Người được đồng hành cần có các phẩm tính
khao khát chân lý, chân thành tìm kiếm
và mở lòng ra
với tác động của Chúa Thánh Thần.
Cùng với những phẩm tính này chính là thái độ
can đảm bộc lộ, vui vẻ đón nhận,
kiên nhẫn chờ đợi và chấp nhận hậu quả.
Giuse Nguyễn Văn Linh, Dòng Ngôi Lời
Gioan Baotixita Lê
Văn Nhâm, Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội
Mục đích của đồng hành
thiêng liêng là giúp người thụ hướng gặp Chúa để được biến đổi đời sống, để “nên hoàn
thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Để đạt được mục
đích này, ngoài những yêu cầu đặt ra cho vị đồng hành thì người được đồng hành
cần phải có những phẩm tính nhất định. Thiết nghĩ rằng thật phù hợp khi mượn những ca từ sau
đây trong ca khúc Yêu thương cho Người
để khái quát những phẩm tính của người được đồng hành:
Con muốn đi tìm Ngài trong cuộc sống. Lối Ngài xưa con chưa tới một lần.
Biết về đâu cho con gặp được Ngài. Ngài ở đâu trong tiếng hát lời kinh. Ngài ở
đâu trong ánh sáng niềm tin. Ngài ở đâu cho con đi tìm Ngài. Ngài ở đâu cho con
đi gặp Ngài, trong yêu thương hay trong thù hận, trong tim anh hay trong lòng
tôi…[1]
Khi
làm bất cứ việc gì, nếu ta thiếu lửa nhiệt huyết, ta làm trong sự miễn cưỡng vì
ép buộc thì sẽ nhàm chán và không mang lại hiệu quả thiết thực. Điều này càng dễ
nhận thấy hơn trong đời sống đức tin, nhất là trong đồng hành thiêng liêng luôn
đòi hỏi nơi người được đồng hành phải có tinh thần khát khao chân lý.
Đây
là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp cho việc đồng hành thiêng liêng mang lại hiệu
quả. Chỉ khi ta thực sự khao khát Chúa và muốn tìm gặp Người thì Người mới trở
thành mục đích và lẽ sống của đời ta. Ngược lại, nếu ta sống hời hợt thiếu lửa
mến, cảm thấy có Chúa hay không chẳng quan trọng, thì khi ấy, Thiên Chúa sẽ trở
nên thừa thải không có ý nghĩa gì. Nếu như trong đời sống thường ngày, ta chỉ
có nhu cầu ăn uống khi ta thực sự đói khát, thì trong đời sống thiêng liêng
cũng vậy, chỉ khi ta khao khát chân lý, ra sức tìm kiếm Chúa thì mới gặp được
Người. Nói cách khác, chỉ khi người được đồng hành khao khát tìm Chúa, thì họ mới
tìm cách thỏa mãn sự khát khao ấy qua việc thổ lộ tâm tư với người đồng hành để
được hướng dẫn giúp đỡ. Thiên Chúa vẫn ở bên, vẫn đồng hành với ta từng ngày
như không khí để ta thở, nhưng thật khó để cảm nhận, khó đi vào tương quan chiều
sâu. Điều này cũng giống như việc ta không cảm nhận được sự cần thiết của ôxy để
duy trì sự sống, dù rằng ta vẫn sử dụng nó từng giây phút trong quá trình hô hấp.
Ta chỉ thấy ôxy cần thiết khi ta bị bịt mũi bịt miệng ít giây, nhất là khi ta bị
đuối nước.
Chính
sự khao khát chân lý sẽ thúc bách, sẽ làm cho con người khắc khoải, trăn trở,
không an phận với thực tại mà ra sức tìm kiếm để được thỏa mãn. Một khi không
thể chịu đựng được tình trạng hiện tại của tâm hồn thì người ta sẽ phải tìm gặp
Đấng Siêu Việt như Thánh Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và rất
đáng ca tụng… Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không
yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.[2]
Chính lúc con người bế tắc, bó tay, chỉ còn biết cậy trông vào Chúa thì chính Người sẽ ra tay. Khi ta ngặt nghèo, Thiên Chúa có thể
đưa tay nâng đỡ bằng nhiều thể cách khác nhau, một trong những cách mà Ngài có
thể chọn để giúp ta chính là nói qua vị đồng hành lúc ta khao khát và tìm đến để
giải bày tâm hồn.
Tóm
lại, khi người được đồng hành muốn thoát khỏi tình trạng u mê của tâm hồn để được
kết hợp với mật thiết với Chúa, muốn trở nên hoàn thiện như Ngài… đó cũng là
lúc Chúa đang tác động, đang lôi kéo và mời gọi họ tìm đến với Ngài. Chính sự
khao khát này làm cho họ không dừng lại, nhưng quyết tâm tìm Chúa để được thỏa
mãn.
Lời
Chúa trong sách Tôbia dạy rằng: “Biết ai
khôn ngoan thì tìm đến mà bàn hỏi và chớ coi thường bất cứ lời chỉ giáo nào hữu
ích”.[3] Lời khuyên này thật chí lý
cho những ai đang khao khát tìm chân lý. Tự sức mình thì khó lòng nhận ra ý
Chúa trong cuộc đời, khó đưa ra một quyết định sáng suốt, nên người thụ hướng cần
tìm đến vị đồng hành để được hướng dẫn, vì “không
thầy đố mày làm nên”. Chỉ khi người tìm kiếm có thái độ chân thành đích thực
như Maria Macđala lúc viếng mộ Chúa thì mới có thể gặp được Người trong hoàn cảnh
cụ thể của đời mình.
Thái
độ chân thành sẽ được biểu lộ qua việc cởi mở, tự nhiên và thoải mái trình bày
vấn đề của mình với vị đồng hành. Người được đồng hành không “vòng vo tam quốc”,
nhưng cần thành thực nói rõ suy nghĩ, cảm xúc của mình để vị đồng hành có thể
“bắt đúng bệnh” thì mới “kê toa” được. Người Việt Nam có câu: “Con có khóc mẹ mới cho bú”, nếu “không khóc” mẹ sẽ nghĩ con đang
no và không cần được bú nên có thể sẽ bị đói. Cũng vậy, người được đồng hành
luôn trong cơ chế tự vệ, cố “đeo mặt nạ” để né tránh, “dấu bệnh”, không dám nói
điều mình muốn thì việc đồng hành thiêng liêng không mang lại hiệu quả. Vị đồng
hành thiêng liêng dù có nhiều khả năng và kinh nghiệm nhưng cũng khó để biết được
nhu cầu thực sự của người được đồng hành nếu như họ không thổ lộ. Trong đồng
hành thiêng liêng, người thụ hướng cần có thái độ thành thực rõ ràng, có thì nói có, không thì nói
không, đừng nói úp mở khiến vị đồng hành phải làm “thầy bói bât đắc dĩ” để đoán
ý. Nếu người được đồng hành thiếu thái độ chân thành tìm kiếm, không cởi mở bộc
lộ tâm tư của mình, mà cố gắng dấu được bao nhiêu có thể kiểu “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”,[4] cuộc đời rối như tơ vò mà cố
tỏ ra vui vẻ thì quá khó cho vị đồng hành, và việc đồng hành thiêng liêng chẳng
đem lại hiệu quả thiết thực, mà chỉ mang nặng tính hình thức.
Cha Jordan Aumann dòng
Đaminh cho rằng chân thành là phẩm tính hàng đầu và quan trọng nhất, vì
nếu người được đồng hành không chân
thành thì không cách nào hướng dẫn được. Nhờ chân thành tìm kiếm sự thật,
người thụ hướng sẵn sàng bộc lộ cho vị đồng hành biết tất cả tình trạng của
linh hồn, những cảm dỗ và yếu đuối, những khuynh hướng tốt và xấu, thành công lẫn
thất bại… Từ đó, vị đồng hành hiểu rõ được người thụ hướng thì mới hướng dẫn được.[5]
Tóm
lại, người được đồng hành cần có thái độ chân thành tìm kiếm, nhờ đó họ can đảm
thổ lộ tình trạng thật sự của tâm hồn, giúp người hướng dẫn thấu hiểu hầu tìm
ra phương án tốt nhất giúp người thụ hướng. Trái với tinh thần cầu thị chân
thành tìm kiếm, đó là cơ chế tự vệ, là thái độ giả dối, che đậy những góc khuất
trong tâm hồn, hoặc cố tình thêm bớt hay lèo lái vị đồng hành phải theo ý mình…
Những điều này chẳng những gây khó khăn cho việc đồng hành thiêng liêng mà còn
cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần qua những biến cố đời sống cũng như qua sự
hướng dẫn của vị đồng hành.
Đây
như là hoa trái của việc khao khát chân lý và thành tâm kiếm tìm. Chính sự khao
khát chân lý và chân thành tìm kiếm Chúa mà người thụ hướng dễ mở lòng ra để
Chúa Thánh Thần tác động. Chúa Thánh Thần, Đấng mà xưa kia Đức Giêsu đã hứa ban
cho các môn đệ, thì nay cũng được ban cho người thụ hướng để dẫn dắt họ trong hành
trình thiêng liêng:
Nếu anh em yêu mến
Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban
cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần
khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và
cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở
trong anh em.[6]
Chính
Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện lời hứa của Đức Giêsu là dẫn đưa người thụ hướng tới
“sự thật toàn vẹn”.[7] Tuy nhiên, hành trình đạt tới
“chân lý vẹn toàn” ấy rất nhiều gian
nan, chỉ khi người được đồng hành không khép kín, nhưng dám mở lòng mình ra để
cho Thần khí hướng dẫn thì họ mới có thể trung thành và kiên vững trên con đường
thiêng liêng. Năm xưa, trong ngày Chúa Giêsu phục sinh, các tông đồ đã được
trao ban Chúa Thánh Thần, nhưng dường như họ vẫn chưa nhận được, vẫn đầy sợ hãi
lo âu (Xc. Ga 20,19-26). Các ông vẫn “đóng kín cửa”, cánh cửa vật chất và tâm hồn
các môn đệ chưa dám mở ra vì sợ hãi, vì còn vương vấn “đường xưa lối cũ” trong
suy nghĩ “Thầy sẽ khôi phục Israel”
(Xc. Cv1,6). Đến ngày Lễ Ngũ
Tuần, gió đã ùa vào đầy cả căn nhà chứng tỏ các cánh cửa đã rộng mở (Xc. Cv
2,1-4).
Cùng một cách thế như vậy, Chúa Thánh Thần
luôn đi bước trước trong tâm hồn người thụ hướng, nhưng chỉ khi dám sống theo
Thần khí thì người được đồng hành mới nhận được những hoa trái thiêng liêng
trong tâm hồn. Lời mời gọi “hãy mở ra” của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khi nói
về Công đồng Vaticanô II có lẽ cũng là đòi hỏi tất yếu đối với người được đồng
hành: mở cửa tâm hồn để Chúa Thánh Thần hoạt động, mở ra để gặp Chúa và tha
nhân, để sống thẳng thắn chân thành trong tâm tình khiêm hạ của người làm môn
đệ… Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã nói lên tầm quan trọng của việc mở lòng
mình ra đối với Chúa Thánh Thần khi tuyên bố: “Sự khép kín đối với Thánh Linh không những là một sự thiếu tự do, nhưng
còn là tội lỗi”.[8]
Người
được đồng hành cần “mở cửa tâm hồn” để vị đồng hành có thể thấy được những mặt tốt và cả những
mặt xấu xa tồi tệ của mình, biết được sự thánh thiện và cả tội lỗi. Mở cửa ra
là một động thái can đảm sống trong sự thật. Dù rằng không một ai có thể che
dấu Thiên Chúa, “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn
tâm can”,[9] nhưng người thụ hướng lại có
thể che mắt người đồng hành những gì muốn che dấu bằng nhiều cách khác nhau,
với những lý do có khi rất hữu lý và hợp tình theo nghĩ suy của người đời. Thế
nhưng, một khi đã không can đảm sống trong sự thật thì e rằng khó mà nhận được
Đấng là Thần Chân Lý. Cha Carlos Cheung Dòng Don Bosco cho rằng muốn việc đồng hành
thiêng liêng mang lại hiệu quả thì hãy
luôn rộng mở cho Thánh Thần tác động:
Chúng ta phải luôn mở rộng cõi lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Ngài sẽ dẫn chúng ta đi trong lộ trình đức tin, trong tình yêu và niềm hy vọng.
Sự rộng mở cõi lòng sẽ giúp chúng ta biết lắng nghe sự chỉ dạy của Chúa Thánh
Thần một cách chân thực. Đây cũng là đích nhắm trong các cuộc linh hướng.[10]
Dấu hiệu của việc mở cửa tâm
hồn để Thánh Thần tác động nơi người thụ hướng đó chính là sự bình an trong tâm
hồn do Thiên Chúa ban tặng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho
anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng
xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.[11] Sự bình an
này thôi thúc người thụ hướng đi vào cuộc hoán cải, tự nguyện từ bỏ cái tôi của
mình để đón nhận những chỉ dẫn của vị đồng hành: “Chúng ta phải bắt đầu thực
hiện sự hoán cải. Chúng ta cần hoán cải liên tục để canh tân sự tương giao thân
tình với Chúa, để trở nên ngôn sứ của tình huynh đệ và luôn sẵn sàng phục vụ…”.[12] Hành trình hoán cải ấy của
người được đồng hành giống như một cuộc “lột xác” từ con sâu xấu xí bị giam hãm
trong tổ kén của những thói quen, để rồi bước ra khỏi kén hóa thành cánh bướm
lung linh bay vào vùng trời tự do. Cuộc lột xác ấy không tránh khỏi những đau
đớn của hy sinh từ bỏ, nhưng bù lại là đón nhận những ân sủng dồi dào của Thánh
Thần đó chính là “bác ái,
hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl
5,22-23).
Đạt được bình an nội tâm, gặt
hái được những hoa trái của Thần khí không có nghĩa là đã đi đến đích của hành
trình thiêng liêng để từ đây người thụ hướng có thể an tâm nghỉ ngơi… Trong
thực tế, họ vẫn phải cố gắng không ngưng nghỉ, tiếp tục tìm kiếm, khám phá,
phân định, nhất là những lúc rơi vào “đêm tối của đức tin”, vì hành trình thiêng
liêng giống như việc bơi ngược giòng: không tiến ắt sẽ bị đẩy lùi.
Như vậy, mở lòng ra với Thần
khí chính là từ bỏ cái tôi, từ bỏ ý riêng như Đức
Giêsu để “theo ý Cha” (Lc 22,42). Để cho Thần khí hướng dẫn, người thụ
hướng phải xác tín rằng đó là con đường của đức tin, của lòng yêu mến cậy trông
và phó thác. Chúa sẽ đưa dẫn cuộc đời tôi vượt qua những khó khăn u tối, để bước
đi trong hy vọng và bình an, vì đối với Ngài “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Giữa người
đồng hành và người được đồng hành thường có những khoảng cách và chênh lệch nhất
định. Điều này nhiều khi gây trở ngại cho người được đồng hành trong việc trình
bày vấn đề của mình. Có lúc, họ cảm thấy bối rối “vạn sự khởi đầu nan” không biết
bắt đầu từ đâu. Để giảm thiểu những ngại ngần trong việc giãi bày nội tâm, người
được đồng hành hãy biết tin tưởng vào vị đồng hành để từ đó can đảm nói rõ tình
trạng của linh hồn. Gary Chapman đã đưa ra một lời khuyên khá thú vị: “Hãy bắt đầu mọi cuộc nói chuyện như thể bạn
đang nói chuyện với một người bạn”.[13] Một khi người được đồng hành cảm thấy
giữa họ và người hướng dẫn không còn rào cản nào thì sẽ mạnh dạn bộc lộ nội
tâm, nhất là khi mối tương giao gần gũi giống như bạn bè thì việc nói rõ cho “bạn”
biết chuyện của mình lại càng dễ hơn. Chính Đức Giêsu cũng khẳng định điều này
khi Ngài nói với các môn đệ: “Thầy không
còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi
anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho
anh em biết”.[14]
Can đảm bộc
lộ tất cả những gì còn vướng mắc trong tâm hồn với người hướng dẫn là cách thức
để người thụ hướng được chữa lành và thăng tiến trên đường nhân đức. Theo cách
thức này, Thánh Basiliô khuyên như sau:
Nếu bạn muốn tiến
bộ, bạn không nên che dấu bất cứ một chuyển biến nào của tâm hồn. Tốt hơn, bạn nên
thổ lộ những thầm kín của tâm hồn cho những người anh em có nhiệm vụ xử lý những
lo lắng của người yếu đuối với lòng yêu thương thông cảm và trắc ẩn. Bằng cách
này, họ thông qua những điều đáng khen, còn những điều đáng quở trách phải nhận
được sự sửa chữa xứng hợp. Với việc thực hành cởi mở như vậy, chúng ta sẽ dần dần
hoàn thiện.[15]
Cùng một
tinh thần như vậy, Thánh Phanxicô Salêsiô khuyên rằng:
Hãy mở tâm hồn cho vị đồng hành với tất cả sự thành thật và tin tưởng,
hãy bộc lộ rõ ràng và chính xác tình trạng lương tâm không giả dối hay hư cấu.
Bằng cách này, những hành động tốt sẽ được kiểm nghiệm và được đón nhận; những
hành động xấu sẽ được sửa sai và chữa trị. Với những nỗi đau bạn sẽ được an ủi
và được làm cho mạnh sức, sẽ được điều chỉnh và làm cho khuây khỏa.[16]
Lột tả nội
tâm chính là thể hiện sự khát khao nên hoàn thiện. Điều này giúp cho người đồng
hành dễ dàng phân định, nhìn thấy khát vọng sâu thẳm nơi tâm hồn của người thụ
hướng để từ đó họ đưa ra những hướng dẫn hợp lý. Đành rằng bóc trần tâm hồn
mình là một lần khơi lại nỗi đau, nhưng chỉ khi chấp nhận một lần đau để cắt đi
“những ung nhọt”, “những khối u” thì tâm hồn mới an mạnh được, nếu không thì nó
sẽ âm ỉ mưng mủ, thậm chí còn di căn nguy hiểm cho linh hồn. Can đảm bày tỏ tâm
hồn với vị đồng hành là cách thức hữu hiệu để xóa bỏ tận căn những khiếm khuyết
của tâm hồn, để vững bước trên con đường hướng đến trọn lành trong sự dẫn đưa của
Thần Khí.
Sau khi đã
trình bày mọi vấn đề của mình, người thụ hướng hãy khiêm tốn lắng nghe để đón
nhận những hướng dẫn của vị đồng hành. Nhiều
lúc quan điểm và cách thức của vị đồng hành và người được đồng hành khác nhau
hoàn toàn, nếu thiếu tinh thần cầu tiến qua việc vui vẻ đón nhận thì người được
đồng hành dễ nghi ngờ khả năng của vị đồng hành, hoặc bi quan. Chính vì thế,
tâm tình vui vẻ đón nhận là hết sức cần thiết, không biết đón nhận chỉ dẫn thì
chẳng đời nào thực hành theo phương pháp của người đồng hành, và kết quả của đồng
hành thiêng liêng chỉ là “công cốc”. Tâm tình của người tiểu đồng trong câu chuyện
ngôn sứ Êlia được sách Các Vua quyển thứ
nhất trình thuật có lẽ là minh chứng hùng hồn cho việc biết khiêm tốn lắng
nghe: Trong khi trời đang hạn hán chẳng có dấu hiệu nào của mưa, ngôn sứ sai tiểu
đồng lên núi nhìn về phía biển, nó đi và làm theo lời ông, nhưng lên núi cũng
chẳng thấy gì, vậy mà cậu vẫn vui vẻ tiếp tục làm theo lời của vị ngôn sứ. Sáu
lần lên xuống núi quả là vất vả, mãi tới lần thứ bảy mới thấy một dấu chỉ nhỏ
nhoi báo hiệu trời mưa là “đám mây nhỏ bằng
bàn tay” (Xc. 1V 18,41-46). Từ dấu chỉ nhỏ nhoi ấy, Thiên Chúa đã làm một
phép lạ phi thường cho mưa thấm nhuần đất đai sau ba năm sáu tháng bị hạn hán.
Trong đồng hành thiêng liêng cũng vậy, người được đồng hành cần học tâm tình
khiêm tốn lắng nghe và vui vẻ đón nhận như người tiểu đồng trong câu chuyện vừa
nêu.
Kiên nhẫn
cũng là một trong những phẩm tính quan trọng mà người được đồng hành cần phải
có, vì “dục tốc bất đạt”, mọi sự đều
cần thời gian, đều phải đúng thời đúng lúc. Thánh Giacôbê đã khéo léo dùng hình
ảnh nhà nông và tấm gương của các ngôn sứ để khuyên nhủ những tín hữu trong buổi
sơ khai của Giáo hội đang nóng lòng chờ Chúa Giêsu quang lâm rằng:
Thưa anh em, xin
anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn
chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối
mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm
đã gần tới. Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị
xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và
lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh
Chúa. Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh
em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.[17]
Người được
đồng hành không phải chờ đợi trong vô vọng, hoặc thụ động lười biếng chờ một cơ
may kiểu nằm “há miệng chờ sung rụng”, nhưng là kiên nhẫn chờ đợi trong cầu
nguyện với niềm tín thác vào Thiên Chúa để không ngừng cố gắng. Tác giả Erich
Fromm trong tác phẩm The art of loving
(Nghệ thuật yêu thương) đã khuyên rằng:
Để có một ý niệm về
kiên nhẫn là gì, chỉ cần nhìn một đứa trẻ đang tập đi. Nó té, té nữa, tuy
nhiên, nó tiếp tục cố gắng, hoàn thiện, cho tới một ngày nó không té nữa. Người
trưởng thành có thể đạt được điều gì nếu anh ta có được sự kiên nhẫn của đứa trẻ
này và sự tập trung của nó vào những nghề nghiệp quan trọng của anh ta.[18]
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, không có
chuyện nên thánh theo kiểu cấp tốc “mì ăn liền”. Nên thánh phải là một quá
trình gian khổ phấn đấu không ngưng nghỉ. Có khi chỉ cần cố từ bỏ một tật xấu và
rèn luyện một nhân đức, người ta cũng vất vả té xuống đứng lên nhiều lần mới
thành công được. Thiếu kiên nhẫn thường kéo theo sự bạc nhược của tinh thần,
thiếu quyết tâm và tính kỷ luật bản thân nên dễ bỏ cuộc, vì con người thường có
xu hướng “nghiêm khắc với người mà dễ dãi với mình”.
Người được
đồng hành thiêng liêng cần phải kiên nhẫn trong nhiều mặt cả trong tương quan với
Chúa, với vị đồng hành và với chính mình. Đối với
Thiên Chúa: Người không phải là ông chủ keo kiệt khó tính, nhưng cũng không phải
nô lệ sẵn sàng đáp ứng mọi
nhu cầu của ta; Người có những cách thức và Người cũng muốn phần tốt nhất cho ta, vì “những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của
tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ
kêu xin Người sao?”.[19]
Chính vì thế, ta cần kiên nhẫn chờ đợi trong cầu nguyện để đọc được điều Chúa
muốn.
Người được
đồng hành cần kiên nhẫn với vị đồng hành vì dù có tài năng và đức độ đến mấy thì
vẫn còn đó những hạn chế của con người, nên đừng đòi hỏi quá nhiều nhưng nên biết
khiêm tốn đón nhận. Chẳng những kiên nhẫn đón nhận những hạn chế của một con
người, mà cần kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng thực hành theo sự hướng dẫn của vị
đồng hành. Trong thực tế, kiên nhẫn với vị đồng hành là không đơn giản vì,
không ít người thụ hướng thường tỏ ra nôn nóng, họ giống như một bệnh nhân đang
đau đớn muốn cho một liều an thần hoặc cắt cơn tạm thời hơn là chấp nhận đau để
được chữa trị tận căn. Không kiên nhẫn với người đồng hành cũng là thiếu khôn
ngoan trong chọn lựa của người thụ hướng, thậm chí còn tự làm hại mình vì anh
ta như một bệnh nhân chạy đôn chạy đảo, không kiên nhẫn với một bác sỹ nào cả
dù đã được nói đúng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị, nhưng chỉ vì chưa đủ thời
gian để thuốc phát huy tác dụng mà đã chê để chọn bác sỹ khác. Gary Chapman đã
đưa ra lời khuyên thật thụ vị cho những ai đang nôn nóng thiếu kiên nhẫn: “Lựa chọn trở nên kiên nhẫn có thể là một
trong những lựa chọn hiệu quả nhất mà chúng ta làm”.[20]
Người được
đồng hành cũng phải tập tính kiên nhẫn với chính mình. Trên con đường tập tành
để trở nên “hoàn thiện như Cha” luôn
đầy thách đố. Chính vì thế, người thụ hướng hãy kiên nhẫn với chính mình, nhất
là những khi cố gắng thực hành nhân đức mà sao vẫn bị cám dỗ, sa ngã. Kiên nhẫn
với chính mình để không đầu hàng, không bỏ cuộc khi thất bại, nhưng biết khả
năng có ngần có hạn của bản thân để không kiêu ngạo hay tự ti mặc cảm, mà là
kiên nhẫn đón nhận chính mình và cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Noi gương các
ngôn sứ, nhất là thánh vương Đavít để thân thưa với Chúa rằng: Chúa hãy cứu
giúp con, không phải vì con, nhưng vì danh dự của Chúa, một kiểu nói giống như
người Việt “chó gầy xấu mặt nhà nuôi” nên Chúa muốn giữ uy tín thì phải ra tay: “Núi đá và
thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho
con”.[21]
Kiên nhẫn với
chính mình để rút tỉa được những bài học cả khi thất bại lẫn thành công, và đồng
thời “thừa nhận với mình và với người
khác rằng mọi thất bại có thể là tảng đá kê bước tới thành công”.[22] Nói theo cách của nhạc sỹ
Mi Trầm trong nhạc phẩm Xin giữ con
đó là thái độ khiêm tốn xin Chúa giữ gìn để con tiếp tục phụng sự Chúa, dù khi
thất vọng, phản bội, lỗi tội… vẫn xin Chúa giúp con bắt đầu lại.[23]
Sau khi đã
can đảm bộc lộ với vị đồng hành, vui vẻ đón nhận và kiên nhẫn chờ đợi mọi hướng
dẫn thì người được đồng hành cần biết chấp nhận hậu quả. Có lúc ý Chúa và ý con
người giống nhau, nhưng có lúc “trời không chiều lòng người”, nên chuẩn bị mọi
tâm lý là hết sức cần thiết để chấp nhận những điều trái ý. Những điều không
mong muốn ấy có khi đến từ một vị đồng hành thiếu khả năng và những phẩm tính cần
thiết, nhưng có khi lại là ý Thiên Chúa muốn nói qua người hướng dẫn. Chính vì
thế, người được đồng hành cần xác tín rằng: ở cuối đường hầm sẽ có ánh sáng,
Chúa đóng cửa này thì Ngài sẽ mở lối khác cho tôi, Chúa không bao giờ thử thách
tôi quá sức chịu đựng... Nhờ đó, người được đồng hành không nản lòng, nhưng tiếp
tục cầu nguyện, phân định, chọn lựa và thực thi điều mình xác tín. Điều này làm
cho người thụ hướng có được bình an cần thiết và tâm hồn luôn được lấp đầy ơn
Chúa để không trống trải tạo điều kiện cho ma qủy trở lại cư ngụ.[24]
Tóm lại,
can đảm bộc lộ, vui vẻ đón nhận, kiên nhẫn chờ đợi và chấp nhận hậu quả đều là
những phẩm tính quan trọng mà người được đồng hành cần có. Những phẩm tính này
có mối liên hệ biện chứng bổ túc cho nhau. Thực hành những phẩm tính này chính
là sống tâm tình của con cái sự sáng trên hành trình trở nên hoàn thiện như Cha
là Đấng hoàn thiện.
Kết luận
Những
gì trình bày ở trên giúp ta thấy rằng trong đồng hành thiêng liêng, người được
đồng hành cần có các phẩm tính khao khát chân lý, chân thành tìm kiếm và mở
lòng ra với tác động của Chúa Thánh Thần. Cùng với những phẩm tính này chính là
thái độ can đảm bộc lộ, vui vẻ đón nhận, kiên nhẫn chờ đợi và chấp nhận hậu quả.
Nhờ đó, người được đồng hành không né tránh, nhưng dám bộc lộ tâm hồn cách
trung thực với người đồng hành, rồi chăm chú lắng nghe và kiên nhẫn vâng phục
theo sự hướng dẫn của vị đồng hành. Đặc biệt, người được đồng hành cần chuyên chăm cầu
nguyện và kiên nhẫn chờ đợi trong niềm xác tín, để rồi biết phân định đâu là ý
Chúa muốn thể hiện trên cuộc đời của mình để từ đó quyết tâm thi hành. Vận dụng
các phẩm tính này trong đồng hành thiêng liêng là chuyện không đơn giản chút
nào, nó chỉ thành sự khi vừa vận dụng ơn Chúa vừa kết hợp với sự nhiệt tâm cộng
tác của con người. Kết quả của những nỗ lực này chính là sự gặp gỡ Thiên Chúa để
được biến đổi đời sống… Từ đây, người được đồng hành không theo đường xưa lối
cũ trong cách sống, nhưng theo một lối khác như các đạo sỹ sau đã diện kiến
Chúa Hài Đồng đã không trở lại với Hêrôđê, mà theo lối khác để về quê hương
(Xc. Mt 2,12).
[1] Duy Thiên, Yêu thương cho Người, truy cập ngày
29/9/2017;
[2] Bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, tr 29.
[4]
Nguyễn Du, Truyện Kiều- tác phẩm & dư
luận, Tuấn Thành và Anh Vũ tuyển chọn, tr. 103. Nguyên văn câu 1855-1856: “Cùng trong một tiếng tơ đồng, Người ngoài cười
nụ, người trong khóc thầm”.
[5]
Xc. Phạm Quốc Văn, OP., Trên đường Emmaus,
tr 165-166.
[6]
Ga 14,15-17.
[7]
Ga 16,13.
[8] Trần Đức Anh,
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh
Thần Hiện Xuống, truy
cập ngày 01/10/2017; http://vi.radiovaticana.va/news/
[9] Xc. Cv 15,8; Rm 8,27.
[10] Carlos Cheung, Việc đồng hành thiêng liêng
(phần III): Hành trình khám phá chính mình trong đức tin và lòng yêu mến, Văn Hào, SDB
chuyển ngữ, truy cập 01/10/2017; http://fmavtn.org/index.php?option=com_content &view=article&id=6413:vic-ng-hanh-thieng-lieng-phn-iii-hanh-trinh-kham-pha-chinh-minh-trong-c-tin-va-long-yeu-mn&catid=55:cu-hc-vien-fma-cng-tac-vien-vides&Itemid=62.
[11] Ga 14,27.
[12] Xc. Trần Đức Anh, Sđd.
[13] Gary Chapman, Yêu thương là một lối sống, tr 180.
[14] Ga 15,15.
[15] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 171.
[16] Xc. Sđd., tr 171- 172.
[17] Gc 5,7-11.
[18] Xc. Gary Chapman, Sđd., tr 112.
[19]
Lc 11,13.
[20]
Gary Chapman, Sđd., tr 108.
[22] Gary Chapman, Sđd., tr 113.
[24] Xc. Lc 11,24-26; Mt 12,43-45.
Đăng nhận xét