Các mối tương quan trong việc đồng hành thiêng liêng


Những mối tương quan thân tình 
thật sự là kho tàng quý giá nhất của mỗi con người. 
Nó có khả năng làm cho người ta vơi đi những nỗi buồn cùng cực và làm cho những niềm vui nho nhỏ được nâng lên, 
cách đặc biệt là qua sự giúp đỡ, 
gặp gỡ, hướng dẫn của vị đồng hành 
thì người được đồng hành tìm ra niềm vui và lý tưởng sống 
đúng đắn với phẩm giá và ơn gọi của mình.

Phaolô Hoàng Văn Diệm, Dòng Thánh Tâm Huế
Antôn Phạm Văn Hưng, Dòng Thánh Tâm Huế


Người Á Đông có câu “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Hội đủ ba yếu tố đó, con người sẽ hạnh phúc. Nhưng làm thế nào để có được sự hòa hợp “Thiên – địa – nhân” này? Câu trả lời không ở đâu khác ngoài Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người mở ra một “thời đại mới”, thời của tình yêu, của niềm vui cứu độ. Con Người đó, Đức Giêsu Kitô, sẽ nối trời với đất, biến đổi những tâm hồn chai đá và thiết lập một triều đại thái bình thịnh trị, nơi mà Thiên – địa – nhân hiệp nhất với nhau. Công cuộc hiệp nhất toàn diện ấy được thực hiện nhờ Đức Giêsu hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần, và cùng với Ngài, con người và vũ trụ cũng đi vào mối hiệp nhất ấy. Có thể nói, chính sự hiệp nhất này làm cho mối tương quan Ba Ngôi thêm khắng khít, bền chặt và không thể tách rời. Cũng vậy, khi nói đến mối tương quan Ba Ngôi, thiết nghĩ, chúng ta không thể không nói đến các mối tương quan giữa Thiên Chúa, người đồng hành và người được đồng hành. Bài viết sau đây đề cập ba mối tương quan đó: mối tương quan Ba Ngôi, tương quan giữa Thiên Chúa và con người, tương quan giữa người đồng hành và người được đồng hành.

Trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi ngôi vị thần linh nắm giữ một sứ mạng riêng, nhưng lại hiệp thông nên một trong mối tương quan cách tuyệt hảo. Với tư cách riêng của mình, trong chương trình cứu độ, Chúa Cha nắm giữ vai trò nguồn gốc và sáng tạo; Chúa Con nắm giữ vai trò trung gian và cứu độ; Chúa Thánh Thần đảm nhận vai trò thánh hóa và hoàn tất. Nói cách khác, vai trò của từng Ngôi vị có thể được diễn tả theo công thức “hữu – chân – ái”. Chúa Cha là Đấng sáng tạo làm cho mọi sự được hiện hữu từ hư vô (x. St 1,1-27); Chúa Con liên hệ tới chân lý, Người vốn là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), Đấng mạc khải chân lý và giúp con người nhận biết chân lý; còn Chúa Thánh Thần liên hệ tới “tình yêu”, vì Người vốn là Ngôi Vị Tình Yêu của Thiên Chúa được đổ vào lòng chúng ta (x. Gl 5,5) để đồng hành với mỗi người.
Khi nói đến chiều kích của Ba Ngôi trong các mối tương quan, chúng ta thấy Ba Ngôi luôn liên kết với nhau cách khắng khít, bền chặt và không thể tách rời. Và điều này được thể hiện một cách rõ nét và cụ thể nơi Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã làm nổi bật mối tương quan giữa Ba Ngôi qua sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Thánh Gioan đã ghi lại sự kiện này: “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người (x. Ga 8,28-29). Đức Giêsu Kitô là gương mẫu sống đức vâng phục. Đức Giêsu hằng vâng nghe Chúa Cha: “Lương thực của Người là thực thi thánh ý Cha” (x. Ga 4,34). Người không thực hiện ý riêng của mình nhưng là thánh ý Cha, đến độ nhận uống chén đắng (x. Mc 14,36). Thế nhưng, sự vâng phục này là vâng phục tình yêu, nhờ đó mà Người hiệp thông với Thiên Chúa và với con người.
Đức Giêsu không những vâng phục thánh ý Chúa Cha, mà Ngài còn vâng phục trong Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã luôn hiện diện với quyền năng và hành động của Ngài trên Chúa Giêsu. Và cũng chính Thánh Thần đã thúc đẩy Đức Giêsu vào trong sa mạc để Người ở lại đó suốt bốn mươi đêm ngày. Cả ba Tin mừng Mátthêu, Máccô và Luca đều thuật lại phép rửa của Đức Giêsu và nói đến thời gian Người ở trong hoang địa và bị quỷ Satan cám dỗ. Chính nơi đây, Chúa Thánh Thần đã hoạt động quyết liệt nơi con người Đức Giêsu, và giúp Đức Giêsu chiến thắng trong cuộc đối đầu với Satan.[1]
Có thể nói, mối tương quan Ba Ngôi chính là khuôn mẫu của mọi mối tương quan. Bởi nơi Ba Ngôi luôn có sự gắn bó mật thiết với nhau và không có gì có thể tách rời. Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi: Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa Cha-Con là Thánh Thần.
Thiên Chúa tương quan với người đồng hành
Khi nói đến mối tương quan giữa Thiên Chúa với người đồng hành, điều trước tiên chúng ta cần bàn đến đó là người đồng hành cần tạo mối giây liên kết thân tình với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Yếu tố quan trọng nhất trong việc đào tạo thiêng liêng là cầu nguyện, vì việc cầu nguyện nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng; cầu nguyện là dấu hiệu sự sống trong đời sống thiêng liêng; cầu nguyện là hiện diện trước tôn nhan Chúa và sống tương quan hiệp thông với Ngài[2]. Do đó, người đồng hành cần kết hiệp với Chúa mỗi ngày để kín múc sức sống từ Chúa, vì đây là cách biểu lộ đặc biệt đức tin và đức cậy của chúng ta nơi Chúa, sẽ không bao giờ kết thúc.
Thứ đến, tương quan giữa Thiên Chúa với người đồng hành còn là tương quan trong sự thinh lặng nội tâm. Người đồng hành cần tạo sự thinh lặng nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa và kết hợp mật thiết với Ngài qua từng phút giây của cuộc sống. Có thể nói, sự thinh lặng là điều kiện thiết yếu cho đời sống nội tâm. Trong bối cảnh ồn ào và náo động như bối cảnh xã hội chúng ta, thinh lặng là bầu khí thiêng liêng cần có để có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và để cho sự hiện diện của Thiên Chúa có thể xâm chiếm mình.[3] Vì thế, sự thinh lặng là điều rất cần thiết để người đồng hành có thể kết hiệp với Chúa, nhận ra thánh ý Người và thực thi điều Người chỉ dạy.
Tiếp theo, tương quan giữa Thiên Chúa với người đồng hành còn là tương quan trong sự lắng nghe. Biết lắng nghe là điều cần thiết để có thể có được những cơ sở cho sự phân định. Nếu không biết lắng nghe, thì đâu còn chỗ cho Thánh Thần hoạt động nữa. Thánh Phaolô dạy: phải tôn trọng sự hoạt động tự do của Thần khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri mà phải biết cân nhắc cẩn thận và sẵn lòng đón nhận.[4] Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, ngài đã hướng dẫn rằng: “Chỉ nên có hai ba người lên tiếng thôi, còn những người khác thì phân định.[5] Đặc biệt khi thấy một Thần khí thúc đẩy ta làm điều gì mà gặp phải sự bất thuận hay cản trở của cộng đoàn thì cần phải xét lại mình để xem đó có phải Thần khí của Thiên Chúa hay không.[6]
Sau cùng, tương quan giữa Thiên Chúa với người đồng hành còn là tương quan trong sự chiêm niệm. Theo truyền thống Kitô giáo kinh điển, chiêm niệm là gì? Thánh Inhaxiô thành Loyola cho rằng: chiêm niệm là cầu nguyện mà không có hình ảnh hay tưởng tượng, nghĩa là cầu nguyện mà không cố tập trung suy nghĩ và cảm giác vào Thiên Chúa hay những sự thánh thiện. Chiêm niệm là cầu nguyện một mình với ý hướng hiện diện với Thiên Chúa mà thôi, và bỏ qua mọi thứ khác, kể cả những suy tư sốt sắng hay những cảm giác thánh thiện, để rồi đơn giản ngồi trong bóng tối, trong một sự vô thức có chủ ý sao cho không thúc đẩy hay tận hưởng mọi suy nghĩ, tưởng tượng và cảm giác về Thiên Chúa, và mọi suy nghĩ cảm giác khác nữa.[7]
Nói cách khác, chiêm niệm là đặt mình trước mặt Chúa. Khi đó cuộc sống tương giao với Thiên Chúa giống như những đứa con đang ở trong gia đình với cha mẹ mình. Dù có thể không giao tiếp, không có những câu chuyện rôm rả thì người đó vẫn đang thực sự ở trong gia đình và có thể nói chuyện với cha mẹ hay lãnh ý các ngài bất cứ lúc nào. Con người sống trong chiêm niệm cũng có được mối tương quan với Chúa cách mật thiết như vậy. Chính nơi tình thân mật này mà chúng ta sẽ tìm được bí quyết của một sự chấp nhận vô điều kiện những sự can thiệp của Người. Những sự chấp nhận này sẽ là hoa trái của lòng chúng ta kiên nhẫn chăm chú tìm gặp lại Người và sống với Người.[8] Và đây trở thành cơ hội cho Thánh Thần Chúa làm việc nơi chúng ta.
Như vậy, người đồng hành cần tạo lập cho mình mối tương quan liêng thiêng thân tình với Thiên Chúa mỗi ngày, để rồi tập trung lắng nghe, và để Thiên Chúa hướng dẫn và nói qua mình vào những lúc quyết định. Với một cảm thức trực giác trong đời sống cầu nguyện, người đồng hành cảm nhận được rõ ràng và sống động sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, để rồi từ đó có thể trở nên sự hiện diện đem lại an bình, tin tưởng và trở nên gương mẫu cho người thụ hướng.
Thiên Chúa  tương quan với người được đồng hành
Mỗi chúng ta đều có những quan niệm khác nhau về Thiên Chúa. Có người cho rằng Thiên Chúa là người cha nghiêm khắc; người khác lại cho rằng Thiên Chúa là người mẹ dịu hiền; người thầy mẫu mực, hoặc như người bạn… Cho nên con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua nhiều hoàn cảnh, cách thức và những biến cố khác nhau. Nhưng thiết nghĩ, những nẻo đường cầu nguyện vẫn là phương thế mà con người có thể dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa, tương quan với Người. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong bài giảng của mình như sau: gặp gỡ Thiên Chúa trong khi chúng ta cầu nguyện là phương tiện để thay đổi cuộc sống chúng ta”.[9]
Một ví dụ điển hình là câu chuyện thánh Phaolô thành Tarsus, kẻ bách hại Kitô giáo đã trở thành một Tông Đồ, khi ông đến thành Đamát. Đức Thánh Cha gọi đó là “cuộc gặp gỡ đầu tiên” khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, thì lúc đó mối tương quan giữa người được đồng hành với Thiên Chúa luôn khăng khít và thân tình, để cùng với ơn Chúa Thánh Thần, người thụ hướng quyết tâm “thay đổi cuộc sống” theo thánh ý Thiên Chúa. Thật vậy, khởi đi từ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa qua cầu nguyện, người thụ hướng sẽ có thể dễ dàng nhận ra được ý Chúa hơn. Đây là một bổn phận phải làm của người thụ hướng vì “không ai có thể cầu nguyện cho chính đương sự, không ai có thể khao khát thay cho đương sự và không ai có thể gặp gỡ thay cho đương sự”.[10] Có thể nói, cầu nguyện chính là lối ngỏ giúp người thụ hướng có thể tiến bước xa hơn trên hành trình tâm linh, và như vậy việc đồng hành thiêng liêng mới có thể đạt kết quả tốt.
Tương quan giữa Thiên Chúa và người được đồng hành còn là tương quan trong cảm nghiệm riêng tư về Người. Thánh Gioan đã cảm nghiệm về Thiên Chúa trước hết từ chỗ “nghe, nhìn, chạm” đến chỗ cảm nghiệm thâm sâu gọi là “hiểu biết”. Nghe: là việc khởi đầu cho cuộc gặp gỡ Đức Giêsu và là thái độ căn bản cho hành trình đức tin. Nhìn: cần biết rằng “nhìn” thấy ông Giêsu xuất thân từ Nazarét, ta nhìn nhận Người đến từ Thiên Chúa Cha. Biết: là một hành vi tri thức và là một cảm nghiệm thân tình, nhất là cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, Thánh Gioan đã cảm nghiệm về Thiên Chúa bằng chính trái tim của mình. Có thể nói, kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi Thánh nhân không dựa trên sách vở, trên kiến thức khoa bảng, nhưng là kinh nghiệm về một cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa: khi thì dịu dàng, êm đềm, khi thì giận dữ, buồn rầu, khi thì nhiệt tình cảm thông.[11]
Cuối cùng, làm sao người thụ hướng phải tạo được mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, đặc biệt phải thấy được Đức Giêsu có ý nghĩa gì trong cuộc đời mình. Lúc cô đơn khắc khoải, người ta có thể thấy Người lấp đầy những khát vọng của lòng mình. Trong khoảng lặng của sự cô đơn, người ta nhận ra Đức Giêsu là bạn của mình; lúc cuộc đời sóng gió, cô đơn tuyệt vọng, đêm tối dày đặc, ta lại thấy được ánh sáng linh diệu xuyên thấu tâm hồn mình.

Khi nói đến mối tương quan giữa người đồng hành và người được đồng hành phải là mối tương quan liên nhân vị; mối tương quan này không loại trừ sự lệ thuộc lẫn nhau nhưng vẫn giữ được nét độc đáo của mỗi cá vị.[12]
Mối tương quan liên nhân vị trong đồng hành
Tương quan liên nhân vị là mối tương quan giữa hai chủ thể chứ không phải giữa chủ thể và đối tượng; điều này giả thiết là phải có sự chân thành, tôn trọng và yêu thương chân chính, nghĩa là mỗi bên phải coi nhau như chủ thể độc đáo bất khả thay thế. [13]
Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, mối tương quan liên nhân vị này có thể diễn tả như một nỗi khao khát cuộc sống tròn đầy, ước mong một tình huynh đệ, điều này đẩy chúng ta đến với người khác, đón nhận nhau. Vì tự bản chất con người là hữu thể có tương quan, tìm sự tròn đầy qua tương quan liên vị được gợi hứng bởi tình yêu, hiệp thông mời gọi thắt chặt các tương quan liên vị bằng sự tôn trọng, cảm thông, lắng nghe, cởi mở... Tất cả những tương quan đều phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta đáp trả lời mời gọi của Người bằng hành động yêu thương, làm cho chính mình và tha nhân thành thụ tạo mới, có khả năng yêu thương và đối thoại.[14]
Trong cùng một niềm tin, chúng ta có sự liên đới, lệ thuộc lẫn nhau để cùng vượt qua những khoảng cách (văn hoá, kiến thức, sắc tộc, màu da, vùng miền...) để đến với người khác trong yêu thương và tôn trọng. Cũng trong cùng một niềm tin, chúng ta đón nhận nhau như là quà tặng của Thiên Chúa.
Là người đồng hành, tương quan với Chúa, với mình, với anh em, phải có kiến thức và kinh nghiệm, có cái nhìn cảm thông. Tôn trọng người thụ huấn “là tình bạn” tạo tin tưởng, công bằng, khôn ngoan, cẩn mật, tránh lạm dụng; có kỷ luật tự do trong trách nhiệm. Chúng ta hãy để lại dấu ấn tình thương trong tương quan với người được đồng hành. Chúng ta không nên áp đặt, mà cần có sự trao đổi ý kiến để đi đến quyết định chung. Có những trường hợp đặc biết thì cần quan tâm nhiều hơn để thấu hiểu những nguyên nhân sâu xa. Cần trang bị và giúp người thụ huấn quân bình giữa nền tảng giáo lý và kỹ năng sống.
Và điều không thể thiếu là chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần để Người soi sáng hướng dẫn giúp đỡ. Phía người đồng hành được sáng suốt để hướng dẫn, người thụ hướng được ơn can đảm để nói lên sự thật câu chuyện của đời mình, đồng thời dám chấp nhận sự thật để chọn lựa hay sửa đối đời mình theo đúng với thánh ý của Thiên Chúa.
Mối tương quan thân tình bằng hữu
Mối tương quan thân tình bằng hữu trong việc đồng hành, không phải là một mối tương quan khép kín, nhưng là mối tương quan mở rộng, mối tương quan thân tình để hai người dể dàng gặp gỡ, khơi chuyện, đặc biệt đối với người được đồng hành họ cảm thấy nơi vị đồng hành của mình, một sự quan tâm, yêu thương để họ dễ dàng thộ lộ câu chuyện ưu tư của đời mình, để được vị đồng hành hướng dẫn giúp đỡ họ.
Chính vì mối thần tình đó mà trong Tin mừng Gioan có đoạn viết rằng: “Thầy không con gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì thầy nghe được nơi cha thầy, thầy đã cho anh em biết.[15]
Quả vậy, sự gặp gỡ, quan tâm, sẽ dẫn đến hiểu biết về nhau nhiều hơn, để rồi thắt chặt mối tương quan với nhau, cùng hỗ tương cho nhau thăng tiến trong đời sống tâm linh và ơn gọi làm người, làm con Chúa. Có thể nói được rằng, chúng ta đang sống trong một nền văn minh hiện đại với rất nhiều thành tựu ấn tượng trong khoa học và công nghệ tin học đã làm cho con người ngày càng dễ giao tiếp, liên lạc với nhau hơn. Thế nhưng, nó cũng làm cho mối tương quan giữa người với người ngày càng giảm đi độ sâu sắc đậm đà của tình người. Người ta có thể làm bạn với máy tính mà lãng quên đi người bạn bằng xương bằng thịt. Người ta có thể cầm smart phone cả ngày, nói chuyện với người ảo mà quên đi người thật đang hiện diện bên cạnh mình. Người ta dễ dàng ưa chuộng và gầy dựng những mối tương quan ảo mà thờ ơ, dửng dưng với mối tương quan thật sự.
Có những cuộc tiếp xúc, nhưng không mang đến sự gặp gỡ. Có những sự gặp gỡ nhưng không mang lại sự nối kết dài lâu. Có những sự nối kết dài lâu, nhưng không mang lại sự thân tình. Có những sự thân tình nhưng lại thiếu sự đón nhận, hy sinh vun đắp. Một cuộc gặp gỡ lý tưởng phải là cuộc gặp gỡ kèm theo sự nối kết dài lâu, thân tình, và sự hy sinh như là một bằng chứng của lòng yêu mến trân trọng thật sự.
Ngạn ngữ Nam Mỹ có câu: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn đi xa, bạn hãy đi với người khác”. Những mối tương quan thân tình thật sự là kho tàng quý giá nhất của mỗi con người. Nó có khả năng làm cho người ta vơi đi những nỗi buồn cùng cực và làm cho những niềm vui nho nhỏ được nâng lên, cách đặc biệt là qua sự giúp đỡ, gặp gỡ, hướng dẫn của vị đồng hành thì người được đồng hành tìm ra niềm vui và lý tưởng sống đúng đắn với phẩm giá và ơn gọi của mình.
Mối tương quan trong tự do và “hỗ tương”
Tự do là cửa ngõ dẫn vào các mối tương quan, và nhờ tự do mối tương quan có thể lớn mạnh. Mối tương quan tự do sẽ đưa con người đến những chân trời rất xa, nhiều khi họ không hề nghĩ tới trước. Có lẽ người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gặp Đức Kitô, sẽ tuyên xưng niềm tin vào Người; thế mà chị đã gặp, đã tuyên xưng lòng tin vào con Thiên Chúa.[16]
Hai môn đệ Emmaus chẳng hề nghĩ rằng sẽ được gặp lại Đấng mình đã đặt bao niềm hy vọng, thế nhưng hai ông đã gặp Người; Đấng các ông trông chờ lại chính là người bộ hành đang đi bên cạnh các ông.[17] Tuy nhiên, chính khi người ta bước những bước thật dài trong mối tương quan tự do, người ta lại thấy một sự “hỗ tương”. Trong trình thuật Tin mừng về hai môn đệ trên đường Emmaus, Đức Giêsu nhập cuộc, đồng hành, và ở lại nhà các môn đệ; nói cách khác Người thấy mình liên lụy với họ. Còn về phía các môn đệ, các ông có trách nhiệm phải loan báo về Đấng mình vừa gặp. Sự “liên lụy” hỗ tương này ta cũng thấy nơi câu truyện Đức Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, câu truyện ông Giakêu, cũng như nơi nhiều trình thuật Tin mừng khác.[18]
Gọi là mối tương quan tự do, nhưng tự do không có nghĩa là dửng dưng, không liên đới, vô trách nhiệm, mà hai bên đều thấy mình liên luỵ với nhau; hay nói khác đi sự hướng dẫn của vị đồng hành đối với người thụ hướng là rất quan trọng. Người thụ hướng được đón nhận cả những kinh nghiệm thiêng liêng rất riêng tư của vị đồng hành; và ngược lại, những kinh nghiệm, kể cả những kinh nghiệm về tội lỗi của người thụ hướng cũng là bài học, là quà tặng cao quý mà người đồng hành được trao tặng[19]. Chính nhờ mối tương quan tự do và liên lụy hỗ tương này, cả hai người đều được lớn lên và thành toàn trong đời sống đức tin, và trong hành trình “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”; hay nói như ngôn ngữ của thánh Phaolô, trong hành trình đạt tới “tình trạng con người trưởng thành, tới tầm mức viên mãn của Đức Kitô”.[20]
Tạm kết
Bao đời nay, người Á Đông vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm viễn cảnh hài hòa giữa “Thiên – địa – nhân”. Những nỗ lực như thế của nhân loại đã không bị rơi vào vô vọng, nhờ sự xuất hiện của một con người có khả năng tổng hợp tất cả viễn tượng trên ở nơi mình, đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Con người Giêsu ấy đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại, đã sống, đã yêu và đã chết vì yêu để thâu kết toàn thể thế giới tạo thành với Đấng Sáng Tạo. Nơi Con Người ấy, toàn bộ mầu nhiệm Thiên Chúa hiển lộ chói lòa toàn thể thụ tạo mà nhờ đó, con người và muôn loài thụ tạo tìm thấy nguồn cội và cứu cánh của mình. Nhờ Con Người ấy, Thiên Chúa duy nhất – Ba Ngôi mở ra khả thể cho tương quan nối liền trời với đất, vô hình với hữu hình, siêu việt và tự nhiên... Cũng vậy, trong mối tương quan đồng hành thiêng liêng, người đồng hành và người thụ hướng được mời gọi noi gương và bắt chước mẫu gương Ba Ngôi Thiên Chúa nói chung và cách riêng nơi Thầy Giêsu Chí Thánh, để rồi từ đó họ có cái nhìn cảm thông, chia sẻ, đón nhận và cùng nhau đi vào mối tương quan hoàn thiện Kitô giáo.


[1] Đỗ Xuân Quế, OP., Jesus-Đức Tin Trong Đời, tr 99.
[2] Từ điển Công Giáo 500 mục từ, tr 43.
[3] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 47.
[4] 1Tx 5,19-22.
[5] 1Cr 14,29.
[6] 2Cr 13,5.
[7] Cầu nguyện chiêm niệm, http://ronrolheiser.com/cau-nguyen-chiem-niem/#.Wcu09x-g-Uk, truy cập ngày 25-09-2017.
[8] L.J. Callens O.P., Mầu nhiệm sống mật thiết với Thiên Chúa, tr 24.
[9]Xc. Đức Thánh cha Phanxicô, bài giảng trong Thánh Lễ vào sáng thứ Sáu 24 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta. http://caunguyenbang traitim.com/duc-tin-la-mot-cuoc-gap-go-voi-chua-giesu/
[10] Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus, tr 108.
[11] W. A. Brry & W. J. Connolly, Tập Làm Linh Hướng, tr 61-62.
[12] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 132.
[13] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo Tại Việt Nam, tr 133-134.

[14] Xc. ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015.

[15] Xc. Ga 15,15.
[16] Xc. Ga 4,4-42.
[17] Xc. Lc  24,13-25.
[18] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 134-137.
[19] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 137.
[20] Xc. Ep 4,13.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn