Những phẩm tính của người thi hành sứ vụ đồng hành thiêng liêng


vị đồng hành thiêng liêng cần phải là 
một con người nhân đức, đạo hạnh,
 phải hội đủ những phẩm tính chuyên môn và nhân bản. 
Các vị phải là những người quy hướng cuộc đời 
về Đức Kitô và về vinh quang Thiên Chúa, 
ý thức sâu xa về ơn nghĩa tử, để có thể 
nhìn thấy Chúa trước hết và trên hết như người Cha yêu thương, 
nhờ đó mới có thể đồng hành với người khác 
trên nẻo đường thiêng liêng.

Roger Nguyễn Lưu Phong, Dòng Thánh Gia
Giuse Phạm Văn Chính, Dòng  TS Đức Tin
Gioan B. Trần Nhân Tôn, Dòng  Augustinô


Linh hướng là nghệ thuật hướng dẫn linh hồn của người thụ hướng tiến tới với Thiên Chúa trong tình yêu và sự tìm kiếm thánh ý của Người trong đời sống Kitô giáo cũng như đời sống ơn gọi tu trì, từ bước khởi đầu của đời sống thiêng liêng cho đến những tầm cao hoàn thiện. Linh hướng là một sứ vụ rất quan trọng cho những người muốn đi đến sự hoàn thiện Kitô giáo trong tình yêu và đức tin. Vì vậy, người thi hành sứ vụ linh hướng phải có một trình độ và kinh nghiệm nhất đinh, phải có phẩm tính chuyên biệt để hướng dẫn người thụ hướng trên đường tâm linh, phải có nền tảng đạo đức và đời sống cầu nguyện chuyên sâu. Nhưng phẩm tính là gì?
Phẩm tính là những nền tảng căn bản của con người cần phải có để thi hành mỗi công việc hay sứ vụ nào đó. Nhìn chung, phẩm tính của người đồng hành thiêng liêng được chia làm hai loại: những phẩm tính chuyên môn và những phẩm tính luân lý.[1]
Không ai đòi hỏi vị đồng hành phải là học giả uyên thâm, hay phải là nhà thần học; nhưng cũng không thể chấp nhận những vị đồng hành không có nền tảng vững chắc về thần học, Thánh kinh, hay những kiến thức liên quan khác, khiến không thể nhận thức được những sai lầm trong đời sống đức tin, luân lý, cách thực hành nhân đức… của những người thụ hướng. Do vậy, vị đồng hành phải được trang bị kiến thức căn bản về thần học tín lý, luân lý, tâm linh và cả tâm lý nữa.[2]
Vị linh hướng phải có kiến thức sâu sắc về:
Thần học tín lý: nếu không có sự hiểu biết này, vị linh hướng có thể mắc sai lầm trong những vấn đề thuộc đức tin.
Thần học luân lý: là điều kiện cần để có thể chu toàn chức năng của một cha giải tội (nếu vị linh hướng cũng là cha giải tội), hơn nữa, vị linh hướng cần có một sự hiểu biết rộng rãi về thần học khổ hạnh và thần bí.
Giáo thuyết thần học về sự hoàn thiện Kitô giáo, nhất là liên quan tới những vấn đề như bản chất của sự hoàn thiện, bổn phận phấn đấu để nên hoàn thiện, các trở ngại cho sự hoàn thiện, các loại thanh luyện, và các phương tiện để tiến đức một cách tích cực, là những kiến thức cần thiết mà vị đồng hành cần thủ đắc.
Vị đồng hành cũng cần có một sự hiểu biết chi tiết và phân định những ảo tưởng và những tấn công của ma quỉ mà linh hồn có thể gặp phải.
Vị đồng hành cũng cần am hiểu về tâm lý để nhận ra những tính tình và tính cách khác nhau, những ảnh hưởng tác động trên nhân cách con người, các tình cảm và vai trò của chúng trong đời sống của cá nhân.
Phải biết ít nhất là các nguyên tắc căn bản của sự bất bình thường về tâm lý và tâm thần, nhờ đó ngài có thể nhận ra tình trạng mất quân bình tâm thần và những rối loạn thần kinh hay cảm xúc.
Phải biết giới hạn của mình: người thi hành sứ vụ đồng hành thiêng liêng cần nhận ra rằng nếu Ngài không thích hợp để hướng dẫn một linh hồn nào đó thì ngài phải khuyên đương sự tìm đến một vị khác có sự hiểu biết cần thiết. Một linh mục phải chịu trách nhiệm lớn trước mặt Thiên Chúa nếu cố hướng dẫn một linh hồn trong khi ngài thiếu sự hiểu biết thích đáng.

Đây là một trong những khả năng quan trọng nhất của một vị linh hướng. Nó bao gồm ba yếu tố chính: khôn ngoan trong phán đoánrõ ràng trong lời khuyên, và kiên quyết trong thuyết phục sự vâng phục.
Nếu một vị linh hướng thiếu khôn ngoan, ngài cũng thường thiếu một số nhân đức khác nữa. Khôn ngoan cho phép người ta hành sử đúng trong một hoàn cảnh cụ thể.
Vai trò của vị linh hướng là nhận ra những hoàn cảnh cụ thể của một trường hợp cụ thể và đưa ra lời khuyên cần thiết vào lúc đó.
Để có thể đưa ra một lời khuyên khôn ngoan, vị linh hướng phải có sự thấu cảm nhờ đó ngài có thể đặt mình trong những tình huống cụ thể ấy và phải biết kiên nhẫn để chăm chú lắng nghe.
Ngược lại, những yếu tố khác phá bĩnh làm mất sự khôn ngoan, ví dụ như: thiếu hiểu biết về các giai đoạn khác nhau của đời sống khổ hạnh và thần bí, thiếu hiểu biết về tâm lý con người, có những định kiến liên quan tới những bậc sống nào đó hay những thực hành đạo đức nào đó, thiếu khiêm nhường, quá hăng hái đưa ra sự phán xét.[3] Đặc tính thứ hai của sự khôn ngoan nơi vị linh hướng, đó là sự rõ ràng trong việc trao lời khuyên cho người thụ hướng và trong việc nêu những qui tắc ứng xử. Để có thể đưa ra những hướng dẫn rõ ràng, vị linh hướng cần có sự rõ ràng trong chính suy nghĩ của mình.
Khi nói chuyện với người thụ hướng, ngài cần tránh mọi kiểu nói mập mờ hay bất quyết, trái lại phải luôn luôn dùng những cách nói cụ thể và rõ ràng. Ngài phải giải quyết các vấn đề cách gãy gọn chứ không đi hàng hai, và nếu cần, ngài phải dành thời gian để suy xét trước khi đưa ra quyết định. Nếu người thụ hướng nhận thấy rằng vị linh hướng không chắc chắn về quyết định của chính vị ấy, thì đương sự sẽ mất tin tưởng, và việc linh hướng sẽ không có hiệu quả.
Hơn nữa, vị linh hướng cần luôn luôn thành thật, thẳng thắn, và không có chút động cơ vị kỷ nào. Sẽ là một sai lầm tai hại nếu vị linh hướng muốn tránh gây khó chịu cho người thụ hướng nhằm phòng tránh việc anh ta bỏ mình và tìm đến với một vị linh hướng khác.
Nhưng vị linh hướng cũng không được quên rằng ngài không bao giờ đòi hỏi một linh hồn bất cứ gì không phù hợp với bậc sống hay ơn gọi của linh hồn ấy, hoặc không phù hợp với khả năng hay hoàn cảnh hiện thời của linh hồn ấy.
Nhờ khôn ngoan, vị đồng hành giúp người thụ hướng khám phá ra nẻo đường tự do trong tương quan đích thực với Thiên Chúa.
Nhờ khôn ngoan, người đồng hành bước đi bước trước tới biên cương của sự sai lầm, nhưng không chôn chân mình ở đó; để rồi người đồng hành biết được những hố thẳm phía trước và đưa ra những dự báo cần thiết cho người thụ hướng của mình.
Nhờ khôn ngoan, vị đồng hành trở thành “vị mục tử đi trước đoàn chiên, ngài đi trước và chiên theo sau. Người mục tử biết từng con chiên của mình”, không thiên vị, không nhu nhược, biết lúc nào cần nâng đỡ vỗ về, cần cảm thông an ủi; lúc nào cần phải.
Để có được sự khôn ngoan, ngoài việc dày công học hành nghiên cứu, vị đồng hành phải biết tích luỹ kinh nghiệm nữa. Trong việc đồng hành, kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng.
Đây là một trong những năng lực quí nhất của một vị linh hướng. Ngay cả dù một vị linh hướng có những giới hạn trong kiến thức và một cách nào đó bị hạn chế trong khôn ngoan, kinh nghiệm của ngài có thể bù đắp đáng kể. Điều này không có nghĩa rằng kinh nghiệm của vị linh hướng thiết yếu phải xuất phát từ đời sống thiêng liêng của chính ngài, vì ngài có thể thu thập được kinh nghiệm từ sự quan sát của mình và từ việc hướng dẫn những người khác.
Liên quan đến kinh nghiệm bản thân của vị linh hướng, nếu đây là vấn đề hướng dẫn một Kitô hữu trung bình, ngài không cần kinh nghiệm nhiều hơn bất cứ linh mục nào trung thành chu toàn các bổn phận của thừa tác vụ thánh chức.
Nhưng duy chỉ kinh nghiệm bản thân thì không đủ để làm cho một người trở thành vị linh hướng hữu hiệu như mong muốn. Có nhiều nẻo đường qua đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn các linh hồn tới đỉnh cao thánh thiện. Và sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu vị linh hướng cố dẫn dắt tất cả các linh hồn theo chỉ một nẻo đường và áp đặt lên họ các kinh nghiệm của riêng mình, cho dù những kinh nghiệm ấy tỏ ra tốt cho mình đến mấy đi nữa. Vị linh hướng không bao giờ được quên rằng ngài chỉ là một dụng cụ trong tay Chúa Thánh Thần và rằng công việc của ngài phải hoàn toàn được đặt trong sự qui phục Chúa Thánh Thần. Nếu thiếu hiểu biết về các ân huệ thần linh đa dạng và về vô số những con đường hoàn thiện khác nhau, ngài có thể bắt ép các linh hồn đi trên chỉ một con đường, và như vậy ngài trở thành một vật cản thực sự đối với hoạt động của ân sủng trong linh hồn người ta.
 Vị đồng hành phải hiểu biết về đức tin của Giáo hội cách tường tận, có thể giúp người khác sống đức tin trong tinh thần tự do con cái Chúa chứ không phải tinh thần sợ hãi, nệ luật.
Cha Jordan Aumann, OP. cũng cho rằng kinh nghiệm là một trong những phẩm tính quý giá nhất của vị đồng hành. Ngay cả khi vị đồng hành kém hoàn chỉnh về kiến thức, thậm chí chưa khôn ngoan đủ, thì kinh nghiệm có thể bù đắp cho những thiếu sót này.Kinh nghiệm của vị đồng hành có thể bắt nguồn từ chính đời sống tâm linh của bản thân, cũng có thể do quan sát và sự chỉ dẫn của người khác.[4]
Trước tiên đó là lòng nhiệt thành:
Lòng nhiệt thành của vị đồng hành phải đi đôi với thái độ vô vị lợi; nghĩa là, không nhiệt tình hướng dẫn người thụ hướng nhằm vào mục đích riêng tư, hoặc không nhằm để tự thoả mãn hay vì niềm an ủi nơi họ, nhưng chỉ với mục đích duy nhất là dẫn họ đến với Thiên Chúa.[5]
Một đức tính mà các vị đồng hành không thể thiếu, đó là lòng khiêm tốn. Khiêm tốn hay khiêm nhường để dám chấp nhận con người thật của mình với những thiếu sót, biết cậy vào Chúa hơn là sức riêng mình, và biết tìm vinh quang Thiên Chúa hơn là tìm lợi ích bản thân.
Các nhân đức
 Bốn nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ sẽ giúp cho vị đồng hành rất nhiều trong mối tương quan với người thụ hướng, trong việc lắng nghe, phân định, chẳng hạn như:
- Đức khôn ngoan: giúp sáng suốt trong phán đoán; cân nhắc lợi hại trong những hành vi cụ thể; ước lượng được hậu quả mà hành vi có thể gây ra; dự đoán được những bất trắc phía trước
- Đức công bình: giúp cho biết chân thành, nồng nhiệt, bặt thiệp, tế nhị.
- Đức can đảm: giúp biết đối xử khoát đạt, nhẫn nại, quảng đại, kiên trì.
- Và đức tiết độ: giúp hiền lành, khoan dung, đoan trang, khiêm nhường…
Kết luận
Nhìn chung, vị đồng hành thiêng liêng cần phải là một con người nhân đức, đạo hạnh, phải hội đủ những phẩm tính chuyên môn và nhân bản. Các vị phải là những người quy hướng cuộc đời về Đức Kitô và về vinh quang Thiên Chúa, ý thức sâu xa về ơn nghĩa tử, để có thể nhìn thấy Chúa trước hết và trên hết như người Cha yêu thương, nhờ đó mới có thể đồng hành với người khác trên nẻo đường thiêng liêng. Càng giàu kinh nghiệm đức tin, niềm hy vọng và đức ái, vị đồng hành càng có cơ may hiểu, đón nhận, yêu thương, và hướng dẫn người thụ hướng của mình đạt kết quả và làm cho người thụ huấn cảm nhận được yên tâm trong tâm hồn và dịnh hướng cuộc đời mình trong đời sống ơn của mình. Nếu vị đồng hành thiêng liêng là linh mục, thì cần phải có vốn hiểu biết cần thiết cho việc hướng dẫn các linh hồn, cả về lý thuyết lẫn thực hành. Khi ấy, chức năng của vị linh hướng này cũng có liên hệ mật thiết với tác vụ của cha giải tội. Cũng đừng quên rằng, trong thực hành của mình, Giáo hội cấm bất cứ ai không phải linh mục, ngay cả các bề trên dòng tu, chất vấn người người thụ hướng về những vấn đề thuộc lương tâm (Xc. GL đ. 530).


[1]  Xc. Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus., tr 161.
[2] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 161-162.
[3] William A. Barry, William J. Connolly, Sđd., tr 124.
[4] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 167.
[5] William A. Barry, William J. Connolly, Sđd., tr 124.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn