- Nguyễn Ninh, OP.
Và bao điều nữa ... Anh khen
Em sợ lời khen của anh
Như sợ đêm về trời tối
(Anh đừng khen em – Lâm Thị Mỹ Dạ)
Độ rày là
mùa cưới. Ở thành phố thì quanh năm chứ ở quê thì rõ lắm. Mấy
tháng rồi có muốn đi ăn cỗ cũng chịu. Chẳng mấy ai tổ chức. Nhưng
mùa gần tết này, thiên hạ đuổi nhau tổ chức đám cưới. Có khi không
xếp lịch kịp. Tuần rồi tôi có dự đám cưới một người quen. Đám cưới
ở Sài Gòn mà. Thật là xa hoa lộng lẫy. Cô dâu và chú rể khui
champagne. Hơi bốc lên ngùn ngụt. Đèn, nến, hoa cùng với ánh sáng và
âm thanh dập dồn. Họ nhìn nhau. E lệ. Môi cười rạng rỡ. Giữa cái ảo
diệu mơ thực, tôi cứ ngỡ mình đang ở một chốn bồng lai tiên cảnh nào
đó.
Có lần một
người bạn tâm sự với tôi, anh mới quen một cô bạn gái. Anh kể rằng
quen được cô là phúc phần đời anh. Anh khoe cô gái mới quen là một
người tuyệt vời trên cả tuyệt vời. Đẹp người. Đẹp nết. Chỉ mỗi một
cái khiếm khuyết “nho nhỏ” là cô có tính hay giận. Thế nhưng, cái
tính hay giận hờn vu vơ đó lại càng làm anh mê cô như điếu đổ. Với
người ngoài có thể cô sẽ hoàn hảo nếu không có cái tính hay giận
đó. Nhưng con mắt anh gật lia lịa, cô thật sự hoàn hảo.
Chuyện anh
bảo cô hoàn hảo, tôi cũng không đòi bằng chứng làm gì. Nhìn cái vẻ
hồ hởi và mấy cái gân cổ nổi lên cũng biết là anh say nắng cô ấy
rồi. Tôi chợt nhớ có lần Alain de Botton đã nói về cảm giác này
trong cuốn sách Luận về yêu của
ông: “Khao khát đã biến tôi thành một kẻ ham mê săn tìm
manh mối, một kẻ loạn óc lãng mạn, đi tìm ý nghĩa trong mọi thứ.”
Phần đông chúng ta không thích tính hay giận. Một lần rồi thôi
chứ cứ lặp đi lặp lại thì thật mệt mỏi. Ấy thế mà anh bạn lại cho
rằng đó là nét dễ thương. Nàng muốn được anh quan tâm, yêu thương.
Nàng mở ra cho anh cơ hội để anh chứng tỏ tình yêu của mình, để anh
chinh phục nàng. Nhưng thử hỏi khi chinh phục được nàng rồi liệu anh
có còn xem tính hay giận của nàng là một nét duyên, một cơ hội nữa
chăng? Hay rồi như người đời vẫn rêu rao, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu
thề?”
Lịch sử tình
yêu đã bước sang một trang mới trong những năm 1750, mà chúng ta vẫn
gọi là chủ nghĩa lãng mạn. Nó không chỉ xuất hiện trong thơ ca, văn
chương, triết học mà thực sự tràn ngập từng ngõ ngách Âu châu từ đó
cho đến nay trên toàn thế giới. Chủ nghĩa lãng mạn cổ xúy tình yêu
theo bản năng và không có một khuôn mẫu nào cả. Những người yêu nhau
tin rằng bản năng và cảm xúc mãnh liệt của tình yêu họ dành cho nhau
sẽ dẫn đường cho cuộc phiêu lưu tình ái đi đến tận cùng. Họ sẽ yêu
nhau suốt cuộc đời mà không khi nào phải đặt vấn đề thắc mắc nghi
ngờ người kia. Hôn nhân của họ sẽ luôn ngập tràn năng lượng của tình
yêu say đắm.
Chủ nghĩa
lãng mạn không chấp nhận một tình yêu thực dụng, suy tính, an bài.
Nó không muốn nghe nói về cái khiếm khuyết nơi những kẻ yêu nhau.
Tình yêu đích thực phải là tình yêu tin rằng người mình yêu là hoàn
hảo, không cần suy xét. Do vậy, nó cũng không quan tâm đến chuyện tìm
hiểu bản chất thật của đối phương. Thế nhưng đó cũng là bằng chứng
kết án tính ảo tưởng, hão huyền của nó. Sẽ có lúc, với thời gian,
người ta vỡ ra một sự thật trần trụi. Người yêu của họ không được
hoàn hảo như họ nghĩ. Cũng đầy những khiếm khuyết, tật xấu. Khi một
trong hai nói với người kia rằng, em hay anh cần thay đổi thì cuộc
tình coi như gãy đổ. Gãy đổ không thể chống đỡ được. Vì họ đã không
sẵn sàng để đón nhận điều đó.
Ngày nay với
ảnh hưởng của trào lưu lãng mạn, nào tiểu thuyết ngôn tình, nào
soái ca, hot girl, người ta nhìn cuộc sống thật lãng mạn, thậm chí
là ảo tưởng trên mạng xã hội. Người ta nhìn nhau như những cô công
chúa hay chàng hoàng tử trong truyện cổ tích. Anh là Hậu duệ mặt
trời, là Hoàng tử ếch trong mộng của em. Thế nhưng, khi hoàng tử từ
trong mộng bước ra đời thực thì em đã há miệng ra thật to, nhãn cầu
trương hết cỡ và… xỉu. “Vì em nhìn
thấy anh ban đêm nên em đã cho anh tình yêu. Nếu em nhìn thấy anh ban
ngày em đã cho anh hai xu.”
Kể từ khi trào
lưu lãng mạn xuất hiện, người ta gạt bỏ dần ý thức về tội lỗi trong
niềm tin Kitô giáo. Người ta nhìn nhau như những thiên thần không tì vết.
Họ không muốn nhìn nhận những khiếm khuyết, bất toàn nơi đối phương, để
rồi khi về sống với nhau, mộng lành tan mây và đổ vỡ. Đức tin Kitô giáo
nhìn nhận mỗi con người là một nhân vị trọn vẹn trong cái thánh
thiêng và phàm tục, trong cái tốt và cái xấu. Và hôn nhân là một ơn
gọi để chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu đó bao la rộng
lớn để có thể đón nhận một con người với tất cả tốt xấu nơi họ. “Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan,
khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau, để yêu thương và tôn trọng nhau
suốt đời.”
Chúng ta có thể đón nhận người bạn đời với những khiếm
khuyết hay những điều ngoài sức tưởng tượng xảy đến cho cuộc sống
hôn nhân không? Một tác giả cho rằng “Sự cứu rỗi trong tình yêu nằm ở chỗ vượt qua được các sai
lầm trong chủ nghĩa lãng mạn.” Khi đã không còn lý tưởng hóa
người mình yêu, không còn bị ảo tưởng về người mình yêu, về cuộc
sống hôn nhân trong tương lai, chúng ta được mở mắt để nhìn thấu sự
thật về nó và có sự chuẩn bị cần thiết để có thể sẵn sàng đón
nhận được những “sự thật trần trụi” xảy đến cho cuộc sống lứa đôi.
Giữa một
không gian hoa lệ, với những thứ sặc sỡ hào nhoáng nhất, nào hoa bông
rực rỡ, nào champagne ngọt ngào, nào kim tuyến lung linh, nào áo quần
lượt là, nào những điểm trang lộng lẫy, nào sự tán dương reo hò,
nào những lời chúc phúc, tôi tin rằng đôi uyên ương đã tìm hiểu nhau
đủ lâu..., để rồi thấu hiểu người mình yêu một cách chân thành, để sẵn
sàng cảm thông và tha thứ, để sẵn sàng đón nhận, để sẵn sàng sửa
đổi, để sẵn sàng nâng đỡ, để sẵn sàng bước vào hành trình cùng
nhau trọn đời.
Đăng nhận xét