Cả thế giới này
là một bài ca tán dương tình yêu Thiên Chúa.
Đặc biệt tình yêu đó tỏ lộ qua lòng xót
thương.
Lòng xót thương này cùng một trật cho thấy
con người mỏng giòn,
yếu đuối, tội lụy và cần đến Chúa biết bao.
Quốc Văn, OP.
Người linh mục được chọn lựa là vì dân Chúa, vì Hội
thánh. Lời của ngôn sứ Hôsê nhắc nhở dân: “Tình yêu của các ngươi khác nào
mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (6,4), thiết tưởng đó cũng phải là
lời của người linh mục hôm nay nhắc nhở cho dân Chúa về “tình yêu của thuở ban
đầu”. Tình yêu ấy đã hơn một lần bị dân
Chúa lãng quên, phản bội. Cần phải làm mới lại lời Giao ước qua việc loan báo
cho dân thấy Chúa thương xót vô ngần và thứ tha tất cả. Loan báo tình yêu, sự
tha thứ, niềm hy vọng chính là sứ mạng của người linh mục hôm nay.
Linh mục loan báo Lời tình yêu
Dân
Thiên Chúa được ví như người tình của Giavê, Đức Chúa tỏ tình với dân như người
yêu sắp cưới.[1] Cô gái Israel quá được yêu chiều nhưng lại
vong ân, thất nghĩa, ngoại tình, phản bội Đức Chúa là Đức lang quân. Nhưng cho
dù dân có bất trung, Người vẫn trung tín và yêu thương đến cùng. Đức Chúa lại
tiếp tục tái lập hôn ước với người vợ bất trung ấy.[2]
Thiên Chúa yêu thương cũng được tỏ bày như người mẹ, người mẹ hiền ấp ủ con thơ.[3]
Người mẹ trao ban sự sống cho con mình thế nào, thì Thiên Chúa cũng là sức sống
cho dân Người như vậy.[4]
Con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, sự hiện hữu của mình. Không chỉ con người
mà toàn thể vũ trụ này, toàn thể muôn loài thọ sinh đều mắc nợ Thiên Chúa, bởi
vì “Tình thương Người chan hòa mặt đất”.[5]
Cả thế giới là một bài ca tán dương tình yêu của Người. Đặc biệt tình yêu đó tỏ
lộ qua lòng xót thương. Lòng xót thương này cùng một trật cho thấy con người
mỏng giòn, yếu đuối, tội lụy và cần đến Chúa biết bao.
Bao
phen con người đã nói “không” với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn nói “có”,
một tiếng “có” tràn đầy mãnh lực yêu thương. Chúng ta thấy điều này lan tỏa
trong Kinh thánh, đặc biệt trong các sách Tin mừng. Xin lấy ba dụ ngôn tiêu
biểu trong Tin mừng theo thánh Luca, để thấy dung mạo Thiên Chúa xót thương
được Đức Giêsu diễn tả như thế nào.
Dụ
ngôn “con chiên lạc” [6]cho thấy Thiên Chúa luôn là
Mục tử nhân lành thí mạng sống mình vì đoàn chiên.[7] Người không muốn để một ai
hư mất. “Những người Cha ban cho con, con không để hư mất người nào.”[8] Mỗi con người đều có một
vị trí, một giá trị tuyệt đối trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa. Vì thế, “Trên
trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là chín mươi chín người công
chính không cần hối cải”.[9]
Trong
dụ ngôn “đồng bạc bị mất”,[10] cái lôgic của Thiên Chúa
là cái nghịch lý theo kiểu con người, chỉ một đồng bạc mất, khi đã tìm được thì
mời hàng xóm láng giềng, bà con bạn hữu đến ăn mừng. Nếu không đặt vào trong
mối tương quan tình yêu, lòng thương xót, thì không thể nào chúng ta cảm được niềm
vui tột cùng của người phụ nữ tìm thấy đồng bạc. Bà là hình ảnh của một Thiên
Chúa đang kiếm tìm và gặp được lời đáp xin vâng của con người.
Đỉnh cao của ba dụ ngôn
về lòng thương xót là dụ ngôn “người cha nhân hậu”.[11]
Qua dụ ngôn này, dung mạo của một Thiên Chúa yêu thương tỏ hiện rõ rệt, Người
là Cha, một người Cha rất mực khoan nhân, yêu thương đến tận cùng và luôn tha
thứ. Chúng ta bắt gặp nơi đây niềm an ủi lớn lao mỗi khi thấy mình xa rời Thiên
Chúa và hồi tâm trở về. Nơi đó vẫn một vòng tay giang rộng, một trái tim thổn
thức đợi chờ, chỉ một việc phải làm là người con lăn vào vòng tay Cha, để thấy
mình được yêu thương mà thôi. Mọi tội lỗi, mọi bất trung, giờ đây đứng trước
một tình yêu quá lớn, tất cả chẳng còn là gì; tất cả nhường chỗ cho hạnh phúc
tràn về. Thiên Chúa của chúng ta là như vậy.
Rải rác đây đó, ta vẫn
bắt gặp hình ảnh Thiên Chúa gần gũi với con người, đi bên đời họ, chữa lành
những đau khổ thể xác và tâm hồn. Đi đến đâu, Người thi ân giáng phúc đến đó;
đi đến đâu là Người gieo rắc niềm hy vọng; đi đến đâu, là Người loan báo Vương
quốc tình yêu, dẫu cho con người có khước từ hay vong ơn bội nghĩa.
Linh mục công bố Lời tha thứ
“Phúc
thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà
được khoan dung” (Tv 31).
Ơn thứ tha, từ thời Cựu ước đã được khắc
họa đậm nét. Vua Đavít phạm tội được Chúa thứ tha,[12] ơn thứ tha này cũng được
ban cho Israel
khi dân sám hối trở về. Thời Tân ước, ơn tha thứ càng được tỏ bày rõ nét, những
người tội lỗi đến với Đức Giêsu đều được thứ tha. Trong Tin mừng, vẫn còn đó
câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, ông Phêrô chối Chúa, Tông đồ Tôma chậm tin,
thánh Phaolô ngã ngựa …
Trên bước đường lữ thứ trần gian hôm nay,
hơn một lần chúng ta gục ngã vì tội lụy, có bao giờ quay về với Chúa mà không
được thứ tha ! Đó phải là một niềm xác tín, một lời mời gọi chúng ta vươn lên
mãi, tin tưởng vào tình yêu và không bao giờ nản lòng và thất vọng. Thiên Chúa
vẫn làm những việc diệu kỳ trên những yếu đuối của con người, có những thứ tội
trở nên “tội hồng phúc”, vì qua đó, Thiên Chúa lại càng gần gũi, liên lụy với
con người hơn. Trong kinh Tin kính chúng ta vẫn đọc, Giáo hội dạy rằng: “Vì
loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.
Thiên Chúa đã đi vào cuộc đời, cùng chung số phận với con người, để cảm thông,
thứ tha và cứu độ. Đỉnh cao của cuộc nhập thể là hy tế thập giá, nơi đó, một
con người Giêsu trần trụi đã trở thành lễ vật hiến tế Chúa Cha, để bộc lộ lời
thứ tha trọn vẹn và mãi mãi. Bên thập giá, tên trộm lành đã trở thành kẻ ăn
trộm được cả Nước Trời.
Nếu trong Cựu ước, theo nền văn hóa của thời đại, dung mạo Thiên Chúa được
diễn tả với dáng dấp một quan tòa ngay thẳng, phạt con cháu đến ba bốn đời vì
tội cha ông của chúng; hay một Thiên Chúa còn ghen tương, thiên vị (yêu
Aben và ghét Cain), thì trong thời Tân ước,
qua Đức Giêsu, Thiên Chúa được tỏ bày trong dung mạo người cha nhân từ, một người
cha mang trái tim người mẹ. Trong trái tim Đức Giêsu, nước mắt và nụ cười, khổ
đau và hạnh phúc của con người đều được Người ôm ấp tất cả. Có một Giêsu đã vào
cuộc đời và yêu thương con người đến thế.
Chân lý Thiên Chúa xót thương con người là một mặc khải chắc chắn rút ra
từ kho tàng Lời Chúa. Thế nhưng con người khó có thể tự mình cảm nhận lòng
thương xót của Thiên Chúa, nếu không thông qua các bí tích trong Giáo hội. Linh
mục là thừa tác viên cử hành các Bí tich đó. Đặc biệt qua Bí tích Hoà giải, con
người cảm nhận một cách cụ thể tình thương Thiên Chúa qua chính cung cách và
tấm lòng của vị linh mục. Lúc này, linh mục chính là thừa tác viên của lòng
thương xót. Làm sao để hối nhân ra đi bình an và tràn đầy hy vọng hơn về một
tương lai phía trước, dẫu biết rằng cuộc sống còn nhiều bất trắc, lòng người
còn bao phen chao đảo, ngã quỵ, nhưng tình thương làm cho họ can đảm đứng lên
làm lại cuộc đời.
Linh mục thi thố lòng
thương xót không phải chỉ nơi toà giải tội, nhưng cả trong cuộc sống. Trong mọi
mối tương quan, trong những lần gặp gỡ, trong cung cách hành xử…, người linh
mục không được quên gương mặt yêu thương và tấm lòng tha thứ của Đức Giêsu đang
cần được thể hiện nơi bản thân mình. Ý thức được điều này, người linh mục ngày
càng trở nên giống Thầy Giêsu hơn.
Linh mục rắc gieo Lời hy vọng
Trong đêm vọng phục sinh, Giáo hội đã thốt
lên những lời vui sướng: “Ôi tội hồng
phúc”. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta cách lạ lùng, nhưng cứu chuộc
còn lạ lùng hơn nữa. Theo lẽ tự nhiên, sau khi nguyên tổ phạm tội, là chúng ta
thua rồi, vô phương cứu chữa.[13] Nhưng biệt tài của Thiên
Chúa là Người có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong.
Khi chiêm ngắm về kế hoạch cứu độ nhiệm mầu
của Thiên Chúa, thánh Phaolô, đặc biệt trong thư gởi tín hữu Rôma, đã cho chúng
ta xác tín hết sức mạnh mẽ: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, thì ở đó ân sủng
càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20); “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh
ích cho những ai yêu mến Người”; “Tôi tự hào về những yếu đuối của tôi,
để sức mạnh của Đức Kitô thể hiện trong tôi”; “Ai có thể tách chúng ta
ra khỏi tình yêu của Đức Kitô…?” Những xác tín ấy, là nguồn động lực rất
mạnh giúp chúng ta giữ vững niềm hy vọng.
Hãy can đảm trao phó cuộc đời chúng ta cho
Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Thánh Phaolô còn mời gọi chúng ta
hãy hy vọng ngay cả khi không còn gì để hy vọng nữa.[14] Bởi vì niềm hy vọng của
chúng ta không phải là niềm hy vọng hão huyền, nhưng là niềm hy vọng đặt nền
trên lời hứa của Thiên Chúa.[15] Chỉ khi nào có một niềm
hy vọng son sắt, vàng đá, chúng ta mới có thể trả lời cho những ai chất vấn về
niềm hy vọng của chúng ta.
Sau bao những thất bại ê chề trong cuộc
sống, sau bao lần vật lộn với sự yếu đuối của bản thân, con người ngày nay, chỉ
còn biết bám víu vào một điều duy nhất là Thiên Chúa sẽ cứu mình. Kitô giáo
không phải là đạo của những người hùng Hercules, nhưng là đạo của những người
nghèo, đạo của sự tín thác, cầu khấn. Chẳng lạ gì khi các tôn giáo khác du nhập
vào Việt Nam, Phật giáo chẳng hạn, từ là một nỗ lực tự giải thoát mình, đã biến
thành một thứ tôn giáo lễ bái, khấn xin. Con người tự nhận thấy mình không đủ
sức mang vác vận mạng đời mình, rất cần một sự đỡ nâng đến từ bên ngoài. Đó
chính là niềm hy vọng.
Có những mảnh đời thoạt
trông như không còn một chút hy vọng,
nhưng họ vẫn lầm lũi bước đi, vẫn mơ hồ chờ đợi một chút ánh bình minh loé rạng
dẫu cho cả cuộc đời mình là đêm đen, giông tố. Chính những bước chân lầm lũi
ấy, diễn tả một niềm hy vọng lạ lùng; nói như ngôn ngữ của thánh Phaolô, đó là
hy vọng ngay cả khi mình không còn gì để hy vọng nữa.[16]
Cha Timothy Radcliff, nguyên Tổng quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo, có một lối
diễn tả bằng hình ảnh rất hay, con người sống niềm hy vọng giống như một kẻ
ngồi chờ ở trạm xe buýt, dù chưa thấy bóng dáng chiếc xe đâu, nhưng lòng vẫn
tin chắc rằng thế nào xe buýt cũng đến. Hoặc niềm hy vọng được diễn tả như hình
ảnh chị đan sĩ ngồi gảy đàn trong đêm vọng phục sinh với ngọn nến cháy sáng làm rạng rỡ khuôn mặt chị, dẫu cho xung quanh là bóng đêm mù mịt.
Theo dòng lịch sử cứu độ, chúng ta thấy xuyên qua biết bao biến cố thăng
trầm, tội lỗi của dân Chúa, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện, và Người có thể
rút tỉa từ sự dữ những điều lành cho con người. Trong lịch sử Hội thánh, chúng
ta thấy không thiếu những lúc đen tối, nhưng Thánh Thần vẫn dẫn dắt Hội thánh
qua những khó khăn, Hội thánh vẫn được thanh luyện, và vẫn là Hiền thê xinh đẹp
của Đức Giêsu.
Người sống niềm hy vọng
phải luôn nhìn thấy dấu hiệu sự sống ngay trong đống đổ nát, chết chóc; phải
nhìn thấy ngay trong đống tro tàn vẫn còn than hồng âm ỷ, có sức bùng cháy lên
mãnh liệt; phải thấy không bao giờ con người là thua cuộc, vì vẫn còn Thiên
Chúa đỡ nâng.
Người linh mục được mời
gọi nhìn cuộc sống với cái nhìn lạc quan của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao
giờ thất vọng về thế giới, càng không bao giờ thất vọng về con người. Trong
lịch sử đời mình, thường những trang bi đát, tăm tối, lại là những trang in đậm
dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa. Lịch sử
bao vị thánh lớn cũng khởi đi từ những trang tăm tối như thế. [17]
Nẻo đường hy vọng là nẻo đường rất đẹp, và chắc chắn dẫn chúng ta đến
đích; bởi vì chúng ta biết chúng ta đặt niềm hy vọng vào ai, vào Đấng nào. Đức
Giêsu chính là đối tượng niềm hy vọng của chúng ta. Người đem đến cho chúng ta
niềm hy vọng cứu độ, niềm hy vọng được sống vĩnh cửu. Đức Giêsu chính là trung
tâm điểm của lịch sử, là Đấng các ngôn sứ loan báo, là điểm thành toàn của lời
hứa Thiên Chúa xưa kia. Chính Người là Đấng sẽ lấp đầy niềm hy vọng cháy bỏng
của con người thời đại hôm nay. Người là Đấng muôn dân trông đợi, là Đấng Cứu
Độ duy nhất, là đường, là sự thật, và là sự sống. Chính Đức Giêsu đã nói : “Thầy
đến để thế gian được sống và sống dồi dào”. Đức Giêsu chính là đích điểm
niềm hy vọng, là hạnh phúc đích thực của con người. Niềm hy vọng của con người
mãi mãi là trống rỗng nếu không đạt đến Đức Kitô, nếu không được Người chiếm
hữu, lấp đầy.
Vì Lạy Chúa,
chính Ngài là Đấng con trông đợi,
lạy Đức Chúa,
chính Ngài là Đấng con tin tưởng
ngay từ độ thanh xuân … (Tv 70).
Kết luận
Người linh mục được
chia sẻ ba chức vụ của Chúa Giêsu một cách đặc biệt: chức vụ tư tế, ngôn sứ và
vương đế. Với chức vụ tư tế, người linh mục tế lễ mỗi ngày và dâng lên Thiên
Chúa lễ phẩm của toàn dân; với chức vụ ngôn sứ, người linh mục được mời gọi
loan báo tình yêu của Thiên Chúa, loan báo lòng xót thương, loan báo niềm hy
vọng; với chức vụ vương đế, người linh mục được trao phó coi sóc đoàn chiên.
Mong sao mọi người có thể bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu mục tử nơi người linh mục
của Chúa. Người linh mục không loan báo lời của mình nhưng loan báo lời Chúa;
người linh mục không nỗ lực dạy dỗ luân lý cho bằng dẫn dân Chúa đến đồng cỏ
xanh ân sủng và no thoả bên dòng suối tình thương; người linh mục cảm thông
những nỗi đoạn trường và trở nên dấu chỉ cho anh chị em mình về niềm hy vọng.
[1] Xc. Dc 4, 12-16.
[3] Xc. Is 49, 13-16.
[4] Xc. Gr 31, 1-9.
[5] Tv 32.
[6] Lc 15, 4-7.
[7] Xc. Ga 10, 11.
[8] Ga 17, 12.
[9] Lc 15, 7.
[10] Lc 15, 8-10.
[11] Lc 15, 14-31.
[12] Xc. 2 Sm 12, 1-17.
[13] Đây cũng là một quan điểm thần
học về ơn cứu chuộc của anh em Tin Lành Luther, họ cho rằng, sự sa ngã của con
người không thể nào phục hồi lại được. Con người hoàn toàn bị băng hoại, hư mất;
và ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu chỉ như tấm áo choàng cho chúng ta khoác vào mà
thôi.
[14] Xc. Rm 4,18-25.
[15] Xc. Dt 6,10-20.
[16] Xc. Rm 4,18-25.
[17] Xc. Phạm Quốc Văn, OP. Trên đường Emmaus, tr. 118-122.
Đăng nhận xét