Mầu nhiệm đau khổ trong Phật giáo nguyên thủy và Kitô giáo


Nếu Phật giáo chủ trương
con người tự thân có thể giải thoát khỏi đau khổ
bằng tám con đường đúng đắn (Bát chánh đạo),
thì Kitô giáo lại mời gọi con người thấu hiểu
và nhận ra giá trị của đau khổ trong việc liên kết với Đức Kitô,
Đấng đến giải thoát con người.
Cả hai cách thức đều có lý lẽ riêng
và đều hướng đến sự giải thoát.
Long Quân, OP.

Đau khổ là một chủ đề lớn trong các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo và Phật giáo. Trong bài viết này, chúng tôi xin được trình bày sơ lược vấn đề đau khổ trong hai tôn giáo nói trên. Bài viết gồm hai phần, phần thứ nhất trình bày thực tại đau khổ theo Tứ diệu đế của giáo lý Phật giáo nguyên thuỷ, phần thứ hai trình bày mầu nhiệm đau khổ trong Kitô giáo và chủ yếu bàn về ý nghĩa của đau khổ trong mối liên hệ với Đức Kitô, đặc biệt qua Tông thư Salvifici Doloris của Đức Gioan Phaolô II và Thông điệp Spe Salvi của Đức Bênêđíctô XVI.
I. MẦU NHIỆM ĐAU KHỔ
    TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ
Sau khi đạt đến sự giác ngộ ở Gaya, Đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 vị tôn giả nhóm Kaundinya (Kiều Trần Như) ở Sarnath (vườn Lộc Uyển). Đây được xem là một trong những bài giáo pháp quan trọng nhất của ngài. Vấn đề “đau khổ” cũng được ngài đặc biệt nhấn mạnh, nhất là trong phần giáo lý bàn về catvāry āryasatyāni (tứ diệu đế). Tứ diệu đế tiêu biểu là học thuyết trung tâm của Phật giáo. Đức Phật từng nói: “Tôi chỉ dạy về đau khổ và sự kết thúc của nó.”[1]
1. Dukkha: sự đau khổ mang tính phổ quát
Điều đầu tiên trong bốn giáo lý trung tâm này được gọi là “Dukkha”, thường được chuyển dịch là “khổ” hay “khổ đế”[2]. Tuy nhiên, đây không phải là nỗi đau về thể lý hay cảm xúc, mặc dù chắc chắn nó bao hàm những thứ đau khổ tức thì và rõ ràng như thế. Trong giáo lý Phật giáo, ý tưởng về “Dukkha” truyền đạt một thực tại hiện sinh sâu sắc hơn rất nhiều.
“Dukkha” trong tiếng Pali cổ gồm hai phần: “Du” là tiền tố từ, mang nghĩa là “tệ”, “xấu”, “không tốt”. “Kha” mang nghĩa gốc là “lỗ trục” (đặc biệt như lỗ trục bánh xe ngựa hay xe bò của người Aryan) hay “trống rỗng”, sau này thì còn có nghĩa là “bầu trời” hay “khoảng không”. Vì vậy, Dukkha có thể mang nghĩa là một bánh xe không hoạt động tốt. Đối lập với điều này là “Sukha” (hạnh phúc, vui sướng), một bánh xe vận hành trơn tru và chính xác (tiền tố “su” nghĩa là “tốt”).[3] Dukkha và Sukha cũng hai trong Sáu giới” (Six Reamls) của Phật giáo.[4]
Mọi thứ đều nhất thời, vô thường và luôn biến đổi. Vì thế, ngay cả hạnh phúc, sự vui thú, tình yêu hay những điều cao quý và đầy khao khát khác trong cuộc sống cũng chỉ là những dạng thức của đau khổ, vì chúng không kéo dài và cuối cùng cũng không thể làm thoả mãn chúng ta.[5] Không chỉ vậy, thực tế cho thấy rằng chúng ta nhất thiết sẽ gặp phải bệnh tật, phải già đi, và cũng không thể tránh khỏi những trải nghiệm của sự mất mát và suy tàn, cho nên ngay cả cuộc sống cũng là đau khổ.
Hơn nữa, chúng ta không phải là những gì mà chúng ta tin rằng chúng ta là. Ví dụ, chúng ta tin chúng ta là những cá thể đặc trưng với bản sắc riêng biệt tồn tại theo thời gian; chúng ta tin dù chúng ta có thay đổi thế nào thì vẫn chỉ là một con người được tính từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi… Phật giáo cho rằng, đó chỉ là một thứ ảo ảnh. Chúng ta chỉ là một tập hợp các hiện tượng về vật lý và tinh thần, mà mỗi hiện tượng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc rồi sau đó phát sinh các hiện tượng mới có thể kết hợp vào, nhưng vẫn khác biệt so với những gì chúng ta cho là chính bản thân mình trong khoảnh khắc tiếp theo. Không có bất kỳ dấu hiệu riêng biệt nào cho thấy trong mọi thời điểm đều chỉ là một cá thể, và cũng không có khía cạnh nào của bất kỳ ai được cho là vẫn tồn tại từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Điều này, theo giáo lý Phật giáo, là Dukkha.[6] Do đó, mọi khía cạnh của cuộc sống, ngay cả tự thân cuộc sống, đều dính líu đến đau khổ.[7] Như một học giả từng nhận định:
Trong hơn 2.000 năm qua, những người theo Phật giáo đã tuyên bố rằng, tất cả các đối tượng của sự nhận thức – mọi hiện tượng vật lý (cái bàn, mặt trời, mặt trăng) và sinh lý, cùng với mọi trạng thái tâm trí khoẻ mạnh hay đau yếu – đều đau khổ. Một trăm năm sau khi Đức Phật qua đời, các môn đồ của ngài đã lặp lại công thức: “Đây là đau khổ. Đời là bể khổ. Mọi thứ đều đau khổ.[8]
Điều này nghe có vẻ như một tiếng kêu bi quan của sự bất hạnh và vô vọng, nhưng sự thật nó không phải thế. Đối với Phật giáo, học thuyết về Dukkha như sự chẩn đoán về một căn bệnh khủng khiếp nhưng có thể chữa trị. Không được bi quan khi công nhận sự có mặt của căn bệnh nếu muốn mang lại hy vọng chữa khỏi.[9] Gánh nặng lớn nhất của con người là phải chịu đựng trong khi không biết rằng mình đang phải chịu đựng, cho nên việc tìm cách xác định hiện thực của đau khổ là một phần của việc điều trị.[10]
Cuối cùng, cần lưu ý rằng, Phật giáo dựa trên giả định cuộc sống là một chu kỳ liên tục của cái chết và sự tái sinh. Nếu mọi sự sống đều bị Dukkha làm hỏng, thì việc thoát khỏi nó có nghĩa là phá vỡ chu kỳ này. Dukkha không chỉ đơn thuần là sự đau khổ đặc trưng trong một đối tượng hay sự kiện nào, nhưng Dukkha còn thấm vào vòng tái sinh vĩnh cửu được gọi là “Samsara” (luân hồi), và không thể tách rời Dukkha khỏi vòng luân hồi này. Phật giáo không tìm cách giảm bớt hay xoá bỏ đau khổ mà con người có thể trải qua trong một vòng đời cụ thể, nhưng là tìm cách thoát khỏi chu kỳ bất tận của sống và chết trong vòng luân hồi, tiêu biểu cho sự đổi mới vĩnh viễn của Dukkha.
2. Tanha: nguồn gốc của Dukkha
Phật giáo cho rằng nguyên nhân của Dukkha là “Tanha”. Thuật ngữ “Tanha” có nghĩa đen là “khát” (thirst), trong khi hầu hết các dịch giả đều dịch là “dục vọng” (desire) hay “tham ái” (craving).[11]
Không phải chúng ta có một tập hợp các dục vọng sai lệch và việc thèm muốn những điều sai trái sẽ dẫn đến sự đau khổ của cuộc sống, nhưng chính lòng khao khát và ước mong là nguyên nhân của đau khổ, bất kể đối tượng nào.[12] Bởi lẽ tất cả mọi thứ đều nhất thời và luôn biến đổi, chẳng có điều gì chúng ta khao khát lại có thể kéo dài. Ngay cả khi chúng ta có được tất cả mọi thứ chúng ta khao khát, và ngay cả khi tất cả những khao khát của chúng ta là “tốt” hay “cao thượng”, thì chúng cũng đều kèm theo đau khổ, bất mãn và mất mát vốn có tác động mạnh hơn bất kỳ thành tựu hay niềm vui thoả thoáng qua nào mà chúng ta có thể có được.[13]
Theo Phật giáo, những dục vọng mang lại đau khổ trong cuộc đời bắt nguồn từ ảo tưởng cho rằng chúng ta là những con người khác biệt có thể hành động trong thế giới xung quanh như một sự tách biệt với chính chúng ta.[14] Nhận định ấy hoàn toàn sai lầm. Bất kỳ dục vọng hay hành động nào của ý muốn cũng nhất thiết mang lại Dukkha.[15] Ảo tưởng của chúng ta về sự hiện hữu cá nhân, cùng với thái độ không muốn xem mọi thứ như một tổng thể có liên kết với nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt hay ưu tiên nào, là căn nguyên tạo ra Dukkha vĩnh viễn trong mọi thứ ấy. Về vấn đề này, học giả Rodney Smith lý giải:
Trong việc đi tìm nguồn gốc của đau khổ, chúng tôi đã khám phá ra cái tôi được tạo nên như thế nào. Chúng tôi thấy rằng, đau khổ là do chúng ta tự áp đặt và duy trì nó vì thái độ không muốn thấu hiểu của chúng ta. Cảm thức về sự khác biệt giữa “bạn” và “tôi” được tạo nên từ việc không muốn thấu hiểu.[16]
Thực tế cho thấy, người ta có thể nắm bắt một thứ logic vốn nối kết những dục vọng, tham ái và bám chấp vào những dạng đau khổ khác nhau trong bất kỳ một đời sống nhất định nào đấy, nhưng không thể biết được những dục vọng đó trong đời sống sẽ tạo ra sự tái sinh của một vài cuộc sống mới trong tương lai như thế nào, hay chí ít cũng không thể biết được chúng sẽ đóng góp ra sao vào sự đau khổ trong cuộc sống mới ấy. Phật giáo cho rằng, cuộc sống tương lai không phải là sự tiếp nối của “bạn”, vì bạn không thực sự hiện hữu như một người khác biệt và vĩnh viễn ngay cả trong đời sống này chứ chưa nói đến đời sống kế tiếp. Giáo lý Phật giáo trả lời vấn đề này thông qua khái niệm “karma” (nghiệp).[17]
Học giả Walpola Rahula cho rằng người Tây phương đã hiểu sai về “karma”. Karma không phải là điều tốt hay xấu xảy ra cho bạn vì những gì bạn đã làm.[18] Thuật ngữ karma theo nghĩa đen là “hành động” (action hay deeds)[19] và trong Phật giáo, karma đề cập đến bất kỳ loại hành động tự nguyện nào của ý muốn. Karma là chính hành động, không phải kết quả của hành động. Phật giáo cũng cho rằng có những loại karma có tác động tích cực, lẫn những loại karma có tác động tiêu cực. Tuy nhiên, tất cả các loại karma được cho là có tác động nhân quả quy định cuộc sống tương lai.[20]
Các cuộc sống qua vòng tái sinh không phải sự nối tiếp của cùng một cá nhân nhưng được nối kết bởi một chuỗi các mối quan hệ nhân quả do những hành động nghiệp gây ra.[21] Vậy nên, tín đồ Phật giáo không tìm cách để thực hành “thiện nghiệp”, mà là không tạo ra bất kỳ nghiệp nào cả. Người phật tử không muốn tái sinh ở trạng thái tốt hơn, nhưng muốn thoát khỏi vòng luân hồi và đau khổ.[22] Mọi nghiệp đều là hành động của ý muốn, và ý muốn được khởi đi từ dục vọng. Mọi nghiệp, kể cả thiện nghiệp, cuối cùng đều có Dukkha.
3. Nirvana: kết thúc đau khổ
Giáo huấn thứ ba là con đường chỉ dẫn để thoát khỏi samsara và sự tiếp diễn của Dukkha. Nếu như dục vọng (desire) gây nên đau khổ, thì người ta có thể thoát khỏi đau khổ bằng cách đoạn tuyệt với dục vọng. Người ta có thể đoạn tuyệt với dục vọng bằng cách từ bỏ ảo tưởng về một sự hiện hữu cá nhân, riêng biệt, vốn đem lại cho ý muốn và dục vọng con người một sự biện minh nào đó.[23] Khi Tanha chấm dứt, Dukkha cũng chấm dứt.[24] Khi người ta hoàn toàn nắm bắt, giữ chặt và trao ban trọn vẹn bản thân cho sự hiểu biết như thế về thế giới, thì sẽ lĩnh hội được cõi Niết bàn (Nirvana).
Niết bàn không phải một nơi chốn, cũng chẳng phải thiên đàng, sự phục sinh hay sự sống vĩnh cửu.[25] Cho nên, không thể “đi vào” Niết Bàn.[26] Phật giáo không cho rằng Niết bàn như một sự huỷ diệt hiện hữu.[27] Học giả Walpola Rahula nhận định:
Nhiều người có ý nghĩ sai lầm khi cho rằng Nirvana là tiêu cực, và diễn tả một sự tự huỷ. Nirvana chắc chắn không có sự tự huỷ diệt nào, bởi vì Nirvana không có bản ngã để tự huỷ. Nếu có bất kỳ sự huỷ diệt nào thì đó chính là sự huỷ diệt của ảo tưởng và ý nghĩ sai lầm của bản ngã.[28]
Thuật ngữ “Nirvana” không mang nghĩ là “dập tắt” hay “huỷ diệt”, giống như ngọn lửa đang cháy bị lấy đi nguyên liệu hay không khí và sau đó nó không còn cháy nữa.[29] Tuy nhiên, những gì bị dập tắt thì không phải là cá nhân bạn, vì Phật giáo phủ nhận có bất kỳ “bạn” nào, tức bản ngã, để có thể dập tắt. Trong Quy điển Pali, một bộ suy tập các giáo huấn cổ xưa của Đức Phật, Nirvana được mô tả trong các thuật ngữ như:
-   Sự từ bỏ dục vọng và tham ái
-   Sự chấm dứt của liên tục và trở thành
-   Sự huỷ diệt khao khát
-   Sự khoát khỏi bám chấp
-   Thực tại
-   Sự thật tuyệt đối[30]
Cho nên, chính sự huỷ diệt mọi thứ làm cho chúng ta suy nghĩ về chính mình như một “bản ngã” và do đó khiến chúng ta hành động như thể chúng ta, hay người khác, hay các đối tượng khác, có căn tính riêng biệt và vĩnh cửu.[31] Đây chính là sự hiện thực hoá kinh nghiệm về sự hiện hữu như thực tế nó là; một thực tại có liên hệ với nhau, trong đó không có sự phân biệt hay mang tính nhị nguyên. Học giả Rahula nhận định:
Thật không đúng khi nói rằng Nirvana là tích cực hay tiêu cực. Ý tưởng tích cực và tiêu cực chỉ là tương đối và nằm trong địa hạt của tính nhị nguyên. Những điều này không thể được áp dụng cho Nirvana, Sự thật Tuyệt đối, vốn vượt ra ngoài tính nhị nguyên và sự tương đối.[32]
Phật giáo hiểu Nirvana như một sự thật cần được thấu hiểu. Thế giới được biết đến như một thực tại không có khác biệt hay phân chia, và do đó bản ngã riêng là điều không thể có được, cũng không có “điều” nào được khao khát hơn “điều” nào, vì nó đơn giản chỉ là cái nó là. Cho nên, sự chứng ngộ về Nirvana chỉ có thể đạt được trong một đời sống loại trừ mọi dục vọng và suy nghĩ mang tính phân biệt. Người đạt đến mức độ minh triết như thế sẽ vẫn tiếp tục sống đời sống của họ như trước đây mà không có bất kỳ dục vọng hay bám chấp nào, và cũng không phải rơi vào vòng luân hồi khi qua đời. Do đó, người ấy đạt được sự chứng ngộ hoàn toàn và sau cùng của Nirvana.[33] Đây là điểm kết thúc của sự đau khổ mà mọi giáo lý Phật giáo đều nhắm tới.
4. Đường dẫn đến Nirvana
Mặc dù không thể nói quá rằng Nirvana không phải là một nơi chốn hay bất kỳ trạng thái nào của tương lai mà Phật giáo đang tìm đến, thế nhưng giáo huấn thứ tư trong bốn giáo huấn trung tâm của Đạo Phật lại đưa ra con đường dẫn đến sự kết thúc Dukkha. Phật giáo giải thích con đường đưa đến sự giác ngộ và giải thoát này trong tám điểm, thường được gọi là “Bát chánh đạo”: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Các khía cạnh của tám con đường này vốn kết hợp với nhau và được xây dựng để tái định hình mọi mặt của suy nghĩ, cuộc sống và thế giới quan trong ba “chân lý” trước đó [khổ đế, tập đế, diệt đế], đồng thời hướng về Nirvana thông qua việc từ bỏ dục vọng và ý muốn của bản ngã. Đây là điều không thể đạt đến cách tức thời, thay vào đó, cần có thời gian để tự giác kỷ luật cách cẩn trọng, đồng thời rèn luyện cả tâm trí lẫn cơ thể. Một vài trường phái Phật giáo tin rằng có những tha lực có thể trợ giúp cho tiến trình này. Tuy nhiên, tất cả đều phải bám theo một con đường trung tâm để giải thoát khỏi Dukkha và chứng ngộ Nirvana, đó là con đường của việc tuân giữ kỷ luật đối với Bát chánh đạo mà Đức Phật đã định ra.
Tóm lại, hệ thống quan niệm về đau khổ của Phật giáo nguyên thuỷ hoàn toàn phụ thuộc vào các giả định như sau:
1.  Tất cả mọi thứ trên trần gian đều vô thường, nhất thời và chóng qua.
2.  Do đó, không ai hoặc điều gì thực sự và vĩnh viễn tồn tại qua thời gian.
3.  Không dục vọng hay ham muốn nào có thể được thoả mãn một cách lâu dài và có ý nghĩa.


II. MẦU NHIỆM ĐAU KHỔ TRONG KITÔ GIÁO
1. Thực tại đau khổ và nguyên nhân
Đau khổ và sự dữ là những thực tế hiển nhiên trong đời sống, và cũng là đề tài lớn của các tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng. Đây cũng là cơ sở để các tác giả vô thần chống lại Kitô giáo, phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tại sao người tốt lại gặp phải điều xấu? Tại sao Thiên Chúa cho phép đau khổ và sự dữ diễn ra? Đó là những câu hỏi tập trung vào niềm tin của người Kitô hữu, và cũng là thách đố lớn cho nền triết học và thần học Kitô giáo. Thế nhưng, Kitô giáo vẫn luôn tin rằng đau khổ là một yếu tố quan trọng của đức tin, như thánh Phaolô từng nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3,8-9)
Đau khổ trong tiếng Việt được chuyển dịch từ động từ Pasko trong tiếng Hylạp. Đức Gioan Phaolô II nói:
Trong từ vựng Cựu Ước, đau khổ và sự dữ như được trình bày đồng nhất với nhau. Thật thế, từ vựng ấy không có từ riêng để chỉ sự đau khổ, nên phải dùng từ sự dữ để định nghĩa mọi đau khổ. Chỉ có tiếng Hy Lạp và bản Tân Ước (cùng các bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp) dùng động từ PASKO: “tôi buồn khổ, tôi cảm thấy buồn, tôi đau khổ”. Với từ ngữ này, đau khổ không còn có thể được coi như luôn đồng nhất với sự dữ (khách quan) nữa, nhưng ám chỉ một hoàn cảnh trong đó con người phải chịu sự dữ, và do đó con người trở thành chủ thể của đau khổ. Thật ra, đau khổ có cả hai tính cách: chủ động và thụ động (Patior: chịu đau khổ). Ngay cả khi con người tự gây đau khổ cho mình, thì xét theo yếu tố siêu hình, đau khổ vẫn có tính thụ động.[34]
Ngài cũng cho rằng, theo quan điểm Kitô giáo, thực tại đau khổ được giải thích bằng sự dữ, và một cách nào đó, sự dữ này bao giờ cũng quy chiếu về một sự thiện nào đó. Người ta đau khổ vì phải chịu một sự dữ nào đó, bất kể là loại nào. Tự bản chất, hiện hữu là một thiện hảo, tức cái gì hiện hữu thì tự nó là tốt đẹp. Các thụ tạo của Thiên Chúa đều tốt đẹp, tuy nhiên sở dĩ con người phải chịu đau khổ là vì không tham dự vào sự thiện, hoặc bị tước mất hay chính bản thân mình từ chối sự thiện. Con người phải chịu đau khổ, nhất là khi đáng lẽ phải tham dự vào sự thiện ấy trong trật tự thông thường, mà lại đã không tham dự.[35]
Hình ảnh ông Gióp trong Kinh Thánh Cựu Uớc cho chúng ta một số cách lý giải về nguyên nhân của đau khổ. Chúng ta biết rằng ông Gióp là một người công chính, dù không phạm một lỗi lầm nào nhưng vẫn phải chịu nhiều đau khổ: mất hết tài sản và con cái, chính mình cũng phải mang bệnh tật ghẻ chốc đầy kinh tởm. Ba người bạn của ông Gióp là Eliphát, Bildat và Sopha, đã cho rằng đau khổ là hậu quả tất yếu của tội lỗi mà ông đã phạm trước đó. Thiên Chúa công minh và Người thấu tỏ mọi sự nên trừng phạt. Ở đây, chúng ta thấy một trong những quan niệm mang tính văn hoá đương thời rất rõ nét: đau khổ là do Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi trong quá khứ. Thiên Chúa là vị thẩm phán công minh, thưởng điều lành và trừng phạt điều dữ:
Vì trong hết mọi việc Chúa làm cho chúng con, Chúa đã xử công minh chính trực. Mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin, đường lối Chúa quả là ngay thẳng, mọi phán quyết của Ngài thật công minh. Ngài đã tuyên án theo công lý, qua mọi điều Ngài bắt chúng con phải chịu, chúng con cũng như Giê-ru-sa-lem là thành thánh của cha ông chúng con. Phải, Chúa đã phán quyết thật công minh khi bắt chúng con phải chịu mọi điều ấy, bởi vì chúng con đã phạm tội.
(Đn 3,27-28)
Tuy nhiên, quan niệm này đã bị Đức Giêsu bác bỏ. Thật khó để đi tìm nguyên nhau của đau khổ trong Kitô giáo. Cho nên, thay vì nguyên nhân, chúng ta hãy tập trung nhiều hơn về ý nghĩa của đau khổ.
2. Đức Giêsu và sự đau khổ của con người
Trong Tin Mừng, chúng ta học được 3 điều quan trọng về Đức Giêsu và sự đau khổ: 1) Đức Giêsu chống lại đau khổ và các nguyên nhân mang tính cá nhân và xã hội của đau khổ. Điều này thường được miêu tả qua việc Người chữa lành bệnh tật. 2) Đức Giêsu bát bỏ quan niệm cho rằng đau khổ là hình phạt của tội lỗi. 3) Đức Giêsu bày tỏ niềm tin vững chắc vào một Thiên Chúa đầy tình yêu, giàu lòng thương xót và là Thiên Chúa của hiện tại.
Đầu tiên, Tin Mừng Máccô mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với một người phong hủi. Bằng một cái chạm giản đơn nhưng sâu sắc, Người chữa lành anh ta, đồng thời phá vỡ mọi lề luật đương thời vốn buộc người ta phải tránh xa kẻ mắc căn bệnh này. Cử chỉ chạm vào người mắc bệnh cũng nói lên ý nghĩa bao trùm của một triều đại Thiên Chúa đang đến, một Vương Quốc không loại trừ bất kỳ ai.[36] Sự kiện này cho thấy Đức Giêsu không chỉ quan tâm đến cá nhân, mà còn quan tâm đến cả các cấu trúc xã hội đang áp bức và đè nặng trên dân.
Thứ hai, xã hội Dothái đương thời mang một não trạng vốn đã ăn sâu vào tư tưởng người dân: tin rằng hành động tốt sẽ dẫn đến phúc lành và hành động xấu sẽ dẫn đến đau khổ. Nếu một người đang mang trong mình bệnh tật hay thử thách, thì chắc hẳn người đó đã phạm tội trong quá khứ.[37] Chẳng hạn, người Dothái bị lưu vong ở Babylon là do bị Thiên Chúa trừng phạt vì họ không trung thành với các giao ước đã thiết lập. Não trạng này cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hoá và tôn giáo. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã bác bỏ nó.
Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu đã miêu tả Thiên Chúa là Đấng cho mưa trên cả người công chính lẫn kẻ bất chính (x. Mt 5,45). Tương tự, Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan chữa lành người mù và phủ nhận ý kiến cho rằng đau khổ là hình phạt cho tội lỗi (x. Ga 9,1-41, đặc biệt từ câu 2 đến câu 5).
Thứ ba, các sách Tin Mừng đều cho thấy Đức Giêsu có mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha. Việc dùng từ “Abba” để mô tả Thiên Chúa cho thấy Người muốn truyền đạt một ý nghĩ giản đơn, quen thuộc, trung thành và đầy tin tưởng.[38] Qua các dụ ngôn, chúng ta cũng có thể thoáng thấy được ý tưởng của Đức Giêsu về Thiên Chúa. Dụ ngôn Người con hoang đàng (Lc 15,11-32) [sau này được gọi lại là Người cha nhân hậu] cho chúng ta biết rất nhiều về một người cha sẵn sàng tha thứ cho con trai của mình mà không có chút cay đắng, sẵn sàng mở tiệc ăn mừng và an ủi người con cả đang bực tức. “Abba” là người cha, người mẹ đầy dịu dàng, yêu thương và tha thứ. Ngay cả khi đối diện với đau khổ và cái chết, Đức Giêsu vẫn trung thành với lời mời gọi của mình: luôn tín thác vào Thiên Chúa. Trong sự phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng xác nhận sự trung tín của Người.
Cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu làm nổi bật sự hiện diện mang tính chữa lành của một Thiên Chúa đầy tình yêu và sự sống. Tuy nhiên, đến cuối cùng, chính Người lại phải chịu một cuộc hành quyết khủng khiếp trong khi Người hoàn toàn công chính. Cái chết đầu tiên của Đức Giêsu, và sau đó là của những người khác đã thúc đẩy các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đi tìm ý nghĩa của nó. Họ tìm cách lý giải biến cố phục sinh qua nền văn hoá của mình, và qua các bản văn thánh kinh tiếng Hípri.
Một số học giả lý giải rằng, các thuật ngữ “hiến tế” và “đền tội” trong Kinh Thánh có thể hoàn toàn khác với cách hiểu của nhiều người trong chúng ta. Chẳng hạn, đối với người Dothái, máu của một con vật được hiến tế tượng trưng cho cuộc sống của con người hay cộng đồng. Đổ máu trên bàn thờ là cử chỉ tượng trưng cho sự hoà giải và kết hiệp cuộc sống với với Thiên Chúa. Sự hiến tế cho thấy con người mong muốn hoà giải và kết hiệp với Thiên Chúa.[39] Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong khi nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của sự hiến tế, hầu hết các học giả đều im lặng, vì trên thực tế, nghi lễ hiến tế vẫn chứa đựng bạo lực và cái chết, đây là những chiều kích vốn xa lạ với nhãn quan của Đức Giêsu về triều đại của Thiên Chúa.
3. Ý nghĩa của đau khổ trong mối liên hệ với Đức Kitô

v Thông điệp Salvifici doloris
Trong thông điệp Salvifici doloris, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng, những sự đau đớn về thể lý vẫn đầy dẫy trong thế giới loài vật. Tuy nhiên chỉ có con người mới ý thức được sự đau khổ của mình và tự hỏi lý do tại sao, và nếu không tìm được lý do thoả đáng thì đau khổ sẽ càng nặng nề hơn.
Trở lại với sách Gióp, chúng ta thấy rằng, trước những nhận định về nguyên nhân đau khổ của ba người bạn, ông Gióp vẫn một mực khẳng định sự công chính của mình và sẵn lòng đón nhận mọi thử thách của Chúa. Đến cuối cùng, tất cả đều phải thừa nhận: ông Gióp là người công chính. Sách Gióp là một lý chứng đủ để thấy rằng câu trả lời cho vấn nạn về ý nghĩa đau khổ không luôn nằm trong lãnh vực luân lý vốn dựa trên sự công bằng. Sở dĩ Thiên Chúa dùng sự đau khổ để thử thách ông là vì Người muốn chứng minh sự công chính của ông. Cho nên, đau khổ có tính chất thử thách.  (x. số 11)
Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh:
Để khám phá được ý nghĩa sâu xa của đau khổ theo Lời mặc khải của Thiên Chúa, phải mở rộng tâm hồn mình ra với chủ thể con người trong khả năng đa dạng của con người. Nhất là phải đón nhận ánh sáng mặc khải, bởi vì mặc khải không những diễn tả trật tự siêu việt của công lý, nhưng còn soi sáng trật tự đó bằng tình yêu, nguồn mạch căn bản nhất của mọi hiện hữu. Tình yêu cũng là nguồn mạch trọn vẹn nhất để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của đau khổ. Câu trả lời này đã được Thiên Chúa ban cho con người qua Thập Giá Đức Giêsu Kitô (số 13).
Mặc dù đã chiến thắng tội lỗi và cái chết qua biến cố tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu vẫn không loại trừ những đau khổ tạm thời trong cuộc sống trần gian này. Tuy nhiên, sự phục sinh của Người đã đem đến cho nhân loại một ánh sáng mới – ánh sáng Cứu độ, ánh sáng Tin Mừng. Ánh sáng đó nói lên rằng, dù tội lỗi có bén rễ sâu vào thế gian thế nào cũng không bao giờ thắng được tình yêu bao la của Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 3,16-17).
Và Người Con ấy đã mang lấy thân phận con người, sống với con người, chết cho con người, và đã phục sinh để mang đến một niềm hy vọng giải thoát cho những ai đang sống trong đau khổ nhưng không đánh mất lòng tin. Ý thức được sức mạnh cứu độ của đau khổ, Đức Kitô đã dấn bước tới đau khổ của mình. Người dấn bước trong sự vâng phục Chúa Cha, nhất là Người đã kết hợp với Chúa Cha trong chính tình yêu mà Chúa Cha yêu thế gian và con người nơi thế gian (x. số 15, 16).
Có thể nói, đau khổ của con người đạt tới đỉnh cao nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Trong đau khổ, nhân loại được liên kết với tình yêu, một thứ tình yêu làm nên điều thiện hảo bằng cách rút tỉa ngay từ sự dữ và khổ đau. Sự thiện hảo cao nhất, tức là ơn cứu độ thế gian, đã được thực hiện qua thập giá Đức Kitô. Thập giá ấy đã trở thành nguồn mạch tuôn trào dòng nước đem lại sự sống (x. Ga 7,37-38). Cũng nơi thập giá ấy, chúng ta tìm được lời giải đáp trọn vẹn về ý nghĩa của đau khổ (x. số 19)
Nơi Thập Giá Đức Kitô, không những ơn cứu độ được thực hiện bằng đau khổ, mà hơn nữa, chính sự đau khổ của con người cũng được cứu chuộc. Thánh Phaolô diễn tả:
 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô (1Pr 1,18-19).
Trong thư Galát, thánh nhân cũng viết: “Để cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Đức Giêsu Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa là Cha chúng ta” (Gl 1,4).
Qua sự đau khổ của bản thân, mọi người đều có thể tham dự vào sự đau khổ của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói như sau:
Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi… Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. (2Cr 4,8-11.14); “Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2Cr 1,5).
Một ý nghĩa tiếp theo của đau khổ đó là: những ai thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô thì đều trở nên xứng đáng với Nước Thiên Chúa.
“Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22);
“Chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân. Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ.” (2Cr 1,4-5);
“Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 8,18);
“Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2Cr 4,17-18).
Thánh Phêrô cũng nói như sau: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.” (1Pr 4,13)
Trong sự đau khổ, yếu đuối và trơ trụi của con người, sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ lộ, như Đức Giêsu đã quả quyết với thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2Cr 12,9).
Đau khổ còn là cơ hội để con người luyện tập nhân đức, đó là trung kiên đón nhận những phiền hà đau khổ. Khi chịu đựng như thế, con người càng thêm vững niềm trông cậy và xác tin rằng đau khổ sẽ không thể thắng được họ, không thể tước đoạt phẩm giá của họ. Càng yêu mến và cậy trông vào Chúa, con người càng tìm lại được chính mình dù trong cơn đau khổ tột cùng, tìm lại được tâm hồn mà họ tưởng là đã bị đánh mất (x. Mc 8,35; Lc 9,24; Ga 12,25) (x. số 23).
Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa đau khổ nhân loại và ơn cứu độ của Đức Kitô. Chính trong sự rộng mở đối với mọi đau khổ của con người mà Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ qua đau khổ của Người. Ơn cứu độ đang được thực hiện và phát triển như Thân Mình Đức Kitô là Giáo hội, và trong chiều kích đó, mọi đau khổ của con người, nhờ kết hiệp với Đức Kitô trong tình yêu, đều bổ túc cho sự đau khổ của Đức Kitô; đau khổ của con người bổ túc cho đau khổ của Đức Kitô, tương tự như Giáo hội bổ túc công trình cứu độ của Đức Kitô vậy. Đau khổ là một thiện hảo mà Giáo hội nghiêng mình tôn kính trong niềm tin sâu xa vào ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. số 24).
Đau khổ là điều luôn có trên hành trình bước theo Đức Giêsu. Người không hề chối bỏ sự cần thiết của đau khổ trước những ai muốn đi theo Người. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-24). Thật vậy, Người quả quyết những ai muốn làm môn đệ Người thì sẽ phải chịu nhiều bách hại. Điều này đã diễn ra không chỉ vào thời kỳ đầu của Giáo hội, mà còn kéo dài đến ngày hôm nay.


v Thông điệp Spe Salvi
Trong thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng:
Chúng ta phải làm bất cứ điều gì trong khả năng để giảm bớt đau khổ: để hết sức tránh đau khổ cho người vô tội; để làm giảm nhẹ cơn đau đớn; để giúp vượt thắng các đau khổ tinh thần (số 36).
Để làm được điều đó, chúng ta cần có niềm hy vọng. Đức Giáo hoàng đã dẫn lại những lời nói đầy hy vọng của vị thánh tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh (†1857):
Nhà tù ở đây thực sự là hình ảnh Hỏa Ngục muôn đời: thêm vào bên cạnh những đòn tra tấn dã man gồm đủ mọi cách – gông cùm, xiềng xích, đe dọa – là thù hận, trả thù, tai ương, thô bạo tục tằn, cãi vã, hành động độc ác, chửi thề, cũng như những nỗi âu lo và than khóc. Nhưng chính Chúa là Đấng đã giải thoát trẻ nhỏ khỏi lò lửa hãi hùng, đã ở với cha luôn luôn; Ngài đã giải thoát cha khỏi những khốn cùng này và làm cho chúng nên dịu ngọt, vì lòng từ bi Chúa muôn đời. Những gian truân này thường làm kinh khiếp nhiều người khác, thế nhưng với cha, nhờ ơn Chúa, cha tràn đầy niềm vui và phúc lạc, bởi vì cha không ở một mình – Đức Kitô ở với cha… (số 37)
Quả vậy, chỉ có niềm hy vọng mới có thể dẫn chúng ta qua khỏi những đau khổ ở thế giới này. Trong niềm hy vọng, đau khổ không còn chỉ là nỗi đau cá nhân riêng biệt, nhưng là đau trong Đức Kitô, vì danh Đức Kitô và vì Tin Mừng của Người. Thiên Chúa là nền tảng của niềm hy vọng, và chính Đức Giêsu bị treo trên thập giá là Đấng đã mang nhân loại đến cuộc gặp gỡ cá vị với một Thiên Chúa của hiện tại và đầy sống động. Sự gặp gỡ ấy chính là điểm thiết yếu của đời sống Kitô hữu. “Những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có tràn trề mọi loại hy vọng, thì tối hậu cũng chỉ là vô hy vọng, cũng không có một hy vọng cao cả nâng đỡ toàn bộ cuộc đời (x. Eph 2,12)(số 27). Niềm hy vọng lớn lao ấy cũng chính là chìa khoá để có thể vượt qua những thử thách trong cuộc sống, mà một trong những thử thách đó chính là sự đau khổ.
Đau khổ trong Đức Kitô thật ra cũng có những ý nghĩa của nó. Đau khổ có giá trị cứu độ, như thánh Phaolô tông đồ nói: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích của Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Ý nghĩa của đau khổ cũng sâu xa như chính con người, bởi vì, theo cách thức của mình, đau khổ vừa biểu lộ vừa vượt lên trên chiều sâu độc đáo của con người. Đau khổ dường như thuộc về siêu việt tính của con người; đó là một trong những điểm cho thấy con người, theo một nghĩa nào đó, có vận mệnh vượt trên chính mình, và được kêu gọi cách huyền nhiệm để thực hiện điều đó (số 2).
Kết luận
Nếu Phật giáo chủ trương con người tự thân có thể giải thoát khỏi đau khổ bằng tám con đường đúng đắn (Bát chánh đạo), thì Kitô giáo lại mời gọi con người thấu hiểu và nhận ra giá trị của đau khổ trong việc liên kết với Đức Kitô, Đấng đến giải thoát con người. Cả hai cách thức đều có lý lẽ riêng và đều hướng đến sự giải thoát.
Tuy vậy, đau khổ vẫn luôn là một huyền nhiệm và thuộc về mầu nhiệm con người. Quả thật có một sức mạnh đặc biệt ẩn kín trong sự đau khổ. Chính sức mạnh ấy làm cho con người vươn lên, vượt thắng bản thân và chạm đến ý nghĩa đích thực của cuộc đời họ. Các vị thánh lỗi lạc trong Giáo hội là một minh chứng rõ nét cho điều đó: thánh Augustinô, thánh Phanxicô Assisi,  thánh Inhaxiô Loyola ...
Là Kitô hữu, chúng ta không thể chối bỏ thực tại đau khổ nhưng được mời gọi thấu hiểu và nhận ra ý nghĩa đích thực của nó. Tuy nhiên, để đón nhận những đau khổ của bản thân trong sự thấu hiểu và tin tưởng thì vẫn luôn là thách đố to lớn. Thế nên, trên hành trình này, chúng ta được mời gọi không ngừng kết hợp và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng khởi sự, và là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta vượt thắng mọi đau khổ ở trần gian này để tiến về vinh quang Thiên Quốc.



[1] Rodney Smith, Stepping out of Self Deception (Shambhala Publications, 2010), tr. 44.
[2] Houston Smith và Phillip Novak, Buddhism: A Concise Introduction (HarperCollins Publishing, 2003), tr. 32.
[3] Winthrop Sargeant, The Bhagavad Gita (Suny Press, 2009), tr. 39.
[4] X. Kinh Đa Giới (Bahudhàtuka sutta) ; Thich Nhat Hanh, The Heart of the Buddha's Teaching (Broadway Books, 1998), tr. 78.
[5] Walpola Rahula, What the Buddha Taught: Revised and Expanded Edition with Texts from Suttas and Dhammapada (Grove Press, 2007), chương 2.
[6] Ibid.
[7] Keith Yandell và Harold Netland, Buddhism: A Christian Exploration and Appraisal (IVP Academic, 2009), tr. 16.
[8] Thích Nhất Hạnh, The Heart of the Buddha's Teaching (Broadway Books, 1998), tr. 20
[9] Walpola Rahula, ibid.
[10] Thich Nhat Hanh, ibid, tr. 29.
[11] Houston Smith và Phillip Novak, ibid, tr. 36.
[12] Keith Yandell và Harold Netland, ibid, tr. 16.
[13] Rodney Smith, Stepping out of Self Deception (Shambhala Publications, 2010), tr. 13.
[14] Ibid, tr. 4.
[15] Walpola Rahula, ibid, chương 3.
[16] Rodney Smith, ibid, tr. 44.
[17] Walpola Rahula, ibid, chương 3.
[18] X. Walpola Rahula, “What the Buddha Taught: Revised and Expanded Edition with Texts from Suttas and Dhammapada” (Grove Press, 2007) Kindle Edition, Chương 3.
[19] Ibid ; The Teaching of Buddha (Bukkyo Dendo Kyokai, 1966), tr. 299.
[20] Walpola Rahula, ibid, chương 3.
[21] Houston Smith và Phillip Novak, ibid, tr. 55.
[22] Walpola Rahula, chương 3.
[23] Houston Smith và Phillip Novak, ibid, tr. 37.
[24] Keith Yandell và Harold Netland, ibid, tr. 16.
[25] Ibid, tr. 22.
[26] Walpola Rahula, ibid, chương 4.
[27] Keith Yandell và Harold Netland, tr. 23.
[28] Walpola Rahula, ibid, chương 4.
[29] Houston Smith và Phillip Novak, ibid, tr. 51.
[30] Walpola Rahula, ibid, chương 4.
[31] Houston Smith và Phillip Novak, ibid, tr. 52-53.
[32] Walpola Rahula, ibid, chương 4.
[33] Keith Yandell và Harold Netland, tr. 25.
[34] Salvifici doloris, số 7.
[35] Ibid.
[36] Pheme Perkins, The Gospel of Mark, in The New Interpreter’s Bible (Nashville: Abingdon, 1995), volume 8, tr. 544–545.
[37] Daniel Harrington, Why Do We Suffer? (Franklin: Sheed and Ward, 2000), tr. 15–29.
[38] John H. Elliott, Patronage and Clientism in Early Christian Society, Forum, 3/4 (December 1987), tr. 39–48 ; Arthur J. Dewey, The Truth that Is in Jesus, The Fourth R, 16/4 (July–August 2003), tr. 7–11. Edward Schillebeeckx, Jesus: An Experiment in Christology (New York: Seabury, 1979), tr. 256–271.
[39]  Anthony J. Tambasco, A Theology of Atonement and Paul’s Vision of Christianity (Collegeville: Liturgical, 1991), tr. 65–71.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn