Vai trò Chúa Thánh Thần trong đồng hành thiêng liêng


Chúa Thánh Thần là vị hướng dẫn chính 
và điều khiển vị linh hướng thiêng liêng, 
giúp vị linh hướng biết lắng nghe tâm tư 
và đón nhận con người thật của người thụ hướng 
mà không xét đoán nhưng luôn tin tưởng và hy vọng.

Gioan Baotixita Đinh Quốc Tuấn, Tu đoàn Thánh Phaolô
Lưu Thiên Lộc, Tu đoàn Thánh Phaolô
Micae Nguyễn Tấn Dũng, Dòng Chúa Thánh Thần


Trong những ca tư vấn tâm lý, các chuyên viên giữ vai trò quyết định. Họ thường dùng những kiến thức, kinh nghiệm và nỗ lực của bản thân để giúp cho thân chủ tìm lại được thế quân bình cũng như hướng đi cho cuộc sống, đồng thời hàn gắn các mối tương quan bạn bè, công việc, nhất là trong mối quan hệ hôn nhân gia đình. Thân chủ chỉ việc giãi bày khúc mắc, lắng nghe và làm theo lời khuyên của nhà tư vấn. Còn trong lĩnh vực đồng hành thiêng liêng, người đồng hành đóng vai trò hướng dẫn, giúp người thụ hướng có được sự gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa. Người thụ hướng phải chân thành, tín nhiệm cùng nỗ lực cộng tác. Và “đạo diễn” chính trong cuộc đồng hành này là Chúa Thánh Thần, Đấng giữ vai trò quan trọng và quyết định trong việc đồng hành thiêng liêng. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu Chúa Thánh Thần là ai? Người có những danh hiệu nào? Kinh thánh nói gì về hoạt động của Chúa Thánh Thần? Và Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong việc đồng hành thiêng liêng?
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.[1] Chúa Thánh Thần là một Ngôi vị Thiên Chúa (Ga 14,16). Người được nhắc đến với danh hiệu Đấng Bảo Trợ, Ngôi Ba Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh (Ga 14, 16.26; 15,26; 16,7) và Thần khí sự thật (Ga 14,17; 15,26; 16,13).
Ngoài ra Chúa Thánh Thần còn được nhắc đến qua một số hình ảnh. Người được ví như “Gió”, khi mạnh như vũ bão rung chuyển (Cv 2,2), khi êm dịu đem lại mát mẻ, vuốt ve, an ủi. Ngài xuất hiện dưới hình “lưỡi lửa” tản ra đậu xuống từng người (Cv 2,3-4). Lửa này là biểu tượng của tình yêu, lòng sốt mến, sự nhiệt tình hăng hái. Ngài còn được ví như “Dầu” biểu hiện sự tấn phong, ủy thác một sứ vụ (Lc 4,18). Dầu của Ngài sẽ dạy dỗ ta mọi sự thật (1Ga 2,27). Việc xức dầu cũng là biểu tượng của sự êm ái, xoa dầu để chữa lành thương tích.[2] “Ấn tín” là hình ảnh của Thánh Thần được thánh Phaolô nói tới trong (Ep 1,13-14) và (2Cr 1,21-22). Một trong những hình ảnh quen thuộc nhất về Chúa Thánh Thần đó là “Chim Bồ Câu” đáp trên Đức Giêsu khi Người ra khỏi nước của dòng sông Giođan (Mt3,16). “Ngón tay Thiên Chúa” đây là biệt hiệu mà kinh Veni Creator Spiritus đặt cho Chúa Thánh Thần dựa theo (Lc 11,20).
Trong Cựu ước, ngay từ khởi đầu, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động khi “Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng và Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2). Người được ví như là hơi thở, là sự sống, chính nhờ Thần khí, con người đầu tiên trở thành sinh vật có sự sống. Khi dựng nên Ađam, Thiên Chúa đã thở hơi vào thân xác bất động vừa được nhào nặn từ bùn đất, lập tức thân xác ấy sống động (St 2,7).[3] Thần khí đồng hành với nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử: khi Thiên Chúa lấy một phần Thần khí từ Môisê mà ban cho các kỳ mục Israel và các ký lục trong dân, hay khi Thần khí đậu xuống các ông và các ông bắt đầu phát ngôn” (Ds 11,17.24), hoặc Thần khí đã chiếm đoạt Đavít khi ông được xức dầu phong vương (1Sm 16, 1-13), đã chiếm ngự trong Người Tôi Trung của Đức Chúa (Is 42, 1-7) và ngự trên các sứ giả của Chúa. Cách riêng vị Mesia được mô tả như Đấng đầy tràn Thần khí sẽ tuôn đổ Thần khí ấy cho con người (Is 32,15-20). Chúa Thánh Thần còn cư ngụ nơi con người, khi sứ vụ của một người kết thúc, Thánh Thần chuyển giao sang người kế vị (2V 2,9. 15-16) hay khi Thần khí bỏ một con người bất trung (1Sm 16,14; 18,12) và Thần khí giúp con người hoàn tất sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó : “Đây là lời của Đức Chúa liên quan đến ông Dơrúpbaven: không phải nhờ thế lực cũng chẳng phải nhờ sức mạnh mà nó hoàn thành công việc ta giao phó, nhưng là nhờ Thần khí của Ta” (Dc 4,6b).
Trong Tân ước, vai trò của Chúa Thánh Thần càng được nhấn mạnh, Người hoạt động rõ nét trong đời sống của Đức Giêsu Kitô: khi Người làm cho Chúa Giêsu thành thai trong lòng Đức Maria (Mt 1,18), tác động nơi Đức Maria trong biến cố thăm viếng bà Êlisabét (Lc 1,35 ; 39-45), xác nhận Đức Giêsu là Con yêu dấu khi Người chịu phép rửa (Lc 4,16-19), dẫn Chúa vào hoang địa (Mc 1,12); tác động trên Đức Giêsu cho đến lúc Chúa tắt thở (Ga 19,30). Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,22),[4] để Người hiện diện và đồng hành với các ông và muôn thế hệ mọi ngày cho đến tận thế (Ga 15,26).
Vào ngày lễ ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã thanh tẩy các tông đồ. Lúc đó, Ngài như gió mạnh ùa vào đầy căn nhà nơi họ tụ tập, rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người một. Và các tông đồ nhận ra mình được biến đổi lạ thường, “ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho họ” (Cv 2,24).
Thánh Thần thúc đẩy một nhóm các tín hữu để quy tụ họ thành “cộng đoàn” trong Giáo hội. Cộng đoàn tiên khởi đã thành hình sau bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhờ lòng tin và phép rửa mà Kitô hữu được trao ban Thần khí trong tâm hồn và cuộc đời, họ được trở nên những thụ tạo mới, là con cái Thiên Chúa và được thông dự vào Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi:
Quả vậy, phàm ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi !” Chính Thần khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8,14-17).
được mệnh danh là Đấng Bảo Trợ, là Thần Chân Lý (Ga 14,15-16,15), nên Chúa Thánh Thần sẽ nhắc lại tất cả những gì Đức Giêsu đã dạy dỗ, sẽ đồng hành với con người trên mọi nẻo đường, và sẽ hành động như chính Đức Giêsu đã hành động. Người sẽ giúp các môn đệ nhớ và thấu hiểu tường tận hơn những lời dạy của Đức Kitô, để rồi có khả năng làm chứng cho Người. Chính Thánh Thần đã hướng dẫn thánh Phaolô trong suốt hành trình sứ vụ (Cv 16, 6-7), làm cho Phêrô ăn nói thật mạnh dạn, sắc bén và khôn ngoan trước các vị thủ lãnh và kỳ mục trong dân Israel (Cv 4,8-13); và ngày nay Thần khí ấy giải phóng và biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa (Rm 8, 1-17), dẫn chúng ta vào đời sống mới; chính nhờ Thần khí mà Thiên Chúa đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta (Rm 5,5).[5]

Thánh Phaolô đã khẳng định: “Nào anh em đã chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em đó sao?" (1Cr 3,16). Thân xác chúng ta là nơi Thiên Chúa cư ngụ vì đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, tẩy trừ những nhơ uế do tính xác thịt gây ra. Thân xác trở nên tinh tuyền thánh thiện xứng đáng là ngôi đền cho Thiên Chúa ngự. Thánh Thần được trao ban cho chúng ta, Thánh Thần đổ tràn đầy trong lòng chúng ta và chúng ta đón nhận Ngài như của đầu mùa, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Đức Kitô.
Chính Thánh Thần ấy sẽ khai mở một sự sống mới nơi tâm hồn các tín hữu (xc. Rm 8,11) và soi sáng cho những người lầm lạc tìm về được nẻo chính đường ngay. Đó cũng chính là sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Nếu người tín hữu bước theo sự hướng dẫn của Ngài thì sẽ đến được bến bờ bình yên. Dưới sự soi sáng của Thần Khí giúp, người tín hữu nhận ra đâu là thánh ý của Thiên Chúa, đâu là ý riêng của của con người. Thánh Thần giúp người tín hữu nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng mà tự họ không thể nhận ra được. Ngài hướng con người đến chân lý một cách đầy đủ và toàn vẹn hơn. Thánh Thần cũng dạy người tín hữu cách cư xử với anh em mình như lòng Chúa mong muốn.[6]
Trên hành trình đức tin của người Kitô hữu hôm nay, Thánh Thần luôn ban muôn ân huệ để nâng đỡ, ban những đặc sủng để con người hoạt động hầu tôn vinh danh Chúa và mưu cầu ơn cứu độ.[7] Chúa Thánh Thần sẽ bảo trợ và an ủi chúng ta (Ga1,6), Ngài sẽ dạy dỗ ta mọi sự thật (1Ga 2,27), Ngài uốn nắn, thanh tẩy chúng ta, làm cho chúng ta trở nên con người cởi mở, khiêm nhu và dễ dạy,[8] Ngài biến đổi chúng ta nên đồng dạng với Đức Giêsu Kitô và cho chúng ta được chia sẻ cuộc sống là Con của Người, nghĩa là chia sẻ vào cuộc sống yêu mến Chúa Cha và anh chị em mình,[9] Ngài giúp đỡ chúng ta cầu nguyện, suy tư, cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa (Rm 8,27). Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết những khả năng của Ngài: Ngài thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Ngài giúp chúng ta nhận biết và thấu hiểu những gì nơi Thiên Chúa (1Cr 2,10-11), nhất là làm cho chúng ta trở nên gắn bó mật thiết với Đức Kitô và nên một với Thiên Chúa. Vì Thánh Thần là Đấng biết buồn, biết giận nên ta “chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30).
Thánh Irênê nói: “Ở đâu có Thánh Thần, ở đó có Giáo hội”.[10] Giáo hội gắn liền với Chúa Thánh Thần. Giáo hội là đền thờ của Chúa Thánh Thần, chính Thánh Thần thổi những luồng gió mới vào Giáo hội, làm cho Giáo hội thêm sinh động, và trở nên Hiền thê xinh đẹp của Chúa Kitô. Thánh Thần cũng tác động mạnh mẽ nơi tâm hồn mỗi tín hữu trong Hội thánh, giúp họ sinh hoa trái qua đời sống bác ái, quảng đại, tha thứ, hiền hòa, tiết độ và can đảm phá đổ mọi tường rào thành kiến, hận thù, tranh chấp, mở ra con đường gặp gỡ, đối thoại, cảm thông để làm chứng tá cho Đức Giêsu trên muôn nẻo đường của cuộc sống.

Như chúng ta biết, mục đích của việc đồng hành thiêng liêng là giúp người thụ hướng có được sự gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa, lớn lên trong đời sống thiêng liêng và nhận ra kế hoạch của Người trong cuộc đời, thông qua mối tương quan mật thiết với Đức Giêsu, đồng thời biết lắng nghe, phân định và hành động dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, hiện diện nơi cung lòng mỗi người. Người sẽ hướng dẫn vị linh hướng và người thụ hướng những gì nên làm và điều gì nên tránh trong quá trình đồng hành thiêng liêng sao cho phù hợp và đúng ý Chúa muốn.
Chúa Thánh Thần tác động trên vị linh hướng
Chúa Thánh Thần là vị hướng dẫn chính và điều khiển vị linh hướng thiêng liêng, giúp vị linh hướng biết lắng nghe tâm tư và đón nhận con người thật của người thụ hướng mà không xét đoán nhưng luôn tin tưởng và hy vọng. Người giúp cho vị đồng hành ý thức mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa, để vị đồng hành không bao giờ cậy vào sức riêng cũng như tài khéo của mình,[11] biết bỏ ngỏ để Chúa hành động và không bao giờ lấy quyết định giùm người khác, vì Thiên Chúa luôn hiện diện và hướng dẫn con cái của Người,[12] và Chúa Thánh Thần luôn hoạt động đắc lực nơi cả hai, “gió muốn thổi đâu thì thổi”.[13]
Vì là người Thầy nội tâm, Chúa Thánh Thần còn uốn nắn và biến đổi vị linh hướng nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô,[14] qua những giờ cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và nhờ những tiếng nói âm thầm trong lòng cũng như nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần (x. 1Ga 2,27; Ga 14,26), vị linh hướng phân định được đâu là thánh ý của Thiên Chúa và đâu là con đường mà vị linh hướng phải chọn lựa.
Qua đời sống cầu nguyện, Chúa Thánh Thần giúp cho vị linh hướng cảm nhận được dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong từng biến cố cuộc đời mình, nhờ đó vị linh hướng mới giúp người thụ hướng cảm nhận được hoạt động của Chúa Thánh Thần diễn ra trong họ, nhất là khi nhận được tiếng mách bảo của lương tâm. Nhờ kinh nghiệm sống với Chúa Thánh Thần, vị linh hướng sẽ là một hiện diện đem lại bình an, tập trung và có thể trở nên gương mẫu cho người thụ hướng. Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, vị linh hướng tỉnh thức, vượt qua những cám dỗ phóng chiếu (tức phóng lên hay gán cho người khác những cảm xúc, ham muốn không thể chấp nhận của riêng mình), chuyển dịch ngược (là chuyển những phản ứng vô thức của mình như yêu, ghét, thù hận... sang người thụ hướng mà bản thân không hề ý thức), nhận thấy nơi mình thiếu sự hài hòa trong tính khí (quá nóng nảy, nghiêm khắc, cứng rắn) và đôi khi thiếu trưởng thành và quân bình về tình cảm. Như thế, mối tương quan giữa vị linh hướng với Chúa Thánh Thần giúp duy trì thế quân bình của sức mạnh tâm lý và thiêng liêng cần thiết cho việc đồng hành. Chúa có thể dùng tất cả con người của vị linh hướng để làm cho người thụ huấn có được tương quan với Chúa, và dẫn dắt người đó đi trong đường lối của Người.
Bên cạnh đó, Chúa Thánh Thần còn ban ân sủng của Người cho các vị linh hướng. Người ban cho các ngài những hồng ân và các đặc sủng, đặc biệt là ơn khôn ngoan và hiểu biết để vị linh hướng chu toàn nhiệm vụ đồng hành và nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa. Với ơn khôn ngoan, vị linh hướng biết dùng nguyên lý tối thượng, trí khôn hiểu biết của Chúa, lòng cảm nghiệm được sự ngọt ngào, khoái thú của các chân lý siêu nhiên để giúp người thụ hướng đạt được hiệu quả tốt. Vì thế, Cha Lallement đã định nghĩa: “Ơn khôn ngoan là một nhận thức đầy khoái thú về Thiên Chúa, về các ưu phẩm và các mầu nhiệm cao cả của Người”. Với ơn hiểu biết, vị linh hướng hiểu biết tương quan giữa người thụ huấn và Thiên Chúa nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cha Lallement cũng nói rằng ơn hiểu biết thượng trí của Chúa, là ánh sáng do Chúa Thánh Thần chiếu soi, làm cho linh hồn chúng ta nhận biết những sự thuộc về loài người và phán đoán cách chắc chắn những tương quan với Thiên Chúa thuộc đối tượng đức tin và lòng kính mến.[15]
Bổn phận vị linh hướng với Chúa Thánh Thần
Vị linh hướng có sứ mạng đồng hành với người thụ hướng, thì hơn ai hết họ phải tập luyện cho mình có đời sống nội tâm, phải có mối tương quan sâu sắc với Chúa Thánh Thần, cần có kinh nghiệm sống động về Người, tập sống và làm việc dưới ánh mắt của Chúa Thánh Thần, năng nhớ và cầu nguyện với Người trước mỗi công việc, khi gặp khó khăn và biết cảm tạ Người khi mình có cuộc sống hạnh phúc và thuận lợi. Chính từ kinh nghiệm quý báu này, họ dễ dàng đồng hành với người thụ huấn trên con đường thiêng liêng. Cần ý thức rằng, mối tương quan giữa vị linh hướng và Chúa Thánh Thần là một yếu tố quan trọng đem lại kết quả đích thực cho việc đồng hành thiêng liêng.
Được ủy thác sứ mệnh cao cả hướng dẫn đời sống thiêng liêng, vị linh hướng cần làm quen với những kinh nghiệm năng động trong đời sống thiêng liêng, để tập trung lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần trong lòng, để truyền đạt cho người thụ huấn biết đường lối mà Chúa muốn vị linh hướng theo. Vì Chúa Thánh Thần thường hướng dẫn và nói qua vị đồng hành vào những lúc quyết định.
Với ân sủng của Chúa Thánh Thần, vị linh hướng phải trung thành với bổn phận của mình qua việc cố gắng hiểu biết về người mình đang đồng hành, cho những lời chỉ dẫn khôn ngoan và thận trọng, thường xuyên động viên, quan tâm và khuyến khích thay cho thái độ khắt khe, giám sát đời sống tâm linh, giúp họ sửa lỗi cách nghệ thuật và biết giữ bí mật. Với các ơn của Người, vị linh hướng cần luyện tập các nhân đức, học hỏi và trau dồi thêm những kiến thức về thần học, tâm lý học, xã hội học và những lãnh vực mà vị linh hướng đang còn thiếu để giúp cho người thụ hướng tiến đức ngày một hiệu quả hơn. Thánh Phanxico Salesio dạy: “Vị linh hướng phải hội đủ những điều kiện: bác ái, thông thái, khôn ngoan, đời sống nội tâm, thiếu điều nào sẽ nguy hiểm”.[16]
Thánh Thần tác động trên người thụ hướng
* Giúp lắng nghe tiếng Chúa
Chúa Thánh Thần giúp người thụ hướng lắng nghe tiếng nói của Chúa trong nơi sâu thẳm của tâm hồn, để người đó nhận ra ý Chúa tỏ hiện qua vị đồng hành và có khi tỏ hiện ngay trong chính cõi thâm sâu của tâm hồn mình, biết mình như thế nào, cần gì và làm gì cho phù hợp với ý Chúa, vì Chúa Giêsu đã dặn: “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 19-20).
Qua vị linh hướng, Chúa Thánh Thần giúp cho người thụ hướng ý thức, chính Thiên Chúa đang hoạt động và muốn những điều tốt cho họ. Người có thể biến những đổ vỡ, những khát vọng của họ thành cơ hội thuận tiện để có thể gặp gỡ Người. Vì “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).
Chúa Chúa Thánh Thần giúp người thụ hướng nhạy bén để hiểu được điều Chúa muốn nói. Có thể sự thôi thúc xảy ra trong tâm hồn, qua một biến cố, một câu nói của người khác hay một đoạn Lời Chúa. Chính tiếng nói âm thầm này làm cho người thụ hướng muốn được hướng dẫn về đàng thiêng liêng, khao khát tìm kiếm thánh ý Chúa và muốn có vị linh hướng với mình để thăng tiến tâm hồn. “Trong khi lắng nghe tiếng Chúa, những người con thiêng liêng bắt đầu nhận thức về sự hướng dẫn vốn đang có trong họ”.[17]
* Dễ mở lòng ra với tác động của Thánh Thần
Không phải người thụ hướng nào cũng ý thức và bộc lộ những điều sâu thẳm trong lòng, nhiều khi họ chỉ kể cho vị đồng hành những chuyện ngoài lề, chuyện của người khác, toàn những chuyện chẳng liên quan gì tới vấn đề thiết yếu của việc đồng hành thiêng liêng, vì con người thường có xu hướng tự vệ, không muốn ai biết những điều thâm sâu nơi cõi lòng mình, nhất là những chuyện xấu và không hay. Thậm chí thích cho người khác thấy những điểm tốt nơi mình còn điểm tiêu cực thì che giấu đi. Bộc lộ bản thân mình là lột trần những gì là bí mật và không thật trong con người. Nó làm cho con người phải trả giá, sợ hãi, đau đớn và xấu hổ trước mặt Thiên Chúa và vị linh hướng. Vì vậy không dễ chút nào để bộc lộ tâm hồn mình, người thụ hướng cần có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để can đảm bày tỏ con người thật của mình với vị linh hướng. Chính Thánh Thần là Đấng thấu suốt nội tâm người thụ hướng sẽ tác động cho người đó dám nhìn thẳng vào con người mình, thành thật với Chúa và với bản thân. Chính Chúa Thánh Thần là vị đồng hành đích thực, cư ngụ trong người thụ hướng, thôi thúc họ khao khát tìm kiếm sự thật và can đảm mở lòng mình ra để Thánh Thần hướng dẫn.[18] Một khi chấp nhận “buông theo Thần khí” người thụ hướng sẽ cảm nhận được những hoa quả của Thần khí, đó là: “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ” (Gl 5,22-23). Một khi chấp nhận mở lòng ra với Thần khí, người thụ hướng bình an bước đi trên con đường Chúa đã vạch ra, tiến dần đến chỗ thành toàn và sinh nhiều hoa thơm trái tốt.[19]
Thánh Thần trong việc phân định và hành động
* Chúa Thánh Thần giúp phân định
Mục đích của việc phân định là giúp cho vị linh hướng và người thụ huấn nhận ra được đâu là sự hướng dẫn thuần túy con người, đâu là sự hướng dẫn đến từ Thần khí Thiên Chúa. Việc phân định này không đơn giản chút nào, nhưng Giáo hội đã có ơn theo bậc, đó là một đặc sủng Chúa ban cho một số phần tử trong Giáo hội (xc. 1Cr 12,10). Vì vậy, Chúa Thánh Thần hiện diện nơi cõi lòng vị linh hướng, sẽ hướng dẫn và soi sáng để vị ấy giúp người thụ huấn phân định. Đây là công việc của hai thầy trò. Hai người cùng xem xét mặt phải, mặt trái của vấn đề. Thầy và trò cũng đưa ra những ý kiến của mình và người Thầy cũng sẽ giúp người thụ hướng bằng cách cho những lời khuyên bổ ích, những phân tích và gợi ý. Chính lúc này Chúa Thánh Thần làm việc qua hai thầy trò. Người sẽ thôi thúc người Thầy để Thầy cho những lời khuyên phù hợp và cho người thụ huấn thấy được lợi ích của việc Thầy đưa ra. Từ đó, người thụ hướng có được cơ sở chắc chắn để hành động. Nhờ ơn Thánh Thần mà cả hai thầy trò sẽ không ở trong thế do dự hay nghi ngờ và không hối tiếc khi đã hành động. Tuy người Thầy không phải là toàn năng nhưng với sự trợ giúp của Thánh Thần và sự tin tưởng của người thụ hướng, thì việc phân định này ít khiến cho cả hai phải hối tiếc điều gì .
Bất cứ hướng dẫn đặc biệt nào cũng chỉ là tương đối cần thiết. Việc phân định luôn luôn dính liền với một tiến trình dài, tìm kiếm qua nhiều khả năng trước sự hướng dẫn của Thiên Chúa hiển lộ”.[20] Việc phân định đòi hỏi nhiều thời gian và trăn trở. Hơn nữa, vị linh hướng cũng chỉ là con người với những hạn chế nhưng Chúa Thánh Thần sẽ là người mở lối trước tiên cho cả thầy và trò trong việc đồng hành thiêng liêng. Người giúp cho cả hai biết lắng nghe, sẵn sàng đón nhận ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn, tránh quyết định cách hấp tấp, nhưng biết phân tích hoàn cảnh, đọc lại lịch sử đời mình, lắng nghe những ý kiến bên ngoài, và cuối cùng là chân thành khiêm hạ đón nhận thánh ý Chúa cho dù ý đó đi ngược với lợi ích của mình.[21] Điều quan trọng là cầu nguyện, phó thác, tin tưởng, làm việc hết khả năng của hai thầy trò và cần nhạy bén với ơn Chúa. Đồng thời luôn tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần có thể làm những việc mà con người không thể.
* Chúa Thánh Thần giúp hành động
Hành động là bước cuối cùng của việc đồng hành thiêng liêng. Chúa Thánh Thần sẽ giúp người thụ hướng tự quyết định vấn đề và can đảm hành động sau khi đã cầu nguyện và bàn hỏi. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do của con người, Người chỉ soi sáng và hướng dẫn chứ người không ép buộc người đó phải làm. Vị linh hướng cũng không thể làm thay cho người thụ hướng. Vì vậy khi đã chọn lựa hành động thì người thụ hướng phải chấp nhận những gì mà Chúa Thánh Thần thôi thúc khi phân định, có khi phải xấu mặt, đau đớn nhưng Thánh Thần sẽ gia tăng sức chịu đựng để người đó hoàn toàn an tâm, vững tin và phó thác cho Chúa về những gì mình đang hành động. Đôi khi có những hành động làm người ta không hài lòng, hay đã quyết định rồi nhưng ta vẫn so đo tính toán, thậm chí hối tiếc.
Giả như trong quyết định cũng có những chủ quan của con người, nhưng Thiên Chúa lại có ý của Người, mà ý của Chúa thì khác với ý con người. Ta thấy Chúa đã dẫn dân Người qua sa mạc bốn mươi năm trường là để thanh luyện và dạy bảo dân. Vì thế, “người con thiêng liêng phải mở lòng ra trước bất kỳ một sự hướng dẫn nào của Chúa Thánh Thần mặc khải. Cho nên họ phải sẵn sàng đi theo đến bất cứ nơi nào Chúa Thánh Thần dẫn đi dù trong đêm tối của lòng tin”.[22] Như vậy, hành động và đón nhận ý Chúa Thánh Thần là tự do của ta, với lòng tin ta cứ khôn khoan theo sự chỉ bảo và thôi thúc của Chúa Thần thì việc hướng dẫn thiêng liêng mới có kết quả.[23]
Kết luận
Đồng hành thiêng liêng mà không có sự trợ giúp của Thánh Thần thì cuộc gặp gỡ này dù tốt mấy cũng chỉ là những ca tư vấn hay trị liệu tâm lý mà thôi. Nếu không có Chúa Thánh Thần, vị linh hướng sẽ rơi vào trạng thái xét đoán khi nghe người thụ hướng trình bày, đôi khi bỏ cuộc vì những điều người thụ hướng bộc lộ thật quanh co và tăm tối, sẽ bị cám dỗ phóng chiếu hoặc chuyển dịch ngược hay thiếu quân bình trong tính khí và tình cảm mà không nhận ra, còn người thụ hướng sẽ không nghe được tiếng Chúa nói nơi sâu thẳm cõi lòng mình, sợ vị linh hướng biết tật xấu và những việc làm không tốt nơi mình nên không đủ can đảm để bộc lộ tâm hồn, vì thế chỉ nói những chuyện “trời trăng mây gió”, người thụ hướng không gặp được Chúa, cũng chẳng sự biến đổi nào. Và cuộc gặp gỡ của hai người chỉ là những cuộc “trò chuyện xã giao”.
Như thế, trong việc đồng hành thiêng liêng, cần phải đồng hành với Thánh Thần và trong Thánh Thần. Chính Thánh Thần cư ngụ, ban ân sủng, đổi mới tâm hồn con người. Người giữ vai trò chủ động trong việc dẫn dắt, hướng dẫn cả vị linh hướng lẫn người thụ hướng. Việc còn lại là vị linh hướng phải nhận ra và giúp cho người thụ hướng nhận ra Thánh Thần đang hoạt động trong họ, để họ ngoan ngoãn bước theo đường lối Thánh Thần hướng dẫn, và can đảm thực thi thánh ý Thiên Chúa, người thụ hướng chỉ cần mau mắn cộng tác và đón nhận hướng dẫn của vị linh hướng, cùng mở lòng mình ra để Thánh Thần “muốn thổi đâu thì thổi” (x. Ga 3,8). Tìm hiểu và học hỏi về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc đồng hành thiêng liêng, người Kitô hữu nói chung và người tu sĩ nói riêng càng phải ý thức vai trò và hoạt động của chính Thánh Thần hơn nữa. Cũng chính Thánh Thần ấy hoạt động trong lúc sáng tạo, nơi các thủ lãnh, các ngôn sứ, nơi Đức Maria, Đức Giêsu, các Tông đồ, và nơi Giáo hội tiên khởi, ngày nay cũng đang hoạt động trong thế giới, trong Giáo hội, và cụ thể nơi mỗi người chúng ta.[24]


[1] Xc. GLHTCG, số 685.
[2] Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh, Tập III, tr 65.
[3] Xc. Norberto, Thiên Chúa Ba Ngôi, tr 52.
[4] Xc. YouCat, số 114.
[5] Xc. Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 85.
[6] Xc. Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh, Chúa Thánh Thần Đấng Ban Sự Sống, tr 349.
[7] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 85.
[8] Kinh Veni Creator Spiritus.
[9] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 19c.
[10] Chống Lại Các Lạc Giáo, Quyển 3, số 24,1.
[11] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 43.
[12] Sđd., tr 47.
[13] Sđd., tr 48.
[14] Gioan Phaolô II, Sđd., số 19c.
[15] Xc. Tân Yên, Phụng Vụ Bí Tích, tr 96-99.
[16] Minh Vận, Tu đức học, tr 177.
[17] Francis Kelly Nemeck & Marie Theresa Coombs, Phương Pháp Linh Hướng, tr 146.
[18] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 167.
[19] Sđd., tr 168.
[20] Francis Kelly Nemeck & Marie Theresa Coombs, Sđd., tr 142.
[21] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 76.
[22] Francis Kelly Nemeck & Marie Theresa Coombs, Sđd., tr 150.
[23] Xc. Trung Tâm Học Vấn Đaminh – Lớp Thần Học Năm III (2011-2012), Ánh Sáng & Bóng Tối, tr 117.
[24] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 86.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn