Hỡi con người, ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel


Tại sao người ta trách các mục tử ? 
Tại sao người ta hạch tội họ ?
Bởi vì họ uống sữa chiên và mặc áo len mà lại bỏ bê đàn chiên. 
Họ chỉ tìm lợi ích cho mình 
chứ không tìm lợi ích cho Đức Giêsu Kitô.[1]

Quốc Văn, OP.

Trong các hình ảnh được Kinh thánh dùng để diễn tả về vị mục tử, tôi thích hình ảnh mục tử hay người linh mục được ví như là người lính canh, như tuần phiên sẵn sàng trên vọng gác. Là người lính canh, nên người linh mục được mời gọi phải luôn thức tỉnh, phải cảnh giác và lên tiếng báo động kịp thời.
Linh mục, người lính canh tỉnh thức
Trong thời đại chúng ta, cha Anthony De Mello đang được nhiều người biết đến, như một “người hướng dẫn và làm chứng cho ánh sáng”.[2] Trong các tác phẩm của mình, hầu như cha Anthony đều quay quắt một điều là sự Thức Tỉnh. Điều này nhắc nhở chúng ta, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của người lính canh là phải tỉnh thức. Người linh mục được mời gọi để làm ngôn sứ, làm người lính canh. Trước tiên, người linh mục phải thức tỉnh với chính mình, thức tỉnh trong mọi hành vi, trong từng nếp nghĩ, trong lối hành xử. Vẫn làm việc, vẫn giảng dạy, vẫn sống, nhưng nhiều lúc không biết mình đang làm gì, nói gì, và sống ra sao. Sống như thế tức là ngủ gục, cái khó là cứ tưởng mình đang thức ! Các bậc thầy tâm linh Ấn Độ cho rằng, không nên cố đánh thức ai đang ngủ mà nghĩ rằng mình thức.
Thức tỉnh để thấy rõ mình hơn. Người làm việc, đi lại, nói cười trong mơ là kẻ mộng du. Người đó không biết mình. Thức tỉnh cũng còn là để nhìn rõ đời hơn, kẻ nhìn đời trong mơ là kẻ ảo tưởng. Cuộc đời đó tuy đẹp, nhưng không có thật. Và cuối cùng, thức tỉnh để nhận ra tiếng Chúa, sẵn sàng mở cửa tiếp đón Người. Khổ nỗi, chẳng biết lúc nào Chúa đến, chập tối hay nửa đêm, do vậy rất cần tỉnh thức.
Khi thức tỉnh, chính là lúc người linh mục đang sống thực, sống giây phút hiện tại. Ai sống trong quá khứ, thì không những người ấy ngủ mà còn là chết nữa, vì quá khứ đã chết rồi. Và ai sống mà mơ mộng vào tương lai, người ấy là một kẻ lầm lạc, kẻ điên, vì tương lai không có thực. [3]
Người linh mục thức tỉnh, để mình tự do với bao thứ “lập trình” trong cuộc sống. Cuộc sống của ta dù muốn dù không cũng bị bao thứ lập trình nhào nặn lên. Bởi vì cuộc sống ấy bị lệ thuộc vào bao con người, ý thức hệ, quan điểm sống, giáo dục, văn hóa, xã hội… Làm sao để ta không trở nên một người máy chịu sự chi phối của tất cả những yếu tố đó.
Để được là chính mình, người linh mục không thể sống rập khuôn. Tất cả những khuôn đúc có sẵn, dù là rất hoàn hảo, thì cũng không còn chỗ dành cho sự tự do sáng tạo của con người. Chẳng vậy, có những nhà tu đức cho rằng, không bao giờ nên bắt chước các thánh, vì các ngài có con đường nên thánh riêng, chúng ta có con đường nên thánh riêng. Có vị ra như còn quá khích khi nói rằng : “Đừng bắt chước một ai, kể cả Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không phải là bản sao của ai cả. Muốn theo Chúa Giêsu, bạn phải là chính bạn một cách đích thực, như Ngài là chính Ngài”.[4] Đây thực sự là vấn đề căn tính của người linh mục. Đánh mất chính mình, cũng có nghĩa là mất luôn lối ngỏ đi về. Người linh mục cần tỉnh thức, cần giác ngộ.
Linh mục, người lính canh cảnh giác
Người cảnh giác là người luôn sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh. Một trong những điều người linh mục hôm nay cần cảnh giác đó là nhận diện miếng mồi ngon của lời mời gọi sống hưởng thụ. Xã hội ngày càng văn minh, vật chất ngày càng dồi dào hơn, con người được mời gọi, kích thích hưởng thụ những thành quả của nền văn minh đó. Do vậy, việc chọn lựa và sử dụng tiền bạc, vật chất là thách đố khôn cùng. Sống trong thế giới như thế, nền văn hóa hưởng thụ đang kích thích sự thèm khát của con người, và như vậy, người linh mục cũng khó có thể nói “không”.
Có nhiều người lầm tưởng chiều cao hạnh phúc được đo bằng những hố sâu thèm khát được lấp đầy. Thực ra khát khao chẳng bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn. Giáo lý nhà Phật coi đây là căn nguyên của khổ lụy, muốn hạnh phúc phải triệt tiêu mọi tham vọng, phải buông xả. Hạnh phúc không hệ tại ở những gì mình có, cũng không thể đổi chác hay mua bán bằng tiền bạc. Chúng ta có thể trang bị cho mình đầy đủ mọi tiện nghi, nhưng biết đâu tâm hồn vẫn trống vắng, không thể lấy chi để lấp đầy.
Nhiều khi người ta rất dễ dàng đồng hóa ham muốn và nhu cầu. Thực ra, hai lãnh vực này có sự khác biệt rõ ràng. Ham muốn của con người thì vô chừng ; còn nhu cầu thì có giới hạn ; nhiều khi người ta bị cuốn hút vào nhu cầu giả tạo hơn là thỏa mãn nhu cầu thực sự của bản thân mình. Trên phương tiện thông tin báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhiều sản phẩm được phơi bày kích thích lòng ham muốn của các “thượng đế”. Tất cả đều để phục vụ con người, giúp con người sống tốt hơn, nhưng mặt trái, nó cũng có thể biến con người thành một thứ nô lệ cho hưởng thụ, nô lệ cho một thứ tự do biến chất mà mình không biết.
Điều quan trọng chúng ta phải phân định đâu là nhu cầu thực sự cần thiết phải đáp ứng, đâu là nhu cầu giả tạo đang đòi được thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình. Nhiều khi sự thỏa mãn về thể chất lại tỉ lệ nghịch với những sung mãn của tinh thần. Khi mọi nhu cầu của thân xác quá đầy đủ, coi chừng tâm hồn lại bị khoét sâu trong sự trống vắng ý nghĩa sống, trống vắng đời sống tinh thần, đời sống phục vụ.
Cuộc đấu tranh của bản thân với cơn cám dỗ hưởng thụ thật không đơn giản. Hưởng thụ là một “vũng lầy êm ái” nên người ta lại cứ thích ngã vào, và càng khó hơn khi hưởng thụ đội lốt tự do, khi ấy con người tôn thờ thụ tạo, tôn thờ một thứ “bò vàng” mà cũng không hay biết.
Linh mục, người lính canh lên tiếng báo động
Đứng ở chòi canh, người lính gác thấy rõ lúc nào địch xuất hiện, và lên tiếng báo động đúng lúc cho mọi người. Cũng vậy, nhiệm vụ ngôn sứ của người linh mục không chỉ là nhận diện ra những thách đố, nhận diện những mối nguy có thể làm tổn thất đàn chiên, mà người linh mục còn phải lên tiếng kịp thời để cảnh báo về những mối nguy hiểm ấy.
Người linh mục cần phải cảnh báo về mối nguy của một nền văn minh sự chết, và mời gọi kiến tạo mộtnền văn minh sự sống, nền văn minh tình thương.
Người linh mục cần phải cảnh báo về mối nguy của một lối sống thiếu định hướng, đặc biệt đối với một số bạn trẻ, và mời gọi họ lên đường đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình.
Người linh mục cần phải cảnh báo về mối nguy của một lối sống vô thần thực dụng, đẩy lùi sự hiện diện của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, và mời gọi nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa giữa cuộc đời.
Người linh mục cần phải cảnh báo về mối nguy của một lối sống hời hợt, nông cạn, coi nhẹ phẩm giá con người, và mời gọi mỗi người dành ra cho mình một khoảng lặng nội tâm, một khoảng lặng để nhận ra con người là hình ảnh của Thiên Chúa.
Người linh mục cần phải cảnh báo về mối nguy của một trào lưu yêu vội sống cuồng, và mời gọi con người biết trân trọng hơn trước quà tặng tình yêu và sự sống.
Người linh mục cần phải cảnh báo về mối nguy của một lối sống đạo hình thức, cuồng tín, và mời gọi mọi người sống đức tin một cách sâu sắc hơn qua việc siêng năng học hỏi Lời Chúa, sống tinh thần Tin mừng của Chúa.
Nhiệm vụ của người ngôn sứ là như vậy. Chúa nói với ngôn sứ Êdêkien : “Hỡi con người, Ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 3,17). Điều quan trọng là ngôn sứ biết nói lời của Chúa chứ không phải là lời của mình. Muốn vậy, người linh mục phải lắng nghe tiếng Chúa nói với mình, tiếng Chúa nói với dân. Được trao sứ mạng cảnh báo cho dân, nếu người linh mục không chu toàn trách nhiệm này, thì không những kẻ gian ác phải chết vì lỗi lầm của họ, nhưng người linh mục phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa: “Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 3,18).
Kết luận
Sứ mạng của người ngôn sứ là “phải lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, nhiều lúc phải loan báo những sứ điệp dụng chạm đến tận xương tuỷ của con người, những sứ điệp không phải ai cũng dễ dàng đón nhận. Để chu toàn được sứ mạng ấy một cách không nao núng, thì ngôn sứ phải tự biết nuôi mình và nuôi chiên bằng chính Lời Chúa. Thánh Augustinô đã nhiều lần nhắc nhở những mục tử không chu toàn nhiệm vụ của mình, lời nhắc nhở ấy vẫn hữu hiệu cho người linh mục hôm nay : “Tại sao người ta trách các mục tử ? Tại sao người ta hạch tội họ ? Bởi vì họ uống sữa chiên và mặc áo len mà lại bỏ bê đàn chiên. Họ chỉ tìm lợi ích cho mình chứ không tìm lợi ích cho Đức Giêsu Kitô”.[5]


[1] Bài giảng của thánh Augustinô, trong Bài đọc II Kinh sách, thứ 3 tuần XXIV thường niên.
[2] Xc. Maria Paz  Marino, Anthony De Mello, guide et témoin de la lumière. Bảndịch Việt ngữ :“Cuối cùng ta cũng tự do” – ND :  Trần Duy Nhiên.
[3] Xc. Maria Paz  Marino, Cuối cùng ta cũng tự do, tr. 17.
[4] Ibid. tr. 84.
[5] Bài đọc II Kinh sách, thứ 3 tuần XXIV thường niên.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn