Đồng hành thiêng liêng, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa


Nếu đúng là Thiên Chúa có một ước muốn 

dành cho chúng ta thì tiên vàn đó là 
muốn thấy chúng ta sinh hoa trái.
 “Không phải anh em đã chọn thầy 
nhưng chính thầy đã chọn anh em 
và cắt cử anh em ra đi để sinh nhiều hoa trái 
và hoa trái của anh em tồn tại”
(Ga 15,16).
Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, OP.

Thiên Chúa có một ý muốn riêng cho mỗi người chúng ta không? Chắc chúng ta sẽ có câu trả lời ngay thôi, nhưng dầu gì đi nữa thì câu hỏi như thế đặt ra một cách nghiêm túc cũng có thể gây phân vân, nếu không nói là choáng váng. Có bao giờ chúng ta tự mình đặt ra câu hỏi ấy không? Chúa có ý định gì về tôi, riêng cho tôi không? Có những lúc chúng ta mong ước giá như mình dựa vào ý muốn riêng biệt của Thiên Chúa để quyết định được ơn gọi của mình. Giá mà biết mình đã được ghi vào chương trình tiền định của Thiên Chúa từ đời đời, theo đó mỗi chi tiết đời mình, vui, buồn đều đã được viết sẵn theo ý hướng của Ngài. Nhưng nếu thế thì Thiên Chúa đã đặt chúng ta trước một chương trình định sẵn phải thi hành, thế mà Ngài lại không cho phương tiện chắc chắn để biết được. Như vậy thì còn gì là tự do nữa. Chúng ta phải khổ sở biết chừng nào khi phải chọn lựa, chọn sai, chọn không đúng thời, đúng lúc sẽ là điều rất thê thảm.
Đâu là ý Chúa?
Nếu để ý đến ý định của Thiên Chúa nhưng không biết chúng ta có nằm ngoài dự tính của Chúa hay không, như vậy là chúng ta đánh mất tất cả, làm hỏng tất cả. Điều này rất dễ xảy ra vì chúng ta biết rõ đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta. Và kinh nghiệm mỗi ngày cho thấy thật là khó và gay go nếu muốn nhận ra được điều mà chúng ta gọi là ý muốn của Thiên Chúa. Và tệ hơn nữa là hình ảnh của Thiên Chúa đặt chúng ta giữa nhiều ngã đường khác nhau mà chúng ta phải chọn đúng. Chỉ có duy nhất một con đường phải theo thế mà Chúa lại không cho chúng ta phương thế để nhận ra ngả đường ấy một cách chắc chắn. Tuy nhiên chúng ta biết rõ rằng chính Chúa gọi đích danh mỗi người chúng ta, biết rằng chuyện chúng ta gặp gỡ Chúa xảy ra trên con đường riêng.
Trong Kinh thánh đầy dẫy hình ảnh những con người được gọi sống một đời sống mới với một sứ mệnh rõ, đôi khi được diễn tả trong việc đổi tên và được bảo đảm bằng lời quả quyết của Thiên Chúa. Sứ mệnh của các vị đó đáp lại một ý nghĩa riêng với Thiên Chúa. Thế thì phải chăng đó là những số mệnh khác thường? Đúng hơn các ngài không phải là những mẫu gương về chuyện tất cả chúng ta đều được Chúa gọi hay sao. Một người tâm sự với tôi: “Thưa cha, con đang phải chọn lựa, con muốn tìm ý Chúa, con không muốn chọn lầm, vì đây là điều nghiêm trọng, nhưng con không biết Chúa đợi gì ở con, nên con đến xin cha cho con biết làm thế nào để biết rõ được điều đó”.
Đặt vấn đề như thế là không cách chi mà thỏa mãn được. Ai tưởng mình trả lời dứt khoát được câu hỏi như thế thì thật là liều lĩnh. Ai có thể tự hào nắm chắc được ý của Thiên Chúa kiểu đó! Tìm ra ý Chúa là điều quan trọng, nhưng không phải là biết hết được chương trình của Thiên Chúa. Tìm ý Chúa là nhận thấy trong những ước muốn và lời cầu nguyện của chúng ta điều gì có thể bảo là do Thần Khí Chúa Kitô khơi lên. Biết được chương trình của Chúa, và nhận ra ý Chúa, là hai điều hoàn toàn khác biệt. Câu trả lời duy nhất có thể đưa ra cho những thắc mắc vừa nêu trên là thế này: Ý muốn của Thiên Chúa trước tiên không phải là con chọn điều này, chọn điều kia, nhưng là con biết dùng đúng cách, rồi chính con chọn lấy.
Sau khi suy nghĩ thẳng thắn, không vụ lợi, không ích kỷ, không sợ hãi con hãy tự chọn lấy cho mình cách thức con thích nhất để thực hiện đời mình; cũng cần để ý đến bản thân con là gì, rồi tất cả những gì liên quan đến đời con, quá khứ của con, những cuộc gặp gỡ tiếp xúc mà con đã có, con có nhận thức gì về những điều đó. Điều Thiên Chúa chờ đợi nơi con không phải là chờ đợi con đường này, con đường kia như thể là từ đời đời Chúa đã đặt trước cho con. Nhưng là ngày hôm nay con sáng chế ra câu trả lời để đáp lại tiếng Chúa gọi ngay trước mặt Chúa hôm nay. Lúc ấy thì vấn đề không còn là khám phá ra một chương trình có sẵn để chu toàn mà là làm trổ sinh một lòng trung tín. Kinh nghiệm cho thấy đó là sự thay đổi não trạng, thay đổi cái nhìn khá tận căn và thường đòi phải có thời gian.
Thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa
Khoa huấn giáo và thần học thường làm cho chúng ta nhìn Thiên Chúa một cách lệch lạc, vì Người là Đấng toàn năng nên Người thấy hết, biết hết; chúng ta dễ hiểu rằng trước mặt Thiên Chúa lịch sử nhân loại diễn ra như màn kịch viết sẵn Người không lạ lẫm gì. Trong màn kịch đó, Chúa trao cho mỗi người chúng ta một vai phụ diễn, diễn sao cho đúng hệt như Chúa đã viết sẵn từ đời đời! Hẳn là chúng ta không hoàn toàn nghĩ về Thiên Chúa như vậy đâu. Nhưng đụng đến thánh ý Chúa, đến sự quan phòng của Chúa, chúng ta khó tránh khỏi những ý niệm sai lệch. Đã hẵn là Thiên Chúa có một ý định về nhân loại, các thư thánh Phaolô, lời tựa của Tin Mừng Gioan đã diễn tả ý định đó:
Trong Đức Kitô Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,4-5). “Những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa (Ga 1,12).
Chúng ta đừng hiểu ý định này theo nghĩa Thiên Chúa Đấng hoàn toàn tự do đã tự mình ấn định cái này cái kia. Ý định của Thiên Chúa là cứu độ. Nói theo kiểu triết học, đây là hữu thể của Thiên Chuá, là sự hiệp thông sâu thẳm giữa Chúa Cha, Chúa con và  Chúa Thánh Thần.
Vì thế, đâu là ý định? Nói theo kiểu ngôn ngữ ngày nay là “hợp đồng” hay nói theo Sách thánh là giao ước. Giao ước này gom lại tất cả lịch sử, tất cả đời người, tất cả loài người nữa nhưng không chỉ là ý muốn giao ước là xong, chỉ là ước vọng được hiệp thông, hợp đồng với nhau. Nên ý định hiệp đồng đó chỉ có thể bộc lộ với những con người tự do qua tự do, không có tự do thì không có giao ước. Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng hiểu tự do một cách chính xác rất quan trọng trong mọi lãnh vực. Như vậy, đúng là Thiên Chúa có một ước muốn riêng cho mỗi người chúng ta. Nếu Thiên Chúa tỏ mình ra qua lời của Người, Lời Người nói ra thì đúng là để mỗi người chúng ta nghe được. Nếu Chúa gọi mỗi người chúng ta làm con cái của Người trong Người Con duy nhất thì đúng là Người chờ đợi chúng ta bộc bạch chính mình bằng lời nói của chúng ta, để lời của hai bên gặp nhau: lời của chúng ta và Lời của Thiên Chúa. Chúa chờ đợi mỗi người chúng ta lời đáp trả đó.

Tự do đáp trả

Việc Chúa mặc khải tình yêu của Người có thể làm lời đáp trả này nảy sinh trong chúng ta. Nhưng chính chúng ta phải nói ra, Thiên Chúa không bao giờ nói thay chúng ta. Để diễn tả một cách khác, chúng ta có thể nói rằng: khi tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Chúa, Chúa kêu gọi chúng ta từng người hãy làm sao cho hình ảnh ấy nên giống Người một cách đặc biệt. Nhất là chúng ta biết rằng hình ảnh đó đã bị lưu mờ vì tội lỗi, bây giờ phải làm sáng lên nhờ vào sự cộng tác giữa Chúa với chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu đã làm cho hình ảnh của Chúa Cha có một khuôn mặt con người riêng biệt, làm cho tiếng nói của Cha có một cung giọng độc nhất. Cũng thế, mỗi người chúng ta được gọi để hoạ lại trong đời mình sự thánh thiện, sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vậy Thiên Chúa là chính tình yêu đã đánh liều. Tôi xin phép dùng từ này, có vẻ như  nguyên nhân, nhưng mà tôi nghĩ rằng đúng như thế khi Thiên Chúa dựng nên con người, Thiên Chúa biết con người sẽ lạm dụng tự do và khước từ Chúa, thế nhưng Chúa biết rõ mà Chúa vẫn cứ làm, bởi vì tự do vẫn đẹp. Có thể là tự do đưa con người đến vấp váp, sa ngã nhưng mà chính tự do tạo nên tình yêu, tạo nên sự đối thoại. Cho nên Thiên Chúa đánh liều để gọi chúng ta tất cả với những người có những điểm giống nhau nhưng cũng rất khác nhau đi vào sự sống để rồi mời chúng ta giao ước và hiệp thông với Người. Nếu chúng ta muốn biết thực sự đặt mình trước thánh ý của Thiên Chúa thì tiên vàn phải trở về với khuôn mặt của Chúa, của Đấng giao ước, của Đấng hiệp thông, của Đấng đã dựng nên chúng ta tự do để mà trao đổi chúng ta tình yêu. Chúng ta sẽ không coi Người như một kẻ chia quyền hay một định mệnh nữa nhưng như Đấng mời chúng ta cùng sáng tạo với Người. Đó là hình ảnh của một thiên chúa tự do và tạo nên con người tự do. Bây giờ Thiên Chúa mời gọi chúng ta tham gia vào cuộc sáng tạo.
Hẳn chúng ta thuộc làm lòng bản văn Sáng thế, Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao tất cả trong tay con người, coi như Thiên Chúa đưa con người lên bằng vai Thiên Chúa để cho con người làm chủ tất cả mọi chuyện. Và công cuộc sáng tạo đó chưa xong đâu. Cho nên Chúa trao phần còn lại cho con người để con người chỉnh trang, để con người kiện toàn nó và tất nhiên trong toàn vũ trụ đã vậy, nhưng trong mỗi một con người, cuộc đời của chúng ta phải đi đến cùng một đích điểm, và cái đích điểm đó chúng ta phải đạt được ơn gọi làm người và tất cả các ơn gọi khác. Thế thì câu chuyện đó là một thứ sáng tạo và Chúa kêu gọi chúng ta tham gia. Lời mà chúng ta sẽ nói lại với Thiên Chúa đã chẳng được ghi sẵn ở đâu cả. Chúng ta cần phải đặt lại vấn đề những chuyện như thế. Không có chuyện ghi trong sách hằng sống, mặc dầu Khải Huyền đã nói tên chúng ta được ghi trong sách hằng sống thì sẽ lãnh được sự sống, cũng như chẳng ghi trong trái tim Thiên Chúa nữa. Nếu có chăng, chỉ như một điều Chúa chờ đợi - đấy là ngôn ngữ của loài người: Chúa chờ đợi, một điều Chúa hy vọng mà thôi. Thiên chúa hy vọng được nhìn thấy điều mà chính chúng ta mới là người tạo hình cho nó. Chúa cho chúng ta quyết định tạc khúc gỗ nên hình người. Chúa không mớm cho chúng ta để chúng ta nuốt, Chúa cho chúng ta món ăn để chúng ta biến chế xào xáo sao đó để ra món ăn. Đấy là tự do và trách nhiệm, là sự tôn trọng.
Ngày xưa tôi học thì được biết là Chúa ban cho mỗi người ơn đủ để lên thiên đàng, thế nhưng rồi khi lên thiên đàng không chỉ có ơn đủ mà phải có ơn dư nữa. Thế là cái gì đủ mà lại không đủ. Đủ nhưng lại không thể lên thiên đàng với ơn đó mà cần phải có ơn khác, thế thì chuyện đó rắc rối vô cùng. Mỗi người đều được trao những nén bạc, đó là ơn đủ; nhưng anh chiếm giữ tự do của anh để làm gì? Anh có phải là con người nữa không, đó là vấn đề. Thánh kinh nói về việc tiền định của Chúa chỉ có tích cực thôi.[1] Trong đó không có hoả ngục, hoả ngục là tự anh đặt ra mà thôi. Ngay cả trong Tin mừng, tội nặng nhất là anh chửi người ta là đồ ngốc, đồ ngu, vô thần; thế thì đại khái anh sẽ bị lửa hoả ngục. Thực ra, hoả ngục đây chính là cái suối nơi người ta vẫn thiêu sống bao mạng người để tế thần. Thiên Chúa không làm ra hoả ngục theo kiểu nghĩ của con người.
Chúng ta xác tín rằng chắc chắn Chúa có những chương trình cho mỗi người chúng ta, nhưng để thực hiện những chương trình đó, chúng ta phải sáng tạo; bởi lẽ Thiên Chúa không có sẵn đó một chương trình để rồi mỗi chúng ta chỉ cần nhắm mắt làm theo. Thật vậy, Chúa kêu gọi chúng ta sáng tác, Chúa kêu gọi chúng ta sáng tạo, sáng tạo đời mình, sáng tạo những chuyện làm nên đời mình. Thế thì trong chương trình sáng tạo kiện toàn con người, Chúa chờ đợi, Chúa hy vọng. Chúng ta được gọi để trở nên niềm vui cho Chúa bằng lời đáp trả quảng đại và có chất lượng, thật là điều cao cả và cũng là rất phiêu lưu. Phiêu lưu theo nghĩa là mình có thể biết rõ những điều mình dâng cho Chúa nhưng mà mình mang trong mình tất cả những sự trì trệ. Cho nên làm sao đó để dám dấn thân khi mà mình đã biết, theo lòng mình, theo ước vọng của mình muốn dấn thân trong con đường đó, cái kiện toàn đó. Những chọn lựa của chúng ta lúc ấy không phải là do chúng ta sáng tạo ra từ hư không (từ này cần để ý). Tôi vừa nói lúc nãy là Chúa ban cho chúng ta miếng thịt, chúng ta phải nấu món ăn, Chúa ban cho chúng ta cái vốn để kinh doanh có lời. Thì tất cả mọi chuyện là như thế bởi vì con người tự do, con người có trách nhiệm, và điều quan trọng nhất là trong tự do có trách nhiệm, trong tình yêu, con người đáp trả.
Chúng ta chỉ chế biến từ những nguyên liệu có sẵn, tức là Chúa ban cho vốn: từ tính khí, khả năng… chúng ta biến chế thành những cái mà muốn dâng cho Chúa. Trong công việc này chúng ta không thể làm hết mọi chuyện. Nhưng cái mà người ta gọi là sâu bệnh, có thể được chúng ta cho nó một ý nghĩa, một dung mạo cụ thể. Một đàng thì người ta gọi là Chúa định theo nghĩa bình dân, một đàng gọi là số mệnh, thế thì ở giữa hai cái đó chúng ta phải làm sao để cho đó không phải chỉ là một việc do mình Chúa làm, như thể chúng ta phải chấp nhận không thể thay đổi được, vì nó là số mệnh.
Trong công việc sáng tạo, cá nhân đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi, có Thánh Thần, có Tin mừng, có Hội thánh hỗ trợ chúng ta. Đó là những phương tiện chúng ta sáng tạo cuộc đời, để chúng ta tham gia vào công việc của Chúa trong đời chúng ta. Thần khí hỗ trợ chúng ta không phải như một sức mạnh áp đặt lên chúng ta tự bên ngoài, nhưng như là một nghị lực nội tâm được khơi lên trong chúng ta. Khi chúng ta đón nhận lời Thiên Chúa, tham gia vào đời sống của Hội thánh, chúng ta thấy thánh Phaolô nhấn mạnh sự hiện diện Thánh Thần tác động trong con người, trong hết mọi chuyện. Thánh Thần đóng vai trò hướng dẫn chúng ta. Tin mừng cũng sẽ không áp đặt điều chúng ta phải chọn, nhưng Tin mừng mở rộng chân trời cho chúng ta ước muốn.
Chúa Giêsu kêu gọi người này người kia, ai đón nhận lời Chúa thì suy tư, cầu nguyện, bàn hỏi... để làm sao đó lời mình nghe trở thành điều ước muốn dâng cho Chúa, sinh hoa trái dâng cho Chúa. Luật dạy con người xưa rằng…, còn Thầy Thầy bảo anh em: Trước hết hãy tìm Nước thiên Chúa và đức công chính (Mt 5 ;6, 33); Thầy ở đâu Thầy cũng muốn anh em ở đó. Chúa Giêsu ngụ ý: ý muốn của Cha Thầy là anh em sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại (Ga14,3; 15,16). Tin mừng không nói riêng với chúng ta rằng chúng ta phải làm gì, bởi vì Chúa Giêsu chỉ đưa ra nguyên tắc để kêu gọi, Chúa tôn trọng tự do. Nhưng Tin mừng, trong mọi sự, kêu gọi chúng ta nên trọn lành trong đức ái: anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành; hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em; ai không thật lòng tha thứ cho anh em mình thì... (Mt 5; Ga 15). Đọc Tin mừng, chúng ta tự rút ra điều chúng ta chọn lựa và phải thấy đó là một điều Chúa tín nhiệm mình.
Hội thánh cũng mời gọi chúng ta lãnh nhận những tác vụ, chấp nhận dâng hiến cuộc đời phục vụ dưới hình thức này, hình thức khác. Những hình thức khác trong dòng này dòng kia hay phục vụ ngoài đời… tất cả những điều đó, Hội thánh quan tâm đến như là những ơn gọi. Thế nhưng với những nhu cầu nào đi nữa, không khi nào Hội thánh đưa ai vào một con đường riêng mà không để họ tự do chấp nhận. Ví dụ, trong dòng Đaminh, trước kia chúng tôi có một lời cam kết rằng một khi khấn trọn, nghĩa là sẵn sàng lãnh tác vụ theo ý bề trên. Tôi nghĩ là tinh thần lời khấn đó vẫn còn nguyên giá trị, tuy Công đồng Vatican II chỉ thị rằng tất cả những người quyết định đi thêm một bước nữa trong đời, dù chúng ta đã khấn trọn đời và có một lời ràng buộc, thì chúng ta vẫn phải làm đơn để xin chịu chức. Vậy, Hội thánh vẫn nhấn mạnh việc chọn lựa. Chúng ta biết trong Giáo phận người ta rao tên những người tiến chức, còn trong các Dòng tu, chúng ta thường bỏ phiếu cho những anh em xin lãnh tác vụ thánh. Có nhiều người nghĩ rằng khấn trọn là mình xuôi, là đương nhiên được chịu chức…
Để giúp chúng ta đáp lại ơn gọi, Hội thánh liên kết chúng ta với cả một gia đình tu trì; một gia đình chứng nhân đông đảo trong đó Hội thánh muốn chúng ta nhìn nhận những người đó là anh em của mình. Trước mặt chúng ta, đời sống của họ, sự chọn lựa của họ, tất cả đều là lời mời gọi, không phải để chúng ta nhái lại hay bắt chước theo dáng vẻ bề ngoài, nhưng là để chúng ta đi theo. Thánh Inhaxiô, thánh Phanxicô, thánh Đaminh… đều là những con người độc nhất và không thể bắt chước được, nhưng cuộc đời của các ngài là lời mời gọi chúng ta biết nghĩ lại, hay sáng tác ra câu trả lời khả dĩ tôn vinh Thiên Chúa. Vì nếu chúng ta tìm cách nhìn lại xem các ngài đã sống thế nào thì chúng ta sẽ phát giác ra rằng không có gì khó dự đoán trước, không có gì ít được phác thảo sẵn cho bằng đời sống của các vị. Các ngài đã hết lòng tìm kiếm thánh ý Chúa, đã ý thức rất rõ mình đã được tình yêu của Thiên Chúa gợi ý và đón nhận trước. Các ngài không ngừng xác tín về tình yêu khi dâng lời cảm tạ Chúa. Khi phải chọn lựa, các ngài cũng đã quờ quạng, lưỡng lự, đôi khi cũng đã hoài nghi nhưng cuối cùng đã tin tưởng để cho Thánh Thần hướng dẫn tới nước Thiên Chúa. Các biến cố có rất nhiều và khác nhau xảy ra trong cuộc đời, các ngài đã biến thành hồng ân, vì các ngài biết ngợi khen Thiên Chúa trong khi gặp thử thách cũng như lúc thành công. Tính cách liên tục và mạch lạc của đời sống các thánh làm chúng ta thán phục nhưng chỉ sau này chúng ta mới thấy rõ, khi chúng ta nhìn xuyên suốt toàn bộ cuộc hành trình thất thểu của các ngài trên dương thế.
Điều nổi rõ trong đời của các thánh không phải là việc lên chương trình chặt chẽ nhưng là cách thức phản ứng tốt đẹp trước các biến cố xảy ra bất kể là biến cố gì. Pascal nói rằng, các biến cố là những bậc thầy Thiên Chúa ban cho chúng ta để dạy chúng ta phụng sự Người. Chúng ta phải hiểu các biến cố không phải là cái khung Chúa nhốt chúng ta vào đó. Các biến cố không làm cho ai nên thánh. Chúa ban các biến cố cho chúng ta để chúng ta biến nó thành chất liệu gầy dựng nên lời đáp lại tiếng Chúa gọi. Lời đáp này hẳn sẽ mang dấu vết của những biến cố đã trải qua nhưng nhất là nó mang dấu ấn con người chúng ta khi chúng ta lãnh trách nhiệm về lời đáp ứng nó. Trong điều kiện tệ nhất xét về mặt con người, tình yêu vẫn có khả năng làm bộc phát sự thánh thiện. Chứng cớ rành rành là cuộc sống của những người chia sẻ với những người sống bên lề xã hội và những người cô thế cô thân, những người bị kẻ khác loại trừ…
Thay vì nói đến thánh ý Chúa dành riêng cho mỗi người chúng ta thì Hội thánh khi dạy chúng ta về mầu nhiệm các thánh cùng thông công cũng nhắc chúng ta nhớ rằng đúng hơn phải nói đến chuyện mỗi người chúng ta trả lời riêng thế nào cho điều Chúa muốn về chúng ta.

Hai bên tự do đối thoại

Tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn đi trước. Về điểm này chúng ta không bao giờ ý thức hết và cảm tạ Chúa cho đủ được. Nhưng như thánh Phaolô nhắc cho chúng ta Tình Yêu này đã tự hủy mình ra không (Pl 2,7). Vì quyền tự do riêng của chúng ta, Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận tôi tớ từ muôn đời. Điều này có nghĩa là khi kêu gọi chúng ta hiệp thông, Thiên Chúa chỉ muốn thừa nhận quyền tự do của chúng ta, mở rộng chân trời để tự do bung ra đến vô tận. “Hãy ở lại trong Thầy như thầy ở lại trong anh em. Thầy đã nói với anh em điều đó để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được  nên trọn vẹn” (Ga 15,4;11). Nếu đúng là Thiên Chúa có một ước muốn dành cho chúng ta thì tiên vàn đó là muốn thấy chúng ta sinh hoa trái. “Không phải anh em đã chọn thầy nhưng chính thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em ra đi  để sinh nhiều hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Không gì rõ hơn nữa để nhấn mạnh hai điều một trật, đó là Thiên Chúa có ước muốn trước và điều Người mong muốn sâu xa là chúng ta lãnh nhận tự do của mình một cách trọn vẹn, tức chấp nhận trách nhiệm của mình.
Tình yêu thúc đẩy chính tình yêu. Tự do của Chúa cũng khơi lên tình yêu của chính chúng ta. Cho nên muốn đánh giá phẩm chất thiêng liêng của việc tôi đáp lại tiếng Chúa thì cũng cần xem tôi tự do tự nguyện đến mức nào. Sự đáp trả ấy có phải là hoa trái của một quyết định tự do sâu xa không? Nó có tác động từ một cuộc đời tự lãnh trách nhiệm về chính mình không? Tôi sẽ nhận ra rằng quyết định của tôi hợp ý Chúa nếu tôi nói được rằng nó làm cho tôi tự do hơn, nghĩa là nếu quyết định ấy tạo cho đời tôi có mạch lạc và có ý nghĩa, nếu nó nhất quán quá khứ của tôi bằng cách mở lối cho quá khứ đi vào tương lai. Điều đó sẽ làm hiện rõ lên trong ký ức của tôi những mối liên lạc mà trước kia tôi chưa nhận ra, sẽ ráp lối lại những cái hay cái dở có vẻ như rời rạc của tôi trong một sự liên tục mới mẻ. Nói cho cùng, đây là sự gặp gỡ, sự hiệp thông giữa hai ý muốn tự do trong một công việc chung.

Chọn lựa vì lợi ích của “toàn thân là Giáo hội”

Phải nói cho rõ khi đề cập đến ý của Thiên Chúa riêng về mỗi người chúng ta. Trong Sách thánh ơn gọi nào cũng được cá biệt hóa, tức là Chúa trao cho người việc này, người việc kia, Chúa gọi người này người kia trong từng hoàn cảnh rất cụ thể. Ơn gọi những con người, ơn gọi từng dân tộc, ơn gọi nào cũng cá biệt. Nhưng thánh Phaolô lại lưu ý chúng ta rằng, tất cả mọi ân điển đều được Thiên Chúa ban vì lợi ích của toàn thể. Mở lại những trang sử cứu độ chúng ta thấy xuất hiện ở những giai đoạn chính, các nhân vật như Abraham, Môisê, Đavít, các ngôn sứ… vị nào cũng có một sứ mệnh riêng rất rõ. Thế nhưng nếu không quy chiếu về vị trí của mỗi vị trong lịch sử chung thì chẳng sao hiểu được vị nào là ai.
Trong cuộc hành trình của dân Thiên Chúa về nước trời, chỉ trong sự các thánh cùng hiệp thông chúng ta mới hiểu được điều ấy. Vì thế muốn nhận ra thánh ý Thiên Chúa về đời tôi, tôi phải luôn luôn tự hỏi đâu là chỗ của tôi trong Hội thánh. Không hẳn là chỗ được chỉ định cho tôi, nhưng là chỗ tôi có thể và tôi muốn lãnh nhận. Vì lợi ích của toàn thân thể Chúa, tôi sẽ là thành viên nào đây? Câu trả lời tùy vào tôi và Thiên Chúa chờ ở tôi câu trả lời đó, vừa quảng đại, vừa mới mẻ, để Người được vui vì có tôi tới với Người, cũng như vui vì tôi tự do đáp lời Người.

Kết luận

Thiên Chúa có một ý định riêng cho mỗi chúng ta không? Trong cuộc đời chúng ta, chúng ta phải nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa và thật sự là khờ dại nếu bảo rằng Thiên Chúa chẳng gọi gì cả. Thiên Chúa vẫn không ngừng dùng lời của Chúa để tạo dựng chúng ta, chúng ta chỉ hiện hữu trong lời của Chúa. Việc của chúng ta là nhận ra những lời nói dưới nhiều dạng khác nhau tỏ cho chúng ta lời tạo dựng của Chúa. Thường thường khi tìm cách nhìn lại cuộc đời mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, khi nhớ đến tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa đối với chúng ta thì chúng ta sẽ nhạy cảm đối với những lời Chúa gọi chúng ta.

Không hẳn là Chúa xác định rõ điều người muốn, bộc lộ thành luật sống cho chúng ta, nhưng những lời mời gọi ấy sẽ cho thấy Chúa muốn gì, Người chờ đợi và hy vọng gì ở chúng ta. Chung quy là Người muốn thấy chúng ta khám phá dần dần điều chúng ta phải trả lời cho Chúa. Vậy thì chúng ta hãy chấp nhận sẽ có những do dự, những thất bại, những chuyện hàm hồ khi chúng ta chọn lựa, nhưng không hề khổ sở và lo lắng. Thiên Chúa thật can đảm, Người có thể biến chính những lầm lỗi của chúng ta thành một tiếng gọi. Trong nhà của Cha có nhiều chỗ ở, Chúa chờ đợi chúng ta dọn chỗ lấy cho mình ở đó và Người ở bên cạnh để làm việc này với chúng ta. Hình ảnh Thiên Chúa cần phải được hiểu cho đúng. Chúng ta trở thành những con người đồng sáng tạo với Chúa vì thế chúng ta phải đối thoại với Chúa để làm công việc đó và chúng ta phải nghĩ đến cộng đoàn để làm những việc đó.





[1] Có nhiều quan niệm về ơn Tiền định. Tiền định theo Sách thánh: là tất cả những tích cực - Rôma 8, 27-20, tất cả những ai yêu mến Thiên Chúa thì mọi chuyện Chúa có cách lèo lái để lợi ích cho người đó, tất nhiên không làm mất tự do.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn