Anh em cũng phải rửa chân cho nhau


Bi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? 
Thế mà, Thầy đây,  
thầy sống giữa anh em như một kẻ hầu bàn” 
(Lc 22,27).

Quốc Văn, OP.

Tin mừng “rửa chân” là một diễn từ quan trọng trong chương 13 của Tin mừng Thứ tư. Chính trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu trao lại cho Hội thánh thừa tác vụ linh mục, mà biểu tượng sống động cho tác vụ này là cử hành tiệc Bẻ Bánh và cúi mình rửa chân cho anh em. Xin khởi đi từ “tác vụ rửa chân” này để phác hoạ hình ảnh người linh mục.
Linh mục, người đầy tớ rửa chân
Muốn phục vụ người khác, trước tiên người linh mục phải cảm nhận được Thiên Chúa phục vụ mình. Trước khi các Tông đồ được mời gọi phục vụ, các ông phải để cho Chúa rửa chân trước. Chúng ta không quan niệm phục vụ như một chức năng, một công chức, nhưng tất cả phải bắt nguồn từ tình yêu, từ sự phục vụ của Chúa Giêsu; nếu ai đó lãnh tác vụ để phục vụ, tức là họ được sung công để chu toàn cùng một tác vụ của Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô rất xác tín vào việc phục vụ của mình :
Vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí. Trái lại chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa, nhưng chúng tôi giãi bày sự thật; và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa… Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu.[1]
Đức Giêsu đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống cứu độ con người, chứ không phải để được phục vụ; [2] cho nên ai cảm nhận được tình thương, noi gương Người mà phục vụ, kẻ ấy càng trở nên giống Thầy mình hơn. Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa”.[3]
Trong đời sống dâng hiến, người linh mục được mời gọi làm toát lên niềm vui, niềm vui của những con người phục vụ. Một khi xác tín phục vụ là lẽ sống chứ không phải là tấm bình phong che chắn, là tấm áo mặc bên ngoài, thì chúng ta sẽ cảm được phục vụ là niềm vui. Niềm vui đó nhẹ nhàng thanh thoát tựa chúng ta ngắm cảnh thanh bình của một buổi hoàng hôn, như chiêm ngắm những cánh hoa rạo rực muôn màu của buổi bình mình khi sương đêm còn đọng trên búp lá. Niềm vui rất nhẹ, rất tự nhiên, rất an bình. Cũng như ông bố gò lưng đạp xích lô suốt một ngày mỏi mệt, nhưng lòng ông vẫn vui khi quây quần bên vợ con trong bữa cơm chiều thanh đạm, bữa cơm được đổi lấy bằng chính những giọt mồ hôi và nước mắt của ông.
Đã qua rồi quan niệm một lối sống quan liêu, trưởng giả; đã đến lúc phải biết khước từ những vòng hào quang giả tạo được người khác khoác cho, hay tự mình tìm kiếm. Vua Khang Hy đã phải hoá trang vi hành mới thấu đạt được thế thái nhân tình; nếu người linh mục cứ mãi an ổn trong vỏ ốc đời mình, thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được lẽ vui buồn của kiếp nhân sinh, chẳng bao giờ có được niềm vui thực sự vì đã quên mình, chẳng bao giờ có thể làm sáng lên bóng hình Đức Giêsu vẫn đang yêu thương và phục vụ trần thế.
Người ta sẽ nhận ra ai là môn đệ đích thực của Đức Giêsu, khi người linh mục sống yêu thương phục vụ, biết chân thành rửa chân cho nhau; rửa chân trong thái độ khiêm tốn, ân cần, hoà nhã; và luôn giữ thái độ trân trọng, nâng niu “bàn chân cuộc đời”, bàn chân ấy không phải chỉ là những “chân vàng, gót ngọc” mà còn là những bàn chân xù xì, thô nhám, và chai xạm nữa.
Linh mục, kẻ hầu bàn
Hầu bàn là một hành động cụ thể của việc phục vụ. Thừa tác vụ linh mục được thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, lúc mà Đức Giêsu cúi mình rửa chân cho từng môn đệ, và cũng chính là lúc Người lấy thịt máu mình cho họ làm của ăn của uống, lúc Người chuẩn bị lên Giêrusalem để chịu chết. Và lời mời gọi của Đức Giêsu gắn liền với sứ mạng của người linh mục thừa tác: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến thầy”. Thiết tưởng “làm việc này” không có nghĩa chỉ là làm cử chỉ “Bẻ Bánh”, mà còn là trở nên kẻ hầu bàn, là hy sinh đến phải từ bỏ chính mình như Đức Giêsu đã chịu chết. Người linh mục phải vươn lên mãi theo gương Thầy chí thánh của mình. Dẫu biết rằng linh mục vẫn là những con người mỏng giòn yếu đuối, vẫn là tội nhân giữa những anh chị em đồng loại, vẫn cần được nâng đỡ, cần được thương xót, vẫn thấy đức tin mình đôi lúc chao đảo; thế nhưng, người linh mục không được quên sứ mạng của mình là nâng đỡ sự yếu đuối của tha nhân, rao giảng cho họ một Thiên Chúa vô cùng thương xót, củng cố cho họ đức tin và niềm hy vọng. Thực hiện những điều này với thái độ yêu thương và khiêm hạ, chính là lúc người linh mục đang thi hành phận vụ hầu bàn của mình.
Nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, người linh mục được mời gọi mỗi ngày dọn ra cho dân Chúa không phải là cao lương mỹ vị, nhưng là dọn ra lương thực thường tồn, lương thực đem lại cho con người sự sống viên mãn, sự sống vĩnh cửu. Lời Đức Giêsu nói với các môn đệ luôn đánh động chúng ta:Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? Thế mà, Thầy đây, thầy sống giữa anh em như một kẻ hầu bàn” (Lc 22,27).
“Tác vụ hầu bàn” luôn là một lời nhắc nhở và mời gọi người linh mục thừa tác hoạ lại hình ảnh của vị linh mục Thượng phẩm là Đức Giêsu. Người linh mục được mời gọi phục vụ, nhưng không khéo lại bị công việc đè bẹp, lại bị những lối đánh giá con người theo hiệu năng công việc làm biến chất hành động phục vụ. Con người hôm nay đang mắc phải căn bệnh thời đại, bệnh “sao”, bệnh “thành tích”. Người linh mục được mời gọi nhìn lại cung cách phục vụ của mình xem những công việc ấy đang được làm vì mục đích gì ? Làm vì sứ vụ, vì cộng đoàn, hay là vì vòng hào quang của riêng mình ? Nếu không khởi đi từ ý hướng tốt, những việc làm tích cực có thể sẽ mất đi ý nghĩa của việc phục vụ đích thực.
Linh mục, tiếng chổi tre xào xạc
Chẳng phải ngẫu nhiên Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm ví người linh mục như người phu quét lá. Hình ảnh diễn tả này thật giàu cảm xúc, thật bình dị và không kém phần ý nghĩa.
Người linh mục luôn được mời gọi làm đẹp cuộc đời, thánh hoá cuộc đời; ví tựa như người phu quét lá với tiếng chổi tre xào xạc thầm lặng trong đêm đen gió bão, hay giữa trưa hè oi ả, để trả lại cho những con đường, cho phố chợ sự sạch sẽ, mát mẻ. Thế mà có lẽ chẳng ai thèm để ý đến người lao công ấy. Người linh mục cũng được mời gọi chọn cho mình chỗ rốt bét trong những ánh hào quang danh dự. Ôi khó khăn thay !
Khi suy nghĩ về khía cạnh “tự huỷ” này, linh mục Nguyễn Tầm Thường còn so sánh hình ảnh người linh mục với chiếc sọt rác. Thật thâm thuý ! Cuộc sống không thể thiếu sọt rác, không thể quăng rác rưởi bừa bãi mọi chốn mọi nơi; thế nhưng ít ai lại đem “chưng sọt rác” ra trước phòng khách hay tiền sảnh nhà mình. Vị trí của sọt rác là nơi kín đáo, ẩn khuất. Người linh mục cần thiết cho cuộc đời, đón nhận mọi nỗi niềm và tội lụy của tha nhân, nhưng vị trí của người linh mục vẫn phải là nơi ẩn khuất, khiêm hạ.
Chỉ khi nào đi vào mầu nhiệm tự huỷ của Đức Giêsu, mầu nhiệm “Thiên Chúa mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”, mầu nhiệm “Đức Giêsu hoá mình ra không”, khi ấy người linh mục mới có thể phục vụ thầm lặng như người phu quét lá mà không cần đòi hỏi ai mang ơn hay để ý đến mình. Con đường phía trước vẫn bao la diệu vợi, người linh mục phải nỗ lực luôn mãi và năng nhìn lại chính mình trong suốt hành trình theo Chúa Kitô.
Thay lời kết
Thay cho lời kết luận, xin ghi lại nơi đây những vần thơ như tâm tình cầu nguyện :
Xin cho con tinh thần hăng say
không bao giờ mỏi mệt,
như những đợt sóng
vỗ bên bờ đại dương mải miết.
Xin cho con học biết
mãi can trường
như cây xanh hướng bóng vầng dương.
Xin cho con quảng đại giữa đời thường
như  mây trời che phủ cả người lành kẻ dữ.
Xin cho con biết khiêm tốn đủ,
như cỏ dại ven đường
toả cho đời một chút mầu xanh,
Xin cho con mãi mãi nhiệt thành,
biết cúi mình
rửa chân cho anh chị em đồng loại.


[1] 2 Cr 4,1-5
[2] Xc. Mt 20, 28.
[3] 1Pr 4,10.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn