Gia đình, nơi Thiên Chúa biểu lộ lòng xót thương


 Các gia đình dù ở những hoàn cảnh nào, 
ở niềm tin tôn giáo nào, thì vẫn cứ là
trường học đầu tiên cho con người,
là nơi đem lại những niềm an vui đích thực,
là nơi biểu lộ lòng xót thương nhiều nhất.
Gia đình không chỉ là kho tàng chứa đựng lòng thương xót mà còn là nơi diễn tả, thực hiện.

Ngọc Sơn, Tu Hội Bác Ái Tận Hiến
Dẫn nhập
Gia đình, luôn là nơi an sinh tốt nhất, nơi cư trú an bình cho mỗi người, nên dù ai đi xa cũng muốn về với gia đình. Gia đình, luôn là sự khát khao của mỗi người bởi vẻ đẹp vi diệu của nó. Gia đình là tế bào của xã hội, một cộng đoàn đức tin thu nhỏ, một thực tại sống động. Gia đình ở tại trần gian nhưng lại là dấu chỉ diễn đạt những những mầu nhiệm siêu nhiên. Gia đình rất đáng để được ca ngợi, được gìn giữ, bảo vệ và phát triển những đặc tính tốt đẹp.
Thế nhưng, chưa bao giờ, gia đình lại bị đánh phá, bị kết án và thậm chí bị hủy diệt như ngày nay. Nhìn vào xã hội, từ đông sang tây, từng vùng, từng miền, gia đình đã không còn được coi trọng, không còn là mối bận tâm của nhiều người, không còn là điều hấp dẫn để các bạn trẻ hướng tới, dấn thân và xây dựng một gia đình vi diệu nữa. Sự thờ ơ, lạnh nhạt về gia đình đã gióng lên những tiếng chuông cảnh báo mọi người, mọi xã hội khiến không ít người và các nhà lãnh đạo giật mình, quan tâm và lo lắng. Khi gia đình không được chống đỡ, bảo vệ và chữa trị ngay từ khi bị đánh phá, thì gia đình sẽ rơi vào thảm họa.
Không chỉ các gia đình nói chung rơi vào thảm họa, nhưng các gia đình Kitô giáo cũng không tránh khỏi những hệ lụy của xã hội, những roi đòn của  sự biến đổi toàn cầu. Thế nên, các gia đình Kitô giáo đã có những thay đổi để tồn tại với thời đại, và chính những thay đổi này nhiều khi đã làm mất đi giá trị, đặc tính của gia đình đúng nghĩa. Nhiều gia đình Kitô giáo đã biến đổi đến dị dạng khiến Giáo hội không khỏi không quan tâm. Trước những khó khăn này, chúng ta được mời gọi gìn giữ, trân trọng và vun đắp cho các gia đình, với xác tín: Gia đình, chính là nơi Thiên Chúa biểu lộ lòng xót thương.

1. Thiên Chúa đổ đầy lòng thương xót nơi gia đình
    Gia đình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa
Gia đình không chỉ là một định chế xã hội, nhưng trên hết gia đình là một công trình mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Thật vậy, ngay từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã có kế hoạch cho chính gia đình Người vừa tác tạo:
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (Kn 1, 27-28).
Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, bình đẳng trong phẩm giá, với những đặc điểm riêng và bổ túc cho nhau để cả hai đều có thể là quà tặng cho nhau, quý trọng nhau và làm thành một cộng đoàn ngôi vị diễn tả tình yêu và sự sống. Nơi gia đình, con người biểu lộ và sống tình yêu với nhau một cách cụ thể, sống động nhất. Chính tình yêu đó khiến con người trở thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Con người được trở nên hình ảnh của Thiên Chúa là một kế hoạch đầy lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người.
Khi sống cuộc sống hôn nhân, các cặp vợ chồng không trao cho nhau một cái gì hay một hoạt động nào riêng biệt, mà là toàn thể cuộc sống của họ. Và tình yêu của họ sinh hoa kết trái trước tiên và chủ yếu cho chính họ. Bởi vì, họ ao ước và thực hiện điều tốt lành cho nhau, trải nghiệm niềm vui đón nhận và ban tặng. Tình yêu ấy còn sinh hoa kết trái trong việc sinh sản con cái, với lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm, trong sự chăm sóc và giáo dục con cái một cách cẩn trọng và khôn ngoan. Tình yêu ấy cũng đem lại hoa trái cho xã hội bởi vì đời sống gia đình là trường học đầu tiên và không thể thay thế, nơi dạy những đức tính xã hội như sự tôn trọng con người, tình yêu vô vị lợi, sự tin tưởng, tinh thần trách nhiệm, tình liên đới, sự hợp tác. Con người sống hiệp thông với nhau trong cũng gia đình, đó là một cộng đoàn yêu thương, trung thành. Sự hiệp nhất yêu thương như thể biểu lộ sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người. Kế hoạch mà Thiên Chúa đặt để nơi gia đình là một sự hiệp thông trọn vẹn tình liên đới, yêu thương.
Kế hoạch của Thiên Chúa đối với các gia đình trở nên viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Nhờ ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đã cho các đôi hôn nhân dự phần vào tình yêu hôn ước của Ngài, biến họ thành một dấu chỉ tình yêu của Ngài đối với Giáo hội - một tình yêu trung tín và bảo bọc. Một khi đón nhận ân sủng này, làm mới lại lời “đồng ý” hằng ngày bởi lòng tin, nhờ sức mạnh của ân sủng bí tích, thì gia đình sẽ lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa theo mô hình của Thánh Gia Nazaret.
Phải chân nhận rằng, ơn gọi của của những người sống bậc gia đình không phải dễ dàng, nhất là ngày nay, nhưng ơn gọi tình yêu là một điều tuyệt diệu, đó là sức mạnh duy nhất có thể thực sự biến đổi thế giới. Các gia đình đã thấy được chứng tá của rất nhiều gia đình vạch ra những con đường để tăng trưởng trong tình yêu, qua việc duy trì mối tương quan bền chặt với Thiên Chúa và tham gia vào đời sống của Giáo hội, qua việc trau dồi đối thoại, tôn trọng quan điểm của người khác, sẵn sàng phục vụ và kiên nhẫn với những lỗi lầm của người khác, qua việc có thể tha thứ và xin tha thứ, qua việc khôn ngoan và khiêm tốn khắc phục các xung khắc có thể xảy ra, qua việc chấp nhận các nguyên tắc về sự dạy dỗ, và qua sự cởi mở với các gia đình khác, quan tâm tới người nghèo và có trách nhiệm trong xã hội. Đó là tất cả các yếu tố xây dựng gia đình. Khi các gia đình sống những điều ấy một cách can đảm, nhờ ơn Chúa giúp, các gia đình sẽ trở thành một Tin mừng sống động, một Giáo hội tại gia thực sự.
Các gia đình còn tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội, đây cũng là kế hoạch của Thiên Chúa để đưa nhân loại hợp nhất trong Giáo hội và ở trong nước Thiên Chúa. Trước hết, Giáo hội như người mẹ sinh ra, giáo dục và xây dựng các gia đình Kitô hữu. Vì thế, Giáo hội trao cho các gia đình sứ mạng của Giáo hội bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể. Giáo hội trình bày cho các gia đình biết đời sống gia đình là gì và phải trở nên như thế nào theo ý định của Thiên Chúa. Giáo hội làm phong phú và củng cố các gia đình với những ơn của Chúa để thánh hóa các gia đình và tôn vinh Thiên Chúa. Giáo hội làm sinh động và hướng dẫn các gia đình vào việc phục vụ, giúp các gia đình bắt chước và sống tình yêu hiến mình mà Chúa Giêsu đã dành cho con người.
Đến lượt mình, các gia đình cũng hòa hợp, kết nối với nguồn mạch sự sống, kho tàng ân sủng của Thiên Chúa là Giáo hội. Các gia đình tham dự vào sứ mạng cứu rỗi của Giáo hội theo cách riêng mình, đó là biết sắp xếp đời sống của gia đình để mỗi thành viên có thể tham gia vào các hoạt động của Giáo hội một cách thuận tiện, tích cực nhất. Các gia đình nhận được tình yêu của Chúa Giêsu qua Giáo hội thì phải trở nên một cộng đồng cứu rỗi cho người khác. Sự kết hiệp mật thiết, gần gũi của các gia đình với Giáo hội như dấu chỉ nói nên một cộng đồng nước Thiên Chúa đầy yêu thương và hạnh phúc. Thiên Chúa đã đặt kế hoạch đầy lòng thương xót này vào gia đình, ngõ hầu qua nẻo đường gia đình, mỗi người cũng sẽ hân hoan bước vào dự tiệc cưới Hoàng Tử Nước Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa biểu lộ lòng xót thương
   Thiên Chúa ở cùng các gia đình
     Trong bối cảnh các gia đình phải hứng chịu muôn nỗi khó khăn, phải đối phó với nhiều sự thử thách, đã có nhiều người, nhiều gia đình đặt ra câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có nhìn đến gia đình họ không?
Trả lời cho vấn nạn này quả không dễ, bởi vì, Thiên Chúa ở đâu mà gia đình họ luôn gặp phải những khó khăn thử thách, thậm chí dẫn đến đổ vỡ ly tán như vậy!
Thế nhưng, chúng ta có thể trả lời chắc chắn rằng: Thiên Chúa ở cùng gia đình và nơi gia đình Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót của Người.
Nhìn lại toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa chẳng rời xa các gia đình khi nào. Ngay từ gia đình đầu tiên, Sáng thế ký đã mô tả gia đình ông Ađam và bà Evà, sống trong vườn địa đàng của Thiên Chúa, luôn được Thiên Chúa viếng thăm và cùng trò chuyện. Sự thân mật giữa Thiên Chúa và con người gần gũi như những người trong cùng một gia đình vậy. Mối tương quan ấy chỉ mất đi khi các thành viên trong gia đình đầu tiên ấy, là con người phản bội lại lời giao ước. Lỗi lầm đã làm cho mối tương quan thân mật bị méo mó, nghi ngờ và oán trách lẫn nhau, con người không còn dám đối diện với Thiên Chúa nữa. Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ mặc gia đình ấy, mặc dù sửa phạt nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và hứa dành cho dòng dõi gia đình ấy cơ hội để được trở về thân thiết với Thiên Chúa như thuở ban đầu. Thiên Chúa đau lòng trước sự phản bội của con người, nhưng vẫn thương xót khi thấy con người sẽ phải lầm than khổ cực. Thiên Chúa vẫn dành cho con người những ân huệ, những ân sủng và nhất là Thiên Chúa vẫn ở cùng con người.
Kinh thánh Cựu ước còn cho chúng ta biết về Abraham và vai trò của ông trong lịch sử của Thiên Chúa đối với Dân Do Thái. Hình ảnh Abraham không phải là hình ảnh của một hoàng đế hay vua chúa; cũng không phải là hình ảnh của người chỉ huy hay người lãnh đạo, không phải hình ảnh một tư tế hay ngôn sứ. Trước hết, hình ảnh Abraham là hình ảnh của người cha trong gia đình. Hơn thế nữa, Abraham không chỉ là hình ảnh của người cha trong một gia đình đơn lẻ, gia đình cơ bản, mà còn là người cha chung của muôn người.[1]
Điều đáng chúng ta quan tâm là gia đình Do thái trong Cựu ước được hiểu theo nghĩa gia đình mở rộng hơn là gia đình cơ bản, chẳng hạn, Thiên Chúa nói với Môsê rằng “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3,6). Abraham, Isaác, Giacóp không trực tiếp sinh ra Môsê, tuy nhiên, họ là cha của Môsê cũng như cha của toàn thể con cái Israel, cho dù khoảng cách giữa những con người này là hàng trăm năm lịch sử. Như thế, trải qua nhiều thế hệ, Thiên Chúa vẫn luôn ở với gia đình dân tộc Do Thái nói chung, và từng gia đình nói riêng.
Kinh thánh Cựu ước dùng hình ảnh hôn nhân gia đình để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái. Hôn nhân giữa Thiên Chúa và Dân riêng bền vững về phía Thiên Chúa, nhưng lại dễ bị tổn thương về phía Dân. Người chồng yêu thương người vợ diễn tả Thiên Chúa yêu thương Dân Người. Sự trung tín vợ chồng diễn tả sự trung tín của Dân Do Thái đối với Thiên Chúa. Tương tự như vậy, sự bất tín vợ chồng diễn tả sự bất tín của Dân  đối với Thiên Chúa. Trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa sống tinh thần giao ước còn Dân Do Thái sống tinh thần “hợp đồng”. Thiên Chúa đề cao những giá trị vĩnh cửu, Dân Do Thái đề cao những giá trị tạm thời và chạy theo bóng dáng của những gì là vinh hoa thế tục hão huyền. Trong Sách Tiên Tri Giêrêmia, Thiên Chúa nói rằng “người đàn bà thất trung với bạn mình làm sao, thì, hỡi nhà Israel các ngươi cũng thất trung với Ta như vậy” (Gr 3,20). Tuy nhiên, lịch sử Cựu ước cho chúng ta thấy rằng sự bất tín của Dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung không thể phá vỡ chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới thụ tạo. Gia đình nhân loại bị méo mó, băng hoại, tuy nhiên, không bị triệt tiêu, trái lại, được khôi phục nhờ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tình yêu vượt thắng tội lỗi nhân loại.
Tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái trong bối cảnh gia đình đạt tới đỉnh điểm trong biến cố Đức Kitô nhập thể, khi thời gian tới hồi viên mãn. Với biến cố này, Thiên Chúa thiết lập gia đình Người ở trần gian để gia đình Người lớn mạnh và lan rộng khắp nơi. Gia Đình Thiên Chúa đã được tiên báo ngay từ buổi đầu sáng tạo,[2] hiện diện trong lịch sử nhân loại, đặc biệt, lịch sử gia đình Dân Do Thái. Với biến cố Đức Ki-tô, Thiên Chúa mặc khải rằng Người không chỉ là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp và con cháu của họ, mà còn là Thiên Chúa của muôn gia đình, muôn dân, muôn nước. Từ Dân Riêng của Người, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã đến với gia đình nhân loại, qua gia đình Nazaret. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã trở thành Emmanuel, Thiên Chúa trở thành Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Người hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại để thông phần bấp bênh, bất hòa hợp và đau khổ của gia đình nhân loại trong hành trình tiến về Gia Đình Thiên Chúa sung mãn. Đức Giêsu Kitô mặc khải cho nhân loại biết rằng gia đình nhân loại được hình thành, hiện diện và tiếp tục trong dòng lịch sử là nhờ gia đình Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng tỏ cho nhân loại thấy rằng Người là Con Thiên Chúa, Đấng là nguyên ủy và cứu cánh của mọi người cùng toàn thể thế giới thụ tạo. Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn mặc khải về Chúa Thánh Thần. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16) và rằng “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa Cha và từ Đức Giêsu Kitô ở cùng với nhân loại. Như thế, gia đình Chúa Ba Ngôi hiện diện trong trần gian và cũng hiện diện trong mỗi người, mỗi gia đình. Nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại những điều mà với khả năng tự nhiên, nhân loại không thể nhận thức được. Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, Thiên Chúa là một và là cộng đoàn các Ngôi Vị, Thiên Chúa là gia đình
Tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa là tương quan Cha con, tương quan gia đình chứ không là tương quan của những người trong một hội đoàn hay tổ chức văn hóa xã hội nào đó, cũng không phải là tương quan giữa vua chúa với thần dân, cũng không phải tương quan giữa những người lãnh đạo và thuộc cấp của mình. Do đó, khi nói sự yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại cần được hiểu là sự yêu thương được diễn tả qua hình ảnh của người cha hay người mẹ đối với con cái chứ không phải là sự yêu thương theo một hình thức nào khác. Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại cũng vậy, cần được hiểu qua hình ảnh sự tha thứ của người cha hay người mẹ đối với con cái mình trong gia đình, chứ không phải là sự tha thứ nào khác.
         Thiên Chúa hướng dẫn các gia đình           
Thiên Chúa ở trong mỗi gia đình không như là một vị thần để được thờ phượng, cung phụng nhưng Thiên Chúa ở cùng gia đình để hướng dẫn, dạy dỗ.
Thật vậy, ngay từ gia đình đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa đã không ngừng hướng dẫn mỗi người làm việc để xây dựng, vun vén và làm phát triển gia đình ấy. Thiên Chúa đồng hành trong mọi biến cố của gia đình. Chúng ta tìm thấy rất nhiều những giáo huấn của Thiên Chúa về gia đình. Một giới luật được ghi khắc trong giao ước để con cái Israel tuân giữ “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của người ban cho ngươi” (Xh 20,12). Giới luật này được khai triển ra rất nhiều điều cấm và những điều phải thì hành đúng với bổn phận là con cái trong gia đình.  
Trong sách Huấn Ca, Thiên Chúa lấy tâm tình của người cha trong gia đình để giáo huấn con cái. Những tâm tình dạy bảo sự khôn ngoan rất cụ thể và sống động ứng với từng hoàn cảnh và từng vấn đề trong cuộc sống. Qua môi trường gia đình, Thiên Chúa hướng dẫn và đào luyện con người nên tốt lành, thánh thiện, khôn ngoan hơn với bổn phận của từng người:
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.[3]
Trải qua bao thế hệ, bao thời kỳ với bao biến cố của cuộc sống mà dân tộc Israel trải qua, chúng ta vẫn thấy Thiên Chúa luôn đồng hành và hướng dẫn gia đình Israel. Sự hướng dẫn của Thiên Chúa không dừng lại cả khi Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế, ở với con người.
Đức Giêsu không chỉ loan báo về Nước Thiên Chúa trong hội đường, ngoài đường, trên núi, ở bãi biển, mà Đức Giêsu còn giảng dạy cho mọi người mỗi khi có dịp tiếp cận một gia đình nào. 
Thánh Máccô kể lại rằng, khi đám đông đang ngồi chung quanh Đức Giêsu thì có mẹ và anh em của Người đứng ở ngoài báo tin về sự hiện diện của họ, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3,33). Sau đó, Người nói với những người chung quanh rằng “ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35). Mẹ, anh chị em là những người thân cận trong gia đình. Đức Giêsu không phủ nhận Đức Maria là mẹ Ngài, nhưng Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết rằng ngoài gia đình tự nhiên, còn có gia đình siêu nhiên. Trong khi gia đình tự nhiên bị giới hạn bởi không gian, thời gian, huyết tộc và nhiều yếu tố khác nữa, thì gia đình siêu nhiên là gia đình không biên giới, gia đình siêu vượt không gian thời gian, gia đình bao gồm người sống, kẻ chết, người thánh thiện, kẻ bất lương, gia đình mà không một chuẩn mực nào trong thế giới thụ tạo có thể đo lường được. Đức Giêsu cho chúng ta thấy, ngang qua gia đình tự nhiên, chúng ta còn có gia đình siêu nhiên và cần hướng tới gia đình siêu nhiên ấy trong Đức Giêsu, vì ai thì hành ý muốn của Thiên Chúa thì là mẹ và anh chị em của Đức Giêsu. Đức Giêsu hướng dẫn và mời gọi chúng ta nghe lời Thiên Chúa để được là những thành viên thân cận trong gia đình của Ngài. 
Trong sứ mệnh của mình, Đức Giêsu quan tâm đặc biệt tới những nạn nhân của gia đình đổ vỡ, những người bên lề của gia đình chính thống hay những người bị loại bỏ, khinh chê. Đức Giêsu thăm nhà ông Giakêu, ở lại ăn uống với mọi người trong gia đình ông. Ngài quan tâm đến những người đầu đường xó chợ, những người lang thang phiêu bạt, những người nghèo khổ không có nhà đúng nghĩa. Cuộc sống của Đức Giêsu trong thời gian rao giảng cũng là cuộc sống không nhà. Chính Ngài nói rằng “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm cuộc sống không nhà để để dạy cho mọi người ngôi nhà đúng nghĩa nhất, Nhà Thiên Chúa, đồng thời, Ngài dạy các môn đệ của mình xưa kia cũng như tất cả mọi người trong dòng lịch sử biết mở rộng tâm hồn đón nhận gia đình của Ngài.
Thiên Chúa vẫn luôn hướng dẫn gia đình qua những giáo huấn của các Tông đồ và của Giáo Hội. Thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Ephêsô đã có những lời giáo huấn về gia đình rất rõ rệt. Những bổn phận trong gia đình của từng thành viên, chồng, vợ, con cái … được thánh nhân nhắc tới cho thấy sự quan tâm trong công tác mục vụ của ngài. Ngày dạy các bậc làm con rằng: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ vì đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để người được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).
Đối với người vợ, thánh nhân dạy: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là Đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Ep 5, 22-24).
Với người chồng, thánh Tông đồ Dân ngoại nói: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; ... Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5, 25-28).
Như thế, thánh Phaolô đã lấy tương quan giữa Thiên Chúa và Giáo hội như là tương quan phu thê để giáo huấn các gia đình, các cặp vợ chồng, còn con cái thì vâng lời cha mẹ thì sẽ được tưởng thưởng.
Thánh Phaolô còn lấy những mối tương quan trong gia đình để dẫn giải về tương quan giữa Đức Giêsu Kitô và các tín hữu rằng: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Thánh nhân còn diễn tả cách rõ ràng hơn về Gia đình Giáo hội, cộng đoàn được Đức Giêsu Kitô thiết lập rằng: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). Trong bất cứ hoàn cảnh nào Đức Giêsu cũng là người của gia đình, Gia đình Thiên Chúa vĩnh cửu và Gia đình Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại là chính Giáo hội để qua Giáo hội, Người tiếp tục chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho đến tận thế.
Giáo hội, đại diện cho Thiên Chúa không ngừng quan tâm đến đời sống các gia đình. Trong hàng thế kỷ qua, Giáo hội đã có những văn kiện thường xuyên để nhắc nhớ, dạy bảo và định hướng cho đời sống hôn nhân gia đình. Huấn quyền về vấn đề này diễn tả cao nhất nơi Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Mục Vụ ( Gaudium et spesVui mừng và Hy vọng) đã dành hẳn một chương để nói về phẩm giá cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình. Hiến chế đã đặt tình yêu vào tâm điểm của gia đình và cho thấy những vấn nạn muốn loại bỏ tình yêu trong nhiều nền văn hóa ngày nay.[4] Hiến chế cũng nhấn mạnh đến việc đời sống hôn nhân và gia đình phải bám rễ vào Chúa Giêsu để được Chúa Giêsu thông ban Thần Khí của Người để các thành viên trong gia đình sống thấm đẫm tình yêu trong đời sống đức tin, đức cậy và đức mến.
Không chỉ là Công đồng nhắc nhở, hướng dẫn các gia đình mà các Đức Giáo Hoàng cũng thường xuyên có những giáo huấn và những hoạt động mục vụ chăm sóc đời sống gia đình: Đức Phaolô VI với Thông điệp Sự Sống Con Người, trình bày mối liên kết thâm sâu giữa tình yêu vợ chồng với truyền sinh; Đức Gioan Phaolô II, với Tông huấn Các bổn phận gia đình và Thư gửi các gia đình đã gọi  gia đình là “con đường của Giáo Hội”; Đức Benedicto XVI trong thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu đã nói đến chủ đề sự thật của tình yêu giữa một người nam và một người nữ chỉ có thể được hiểu đầy đủ dưới ánh sáng của tình yêu của Chúa Giêsu chịu đóng đinh; Đức Phanxicô thì có một sự quan tâm đặc biệt tới đời sống hôn nhân và gia đình. Ngài liên tục có những hoạt động mục vụ, cũng như triệu tập Thượng hội đồng bàn về hôn nhân và gia đình. Ngài cho ra đời những văn kiện như: Thông điệp Ánh sáng của Đức tin, nói tới liên hệ giữa gia đình và đức tin; Thông điệp Niềm hoan lạc của tình yêu để nói lên những phẩm giá, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của đời sống hôn nhân và gia đình trong bối cảnh xã hội toàn cầu đang có những biến đổi làm ảnh hưởng lớn đến các gia đình Kitô hữu.
Sự quan tâm của Giáo hội cũng là sự quan tâm của Thiên Chúa tới các gia đình. Bởi vì Thiên Chúa đã trao ban sứ vụ coi sóc “đàn chiên” của Người cho Giáo hội. Thiên Chúa không chỉ ở cùng với các gia đình, mà Thiên Chúa luôn hướng dẫn, chỉ bảo các gia đình trong mỗi hoàn cảnh của xã hội.  Với những giáo huấn của Giáo hội, các gia đình được tiếp thêm sức mạnh để đứng vứng trước những thách đố của cuộc sống và những biến đổi của xã hội.
  3. Trong gia đình, con người đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa
       Nhận được những những ân sủng của Thiên Chúa, những giáo huấn của Giáo hội, các gia đình không thụ động trông chờ những phép lạ xảy ra để biến đổi tình trạng gia đình mình. Bằng mọi hình thức và phương tiện, các gia đình Kitô hữu đã cố gắng sống chứng tá cho đức tin, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, những cản trở của cuộc sống và xã hội. Sự cố gắng ấy như một lời đáp từ thân thương của các gia đình với lòng thương xót của Chúa.
Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người và Thiên Chúa đã trung thành với lời giao ước ấy, nên Thiên Chúa cũng muốn các đôi vợ chồng trung thành với lời giao ước mà họ trao cho nhau trước sự chứng kiến của Giáo hội- đại diện cho Thiên Chúa. Các cặp vợ chồng trong các gia đình trung thành với lời giao ước ấy cho đến khi sự chết chìa lìa, như một sự trung thành với giáo huấn của Thiên Chúa, điều đó rất đẹp lòng Thiên Chúa.
Thiên Chúa mời gọi các gia đình sống yêu thương, thành cộng đoàn tín hữu gắn bó nhau như Thiên Chúa với Giáo hội. Điều này biết bao các gia đình đã thực hiện, đã vượt qua những sóng gió của đời sống để găn bó với nhau, xây dựng một cộng đoàn đức tin vững chắc từ việc chăm lo thờ phượng, dạy bảo và truyền bá đức tin cho con cái, là gương sáng trong đời sống đức tin và loan báo đức tin cho những gia đình khác. Gia đình trở nên một cộng đoàn truyền bá Nước Thiên Chúa, góp phần vào sứ mạng của Giáo hội một cách rất hiệu quả.
Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, luôn quan tâm và mời gọi các gia đình sống theo ý định của Người, sẽ đón nhận những hy sinh mà các gia đình dâng lên. Các gia đình đã và đang dâng lên Thiên Chúa những hoa quả tốt đẹp là sự hy sinh đón nhận nhau. Mỗi thành viên trong gia đình biết lắng nghe, sửa đổi chính mình để làm hòa thuận với các thành viên khác. Điều đó tạo nên một gia đình hiệp nhất và yêu thương. Các gia đình đang biểu lộ, và làm chứng cho lòng thương xót của Chúa. thật vậy, nhìn vào mỗi gia đình, chúng ta sẽ thấy sự đón nhận nhau một cách vô vị lợi. Nhiều gia đình dù con cái hay một người nào đó lỗi lầm thì gia đình vẫn là nơi nương náu tốt nhất, vẫn là nơi đón nhận họ hơn bao giờ hết. Trong sự yêu thương và tôn trọng, gia đình trở thành cộng đồng các ngôi vị. Sự hiệp thông bất khả phân ly của người chồng và người vợ cũng như sự tôn trọng phẩm giá của nhau được biểu lộ trọng vẹn trong gia đình.
Gia đình đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc phục vụ cho sự sống, bảo vệ sự sống. Mỗi thành viên trong gia đình không chỉ lao động để tạo nên của cải, vật chất để duy trì sự sống mà họ con tham dự vào việc truyền sinh. Trước hết là người vợ, người chồng kết hợp với nhau để sinh sản con cái, điều này như một sự cộng tác, tham gia vào việc sáng tạo của Thiên Chúa. Kế đó là việc nuôi sống, dạy bảo con cái, người bố, người mẹ trao cho con cái sự sống của mình, như việc Thiên Chúa chăm sóc, nuôi dường con người. Tiếp theo, những người con khi đến tuổi trưởng thành cũng sẽ tạo lập những gia đình mới và tiếp tục tham dự vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Cuối cùng, sự chăm sóc lẫn nhau trong tình yêu thương để tạo lập một đời sống gia đình hạnh phúc, như việc tạo dựng một Thiên đàng tràn đày sự sống.
       Các gia đình tham dự vào việc phát triển xã hội cũng là một sự đáp trả lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Các gia đình là tế bào của xã hội và xã hội rất cần các gia đình phát triển và lành mạnh để tạo nên một xã hội ổn định và phát triển. Thiên Chúa tạo dựng con người không chỉ để mỗi người sống riêng biệt mà đặt để con người vào những cộng đồng, có tương quan xã hội với nhau.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cổ võ các gia đình tham gia vào những hoạt động của xã hội như sau:
Sự đóng góp vào xã hội của các gia đình có cái độc đáo riêng mà càng ngày người ta càng thấy rõ và càng phải tích cực cổ võ nhiều hơn, nhất là khi con cái bắt đầu lớn dần, để làm cho tất cả mọi thành phần trong gia đình đều tham gia hết sức có thể.[5]
Ngài còn nhấn mạnh:
Tương quan chặt chẽ giữa gia đình và xã hội một đàng đòi hỏi gia đình phải mở rộng và tham gia vào xã hội cũng như tham gia vào việc phát triển xã hội, đàng khác lại đòi xã hội không được thiếu xót trong bổn phận nền tảng của nó là tôn trọng và thăng chính của gia đình.[6]
       Các gia đình đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ bằng đời sống cầu nguyện mà còn bằng những việc làm cụ thể, đầy sự trung thành, hi sinh và dấn thân. Chính vì thế, biết bao những hoa trái tốt đẹp được triển nở trong Giáo hội làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Kết luận       
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự có trật tự và tốt đẹp không chỉ là việc biểu dương quyền năng của Thiên Chúa, nhưng còn là sự thông ban lòng thương xót của Người. Các gia đình được Thiên Chúa thiết lập cũng rất trật tự và tốt đẹp và gia đình được Thiên Chúa trao cho nhiều sứ vụ để tiếp nối những công việc của Người. Vì thế, Thiên Chúa luôn ở cùng các gia đình để hướng dẫn dạy dỗ và đồng hành trong mọi vấn đề của họ. Các gia đình dù ở những hoàn cảnh nào, ở niềm tin tôn giáo nào thì vẫn cứ là trường học đầu tiên cho con người, là nơi đem lại những niềm an vui đích thực, là nơi biểu lộ lòng thương xót nhiều nhất. Gia đình không chỉ là kho tàng chứa đựng lòng thương xót mà còn là nơi diễn tả, thực hiện. Kho tàng lòng thương xót đó luôn được Thiên Chúa đổ đầy để mỗi thành viên đón nhận được mà cũng trở nên những thợ gieo lòng thương xót cho người khác.



[1] St 12,3
[2] St 3,15
[3] Hc 3, 3-7. 14-17a.
[4] CĐ Vat II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 48.
[5] ĐTC Gioan Phaolô II, TH “Về những bổn phận gia đình Kitô hữu, số 44.
[6] Ibid, số 45.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn