Gia đình là Hội thánh tại gia


Nếu các gia đình Kitô hữu thực sự là Hội thánh nhỏ, 
Hội thánh tại gia, thì con người, Giáo hội và xã hội
sẽ mau chóng được đổi mới,
một sự đổi mới thâm sâu bên trong.
Nhóm nghiên cứu[1]

Dẫn nhập
Thánh Augustinô nói: “Gia đình nhỏ của anh chị em là Giáo hội thu nhỏ của Chúa Kitô.” Thật vậy, không ai có thể chối bỏ tầm quan trọng của gia đình trong đời sống Hội thánh: gia đình là tế bào đầu tiên, là vườn ươm hạt giống đức tin, là viên đá thứ nhất xây dựng nên tòa nhà Hội thánh. Công đồng Vaticanô II trình bày:
Ở mọi nơi và mọi lúc và nhất là ở những miền mà hạt giống Phúc Âm vừa được gieo vãi, hoặc ở những nơi Hội thánh mới được thành lập, hay trong những nơi Hội thánh đang gặp những trở ngại lớn lao, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quý giá nhất của Chúa Kitô đối với thế gian.[2]
Ý thức được vai trò thiết yếu đó, chúng ta phải nỗ lực củng cố, duy trì và phát huy đời sống đức tin tại gia đình. Chúng ta hãy đón nhận gia đình như một “nén bạc”, như một món quà Chúa ban, và sử dụng nén bạc đó cho cuộc đời chúng ta sinh nhiều hoa lợi cho Chúa.
1. Một vài ý niệm về Gia đình
Có nhiều định nghĩa về gia đình, ở đây xin chỉ đưa ra hai khái niệm về gia đình dưới khóe nhìn xã hội và Giáo hội.
Gia đình là tế bào của xã hội
Bất cứ ai nghĩ đến sự tồn vong của nhân loại và sự hưng thịnh của xã hội, đều tìm cách xây dựng gia đình. Cách chung, gia đình được các nhà xã hội học gọi là tế bào của xã hội. Bởi lẽ gia đình, qua định chế hôn nhân, là một dữ kiện cấu thành xã hội. Tầm quan trọng của gia đình được mọi người công nhận. Không chỉ các nước được coi là văn minh, mà cả những dân tộc bị coi là ít tiến bộ, cũng có những quy định chặt chẽ về gia đình, về thân tộc… Claude Lévi Strauss - nhà dân tộc học nổi tiếng một thời - đã từng chứng minh: nơi những dân tộc thô sơ không có chữ viết, đã thành hình những quy luật khắt khe về thân tộc để ngăn ngừa tình trạng loạn luân. Bằng một cấu trúc tinh thần rất tinh vi, sắc sảo, những quy luật này đã làm đau đầu những nhà lôgic giỏi nhất. Nhà dân tộc học cho thấy: đã là con người sống trong một tập thể, một cộng đồng, thì mọi người phải biết đến luật cấm loạn luân; tuy không có văn tự, nhưng luật được khắc ghi trong trí não, lương tâm con người, dù ở bất cứ chân trời nào. Điều này giả thiết thực tại gia đình là một cơ chế tự nhiên cho con người (một hữu thể có lương tâm và lý trí).
Gia đình là một Hội thánh thu nhỏ
 Gia đình là cộng đoàn hiệp thông và liên đới chặt chẽ giữa các ngôi vị. Theo Tông huấn “Đời sống Gia đình”, một trong bốn bổn phận trọng yếu của gia đình Kitô hữu là đào tạo một cộng đồng hiệp thông giữa các ngôi vị - các thành viên của gia đình bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Sự hiệp thông mẫu của gia đình cũng như của Hội thánh là Mầu nhiệm Thông hiệp của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng thượng trí, toàn năng, cực thánh và yêu thương tột cùng.[3] Vì thế, nét nổi bật của gia đình Kitô hữu phải là một cuộc sống thuận hòa, yêu thương, đầm ấm, san sẻ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì nhau và vì hạnh phúc của nhau.
Gia đình là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa: nhờ Bí tích Thanh Tẩy mà mọi người trong gia đình được chia sẻ chức vụ tư tế cộng đồng của Chúa Kitô, và gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa thông qua đời sống cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Một gia đình như thế sẽ tỏa sáng sự bình an, phó thác, cách sống siêu thoát, không chạy theo danh vọng, của cải, lạc thú mà luôn tìm kiếm những giá trị nhân bản và tâm linh chân chính.
Gia đình là cộng đoàn đón nhận, sống và làm chứng cho Tin mừng: nhờ Bí tích Thêm Sức, Thánh Thể và Hôn Phối mà các thành viên của gia đình được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và được mời gọi đón nhận, sống và làm chứng cho Tin mừng Tình Yêu cũng là Tin mừng Thập giá. Gia đình sống như thế sẽ thể hiện tính sinh động, lạc quan, sáng tạo và luôn luôn đổi mới, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với những ai gần gũi tiếp xúc.
Gia đình là cộng đoàn phục vụ con người và xã hội: bí tích Truyền Chức Thánh và bí tích Hôn Phối là hai bí tích có mục đích phục vụ cộng đoàn (phục vụ xã hội và cộng đồng nhân loại). Thánh Gioan Phaolô II đã xác định: gia đình Kitô hữu có bổn phận phải tham gia vào việc phát triển xã hội, gia đình là cộng đoàn phục vụ con người. Như vậy gia đình không chỉ biết lo cho bản thân mình mà còn phải biết lo cho người khác và cho xã hội được phát triển hài hòa và đúng theo ý muốn của Thiên Chúa.[4]
2. Gia đình tham dự vào sự sống của Hội thánh
Sống mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi
Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Còn nơi gia đình, con cái là kết quả của tình yêu giữa cha và mẹ. Như thế, Thiên Chúa và gia đình là hai chủ thể có sự tương tự về tình yêu thương hiệp nhất. Nơi mầu nhiệm Thiên Chúa, ba ngôi vị thần linh phân biệt với nhau, ngôi này không phải là ngôi kia, nhưng lại không hề tách rời nhau, mà chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm ấy là nguồn gốc và mẫu mực cho các gia đình (xc. Ep 3,14-15).
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8), Đấng duy nhất nhưng không đơn độc. Nơi bản thân, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con, và Thánh Thần. Vì yêu thương mà dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa cũng mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông. Hôn nhân là hiệp thông những nhân vị. Được xây dựng trên nền tảng hiệp thông, nên gia đình được gọi để thành gia đình hiệp thông.
Khi sống yêu thương, con người thể hiện đúng với bản chất của mình là “hình ảnh của Chúa”, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người, tình yêu cũng là yếu tố căn bản của hôn nhân. Sự trao tặng thân xác giữa hai vợ chồng chỉ có ý nghĩa khi thể hiện sự tự hiến chính mình vì tình yêu. Tình yêu là nền móng xây dựng những mối tương quan gia đình. Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Sứ mạng của đời sống gia đình là bảo toàn, biểu lộ và truyền đạt tình yêu. Hôn nhân và gia đình được thiết lập là do tình yêu, được sinh động cũng là do tình yêu, sức mạnh và mục đích cuối cùng lại chính là tình yêu.
Gia đình là trường học đầu tiên về yêu thương. Bài học vỡ lòng về yêu thương không những khởi đầu trong gia đình mà còn lập lại trong suốt cuộc đời. Yêu thương là một khởi đầu không bao giờ kết thúc vì tình yêu luôn là một cuộc tái sinh. Tình yêu không bao giờ chấp nhận cũ kỹ hao mòn; vì thế luôn luôn phải đổi mới qua thái độ quên mình để sống cho người mình yêu thương. Bởi lẽ tình yêu như dòng nước chảy, luôn luôn tuôn trào, không bao giờ giữ lại mà phải chảy và trôi đi để ban phát, mang phù sa, mang sức sống đến cho cho những nơi cần đến nó. Nếu dòng sông giữ lại nước thì dòng sông đã biến thành ao tù nước đọng, và ô nhiễm là chuyện không thể tránh khỏi.
Vợ chồng được trao ban thêm vào trong bản chất của mình như những chứng nhân và cộng tác viên cho việc sinh sản của Hội thánh, nghĩa là như những người loan truyền trong khi làm chứng và góp phần cộng tác vào tính ân sủng của Hội thánh, được gọi với tước hiệu “Mẹ”, hay nói cách khác là người sinh ra và nuôi dưỡng sự sống mới. Chính thực tại này của vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu như là những chứng nhân và cộng tác viên vào việc sinh sản của Hội thánh, họ càng trở nên vững mạnh hơn trong lời xác quyết trước đó là những người xây dựng tình bác ái huynh đệ, xây dựng gia đình như cộng đoàn hiệp thông của tình yêu.[5]
Để đạt được hạnh phúc trong Ba Ngôi Thiên Chúa, gia đình phải là nơi đức tin ngự trị và là nhà cầu nguyện, nơi người ta cảm thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha, lắng nghe được lời của Chúa Giêsu, cảm nhận được mối dây yêu thương là quà tặng của Chúa Thánh Thần, yêu mến và khẩn cầu Mẹ cực thanh cực tịnh của Thiên Chúa.[6] Như thế, đời sống gia đình dẫn chúng ta quay về với tiệc cưới trên trời và với cuộc sống đời sau, vượt qua thời hiện tại để đến sự sống viên mãn trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
 Đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi
Trước hết chính Mẹ Hội thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, bằng cách thực hiện cho nó sứ mạng mà Hội thánh đã nhận được từ nơi Chúa mình. Khi loan báo Lời Chúa, Hội thánh mặc khải cho gia đình Kitô hữu chân tính của nó, nói khác đi, cho biết gia đình là gì và phải trở nên thế nào theo ý định của Thiên Chúa. […] Đến lượt mình, gia đình Kitô hữu cũng hoà nhập vào trong mầu nhiệm Hội thánh đến độ được dự phần vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Hội thánh theo cách riêng của mình. Nhờ ơn bí tích Hôn Phối “trong bậc sống và trong lãnh vực của họ, đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu cũng có được ơn riêng dành cho họ trong lòng dân Thiên Chúa”. Do đó, không những họ “nhận được” tình yêu của Đức Kitô để trở nên một cộng đồng “được cứu rỗi”, mà còn được mời gọi truyền đạt cho anh chị em của họ chính tình yêu của Đức Kitô, và như thế, họ trở nên một cộng đồng cứu rỗi người khác.[7]
Bởi đã được tháp nhập vào Hội thánh, gia đình dự phần vào sứ mạng cứu rỗi của Hội thánh theo cách thức riêng của mình: khi lãnh bí tích Hôn nhân, đôi bạn nhận được những ơn riêng dành cho họ, nhờ đó họ chu toàn bổn phận yêu thương trọn đời và giáo dục con cái nên thánh.
Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi sẵn lòng đón nhận và sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, vì cha mẹ là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là phải giúp đỡ, giáo dục con cái sống một đời sống nhân bản trọn vẹn. Và vì thế, cha mẹ được coi là nhà giáo dục đầu tiên. Thật vậy, cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành tín đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng.
Gia đình là cộng đồng giáo dục đầu tiên, nhưng không phải là cộng đồng độc nhất hoặc lẻ loi. Việc giáo dục trong bầu khí gia đình càng phải được bổ túc bởi trường học, bởi vì “trong số các phương tiện giáo dục, các Kitô hữu phải nhận thức rằng, các trường học có một tầm quan trọng đặc biệt, vì trường học là sự trợ lực chính yếu của cha mẹ trong nhiệm vụ giáo dục”.
Ngoài ra, cha mẹ chỉ có thể làm tròn bổn phận giáo dục con cái về luân lý và đức tin nếu biết cộng tác với Hội thánh là đại gia đình của Đức Kitô. Vì thế, cha mẹ phải giáo dục con cái mình theo đường hướng giáo huấn của Hội thánh và phải đưa con cái mình tham gia vào các chương trình dạy dỗ của Hội thánh.
Tình yêu của vợ chồng được diễn tả trong việc phục vụ sự sống bằng nhiều hình thức, mà sự truyền sinh và giáo dục là những dấu chỉ hữu hình nhất, đồng thời cũng là những dấu chỉ chuyên biệt và không thể thay thế được. Nhưng trong thực tế, mọi hành vi yêu thương đích thực đối với con người đều làm chứng cho sự phong nhiêu tinh thần của gia đình và hoàn thiện nó, vì hành vi ấy đang tuân theo sức năng động sâu xa từ bên trong của tình yêu xét như là sự hiến mình cho người khác.
Không chỉ giới hạn trong gia đình mình, mọi người còn được mời gọi truyền đạt cho anh chị em mình, chính tình yêu của Chúa Kitô, và như thế, họ làm cho gia đình mình trở nên khí cụ cứu rỗi người khác.
3. Gia đình tham dự vào sứ mạng của Hội thánh
Sứ mạng ngôn sứ nơi gia đình Kitô giáo: cộng đồng loan báo Tin mừng
Ngay từ những buổi đầu, hạt nhân của Hội thánh thường gồm những người trở thành tín hữu ‘cùng với cả nhà’ (xc. Cv 18,8). Khi trở lại, họ ao ước cho ‘cả nhà mình’ cũng được cứu độ (xc. Cv 16,31; 11,14). Những gia đình trở thành những tín hữu này là những tiểu đảo của đời sống Kitô giáo giữa một thế giới ngoại giáo.[8]
Hội thánh nhìn nhận: “Ngày nay, giữa một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin, gia đình các tín hữu là hết sức quan trọng, với tính cách là những lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng”.[9] “Tất cả giáo dân đều phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển vương quốc Đức Kitô trên trần thế”.[10] “Toàn thể Hội thánh đều phải truyền giáo và công cuộc Phúc Âm hóa là nhiệm vụ căn bản của dân Chúa”.[11] Gia đình cũng như Hội thánh phải là nơi mà Tin mừng được truyền tới và từ đó lan ra. Tất cả mọi phần tử đều phải rao giảng Tin mừng và chính mình cũng được Tin mừng hóa. Ngay cả những gia đình hôn nhân dị giáo, các bậc cha mẹ cũng có nhiệm vụ loan báo Đức Kitô cho con cái mình.[12]
Trong chính gia đình, trước hết và trên hết là vai trò của các bậc làm cha làm mẹ. “Gia đình như là Hội thánh tại gia, cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, và phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con”.[13] “Cha mẹ phải quan tâm dạy cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ biết nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người. Gia đình chính là môi trường đầu tiên cho việc thực tập việc tông đồ”.[14] Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở: Cha mẹ không bao giờ có thể khoán trắng việc huấn luyện đạo đức cho con cái nơi ai khác. Nhiệm vụ của cha mẹ bao gồm cả việc giáo dục ý chí và phát triển những thói quen cũng như những khuynh hướng tình cảm hướng thiện cho con cái[15].
 Khi sống sứ mạng ngôn sứ, các sứ giả phải chịu rất nhiều thách đố. Những thách đố không chỉ đến từ những người xa lạ nhưng nhiều khi còn từ những người trong chính gia đình. Những đòi hỏi đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cho chính gia đình khiến nhiều người không dám dấn thân sống chứng nhân, thậm chí nhắm mắt làm liều bất chấp xâm phạm đến người khác.
Tuy thế, ta vẫn luôn có thể gặp bao người dám từ chối những món tiền lớn vì muốn sống theo sự thật; bao người đã hy sinh danh dự, hy sinh tự do vì lên tiếng bảo vệ sự thật, bảo vệ người nghèo, người cô thế cô thân… Nơi những người này, đa số họ là con cháu của những gia đình đạo hạnh, những gia đình quan tâm đến giáo dục nhân cách. Vậy, phải chăng việc giáo dục nhân cách cho con em là một điều cần thiết để xã hội cũng như Giáo hội tương lai có những nhân chứng về Chúa cho tha nhân.
Sứ mạng tư tế nơi gia đình Kitô giáo: cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa
Sách Sáng thế cho biết, ngay khởi đầu nguyên tổ đã nghe được tiếng Chúa dạy: trái các cây trong vườn, các ngươi được ăn; còn trái trên cây ở giữa vườn, các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết (xc. St 3,2-3). Rồi đến các tổ phụ và những vị kế tiếp cũng đã sống tương quan với Chúa, đã dựng các bàn thờ kính Đức Chúa và dâng lễ tế Người. Đến thời Hội thánh tiên khởi, dù không phải là gia đình theo giao ước hôn nhân, nhưng các Kitô hữu đã quy tụ thành một cộng đoàn như thể gia đình: họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng … (xc. Cv 2,42-46).
Hội thánh tiếp tục và luôn sống mối tương quan với Chúa; cách riêng với gia đình, Hội thánh dạy: “Một cách đặc biệt, người cha, người mẹ, con cái, mọi phần tử trong gia đình, thực thi chức tư tế do phép Rửa trong việc lãnh nhận các bí tích, trong kinh nguyện và tạ ơn, qua chứng từ của một đời sống thánh thiện, qua sự từ bỏ và qua lòng bác ái sống động”.[16] “Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để dạy cầu nguyện. […] Gia đình là Hội thánh tại gia, nơi đó các con cái Thiên Chúa học cầu nguyện với tính cách là Hội thánh và kiên trì trong việc cầu nguyện”.[17]
Đức Thánh Cha Piô XI trình bày hôn nhân như sự hợp tác, một tình bằng hữu, và cùng nhau tìm kiếm sự thánh thiện.[18] Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh”.[19]
Nơi các gia đình tuy không có nhiều suy tư thần học, nhưng đây là nơi chất chứa rất lớn lòng đạo đức bình dân. Hiện nay, việc đọc kinh sáng tối nơi các gia đình có nhiều giảm sút (nhìn ngược lại vài thập kỷ về trước, nơi các làng quê Việt, việc đọc kinh sáng tối gia đình dường như gia đình nào cũng giữ đều đặn). Các việc đạo đức khác, nhất là những việc có tính cộng đồng (như rước kiệu, chầu lượt..) ngoài việc biểu tỏ lòng thờ kính Chúa và tôn kính các thánh, thì cũng có giá trị rất lớn trong việc giới thiệu về Chúa cho những người xung quanh.
Bị ảnh hưởng bởi trào lưu tìm kiếm niềm vui qua hưởng thụ vật chất, không ít gia đình đã quên lãng dần khía cạnh tư tế nơi chính tổ ấm gia đình. Buông thả bản thân nên nhiều người chọn lối “luân lý tối thiểu”. Không chỉ nơi những người xuất thân từ gia đình “khô khan”, ngay cả những người đã từng được mang danh là “đạo đức” nhiều khi cũng không tránh khỏi vòng xoáy này. Để mỗi người sống được mối tương quan thân tình với Chúa, phải chăng những người đang mang trách vụ phải nỗ lực không ngừng đến với từng gia đình. “Văn ôn, võ luyện”, tương quan luôn cần phải được không ngừng khơi dậy, hun đúc, và làm mới.
Sứ mạng vương đế nơi gia đình Kitô giáo: cộng đoàn phục vụ con người
Đức Kitô là Đấng đến để phục vụ. Có thể nói, nơi gia đình hình ảnh vương đế của Chúa Kitô – hình ảnh phục vụ - được thể hiện một cách hết sức sống động. Nơi đây dường như không hề có sự tính toán nhưng hoàn toàn là một nỗ lực hiến thân phục vụ mọi người, muốn điều tốt lành cho người khác. Vươn xa hơn, gia đình cũng tham dự phục vụ toàn thể cộng đồng.
Thánh kinh nhiều lần kể về những việc phục vụ của những người “bình thường nhất”. Ngay vào thời đầu của Hội thánh, các tín hữu các nơi cũng đã chia sẻ với anh em ở Hội thánh Mẹ trong lúc khó khăn (xc. Cv 24,17). Ta cũng gặp nhiều hình ảnh khác như: nhạc mẫu thánh Phêrô đã phục vụ Chúa và các Tông đồ (xc. Lc 4,38-39). Trong gia đình thánh, chắc hẳn mỗi người cũng luôn làm những công việc của mình trong tinh thần phục vụ. Hay như chuyện Đức Maria đi thăm bà chị họ Isave, chắc hẳn Mẹ cũng phục vụ bà chị khi bà mang thai và sinh con trong lúc tuổi già...
Khi nói về việc tông đồ giáo dân, Hội thánh dạy: Cha mẹ phải quan tâm dạy cho con cái biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người, dạy chúng biết quan tâm đến các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của những người lân cận.[20] Cách chung, các Kitô hữu phải tận hiến chính mình để làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.[21] Chính khi phục vụ là lúc thể hiện đức ái.[22]
Không như sứ vụ tư tế và ngôn sứ, sứ vụ vương đế hôm nay xem ra sức sống còn đang được bộc lộ khá mạnh. Con người hôm nay có phần khá quan tâm về tương quan giữa người với người. Nhưng trên bức tranh sáng này đôi chỗ vẫn còn những vệt đen, phục vụ nhưng thực chất chỉ là vụ lợi: phục vụ là cách thế để phô bày và đánh bóng tên tuổi của mình, phục vụ để gây ảnh hưởng hay tạo tương quan nhằm tìm kiếm lợi nhuận hay bó buộc người nhận phải đáp ứng điều gì đó cho mình… Tuy nhiên, bức tranh này chưa phải là tất cả, hiện tượng vô cảm cũng đang là hiện trạng khá phổ biến và gây nhiều nhức nhối.
Ơn gọi làm người là một ơn gọi hướng đến sự trọn hảo. Việc phục vụ tha nhân không phải là những mảng, những phạm vi giới hạn nhưng phải là toàn thể mọi người cùng sống phục vụ và rồi cũng được hưởng hoa trái từ phục vụ. Làm sao để mọi người biết học tập và sống tinh thần phục vụ là một điều không dễ. Cách riêng, cách thế mà Hội thánh chỉ: “Gia đình nào biết để cho niềm tin Kitô giáo thấm nhuần và dần dần biến đổi toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành môi trường hoạt động và trường học tuyệt vời cho việc tông đồ giáo dân”.[23]
Kết luận
Trong bối cảnh của xã hội và thế giới hôm nay, trong đó con người có đang xu hướng hạ thấp phẩm giá của hôn nhân và gia đình, coi thường đời sống và các giá trị tâm linh, sống theo chủ nghĩa cá nhân ích kỷ mà quên đi tình liên đới giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng, thì gia đình Kitô hữu càng phải nêu cao căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình là “một gia đình của Chúa”, “một Hội thánh tại gia”. Cũng trong bối cảnh xã hội và thế giới hôm nay, tính cộng đoàn được đề cao hơn bao giờ hết ở ngoài xã hội cũng như trong Hội thánh, gia đình Kitô hữu càng phải làm nổi bật tính “tập thể gia đình” trong mọi chọn lựa và dấn thân. Không phải chỉ một cá nhân, nhưng là cả gia đình chọn lựa và dấn thân theo Tin mừng: sống trong sạch, thanh bần, siêu thoát, bác ái, yêu thương và phục vụ.
Nếu các gia đình Kitô hữu thực sự là Hội thánh nhỏ, Hội thánh tại gia thì con người, Giáo hội và xã hội sẽ mau chóng được đổi mới, một sự đổi mới thâm sâu bên trong. Chính khi các gia đình Kitô hữu ý thức về căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình và nỗ lực thể hiện sự ý thức ấy bằng lời nói việc làm cụ thể, là lúc các gia đình đang cố tạo nên một thế giới mới trong một nhân loại mới.



[1] Nhóm nghiên cứu: Giuse Bùi Trung Chánh, TSTM; Antôn Hoàng Anh Hà, TSTM; GB Nguyễn Trọng Vạn, TSĐT; Phêrô Hồ Ngọc Đăng, TS MTC; Tôma Aq. Phạm Như Triết, TSMTC
[2] Vaticanô II, Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 11.
[3] Xc. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Gia Đình, số 18-27.
[4] Xc. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Gia Đình, số 42-48 và 63-64.
[5] Xc. Nguyễn Văn Dụ, Mục Vụ và Linh Đạo về Hôn Nhân và Gia Đình, 2003, tr. 41-42.
[6] Xc. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời Sống Gia Đình, số 59-61.
[7] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống gia đình, số 49.
[8] Xc. Sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo, số 1655.
[9] Ibid., số 1656.
[10] Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý về Giáo hội, số 35.
[11] Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền Giáo, số 35.
[12] Xc. ĐTC Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin mừng, số 71.
[13] Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý về Giáo hội, số 11.
[14] Vaticanô II, Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 30.
[15] Xc. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, số 263.
[16] Sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo, số 1657.
[17] Ibid., số 2685.
[18] Xc. William J. Bausch, Một Lối Nhìn Mới Bí Tích, Nguyễn Đức Thông dịch, nxb. Phương Đông, 2009, tr. 354.
[19] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, số 318.
[20] Xc. Vaticanô II, Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 1 và số 29.
[21] Xc. Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý về Giáo hội, số 40.
[22] Xc. Ibid., số 41.
[23] Ibid., số 35.

1 Nhận xét

  1. Khu dân cư nam hà được quy hoạch trên khu đất rộng 33.2 hecta với định hướng phát triển thành khu phức hợp thương mại dịch vụ, bao gồm các loại hình sản... Tag: Khu dân cư nam hà

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn