Những người nghèo là những người dễ bị tổn
thương, tự chính nơi bản thân họ
cũng như những hoàn cảnh xảy ra với họ.
Họ cần hơn những người khác
sự quan tâm, tôn trọng và nâng đỡ.
Tản văn - Nguyễn Ninh
nhưng Người lại
đứng đằng kia
bên hàng hạ nhân
tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.
Cho dẫu muốn cúi
đầu chào Người,
lòng kính cẩn
trong tôi
cũng không thể chạm tới chỗ chân Người đang ngừng nghỉ,
cùng những người
tay trắng, khốn cùng, hèn mọn.
(Lời dâng 10 – R. Tagore)
Mấy hôm nay lục lọi xem có gì viết để đốt thời gian không, lục mãi tôi
cũng tìm được một chuyện nho nhỏ hồi trước chép lại. Số là hôm đó đi bán sách
cho nhà Dòng tại một Giáo xứ. Nhà thờ lâu lâu có các thầy đến bán sách nên nhộn
nhịp hẳn lên. Các thầy cứ là kéo miệng ra hết cỡ để “câu view”. Cố nặn ra một
nụ cười tươi rói, miệng chào mời ghé lại xem thôi, không nhất thiết phải mua
đâu. Bà con giáo dân có người mua, có người không, nhưng ai cũng tươi tắn đáp lại.
Từng đoàn người đến Nhà thờ chiều Chúa nhật thật thanh tao, lịch lãm. Vẻ nghiêm
trang, thành kính phảng phất trong ráng chiều thơ mộng, tôi chợt nhớ đến mấy
câu thơ của Hồ Dzếnh:
Em ạ quê ta tháp
giáo đường
Sáng chiều vẫn
vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi
đi với
Gió đạo lời kinh
tỏa vấn vương.
Đang mơ mộng thì bỗng một người khấp khễnh bước vào. Chị trạc tứ tuần, dáng
người nhỏ bé. Chị bước một bước, dừng lại, đưa hai chân ngang nhau, rồi lại
bước. Chị bị tật. Thật ra bây giờ ngồi nhớ lại thì tả được vậy, chứ lúc đó tôi
không một mảy may để ý đến chị. Không phải là khinh, chẳng hiểu sao đầu óc mình
không chịu nhúc nhích một chút trước hình ảnh con người tàn tật đang đi ngang
qua. Có lẽ là do đang bận bịu tìm một đối tượng phù hợp với lý trí, đối tượng
để bán sách chăng? Có thể ! Mà cũng có thể chỉ là ngụy biện.
Đang mơ mộng những tà áo dài bên ngôi thánh đường thì ông bạn đi cùng vồn
vã chạy lại giới thiệu với chị cuốn sách “Chấm nối chấm”. Chị cười thật tươi:
“Dạ! bây giờ con vào đi lễ cái đã, chút nữa xong lễ con ra coi nha”. Đúng là
đang mơ mộng thật. Nhưng không phải là mơ mộng như trên mà là một cơn ác mộng.
Lòng chợt hổ thẹn vô cùng vì những cật vấn của lương tâm. Tại sao cậu không
chào mời chị mua sách? Nếu như đó là một người sang trọng, thanh tao lịch lãm
thì sao? Nếu như người đó không như chị thì cậu có chào mời không? Thành thật
mà nói, câu trả lời là có. Và, vậy là cậu đã xem thường một người tàn tật, một
người nghèo?
Không. Không. Tôi sẽ nhảy dựng lên. Tôi không nghĩ vậy. Đầu óc tôi lúc đó
chỉ nghĩ đến chuyện tìm một người thích hợp để chào mời họ mua sách. Cũng không
nghĩ chị có thể mua sách. Tất cả nhưng lý do đó, ít nhiều liên quan. Thế nhưng,
khó mà phủ nhận rằng, trong lòng tôi không thực sự lưu tâm đến chị. Một người
có bề ngoài không mấy ấn tượng.
Kent M. Keith có thể khiến nhiều
người không ưa, dù ông chỉ nói sự thật, một sự thật phũ phàng: “Người ta thường
tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh.” Điều ông nói quả là chí lý. Đó là cách cuộc sống vận hành. Chúng ta
vẫn dễ nặn ra một nụ cười, một câu trả lời dịu dàng với một người lịch lãm,
giàu có, xinh đẹp hơn là với những người ngược lại. Chúng ta có thể vì mệt mỏi
mà nhăn nhó với những người đang xếp hàng chờ được phát ít quà, nhưng khi quay
sang vị ân nhân tài trợ cho chuyến đi từ thiện thì có lẽ trên môi sẽ là một nụ
cười tươi tắn.
Trong tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, cô bé Meggie vào ngày
đi học đầu tiên đã gây ra ít rắc rối. Khi trở về nhà cô mếu máo hỏi anh mình
rằng: “Tại sao bà ta phạt tất cả anh em mình hở anh Frank? Em đã nói là lỗi
riêng của em mà.” Frank xoa đầu an ủi em: “Chúng ta nghèo, Meggie, đó là lý do
chính.” Anh ta cho rằng, nếu giàu thì họ đã được đối xử khác. Chỉ là
một cậu chuyện tiểu thuyết nhưng có lẽ cũng phần nào đó phản ánh thái độ của
con người trước những hạng người khác nhau.
Kent M. Keith cho rằng người ta
thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh. Tuy nhiên, ông đã không dừng lại ở đó. Ông tiếp: “Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu
cho những người yếu thế.” Tranh đấu cho những người yếu thế. Đó có thể là một hành động đấu tranh để bênh vực và ủng hộ những người
nghèo khổ, không được coi trọng, nhưng cũng có thể là một thái độ đối với họ.
Đặt họ ở một vị trí cao trong con tim ta. Một vị thế xứng đáng thật sự.
Có một câu chuyện lý thú bên lề cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Khi
được hỏi vì sao ngài chọn tên thánh Phanxicô, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng,
khi thấy số phiếu của ngài cao nhất, Đức Hồng Y Hummes đã ghé tai nói với ngài:
“Xin ngài đừng quên người nghèo”. Và chính ngài đã chọn tên thánh Phanxicô để
nhắc mình luôn nhớ đến người nghèo. Thông điệp nổi bật của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô gửi đến toàn thể anh chị em mình là: “Các con thân mến, đừng quên
người nghèo.”
Những người nghèo là những người dễ bị tổn thương, tự chính nơi bản thân
họ cũng như những hoàn cảnh xảy ra với họ. Họ cần hơn những người khác sự quan
tâm, tôn trọng và nâng đỡ. Nếu không khéo chúng ta có thể gây cho họ căn bệnh
mà mẹ Têrêsa Calcutta đã từng nói: “Căn bệnh trầm trọng nhất của thời nay không
phải là bệnh phong hủi hay bệnh lao, mà là sự cảm nhận bị ruồng bỏ”.
Và không chỉ họ cần đến chúng ta, nhưng chúng ta cũng đón nhận được một
giá trị linh thiêng tư nơi hoàn cảnh sống của họ. Hôm kia đi dự đám tang của
một người khá giả. Thánh lễ long trọng. Đông đảo linh mục, tu sĩ, bà con
thân thuộc, có cả giám mục. Nhưng lòng cũng không xúc động là bao. Chợt
nghĩ đến những lần đi đám tang của những người nghèo, quanh họ chỉ có mấy người
thân, một vị linh mục, có khi là cha phó. Điều khác biệt là, đó lại là những
đám tang vò xát con tim. Ai lại không mong sống một cuộc đời mà khi chết đi yên
bình và được con cháu thành đạt, bè bạn tề tựu mai táng long trọng. Có một điều
gì đó thật rất chạm đến con tim, nghẹn ứ trong thân phận con người. Không phải
với người đã chết nhưng với người đang sống.
Sau cùng, những người Kitô hữu, chiến đấu cho người nghèo lại càng là một
ưu tiên hàng đầu, là thông điệp của Lời Chúa. Nói theo kiểu Đức Thánh Cha
Phanxicô, người nghèo là “giấy thông hành của chúng ta để vào Nước Trời”. Người
Do-thái xua đuổi, xa lánh những kẻ bị phong cùi, những kẻ tội lỗi, những kẻ cô
thế cô thân, nhưng Chúa Giêsu đến với họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ trầm
trồ, đón đưa những vị ân nhân đóng góp hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho việc
xây dựng nhà thờ; nhưng Chúa Giêsu lại cho rằng đồng bạc của bà góa nghèo mới
có giá trị nhất. Quyết liệt hơn, Người còn cho rằng, "làm ơn cho kẻ làm ơn
cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa".
Có lẽ cũng chỉ có Chúa Giêsu mới có thể vượt trên cái lẽ đời đó. Biết làm
sao được. Chúng ta có đủ lý do, thậm chí rất chính đáng. Họ đối xử với tôi tốt
như vậy làm sao mà không yêu họ hơn được. Họ có quá nhiều ưu điểm trong nhận
thức của tôi, thật khó để không hướng về họ hơn là để tâm đến một ai đó không
khiến tôi có ấn tượng gì, thậm chí là ấn tượng tiêu cực.
Ở đây chúng ta không phân biệt, tách bạch những người giàu và những người
nghèo để có một thái độ đối xử rõ ràng nào đó. Vấn đề không phải là phân biệt
người giàu hay người nghèo mà điều cốt yếu là đừng lãng quên người nghèo, người
yếu thế. Đừng dễ dàng đặt họ ra đằng sau. Đừng dễ dàng lướt qua hình ảnh của
họ. Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy quan tâm, hãy để ý đến người nghèo, người yếu
thế, những người mà có thể chẳng có một ký lô nào trong đầu óc của chúng ta.
Trở lại câu chuyện trên, sau thánh lễ, khi mọi người ra về
gần hết thì chị mới khập khiễng bước ra và đến quầy mua một cuốn sách. Điều làm
tôi càng hổ thẹn hơn là chị không chỉ mua sách để rồi nở một nụ cười và chào ra
về như bao người khác. Chị ở lại, nói chuyện, pha trò với chúng tôi cho đến khi
chúng tôi thu dọn xong quầy sách và chuẩn bị ra về.
Đăng nhận xét