ngày phán xét tôi sẽ ra sao,
và lúc bấy giờ sự lựa chọn của tôi sẽ là sự lựa chọn nào?

(Ignatio de Loyola, Linh thao., tr. 89)
Phêrô Nguyễn Quốc Dương, Tu hội Vinh Sơn
Phêrô Nguyễn Văn Chỉnh, Tu hội Vinh Sơn


Năm 1555, thánh Ignatio kể cho linh mục Gonzales, những kinh nghiệm đầu tiên của mình về sự phân định. Lúc ấy Ignatio còn là một người mải mê sự đời, làm hiệp sĩ phục vụ triều đình Tây Ban Nha. Sau cuộc chiến ở Pampelune năm 1521, Ignatio nhìn thấy bước đường công danh binh nghiệp đã bị phá đổ tan tành, cùng với cái chân gãy của mình như là một chứng tích. Người em dâu đã mang đến cho ngài những cuốn sách đạo đức: cuộc đời thánh Đa Minh, thánh Phanxicô... Từ đó, Ignatio có những ước mơ muốn phục vụ Đức Kitô. Ngài đã được Đức Kitô chiếm đoạt.[1] Nhưng rồi đến giai đoạn khó khăn, ngài bối rối vì tội lỗi trong quá khứ, lo lắng về tương tai... Ngài khô khan nguội lạnh và tìm hết cha linh hướng này đến cha linh hướng khác mà tình trạng vẫn thế. Ngài rơi vào đêm tối đức tin.
Cuối cùng, ngài được Thiên Chúa dạy dỗ về các chân lý đức tin: Thiên Chúa Ba Ngôi, Cứu Chuộc, Thánh Thể, Hội thánh... Thánh Ignatio được mời gọi cộng tác với Đức Kitô để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài đã xả thân giúp đỡ các linh hồn bằng cách chia sẻ chính kinh nghiệm của mình qua tác phẩm “Linh Thao”. Ngài giúp các ứng viên biết cách phân định, nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa đang hướng dẫn mình, để từ đó ứng viên hoàn thiện đời mình hơn.
Thật vậy, phân định là một nghệ thuật xác định thánh ý Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể đang diễn ra với chúng ta. Chính thánh Ignatio đã chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Kinh nghiệm cho kẻ ấy thấy có những ý tưởng khiến kẻ ấy buồn, có những ý tưởng giúp kẻ ấy vui. Dần dần kẻ ấy nhận ra các tác nhân khác nhau tác động nơi mình, tác động của ma qu và tác động của Thiên Chúa”.[2] Hy vọng chúng ta cũng sẽ nhận ra được những hoạt động của các loại Thần khí, những điều đang xảy ra trong tâm hồn mình, hầu tránh khỏi những sai lầm trong quyết định của mình và bước theo Chúa vững vàng hơn.
1.1. Khi nào phân định?
Thánh Ignatio đã có kinh nghiệm về những tư tưởng làm cho ngài vui đồng thời có những tư tưởng làm cho ngài buồn, nghĩa là ngài bị những tinh thần khác nhau khuấy động: ma quỷ và Thiên Chúa. Vì thế mà ngài cảm nhận được Thiên Chúa đang dạy cho mình làm sao để áp dụng những chuẩn tắc phân định cho chính kinh nghiệm tôn giáo của mình và của tha nhân, phân định trong tình yêu.
Khi sự lựa chọn đã được tiến hành một cách thành tâm và tốt đẹp với chủ ý ngay lành, tức cởi mở với Thiên Chúa, thì không được đặt lại những chọn lựa không thể hủy bỏ ấy, khi chúng đã được tiến hành tốt đẹp. Thánh Ignatio cho biết, điều giúp ta nhận ra thánh ý Chúa: là sự lựa chọn đã được tiến hành đúng như phải làm và một cách có trật tự, không bị những mối luyến ái bất chính xen vào, sau khi đã sám hối, và tìm cách sống tốt trong điều mình đã lựa chọn.[3]
Điều cần thiết là tất cả những việc chúng ta muốn tiến hành lựa chọn phải tốt hoặc vô thưởng vô phạt tự chúng. Chúng ta cân nhắc khi phân định, không thể tiến hành những việc về thực chất là xấu, vì điều chúng ta tìm kiếm là thánh ý Thiên Chúa, Thiên Chúa không thích điều xấu bao giờ.
1.2. Những bước phân định
Thánh Ignatio chỉ cho người đang tĩnh tâm ba hồi để lựa chọn một cách lành mạnh và tốt nhất.
- Hồi thứ nhất: “hồi mạc khải”: Thiên Chúa run rủi và lôi hút ý chí của ta, khiến ta không nghi ngờ và không thể nghi ngờ, linh hồn trung thành với Ngài, theo điều Ngài chỉ dẫn.[4] Có thể nói hồi này chưa có gì để phân định.
- Hồi thứ hai: hồi lý luận”: linh hồn không bị xao động bởi Thần khí tốt hay thần khí xấu. Hồi này hình như Thiên Chúa chưa thổ lộ với tâm hồn đang thành tâm đi tìm thánh ý Người. Thánh Ignatio cảm nhận trong cuộc đời ngài: “Tôi có một thời gian yên ắng: khi tâm hồn không bị các tinh thần khác nhau khuấy động, và sử dụng đến những khả năng tự nhiên một cách tự do và bình yên”.[5] Người ta phải dùng đến khả năng tự nhiên về lý luận để xem xét những lợi hại của mỗi điều được lựa chọn (đi tu, độc thân hay lập gia đình). Sử dụng những khả năng tự nhiên, không nghiêng về lý trí lắm nhưng dựa trên trí tưởng tượng.
Thánh Ignatio đề nghị ba bài tập sử dụng trí tưởng tượng: 1. Thứ nhất, tôi sẽ khuyên bảo người khác điều gì nếu người ấy ở trong một hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh của tôi? 2. Thứ hai, tự hình dung mình đang trên giường chết và tự hỏi lúc bấy giờ tôi sẽ lựa chọn điều gì; 3. Cuối cùng, nhìn xem ngày phán xét tôi sẽ ra sao, và lúc bấy giờ sự lựa chọn của tôi sẽ là sự lựa chọn nào?[6]
- Hồi thứ ba: “hồi ánh sáng”: là lúc chúng ta nhận đủ ánh sáng và sự hiểu biết qua kinh nghiệm về những niềm ủi an cùng những nỗi phiền muộn, và qua kinh nghiệm của ơn phân định các tinh thần khác nhau.[7] Thánh Ignatio gọi đây là hồi để lựa chọn tốt hay sự phân định.
Sau khi mách cho chúng ta phương pháp của hai hồi bình lặng (một thiên về lý trí, dựa vào khả năng lý luận tự nhiên;một nặng về trí tưởng tượng), Thánh Ignatio còn thêm: một khi sự lựa chọn hoặc tuyển lựa đã được tiến hành, thì hãy mau mắn chạy đến với Thiên Chúa mà dâng cho Người việc tuyển lựa đó, để Người đoái thương xác nhận đón nhận, nếu đó là điều có thể phục vụ Người tốt nhất và đem lại cho Người lời ngợi khen chúc tụng.[8] Thiên Chúa xác nhận bằng cách Người đem lại cho ta những niềm an ủi những nỗi phiền muộn của hồi thứ hai. Những an ủi phiến muộn ấy, đều là nguyên liệu cho sự phân định.
2.1. Mười bốn qui tắc căn bản[9]
Quy tắc I: Đối với những người sa ngã hết tội trọng này đến tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những thú vui bề ngoài, xui họ tưởng nhớ đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải.
Quy tắc II: Nơi những người tiến mạnh trong việc diệt trừ tội lỗi và đang tiến lên hơn mãi trên đường phụng sự Thiên Chúa, thì lại có phương pháp ngược lại với quy tắc thứ nhất. Vì khi đó, đường lối riêng của kẻ thù là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại vật bằng cách gây băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta tiến tới, còn cách thức riêng của thần lành là làm cho can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho người ta tiến lên trong đàng lành.
Quy tắc III: Về an ủi thiêng liêng, gọi là an ủi khi linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, và do đó, không có thể yêu một thọ tạo nào trên mặt đất vì chính thọ tạo ấy, nhưng chỉ yêu trong Đấng tạo dựng mọi sự. Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kitô, Chúa chúng ta, hay về những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa. Sau cùng, còn gọi là an ủi mọi gia tăng của lòng tin - cây - mến, cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo tâm hồn đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Thiên Chúa.
Quy tắc IV: Sự sầu khổ thiêng liêng, gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với quy tắc thứ ba, như một sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những sao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, cậy trông, lòng mến; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Thiên Chúa. Bởi lẽ như an ủi trái ngược với sầu khổ thế nào, thì các tư tưởng do an ủi sinh ra cũng trái ngược với các tư tưởng do sầu khổ sinh ra như vậy.
Quy tắc V: Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đấy. Bởi lẽ cũng như trong khi được an ủi, phần nhiều là thần lành hướng dẫn khuyên nh ta thế nào, thì trong cơn sầu khổ, kẻ thù cũng làm như vậy, mà theo lời khuyên của nó, ta chẳng thể gặp được con đường đưa tới đích.
Quy tắc VI: Trong con sầu khổ, nếu như không nên thay đổi những điều đã quyết định, thì lại rất nên cương quyết thay đổi chính mình để chống lại với cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình theo cách nào thích hợp.
Quy tắc VII: Đang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng, để thanh luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các xao động và cám dỗ của kẻ thù; như vậy ta vẫn có thể chống trả được, nhờ ơn Chúa giúp đỡ dù ta không cảm thấy rõ ràng. Vì Chúa rút bớt lòng sốt sắng nồng nàn, lòng mến bao la và ân sủng mạnh mẽ, nhưng vẫn để lại ân sủng đủ cho sự cứu rỗi đời đời.
Quy tắc VIII: Đang cơn sầu khổ hãy gắng giữ sự nhẫn nại, là sự trái ngược với những xáo trộn xảy đến và nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa sẽ được an ủi, nếu hết sức chiến đấu với cơn sầu khổ ấy, như đã nói ở quy tắc thứ sáu.
Quy tắc IX: Có ba nguyên do chính khiến ta sầu khổ:
Thứ nhất: vì ta không sốt mến đủ, lười biếng hay chểnh mảng trong các việc thiêng liêng; vậy là vì lỗi ta mà sự an ủi thiêng liêng lìa bỏ ta.
Thứ hai: để thử coi sức ta tới đâu và ta có thể vươn tới đâu trong việc phụng sự và ca ngợi Chúa, khi không được thưởng công bằng bấy nhiêu an ủi và ân sủng bao la.
Thứ ba: để ta học biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân điển của Thiên Chúa, và để ta đừng “làm tổ ở cho người khác” và đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo khoe khoang, tự gán cho mình lòng sốt sắng hay các hoa trái khác của ơn an ủi thiêng liêng.
Quy tắc X: Khi được an ủi, phải nghĩ đến cách xử sự trong cơn sầu khổ sẽ đến, đồng thời dành lấy sức cho lúc đó.
Quy tắc XI: Ai được an ủi, phải gắng tự khiêm và tự hạ chừng nào có thể, bằng cách nghĩ mình nhỏ hèn biết mình trong cơn sầu khổ, khi không có ân sủng này. Trái lại, người lâm cơn sầu khổ phải nghĩ mình có thể làm được nhiều nhờ ơn sủng của Chúa trợ giúp, để chống trả mọi kẻ thù, nhờ lấy sức nơi Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.
Quy tắc XII: Đặc tính của kẻ thù là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy với những chước cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đàng thiêng liêng thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại. Trái lại, nếu người ấy bắt đầu sợ hãi và mất cam đảm trước con cám dỗ, thì trên mặt đất này, không có vật nào hung dữ cho bằng kẻ thù của bản tính loài người trong việc theo đuổi ý định xấu xa của nó cách dữ dằn chừng ấy.
Quy tắc XIII: Kẻ thù cũng còn xử sự như kẻ si tình lẳng lơ, muốn giữ bí mật để khỏi bị lộ. Quả vậy, một người đàn ông đồi bại dùng lời xảo trá quyến rũ một thiếu nữ con nhà lành, hoặc vợ một người đứng đắn, thì muốn cho những lời dụ dỗ của hắn được giữ kín; trái lại hắn rất bất mãn khi thiếu nữ mách với cha, thiếu phụ mách với chồng những lời quyến rũ và ý xấu xa của hắn, vì hẵn dễ dàng suy ra rằng, không thể nào thành công được với chuyện hắn đã bắt đầu.
Cũng vậy khi kẻ thù của bản tính loài người đưa những sự xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn ngay lành, thì mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín. Nhưng khi linh hồn tỏ ra với cha giải tội tốt hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó, thì nó rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.
Quy tắc XIV: Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Ví như một vị chỉ huy cầm đầu quân đội, sau khi đặt doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta và điểm nào nó thấy ta yêu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta.
2.2. Tám qui tắc cấp cao[10]
Quy tắc I: Đặc điểm của Chúa và các thiên thần khi soi giục là ban sự sảng khoái và vui vẻ thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và sao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn đặc điểm của kẻ thù là chống lại sự sảng khoái và niềm an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện.
Quy tắc II: Chỉ có Thiên Chúa, Chúa chúng ta mới ban ơn an ủi cho linh hồn mà không cần có nguyên do trước. Vì quyền riêng của Đấng Tạo Hóa là vào, ra, đánh động linh hồn, lôi cuốn trọn vẹn linh hồn vào lòng yêu mến Ngài. Tôi nói không có nguyên do, nghĩa là không có một tình cảm hay một nhận thức về một đối tượng nào trước, nhờ đó sự an ủi phát sinh do tác động của trí tuệ và ý chí.
Quy tắc III: Khi có nguyên do, thần lành cũng như kẻ thù đều có thể an ủi linh hồn, nhưng nhằm mục đích trái ngược nhau: thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và ngày càng tốt lành hơn, còn kẻ thù nhằm điều ngược lại, để rồi lôi cuốn linh hồn theo ý xấu xa đồi tệ của nó.
Quy tắc IV: Đặc điểm của kẻ thù là giả dạng thần lành đi vào theo chiều hướng của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ra theo đường của nó; nghĩa là nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần gắng lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý đồ tồi tệ của nó.
Quy tắc V: Cần chú ý nhiều về diễn biến của tư tưởng. Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, hay không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm, hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước. Đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi ke thù, kẻ thù của sự tiến tới và phần rỗi của ta.
Quy tắc VI: Khi đã cảm thấy và nhận ra kẻ thù của bản tính loài người bởi cái đuôi rắn của nó và mục đích xấu xa nó muốn đưa tới, thì điều có ích cho người bị cám dỗ là sau đó duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt nó bày ra và khởi đầu của những tư tưởng ấy, và xem nó đã lần lần tìm cách khiến ta rời sự dịu ngọt và niềm vui siêu nhiên vốn có trước, cho đến chỗ đưa ra tới ý định tồi tệ của nó như thế nào. Để nhờ nhận biết và ghi lại những kinh nghiệm đó, ta sẽ giữ cho khỏi những dối trá thường lệ của nó sau này.
Quy tắc VII: Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển. Còn kẻ thù thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp thì các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở.
Quy tắc VIII: Khi an ủi không có nguyên do, thì không có cạm bẫy, vì như đã nói trên, đó là ơn của riêng Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Song người sống thiêng liêng được Chúa ban ơn yên ủi phải tỉnh thức và chú ý xem xét và phân biệt thời gian được an ủi với thời gian tiếp sau, khi linh hồn còn nóng nảy và sung sướng vì ơn an ủi vừa qua và âm hưởng của ơn ấy. Quả vậy, trong thời gian tiếp sau ấy, nhiều khi tự mình suy nghĩ theo tư tưởng và suy luận riêng, hoặc do ảnh hưởng của thần lành hay kẻ thù, ta hoạch ra những dự định và ý kiến mà không phải do Thiên Chúa, Chúa chúng ta, trực tiếp ban cho và vì thế, cần xét xem thật kỹ trước khi hoàn toàn tin tưởng ở những điều ấy và đem ra thực hành.
3.1. Tinh thần tốt và kẻ thù
Thánh Ignatio nói đến sự phân định các tinh thần đó là: tinh thần tốt và kẻ thù. Khi nói đến tinh thần tốt thường ám chỉ đó là Thiên Chúa. Mục đích của Ngài là hướng dẫn, trợ giúp cuộc đời chúng ta một cách nhẹ nhàng êm ái, vui vẻ thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và sao xuyến do kẻ thù đưa vào, đem lại sự bình an thật để chúng ta tiến lên trong đàng trọn lành, thuộc trọn về Chúa.
Kẻ thù ám chỉ đó là ma quỷ. Kẻ thù luôn làm ngược lại với Thiên Chúa. Chúng thường đưa ra những lý do giả tạo, ngụy biện làm chúng ta hoang mang, nghi ngờ sự an ủi của Chúa, làm cho chúng ta mất sự bình an. Chúng rất mưu mô, xảo quyết đội lốt thần lành để quyến rũ những linh hồn trung tín bằng những việc làm xem ra rất thánh thiện, đạo đức. Chúng tấn công vào điểm yếu của chúng ta nhưng khi chúng ta kháng cự mạnh mẽ, xem xét tư tưởng từ đầu đến cuối đưa tới điều xấu, hay trình bày với cha giải tội thì nó bất mãn vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.
3.2. Nỗi phiền muộn
Thánh Ignatio định nghĩa về sự phiền muộn thì trái nghịch với niềm an ủi và thường là mất sự bình an. Nỗi phiền muộn như: bối rối nội tâm, chán nản do nguội lạnh và buồn tẻ, tối tăm trong tâm hồn. Nó cũng là những tâm trạng mang màu sắc tình cảm.
Thánh Ignatio khuyên chúng ta khi gặp phiền muộn: trong thời phiền muộn, đừng tiến hành thay đổi điều gì, nhưng phải kiên định và vững vàng trong những quyết tâm và ý định mà mình đã có trong thời an ủi trước đó. Vì sự phiền muộn là dấu chỉ tinh thần xấu đang ra tay làm việc, nên đừng bao giờ thay đổi quyết định vào thời điểm đó. Thomas Green khẳng định:
Quy tắc này quan trọng đến độ tôi thường khuyên là chỉ cần nhớ đến quy tắc này dù có quên hết các điều khác đã học được về sự phân định. Nếu chúng ta chỉ nhớ quy tắc cơ bản này cho đời sống thiêng liêng của mình và nắm giữ, chúng ta sẽ tránh được chín mươi phần trăm những tai họa.[11]
Trong thời phiền muộn, thánh Igntio đề nghị: chống lại sự phiền muộn bằng cách làm ngược lại với điều mà kẻ thù gợi ý; và đối với Thiên Chúa đang có vẻ từ bỏ chúng ta, nói lên đức tin và lòng tín nhiệm của chúng ta. Trong những thời ấy, chúng ta phải làm ngược lại với cảm hứng của mình vì cảm hứng đó là do kẻ thù xúi giục. Như thường ngày chúng ta cầu nguyện 30 phút, nhưng giờ cảm thấy chán nản và khô khan như không có Chúa hiện diện nữa và chúng ta rút lại thời gian cầu nguyện ngắn hơn còn 20 phút. Khi đó ít nhất là kiên trì cầu nguyện 30 phút hay làm thêm hơn nữa 35 phút.
Tại sao Thiên Chúa cho phép sự phiền muộn? Có ba nguyên nhân: thứ nhất, chúng ta đang nguội lạnh, lười biếng hoặc chểnh mảng trong những bổn phận thiêng liêng, cho nên do lỗi chúng ta mà niềm an ủi thiêng liêng đã rời xa chúng ta; thứ hai, chúng ta đi được tới đâu trong việc phục vụ và ca ngợi Thiên Chúa nếu không được bù đắp bằng những niềm an ủi và những ân huệ lớn lao; thứ ba, chúng ta hiểu được tất cả những cảm nghiệm bên trong, lòng sốt sắng thật sự, cũng như bất cứ niềm an ủi thiêng liêng nào đều là ân huệ và quà tặng của Thiên Chúa.
3.3. Niềm an ủi
Thánh Ignatio cho thấy niềm an ủi thiêng liêng được thúc đẩy bên trong và bốc cháy lòng yêu mến Thiên Chúa. Niềm an ủi mang nhiều hình thức khác như bốc cháy tình yêu, một tâm tình yên ổn và sâu lắng mà chúng ta có thể cảm nghiệm được một sự bình an trong Thiên Chúa, một sự tăng trưởng trong đức tin, đức cậy, đức mến, trong niềm vui nội tâm được thu hút đến với Thiên Chúa. Chính những thúc đấy, những tình cảm đó mà chúng ta phân định. Thánh Ignatio cho thấy tình cảm là nguyên liệu để chúng ta cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, nhưng tình cảm cần được lý trí đánh giá để phân biệt điều tốt với điều xấu.
Niềm an ủi không có nguyên nhân đi trước
Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho tâm hồn một niềm an ủi không có nguyên nhân trước đó. Tức tâm hồn không cảm thấy cũng không biết một đối tượng nào để đưa đến kinh nghiệm của niềm an ủi. Như khi quan sát cảnh mặt trời mọc hay lặn hay đọc một đoạn Kinh thánh thì tâm hồn tôi cảm thấy bình an, có một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa và làm tăng thêm về đức tin, đức cậy, đức mến. Tất cả những gì mà tôi cảm nhận được đều có nguyên nhân đi trước, nhờ có sự can thiệp của các giác quan, những tư tưởng và hình ảnh để có được sự an ủi. Vì chúng ta là những con người có xác thịt nên cần có các giác quan, trí tưởng tượng mới có cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, xem ra thật khó để có được.
Nhưng thánh Ignatio nghĩ rằng những niềm an ủi không có nguyên nhân khả giác đi trước vẫn có đó. Chúng đến từ Thiên Chúa mà đến một cách không sai lầm. Như một người đi ngang Nhà Tạm cảm nhận được như Chúa đang kéo mình về với Ngài và tâm hồn rất bình an. Khi gặp niềm an ủi không có nguyên do, thánh Ignatio khuyên chúng ta cần cảnh giác cao: thời điểm của niềm an ủi xảy ra và thời điểm của tác dụng nó để lại, nghĩa là xem kết quả của kinh nghiệm để lại sau đó như thế nào, tốt hay xấu.
Niềm an ủi có nguyên nhân đi trước
Cả thần lành và kẻ thù đều cho chúng ta niềm an ủi khi có nguyên nhân đi trước, nhưng mục đích thường ngược nhau. Kẻ thù thường bộc lộ sự hiện diện của nó bằng sự phiền muộn. Nên cần có một sự phân định thật sự để nhận ra cái đuôi rắn trong những kinh nghiệm an ủi của chúng ta. Thánh Ignatio khuyên chúng ta cần xem xét: nếu phần đầu, phần giữa, phần cuối đều tốt, thì đó là dấu hiệu của thiên thần tốt; nếu một phần nào đó có dấu hiệu của đuôi rắn thì chúng ta đừng tuân theo những cảm hứng đến từ thời điểm đó.
Phần đầu: xem niềm an ủi có hoàn toàn tốt không, có ý nghĩa gì? Tôi đi cầu nguyện trong lúc giờ này phải học hành. Nói với Chúa xem mình nên làm gì lúc này, thà phạm sai lầm vì quá thận trọng hơn là bị cảm dỗ với những cảm hứng khá nghi. Nếu là ý Chúa muốn thì Chúa sẽ có cách và chúng ta khó cưỡng lại.
Phần giữa: tôi cầu nguyện sốt sắng và đầy niềm an ủi. Nhưng sau đó tôi lại phê phán người khác, hay khó chịu khi thấy ai đó làm phiền mình, thì chứng tỏ niềm an ủi trong lúc cầu nguyện không phải đến từ Thiên Chúa. Nếu đến từ Thiên Chúa thì tôi cảm nhận được sự thanh thản và chấp nhận bị quấy rầy.
Phần cuối: theo thánh Ignatio, niềm an ủi đó có đưa tới một cái gì xấu, hoặc khiến mình quay lưng lại với một điều tốt hoặc chọn một điều ít tốt hơn, hoặc làm cho tâm hồn yếu đi, trở nên bối rối lo lắng, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy đến từ kẻ thù. Ma quỷ rất tinh vi nên chúng ta rất khó để phân định điều ấy là do kẻ thù, nhưng chính kinh nghiệm sẽ dạy cho chúng ta biết điều ấy đến từ Thiên Chúa hay kẻ thù.
Tạm kết
Như vậy, thánh Ignatio đã ghi lại những kinh nghiệm thiêng liêng xảy ra trong cuộc sống của ngài để giúp ích cho các linh hồn, biết phân biệt đâu là tác động của ma quỷ và đâu là tác động của Thiên Chúa. Ngài kê ra hai quy tắc cho sự phân định: một cho tuần thứ nhất, và một cho tuần thứ hai trong thời gian linh thao. Những quy tắc của tuần thứ nhất đề cập nhiều đến nỗi phiền muộn thường là mất sự bình an, đây là kinh nghiệm thường gặp nơi những người mới bắt đầu; và tuần thứ hai lại liên quan trước hết đến niềm an ủi để phân biệt các thần rõ hơn, đây là kinh nghiệm dành cho những linh hồn đã bước xa hơn. Nhờ đó, chúng ta xác định được thánh ý Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể đang diễn ra với chúng ta. Một khi chúng ta đã quyết định con đường theo Chúa, ngoài sự cố gắng, nỗ lực, chúng ta còn phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta biết phân định. “Nắm bắt những nguyên tắc là quan trọng, nhưng đó mới là bước khởi đầu, cần phải áp dụng trong thực tế, bởi lẽ phân định là một ơn ban và là một tiến trình, không thể giản đơn sứ mạng này chỉ vào một vài nguyên tắc”.[12]


[1]Xc. Hoàng Sóc Sơn, Những Bước Đường Theo Chúa, tr 23.
[2] Hoàng Sóc Sơn, SJ., Sđd., tr 59.
[3] Xc. Ignatio de Loyola, Linh Thao, tr 82.
[4]Xc. Ignatio de Loyola, Sđd., tr 84.
[5]Sđd.
[6]Xc. Ignatio de Loyola, Sđd., tr 89.
[7]Xc. Sđd., tr 84.
[8]Xc. Hoàng Sóc Sơn, Sđd., tr 130.
[9] Ignatio de Loyola, Sđd., tr 124.
[10] Ignatio de Loyola, Sđd., tr 132.
[11] Thomas Green, SJ., Sự Phân Định Thiêng Liêng, tr 164.
[12] Phạm Quốc Văn, Tự Đào Tạo & Đào Tạo Khả Năng Phân Định, tr 26.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn