Mẹ, vị linh hướng của tôi


Từ khi tôi từ giã gia đình 
để bước theo tiếng gọi huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, mẹ lại trở thành người linh hướng của tôi. 

Mẹ không có “bằng cấp chuyên ngành” linh hướng, 
nhưng lại có thể đồng hành thiêng liêng với tôi 
theo cách riêng của mẹ,
 bằng một tình yêu và niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa, 
vào cuộc đời và con người.

Tản văn - Trúc Bạch, OP.

tôi, một người nông dân chân chất, chẳng có nhiều tiền bạc, nhưng đối với những người trong xóm nhỏ, mẹ thật “giàu” vì là mẹ của một linh mục, một nữ tu và tôi, một tu sĩ Dòng Thuyết Giáo. Mẹ không có lấy một tấm bằng Đại học, nhưng với tôi, mẹ là một người thầy, một vị linh hướng lỗi lạc.
Mẹ tôi không được học hành nhiều nhưng đã dạy tôi những bài học mà không một giáo sư nào có thể truyền đạt cho tôi được, vì mẹ có rất nhiều kinh nghiệm sống. Mẹ không được đào tạo qua trường lớp nào của Chủng viện hoặc nhà Dòng, nhưng bà có một đời sống tâm linh sâu sắc, nhờ vào việc thường xuyên có mặt ở Nhà thờ để đọc kinh, chia sẻ Lời Chúa, tham dự Thánh lễ và chầu Thánh Thể khoảng nửa giờ mỗi ngày. Có những ngày trời mưa to gió lớn, cả Nhà thờ tính cả cha xứ, giúp lễ và giáo dân chỉ có trên dưới mười người nhưng chắc chắn trong số đó sẽ có mẹ, nếu mẹ không đau ốm.
Bố mất khi mẹ còn trẻ, có người khuyên mẹ đi bước nữa để đỡ lẻ loi nhưng mẹ sợ con cái phải khổ nên lại thôi. Và như biết bao người mẹ trên thế giới này, mẹ tôi cả đời lam lũ, tảo tần cóp nhặt để chỉ với một mong ước, mong sao con khôn lớn trưởng thành, mong sao tương lai con rạng ngời, tươi sáng.
Ngay khi tôi còn bé, mẹ đã dạy con biết sống kiên cường, luôn tin tưởng phó thác vào Chúa. Căn nhà tranh rách nát, gió lùa tứ phía là cái nôi nuôi dưỡng chúng tôi thành người. Nơi đó, tôi đã lớn lên cùng những giấc mơ nhiều khi giang dở do nhà dột và lạnh, và cũng thường nghe dạ dày cồn cào vì đói. Những ngày gió rít, tưởng chừng như mái nhà tranh liêu xiêu ấy không chống nổi cơn thịnh nộ của đất trời, ấy thế mà nó vẫn giúp mẹ con tôi vượt qua những những cơn bão lớn hay mùa đông khắc nghiệt nhất. Mẹ bảo: “Có Chúa gìn giữ, ta lo gì!” Mỗi lần gió bão đi qua, mẹ lại phải lo tìm người mướn thợ lợp lại mái nhà, sửa lại bức tường đất.
Mẹ gồng mình đưa chúng tôi qua những vụ mùa thất bát, thu hoạch chẳng là bao, nhưng vẫn luôn ấm áp lời dạy dỗ: “đói cho sạch, rách cho thơm”, “ngày xưa, Chúa cũng đã sống nghèo tại ngôi làng Na-za-rét nhỏ bé”. Nhớ có lần đi học về, nhà cửa vắng teo, chẳng có cơm canh để sẵn, tôi theo anh ra đứng đầu ngõ ngóng trông mẹ về. Khi bóng chiều đang dần đổ xuống, tôi thầm trách mẹ về muộn để chúng tôi phải chờ, chứ không hiểu hết những nỗi gian nan đời mẹ…!
Từ khi tôi từ giã gia đình để bước theo tiếng gọi huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, mẹ lại trở thành người linh hướng của tôi. Mẹ không có “bằng cấp chuyên ngành linh hướng”, nhưng lại có thể đồng hành thiêng liêng với tôi theo cách riêng của mẹ, bằng một tình yêu và niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa, vào cuộc đời và con người. Mẹ đồng hành với tôi trong những lần tôi thăm nhà, hoặc có khi chỉ qua những dòng chữ ngắn ngủi viết vội trên trang giấy, có khi là những tâm tình yêu thương qua điện thoại, có khi là những nhắn nhủ đơn sơ qua người này người nọ… Rất đơn sơ, nhưng lại dễ đi vào lòng người.
Nhớ ngày ra đi vào Dòng, mẹ dặn dò tôi nhiều việc, từ cách sống cho đến việc cầu nguyện, và cũng không quên nhắc đến những việc nhỏ như quét nhà, rửa chén. Mỗi khi làm việc bổn phận, tôi thường nhớ tới lời mẹ: “Làm phải được việc chứ không phải là để cho xong việc, hãy làm mọi việc như thể làm cho Chúa”. Có những lúc cảm thấy quá hăng hái trong công việc, thì tôi cũng phải cẩn thận vì “rất có thể ma quỷ nó gieo vào tâm hồn con sự nhiệt thành làm việc của Chúa để cho con quên Chúa, rồi sẽ tìm cách cướp mất linh hồn con”.
Khi đối diện với những khó khăn thử thách của đời dâng hiến, có những lúc tôi như muốn khựng lại, thì mẹ nhắn nhủ: “Biết đời tu có nhiều khó khăn trắc trở mà vẫn đi tu thì mới quý”. Có khi tôi đau khổ vì bị hiểu lầm, thất bại, mẹ vẫn ôn tồn: “Chúa biết hết mọi sự”, “Hãy cầu nguyện nhiều rồi Chúa sẽ nâng đỡ con”. Không chỉ thế, Mẹ còn nhắn nhủ tôi rằng: “Những khi cầu nguyện khô khan, không cảm nghiệm được Chúa thì con hãy nhớ: “Nhất cự li, nhì ngồi lì”, “cho dù cảm thấy không sốt sắng, vẫn cứ đọc kinh, nguyện gẫm đầy đủ, rồi Chúa sẽ dìu dắt con qua thử thách”. Có khi tôi vui mừng hãnh diện vì những thành công trong học tập hoặc trong công tác, mẹ chia vui với tôi nhưng cũng không quên nhắc nhở: “Con hãy cám ơn Chúa vì Ngài nâng đỡ con, con cũng hãy cám ơn nhà Dòng và các anh em.”
Mỗi khi được cha giáo hoặc anh em góp ý sửa lỗi mà cảm thấy chút khó chịu tôi lại nhớ lời Mẹ: “Đừng quá bận tâm đến cách sửa mà phải lưu ý đến nhiệt tâm của người sửa, bởi vì những nhắc nhở, góp ý sẽ giúp con sống tốt hơn”. Những dịp Tết tôi được về thăm nhà, mẹ cũng dành cho tôi với tất cả tình yêu và không quên nhắc nhở: “Dù là nhà nông hay buôn bán đều phải tổng kết những việc đã làm vào cuối năm, con cũng phải dành thời giờ bên Chúa để hồi tâm cảm tạ năm hồng ân đã qua và có những định hướng, quyết tâm cho năm tới”…
Còn biết bao lời dạy dỗ, nhắn nhủ và tâm tư vốn được đúc kết từ những trải nghiệm, suy gẫm của đời mẹ. Những lời dạy ấy luôn là hành trang quý báu giúp tôi vững bước trên hành trình sống đời dâng hiến. Tôi biết ơn mẹ và hãnh diện về mẹ. Tôi cũng luôn cám ơn Chúa vì đã ban cho tôi vì một người mẹ, một người thầy tuyệt vời.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn