Ân
huệ của Thánh Thần và ân sủng qua lòng mến
mang tới cho chúng ta hoa quả khôn ngoan
bằng dẫn dắt ý chí và hành động của chúng ta
về hạnh phúc chân thật của con người:
đó là thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa.
Martinô
Cao Văn Luận, Tu hội Vinh Sơn
Lu-y Nguyễn Ngọc Luận, Tu hội Vinh
Sơn
Antôn Lê Minh Thuật, Tu hội Vinh Sơn
Theo Robert A. Heinlein: “Lòng tốt thiếu đi sự khôn ngoan luôn luôn chẳng khác gì cái ác”.
Làm thế nào chúng ta có được khôn ngoan đích thật? và sống thế nào được gọi là
khôn ngoan? Như chúng ta biết, đức khôn ngoan là nhân đức thứ nhất trong bốn
nhân đức trụ[1]
và là nhân đức quan trọng nhất, được coi như điểm tựa của các nhân đức khác.
Khôn ngoan còn là nhân đức được Thiên Chúa phú bẩm trong lý trí thực hành, để điều
khiển đúng đắn các hành vi của con người hầu đạt đến mục đích siêu nhiên. Về
nguồn gốc, đức khôn ngoan thiên phú được Thiên Chúa ban cùng với ơn thánh hóa;
về mặt ứng dụng, đức khôn ngoan thiên phú hoạt động dưới ánh sáng của đức tin
và sự thúc đẩy của đức ái. Ngoài ra, khôn ngoan là nhân đức cần thiết nhất
trong các nhân đức luân lý, bởi chức năng của nó là tìm ra và chỉ định phương
thế hay mức độ thích hợp cho hành động của con người. Nó giúp chúng ta đánh giá
chính xác đâu là điều tốt về mặt luân lý và đâu là việc phải làm trong những
trường hợp cụ thể.
1.1. Khái niệm
Theo
từ điển Tiếng Việt: “khôn” là lòng dạ
rộng rãi, không gò bó nhỏ nhen, chứa chất được nhiều sự hiểu biết, cư xử tốt đẹp với mọi người, và “ngoan”
có nghĩa là hiền lành.[2]
Vậy, người khôn ngoan là người biết xử sự, biết tránh cho mình những điều không
hay. Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu khôn ngoan theo hai nghĩa sau:
Theo cách hiểu
thông thường hạn từ “Prudencia” có
nghĩa là tính cách một người không liều lĩnh mù quáng, tránh tất cả những gì
gây thiệt hại.[3]
Tiếp nối lối nhìn của
Aristote, thánh Tôma cũng cho rằng: khôn ngoan là hiểu biết đúng đắn về những
việc phải làm hoặc khôn ngoan là nguyên tắc hay cách hành xử hợp lý liên quan đến
những việc phải làm.[4]
Điển hình như việc chúng ta tham vấn cách cẩn thận, phán đoán đúng, và đi đến
quyết định và dốc lòng thực hành cho bằng được điều mình đã quyết tâm làm.
Đức khôn ngoan giúp
con người quyết định bằng những phương tiện và cách thức tốt nhất, để đạt tới mục
tiêu đặt ra cho phù hợp với lý trí của mình.
Theo thánh Tôma: “Khôn ngoan là một thói quen nhân đức của lý
trí thực hành, nhờ đó mà một người có thể phán đoán một cách đúng đắn về tương
lai, từ hiểu biết trong quá khứ và hiện tại”.
Theo Giáo Lý Hội thánh Công Giáo số 1806: “Đức Khôn Ngoan là nhân đức giúp lý trí thực
tiễn biết phân định điều tốt đích thức trong mọi hoàn cảnh và lựa chọn những
phương thế thích hợp để thực hiện điều tốt đó”.
1.2. Phân loại:
có ba loại nhân đức khôn ngoan[5]
Khôn
ngoan sai lầm
Đối với những người khôn ngoan theo kiểu này, họ luôn mong muốn sắp sếp
những điều tốt đẹp để đạt được mục đích trọn hảo, nhưng trong thực tế, họ khéo
léo cách tài tình khi sử dụng những phương tiện để đạt đến mục tiêu đồi bại.
Đây được gọi là khôn ngoan sai lầm. Chẳng hạn như: khôn ngoan của bọn trộm cướp,
cố gắng xoay sở để lên kế hoạch cướp bóc và sau đó tìm cách tẩu thoát.
Khôn
ngoan theo kiểu thế gian
Đối với những người khôn ngoan theo kiểu này,
họ cũng thường khéo léo tìm những phương tiện để đạt những mục tiêu thiện hảo,
nhưng trong thực tế loại khôn ngoan này không hoàn hảo, bởi vì sự thiện hảo
không phải là mục đích chung của toàn thể cuộc sống nhân loại.
Ví dụ: Khôn ngoan
riêng của giới khoa học, thương gia hay quản lý, đây được gọi là khôn ngoan
theo kiểu thế gian: “Vì con cái đời này,
khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng” (Lc 16,8).
Khôn
ngoan đích thực, khôn
ngoan trọn hảo
Đối với những người
khôn ngoan theo kiểu thứ ba này, khi mà tất cả những suy tính, phán đoán đúng đắn
của họ nhằm đạt đến mục đích thiện hảo của toàn bộ đời sống. Ví dụ: người khôn
ngoan đích thực và khôn ngoan trọn hảo là người biết lấy ý kiến, phán đoán và lệnh
truyền đúng đắn, phù hợp với cùng đích của đời sống con người. Vậy, khôn ngoan
đích thực và không ngoan trọn hảo chỉ tìm thấy nơi người công chính, chứ không
có nơi tội nhân.
Đức
khôn ngoan là nhân đức của trí năng hướng tới hoạt động, của trí năng thực
hành, nó cũng giả thiết ý chí phải được định hướng đúng nghĩa là gắn bó bền vững
vào Thiên Chúa.[6]
2.1. Khôn Ngoan giúp phân định đúng
Đức
khôn ngoan trú ngụ trong trí năng: nó giúp trí năng phân định trong từng hành
vi, để giúp con người ứng xử trong từng hoàn cảnh cụ thể. Để có thể phân định
chính xác, cần có một tâm hồn yêu mến sự thiện. Vì thế, kẻ kiêu căng ngạo mạn
dù muốn tìm kiếm sự khôn ngoan cũng chẳng được.[7] Trái
lại, ai tuân hành ý Chúa thì được khôn ngoan minh mẫn hơn cả người cao niên.[8]
Ngoài ra, để phân định đúng, chúng ta cần dựa vào ơn Chúa Thánh Thần hay đúng
hơn là sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nhờ đó, tâm trí con người được
đổi mới và có khả năng phân định đâu là ý Chúa, điều nào là tốt, đẹp lòng Chúa,
cái gì hoàn hảo trong cách phân định.[9]
Ngoài ra, theo Cassianô: “Sự phân định là cội nguồn, bảo mẫu của mọi nhân đức; thiếu nó thì không
có nhân đức nào là hoàn hảo và bền vững”. Do đó, trong đời sống chúng ta cần
phân định kỹ lưỡng giữa tốt và xấu, thiện và ác, trắng và đen... với những hoàn
cảnh cụ thể xảy ta trong cuộc sống.
2.2. Khôn
Ngoan giúp chọn lựa đúng
Khôn
ngoan không những giúp ta phân biệt tốt và xấu, mà còn phải giúp ta thẩm định
điều gì là tốt, trong tình huống cụ thể ở đây và lúc này, tôi phải chọn lựa thế
nào cho phù hợp. Ví dụ: Đi lễ là điều tốt, thậm chí là bổn phận (lễ Chúa nhật);
thế nhưng điều đó sẽ không là điều tốt đối với một bà mẹ có đứa con thơ đang mắc
bệnh nặng, không ai chăm sóc: bà không nên để đứa con một mình ở nhà để đi nhà
thờ. Từ ví dụ này, đã cho chúng ta thấy rằng đôi khi một điều tốt ở hoàn cảnh
này lại có thể trở thành một điều xấu, khi đặt trong một hoàn cảnh khác. Như vậy,
đức khôn ngoan giúp ta nhận định và chọn lựa điều tốt, nhằm giúp chúng ta tránh
rơi vào những điều thái quá hay bất cập. Đức khôn ngoan chỉ dạy cho chúng ta biết
lựa chọn những phương thế tốt nhất để hành vi chúng ta trở thành đức hạnh. Như
vậy, đức khôn ngoan đích thực giúp chúng ta nhận ra và chọn lựa cách đúng đắn
và cụ thể trong cuộc sống:
Đức Khôn Ngoan can thiệp
khi ý chí, được điều chỉnh và nâng cao bởi đức mến, sẽ hướng tới sự thiện một
cách hiệu quả. Còn lại là tìm ra những phương tiện tốt và cách nào thực hiện tốt
nhất. Những giải pháp đa dạng sẽ được rà soát, chúng sẽ đối diện trước những luật
luân lý tổng quát và trong trường hợp cụ thể chủ thể đang gặp. Đó là lúc cân nhắc.
Khi đó cần chọn lựa giữa các phương tiện được đánh giá và chấp nhận là tốt, một
phương tiện tỏ ra cách cụ thể tốt nhất để thực hiện trong lúc này. Đó là lúc
phán đoán dẫn tới hành vi ý chí là sự chọn lựa.[10]
2.3. Khôn
Ngoan giúp sống điều lựa chọn
Đức Khôn Ngoan sau khi đã giúp chúng ta lựa chọn đúng điều
phải làm thì giai đoạn kế tiếp đó là chúng ta phải sống điều đã lựa chọn để đạt
tới mục đích của mình đã đề ra:
Khôn ngoan không chỉ đơn
thuần cần đến sự suy xét của lý trí nhưng mặt khác nó cần phải được áp dụng
trong hành động. Do đó, người khôn ngoan khi hành động phải hiểu biết không những
các nguyên tắc phổ biến của lý trí mà còn phải hiểu biết những nguyên tắc cụ thể
khi hành động. Những nguyên tắc cụ thể này không thể xác định bằng những con số,
nhưng chúng sẽ được cụ thể hóa qua những kinh nghiệm thực tế.[11]
Ví dụ:
Người khôn ngoan hiểu rằng không được phép gây nguy hiểm cho tính mạng con người,
khi không có lý do chính đáng (nguyên tắc phổ quát), và họ cũng phải hiểu rằng
lái xe khi say rượu là gây nguy hiểm cho tính mạng con người, mà không hề có lý
chính đáng (tình huống đặc thù). Tuy
nhiên, khôn ngoan không chỉ đơn thuần cần đến sự suy xét của lý trí, nhưng cũng
cần để cho lý trí làm chủ trên những cảm xúc tự nhiên. Điển hình như: người
khôn ngoan biết phân định đúng đối với việc sử dụng ma túy thì không tốt, người
này chọn lựa đúng là phải cai nghiện chứ không phải tiếp tục, cuối cùng là phải
sống với điều mình chọn và phải tránh xa những môi trường lây nhiễm đó thì họ mới
đạt được mục đích của họ khi sống điều mình chọn.
3.1. Khía cạnh
luân lý[12]
Phải
nói rằng hành vi nào phù hợp với đức khôn ngoan thì mới đáng gọi là tốt. Thật vậy,
một hành vi chỉ có thể được gọi là tốt khi nó tuân theo trình tự của đức khôn
ngoan: cân nhắc, suy xét, dựa theo những kinh nghiệm quá khứ, cũng như sau khi
đã bàn hỏi những người từng trải, đồng thời dự trù những bất trắc có thể xẩy ra
trong tình huống cụ thể trong cuộc sống. Ngược lại, chúng ta cần phải tránh những
quyết định hấp tấp hoặc cố chấp; tránh tình trạng lưỡng lự ngập ngừng, không
dám quyết định, hoặc quyết định nhưng không dám thi hành điều mình đã chọn.
Ngoài ra, để đạt được đức khôn ngoan thì con người cần phải sống và
nghe theo tiếng nói lương tâm, chúng ta quyết định theo lương tâm, chắc chắn sẽ
có nhiều người hiểu lầm rằng: mỗi người chúng ta được tự do quyết định theo ý
riêng của mình, nếu hiểu như vậy thì sẽ có nguy cơ ai muốn làm gì thì làm. Thật
ra không phải thế, mỗi người chúng ta phải hành động theo sự thật mà chúng ta
nhận biết, và trong đời sống luôn kiên quyết không bao giờ được phép làm điều xấu
dưới bất cứ hình thức nào.
Việc
quyết định theo lương tâm là một hành vi của ý chí, nhưng ý chí phải được lý
trí hướng dẫn. Ví dụ: Trong tiến trình của hành vi khôn ngoan, chúng ta chỉ quyết
định (tác động của ý chí) sau khi đã suy nghĩ cân nhắc (tác động của lý trí). Sự
suy nghĩ cân nhắc phải dựa trên những tiêu chuẩn khách quan (chân lý) mà chúng
ta đã biết, nhờ học hỏi hoặc bàn hỏi với những người có chuyên môn và giàu kinh
nghiệm trong cuộc sống.
Vậy
theo khoa luân lý của thánh Tôma, chúng ta không được phép hiểu đây là một nền
luân lý mệnh lệnh, nhưng là một nền luân lý đem lại niềm hạnh phúc và mục tiêu
là cuộc thông hiệp vào chính đời sống của Thiên Chúa, bắt nguồn từ lòng tin và
lòng mến.[13]
Ví dụ: Mục đích của một học sinh muốn thi đậu vào trường Y khoa thì em sẽ dốc hết
lòng thực hiện bằng cách thức khuya, dậy sớm để học hay thậm chí em còn có thể
học tới 2-3 giờ sáng em vẫn học để thi đậu vào trường đại học y khoa, đó là ước
muốn em theo đuổi và thực hiện trong đời sống của em. Hay một tu sinh, chủng
sinh muốn sống đời sống tu trì, để phục vụ Chúa cũng như anh chị em mình thì chủng
sinh hay tu sinh này sẽ dốc lòng quyết thực hiện ước nguyện của mình, cho dù học
hành khó khăn đến mấy đi nữa thì chủng sinh hay tu sinh đó vẫn học. Do đó, nền
luân lý theo thánh Tôma là nên luân lý đem lại niềm hạnh phúc và mục
tiêu là cuộc thông hiệp vào chính đời sống của Thiên Chúa, bắt nguồn từ lòng
tin và lòng mến càng trở nên nhẹ nhàng đối với những ai muốn thực hiện nó. Như
vậy, nền luân lý thánh Tôma đưa ra nhằm hướng con người đến hạnh phúc, cùng
đích, đích điểm, cứu cánh chính là Thiên Chúa, nên thực hành này sẽ giúp cho
con người trở nên nhẹ nhàng, như trong tám mối phúc thật.[14]
3.2. Khía cạnh
tu đức[15]
Các
tác giả tu đức còn cho chúng ta rất nhiều lời khuyên thực hành, để tập luyện đức
khôn ngoan trong đời sống hằng ngày cách riêng đối với thánh Tôma, ngài còn
liên kết đức Khôn Ngoan với ơn chỉ giáo của Chúa Thánh Thần. Ở đây, nguyên tắc
căn bản định hướng cho mọi hành vi luân lý là cứu cánh tối hậu. Mà cứu cánh tối
hậu đối với người Kitô hữu là chính Thiên Chúa. Vì thế, mỗi khi chúng ta bắt
tay làm việc gì, câu hỏi mà chúng ta đặt ra ở đây cho chính mình là: điều tối sắp
làm đây có làm vinh danh Thiên Chúa hay cứu rỗi các linh hồn không? Để làm được
việc này, chúng ta cần thực hiện hai bước sau:
Bước
1: Những khuyết điểm
trái ngược với đức Khôn Ngoan
Trước
tiên, chúng ta cần thanh luyện các khuyết điểm, bằng cách chiến đấu chống lại sự
‘khôn ngoan theo xác thịt’, tức là
tìm kiếm thỏa mãn những khoái lạc vật chất và thú vui trần thế; kế đến, chúng
ta cần loại trừ tính xảo trá, lường gạt, gian lận, những mưu mô quỷ quyệt, ngay
cả nhắm tới mục đích tốt, “cứu cánh không
biện minh cho phương tiện”; cần xác tín rằng sự ngay thẳng, trong sáng sẽ
mang lại những kết quả bền vững hơn là những thủ đoạn chỉ đạt hiệu quả nhất thời;
và sau cùng, chúng ta cũng cần gạt bỏ những thiên kiến và đam
mê, bởi vì những điều này sẽ làm cho phán đoán lệch lạc. Hơn nữa, chúng ta cần
tránh những quyết định hấp tấp vội vàng thiếu đắn đo suy nghĩ trong những tình huống
cụ thể xẩy ra trong đời sống.
Bước
2: Cần trau dồi
những yếu tố làm nên nhân đức
Chúng
ta cần trau dồi nhân đức bằng cách tập luyện những yếu tố cần thiết trong đời sống,
để làm nên một hành động khôn ngoan. Ví dụ: Khi gặp một vấn đề khó khăn nào đó,
chúng ta cần bàn hỏi những người có chuyên môn và có kinh nghiệm lắng nghe sự
chỉ dẫn của họ mà dốc lòng sống theo, nhưng trong đời sống người Kitô hữu chúng
ta có thể tìm kiếm khôn ngoan theo sự hướng dẫn của Thánh Thần:
Ân huệ của Thánh Thần và
ân sủng qua lòng mến mang tới cho chúng ta hoa quả khôn ngoan bằng dẫn dắt ý
chí và hành động của chúng ta về hạnh phúc chân thật của con người: đó là thông
hiệp vào sự sống của Thiên Chúa. Đức khôn ngoan Kitô đây được gọi là ‘phú ban’,
nghĩa là tuôn đổ trong ta bởi Chúa Thánh Thần.[16]
Thế nhưng, theo thánh Tôma, khôn ngoan còn liên kết với ơn
chỉ giáo, vì ơn này giúp chúng ta kiện toàn đức khôn ngoan, giúp quyết định
trong những trường hợp bất ngờ và khó khăn, đòi hỏi một giải pháp nhanh chóng,
điều này cần sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu chúng ta có thể
nhận định được điều cần phải nói và phải làm.
Ngoài
ra, thánh Giacôbê cũng tóm tắt các đặc điểm của đức khôn ngoan chân thật như
sau: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con
người trước là thanh khiết, sau là hiền hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và
sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình” (Gc
4,17). Như vậy, trong đời sống người Kitô hữu cần trau dồi những yếu tố giúp
con người đạt tới nhân đức với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, nhờ đó họ có thể
phân định đúng, chọn lựa đúng và quyết tâm sống điều mình trọn lựa một cách tốt
nhất, trước khi họ quyết định một việc nào đó xẩy ra trong những tình huống cụ
thể.
Kết luận
Tóm lại,
khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực hiện trong mọi hoàn cảnh, giúp con người
nhận ra điều kiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới. Người
khôn ngoan thì đắn đo từng bước. Thánh Tôma viết: “Khôn ngoan là quy tắc đúng đắn để hành động”. Chúng ta, không nên lầm
lẫn đức Khôn Ngoan với nhút nhát và sợ sệt, tráo trở hay giả hình. Khôn ngoan
trực tiếp hướng dẫn phán đoán lương tâm con người. Dựa theo phán đoán này, người
khôn ngoan biết cách chọn lựa và ứng xử của mình trong những tình huống cụ thể,
cũng nhờ đức tính này, chúng ta áp dụng đúng đắn các nguyên tắc luân lý vào từng
trường hợp cụ thể, và không còn do dự về điều thiện phải làm và điều ác phải
tránh[17].
Như vậy, vai trò của đức Khôn Ngoan trong việc phân định là rất quan trọng, vì
nó giúp chúng ta phân biệt tốt và xấu, trắng và đen, đúng và sai. Kế đến, đức khôn ngoan chỉ dạy cho chúng ta biết lựa chọn những phương thế tốt nhất
và điều quan trọng giúp con người sống điều mình chọn lựa và dốc lòng thực hiện cho
bằng được để đạt đến mục đích tối hậu.
[1] GLHTCG,
số 1805-1809.
[2] Lê Gia, Tiếng nói nôm na, tr 379.
[3] Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus, tr 229.
[4] Nguyễn Đức Hòa, Thần học luân lý, tr 231.
[5] TTHV Đa Minh, Ba nhân đức khôn ngoan, can đảm, tiết độ, tr 16.
[6] Phạm Quốc Văn, Tự đào tạo & đào tạo khả năng phân định, tr 32.
[7] Xc. Cn 14,6.
[8] Xc. Tv 118,98-99.
[9] Xc. Rm 12,2.
[10] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 36.
[11] Nguyễn Đức Hòa, Thần học luân lý, tr 231-232.
[12] Cao Chu Vũ, Các nhân đức luân lý, tr 80.
[13] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 30.
[14] Xc. Mt 5,1-12.
[15] Cao Chu Vũ, Sđd., tr 82.
[16] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 34.
[17] GLHTCG,
số 1806.
Đăng nhận xét