Xin đừng làm mẹ khóc


Tản văn - Maria Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ

Mẹ… mẹ… mẹ ơi! Mẹ đâu rồi! Tiếng khóc thảng thốt của một em bé đã phá tan bầu không khí yên tĩnh của chuyến xe đêm, khi các hành khách đang ngon giấc sau một ngày tất bật. Một vài người nằm gần đó dỗ bé: “Nín đi con! Mẹ con đang ở đằng kia mà!”. Thì ra, mẹ của bé đi lên phía bác tài để lấy nước uống và khăn lau cho bé. Bé vẫn khóc nức nở: Mẹ… mẹ… mẹ ơi! Mẹ đâu rồi!
Chỉ là tiếng khóc của một trẻ thơ thôi mà sao hôm nay tôi bỗng thấy bồi hồi, thổn thức, lòng trào dâng những ký ức về mẹ. Mẹ… mẹ… là tiếng gọi ngọt ngào khi con người biết nói. Mẹ… mẹ… là tiếng kêu tha thiết cuối cùng trước lúc con người “ra đi”. Bởi lẽ suốt cuộc đời mẹ luôn hy sinh vì con cái. Thử hỏi trên cuộc đời này còn có mối tình nào thiêng liêng, vĩ đại hơn tình mẹ? Bởi thế, nhân loại đã sáng tác ra vô vàn ca dao, tục ngữ, những áng thi, văn, nhạc, hoạ…bất hủ ca ngợi tình mẹ:
“Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.
Hay:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học, mẹ thi trường đời”.
Thế nhưng làm sao có thể diễn tả được tình mẹ bao la? “Mối tình ấy chẳng thể diễn tả hết bằng lời và cũng chẳng đủ ngay cả bằng hành động. Nó chỉ có thể được thốt lên bằng sự thổn thức của con tim.”[1]
Tôi là người hạnh phúc nhất đời vì được luôn sống trong tình yêu thương của mẹ. Tôi rất hãnh diện và cảm phục mẹ, bởi mẹ là người phụ nữ tuyệt vời. Mẹ rất mực yêu chồng, thương con. Mẹ chung thuỷ, dịu hiền, khéo léo giữ cho gia đình tôi luôn đầm ấm, yên vui. Suốt cuộc đời, mẹ tần tảo hy sinh sức khoẻ, thời giờ và cả nhan sắc nữa để nuôi dạy tám anh chị em chúng tôi khôn lớn lên người. Có lẽ hiểu được tình thương vô ngần với biết bao nhiêu nỗi nhọc nhằn mồ hôi nước mắt của mẹ, mà các anh chị tôi đều rất ngoan thảo, chuyên cần học tập và đã có cuộc sống ổn định. Từ khi các anh chị ra ở riêng thì dường như bao yêu thương mẹ dồn cả cho tôi: Thằng út của mẹ!
Nhưng than ôi! Mẹ càng yêu thương tôi bao nhiêu thì tôi lại càng tỏ ra ương bướng, ngạo ngược bấy nhiêu. Cuộc sống ăn chơi trác tán của tôi đã làm cho mẹ phải chịu nhiều ưu phiền, nhục nhã. Từ khi bước chân vào trường đại học, xa mẹ, tôi cũng xa dần tình mẹ. Tôi a dua với đám bạn bè chơi bời lêu lổng, xao lãng việc học hành. Mẹ rất lo lắng, dù ở xa nhưng chẳng ngày nào mẹ không điện thoại hỏi tôi về cái ăn cái mặc, chuyện học hành thi cử… mẹ khuyên nhủ, động viên và nhắc nhở tôi về cách sống ở đời, về đời sống Đạo: tham dự thánh lễ, cầu nguyện hằng ngày... Tôi nghe cho qua. Nhiều lần tôi nói với mẹ:
-     “Mẹ an tâm đi. Con ổn!”
Tôi đã tự dối lòng mình và nói dối mẹ. Kỳ thực, chỉ trong một thời gian ngắn thân xác tôi đã ra tiều tuỵ sau những lần nhậu nhẹt, chơi bời thâu đêm. Lực học của tôi đã sa sút thảm hại. Tôi không thể hoàn thành được các tín chỉ của trường. Các giới răn trong Đạo “mến Chúa yêu người” tôi coi thường tất cả... Tôi không còn làm chủ được cuộc sống của mình nữa. Nhưng tôi không dám trỗi dậy làm lại cuộc đời. Tôi sống vất vưởng như bèo dạt mây trôi giữa dòng đời.
Chuông điện thoại reo. Giọng của mẹ:
- Út… Út con có…
Tôi miễn cưỡng nghe mẹ nói, vì biết trước rằng lần nào mẹ cũng chỉ lặp đi lặp lại bấy nhiêu câu: hỏi thăm, động viên, nhắn nhủ mọi lẽ Đạo đời, đôi khi còn trách móc nữa...
- Út à, mẹ nghe người ta nói con không được khoẻ và lại còn bỏ bê việc học hành có phải không con?
Như bị sát muối vào vết thương, tôi giận điên lên, quát lớn:
- Mẹ. Mẹ im đi. Mẹ ở quê thì biết cái gì chứ. Mẹ để con yên. Con lớn rồi. Mẹ khỏi lo.
Tôi hậm hực cúp máy đang khi mẹ gọi với lại:
- Út… Út… Con…
Chẳng phải vì tôi ghét mẹ đâu, hay mẹ đã làm điều gì sai trái. Thú thực, trong lòng tôi cũng có chút hối tiếc khi đã nói năng vô lễ với mẹ. Vì mẹ luôn yêu thương tôi. Tôi biết rõ điều đó chứ. Mẹ luôn quan tâm lo lắng chăm sóc cho tôi. Tôi cảm nhận rõ lắm chứ. Mẹ làm lụng vất vả, “thắt lưng buộc bụng”, chắt chiu từng đồng hàng tháng vẫn gửi lên cho tôi ăn học với mong ước duy nhất tôi sẽ có một tương lai tươi sáng. Thế mà, có bao giờ tôi biết mở miệng cám ơn mẹ. Tôi chưa hề một lần đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Đã vậy, bây giờ tôi lại tỏ thái độ “đoạn tuyệt” với mẹ. Phải chăng vì tôi đã quá tự cao, tự ái, mù quáng đua đòi, tưởng mình đã biết mọi sự, “đã lớn”, nên chẳng cần mẹ? Đã hai tuần nay, tôi sống trong sự yên ổn giả tạo. Bởi vì mẹ không còn gọi điện thoại nhắc nhở gì nữa… có lẽ mẹ đã để tôi yên hay mẹ tôn trọng sự tự do của tôi?
Reng… reng…. điện thoại reo. Mẹ lại gọi. Tôi lưỡng lự:
- Con nghe…
Nhưng lần này không phải giọng nói quen thuộc của mẹ, mà là giọng chị tôi hốt hoảng:
- Út. Mẹ ốm nặng. Em về ngay đi!
Tôi bàng hoàng chết lặng người. Sao chỉ mới có hai tuần mà mẹ đã ốm nặng đến thế? Bỗng nhiên, những Lời của Chúa truyền dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ…” (Xuất Hành 20, 12) mà tôi đã thuộc nằm lòng từ nhỏ ùa về cắn rứt lương tâm tôi. Những ký ức về mẹ như một cuộn phim tự động chiếu lại từng lời nói, hành động của mẹ và tôi sao mà trái ngược nhau quá lẽ. Mẹ sống cho tôi. Còn tôi chỉ biết sống cho riêng mình. Mẹ quan tâm săn sóc cho tôi. Còn tôi thì lại vô ơn bất hiếu với mẹ.
Tôi vội bắt xe về quê chỉ mong gặp được mẹ. Máy truyền hình trên xe văng vẳng giọng hát tha thiết truyền cảm của ca sỹ Hiền Thục: “Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con…” nước mắt tôi rưng rưng theo lời hát. Trái tim tôi đau nhói, ruột gan se thắt lại, miệng lắp bắp liên hồi: “Mẹ… Mẹ…” Tôi đi thẳng đến bệnh viện, chạy ào đến bên mẹ. Mẹ nằm bất động trên giường bệnh, khuôn mặt hốc hác, tái xanh, mẹ không nói, đôi mắt khép hờ, hơi thở nặng nề... Tôi òa khóc nghẹn ngào:
- Mẹ… Mẹ… Con sai rồi. Mẹ tha lỗi cho con!
Mắt mẹ lệ nhòa tràn ướt cả tấm ra trải giường trắng toát, mẹ kéo ghì tôi vào lòng, miệng muốn nói gì đó nhưng không thành tiếng, người khẽ gật đầu, ánh mắt và khuôn mặt bừng lên một vẻ dịu hiền, một niềm an vui khôn tả. Tôi ôm chặt lấy mẹ, nước mắt rơi lã chã thân người:
- Con cám ơn mẹ! Con yêu mẹ nhiều! Mẹ đừng bỏ con!
Tôi cảm nhận được niềm bình an tuyệt diệu đang lan toả khắp cơ thể, khi “quay về” với mẹ. Tôi cứ ôm chặt lấy mẹ như không để vuột mất, lòng thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi còn cơ hội được gặp mẹ, còn kịp nói lời xin lỗi và cám ơn mẹ, người đã cho tôi được hiện hữu và luôn yêu thương tôi trên cuộc đời này.
Những ngày sau đó tôi ở lại bên mẹ tận tâm phụng dưỡng mẹ như thể đền bù những tổn thương tôi đã gây ra cho người. Mẹ thấu biết lòng chân thành của tôi, nên người rất thanh thản và bình an, chỉ trong một thời gian ngắn bệnh tình của mẹ dần thuyên giảm và khỏi hẳn. Tôi chào tạm biệt mẹ, trở lại môi trường đại học với một niềm vui dạt dào. Tôi được biến đổi thành con người hoàn toàn mới trong cách nghĩ và cách sống tích cực. Dù sống xa mẹ nhưng lòng tôi luôn hướng về mẹ. Tôi chủ động thường xuyên điện thoại thăm mẹ, tâm sự những niềm vui nỗi buồn cùng mẹ và luôn nhận lại từ mẹ những lời an ủi, những chỉ dẫn tuyệt vời. Những kỳ nghỉ lễ, tết… tôi hào hứng được về quê gặp mẹ, tôi diễm phúc còn được nhìn thấy mẹ, gọi mẹ, chạy vào lòng mẹ, nghe mẹ to nhỏ… cái cảm giác ấy thật hạnh phúc vô bờ.
Nhìn lại chặng đường sai lầm nghiêm trọng đã trải qua, tôi kinh hoàn nhận ra mình là kẻ sống ảo, dại khờ, ích kỷ chỉ biết ăn chơi hưởng thụ vật chất trước mắt mà không biết lo nghĩ đến tương lai. Con người sống đâu chỉ nhờ vật chất, có những thứ thiêng liêng mà vật chất chẳng thể mua được: Nếu mẹ mất rồi biết tìm ở đâu? Kinh nghiệm đau đớn này giúp tôi khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn nơi bản thân để nỗ lực học hỏi, rèn luyện nên người tốt hơn. Mặt khác, giả như tôi biết khôn ngoan lắng nghe lời mẹ “chọn bạn mà chơi” thì chắc hẳn đã không có những điều đáng tiếc xảy ra…
Tuy nhiên những sai lầm trong quá khứ không trở nên vô ích, nó là bài học quý giá giúp cho tôi tỉnh ngộ để cảm nhận tình mẹ ngọt ngào, sâu sắc biết bao, nó giúp tôi biết trân quý những giá trị thiêng liêng trong cuộc đời này. Tôi nghiệm ra: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Mẹ là nguồn an ủi, nguồn sức sống, là nơi nương náu, là chỗ dựa an toàn cho những đứa con dù lúc thành công hay khi thất bại trên đường đời. Cho dù trên cuộc đời này không ai muốn yêu thương ta, mọi người đều kinh tởm, xa tránh ta thì vẫn còn đó lòng mẹ bao la, mẹ luôn dang rộng vòng tay sẵn sàng tha thứ yêu thương ta trọn đời, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm nhận:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ.
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Bạn và tôi, chúng ta đều được cha mẹ sinh ra trong đời. Tôn giáo nào cũng dạy chúng ta “thờ cha kính mẹ”. Thế nên chúng ta hãy luôn là những đứa con hiếu thảo với cha mẹ, để cha mẹ có thật nhiều niềm vui trong cuộc đời này sau khi đã suốt một đời hy sinh cho ta, để sau này ta không có gì phải hối tiếc vì đã sống bất hiếu với mẹ cha.



[1] Nguyễn Văn Yên, S.J. Những Điều Trường Lớp Không Thể Dạy, NXB Đông Phương, trang 46.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn