Nghệ thuật lắng nghe trong đồng hành thiêng liêng


Việc lắng nghe tiếng Chúa 
không phải chỉ là sử dụng những phương pháp 
quen gọi là “khoa học nhân văn”, 
mà điều quan trọng là lắng nghe Thần khí tác động, 
từ đó có thể nhận ra cái tôi đích thực và vận mệnh đời mình.

Giuse Trần Văn Lâm, MF
Gioan Baotixita Trần Minh Phương, MF


Lắng nghe là một điều không thể thiếu trong cuộc sống, trong các mối quan hệ giữa người với người.[1] Đặc biệt, trong đồng hành thiêng liêng thì lắng nghe là một việc rất quan trọng và cần thiết. Cả người đồng hành và người thụ hướng đều phải biết lắng nghe.
Người đồng hành lắng nghe để hiểu được vấn đề của người thụ hướng, lắng nghe để có thể phân định điều gì đúng, điều gì sai, lắng nghe để có thể đưa ra những lời khuyên, những điều chỉnh cho phù hợp. Lắng nghe để hiểu những vấn đề nội tâm sâu xa, những nỗi niềm khắc khoải, những trạng thái tâm lý, thiêng liêng, cám dỗ, nỗi sợ hãi, tội lỗi, hay thất vọng… nhằm giúp người thụ hướng nhìn nhận được vấn đề của chính mình, giúp họ thấy được kế hoạch và sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ. Khi có sự lắng nghe thì sẽ làm cho người khác dễ dàng bộc lộ những vấn đề khó khăn một cách chân thành và cởi mở nhất. Lắng nghe để hiểu rõ vấn đề thì mới có thể giúp cho người khác.
 Người thụ hướng cũng cần lắng nghe để nhận ra chính con người của mình, nhận ra tiếng Chúa nói, nhận ra kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Vậy, trong đồng hành thiêng liêng cần lắng nghe những điều gì? Phải lắng nghe như thế nào? Lắng nghe với thái độ nào? Lắng nghe trong tâm tình nào? Lắng nghe trong các chiều kích nào? để giúp cho người thụ hướng nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa và ý định, kế hoạch của Ngài trong cuộc đời mình.
Trong đồng hành thiêng liêng, người đồng hành lắng nghe để giúp người thụ hướng hiểu được vấn đề của mình và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, tìm ra ý Chúa. Lắng nghe trong đồng hành thiêng liêng đòi hỏi người đồng hành phải có đời sống nội tâm, sự hiểu biết và đón nhận để giúp người thụ hướng nhận ra rằng qua những sự kiện, biến cố trong cuộc đời có Chúa hiện diện, để họ nhận ra Chúa trong cuộc đời mình. Nếu không có sự lắng nghe thì người đồng hành không thể có sự phân định đúng sai để giúp người khác.
Lắng nghe thấu cảm
Sâu kín trong tâm hồn của mỗi người, ai cũng có những khát vọng, những ưu tư khắc khoải và những khó khăn riêng của mình, không ai giống ai. Để hiểu được những khó khăn của người thụ hướng thì đòi hỏi người đồng hành phải lắng nghe những điều sâu thẳm trong tâm hồn của người thụ hướng. Lắng nghe những điều tốt; xấu, đúng; sai nhằm giúp cho người thụ hướng nhận ra những khát vọng; những ưu phiền, để giúp họ biết mình đang mong muốn điều gì. Nhờ việc lắng nghe, cùng với sự chân thành bộc lộ của người thụ hướng, vị đồng hành có thể giúp họ nhận ra con người thật của mình, nhận ra khát vọng trong tâm hồn và họ đang mong muốn điều gì.[2] Khi Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus,[3] Người đã lắng nghe, cùng trò chuyện để hiểu rõ tâm trạng của họ, và hai môn đệ đã không ngần ngại bộc lộ hết những khó khăn mà mình đang gặp phải, hai môn đệ đã chia sẻ những khó khăn nhất với thái độ không đề phòng. Chúa đã lắng nghe những khát vọng trong tâm hồn của hai môn đệ và họ đã bộc bạch một cách rõ ràng những điều sâu kín trong tâm hồn của mình.
Và trong việc lắng nghe thì vấn đề khó khăn nhất là mối tương quan giữa người đồng hành và người thụ hướng. Có nhiều khi người thụ hướng không dám nói thẳng về tình trạng của mình nên đòi hỏi người đồng hành phải biết cách lắng nghe để đưa cuộc gặp gỡ đi vào trọng tâm của vấn đề, để người thụ hướng bộc lộ những khó khăn mà họ gặp phải.
Vị đồng hành còn phải khôn ngoan đoán biết những gì chưa được bộc lộ, mà nhiều khi đây mới là vấn đề chính. Bằng chính kinh nghiệm đồng hành và sự khôn ngoan, vị đồng hành có thể đoán biết đương sự đang rơi vào tình trạng bất ổn luân lý nào đó. Một khi nắm bắt được nguyên nhân gây ra những xáo trộn, những xao xuyến, vị đồng hành có thể từng bước giúp đương sự nhận ra, đón nhận con người thật của mình, và từ đó khám phá ra lòng nhân từ và kế hoạch của Thiên Chúa, học biết lắng nghe tiếng Chúa.[4]
Tiếng Chúa nói qua các biến cố của cuộc sống
Lắng nghe trong đồng hành thiêng liêng không phải là lắng nghe trong tư vấn tâm lý hay tư vấn mục vụ nên cần phải lắng nghe tiếng Chúa nói.
 Người thụ hướng được giúp đỡ để lắng nghe tiếng Chúa nói với mình.[5] Vị đồng hành cần lắng nghe để biết được tiếng Chúa nói với người thụ hướng, nên người thụ hướng cũng cần lắng nghe tiếng Chúa nói với mình qua những biến cố trong cuộc đời như là những lỗi lầm, thất bại, đau khổ, tội lỗi của mỗi cá nhân. Để làm được điều này, cả người đồng hành và người thụ hướng cần có mối tương quan với Thiên Chúa, cần phải lắng nghe tiếng Chúa nói với mình bằng việc cầu nguyện; trao đổi.[6] Trong tác phẩm Trên Đường Emmaus, linh mục Phạm Quốc Văn có viết:
Vị đồng hành phải giúp cho người thụ hướng ý thức chính Thiên Chúa đang hoạt động trong họ, muốn những điều tốt đẹp cho họ, và Người có thể biến những đổ vỡ, những khát vọng của họ thành cơ hội thuận tiện để họ có thể gặp gỡ được Người. Thánh Phaolô thì xác tín rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8, 28). Người thụ hướng cần được giúp đỡ để khám phá ra thế nào là một Thiên Chúa xót thương. Nếu không khám phá ra tình thương Thiên Chúa, thì người thụ hướng chưa thể lên đường trên hành trình hoán cải nội tâm.[7]
Việc lắng nghe tiếng Chúa không phải chỉ là sử dụng những phương pháp quen gọi là “khoa học nhân văn”, mà điều quan trọng là lắng nghe Thần khí tác động, từ đó có thể nhận ra cái tôi đích thực và vận mệnh đời mình. Cái tôi ấy đã được nhào nặn qua biết bao biến cố, kinh nghiệm, ân sủng; và vận mệnh ấy chính là thuận theo kế hoạch của Thiên Chúa ngay trong chính tình trạng của bản thân mình. Việc còn lại của người thụ hướng là nỗ lực đáp trả thánh ý Thiên Chúa.[8]
Như vậy, việc lắng nghe Chúa nói là vô cùng quan trọng, là công việc của cả người đồng hành và người thụ hướng. Vị đồng hành lắng nghe tiếng Chúa để giúp người thụ hướng nhận ra kế hoạch Thiên Chúa nơi người thụ hướng và người thụ hướng cũng phải lắng nghe tiếng Chúa để thấy được ý định và kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.
 Lắng nghe sự lớn lên 
        trong tâm hồn của người được đồng hành

Việc đồng hành nhằm giúp người thụ hướng nhận ra chính con người thật của mình với những khó khăn đang gặp phải và nhận ra ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời của họ. Việc làm này đòi hỏi kết quả là chính người thụ hướng phải có sự biến đổi bản thân và gặp gỡ Thiên Chúa một cách sống động.
Sự biến đổi toàn diện con người của người thụ hướng được thể hiện rõ qua quá trình: khởi đi từ những khát vọng trong tâm hồn, qua quá trình đồng hành thì người thụ hướng được hướng dẫn, phân định để nhận ra con người của chính mình. Từ đó chấp nhận con người của chính mình, lắng nghe tiếng Chúa nói với mình và khi đã nhận ra tiếng Chúa nói thì người thụ hướng thoát khỏi những khó khăn, thương tật của mình. Cuối cùng là biến đổi tâm hồn và làm theo kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình.[9]
Lắng nghe là một nghệ thuật nên cần có những nguyên tắc để cuộc gặp gỡ đồng hành được hiệu quả. Cần những cách lắng nghe để làm cho cuộc nói chuyện gần gũi, cởi mở, thoải mái và dễ dàng chia sẻ những điều nhỏ nhất, khó nói nhất, thầm kín nhất.
Lắng nghe với thái độ tôn trọng, không xét đoán
Thông thường, người thụ hướng sẽ rất khó bộc lộ những nỗi niềm sâu kín nhất của mình với người đồng hành. người thụ hướng thường sợ nói về những điều thầm kín nhất trong tâm hồn của mình vì mặc cảm, tự ti, xấu hổ và sợ bị kết án… nên đòi hỏi người đồng hành phải tạo được môi trường an toàn, không xét đoán, không phê phán để người thụ hướng có thể nói ra những khó khăn thật sự của mình.
Trong trình thuật của thánh Luca về việc Đức Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus,[10] Chúa Giêsu tiến lại gần hai môn đệ và cùng trò chuyện với họ lúc họ đang thất vọng chán nản, mất phương hướng, mất niềm tin. Họ không thấy được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình nên đã về quê để tìm đường mưu sinh thì Chúa đã đến với họ, nhập cuộc một cách nhẹ nhàng, lắng nghe họ với sự kiên nhẫn, đón nhận mà không xét đoán hay chê trách. Chúa lắng nghe một cách chân thành và để đến lúc thuận tiện rồi mới giải thích và giúp họ gỡ rối vấn đề đang gặp để họ hiểu những sự kiện đã xảy ra chứ không lên án họ, không la mắng, than phiền hay thất vọng về họ.[11] Việc lắng nghe đòi hỏi người nghe lắng nghe tất cả những gì người đối diện nói mà không phản bác lại những gì được nói ra.[12]
Việc bày tỏ tâm hồn mình không phải là công việc đơn giản. Tuy rằng, tự sâu thẳm, mỗi người đều có nhu cầu bộc lộ chính mình, cả những ưu cũng như khuyết điểm, nhưng điều quan trọng là phải được người khác trân trọng và đón nhận. Chỉ khi ấy, người ta mới có thể chui ra khỏi cái tôi vỏ ốc an toàn, mới có thể bóc trần con người thật của mình trước mặt người khác.[13] Việc gặp gỡ đích thực chỉ thực sự diễn ra khi đương sự hoàn toàn tự do trong mối tương quan với Thiên Chúa. Việc lắng nghe của người đồng hành chính là mở lối ngỏ trong tâm hồn người được đồng hành, để Thánh Thần tác động trực tiếp trong cõi sâu thẳm tâm hồn họ.[14]
Như vậy, người đồng hành cần lắng nghe với thái độ chân thành, tạo không khí thoải mái, tin tưởng và lắng nghe một cách yêu thương, không phê phán xét đoán để giúp cho người thụ hướng bộc bạch những vấn đề mình đang gặp phải. Khi có sự lắng nghe một cách vô điều kiện sẽ làm cho người thụ hướng cảm thấy mình được đón nhận và dễ dàng chia sẻ. Lắng nghe đích thực là thái độ đồng cảm không xét đoán, không phản đối, và cũng không quả quyết.[15]
 Lắng nghe trong thái độ khiêm nhường,
        ý thức mình chỉ là công cụ trong tay Thiên Chúa [16]

Vị đồng hành cần phải xác tín rằng: mình chỉ là dụng cụ trong tay Chúa, hành động theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa chứ không cậy vào sức riêng của mình.[17] Người đồng hành không bao giờ được cậy vào sức riêng của mình khi lắng nghe người thụ hướng nhưng cần phải biết rằng Chúa Thánh Thần đang nói với mình và với người thụ hướng. Một khi ý thức mình là dụng cụ trong tay Thiên Chúa thì vị đồng hành mới có sự lắng nghe đích thực với sự cậy dựa vào Thiên Chúa hơn là sức riêng của mình, và nhận được sự khôn ngoan từ Thiên Chúa. Nhờ sự cậy dựa vào Thiên Chúa thì vị đồng hành sẽ giúp cho người thụ hướng nhận ra vấn đề của mình với sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời họ.
Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người nên Người luôn hướng dẫn con người theo những cách riêng của mình. Một khi đã lắng nghe và giúp người thụ hướng nhận ra Thiên Chúa trong cuộc đời của mình thì vị đồng hành cần có thái độ phó thác cho Thiên Chúa, hãy để Thiên Chúa hành động, hãy để họ biến đổi theo Thần khí Chúa.
Tôn trọng sự tự quyết của cá nhân
Một khi gặp những khó khăn thì người thụ hướng thường phân vân và chẳng biết làm điều gì, họ như người đang đứng trước ngã ba đường, họ thường không dám quyết định về những vấn đề của đời mình nhưng thường tìm cách dựa dẫm để người đồng hành giúp họ quyết định dùm. Bên cạnh đó, người đồng hành cũng sẽ dễ dàng rơi vào việc đưa ra quyết định thay người khác. Nhưng mục đích của việc đồng hành là:
Việc đồng hành không nhằm giải quyết những khó khăn cấp thời nhưng nhắm đến sự trưởng thành cá nhân (về mặt tâm lý và tâm linh) như mục đích tối hậu và toàn diện. Sự trưởng thành này không thể là kết quả của một sự dựa dẫm, mà phải là nỗ lực của cá nhân trong việc tự do quyết định và lãnh nhận trách nhiệm về hậu quả của hành vi tự do ấy. Thiếu đi tính tự do tự quyết chính là thiếu đi nhân tố căn bản nhất làm nên hành vi nhân linh của con người.[18]
Nhiệm vụ của người đồng hành là giúp người thụ hướng nhận ra con người thật của mình, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, nhận ra kế hoach của Thiên Chúa. Việc đưa ra nhận định cuối cùng là công việc của người thụ hướng với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Người đồng hành không ra lệnh, không lấy quyết định dùm, nhưng hướng dẫn để người thụ hướng có thể bước đi trên chính đôi chân của mình mà đến với Thiên Chúa.[19]
Không phải ai cũng dễ mở toang cửa sổ tâm hồn của người thụ hướng. Theo khía cạnh tâm lý, nơi sâu thẳm bí nhiệm của tâm hồn vẫn là nơi trú ngụ an toàn cho bản thân khi tất cả trở nên bất trắc và đe dọa, không thể phá vỡ cơ chế tự vệ đã ăn sâu vào vô thức của người thụ hướng. Thế nên, ta thường thấy khi gặp khó khăn hay thất bại, mọi người thường chui vào vỏ ốc của mình. Do đó, có những yếu tố không thể thiếu trong quá trình lắng nghe về khía cạnh tâm lý là luôn trân trọng và đón nhận sự khác biệt của người khác, phải có khả năng lắng nghe lẫn nhau.[20]
Người đồng hành thiêng liêng phải tự biết mình
Hiểu biết mình là cố gắng hiểu được nhu cầu căn bản của mình như: tư tưởng, tâm linh, tình cảm, trí tuệ, thể xác… và tìm cách đáp ứng cách lành mạnh. Hiểu được mình mới nhạy bén trước nhu cầu của người thụ hướng. Hiểu biết mình là chấp nhận chính mình. Chán ghét mình, ta sẽ chán ghét và chống đối người khác và ngay cả người mình đang đồng hành thiêng liêng. Yêu thương mình, lắng nghe mình, ta sẽ yêu thương và lắng nghe người khác.
Người đồng hành thiêng liêng phải nhìn nhận tính cách cá biệt của mình. Nhiều khi Người đồng hành thiêng liêng cũng đánh mất đi phương hướng sống, cảm thấy bế tắc, mọi thứ trở nên rối mù. Cho nên, người đồng hành thiêng liêng cần phải biết mình, nhìn nhận tính cách cá biệt của mình để rồi không đánh mất chính mình.
Việc hiểu biết mình của người đồng hành thiêng liêng đã rút ra kinh nghiệm sống tự bản thân qua các biến cố, qua mối tương quan, qua công việc, qua học hành nghiên cứu… Tất cả đều góp phần làm nên cuộc sống và nhân cách của người đồng hành thiêng liêng và đó chính là điểm hội tụ sức mạnh giúp Người đồng hành thiêng liêng có thể đối đầu với những xung đột, đánh giá đúng các bậc giá trị, phân định một cách chính xác những nhu cầu của người thụ hướng.[21]
Đón nhận tha nhân với những khác biệt
Thiên Chúa ban cho mỗi người một nhân cách độc nhất vô nhị. Nên ta không thể hiểu thế giới của người khác cách hoàn toàn, sâu sắc. Thế nên, mỗi người có một cá tính duy nhất, được kêu gọi hoàn toàn sống với hành trình đời mình theo những nét riêng biệt.
Ai cũng có điểm yếu, điểm mạnh khác nhau, có những trang sử đời tư khác nhau. Do vậy, cuộc gặp gỡ đích thực phải được đặt nền trên sự nhận thức rằng: mỗi người đều là cá vị phân biệt và khác biệt việc đồng hành đích thực cũng phải khởi đi từ sự gặp gỡ khác biệt ấy.[22]

Chiều kích thiêng liêng này còn vượt trên cả chiều kích tâm lý nữa. Trong việc đồng hành thiêng liêng, hai người lắng nghe nhau thôi thì chưa đủ, cả người đồng hành thiêng liêng với người thụ hướng phải lắng nghe tiếng Chúa nữa.[23] Người đồng hành thiêng liêng và cả người thụ hướng đều có khả năng thiêng liêng, cùng lắng nghe tiếng Thiên Chúa và làm theo ý Ngài. “Ai thuộc về Thiên Chúa thì nghe Lời Thiên Chúa” (1V 3,9; 1Sm 3,10; Is 55,2-3; Mc 9,7).
Lắng nghe trong niềm tin
Việc đồng hành thiêng liêng tập trung vào nội tâm, Thiên Chúa là nguồn mạch và là cùng đích của đời sống con người. Người đồng hành thiêng liêng lắng ghe để biện phân đâu là ý Chúa trong các biến cố của đời ta để làm theo. Để rồi người đồng hành thiêng liêng và người thụ hướng cùng đi vào hành trình đức tin đang ở phía trước vẫn là chân trời vô định mời gọi con người khám phá và việc lắng nghe là sự quy phục vô điều kiện đối với Thiên Chúa, là những gì thâm sâu nhất của mình, và là chiều sâu thăm thẳm.[24]
Qua việc lắng nghe để người đồng hành thiêng liêng biện phân biết được ý Chúa, biết chính ta, biết người thụ hướng, biết đâu là ý Chúa trong cuộc đời người mà ta thụ hướng, để giúp người thụ hướng làm theo ý Chúa chứ không phải làm theo ý ta. “Mọi sự đều sinh ích cho người kính mến Chúa” (Rm 8,28).
Lắng nghe với niềm hy vọng
Trong việc đồng hành thiêng liêng cần phải kiên nhẫn, nhịn nhục và cũng cần phải cho người thụ hướng biết những sai lỗi nhưng với tấm lòng từ bi, bao dung, nhẹ nhàng và cương quyết đòi hỏi phải thay đổi. Khi cần sửa lỗi cho người nào thì ta với người đó thôi, dừng ở đó và cầu nguyện cho người đó can đảm biến đổi.
Nhiều khi, người đồng hành thiêng liêng phải đối diện với cám dỗ bỏ cuộc, vì người thụ hướng bộc lộ thật quanh co, tăm tối. Nhưng khi biết đón nhận và lắng nghe trong sự kiên nhẫn, đợi chờ, thì người đồng hành thiêng liêng sẽ không thất vọng vì biết rằng kết quả việc đồng hành đều từ phía Thiên Chúa chứ không phải tài khéo léo ở bản thân của người đồng hành thiêng liêng. Như vậy, không thể lắng nghe nếu đánh mất niềm hy vọng, đó là một chiều kích căn bản trong hành trình đức tin.[25]
Cho là mình biết rồi; vội kết luận và kết án; vội tiếp lời, thiếu tôn trọng ý kiến người thụ hướng; chỉ để ý đến lời chia sẻ cuối cùng, chỉ lắng nghe từ ngữ chứ không chú ý đến nội dung câu chuyện; nghĩ trước những gì sẽ nói, sẽ khuyên bảo; sắp đặt trước rồi làm sao lắng nghe đủ. Ta hay tìm dễ dãi, an thân, thế nhưng Thiên Chúa đòi hỏi ta phải đi vào con đường hẹp của Tin mừng.
Đồng hành thiêng liêng đòi hỏi cả hai phải tự do nội tâm, cả hai đều phải trưởng thành tâm linh. Ơn Chúa là cần thiết để biến đổi. Không cộng tác với ơn Chúa thì không ai giúp được. Cương quyết đòi hỏi người thụ hướng phải cộng tác với ơn Chúa, không thỏa hiệp với sự dữ. Nếu người thụ hướng gắn bó với Chúa thì phải triển nở theo ý Chúa. Cần có sự can đảm của người ngôn sứ nói lời sự thật.
Tạm kết
Đồng hành thiêng liêng có mục đích cuối cùng là làm cho người thụ hướng nhận ra Thiên Chúa, nhận ra những kế hoạch Thiên Chúa đang thực hiện nơi mình qua những biến cố trong cuộc đời. Để làm được điều này thì đòi hỏi phải có sự lắng nghe của cả người đồng hành và cả người thụ hướng. Lắng nghe là một nghệ thuật nên đòi hỏi phải có những nguyên tắc căn bản cùng với những chiều kích khác nhau như tâm lý, thiêng liêng. Người đồng hành cần phải lắng nghe những khát vọng sâu thẳm nơi tâm hồn của người thụ hướng, lắng nghe với thái độ không xét đoán, đón nhận người thụ hướng với sự khác biệt của mỗi người. Cả người đồng hành và người thụ hướng cần phải lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe trong niềm tin và hy vọng để Chúa hướng dẫn người thụ hướng biến đổi. Người đồng hành cần ý thức mình chỉ là dụng cụ trong tay Chúa, để Chúa hành động và hướng dẫn người thụ hướng. Lắng nghe để giúp người thụ hướng nhận ra ý Chúa và để Chúa hành động trên chính cuộc đời của họ.


[1] Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus, tr 30.
[2] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 31.
[3] Xc. Lc 24, 13- 35.
[4] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 32.
[5] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 32.
[6] Xc. Sđd., tr 34.
[7] Sđd., tr 33.
[8] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 34.
[9] Xc. Sđd., tr 39.
[10] Xc. Lc 24,13-35.
[11] Xc. Võ Đức Minh. Linh mục đồng hành với Dân Chúa. Truy cập ngày 12.10.2017. http://hdgmvietnam.org/linh-muc-dong-hanh-voi-dan-chua/ 4910.54.11.aspx
[12] Xc. Richard P. Vaughan, Tư vấn mục vụ, những kĩ năng căn bản, tr 136.
[13] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 41.
[14] Sđd., tr 42.
[15] Xc. Sđd., tr 40.
[16] Xc. Sđd., tr 43-48.
[17] Sđd., tr 44.
[18] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 49.
[19] Xc. Sđd., tr 50.
[20] Sđd., tr 51.
[21] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 51.
[22] Sđd., tr 53.
[23] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 57.
[24] Sđd.
[25] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 60.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn