Khát vọng nên thánh trong thời đại tục hóa


Người tu sĩ trong thời đại tục hóa phải giằng co đối diện
với môi trường vừa thánh thiêng vừa thế tục, khiến họ cảm thấy chao đảo, mất phương hướng, mập mờ trong ơn gọi
trong khi khát vọng nên thánh vẫn không ngừng trỗi dậy trong họ.
Nt. Mary Nguyễn Hòa - Mến Thánh Giá Quy Nhơn

Dẫn nhập
Người Kitô hữu nói chung, người tu sĩ nói riêng được sinh ra và lớn lên trong thời đại thế tục hóa, ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng bởi luồng gió “thiếu trong lành” của chủ nghĩa cá nhân và tự do, chủ nghĩa hưởng thụ, những hệ lụy phi nhân, phi nghĩa, phi đạo đức được tạo ra từ sự phát triển của phương tiện truyền thông; những công nghệ bị lạm dụng ít nhiều cho những mục đích xấu xa. Đời sống thánh hiến đang từng ngày đối diện với những thách đố nảy sinh từ xã hội thực dụng và tiêu thụ, của nền văn hóa ái kỷ được đề cao trong đó mất dần cảm thức về sự hiện diện của tha nhân và sống theo lối sống loại trừ Thiên Chúa. Đây là điều mà Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI đã từng cảnh báo trong dịp nói chuyện vào ngày 03.02.2010 tại Naples: “Nền văn minh tục hóa đã thâm nhập vào trong tâm trí của các tín hữu và một số cộng đoàn sống tận hiến, lấy cớ cần một sự cởi mở với tính hiện đại và một cách để tiếp cận với thế giới đương thời”.[1]
Người tu sĩ trong thời đại này, phải giằng co đối diện với môi trường vừa thánh thiêng vừa thế tục, khiến họ cảm thấy chao đảo, mất phương hướng, mập mờ trong ơn gọi trong khi khát vọng nên thánh vẫn không ngừng trỗi dậy trong họ. Làm thế nào để giúp người tu sĩ có thể sống bình an trong ơn gọi, có đủ nội lực để vượt qua những cám dỗ bên ngoài lẫn bên trong và có thể sống triệt để các lời khuyên Phúc Âm với sự tự nguyện và con tim thanh thoát, để hòa nhập chứ không bị hòa tan, để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” và luôn có khát vọng trở nên thánh thiện.


I.    Vấn đề tục hóa trong thời đại khao khát hưởng thụ và chiếm hữu
1. Những điều trông thấy của trào lưu thế tục hóa
Chúng ta nghe nói nhiều đến khái niệm “tục hóa” hay “thế tục hóa”, một khái niệm đã hình thành như một trào lưu tư tưởng hay thứ chủ nghĩa đang tác động và ảnh hưởng nhiều đến đời sống con người, trong đó tác động không nhỏ đến đời sống Đức tin của người tín hữu.
Chủ nghĩa thế tục (Secularism) phát triển trong xã hội Tây Phương và ngày càng lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội trên thế giới, như là một hiện tượng chung trong đó con người muốn loại bỏ tôn giáo, loại bỏ thế giới thần thiêng ra khỏi đời sống của mình. Bên cạnh đó, họ đề cao quá đáng những gì do con người, khoa học, kỹ thuật tạo ra. Trong thế giới này, hình ảnh Thiên Chúa bị tẩy xóa đến độ nhạt nhòa, niềm tin bị xem nhẹ và đời sống nội tâm chỉ dừng ở mức độ hời hợt bên ngoài. Trong bối cảnh giá trị thánh thiêng bị đặt ở vị trí suy giảm như thế, thì những gì thuộc trần tục, có tính cách thực dụng được coi trọng. Khi giá trị thánh thiêng dần bị mai một trong lòng con người, sẽ khiến cho con người có nhiều chỗ trống để lấp đầy những hận thù, ghen ghét, nghiệp ngập và các tệ nạn xã hội, chạy đua với tiền tài, danh vọng, địa vị... Với họ, vật chất là trên hết.
Trong xã hội mà đồng tiền lên ngôi như thế thì đạo đức vắng bóng và niềm tin, khủng hoảng là điều đương nhiên; đồng thời kéo theo biết bao hệ lụy không lường là lẽ thường tình. Nếu thế giới tục hóa đã gắn liền với một xã hội tiêu thụ, thì tiện nghi trở thành mục đích cuối cùng của con người, con người sẵn sàng sống ích kỷ, co cụm, không quan tâm chia sẻ cho nhau, cái xấu và không bình thường lại trở thành cái bình thường như trong Tông huấn “Những mục tử như lòng Chúa mong ước”, số 8, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết:
 Cái mà người ta gọi là “xã hội tiêu dùng” mê hoặc những người trẻ một cách dữ dội, làm cho họ trở thành nạn nhân và tù nhân của một lối giải thích cuộc hiện hữu con người mang tính chất duy cá nhân, duy vật và duy khoái lạc! Quan niệm “sống thoải mái” hiểu theo nghĩa vật chất có khuynh hướng trở thành lý tưởng độc nhất của cuộc đời, một lối “sống thoải mái” phải đạt được với bất cứ điều kiện nào và với bất cứ giá nào. Hiệu quả là từ chối mọi hy sinh, vứt bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm và sống những giá trị tinh thần và tôn giáo. Mối “quan tâm” độc chiếm về cái sở hữu dành chỗ cái ưu việt là hiện hữu; và từ đó các giá trị nhân vị và liên vị không được cắt nghĩa và sống theo luân lý của ơn huệ, của tính nhưng không, nhưng theo luân lý của sự chiếm hữu ích kỷ và sự bóc lột kẻ khác.
2. Nhận định vấn đề tục hóa trong mối liên hệ với đời thánh hiến ngày nay
Trào lưu tục hóa luôn thúc đẩy con người chủ trương gạt bỏ hay loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, người ta muốn “giải thiêng” những yếu tố thánh thiêng khỏi tâm trí con người. Ngay từ đầu trong hành trình lịch sử cứu độ, hình ảnh Thiên Chúa đã bị tẩy xóa và gạt sang một bên, khi đại diện cho nhân loại là gia đình nguyên tổ đã tự mình thực hiện kế hoạch riêng mình, một kế hoạch nhuốm mùi chết chóc và tội lỗi. Lúc này đây, cái phàm tục được nâng lên cao với chương trình riêng và mục đích riêng, trong khi giá trị thánh thiêng lại bị giảm đến mức không tưởng. Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm trong dịp tham dự Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) Thế giới Thường kỳ lần thứ 13, diễn ra tại Rôma từ ngày 7/10 đến 28/10/2012 về chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền Đức tin Kitô giáo” đã từng nhận định:
Hoàn cảnh của thế giới hôm nay là những thách đố lớn cho đời sống Đức tin của các Kitô hữu. Rất nhiều tín hữu tuy không chối bỏ Đức tin nhưng đã trở thành dửng dưng thờ ơ với đời sống đạo, xa lìa Giáo hội, sống theo tinh thần thế gian chứ không qui chiếu về các giá trị đạo đức của Phúc Âm...
Do ảnh hưởng toàn cầu hóa, não trạng tục hóa đang lan rộng khắp nơi trên thế giới, ngay cả tại các nước châu Á vốn quí trọng tôn giáo, nhưng ngày nay Thiên Chúa cũng đang bị loại dần khỏi đời sống người dân. Châu Á chiếm tới 60% dân số hoàn cầu, trong đó Trung Quốc và Ấn độ chiếm 37% dân số thế giới, nhưng các Kitô hữu chỉ chiếm 2% dân số. Ngày xưa, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử để lại 99 con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc; nhưng ngày nay tại nhiều cộng đoàn, chỉ có một con chiên trong đàn, còn 99 con đang đi lạc.
Như vậy đại nạn tục hóa đang ngày càng gia tăng và bành trướng mãnh liệt, là một thách đố lớn cho công cuộc Phúc âm hóa, bởi vì tục hóa hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần Phúc âm, đi ngược lại với Đức tin và luân lý Kitô giáo.
Thời nay những dấu hiệu hữu hình về Thiên Chúa hầu như bị giảm xóa. Vì vậy, thế giới cảm thấy nhu cầu cần đến chứng tá ngôn sứ của người tận hiến. Chứng tá này bao hàm vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của thế giới vĩnh cửu. Chứng tá có sức thuyết phục khi lời loan báo khớp với cách sống. Khi sống hòa hợp với Huấn quyền, chứng tá ngôn sứ mang lại sự trao đổi những đặc sủng trong Giáo hội. Chiều kích ngôn sứ là hiểu biết về sứ mệnh và tác vụ của đời Thánh hiến. Sứ mệnh của đời tu không rút gọn trong phạm vi cơ cấu của Giáo hội, mà còn mở rộng ra hết với mọi người, kể cả lương dân. Hơn nữa, tính ngôn sứ vẫn can đảm để dương đầu với ba thách đố lớn liên quan đến ba lời khuyên Phúc Âm:Thanh khiết (quân bình và tự chủ); Khó nghèo (sở hữu và hiện hữu); Vâng phục (tự do và cởi mở).
Đã có nhiều đổi thay trong thời gian qua, nhất là việc cổ xúy cho nhiều lối sống và khuynh hướng nghiêng chiều phàm tục, khi mà con người muốn sống tiện nghi, sung túc, thoải mái, tự do. Một khi con người nghiêng chiều theo những khuynh hướng này, thì làm gì còn một chỗ trống cho sự hiện diện của Thiên Chúa, cho những giá trị tinh thần và đạo đức ngự trị, cho những thực hành hy sinh khổ chế, hãm dẹp giác quan có thể gây nguy hại đến đời người. Mỗi Hội dòng trong đặc sủng của mình đã trải qua quá trình canh tân dựa theo hướng dẫn của Công đồng Vatican II. Nếu đưa ra một cuộc so sánh các Hội dòng ngày nay với các Hội dòng 50 năm trước đây, ta nhận thấy có những bước đổi thay từ ngôn ngữ mới, lối sống mới, khuynh hướng mới.
-      Ngôn ngữ mới: Các vị sáng lập các dòng tu đã bị thu hút bởi sự đoàn kết của nhóm Mười Hai chung quanh Chúa Giêsu, bởi sự hiệp thông độc đáo của cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem và họ cũng muốn hoạ lại những khuôn mẫu Tin mừng, đó là sống một trái tim và một linh hồn, vui hưởng sự hiện diện của Chúa (x. Perfectae Caritatis, số15). Ngôn ngữ khép kín, vị kỷ đã nhường chỗ để kiến tạo “dự án hiệp thông” và người tu sĩ được mời gọi trở nên “những chuyên viên hiệp thông”. Người tu sĩ cũng được kêu gọi trở nên khuôn mẫu cụ thể của các cộng đoàn có khả năng sống tương quan huynh đệ, bảo vệ quyền lợi của người cô thế cô thân, người nghèo trong xã hội.
-   Lối sống mới: Trong Sắc lệnh “Đức ái trọn hảo” (Perfectae Caritatis), Công đồng Vatican II mời gọi các Dòng tu phải canh tân đời sống và kỷ luật để thích nghi với đòi hỏi văn hóa, xã hội và kinh tế khắp nơi. Bởi đó, Dòng tu đã đổi thay với tương quan bình đẳng hơn, đơn giản hơn trong cách ăn mặc, tự nhiên hơn trong cách cầu nguyện, tự do và đối thoại được đề cao, quan niệm về đẳng cấp giáo sĩ cũng dần được khắc phục, thay đổi tư duy trong việc tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo giúp người tu sĩ trưởng thành hơn là chỉ khắt khe với kỷ luật trong đời tu, tương quan xã hội và sứ vụ cũng được mở rộng hơn.
- Khuynh hướng mới: Với chiều hướng phát triển của xã hội đã gây ra các hiện tượng thế tục hóa đa dạng và phức tạp trong nhiều lĩnh vực: văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế..., đặc biệt cụ thể qua các tư tưởng triết lý; trào lưu văn hóa, chính trị; cuộc cách mạng giới tính; cơ cấu và nếp sống của thế giới tân tiến được định hình do các hiện tượng: kỹ nghệ, kỹ thuật hóa, đô thị hóa và phương tiện truyền thông. Hoàn cảnh của người nghèo bị đe dọa bởi tiến trình toàn cầu hóa.
Riêng tại Việt Nam, những biểu hiện tục hóa tuy ảnh hưởng sự thế tục của các nước Tây Phương, nhưng hiện tượng tục hóa tại Việt Nam vẫn có thêm những nét rất khác, chẳng hạn: muốn thoát cảnh nghèo; bon chen để có thành tích; khao khát tìm lại giá trị của mình và sự kính trọng của người khác; bắt chước xứ người nhưng thiếu sự phân định.
II. Những “mảng tối” của trào lưu thế tục hóa trở thành thách đố cho đời tu ngày nay
Môi trường Giáo hội và xã hội đang có nhiều thuận lợi về sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như các lãnh vực khác, nhưng cũng đang có những biến loạn và bị nhiễm độc bởi nền “văn hóa sự chết” và thế giới của trào lưu “tục hóa hệ thống”; “chủ nghĩa duy khoái lạc”; “chủ nghĩa hưởng thụ”; “chủ nghĩa cá nhân”; “chủ nghĩa tự do” và nền “văn hóa tạm bợ”, trong đó người tu sĩ cũng là nạn nhân đối diện hàng loạt thách đố với những biểu hiện đáng suy ngẫm.
1. Chủ nghĩa khoái lạc, thách đố về khiết tịnh 
Thách đố đầu tiên đến từ một nền văn hóa hưởng thụ qui về chủ nghĩa khoái lạc có liên quan đến cái “thú” trong mỗi con người. Thú vui lành mạnh trong mức độ nào đó sẽ giúp con người đến gần Chúa hơn nhưng cũng có những thú vui lại làm tăng phần “thú tính” trong con người, nghĩa là làm lạc xa Chúa, bởi con người đã đánh mất chính mình trong cuộc chơi. Những người theo chủ nghĩa khoái lạc chẳng hề quan tâm đến cuộc sống tương lai, chỉ chú tâm đến những lạc thú ở thời điểm hiện tại. Họ cũng nhấn mạnh rằng, bởi lạc thú chỉ mang đến điều tốt đẹp, mỗi cá nhân nên tận dụng mọi cơ hội có thể để hưởng thụ chúng. [2] Trong thế giới mà chủ nghĩa tự do và khoái lạc đang ngự trị, dục tính yêu đương được khuyến khích và đề cao bằng đủ mọi hình thức và phương cách qua nhiều phương tiện truyền thông hiện đại: phim ảnh, sách báo, trang mạng, khiến cho có nhiều người thoải mái phô diễn lối sống buông thả, lãng mạn, thác loạn..., đôi khi họ cảm thấy vấn đề sắc dục trở nên bình thường và tự do phát triển trong xã hội.
Thách đố này đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, giản lược tính dục thành trò chơi và một món hàng tiêu thụ cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng lõa của các phương tiện truyền thông xã hội. Ai cũng thấy được những hậu quả của tình trạng này: đủ mọi thứ vi phạm luân lý kèm theo vô vàn đau khổ về mặt tâm lý và đạo đức cho nhiều cá nhân và nhiều gia đình. Lời đáp ứng của đời thánh hiến hệ tại trước tiên ở việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng giòn của thân phận con người. Người tận hiến chứng nhận rằng điều mà đa số xem như không thể được lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do. Nhờ ơn thánh của Chúa Giêsu, trong Đức Kitô, chúng ta có thể yêu mến thiên Chúa với hết cả con tim, đặt Người lên trên mọi mối tình, yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên Chúa. [3] Nhờ đời sống của mình trong một tâm thế bình an, tự tại, hạnh phúc ngay trong ơn gọi của mình mà đời thánh hiến cần phải nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những người nam và người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm. [4]
Bước vào đời tu, nếu không hiểu đúng để sống đúng, người tu sĩ dễ trở nên người yêu mình, sống ích kỷ, dễ theo xu hướng tìm khoái cảm tự kỷ (autoerotism). Nếu đặt lệch giá trị thì tuy đã khấn giữ độc thân họ vẫn có thể tìm thú vui nơi xác thịt, trong đó những vụ lạm dụng tính dục của linh mục, tu sĩ là một điển hình. Cũng không thiếu những trường hợp chúng ta được nghe về tu sĩ dòng này, dòng nọ phải rời bỏ đời tu kể cả tuổi đời còn quá trẻ. Họ có khi là những người giữ chức vụ này chức vụ kia, đại diện lo cho công việc của Giáo hội hoặc của Hội dòng, nên có những mối tương quan với linh mục, tu sĩ hoặc là những giáo dân giàu có vật chất. Họ đón nhận những tặng phẩm, của dâng cúng lúc đầu với thành ý rất tốt lành để giúp đỡ cho Hội dòng, dần dần lại quy hướng sự thiện cảm hay tình cảm sang cá nhân mình, để rồi nảy sinh tình cảm yêu đương lúc nào không hay và đưa đến những kết cục thật đáng buồn cho Giáo hội hoặc cho Hội dòng.
Người sống đời thánh hiến đang trong tình trạng giãy giụa trước những cơn sóng ngầm của dục vọng vẫn luôn đeo đuổi, rình rập bên cạnh để tìm cách cám dỗ và xâm chiếm họ. Mặc dù khấn độc thân nhưng họ vẫn chủ trương tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người. [5] Thách đố của sự quyến rũ của thế gian và xác thịt trong đó đề cập đến những vấn đề tình yêu thuộc về thế gian như ái tình, dục vọng, những ham muốn để thỏa mãn xác thịt. Một sự từ bỏ lớn lao đòi hỏi người tu sĩ phải hy sinh tình yêu đôi lứa để hướng tới và dành chỗ cho Thiên Chúa và tha  nhân. Một sự hy sinh bản năng yêu đương, vai trò duy trì nòi giống, thực thi thiên chức làm cha và làm mẹ để sống niềm vui trao ban và chia sẻ cho hết mọi người, không với tính cách “độc chiếm”. Thật tình mà nói người tu sĩ rất đáng thương vì họ phải làm một cuộc “lội ngược dòng” trong khi mình vẫn được phú ban cho một con tim cũng biết rung động, biết yêu, biết thương, muốn có được một tình yêu đẹp như bao con người khác, nhưng bởi vì tình yêu dành cho Chúa là đối tượng duy nhất[6], họ phải dâng hiến trọn vẹn tình yêu này trong lối sống độc thân, để cùng với Đức Kitô hân hoan phục vụ Nước Trời. [7]
Thực tế, một cách nào đó phải công nhận hiện nay có nhiều loại virus của chủ nghĩa khoái lạc len lõi vào môi trường của đời sống tu trì, âm thầm gặm nhấm và chờ thời cơ ra đòn tấn công quyết liệt, có thể gây tê liệt cho một số thành viên sống đời tu trì nếu họ không tự tạo ra cho mình những phương cách tự vệ theo sự hướng dẫn của Thánh Thần cũng như cũng những bậc thầy khôn ngoan. Rất nhiều linh mục và tu sĩ đã bị lợi dụng và bị đánh trúng “tử huyệt”, biết bao hệ lụy kéo theo sau: ơn gọi linh mục giảm sút trầm trọng; những nhóm đồng tính hình thành trong các chủng viện, tu viện, đan viện; số linh mục, tu sĩ  hồi tục gia tăng rất nhanh, đặc biệt là nhiều vụ lùm xùm của các linh mục, tu sĩ vướng vào chuyện lạm dụng tình dục trẻ em. Dù là người trong cuộc hay ngoài cuộc, khi nhìn lại phải nhìn nhận thời đại công nghệ thông tin kỹ thuật phát triển, xã hội có nhiều đổi thay, người thánh hiến được sống trong điều kiện đầy đủ về mọi mặt của đời tu, có nhiều ưu đãi, tự do và thoải mái hơn so với các bậc tiền bối, cha, anh, chị... trước đây, nhưng cũng lấy đi của người thánh hiến quá nhiều giá trị cao quý. Giữa một thế giới nhiễu nhương, đầy dẫy những thú vui hấp dẫn, tranh tối tranh sáng, vàng thau lẫn lộn, đôi khi chúng được trá hình như những ngọn hải đăng cho người ta soi mình vào mà không biết họ đang đi sai đường lạc lối, khó có thể phân biệt được đâu là thực, đâu là giả. Những yếu tố tiêu cực đó đã kéo người thánh hiến đi theo con đường có xu hướng thế tục hóa đời tu cách đáng báo động, mà rất nhiều người trong số đó không nhận thấy rõ những cạm bẫy được giăng ra, càng đam mê, càng lún sâu vào vòng lẩn quẩn mà không thoát ra được, thậm chí có những người phải chấp nhận “rời bỏ đời tu” khi đã đi quá giới hạn cho phép.
2. Chủ nghĩa hưởng thụ, thách đố về khó nghèo
Khoa học kỹ thuật ngày nay tiến bộ vượt bậc, đời sống được cải thiện và nâng cao, mọi người gần như được thỏa mãn trong lối sống tiện nghi vật chất, trở nên một thói quen hưởng thụ, nó biến thành nhu cầu gắn bó với con người như máu huyết, như một lẽ sống không thể thiếu trong cuộc sống. Vì vậy, rũ bỏ hay tách sự hưởng thụ ra khỏi đời sống xem như là một điều khác người, lập dị, là dở hơi, bất thường.
Tiền bạc hay phương tiện vật chất phục vụ cho nhu cầu con người, tự bản chất nó không có gì là xấu, vì Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ này cùng với muôn loài trong đó đều tốt đẹp (x. St 1,31), và để cho con người hưởng dùng. Tuy nhiên, việc hưởng dùng này không thể là sự thụ hưởng theo khuynh hướng tiêu cực, cũng như những thứ phương tiện để con người hưởng dùng nêu trên không được là ông chủ chiếm chỗ nhất trong cõi lòng chúng ta và làm lu mờ hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu nó trở thành vật cản đường, thì chúng ta phải can đảm dứt khoát cắt đứt với nó:
“Nếu mắt của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi, ... vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục” (Mt 5,29-30).
Khuynh hướng hưởng thụ tiêu cực là một trong những vật cản không nhỏ khiến đời sống tâm linh, tinh thần tu trì, đời sống cộng đoàn của người thánh hiến dần dần đi vào sự giảm sút nghiêm trọng. Với việc phát triển của nề kinh tế thị trường, con người được tiếp cận nhiều loại hàng hóa với mẫu mã đẹp và chủng loại phong phú, người thánh hiến cũng dễ rơi vào cám dỗ thụ hưởng những loại vật chất, phương tiện tối tân, hiện đại, đắt tiền này. Xin được đan cử một ví dụ nho nhỏ tại một dòng tu nọ: “Một nữ tu trẻ gặp vị bề trên của mình xin phép được dùng chiếc điện thoại Smartphone với lý do để làm sổ sách cho công việc của mình cùng với những lời giải thích là chỉ dùng nó để làm sổ sách cho công việc thôi, chứ không dùng nó để liên lạc với người khác”. Xem ra lý do nghe có vẻ chính đáng nhưng thiết nghĩ, có cần thiết lắm không khi với thời đại công nghệ tiên tiến như hiện nay, nhiều phần mềm, nhiều chương trình trên máy vi tính còn phục vụ cho việc làm sổ sách hiệu quả và nhanh chóng, thuận tiện hơn, để dùng Smartphone liệu có hiệu quả hơn không. Đằng khác, liệu mình đã được chuẩn bị đầy đủ để có thể trưởng thành, không bị lệ thuộc vào nó trong khi sử dụng cho những nhu cầu không chính đáng khác. Hơn nữa, xin phép một điều mà trong khi quy luật không cho phép sử dụng, xem ra cũng là một điều khó cho các vị bề trên, vì giải quyết chuẩn chước cho người này thì cũng phải giải quyết, chuẩn chước cho người khác.
Dẫu biết rằng với người tu sĩ khi thi hành sứ vụ tông đồ, sự hỗ trợ của nhiều phương tiện khác càng hiện đại và có nhiều chức năng thì càng giúp cho người thánh hiến làm việc dễ dàng và thành công cũng dễ dàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội thực dụng và hưởng thụ hiện nay, những nhu cầu giả tạo trong việc sử dụng các phương tiện hiện đại để hỗ trợ cho công cuộc thi hành sứ vụ đang là một cám dỗ hết sức tinh tế, ngọt ngào đối với người thánh hiến, liệu người tu sĩ có đủ không ngoan, tỉnh táo và đủ trưởng thành để không bị lệ thuộc vào chính những phương tiện này như những vật bất ly thân không?
Nếu xét về nhu cầu cần thiết cho sứ vụ thì một chiếc xe máy bền, chạy tốt, an toàn cho sức khỏe và sinh mạng của chúng ta là tốt rồi, đâu cần phải là xe phân khối lớn, đắt tiền, mẫu mã sang trọng và hợp mode; một chiếc điện thoại di động để chúng ta có thể liên lạc cần cho công việc trong lĩnh vực mình đảm trách hoặc công tác mục vụ với chức năng có thể gọi và nghe được là tốt rồi; đâu cần phải đòi hỏi cho được phải là điện thoại thông minh loại mới nhất, đẹp nhất, có đầy đủ chức năng và nối mạng internet được; hoặc máy vi tính đủ để phục vụ cho công việc của chúng ta mang lại hiệu năng là được rồi, chứ không cần phải là hàng xa xỉ, thương hiệu, cao cấp. Từ những nhu cầu về tiện nghi vật chất dẫn đến sự tha hóa trong tinh thần, người ta bình thường hóa với việc hưởng thụ các nhu cầu tiện nghi vật chất.
Người thánh hiến cũng dần dần bị chủ nghĩa duy vật làm chi phối, loại trừ hay giản lược những yếu tố thuộc tâm linh và thánh thiêng xuống vị trí thứ yếu, nhường chỗ cho những sinh hoạt xôi động, mang dáng dấp của sự hào nhoáng và hình thức bên ngoài. Không thiếu những linh mục, tu sĩ cũng dễ rơi vào tình trạng ngại suy tư, thích những bài giảng hay bài suy niệm, bài Chầu Thánh Thể soạn sẵn, những bài giảng được download trên internet và đọc cho cộng đoàn phụng vụ nghe cách máy móc chứ không phải là những tâm tình chia sẻ từ chính con tim và kinh nghiệm sống của mình; và cũng không thiếu những tu sĩ đọc kinh Thần vụ hoặc đọc Lời Chúa trên những chiếc Smartphone chứ không phải là những quyển sách kinh hay quyển Kinh Thánh. Ở đây không có ý đưa ra một lời phê phán nhưng theo suy nghĩ hạn hẹp của người viết, vẫn cảm thấy thích người Thánh hiến đọc kinh Thần vụ hay đọc Lời Chúa bằng sách kinh hoặc bằng sách Kinh Thánh, phải dành cho những việc  đạo đức, thiêng liêng một vị trí được trân trọng cách xứng hợp. Nhiều người giáo dân đã cảm thấy khó chịu với việc các Linh mục và tu sĩ đọc kinh Thần vụ hay Lời Chúa trên Ipad, Smartphone.
Thách đố của sự hưởng thụ còn phát xuất từ những những hình thức bên ngoài, thế giới của nhiều tiếng ồn ào lên ngôi, sự tĩnh lặng và trầm lắng xem ra xa xỉ với tu sĩ trẻ. Sự bùng nổ thông tin đã ảnh hưởng đáng kể và đôi khi bi thảm đến mức độ tổng quát về thông tin, đến nhận thức về trách nhiệm xã hội và tông đồ, đến tính di động tông đồ và phẩm chất của những mối tương quan nội tại, đó là chưa kể đến phong cách sống đặc biệt và bầu khí trầm lặng phải là đặc trưng của cộng đoàn tu trì[8].
Người thánh hiến tìm cách giải khuây, giảm tải áp lực bởi các chương trình ca nhạc, quảng cáo, truyền thanh và truyền hình..., thích niềm vui chóng qua bên ngoài để giải tỏa căng thẳng trong công việc hơn là những giờ thinh lặng trước Nhà Tạm, trước những phút xét mình, phút hồi tâm cuối ngày. Có những tu sĩ đặt lệch giá trị, nên vùi đầu vào công việc với thời lượng lớn, khiến có nguy cơ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, kiệt sức; nại đến trách vụ mình đang đảm nhận để từ chối công việc chung trong cộng đoàn, trốn tránh các sinh hoạt, hội họp, giải trí, sinh hoạt chung của cộng đoàn. Họ bước vào đời tu với tâm thế an toàn giả tạo là điều làm họ thấy hài lòng, họ mộng tưởng có thể khẳng định chính mình với việc chinh phục được người khác từ những gì mình sở hữu và điều khiển người khác theo đường hướng của mình. Tác giả Eymard An Mai Đỗ, O.Cist cho thấy nhu cầu hưởng thụ, muốn tìm nơi  an toàn vật chất  cho đời mình của một số tu sĩ, đã nhận định: “Quan sát kỹ trong dòng tu, chúng ta dễ nhận ra có những người lấy vật chất làm đủ và cảm giác an toàn khi được sống một ngày bình yên trong cộng đoàn. Sự an toàn tạm bợ này khi không còn hữu ích đáp ứng cho đòi hỏi của họ nữa, thì họ lại tiếp tục ra đi để kiếm một nơi chốn với những con người nhiệt tình phục vụ cho yêu sách của họ, khi cộng đoàn gặp khó khăn, họ sẽ là người tiên phong trong cuộc tìm kiếm một vùng đất mới khả dĩ thỏa mãn những yêu sách của họ”.[9]
Chính lối sống hưởng thụ theo hướng tiêu cực đã làm cho người tu sĩ rơi vào trạng thái lầm lạc, mất phương hướng, luôn sống trong tình trạng bất ổn vì phải lo toan, tính toán và không khi nào cảm thấy thỏa mãn, hài lòng với chính mình, với mọi thứ chung quanh, với những gì do cộng đoàn cung cấp cho việc thi hành sứ vụ của mình, mà theo nhận xét của cố Linh mục Nguyễn Hồng Giáo: có một hiện tượng đang xảy ra trong các cộng đoàn tu sĩ tại Việt Nam là sự đua đòi và não trạng tiêu thụ đang đi vào trong các tu viện.[10] Sở dĩ có hiện tượng này vì họ thiếu ý thức và kỷ luật bản thân. Chính sự thiếu sót đó khiến họ rơi vào lối sống trưởng giả, dễ dãi, ích kỷ và sợ hy sinh, sợ khổ chế, dễ dàng đòi hỏi quyền lợi nhưng lại ngại đề cập việc dấn thân.
3. Chủ nghĩa cá nhân và tự do lớn mạnh, thách đố của tự do trong vâng phục
Một trong những đặc nét biểu hiện tâm thế tự do của con người là sự phát triển của trào lưu thế tục và tạo nên làn sóng “khử thiêng”, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi xã hội và đòi hỏi một sự độc lập tuyệt đối cho con người trước định mệnh của mình trong mọi công cuộc xây dựng trần thế và mọi giá trị tự nhiên. Với chủ trương của triết gia Albert Camus: Con người nên thánh không cần Thiên Chúa, một số người đi tìm một đời sống tâm linh không có Thiên Chúa. Với những kinh nghiệm thần bí khép kín trong bản thân mình, con người  tự thoả mãn trong tính nội tại của chính mình và nói như  Đức Phanxicô: họ chỉ quan tâm đến kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các lý luận và kiến thức được coi là an ủi và ánh sáng, trong khi đối tượng vẫn đang bị giam kín trong tính nội tại của những lý luận và cảm xúc riêng của mình.[11] Với thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, nhiều phát minh khoa học đã làm thay đổi bộ mặt thế giới và đời sống con người từ việc phát minh ra máy hơi nước, dòng điện, tàu vũ trụ, điện nguyên tử, điện thoại di động, điện toán cho đến những thành tựu trong sinh vật học, y học, con người đề cao khả năng lý trí của mình, rằng có thể giải quyết mọi vấn đề của đời sống và bảo đảm cho nhân loại một sự tiến bộ ngày càng lớn mạnh mà không cần phải nhờ tới tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. [12]
Thách đố của tự do trong vâng phục thánh hiến này phát sinh từ những quan niệm về tự do, muốn tách rời đặc trưng cơ bản nhất của con người ra khỏi tương quan với chân lý và quy tắc luân lý. Thật ra, đề cao tự do quả là một giá trị chân chính, gắn liền với sự tôn trọng con người. Nhưng ai lại không thấy những bất công trầm trọng và cả những bạo hành khủng khiếp do việc sử dụng lệch lạc quyền tự do trong đời sống cá nhân và các dân tộc ? Đức vâng phục đặc thù của đời thánh hiến là một lời đáp ứng hữu hiệu cho tình trạng trên. Đức vâng phục tu trì giới thiệu một cách thật hùng hồn việc Đức Kitô vâng phục Chúa Cha như một gương mẫu điển hình, và khởi đi từ mầu nhiệm Đức Kitô, đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau.
Thật vậy, thái độ của Chúa Con biểu lộ cho thấy mầu nhiệm tự do của con người là một con đường vâng phục ý Chúa Cha, và mầu nhiệm vâng phục là một con đường để dần dần chinh phục sự tự do chân chính. Người tận hiến muốn diễn tả mầu nhiệm đó qua lời khấn tuân phục. Như thế người tận hiến muốn cho thấy họ ý thức mối tương quan nghĩa tử, từ đó họ đón nhận ý Chúa Cha làm lương thực hằng ngày (x. Ga 4,34), làm đá tảng vững chắc, làm niềm vui, làm thuẫn đỡ, và nơi trú ẩn cho họ (x. Tv 18, 3). Người tận hiến cho thấy họ lớn lên trong chân lý toàn diện về con người của họ, được gắn liền với nguồn mạch hiện hữu của họ và công bố sứ điệp đầy an ủi này: “Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào” (Tv 119,165). [13]
Tự do chính là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho con người, đó chính là khả năng tự quyết định, hướng cuộc đời mình về hạnh phúc. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của con người.[14] Theo quan điểm  Kitô giáo thì tự do là khả năng lựa chọn giữa thiện và ác, là chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ chủ ý. Trên thực tế đã cho thấy con người lạm dụng tự do của mình để lỗi phạm, bất tuân với Thiên Chúa và hậu quả để lại là Tội Nguyên Tổ. Con người đã quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa để đánh mất mối thân tình giữa Thiên Chúa và con người.
Trong cuộc sống tu trì, người tu sĩ cũng được trao ban sử dụng quyền tự do Chúa ban, nhưng lắm lúc cũng lạm dụng tự do để làm những việc không chính đáng, trái với luật Chúa, luật dòng. Người tu sĩ luôn có khuynh hướng quy chiếu về mình, muốn chiếm đoạt và thống trị người khác, không chịu sự điều khiển và kiểm soát của những người hữu trách hay của một quy luật chung của tập thể. Vì luôn đặt chủ nghĩa cá nhân của mình cao trên chủ nghĩa tập thể, người tu sĩ khó có thể chấp nhận tuân phục hoàn cảnh, đón nhận những biến cố xảy đến cho đời mình dù nó tốt hay xấu, ngon lành hay tồi tệ, trong một tâm hồn bình an và thanh thản chứ không phải như đầu hàng số phận một cách miễn cưỡng, khi không đạt theo ý mình thì phóng chiếu những hành vi có tính nổi loạn.
Đức Thánh cha Phanxicô từng cho người sống đời Thánh hiến thấy thách thức về sự tự do trong sứ vụ của họ phải đối diện được diễn tả trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng: “Chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, gồm cả những người sống đời thánh hiến, nam cũng như nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ coi công việc của họ như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần thuộc căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng liêng trở nên bị đồng hoá với một ít việc thực hành tôn giáo có thể đem lại một sự an ủi nào đó chứ không khuyến khích việc gặp gỡ người khác, dấn thân vào thế giới hay một niềm say mê loan báo Tin mừng. Kết quả là chúng ta thấy có nhiều người hoạt động rao giảng Tin mừng, tuy họ vẫn cầu nguyện, nhưng có một lối sống rất cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và nhiệt tình trở nên nguội lạnh. Ba điều xấu này tác động lẫn nhau”.[15]
III. Phương cách để bước đi trong ơn gọi nên thánh
Đứng trước thực trạng tục hóa này, việc khao khát trở nên thánh là một điều ý nghĩa và thiện hảo. Hãy nghe lại lời của Đức Hồng Y Franc Rodé, nguyên Tổng trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến:
Thách đố to lớn của đời sống dâng hiến hôm nay là sự tục hoá từ bên trong của đời thánh hiến. Các cộng đoàn tu trì phải trở về với nguồn của đặc sủng thành lập và với những giá trị Tin mừng. Phải trả lại vị trí trung tâm của đời sống thánh hiến cho đời sống cầu nguyện, đời sống huynh đệ cộng đoàn, ơn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Phải tái khám phá những giá trị căn bản này để sống chúng và làm chứng cho chúng trong thế giới: đó là cách thế trao ban cho đời sống tu trì một đà vươn lên mới. [16]
Chúng ta cùng bước vào tiến trình nên thánh giữa thời tục hóa bằng những yếu tố rất bình thường mỗi ngày:
1.     Trên bình diện tự nhiên
- Đó là một cuộc biến đổi từ nhận thức, tư duy, phải thay đổi quan niệm sống ba lời khấn vì tình yêu mến chứ không vụ luật.
-  Thực hành khổ chế hy sinh:
+ Người tu sĩ biết dứt khoát và can đảm từ bỏ những gì không thuộc về Thiên Chúa, từ bỏ ý riêng, sở thích. Biết chế ngự các giác quan, trí tưởng tượng và các đam mê. Không nên để mình có quá nhiều tự do, buông thả mình quá đáng. Cần biết “giờ nào việc đó”, ăn nói chừng mực. Đừng để những cuộc vui lôi kéo mình đi quá xa và thể hiện bản thân, chứng tỏ mình sành điệu, chịu chơi, hợp thời...,
+ Biết cách sắp xếp ngày sống quân bình có đầy đủ giờ thiêng liêng, giải trí, thể thao, học hành, sinh hoạt chung với cộng đoàn. Khổ chế trong việc  đón nhận những khó khăn của cuộc sống như lao động, đau ốm, bệnh tật, thiếu thốn, thử thách... với thái độ bình an và khiêm tốn như lời mời gọi của Chúa “hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mt 16,24)
-  Cần luyện tập sự trưởng thành tâm lý và tình cảm, có những hiểu biết đúng đắn và chọn lựa nó với tất cả sự tự do. Sự trưởng thành này bao gồm sự chấp nhận thân xác và phái tính của mình như món quà quý giá của Thiên Chúa. Có thể sống tự lập chứ không dựa dẫm vào người khác.
-  Khôn ngoan trong việc giao tế và sử dụng các phương tiện truyền thông.[17]
-    Sống mối tương quan hiệp thông, yêu thương, hòa hợp trong cộng đoàn, như thế giúp mình không thu hẹp mình lại nơi góc riêng hay đi đâu đó để tìm sự bù đắp, nhưng sẽ được tình anh em, chị em trong cộng đoàn bảo vệ và đỡ nâng.
-  Từ bỏ những tiện nghi dư thừa, bớt đi những dính bén về của cải vật chất để tâm hồn được thanh thoát, bình an vươn tới lý tưởng đã chọn.
-  Khám phá chính mình để làm chủ các khuynh hướng bản thân, sống quân bình trong cuộc sống và ơn gọi.
-  Tuân thủ kỷ luật chung của tu hội, không phải sống theo luật rừng do mình đặt ra “muốn gì làm đó”.
-  Biết tự chủ bản thân và tiết chế những gì có thể biến đời sống chúng ta thành tầm thường.
2. Trên bình diện siêu nhiên
-   Siêng năng và trung thành với đời sống cầu nguyện: nhiều lúc chúng ta viện lý do vì tôi có nhiều việc phải làm cho sứ vụ: tập hát, lo phòng thánh, dạy trẻ, chăm sóc quý bà hưu dưỡng, chăm sóc cô nhi, trẻ đường phố, bệnh nhân HIV..., và than vãn không có thời gian cho việc cầu nguyện, nhưng có nhiều cách cầu nguyện trong nhịp sinh hoạt hằng ngày mà tôi lại không tận dụng.
-   Trông cậy vào ơn Chúa, năng suy gẫm Lời Chúa và lãnh nhận các Bí tích.
-   Cần sống trong sự thinh lặng nội tâm để có thể nghe tiếng Chúa nói, luôn thức tỉnh, cảnh giác, biết mình đang ở đâu, tình trạng nào, cần chỉnh sửa điều gì...
Thay lời kết
Thay lời kết, chúng ta cùng đọc lại lời giáo huấn của thánh Phaolô: “Anh em sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống…” (Pl 2,15-16).
Chúng ta cũng đừng quên lời huấn dụ của thánh Giáo hoàng Phaolô VI :
Còn các tu sĩ, họ phải xem đời sống tận hiến của mình như một phương thế ưu tiên cho việc rao giảng Tin mừng. Nhờ cuộc sống tận hiến sâu xa, họ tích cực hoạt động trong Giáo Hội, một Giáo Hội đang đói khát Thiên Chúa tuyệt đối, đang được mời gọi nên thánh. Chính họ phải làm chứng cho sự thánh thiện này. Họ là hiện thân của một Giáo Hội đang mong muốn sống hoàn toàn theo tinh thần các mối phúc thật. Qua cuộc sống, họ là những dấu chỉ của tinh thần luôn sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và anh em. Vì vậy, họ có tầm quan trọng đặc biệt trong phạm vi làm chứng tá. Bởi vì như ta đã quả quyết, chứng tá là yếu tố quan trọng nhất trong việc rao giảng Tin mừng. Chứng tá thầm lặng của sự khó nghèo và từ bỏ, của sự trong sạch và tinh tuyền, của sự bỏ mình trong đức vâng lời, chứng tá đó có thể trở nên lời rao giảng hùng hồn khả dĩ đánh động ngay cả những người thiện chí ngoài Kitô giáo đang nhạy cảm về một số giá trị. Đồng thời chứng tá đó cũng là lời mời gọi vọng lên cho thế giới và cho chính Giáo Hội.
Trong viễn tượng ấy, người ta thấy được vai trò rao giảng Tin mừng của các tu sĩ sống cầu nguyện, thinh lặng, sám hối và hy sinh. Phần lớn các tu sĩ khác thì trực tiếp lo việc loan báo Đức Kitô. Hoạt động truyền giáo của họ dĩ nhiên phải tuỳ thuộc vào Giáo quyền và phải phối hợp với việc mục vụ mà Giáo quyền muốn thi hành. Ai mà không thấy được sự đóng góp to lớn mà các tu sĩ đã mang lại và còn tiếp tục mang lại cho việc Phúc Âm hóa ? Nhờ việc tận hiến, họ tự nguyện và tự do từ bỏ mọi sự và ra đi rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng trái đất...”[18] 


[1] Theo Thông tấn CNS ngày 05.02.2019
[2] x. Đại tự điển, chủ nghĩa khoái lạc, http://daitudien.net/triet-hoc/ triet-hoc-ve-chu-nghia-khoai-lac.html.
[3] Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 87
[4] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 12
[5] Eymard An Mai Đỗ, O.Cist, Nhân cách đời tu, Nxb Tôn giáo, tr. 22
[6] Công thức khấn (Hiến chương Hội dòng MTG Qui Nhơn, điều 31)
[7] x. Mt 19, 12; 1 Cr 7, 32-34; Th. Gioan Phaolô II, Vita Consecrata , số 21
[8] Văn kiện đời tu: Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn, 4d
[9] Eymard An Mai Đỗ, O.Cist, Nhân cách đời tu, Nxb Tôn giáo, tr. 19-20
[10]  x. Lm. Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo, OFM (2006), Chúa gọi tôi theo Người, Học viện Phanxicô, tr. 233
[11] x. Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 94
[12] x. Eymard An Mai Đỗ, O.Cist (2018), Bạn hãy là chính mình, Nxb Đồng Nai, tr.39
[13] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 91
[14] x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1731
[15] ĐTC Phanxicô. Tông huấn Evangelii Gaudium, số 78
[16] Trả lời phỏng vấn của Đức Hồng Y Franc Rodé cho nhật báo Osservatore Romano ngày 8/11/2007


[17] Hiến chương Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 14
[18] Thánh Phaolô VI, Tông huấn, Evangelii Nuntiandi,  số 69

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn