Những khó khăn trong việc đồng hành thiêng liêng


Thiên Chúa không chờ chúng ta hoàn thiện 
rồi Người mới yêu ta, Thiên Chúa luôn đi bước trước, 
tình yêu của Thiên Chúa có sức cứu độ con người, 
chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành những đổ vỡ 
của thân phận con người, thể hiện nơi chính Đức Giêsu Kitô.

Phêrô Hồ Ngọc Đăng, Dòng TS Mẹ TC
Tôma Aquinô Phạm Như Triết, Dòng TS Mẹ TC


Xưa nay, công việc nào chẳng có những khó khăn. Kinh nghiệm của cuộc sống cho thấy thánh giá gọn thì thường là nặng, thánh giá nhẹ thì lại cồng kềnh. Trong việc đồng hành thiêng liêng cũng tràn ngập những khó khăn. Ta có thể tạm chia những khó khăn này thành hai nhóm: khó khăn trong tương quan con người với Thiên Chúa và khó khăn trong tương quan người với con người. Với nhóm thứ nhất, những bất trắc khó khăn trong mối tương quan này phải được giải quyết trong suốt hành trình tâm linh. Do vậy, đề tài này xin tập trung vào những khó khăn của vị đồng hành và khó khăn của người được đồng hành.
Trong cuộc đồng hành, lý tưởng là phải tìm được vị đồng hành là người khôn ngoan, giàu kinh nghiệm và trưởng thành trong đời sống nhân bản cũng như tâm linh. Tuy nhiên, chính thánh Têrêsa Avila lại thú nhận rằng phải mất 20 năm mà vẫn chưa tìm được một vị đồng hành “đủ tiêu chuẩn”. Vì là phận người lữ hành, vị đồng hành còn mang những bất toàn là điều không thể tránh khỏi.
Chuyển dịch ngược
Trong đồng hành thiêng liêng, cả hai bên cùng nhau cố khám phá và tìm phương cách để sống theo thánh ý Chúa. Thế nhưng khi bị vô thức chi phối và xảy ra hiện tượng “chuyển dịch ngược”,[2] tương quan ở đây không còn là tương quan liên vị hướng đến Thiên Chúa; vị đồng hành cố đưa người được đồng hành vào “mẫu người” mà mình muốn. Hệ quả tương quan ở đây trở nên tương quan sự vật: vị đồng hành cố đưa người được đồng hành trở nên đối tượng để thỏa mãn chính mình.

Coi người được đồng hành là một người khác đã từng có tương quan với mình
Vị đồng hành mang sẵn những mặc cảm về ai đó khắc nghiệt, tàn nhẫn,… và trong quá trình đồng hành, người được đồng hành bị coi là “đối tượng”, nên bị đối xử tàn nhẫn; lúc này, vị đồng hành trút ra những dồn nén của mình.
Không chỉ là hình ảnh khắc nghiệt tàn nhẫn, có những khi vị đồng hành lại thấy người được đồng hành như là người rất thân thương của mình. Thế là trong cung cách tiếp xúc, ứng xử, vị đồng hành đã coi người được đồng hành như người thân thương với những biểu lộ yêu ghét như chính tình trạng của bản thân đối với người thân thương. Không chỉ coi người được đồng hành là một người khác đã từng có tương quan với mình, vị đồng hành có lúc coi họ là một “bản sao” của mình, hoặc là “khuôn mẫu” mình phải theo. Đó là hiện tượng phóng chiếu hoặc đồng nhất hóa.
Phóng chiếu và đồng nhất hóa[3]
Trong cuộc đồng hành, hiện tượng phóng chiếu có thể xảy ra đối với cả hai phía: vị đồng hành và người được đồng hành. Người này muốn áp lên người kia những lý tưởng mình đang vươn tới, xu hướng mình đang trốn chạy… Trong cuộc đồng hành, phải hướng đến mỗi người có những kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm của chính họ với Chúa. Vì kinh nghiệm về Thiên Chúa bao giờ cũng có tính biến đổi. Những ai kinh nghiệm được sự hiện diện sâu xa của Thiên Chúa thì đều cảm thấy cuộc sống mình thay đổi.[4] Những kinh nghiệm này không bao giờ là nỗ lực của con người nhưng luôn luôn là một ân sủng do Thiên Chúa ban cho cá nhân.[5] Do vậy, vị đồng hành không được phép giúp người được đồng hành dừng lại nơi bản thân mình, cho dù đó là những kinh nghiệm hết sức tốt đẹp.
Không chỉ phóng chiếu, có những trường hợp vị đồng hành lại coi người được đồng hành như là “khuôn thước” để mình bắt chước (dù người được đồng hành không phóng chiếu bản thân lên vị đồng hành). Đó là hiện tượng đồng nhất hóa. Nếu không thoát ra khỏi tình trạng này, có lẽ cuộc đồng hành sẽ rất khó đưa đến kết quả tìm gặp Chúa.
Vị đồng hành không có khả năng làm chủ ý thức thì không thể có sự phân định chính xác.[6] Những điều sâu kín trong tâm hồn người được đồng hành bộc lộ ra mà không được đón nhận và soi sáng cách đúng mức, bản thân họ sẽ thấy bị tổn thương; thay vì vết thương tâm hồn được chữa lành thì lại bị khoét sâu hơn nữa. Vì thế, vị đồng hành phải luôn ý thức phản tỉnh và làm chủ bản thân mình, xác định và gọi đúng tên cảm xúc của mình, và kéo nó ra khỏi vùng bóng tối vô thức. Chỉ có sự ý thức rõ rệt mới có thể đưa vị đồng hành về đúng vị trí của mình; đừng bao giờ để thế giới vô thức điều khiển mà mình không biết.
Thiếu sự hài hòa
Trăm người trăm tính, có người thì quá cứng rắn, nghiêm khắc lại có người quá mềm mỏng phóng khoáng. Vị đồng hành mà quá cứng rắn nghiêm khắc sẽ làm người được đồng hành có thái độ phản kháng hoặc co cụm lại theo cơ chế tự vệ. Như thế, người được đồng hành không còn khả năng cũng như cơ hội bộc lộ tâm hồn.[7] Hệ quả là trong mối tương quan này, vị đồng hành có nguy cơ rơi vào nơi “phô diễn tài năng”, thậm chí là nơi thể hiện quyền lực: một sự thống trị, ra lệnh.
Ngược lại, vị đồng hành mà quá mềm mỏng, phóng khoáng sẽ làm cho người được đồng hành sống buông thả và nuông chiều theo những khuynh hướng xấu cố hữu một cách ấu trĩ. Nặng hơn, vị đồng hành mà nhu nhược, nhanh chóng tán thành những ý kiến hoặc bao che, bào chữa những thiếu sót của người được đồng hành thì thật là một tai hại.
Bên cạnh sự quá mềm mỏng, có khi vị đồng hành lại tìm kiếm những nhu cầu của bản thân. Chẳng hạn: trong cuộc đồng hành vị đồng hành coi người được đồng hành là “con”, họ bộc lộ thái độ quan tâm, chăm sóc (vì bản năng “làm cha/mẹ” nơi mỗi người luôn có). Thái độ giúp đỡ ở đây không phải là lòng nhân ái, thực ra đó là biểu hiện của nhu cầu được yêu thương được nhìn nhận – bản năng làm cha-mẹ trỗi dậy – nó là biểu hiện cho thấy vị đồng hành đang ở trong giai đoạn ấu trĩ và đang nỗ lực tìm kiếm bản thân.[8]
Trong cuộc đồng hành, vị đồng hành cần phải thể hiện sự quân bình, không quá cứng rắn mà cũng không quá mềm mỏng; đồng thời cũng phải thể hiện một sự dung hòa, đối với người này thì phải mềm mỏng hơn trong khi với người khác lại phải cứng rắn hơn. Trong huấn luyện, nếu coi tất cả mọi người là như nhau thì đó là một sự tàn nhẫn, nhưng nếu bắt mọi người phải được huấn luyện và phải đạt được như nhau thì đó là một sự tàn nhẫn không kém. Trong cuộc đồng hành, nếu xảy ra sự đánh đồng thì không đến mức là tàn nhẫn nhưng đã có sự phung phí thời gian quá mức. Nguyên tắc vàng của việc đồng hành có lẽ là lòng nhân hậu. Với lòng nhân hậu, vị đồng hành sẽ biết lúc nào phải cứng rắn, lúc nào phải mềm mỏng để có thể cùng người được đồng hành khám phá và thực thi ý Chúa.
Thiếu sự trưởng thành
Không ai dám nhận mình là người thực sự trưởng thành; nhưng mỗi người, nhất là những người mang sứ vụ giúp người khác thì sự trưởng thành cần đạt một mức độ nhất định. Với vị đồng hành thiêng liêng, sự quân bình tình cảm là một điều cần thiết, nhất là khi mình là một người sống độc thân. Một khi tình cảm bị xáo trộn thì mối tương quan đồng hành khó có thể tiến triển tốt đẹp, bởi những phản ứng quá đáng hoặc không thích hợp. Tự vô thức, họ bị cuốn hút nhau do những hấp lực của cảm xúc, rồi dần dà do thúc đẩy của sự khác biệt giới tính; lúc này, cuộc đồng hành thiêng liêng không còn hoàn toàn là thiêng liêng nữa. Ở điểm này, thái độ tỉnh thức và phản tỉnh là rất cần thiết. Vị đồng hành càng trưởng thành về mặt cảm xúc bao nhiêu thì sự an toàn cá nhân càng lớn bấy nhiêu, cũng như có khả năng nhận ra và vượt lên trên những vai vế mà người được đồng hành có thể chĩa trên mình.
Để tránh rơi vào cạm bẫy của sự thiếu trưởng thành, vị đồng hành cần phải cứng rắn và can đảm xua tan những “tình cảm bất chính”; vị đồng hành cũng cần có sự hiểu biết tối thiểu về sự khác biệt tâm lý giới tính, lứa tuổi. Nếu như mình là người đang mắc phải sự khó khăn này, vị đồng hành cần biết điều chỉnh nhịp độ các cuộc gặp gỡ, thời gian và khung cảnh buổi nói chuyện, làm chủ những biểu lộ tình cảm không đúng phép và khôn ngoan từ khước những đòi hỏi không cần thiết.
Trong một xã hội thực dụng và bị chi phối rất mạnh bởi đồng tiền hôm nay, các mối tương quan nhiều khi chỉ được thiết lập với ý hướng tạm bợ, người làm công tác đồng hành sẽ luôn gặp phải vô vàn khó khăn. Ngoài sự nỗ lực để thắng sự chi phối của vô số thứ, để hoàn thiện những hạn chế của bản thân, vị đồng hành cần sự khôn ngoan và sự nhạy bén để phân định, và nhất là luôn cần biết chạy đến trông cậy ơn Chúa.
Trong cuộc đồng hành, dù cho mọi việc đã diễn ra tốt đẹp thì cũng không có nghĩa kết quả sẽ đến như mong đợi. Việc cảm nghiệm về Thiên Chúa vắng mặt cũng quan trọng như cảm nghiệm về Thiên Chúa hiện hữu. Thiên Chúa gieo vào lòng người khao khát về Người, nhưng Thiên Chúa lại ban vượt quá những gì lòng người khao khát.[9]Thiên Chúa kiện toàn nơi chúng ta điều Người đã khởi sự, ‘vì Người khởi sự bằng cách tác động để chúng ta ước muốn, Người kiện toàn bằng cách cộng tác với những người đã muốn”.[10] Và mọi người luôn phải nhớ lời Mẹ Giáo hội dạy: “Mọi công trạng của con người phải quy về Thiên Chúa, bởi vì các việc tốt lành của họ đều diễn ra trong Đức Kitô, nhờ những khởi xướng và trợ giúp của Chúa Thánh Thần”.[11] Những khó khăn về phía vị đồng hành chắc hẳn có ảnh hưởng lên người được đồng hành; ngược lại, vị đồng hành cũng chịu tác động ít nhiều những khó khăn từ phía người được đồng hành.
Chúng ta thấy những khó khăn từ phía người được đồng hành rất dễ xảy ra, người được đồng hành đến với vị đồng hành thường mang theo cả một quá khứ, mà mỗi người thì không ai giống ai. Cho nên, vị đồng hành thiêng liêng sẽ đối diện với nhiều trường hợp khác nhau; người thì gặp những rối loạn nhân cách, có người thì lại thích bám víu vào vị đồng hành, hoặc muốn tìm một giải pháp “nên thánh cấp tốc”, hay ôm ấp những hy vọng hão huyền, những điều này làm cho cuộc đồng hành thiêng liêng dễ đi trệch hướng.
Quá bám víu hay quá dễ dàng đổi vị đồng hành[12]
Người được đồng hành có thái độ bám víu thể hiện khi họ không chịu lớn lên, chỉ thích dựa dẫm và ít khi đưa ra được quyết định cho mình, chỉ thích bám víu vào người khác như là một chỗ dựa an toàn cho mình. Tình trạng này kéo dài, người được đồng hành sẽ không bao giờ trưởng thành, không tiến xa hơn được. Mối nguy hiểm hơn là họ chỉ dừng lại nơi vị đồng hành mà không thiết lập được mối tương quan thân mật với Chúa – “Mục đích của linh hướng là giúp phát triển mối quan hệ giữa người thụ hướng với Chúa”.[13]
Thánh Biển Đức khuyên những vị đồng hành thiêng liêng trước tiên phải phân định xem người thụ hướng đang thực sự mong muốn điều gì; nếu vị đồng hành quá đơn sơ, không thấy được những dụng ý ngầm của người thụ hướng, thì ngay từ bước đầu, việc đồng hành đã bị trệch hướng.[14]
Trong việc đồng hành thiêng liêng, người được đồng hành có quyền tự do chọn lựa vị đồng hành của mình, thế nhưng, không phải tự do là dễ dàng thay đổi vị đồng hành, nay vị đồng hành này, mai vị đồng hành khác. Việc làm này không phải là khôn ngoan, vì như vậy rất khó dung hòa những chỉ dẫn khác nhau, vô tình làm cho tình trạng của bản thân mình có nguy cơ trở nên bi đát hơn. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tuyệt đối không được thay đổi vị đồng hành, đôi khi việc thay đổi lại là một giải pháp đúng đắn, trước khi muốn thay đổi thì nên cân nhắc kỹ lưỡng.[15] Người được đồng hành nên thay đổi vị đồng hành khi có đủ lý do nghiêm trọng.
Hy vọng hão huyền
Có người cho rằng việc đồng hành thiêng liêng như một cuộc tư vấn giới thiệu việc làm, chính vì thế mà họ đòi hỏi phải có kết quả ngay, nếu vị đồng hành không giải quyết ngay những khó khăn đó, thì họ sẽ thất vọng và phản ứng lại với những thái độ hằn học, khó chịu, có khi còn bỏ dở cuộc đồng hành.[16] Tại sao lại như vậy? “Vấn đề căn bản nằm ở chỗ họ đồng hóa việc của Chúa với việc thuần túy của con người. Họ không có khả năng lắng nghe tiếng Chúa trong sự kiên nhẫn đợi chờ, tin tưởng và phó thác”.[17] Người được đồng hành phải làm sao để cho Chúa hướng dẫn đời mình, không nên làm theo ý của mình, mà phải làm theo ý của Chúa, lệ thuộc vào Người. “Chứ không phải là lên chương trình sẵn và bắt Thiên Chúa phải tuân theo”.[18] Người được đồng hành có khi còn hy vọng hão huyền như thể hiện qua thái độ thuyết phục vị đồng hành chấp nhận những suy nghĩ, lập trường của mình, có khi còn là cách thức tìm hậu thuẫn, tránh né trách nhiệm cá nhân, hoặc tìm cách thỏa mãn những đam mê xấu của mình mà không bị lương tâm cắn rứt, một khi vị đồng hành không đáp ứng được nhu cầu của người được đồng hành, thì mối tương quan đồng hành sẽ bị rạn nứt, nếu không muốn nói là sẽ đổ vỡ và thất bại.[19]
Chuyển dịch[20]
Như đã nói ở trên, mục đích của việc đồng hành là giúp người được đồng hành thiết lập mối tương quan thân mật với Chúa, ngang qua mối tương quan giữa người được đồng hành với vị đồng hành, thế nhưng một khi người được đồng hành phản ứng, tạo ra hình ảnh sai lạc nơi vị đồng hành thì họ chỉ dừng lại nơi đối tượng là con người mà không vươn tới Thiên Chúa được.
Nhưng làm sao để nhận ra sự có mặt của những phản ứng như thế? Những phản ứng chuyển hoán thường bộc lộ qua tính chất mãnh liệt và thiếu phù hợp: nhà linh hướng sẽ không thể đáp lại sự mãnh liệt trong tình yêu, sự giận dữ hay lệ thuộc của người thụ hướng đối với mình.[21]
Những phản ứng bất thường là dấu chỉ cho thấy sự chuyển dịch xuất hiện. Sự chuyển dịch xảy ra nhiều khi còn kéo theo những phản ứng mâu thuẫn nhau rất rõ rệt. Người được đồng hành bên ngoài tỏ ra rất lạnh nhạt, xa cách, thờ ơ, nhưng bên trong thì yêu thương vị đồng hành tha thiết.
Sự chuyển dịch còn phức tạp hơn đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, việc giúp cho những người này lấy lại được sự quân bình trong các mối tương quan là một chuyện không phải dễ dàng, nhất là những người không còn chỉ là khuynh hướng mà là tâm bệnh. Trong những trường hợp như thế, rất cần sự can thiệp của những nhà chuyên môn.[22]
Đứng trước những phản ứng chuyển dịch như thế, trước tiên vị đồng hành phải hiểu biết và chấp nhận người được đồng hành như họ là, phải minh bạch với tình cảm của chính mình, vị đồng hành phải làm sao cho người được đồng hành thấy họ đang đi trệch đường, một khi mà người được đồng hành ý thức và chấp nhận được điều đó, mối tương quan đồng hành đúng đắn mới có thể thiết lập trở lại. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào vị đồng hành cũng có thể giúp người được đồng hành thoát ra khỏi tình trạng chuyển dịch đó. Như vậy, về phía người được đồng hành, chúng ta thấy hiện tượng chuyển dịch cũng là một vấn nạn gây khó khăn cho mối tương quan đồng hành.
Rối loạn nhân cách
Chúng ta thấy một số biểu hiện của người mắc chứng rối loạn nhân cách: thái độ tự vệ, buồn bã, nhút nhát, suy sụp, khiêu khích, tham lam, chiếm hữu, hưởng thụ, thống trị, chuyên chế, khinh bỉ, tưởng tượng, mê sảng… những biểu hiện này ít nhiều mang màu sắc hoang tưởng khiến cho đương sự tỏ ra hận đời vì luôn nghĩ rằng mình bị hành hạ, ngược đãi. Đối với những người này, có cái gì đó đã hụt hẫng trong việc cấu trúc hóa nhân cách của họ; chính vì vậy, những biểu hiện dồn nén, phủ nhận thực tại… là những điều họ không thể làm chủ, hay không thể kiểm soát được mình, họ không thể hành xử một cách đúng đắn và quân bình được.[23]
Những phản ứng trên cho thấy những người này đang phải mang vác gánh nặng của thế giới tuổi thơ đầy bất hạnh, làm sao họ có thể vứt bỏ và viết lại quá khứ của mình. Điều phải làm lúc này là giúp họ có một môi trường sống lành mạnh cả về mặt thể lý, tâm lý và tâm linh. Vị đồng hành đừng đòi hỏi điều gì quá đáng, phải giúp họ sống đời sống tâm linh ngay trong hoàn cảnh cụ thể của họ, sự trưởng thành tâm linh và nhân cách phải đi đôi với nhau. Công việc trước tiên là phải giúp người thụ hướng mắc chứng rối loạn này tìm lại thế quân bình. Ngoài những phương tiện thiêng liêng như lời cầu nguyện, các bí tích, sự tiết chế… còn cần phải cần đến những phương tiện tự nhiên, cần sự giúp đỡ của khoa tâm lý trị liệu. Đây là một việc làm khó khăn, lâu dài và đòi hỏi khả năng chuyên môn đặc biệt.[24]
Như vậy, đời sống tâm linh của họ sẽ ra sao? Chẳng lẽ chỉ vì những giới hạn về nhân cách mà họ không thể nên hoàn thiện? Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể, không có gì hư hỏng mà không thể cứu vãn. “Người nghèo nàn nhất về mặt nhân cách, tự nơi sâu thẳm họ vẫn là một con người tự do, có thể hành động với tư cách là con cái của Thiên Chúa”.[25] Thiên Chúa có muôn ngàn cách thế để thực hiện kế hoạch của mình, nhiều khi người còn trực tiếp hướng dẫn người được đồng hành mà không cần qua trung gian là vị đồng hành. Chúng ta cũng nên nhớ rằng: “Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con người, yêu thương con người trước khi họ trưởng thành về nhân cách”.[26] Thiên Chúa không chờ chúng ta hoàn thiện rồi Người mới yêu, Thiên Chúa luôn đi bước trước, tình yêu của Thiên Chúa có sức cứu độ con người, chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành những đổ vỡ của thân phận con người, thể hiện nơi chính Đức Giêsu Kitô.
Tạm kết
Ngoài những khó khăn thường lệ, có trong bất cứ quan hệ cá nhân nào, chúng ta còn thấy những khó khăn trong mối tương quan đồng hành thiêng liêng, vị đồng hành và người được đồng hành đều có những khó khăn riêng.
Là con người ai cũng có giới hạn, vị đồng hành cũng là người còn đang trong phận lữ hành, cần phải được thanh luyện, nên bất toàn là điều không thể tránh khỏi”.[27] Người được đồng hành thì càng dễ xảy ra những khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta xác tín rằng, việc đồng hành thiêng liêng như là một ơn gọi, một sứ mạng, thì không một khó khăn nào mà không thể vượt qua. Điều quan trọng là đừng tưởng mình có thể làm được tất cả, việc đồng hành đích thực là việc làm của chính Thiên Chúa.


[1] Viết theo Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 122-129.
[2]Chuyển dịch ngược là sự chuyển những phản ứng vô thức của mình sang người khác mà bản thân không hề ý thức (Xc. Nguyễn Khắc Viện chủ biên, Từ Điển Tâm Lý, Nxb. VHTT, Hà Nội, 2001, tr. 75-76).
[3] “Phóng chiếu là hiện tượng phóng lên hay gán lên người khác những cảm xúc, ham muốn mà không thể chấp nhận là của chính bản thân mình” (http://ver1.tamlyhoctoipham.com/6470-2/, truy cập 5/10/2017). Và, “đồng nhất hoá, có thể được hiểu như một xu hướng hoặc thôi thúc trong vô thức là đồng nhất với những gì người khác đang cảm nhận, bất kể đó là một cảm giác tích cực hay tiêu cực” (http://tamlyhoctoi pham.com /3-su-that-lon-tu-tam-ly-hoc, truy cập 5/10/2017).
[4] Xc. Gerard H. Luttenberger, Dẫn vào Kitô Học, tr 41.
[5] Xc. Dermot Lane, Kinh Nghiệm Về Thiên Chúa, tr 38.
[6] Chỉ khi nào con người có tự do để tự siêu việt, con người mới có thể nghe được tiếng gọi, khám phá những chiều kích mới của đời sống và quyết định đáp lời (xc. A. Cencini và Manenti, Sđd., tr. 31).
[7] Khi lắng nghe, vị đồng hành không chỉ nghe bằng tai và ¼ hoạt của não (thường con người suy nghĩ nhanh gấp 4 lần nói), mà phải là sử dụng tất cả các giác quan. Phải lắng nghe bằng cả trái tim, lắng nghe là ngừng nói, ngừng suy nghĩ (Trần Thị Minh Đức, Giáo Trình Tham Vấn Tâm Lí, Nxb. Đại học Quốc gia Hà nội, 2012, tr. 274-275).
[8] Xc. A. Cencini và Manenti, Sđd., tr 74.
[9] Xc. Felipe Gómez, Kitô Học toàn tập, tr 42.
[10] Giáo Lý Hội thánh Công Giáo, số 2001.
[11] Sđd., số 2008.
[12] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 149-150.
[13] William. A. Barry, William. J. Connolly, Sđd., tr 253.
[14] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 150.
[15] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 150.
[16] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 151-152.
[17] Sđd., tr 152.
[18] Sđd.
[19] Xc. Sđd., tr 153.
[20] Xc. Sđd., tr 153-156.
[21] William. A. Barry, William. J. Connolly, Sđd., tr 264.
[22] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 155.
[23] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 156.
[24] Sđd., tr 156.
[25] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 157.
[26] Sđd., tr 158.
[27] Sđd., tr 139.                      

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn