Những vấn nạn trong đời sống hôn nhân & gia đình Công giáo Việt Nam hiện nay


Các vấn đề nan giải, các vướng mắc và các bế tắc 
trong đời sống hôn nhân nói chung
và trong đời sống hôn nhân Công giáo nói riêng, rất đa dạng:
từ các khó khăn về kinh tế, cho đến sự khác biệt về tính tình,
văn hóa, quan điểm sống, tôn giáo, xã hội,
khuynh hướng chính trị...
Nhóm nghiên cứu[1]

Dẫn Nhập
Hôn nhân và gia đình gắn liền với chiều dài của cả lịch sử nhân loại, từ lúc tạo thành cho đến tận thế.[2] Những câu chuyện về gia đình xuất hiện rất nhiều trong Cựu ước. Đến thời Tân ước, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong khung cảnh mái ấm gia đình Nazarét, khiêm tốn vâng lời thánh Giuse và Đức Maria. Khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình: dấu lạ đầu tiên Người thực hiện là tại tiệc cưới Cana để giúp đôi tân hôn vượt qua khó khăn;[3] Người chia sẻ tình bạn với gia đình ông Lazarô;[4] đến thăm gia đình ông Phêrô;[5] chia sẻ nỗi niềm với các gia đình đang chịu thử thách.[6] Tất cả đều nói lên vẻ đẹp và tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình trong chương trình của Thiên Chúa.
Thế nhưng, chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường; rồi còn là hôn nhân đồng tính, làm mẹ đơn thân ... Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng đáng buồn trên? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và thử thách, làm mới lại vẻ đẹp của hôn nhân và gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa?
Trong bài viết này, nhóm nghiên cứu xin trình bày một số vấn nạn nhức nhối đang diễn ra nơi đời sống hôn nhân và gia đình trong xã hội Việt Nam, cách đặc biệt nơi các gia đình Công giáo. Chúng tôi thử nêu lên những nguyên nhân và hậu quả của từng vấn nạn, từ đó mong có phương thế mục vụ thích hợp cho các gia đình đang rơi vào những tình trạng đau buồn này.
I. Những vấn nạn cần quan tâm
  
trong đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay
Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề căn bản đang phá hủy đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay.
1. Những chính sách bất cập
Trong bất kỳ thời kỳ nào của lịch sử, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những người có ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội và Giáo hội. Nhân cách con người không chỉ chịu ảnh hưởng từ sự giáo dục trong gia đình, nhưng còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những chính sách chung của xã hội. Hiện nay, nhiều chính sách bất cập trong xã hội đã gây ảnh hưởng đến đức tin cũng như sự bền vững trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Cụ thể, những chính sách và luật pháp thiếu sự tôn trọng phẩm giá và lương tâm cá nhân như cho phép ly dị; hạn chế sinh sản, sàng lọc phôi thai; chấp nhận hôn nhân đồng tính; chính sách giáo dục theo xã hội chủ nghĩa không có trường Công giáo... Những chính sách này đã tác động mạnh mẽ lên não trạng và lối sống của con người trong các gia đình. Não trạng hưởng thụ khiến con người ham kiếm tiền, đề cao cá nhân chủ nghĩa, không quan tâm đến công ích, tham nhũng; đạo đức suy đồi dẫn đến lối sống giả dối, bất công, vô cảm, bạo lực, coi thường giá trị đạo đức như hiếu thảo, lễ phép, chung thủy...; Gia đình không được bảo vệ, nâng đỡ để có một cuộc sống ổn định, an bình, bảo vệ hạnh phúc vợ chồng, giáo dục con cái, đào luyện công dân tốt cho xã hội, phát huy truyền thống tốt của gia đình Việt Nam. Giới trẻ hội nhập nền văn hóa  toàn cầu hóa, chạy theo thời trang, âm nhạc, lối sống tiện nghi và hưởng thụ, mất khả năng suy tư cá nhân, biện phân giá trị, xác định chuẩn mực đạo đức và định hướng lý tưởng… Nhiều người bị lôi kéo vào lối sống ăn chơi phù phiếm và phạm pháp.
Các gia đình Công giáo còn bị ảnh hưởng về đức tin và đời sống luân lý: Những việc thực hành trong đời sống Kitô hữu không được chú trọng dẫn đến đời sống đức tin giảm sút, dễ mê tín dị đoan. Cuộc sống gia đình và tương quan giữa các thành viên bị giảm thiểu, kéo theo sự giảm sút việc cầu nguyện trong gia đình. Cha mẹ ít quan tâm hay không đủ khả năng trong việc giáo dục và truyền đạt đức tin cho con cái.
2. Biến động kinh tế và tình trạng di dân
Không thể phủ nhận tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm của các mối quan hệ. Tình hình sẽ rất tồi tệ khi kinh tế khó khăn. Cả trong khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc sống hôn nhân thì hầu hết các cặp vợ chồng cũng đều có lúc phải đối diện với những mâu thuẫn về tiền bạc. Việc giải quyết các chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày, kế hoạch cho chuyện nhà cửa, xe cộ… luôn khiến mối quan hệ vợ chồng căng thẳng.
Trong những năm qua, khi đất nước chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, đời sống kinh tế phát triển nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng gia tăng rất nhanh và rất lớn. Có những người quá nghèo, không công ăn việc làm, không nhà ở, nên cũng không dám kết hôn. Gắn với kinh tế thị trường là tình trạng di dân đã trở thành phổ biến tại Việt Nam, gây tác động lớn trên đời sống gia đình, nhất là những tác động tiêu cực.
Vì hoàn cảnh, chồng phải đi làm xa, để vợ và các con ở lại quê nhà; hoặc hai vợ chồng đi làm xa, để các con lại cho ông bà chăm sóc; hoặc cả gia đình đưa nhau lên thành phố, sống trong những khu lao động chật chội. Tất cả đều gây tác động cụ thể trên đời sống vợ chồng cũng như việc giáo dục con cái.
Do tình trạng nhập cư vào các đô thị, nên nhiều khu nhà trọ chật hẹp, các khu nhà ổ chuột đua nhau mọc lên. Tại những nơi này thường thiếu các điều kiện sống, cả vật chất lẫn tinh thần. Không gian dành cho gia đình quá chật hẹp, thiếu vệ sinh, nam nữ sống chung chạ ... Nơi môi trường không lành mạnh, các gia đình dễ có nguy cơ đổ vỡ. Mặt khác, khi bỏ làng quê lên thành phố, họ dã bị ảnh hưởng rất nhiều về tinh thần: tình yêu và sự gắn bó với gia đình. Cha mẹ xa con, nên việc giáo dục trong gia đình không còn được lưu tâm đúng mức; người trẻ sống lưu trú, lao động cực lực để mưu sinh. Do mãnh lực của đồng tiền, họ dễ bị rơi vào các tệ nạn xã hội: ma túy, mãi dâm, trộm cướp...
3. Việc sống thử trước hôn nhân
Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: Những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp, họ sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật. Người ta gọi đó là “sống thử”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sống thử: nguyên nhân từ gia đình, xã hội và cá nhân.
- Nguyên nhân từ gia đình: do cha mẹ sống không hạnh phúc, cha mẹ không quan tâm đến đời sống và tình cảm của con mình, nhất là lúc các em đang tuổi cặp kè yêu đương, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ.
- Nguyên nhân từ xã hội: do ảnh hưởng văn hóa Phương Tây tràn vào, nên tình trạng quan hệ tình dục và “sống thử” trước hôn nhân ở giới trẻ đang ở mức báo động. Các bạn trẻ cũng được cung cấp và hướng dẫn sử dụng các phương tiện ngừa thai, thậm chí nếu lỡ có thai thì dễ dàng đến các trung tâm nạo phá thai để phá bỏ thai nhi.
- Nguyên nhân từ bản thân: do sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu vật chất. Hơn nữa, nhiều bạn đã tự nguyện sống thử, đặc biệt là các bạn sinh viên và công nhân. Các bạn thích một cuộc sống hưởng thụ, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của Giáo hội. Các bạn trẻ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn, tò mò, thích khám phá những điều mới mẻ.
Và như thế, hậu quả là gì? Mặc dù việc “sống thử” giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt, thỏa mãn nhu cầu tình dục, nhưng không thể bù đắp những tổn thất do nó gây ra: làm cho con người tự do phóng túng, tình cảm và tình yêu bị chai sạn, không tôn trọng giá trị cao quý của gia đình. Việc sống thử cũng không bảo đảm hạnh phúc lâu dài, tính đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân, nên dễ tan vỡ và phụ nữ thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề: phá thai, sức khỏe,... Ngoài ra một hậu quả tai hại của việc sống thử là những đứa trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất và thiếu sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của cha mẹ.

4. Nạn phá thai
Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động, tỉ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên vẫn không ngừng gia tăng. Mỗi năm tại Việt Nam trung bình có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, tỉ lệ nạo phá thai cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và được xếp thứ 5 trên thế giới. Điều đáng buồn nhất là tỉ lệ nạo phá thai lại rơi chủ yếu vào lứa tuổi vị thành niên.[7]
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai, có thể kể ra ba nguyên nhân chính sau đây:
- Nguyên nhân bản thân: do thiếu hiểu biết về kiến thức giới tính nên các bạn nữ tự đi tìm hiểu ở bạn bè của mình hay tìm trên mạng những thước phim không lành mạnh. Đồng thời, nhiều bạn đã không làm chủ được mình khi yêu nhau dẫn đến có thai. Hơn nữa, nhiều bạn đã tự nguyện sống thử trước hôn nhân. Các bạn thích một cuộc sống hưởng thụ, phóng đãng, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Rất nhiều bạn không những xem thường Giáo luật và luật pháp mà còn tự hạ thấp nhân phẩm của mình, không coi trọng gia đình, cho dù biết hành động mình đang làm là sai trái với chuẩn mực cuộc sống nhưng vẫn cố tình bước vào. Một số bạn trẻ yêu nhau đến khi có thai, người yêu cao chạy xa bay, để lại hậu quả cho đối phương một bào thai, cuối cùng người con gái đành phải đi nạo phá thai.
- Nguyên nhân từ gia đình: ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế, khoa học, cha mẹ mải mê kiếm tiền nên ít có thời gian để chăm sóc con cái. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn. Hơn nữa, cha mẹ ngại chia sẻ kiến thức giới tính cho con cái.
- Nguyên nhân từ xã hội: với định hướng giáo dục sai lầm trong xã hội về nguồn gốc loài người, so sánh sự hình thành của thai nhi trong các giai đoạn với các động vật khác, đã dẫn đến những tư duy không lành mạnh, xem thai nhi trong giai đoạn hình thành và phát triển không phải là con người. Hay các chương trình giảm sinh, kế hoạch hoá, tuyên truyền triệt sản, thậm chí doạ dẫm sa thải, đuổi việc, cách chức ... đã làm cho một số lớn cá nhân sẩy chân vào tệ nạn đã chọn giải pháp nạo phá thai cho an toàn. Hơn nữa, do những điều kiện thực tại như sống xa nhà, không có sự quản lý của gia đình, thêm vào đó là đồng lương quá thấp, môi trường sống nghèo nàn thiếu các loại hình giải trí lành mạnh... Cũng không loại trừ nguyên nhân trực tiếp là do lối sống buông thả hiện nay của một phần không nhỏ trong giới trẻ chúng ta.
Và rồi, việc nạo phá thai để lại hậu quả khôn lường không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về lương tâm, luân lý.
- Hậu quả về sức khỏe: nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ. Chẳng hạn như: vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng, biến chứng sau một thời gian. Đây là hậu quả nặng nề nhất mà bạn gái trẻ phải gánh chịu vì sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản.
- Hậu quả về tâm lý: việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm. Sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, lo lắng, có trường hợp còn mất ăn mất ngủ một thời gian rất lâu, dẫn đến tâm lý không được ổn định. Bên cạnh đó, nạo phá thai không những làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình mà còn làm cho họ rất mặc cảm đến những vết thương mà mình đã gây ra.
- Hậu quả về lương tâm, luân lý: có người nói: ngày nay dường như lương tâm con người không có “răng”, họ không còn sợ một điều gì, ngay cả bỏ đi giọt máu của mình! Nhưng không đơn giản như thế, rất nhiều người đã đau đớn, hối hận sau khi nạo phá thai và mặc cảm tội lỗi đeo đuổi các bạn suốt quãng đời còn lại: họ mang mặc cảm như là đã mang tội sát nhân.
5. Tình trạng bạo hành gia đình
Tình trạng bạo lực gia đình diễn ra trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là thời phong kiến, và ngày nay, tình trạng này vẫn còn đang tiếp diễn. Bạo lực gia đình đang là vấn đề xã hội nhức nhối, nó không còn là vấn đề riêng của từng gia đình mà thực sự trở thành vấn đề xã hội, gây tâm lý căng thẳng bất an cho các thành viên trong gia đình, tác động xấu đến môi trường giáo dục con cái, gây mất trật tự an ninh xã hội, thậm chí dẫn đến tội phạm. Bạo lực gia đình làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai; là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình Việt Nam.
Sau đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến bạo lực trong gia đình:
- Do nhận thức: xã hội chúng ta vẫn tồn tại những quan niệm về định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, cho rằng nam giới có quyền lực và có quyền “dạy” vợ. Cộng đồng và xã hội vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của gia đình mà không can thiệp kịp thời, chưa tạo ra dư luận rộng rãi.
- Do các tệ nạn xã hội: nghiện rượu, cờ bạc, ma túy được coi là những nguyên nhân cơ bản. Khi sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy, nam giới có nguy cơ giải quyết những khó khăn bằng hành vi bạo lực mà trước hết là bạo lực với các thành viên gia đình. Các tệ nạn như mại dâm và ngoại tình cũng làm cho nam giới có thể lạnh nhạt, bỏ mặc, thậm chí đánh đập vợ, con.
- Do kinh tế: những cặp vợ chồng phải bươn chải vất vả để kiếm sống thường có nhiều sự căng thẳng tinh thần hơn dẫn đến việc nam giới thường sử dụng sức mạnh của mình để gây ra bạo lực với vợ. Đối với một số nam giới, việc thiếu việc làm và nghèo đói làm cho nam giới cảm thấy tự ti khi không làm đúng vai trò được xã hội xác định là người trụ cột trong gia đình cũng dễ dẫn đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bạo lực gia đình cũng xẩy ra ở các trong các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, vợ chồng có trình độ học vấn cao, công việc ổn định.
Đừng quên rằng bạo lực gia đình gây ra cho các nạn nhân, gia đình và xã hội những hậu quả rất lớn.
Đối với nạn nhân bị bạo hành : sức khỏe bị hủy hoại, thương tích đau đớn, có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong. Tinh thần luôn ám ảnh bị bạo lực; chán nản, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, hoang mang, trầm cảm; cảm thấy cuộc sống nặng nề, căng thẳng và tuyệt vọng.
Đối với gia đình: phá hỏng mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - cháu chắt, cảm thấy cô đơn ngay trong gia đình dẫn đến ly thân, ly hôn. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng với nạn nhân.
Với trẻ trong độ tuổi trước vị thành niên: thiếu tập trung và không có khả năng chơi tích cực; vụng về, lóng ngóng và hay gây rối; tránh va chạm và dễ chiều theo ý người khác; mất hứng thú với các hoạt động xã hội và giảm năng lực xã hội; lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn cùng lứa tuổi.
Với trẻ vị thành niên: học kém, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thiếu tin tưởng vào người lớn; bỏ đi khỏi nhà; có thể có các hành vi bạo lực như người lớn; chán nản và có ý nghĩ tự tử; thậm chí tự tử.
Đối với xã hội: giảm sự đóng góp đối với xã hội của nạn nhân và người gây bạo lực gia đình, vì bạo hành có thể tạo ra lực lượng lao động tương lai có sức khỏe thể chất và tinh thần yếu, thiếu sáng tạo. Nếu không xử lý triệt để, xã hội sẽ chấp nhận và dung túng cho bạo lực gia đình.
6. Tình trạng ly thân, ly dị
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng:
Ly dị là một điều xấu và số lượng các vụ ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với gia đình là phải củng cố tình yêu của đôi bạn, giúp họ chữa lành những vết thương, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng ta.[8]
Tại Việt Nam, trong quá khứ, các cuộc hôn nhân thường do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vì lợi ích gia đình và dòng họ hơn là sự tự do chọn lựa của đôi hôn nhân. Do “văn hóa làng xã”, mọi người rất coi trọng thanh danh cá nhân cũng như gia đình. Mọi người trong làng đều quan tâm đến nhau. Vì vậy, gia đình nào đầm ấm, thuận hòa, cha mẹ phúc hậu, con cái thành danh thì gia đình ấy được người trong làng tôn trọng, lấy đó làm gương mẫu; ngược lại, gia đình nào có con cái hư hỏng, chia rẽ... thì sẽ mang tai tiếng cho cả dòng họ. Có lẽ cũng nhờ đó mà hôn nhân gia đình ít tan vỡ, người trong gia đình dễ nhường nhịn nhau hơn.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, nam nữ tự do tìm đến với nhau, họ kết hôn vì tình yêu của họ hơn là vì lợi ích của người khác. Thế nhưng sự chung thủy và bền vững trong gia đình ngày nay lại kém hơn ngày xưa rất nhiều.
Xã hội thời hiện đại tạo ra rất nhiều điều thuận lợi cho cuộc sống của con người, nhưng nó cũng gây nên biết bao những thách đố khiến gia đình bị rạn nứt và đổ vỡ trong các mối tương quan. Người ta có thể nhận ra được điều này qua các con số thống kê. Thật vậy, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng chóng mặt. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ, thì đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ. Trong số những trường hợp ly hôn này, người ta nhận thấy rằng số năm sống trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng ngày một giảm. Nếu như ở các thành phố lớn số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm, thì ở ở các khu vực nội thành của các thành phố lớn chỉ 8 năm. Hệ quả của các cuộc ly hôn là số trẻ em bị bỏ rơi cũng tăng, riêng ở Tp. HCM, các số liệu thống kê xã hội học cho thấy mỗi năm có hơn 50.000 trẻ em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm cũng tăng lên không ngừng.[9] Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và hậu quả của nó như thế nào?
Trong các nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì trước tiên phải nói đến tình trạng bạo lực gia đình, như đã được trình bày ở phần trên.
Nguyên nhân kế tiếp là do ngoại tình: trong xã hội ngày nay, các mối quan hệ không lành mạnh lan tràn, sinh hoạt tự do bừa bãi, thì tình trạng ngoại tình có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân nội tại có thể dẫn tới hành vi ngoại tình là sự tẻ lạnh, rạn nứt trong tương quan vợ chồng. Sau một thời gian chung sống với nhau, cảm nghiệm và tận hưởng những mới mẻ của đời sống hôn nhân không còn nữa, hai người phải đối đầu với thực tế đơn điệu lặp đi lặp lại mỗi ngày, thêm vào đó là những khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh này, nếu họ “dè xẻn” những cử chỉ dịu ngọt dành cho nhau, thiếu an ủi, chia sẻ hiệp thông với nhau thì tương quan vợ chồng có thể rơi vào khủng hoảng. Một số nhà chuyên môn cho rằng, cơn khủng hoảng này có thể kéo theo hậu quả tiêu cực: những cuộc phiêu lưu tình cảm, thường xảy ra ở lứa tuổi trung niên (40 - 50). Từ đó, gia đình có nguy cơ tan vỡ.
Nguyên nhân tiếp theo là do kết hôn vội vàng: do chưa tìm hiểu kỹ người phối ngẫu, sau khi thành vợ chồng, họ mới nhận ra giữa họ không có sự hòa hợp về tình cảm, cá tính, sở thích, quan niệm sống, niềm tin tôn giáo, không có sự hòa hợp về tình dục... Hơn nữa, càng ngày họ càng khám phá ra những khuyết điểm của nhau hơn. Nếu không đủ cảm thông, yêu thương gắn kết thì tình trạng khó chịu, bất mãn giữa hai người ngày càng gia tăng. Khi thấy không còn hạnh phúc thì họ chấp nhận ly hôn để giải thoát cho nhau.
Một nguyên nhân quan trọng khác cũng góp phần làm cho gia đình ngày nay dễ tan vỡ là đề cao tự do cá nhân. Trong cuộc sống hôn nhân, ai cũng mong muốn có được một mối quan hệ hài hòa và gia đình thật hạnh phúc. Tuy nhiên trong cuộc sống của gia đình có thể xảy ra những mâu thuẫn nhỏ hay có thể có những dấu hiệu ích kỷ trong hôn nhân như muốn mọi sự phải theo ý mình, không tôn trọng ý kiến người khác... cũng có thể khiến hạnh phúc của gia đình tan vỡ. Theo các chuyên viên tư vấn về gia đình, trái với hầu hết trường hợp tự do mang ý nghĩa tích cực, trong hôn nhân, nếu hiểu sai hoặc áp dụng sai, tự do không phải bao giờ cũng đồng hành với hạnh phúc. Nhiều người cho rằng tình trạng ly hôn đáng báo động ở các gia đình trẻ như hiện nay có phần do quan niệm sai về hai chữ tự do. Nhưng suy cho cùng, nguyên nhân chính vẫn là cách sống, cách nghĩ ở mỗi người. Nếu không tự đặt ra những giới hạn cho mình, thay vì đem lại sự thoải mái trong cuộc sống chung, tự do chẳng khác nào đặt con thuyền hôn nhân bên bờ vực thẳm tan vỡ.
Ly hôn thường để lại những hậu quả không mong muốn nơi gia đình và xã hội. Ngoài ảnh hưởng về khía cạnh kinh tế, ly hôn gây ra cú sốc nặng nề về mặt tâm sinh lý cho các thành viên trong gia đình.
- Đối với vợ chồng: những người rơi vào hoàn cảnh này không tránh khỏi buồn chán, căng thẳng, dễ phát sinh giận dữ, bệnh tật, trầm cảm, dễ dẫn đến tự sát, nhất là ở nữ giới.
- Đối với con cái: những trẻ em có cha mẹ ly hôn không được dưỡng dục trong bầu khí yêu thương của gia đình, thường bị khủng hoảng tinh thần, mang tâm lý nặng nề, dẫn đến rối loạn tâm sinh lý như có nhiều xúc động, đa sầu, đa cảm, cư xử thô bạo, học hành sa sút, dễ buông theo các tệ nạn xã hội.
- Đối với xã hội: gia đình là tế bào nền tảng của xã hội, là chiếc nôi sự sống và tình yêu, nơi đó con người được sinh ra và lớn lên. Khi các tế bào nền tảng tan vỡ thì cả thân thể xã hội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Con người lớn lên trong chiếc nôi thiếu vắng tình yêu khó có thể có nhân cách trưởng thành, từ đó gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sự an sinh xã hội.
II. Vài phương thế
     giúp bảo vệ hạnh phúc hôn nhân và gia đình
1. Giáo dục đức tin
Gia đình là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Do đó việc lập bàn thờ và cầu nguyện chung trong gia đình là điều rất quan trọng với gia đình Công giáo. Những giờ cầu nguyện chung liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời.
Gia đình còn là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót, nên gia đình phải là nơi đón nhận và trân trọng sự sống. Tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng đến việc sinh sản. Con cái không phải là điều gì đó được thêm vào cách ngẫu nhiên, nhưng phát xuất từ chính tâm điểm của tình yêu, là hoa trái và sự phong phú của tình yêu. Chính vì thế, gia đình được coi là cung thánh của sự sống. Vì giá trị tối thượng của sự sống và vì quyền sống của con người ngay từ giây phút khởi đầu, không ai và không điều gì có thể biện minh cho việc tước đoạt sự sống của các thai nhi.
Trong mái ấm của tình yêu và lòng thương xót, không thể không nói đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Không ai trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con.
2. Giáo dục nhân bản và đạo đức
Gia đình cũng là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản. Ngày nay, nói đến giáo dục, người ta thường chỉ nghĩ đến giáo dục tại học đường mà quên rằng giáo dục là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất, cũng là quyền ưu tiên của gia đình, nhất là về mặt nhân bản, đạo đức và đức tin tôn giáo.
 Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy những giá trị nhân bản. Những năm tuổi thơ trong gia đình sẽ hình thành những khuynh hướng căn bản, ăn rễ sâu và kéo dài trong suốt cuộc đời còn lại. Gia đình cũng là nơi trẻ thơ tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha nhân; nhờ đó, khi bước vào đời sống xã hội, các em sẽ sống tử tế và hòa hợp với mọi người, thay cho lối sống ích kỷ và chỉ tìm cách thống trị người khác.
 Song hành với giáo dục nhân bản là giáo dục đạo đức. Trong bối cảnh xã hội được coi là xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, chúng ta càng phải quan tâm hơn đến lãnh vực này. Chính các bậc cha mẹ phải tập cho con những thói quen tốt, hình thành những nguyên tắc và luật lệ trong đời sống, học cách sử dụng tự do cách khôn ngoan và đúng đắn. Để được như thế, cha mẹ cần tạo được sự tin tưởng của con cái và cách giáo dục tốt nhất chính là cách sống và gương sáng hằng ngày của cha mẹ.[10]
3. Giải quyết việc làm cho người lao động
Đối với tất cả các quốc gia, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thì vấn đề việc làm luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Việc làm không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là yếu tố quan trọng để đảm bảo cuộc sống và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Việt Nam là một đất nước có khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn, lao động ở nông thôn cũng chiếm gần 70% lực lượng lao động của cả nước. Mặc dù trong những năm qua, xu hướng đô thị hóa đang gia tăng, nhưng vẫn còn hơn 50% lực lượng lao động vẫn tập trung ở nông thôn. Lao động nông thôn nước ta chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với năng suất lao động thấp, phương thức sản xuất còn nhiều lạc hậu, hiệu quả sản xuất không cao.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh ở các đô thị có ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực với vấn đề việc làm. Di dân góp phần cung cấp lao động kỹ thuật cho các khu công nghiệp, hình thành các khu đô thị mới. Song, mức tăng dân cư nhanh thực sự đã gây sức ép lớn với vấn đề việc làm.
Vì thế, cần phải tạo thêm nhiều việc làm, đi đôi với nâng cao chất lượng việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển các ngành nghề, thu hút nhiều lao động. Coi trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và các làng nghề nhằm thu hút nhiều lao động tại chỗ. Tăng cường xuất khẩu lao động. Phát triển hệ thống dạy nghề phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Gắn dạy nghề với sử dụng lao động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành nghề, các khu công nghiệp, các khu chế xuất, khu kinh tế, và cho xuất khẩu lao động. Phát triển thị trường lao động. Khuyến khích mọi người làm giàu, người có tài năng, đồng thời hỗ trợ người còn khó khăn. Nhà nước đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng của thị trường lao động trong, ngoài nước như: dạy nghề, thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm...[11]
Kết Luận
“Kinh Thánh mở đầu với việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Người, và kết thúc với viễn ảnh về ‘đám cưới Con Chiên’”.[12] Đối với người Kitô hữu, hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, nhưng trước hết và trên hết là của chính Thiên Chúa, vì chính Ngài đã tác tạo hôn nhân.[13] Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu hôn nhân để nó được trở nên sung mãn và thể hiện trong việc bảo tồn công trình sáng tạo: “Thiên Chúa chúc phúc cho họ, Người phán: hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất”.[14] Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tội lỗi, dọc dài lịch sử nhân loại và ngay trong cuộc sống hôm nay, chúng ta thường xuyên chứng kiến nhiều vấn nạn trong đời sống hôn nhân và gia đình. 
Các vấn đề nan giải, các vướng mắc và các bế tắc trong đời sống hôn nhân nói chung và trong đời sống hôn nhân Công giáo nói riêng rất đa dạng: từ các khó khăn về kinh tế, cho đến sự khác biệt về tính tình, văn hóa, quan điểm sống, tôn giáo, xã hội, khuynh hướng chính trị. Nhưng sự khủng hoảng gây đau khổ nhiều nhất cho mọi thành phần của gia đình, đó là khi các đôi vợ chồng không thể dẹp bỏ được sự tự ái cá nhân và tìm làm hòa với nhau, để cứu vãn cuộc sống hạnh phúc gia đình, nhưng sống chia rẽ nhau, bạo hành, phá thai, sống ly thân, hay tồi tệ hơn nữa, ly hôn, tức họ tự tiện xóa bỏ giao ước hôn nhân, mà họ đã long trọng thề hứa với nhau trước bàn thờ Chúa, và qua đó, họ xóa bỏ gia đình và hạnh phúc của nó. Những giải pháp được đề cập trên đây về giáo dục đức tin, nhân bản, đạo đức, tạo việc làm cho người lao động... mặc dù chưa đầy đủ, nhưng đó là những giải pháp cần thiết và ưu tiên hàng đầu để giúp cuộc sống hôn nhân và gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc, biểu lộ trọn vẹn và thực hiện đầy đủ ý định của Thiên Chúa nơi các gia đình. [15]



[1] JB. Nguyễn Phong Lưu, BAXH; Gioan M. Nguyễn Đức Vương, Mẹ Chúa Cứu Chuộc; Antôn Nguyễn Hữu Thái, Đức Mẹ Lên Trời; Đaminh Nguyễn Công Chính, Gioan Tiền Sứ; Đaminh Nguyễn Chí Công, Gioan Tiền Sứ
[2] Xc. St 4; Kh 21,2.9.
[3] Xc. Ga 2,1-11.
[4] Xc. Lc 10,38.
[5] Xc. Mc 8,14.
[6] Xc. Mc 5,41; Lc 7,14-15.
[7] Xc. http://www.gioitinhtinhduc.com/nhoi-long-voi-tinh-trang-nao-pha-thai-hien-nay-o-viet-nam.html
[8] X. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, 2016, số 246.

[10] Xc. Tâm Thư gửi các GĐCG của HĐGM Việt Nam, 20-11-2016.

[11] Xc. Nguyễn Thế Thắng, Giải Quyết Việc Làm Tại Thành Thị Trong Quá Trình Đô Thị Hóa Ở Nước Ta Hiện Nay, 2016.
[12] X. GLHTCG, số 1602.
[13] Xc. GS, số 48.
[14] X. St 1,31.
[15] Xc. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 1981, số 3.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn